Dịch bệnh Corona - Tiếng vọng từ Trời cao
Thứ tư - 08/04/2020 23:53
Năm 2020 có lẽ sẽ trở thành một mốc đáng nhớ trong lịch sử nhân loại bởi những điều nó mang lại cho con người. Con số 2020, một con số đẹp, tròn trịa, gói gém trong đó biết bao kế hoạch dự định về một tương lai tốt đẹp. Nhưng ngay từ những ngày đầu tiên của năm 2020, nó đã khiến cả thế giới phải lao đao từ một loại virus có tên Corona. Chính biến cố này lại là dịp khiến con người phải nhìn lên trời cao để cúi xuống nhìn về thân phận của một kiếp người.
Xét về tình hình thế giới, các chính trị gia đưa ra các dự đoán rằng năm 2020 sẽ là năm có nhiều biến động. Cán cân quyền lực của các quốc gia, đặc biệt tại các siêu cường quốc sẽ khiến tình hình thế giới thay đổi. Các thế lực quốc gia nổi lên tại khu vực Châu Á có thể xoay trục thế giới sang một địa thế mới. Châu Âu và Châu Mỹ với các quốc gia nắm quyền như Mỹ, Anh, Đức, Nga vẫn đang lao mình vào cuộc đua tranh giành tầm ảnh hưởng bởi hàng loạt các hành động quân sự và vũ trang. Tất cả mọi bước đi hay hành động đều hướng về hai chữ “quyền lực”, lẽ đương nhiên, quốc gia nào nắm càng nhiều quyền lực, quốc gia đó sẽ trở thành kẻ thống trị thế giới này. Nhưng rồi, bỗng chốc mọi hành động phải dừng lại, thu mình vì một con virus không thể nhìn thấy bằng mắt thường. Cuộc chiến giành quyền thống trị giữa con người và con virus bắt đầu. Một cuộc chiến thực sự!
Tôi vẫn nhớ rất rất rõ, những ngày đầu tiên của Tết âm lịch. Trận mưa khủng khiếp vào đêm giao thừa và cả ngày mùng 1 đã khiến tất cả mọi người như ngỡ ngàng. Cũng là mưa như bao trận mưa khác nhưng thời điểm đổ mưa lại mang đến một bầu khí lo lắng bất an đến lạ. Người dân Châu Á có xu hướng tin vào những gì thuộc về đất trời, thuộc về vũ trụ và những điều bất thường đó xảy ra là dấu hiệu chẳng lành cho một năm mới. Và đúng như vậy, kỳ nghỉ Tết chưa hết thì khu vực Châu Á bắt đầu phải đối diện với dịch bệnh viêm phổi cấp khởi đi từ vùng Vũ Hán, Trung Quốc. Lúc đó mọi ánh mắt, mọi lời nhận xét đổ dồn về một quốc gia có sức mạnh và tầm ảnh hưởng nhất Châu Á. Dịch bệnh ập đến bất ngờ như cơn mưa đêm 30, số người nhiễm bệnh và chết tăng lên từng ngày. Ở cùng thời điểm, với nhiều quốc gia, nhiều người thì đó vẫn là chuyện của Trung quốc, một đất nước chẳng có được cảm tình nhiều của các quốc gia láng giềng vì tính phô trương sức mạnh hay vì bất cứ điều gì họ đang làm trên trường quốc tế. Sự thờ ơ vẫn còn đó cho đến khi tình hình báo động được WHO công bố khẩn cấp trên toàn thế giới. Hàn Quốc, Nhật Bản, Iran, Ý rồi đến thời điểm hiện tại là nước Mỹ hay toàn bộ khu vực Châu Âu đã khiến tất cả đều phải lặng mình trước sự ghê gớm của một con virus.
Một con virus chẳng nhìn thấy bằng mắt thường lại khiến cho cả thế giới lo lắng, run sợ. Cũng con virus ấy được tạo ra từ trí tuệ của con người lại khiến các nhà khoa học, các ý bác sĩ phải gồng mình chống trả với sự tấn công của nó. Con virus đó đã làm cho cả thế giới chao đảo vì trường học buộc phải đóng cửa, các lĩnh vực giao thương buôn bán bị ngưng trệ, các ngành dịch vụ rơi vào tình trạng đóng băng và tổn thất mà nó mang lại là không thể tính toán được, và hơn hết nó đã lấy đi mạng sống của biết bao con người. Vậy đấy, chẳng phải điều gì to lớn, chẳng phải cuộc chiến tranh quân sự hay hạt nhân nào nhưng chỉ một con virus đã khiến cho cả thế giới phải dừng lại và cùng nắm lấy tay nhau để mang lại một cuộc sống hòa bình cho tất cả người dân. Sự ngạo nghễ của con người trước quyền lực bỗng chốc phải cúi mình để thừa nhận sự yếu đuối, giới hạn bởi sự chết chẳng ai muốn thì luôn có mặt bất cứ lúc nào và sự sống vốn dĩ là điều luôn hiện hữu thì giờ đây phải dùng từng phút giây để dành giật.
Covid – 19 mang lại cho ta nhiều điều phải suy ngẫm. Nó như một cuộc thanh luyện của tất cả mọi người mang thân phận kiếp nhân sinh.
Giới hạn của con người
Đứng trước đại dịch chẳng ai dám vỗ ngực tự xưng nói rằng con virus bé nhỏ đó không thể tấn công tới mình. Cũng chẳng ai có thể kiêu ngạo để coi thường sự bé nhỏ của con virus trước một thân thể cường tráng khỏe mạnh. Ai cũng thừa nhận mình phải dùng mọi biện pháp theo hướng dẫn để phòng tránh nó. Nhà lãnh đạo của các quốc gia cùng nỗ lực, kết hợp với các nhà khoa học và các y bác sĩ để tìm ra loại vacxin tốt nhất để phòng ngừa. Khi các bệnh viện đã trở nên quá tải, khi người ta bắt buộc phải chọn lựa sự sống của những con người khác nhau thì chúng ta mới thấu hiểu được, sự sống là điều giá trị nhất mà Thiên Chúa ban cho từng người. Cũng trong cuộc chiến này, chẳng ai còn đơn lẻ nữa mà tất cả đang đi cùng với nhau, tự bảo vệ mình và bảo vệ người khác. Người ta không còn quan tâm nhiều đến các cuộc chiến tranh nóng hoặc chiến tranh lạnh nữa. Người ta cũng không quan tâm sự giàu có của mỗi quốc gia tới cỡ nào mà tất cả chỉ quan tâm đến một điều rằng mỗi ngày qua đi, có bao nhiêu người bị nhiễm, bao nhiêu người được cứu và bao nhiêu người phải xa thế giới này.
Covid -19, mỗi người chúng ta nhìn về giới hạn của chính mình, chỉ khi biết được giới hạn đó người mới khiêm tốn để ngước lên trời cao nơi có Đấng Tạo Hóa quyền năng trên mọi sự.
Đưa giá trị của con người về vị trí vốn có
Chứng kiến những trường hợp dương tính với Covid -19 tôi chợt nhận ra trong đó hội tủ tất cả các tầng lớp giai cấp, người giàu cũng như người nghèo, ở tất cả các lĩnh vực xã hội như: Bác sĩ, nhà khoa học, ngôi sao hạng A, cầu thủ nổi tiếng, những đứa trẻ khi vừa sinh ra đã được gọi là “rich kids”,….rồi đến những con người ở tầng lớp lao động phổ thông hoặc có thể thấp hơn thế. Khi con virus đến nó khiến tất cả như nhau, nhân phẩm trở về cùng ngôi vị, chẳng ai còn quan tâm mình giàu hay nghèo. Chẳng báo chí nào dám nói người nổi tiếng hay giàu thì có khả năng nhiễm bệnh ít hơn. Rồi cũng chẳng ai có thể dùng tiền để mua những loại thuốc hay những phương pháp điều trị tốt nhất. Trong phòng cách ly, tất cả như nhau và cùng nhau vượt qua cuộc chiến dành sự sống này. Đội ngũ y bác sĩ vẫn tận tâm cứu chữa cho nhiều người nhất có thể, chuyện tham nhũng hay đút lót giờ không còn thấy xuất hiện.
Covid -19, một tiếng vọng của sự bình đẳng về nhân phẩm con người, một tiếng vọng của sự tử tế bởi nghề nghiệp của những bác sĩ và nhân viên y tế và những người có trách nhiệm trong một quốc gia.
Một cuộc biến đổi và trở về
Đại dịch khiến tôi nhớ lại hình người con hoang đàng trong dụ ngôn Người cha nhân hậu trong Tin Mừng Luca. Có lẽ sẽ chẳng có cuộc trở về nào nếu người con thứ không gặp nạn dịch và đói kém xảy ra khiến cho anh chẳng còn một chỗ để đi. Anh chẳng còn sự lựa chọn nào khác là quay về, quay về để được sống sót qua nạn đói. Nhưng anh chẳng thể biết trước được sự trở về đó đã khiến anh trở thành một con người mới, cha anh đã trao lại cho anh nhân phẩm vốn có để giờ đây anh không còn phải lang thang hay vô định trong hướng đi đời mình.
Thiên Chúa thường lên tiếng qua các biến cố bởi con người dễ bị chai lì hoặc phớt lờ lời mời gọi khi mọi thứ quá đỗi bình yên. Tình trạng của mỗi người thường được nhận thức khi va phải sóng gió trên đường đời. Thiên Chúa không bao giờ muốn để con cái mình đau khổ nhưng Ngài luôn biết điều gì tốt nhất cho con cái của Người. Đại dịch xảy ra, giúp chúng ta nhận ra tình trạng của chính mình để đưa ra quyết định cho một sự trở về. Mùa Chay Thánh năm nay có nhiều điều khiến chúng ta suy nghĩ hơn, thánh lễ ngắn gọn hơn với những chiếc khẩu trang, những cuộc nguyện ngắm cộng đoàn được hạn chế. Việc xưng tội, cũng chẳng còn được diễn ra một cách bình thường như mọi Mùa Chay khác và thay vào đó là việc lãnh nhân Bí tích Giao Hòa chung. Chúng ta được mời mọi trở về tận căn của cõi lòng, dành nhiều giờ hơn để thưa chuyện thân mật riêng tư với Chúa. Việc phải tự cách ly trong nhà, khiến cuộc sống của chúng ta bớt ồn ào và xáo động, chúng ta có nhiều giờ hơn để thinh lặng với chính mình trong cuộc chất vấn suy nghĩ và hành động trong Mùa Chay. Chúng ta đã có cơ hội biến chính căn nhà mình thành một ngôi thánh đường, thành một cộng đoàn thu nhỏ qua việc tham dự Thánh lễ trực tuyến. Chẳng thể đến nhà thờ một cách bình thường, chúng ta thấy trong mình khơi dậy sự khát khao một điều vốn dĩ hết sức bình thường là được đến là thánh đường tham dự Thánh lễ cùng cộng đoàn.
Thiên Chúa đang cần một cuộc trở về của tôi trong chính Mùa Chay Thánh này. Đại dịch đáng sợ vì nó có thể lấy đi mạng sống của con người nhưng điều đáng sợ hơn khi con người đang cố gắng loại trừ sự hiện diện của Thiên Chúa ra khỏi thế giới này. Loại trừ Thiên Chúa đồng nghĩa với việc tạo ra một con đường để sự chết đi vào và thống trị thế giới.
Năm 2020 sẽ được các thế hệ sau này nhắc lại như một dấu ấn đặc biệt của sự mất mát và đi tìm. Sự mất mát về thể lý để khởi đi một cuộc đi tìm về chính những gì thuộc về tận căn của con người, nơi đó có Thiên Chúa là Cha và là Đấng thống trị trên mọi loài. Laterano