Đối diện với sự thật, một vấn đề luôn khó đối với bản tính tự nhiên của con người, nhất là khi sự thật ấy làm cho người ta cảm thấy đau đớn, chua chát, mất mát và xấu hổ, chúng ta cần sự can đảm và đôi khi cần ra khỏi chính mình. Tuy nhiên, khi có đủ can đảm để đối diện với sự thật và sống theo sự thật, con người sẽ cảm thấy mình được giải thoát và được tự do: “sự thật sẽ giải thoát anh em” (Ga 8,32).
Trong thông điệp Đức Tin và Lý Trí, Đức Giáo hoàng Benedicto XVI, khi còn là hồng y đứng đầu bộ Giáo lý đức tin đã khẳng định: “Vấn đề lớn nhất của thời đại chúng ta là chủ nghĩa tương đối. Những người theo chủ nghĩa này cho rằng không có chân lý tuyệt đối và phổ quát cho hết mọi người, và nếu có đi nữa thì con người cũng không thể đạt tới được”[1].
Quả thực, khi nhìn vào thực tế cuộc sống của con người thời đại tại Việt Nam, hình như người ta cố tình quên đi và lẩn tránh để khỏi phải lưu tâm đến chân lý tuyệt đối và khách quan, người ta chỉ đề cập đến một thứ chân lý “vừa tầm” với mình, nghĩa là hoàn toàn tương đối và con người là thước đo mọi sự, nhất là những năm gần đây, hiện tượng tương đối hóa được xem là phổ biến trong mọi lãnh vực, kể cả chiều kích thiêng liêng. Con người gần như đem Chân lý đồng hóa với ý kiến (đa số là đúng).
Thế nhưng, thực tế lại cho thấy từ sâu thẳm tâm hồn, con người luôn khát vọng tìm kiếm Chân lý[2], và cuộc đời con người là những chuỗi ngày khắc khoải những gì liên quan tới ý nghĩa của đời mình: Tôi là ai? Tôi từ đâu tới và đi về đâu? Tại sao có đau khổ? Làm sao để có hạnh phúc thật và đâu là ý nghĩa cuối cùng của kiếp người? Vì thế, cuộc sống thật vô nghĩa, nếu con người không gặp được nguồn Chân lý mặc khải nơi Đức Kitô “Ta là đường, là sự thật và là sự sống” (Ga14,6)[3].
Trong huấn thị Xuất phát Lại Từ Đức Kitô, Thánh bộ Đời Sống Thánh Hiến và Hiệp Hội Tông Đồ đã xác định người sống đời thánh hiến không nhằm tìm kiếm sự tôn vinh và tán dương của con người, nhưng được đền đáp bằng niềm vui và hạnh phúc khi xả thân không sợ mệt mỏi vì Nước Thiên Chúa. Họ như hạt giống đang âm thầm lớn lên và phần thưởng họ chờ đợi không gì khác ngoài phần thưởng họ chờ đợi trong ngày sau hết[4]. Trong khi chờ đợi phần thưởng Thiên Chúa hứa ban, người thánh hiến không ngừng tìm kiếm chân lý đang ẩn giấu trong cuộc sống hằng ngày. Cuộc sống đó chất chứa bao biến cố vui buồn, khổ đau, bệnh tật và thử thách… Khi họ khám phá ra chân lý nơi thực tại cuộc sống đó, họ sẽ gặp ngay Đức Giêsu: “Ta là đường, là sự thật và là sự sống” (Ga14,6)[5]. Thử hỏi ai trong cuộc đời không một lần đau thương, ai không một lần bị thử thách. Nhưng chân lý chỉ tìm thấy nơi những ai dám hòa trộn mọi biến cố đau thương ấy với biến cố khổ đau của Đức Kitô[6], mặc dầu những biến cố đau thương có lúc đi vào tuyệt vọng như tiếng kêu của Đức Kitô trên thập giá: “Sao Ngài bỏ con” (Mc 15,34), nhưng Ngài đã tìm thấy chân lý bằng một lòng phó thác: “Con phó linh hồn trong tay Cha”, thấy đời dâng hiến là ánh sáng, là niềm vui, là lý tưởng để bước theo, trong khi biết bao chân lý tạm thời trong cuộc sống đầy hấp dẫn và có sức quyến rũ người tu sĩ chạy theo, đang làm lu mờ cuộc sống và trệch hướng mục đích của căn tính đời tu.
Có thể nói cuộc sống có nhiều con đường để đi, nhưng chỉ một con đường duy nhất đưa ta đến hạnh phúc đích thực. Đó là con đường của Đức Kitô và chỉ có Ngài mới là con đường dẫn tới chân lý. Con đường ấy vừa nhỏ hẹp lại vừa khó đi vì người ta sợ hy sinh, sợ mất mát, sợ thiệt thòi, nhưng con đường đó lại thích hợp cho những tâm hồn can đảm, dám từ bỏ tất cả để đổi lấy Chân lý vì họ đã chuẩn bị hành trang: “Lấy chân lý làm dây thắt lưng, lấy sự công chính làm áo giáp che thân, giày đi là lòng nhiệt thành, thuẫn trong tay là đức tin của mình để dập tắt mọi tên lửa của ác thần, mũ chiến đội đầu là ơn cứu độ, gươm giáo sắc bén là Lời Chúa để bảo vệ bản thân, luôn thức tỉnh cầu nguyện là thái độ của người chiến sĩ Chúa Kitô”. Khi đi trên đường Đức Kitô đã đi với hành trang đó, ta sẽ tìm gặp chân lý từ những gì mộc mạc, giản dị, bình thường của cuộc sống đời thường, đồng thời nhận ra Đấng Tuyệt Đối trong chiều sâu thẳm của tâm hồn mình.
[1] ĐGH Gioan Phaolo II, Thông điệp Đức tin và Lý trí, lời dẫn, tr.10-11
[2] ĐGH Gioan Phaolo II, Thông điệp Đức tin và Lý trí, số 3,25,28,33
[3] ĐGH Benedicto XVI, Thông điệp Caritas in Veritate, số 1-3.
[4] X. Huấn thị Xuất phát lại từ Đức Kitô, số 13
[5] X. ĐGH Benedicto XVI, Spe Salvi, 39
[6] X. Huấn thị Xuất phát lại từ Đức Kitô, số 23
Tác giả bài viết: Hoa cát
Nguồn tin: gpbuichu.org
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn