Năm mới, người ta thường có dịp lắng lòng, hồi tưởng về những được mất, những chuyện đổi thay… Nhìn lại - suy cho cùng - là để chuẩn bị kỹ hơn cho một hành trình dài phía trước. Mời bạn đọc cùng Báo Công giáo và Dân tộc tìm hiểu khẩu hiệu của một số vị Giám mục và lắng nghe nỗi thao thức của các ngài…
1.
Ðức Hồng y GB Phạm Minh Mẫn, nguyên Tổng Giám mục TGP TPHCM: Trước một nhiệm vụ quan trọng, điều đầu tiên tôi làm là cầu nguyện, xin Chúa Thánh Thần soi sáng. Chính Ngài đã giúp tôi vượt qua những hoàn cảnh khó khăn và luôn sống trọn vẹn với khẩu hiệu Giám mục mà mình đã chọn: “Như Thầy yêu thương”. Ðây cũng là điều tôi luôn nhấn mạnh với các linh mục tại những giáo phận mà mình từng coi sóc. Thiên Chúa dạy chúng ta yêu thương nhau và đối thoại trong yêu thương. Khi về coi xứ, các vị mục tử cần xây dựng được sự hiệp thông, phải làm cho Chúa hiện diện giữa Dân Người bằng tình yêu. Suốt hơn 25 năm Giám mục đã qua, tôi luôn cố gắng sống tinh thần này là yêu thương tất cả mọi người, không phân biệt ai cũng không loại trừ một ai. Yêu thương như chính Chúa yêu thương con người. Chúa xuống làm người và chịu chết để cứu độ chúng ta, vì vậy là con cái Ngài nên chúng ta cũng yêu thương nhau.
2.
Ðức cha GB Bùi Tuần, nguyên Giám mục giáo phận Long Xuyên: Trước khi được tấn phong ngày 30 tháng 4 năm 1975, khi được thông báo mình được mời gọi nhận sứ vụ Giám mục, tôi nhớ trong bữa tiệc ly, Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ của Người rằng: “Thầy trao ban cho anh em một giới răn mới, là anh em hãy yêu thương nhau, như Thầy yêu thương anh em” (Ga 13, 34). Có thể là tình hình thời điểm đó rất phức tạp, nên chính Chúa đã soi cho tôi chọn câu “Giới Luật yêu thương” trích từ đoạn Lời Chúa trên đây làm khẩu hiệu, để ơn gọi Giám mục của tôi có phương hướng rõ ràng và chắc chắn. Tôi đã sống theo hướng đó. Bây giờ, nhìn lại ơn gọi, tôi thấy yêu thương là một chuyến đi. Tôi đi từ ngày này sang ngày khác, với niềm khao khát góp được phần nào trong việc xây dựng yêu thương cho những nơi tôi phục vụ.
3.
Ðức cha Antôn Vũ Huy Chương, Giám mục giáo phận Ðà Lạt: Ngày 5.8.2003, tôi được Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II bổ nhiệm làm Giám mục giáo phận Hưng Hóa ở miền Bắc. Lúc đó tôi đang phục vụ tại Ðại Chủng viện Thánh Quí ở Cần Thơ - miền Nam. Tuy được sinh ra ở miền Bắc nhưng từ 10 tuổi đã sống tại miền Nam, nên khi được bổ nhiệm làm Giám mục Hưng Hóa, tôi cảm thấy mình lo âu và rồi đã Xin vâng theo ý Chúa nhiệm mầu. Lúc đó tôi hay nói vui rằng mình muốn noi gương Ðức Maria, tuy “không biết người Bắc” nhưng “xin vâng” như xưa kia Ðức Maria tuy “không biết người… nam” nhưng đã thưa “xin vâng” khi nghe sứ thần nói “Thánh Thần Chúa sẽ ngự xuống trên Bà”. Dịp đó, cha Khuất Duy Linh SJ đã làm một CD thánh ca để kỷ niệm ngày tôi được truyền chức giám mục tại Sơn Tây, ngày đầu tháng Ðức Mẹ, và đề nghị tôi viết lời để nhạc sĩ Trầm Hương phổ nhạc: “Huyền nhiệm thay, ôi huyền nhiệm thay! Con biết con hèn yếu xưa nay. Con biết Chúa tình yêu chung thủy. Ý nhiệm mầu tôi tớ xin vâng”. Tôi đã cố gắng sống như 2 tiểu khúc của bài ca: “Con xin vâng như Mẹ dạy con. Vâng lúc vui, vâng khi sáng tới. Vâng lúc thương như vâng khi mừng. Trọn cuộc đời theo Ðức Kitô; Con xin vâng như mẹ đã vâng. Vâng như Mẹ ngày truyền tin ấy. Vâng như Mẹ dưới chân thập tự. Vâng suốt đời hy lễ đời con”. Trong quá trình thực hành mục vụ, thành công hay thất bại, gặp thuận lợi hay khó khăn, tôi luôn phó thác cho Chúa, xin vâng trong mọi hoàn cảnh. Nhìn lại hơn 15 năm giám mục mình đã trải qua, tôi cảm nghiệm sâu xa rằng Thiên Chúa đã yêu thương tôi bằng một “tình yêu chung thủy”, đúng là “muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương”. Xin dâng lời cảm tạ và tiếp tục xin vâng!
4.
Ðức cha Anphong Nguyễn Hữu Long, Giám mục giáo phận Vinh: Năm 2013, khi được tấn phong Giám mục, tôi đã chọn cho mình châm ngôn Mang vào mình mùi chiên. Ðây không phải là một câu Kinh Thánh như các giám mục quen chọn nhưng mang đầy chất Kinh Thánh. Câu này rút ra từ bài giảng của ÐTC Phanxicô dịp Lễ Dầu năm 2013. Ngài khuyên các mục tử phải có mùi chiên nơi mình. Lời khuyên của ngài thật chí lý. Mang vào mình mùi chiên ngụ ý sự gần gũi thắm thiết giữa mục tử và chiên. Mục tử suốt ngày ở bên cạnh chiên, có khi ôm chiên vào lòng, vác chiên lên vai, thì hẳn nhiên ám mùi chiên. Hiểu theo nghĩa bóng là nhận lấy niềm vui nỗi buồn của mọi người như của mình. Bất luận hạnh phúc hay bất hạnh, ân sủng hay tội lỗi, điều tốt hay điều xấu của mọi người và mỗi người, tôi đều nhận vào mình để cảm thông, chia sẻ, đồng hóa, gần gũi với họ. Tôi lại luận thêm Chúa Giêsu cũng là chiên, Ngài là “Chiên Thiên Chúa”, nên trước hết tôi phải mang mùi Chiên Thiên Chúa vào mình, nơi Ngài chỉ có mùi thơm không có mùi thối, chỉ có ân sủng chứ không có tội lỗi, chỉ có điều tốt chứ không có điều xấu. Sứ vụ giám mục do đó là sứ vụ tương tác, mang mùi của anh em đến với Chúa, và mang mùi của Chúa Giêsu đến với anh em. Suốt ngần ấy năm qua tôi cố gắng sống châm ngôn mình chọn bằng việc đến với mọi người, từ người kinh ở đồng bằng và trung du, đến người dân tộc thiểu số H’mông, Tày, Thái, Dao… ở thượng du. Tôi cố gắng quan sát, lắng nghe, đồng cảm với niềm vui nỗi buồn, lo âu phiền muộn trong đời sống vật chất, tinh thần và tâm linh của họ, để cầu nguyện, chia sẻ, nâng đỡ họ trong cuộc sống. Mỗi lần đến với anh em, tôi ý thức mình mang Chúa Giêsu và ân sủng, tình yêu của Ngài đến với họ để rồi chúng tôi cùng đến với Chúa. Tôi cũng cảm nhận mình được anh chị em đón nhận vào cuộc sống đạo đời của họ. Thật an ủi và vui mừng cho tất cả!
5.
Ðức cha Giuse Ðỗ Mạnh Hùng, Giám quản Tông tòa TGP TPHCM: Với khẩu hiệu Hợp nhất trong đức tin, đường hướng mục vụ mà tôi hướng đến là cùng với mọi người xây dựng giáo phận. Trong đó, mỗi người có một sứ vụ, một ơn riêng, một khả năng riêng. Khi đức tin của tôi vào Ðức Kitô càng mạnh, sự nhận biết Chúa Kitô càng sâu sắc, thì tôi sẽ dễ dàng hợp nhất, cộng tác với mọi người để xây dựng giáo phận. Trong thời gian qua, tôi đã có những cơ hội cụ thể để sống khẩu hiệu giám mục với 3 yếu tố như vừa nói. Trong nhiệm vụ là Giám mục Phụ tá, rồi Giám quản Tông tòa, đồng thời là chủ tịch Ủy Ban Di Dân trực thuộc HÐGMVN, tôi cảm nhận sâu xa cần có sự cộng tác của mọi người mới có thể chu toàn nhiệm vụ xây dựng giáo phận ổn định và phát triển, vì bối cảnh thành phố này hết sức đa dạng. Trước những nhu cầu mênh mông và phong phú này, để chăm lo đời sống tâm linh cho người giáo dân, để sống Tin Mừng yêu thương đối với mọi người, cả những người không Công giáo, nhất là với những người đau khổ, những bệnh nhân và người nghèo, để loan báo Tin Mừng cho hơn 12 triệu dân chưa biết Chúa…, cần sự cộng tác của mọi người, của mọi thành phần Dân Chúa (linh mục, giáo dân), của các Dòng tu, của 30 Phong trào Tông đồ Giáo dân, các Tổ chức Giáo hội trên thế giới và của chính quyền thành phố. Ðể có thể cộng tác được với nhau, cần phải biết và tôn trọng những sứ vụ riêng, những đặc sủng riêng của các hội dòng, của các phong trào tông đồ…, đồng thời cũng phải tôn trọng những tài năng riêng và cá tính khác biệt của từng người. Ý thức được sự cần thiết phải cộng tác của mọi thành phần, tiếp đến phải gặp gỡ để biết cuối cùng là cộng tác với những hành động cụ thể; điều này đòi phải từ bỏ một số ý riêng của mình để đón nhận sự khác biệt của người cộng tác. Bởi vì, từ bỏ điều mình thích để có thể đón nhận sự khác biệt của người khác không phải dễ dàng, vì đây là hy sinh, là thập giá. Nói cách khác, tôi cần gắn bó với Chúa Kitô, có được tâm tình và cái nhìn của Chúa Kitô. Người có tầm nhìn xa, tầm nhìn tốt, đó là người có tầm nhìn từ trên cao, không bị điều gì cản trở. Ðó là cái nhìn từ trên cao thập giá của Chúa Kitô. Một cái nhìn tràn đầy yêu thương, tha thứ, vượt qua tất cả những thành kiến, hận thù, ích kỷ… Tới đây, tôi muốn lập lại xác tín của tôi khi chọn khẩu hiệu giám mục, đó là khi đức tin của tôi vào Ðức Kitô càng mạnh, sự nhận biết Chúa Kitô càng sâu sắc, thì tôi sẽ dễ dàng hợp nhất, cộng tác với mọi người để xây dựng giáo phận.
6.
Ðức cha Giuse Trần Văn Toản, Giám mục Phó giáo phận Long Xuyên: Ngày 5.4.2014, Tòa Thánh công bố việc tôi được bổ nhiệm là giám mục Phụ tá của Ðức cha Chánh Giuse Trần Xuân Tiếu. Khẩu hiệu cho đời sống và tác vụ mà tôi chọn là Vinh Dự của Tôi là Thập Giá Ðức Kitô (Gal 6, 14). Trước hết, tôi chọn khẩu hiệu này để tiếp tục cuộc hành trình của người môn đệ bước theo Thầy Giêsu với điều kiện tiên quyết: “Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác Thập Giá mình hằng ngày mà theo Ta”, (Mt 16, 24). Sống khẩu hiệu giám mục của mình, tôi ngày càng ý thức và có cảm nghiệm hơn về cách sống tự hủy trong mầu nhiệm Chúa Kitô là điều kiện không thể thiếu được để đi trọn con đường bước theo thầy Giêsu phục vụ tha nhân trong vui tươi và hy vọng. Ðối với tôi, ơn gọi linh mục và nay giám mục là một hồng ân. Và thi hành tác vụ là một cơ hội để tôi trả món nợ tình yêu, tình yêu từ Chúa và từ mọi người, cách đặc biệt là đối với giáo phận Long Xuyên. Với gần 5 năm giám mục, tôi có một cảm nghiệm về câu khẩu hiệu giám mục của tôi: Thánh Giá của tôi, mà cũng từ đó mà có Vinh Quang cho đời sống và tác vụ giám mục của tôi, là Cộng Ðoàn Dân Thiên Chúa. Vì thế, để tìm ý nghĩa cho khẩu hiệu giám mục của mình, đặc biệt là từ khi được bổ nhiệm là giám mục Phó ngày 25.8.2017, tôi nhờ vào ý nghĩa của ba khẩu hiệu giám mục từ ba vị giám mục trước tôi trong giáo phận, và lấy đó là động lực thúc đẩy tôi sống khẩu hiệu giám mục của mình nhằm phục vụ cộng đoàn.
Trước hết là khẩu hiệu “Chúa Kitô trong anh chị em - Christus in Vobis” của vị giám mục tiên khởi của Long Xuyên là Ðức cha Micae Nguyễn Khắc Ngữ (+2009). Khẩu hiệu này nhắc nhở tôi là, với cây thập giá của đời giám mục, tôi đến gặp Chúa Kitô đang vác thánh giá trong cuộc đời của anh chị em mình, để cùng nhau là hiện thân của Chúa Kitô đang bước đi trong thế giới hôm nay với cây Thập Giá trên vai.
Vị giám mục kế nhiệm là Ðức cha Gioan Baotixita Bùi Tuần với khẩu hiệu “Giới Răn Mới - Mandatum Novum”. Cuộc đời này, đặc biệt là đời sống và tác vụ giám mục của tôi, luôn được mời gọi đồng hành với Dân Chúa Long Xuyên để sống giới luật yêu thương cho nhau và cùng nhau cho mọi người, noi gương Chúa đã chết trên thập giá để bày tỏ “tình yêu cao độ nhất của người dám liều mạng sống vì người minh yêu”.
Và vị giám mục Chánh tòa đương nhiệm Giuse Trần Xuân Tiếu với khẩu hiệu “Xin cho chúng nên một - Ut Sint Unum”. Sống mầu nhiệm Vượt Qua - Thập Giá và Phục Sinh - của Ðức Kitô, là điều kiện để xây dựng sự hiệp thông trọn vẹn với Ðức Kitô và với nhiệm thể của Người là Hội Thánh Long Xuyên. Khi đọc kinh Lạy Cha trong thánh lễ, tôi luôn nhắc nhở mình về sứ vụ xây dựng cộng đoàn với hình hài của Chúa Chuộc Tội trên Thập Giá. Khi đọc kinh Lạy Cha, tôi đứng thẳng trên nền đất, đầu hướng về trời cao, tay giang ra tạo nên hình dáng của Chúa Giêsu chịu đóng đinh vào Thánh Giá, ở đó, tôi cầu nguyện với cộng đoàn. Cùng với cộng đoàn, tôi ý thức về căn tính của cộng đoàn là con của Cha trên Trời, và vì là con cùng Cha, nên tất cả là anh chị em với nhau. Tôi ý thức về sứ vụ của tôi là làm cho “Danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến, Ý Cha thể hiện”. Ở đó, tôi cũng ý thức về cách sống của tôi cùng với anh chị em là sống phó thác “xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày”, là sống tha thứ “như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con”, sống khiêm tốn “xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ”, và sống thức tỉnh “nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ”, (Mt 5, 9-13).
Hùng Luân (cgvdt.vn)
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn