Cuộc sống là một chuỗi những tương quan. Con người có tìm gặp lại bản thân và có được hạnh phúc hay không là tùy thuộc vào những mối tương quan này hài hòa hay không. Xét cho cùng, cái tôi ích kỷ là nguyên nhân cắt đứt các tương quan đó và tự hủy chính mình. Không ai trở thành người thực thụ nếu cứ giam mình trong cái tôi ích kỷ. Con người cần vượt ra khỏi cái tôi đó, cần phải nhận thức những liên hệ của mình với tha nhân và với vũ trụ. Một cuộc sống xứng với phẩm giá con người là một cuộc sống có trách nhiệm, luôn nhận thấy hành động của mình liên quan đến người khác. Suy tôn cái tôi tuyệt đối, khẳng định cái tôi đến nỗi phủ định người khác, đó là sự ác (il male). Vì vậy, khi tôi phủ định người khác là cách nào đó tôi phủ định Thiên Chúa. Tôi cũng không thể nhìn nhận Thiên Chúa nếu từ bỏ anh em: “Nếu ai nói tôi yêu mến Thiên Chúa mà lại ghét anh em mình thì đó là kẻ nói dối. Vì nếu ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy” (1Ga 4,20).
Yêu là mở ra (ouverture). Ở một góc nhìn giới hạn, mở ra là cái nền của đạo đức, cũng như khép kín là cái nền của sự tội. Vì thế, tội lỗi dường như bởi vị kỷ, bởi tìm mình.
Đặt ý muốn của tôi vào ý muốn của Thiên Chúa là cả một cuộc chiến gay go. Từ bỏ cái tôi ích kỷ là cả một quá trình lột xác, như con sâu muốn hóa bướm thì phải lột xác mới có thể bay vào bầu trời trong xanh vô tận. Mở ra, đó là điều kiện để trưởng thành, chẳng những về mặt luân lý mà còn về mặt tâm lý nữa. Quả thật, không thể có trưởng thành và quân bình tâm lý nếu không mở cửa đón nhận kẻ khác. Với người Kitô hữu, việc tiếp nhận không nằm ngoài quy luật vượt qua: chết đi và phục sinh. Xét cho cùng, đón nhận là chấp nhận một số từ bỏ, hy sinh, là vượt qua một số cái chết của chính mình để cho sự sống có thể nảy mầm.
Nếu sự từ bỏ không làm nảy sinh một đời sống cao quý hơn, thì ý nghĩa của hy sinh cần được lượng giá lại một cách đúng đắn hơn nữa. Những đòi hỏi của thái độ tiếp nhận theo Kitô giáo hội tụ trong lời khuyên bảo của thánh Phaolô gửi tín hữu Rôma: “Hãy chúc lành cho những người bắt bớ anh em, chúc lành chớ đừng nguyền rủa. Vui với người vui, khóc với người khóc. Hãy đồng tâm nhất trí với nhau, đừng tự cao tự đại, nhưng ham thích những gì hèn mọn. Anh em đừng cho mình là khôn ngoan, đừng lấy ác báo ác, hãy chú tâm vào những điều mà mọi người cho là tốt. Hãy làm tất cả những gì anh em có thể làm được để sống hòa thuận với mọi người,…Đừng để cho sự ác thắng được mình, nhưng hãy lấy thiện mà thắng ác” (Rm 12, 14-21).
Sự khép kín con mắt, khép kín tấm lòng làm cho con người trở nên èo uột, mất cân bằng tâm lý. Thánh Phaolô đã bộc bạch: “Thật vậy, tôi làm gì tôi cũng chẳng hiểu. Vì điều tôi muốn thì tôi không làm, nhưng điều tôi không muốn thì tôi lại cứ làm” (Rm7,15). Tôi đã ý thức rõ điều mà tôi ghét, nhưng tôi vẫn hành động. Điều tôi muốn và điều tôi ghét luôn đối kháng, luôn mâu thuẫn trong cuộc sống hằng ngày.
Hãy cố gắng trở về với bản thân, biết mình để đi đến biết người, tạo nên sự hài hòa giữa “tôi và chúng ta”. Thánh Augustinô đã nguyện xin cho mình biết Chúa và biết bản thân. Nhưng có lẽ mỗi chúng ta cũng nên xin Chúa cho chúng ta biết thêm về tha nhân để ta dám sống cho người khác như là chính Chúa. Hơn nữa, đó cũng chính là một sự hài hòa trong đời sống thiêng liêng, là sự thăng hoa của một niềm tin sống động và là nghệ thuật sống đẹp của con người đi tìm Đấng tuyệt đối: Chân – Thiện – Mỹ.
Tác giả bài viết: Nữ tu năm II, Học Viện Thánh Têrêsa
Nguồn tin: gpbuichu.org
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn