Thánh Giuse đã chứng kiến Đức Giêsu lớn lên ngày qua ngày “thêm khôn ngoan, thêm vóc dáng và thêm ân nghĩa trước nhan Thiên Chúa và trước mặt người ta” (Lc 2, 52), trong thời gian sống ẩn dật của Người. Bởi vì, Khi trở nên một người ở giữa chúng ta, Ngài đã đảm nhận điều căn bản nhất làm nên thân phận con người, đó là thời gian, là lớn lên theo thời gian, như một triết gia đã nói : « Con người không thể tránh né được thời gian » – « L’homme ne peut être à l’abri du temps ».
Vì thế, cách đặc biệt trong mùa phụng vụ Giáng Sinh, chúng ta được mời gọi chiêm ngắm và cảm nếm sự gần gũi với Đức Giê-su, Ngôi Lời nhập thể đang lớn lên theo thời gian ; Đấng, ngang qua đời sống ẩn dật, cư ngụ trong từng chi tiết nhỏ nhặt của cõi nhân sinh. Chúng ta hãy học chiêm ngắm Đức Giê-su cùng với Thánh Giuse trong đời sống thường ngày, vì thánh Giuse cùng với Đức Maria là những người đầu tiên và một cách tuyệt hảo nhất biết nâng niu từng chi tiết và một cách trọn vẹn mầu nhiệm Đức Giê-su Ki-tô, Ngôi Lời Nhập Thể (có thể đọc bài “Đời Sống Ẩn Dật của Đức Giê-su Ki-tô”). Và chính trong thời gian này mà Đức Giê-su đã nhìn thấy nơi Thánh Giuse sự dịu hiền của Thiên Chúa (x. Tv 103, 13). Sự dịu hiền của ngài đến từ Thiên Chúa và mặc khải sự dịu hiền của Thiên Chúa. Bởi vì Thánh Giuse hẳn đã nghe vang vọng trong hội đường, khi cầu nguyện với các Thánh Vịnh, rằng Thiên Chúa của Israel là Thiên Chúa dịu hiền (Tv 145, 9; x. Tv 69, 17; 78, 38; 86, 5; 111, 4 ; 116, 5; có thể đọc bài “Chúa ban Bánh…” – Tv 136).
Đức Giêsu hiền lành và khiêm nhường trong tim, với tư cách là con Thiên Chúa (x. Mt 11, 28-30), nhưng Người cũng là “con của ông Giuse”! Vậy đâu là sự dịu hiền của Thánh Giuse được thể hiện cách cụ thể trong đời sống Thánh Gia? Và Đức Giê-su đã học nơi ngài như thế nào, để có thể mặc khải rằng “Tôi hiền lành và khiêm nhường trong tim”? Sự dịu hiền của Thánh Giuse chắc chắn cũng được thể hiện trong đời tôi. Vậy, tôi học nơi ngài như thế nào, để trở nên giống Đức Giê-su hiền lành và khiêm nhường?
Đức Thánh Cha nói: “Chúng ta quá hay nghĩ rằng Thiên Chúa chỉ dựa vào khía cạnh tốt đẹp và thắng cuộc (gagnant) của chúng ta…” Tôi đã hay đang nghĩ như vậy không? Đâu là những chuyển động nội tâm của tôi, khi tôi nghĩ như vậy?
“Khi mà, Đức Thánh Cha nói tiếp, trong thực tế phần lớn những dự định của Người được thực hiện ngang qua và bất chấp sự yếu đuối của chúng ta”; và “Lịch sử cứu độ được hoàn tất “khi hy vọng dù không còn hy vọng” (Rm 4, 18), nghĩa là, ngang qua những yếu đuối của chúng ta, và cả những bất lực nữa (do khả năng, bệnh tật, “hiếm muộn”, tuổi tác…). Đó kinh nghiệm của Dân Chúa trong lịch sử cứu độ (có thể đọc bài “Gia Phả của Đức Giê-su Ki-tô), của Thánh Giuse, của Đức Maria, của thánh Phao-lô mà Đức Thánh Cha nhắc lại trong Tông Thư, của các thánh, nhất là của Thánh Bổn Mạng, của Đấng Sáng Lập Hội Dòng… Vậy đâu những yếu đuối của tôi? Và tôi đã hiểu và sống như thế nào? (có thể đọc bài “Tạng phủ con…” – Tv 139).
Đức Thánh Cha mời gọi: “Nếu như thế là viễn tượng của nhiệm cục cứu độ, khi đó chúng ta phải học để đón nhận những yếu đuối của chúng ta với sự dịu hiền sâu sa”. Tôi ước ao đáp lại ra sao, với ơn Chúa, theo gương và nhờ lời cầu bầu của Thánh Giuse?
(a) Đức Thánh Cha nói: “Chỉ tay và phán đoán chống lại người khác, thường là dấu chỉ của sự bất lực để đón nhận sự yếu đuối riêng của mình, sự mỏng dòn riêng của mình”, “Thần Dữ (le Malin) xúi dục chúng ta nhìn sự mỏng dòn của mình với một phán đoán tiêu cực”, và “một cách nghịch lý, Thần Dữ cũng có thể nói cho chúng ta biết sự thật. Nhưng nếu nó làm điều đó, chính là để lên án chúng ta”. Vì thế, “chỉ tay và phán đoán chống lại người” còn liên quan đến Sự Dữ. Nghiêm trọng hơn, Lời Chúa còn mặc khải rằng, tự bản chất, đó là hành động đặc trưng của Sự Dữ của “Kẻ Tố Cáo” (có thể đọc bài “Sự Dữ”; Thánh Vịnh Mảnh Đất Dầy”; “Luật và Tội”).
Đức Thánh Cha xác tín: “Thánh Thần đưa sự mỏng dòn của chúng ta ra ánh sáng với sự dịu hiền. Sự dịu hiền là cách thức tốt nhất để đụng chạm được điều là mỏng dòn nơi chúng ta. Chỉ có sự dịu hiền mới giải thoát chúng ta thoát khỏi công việc của Kẻ Tố Cáo (x. Kh 12, 10)”. Vậy, đâu là Kinh nghiệm làm cha làm mẹ của tôi? Kinh nghiệm của riêng tôi, khi còn bé? Chúng ta hãy để cho sự dịu hiền và lòng thương xót của Thiên Chúa, được thể hiện nơi Đức Ki-tô giải thoát chúng ta khỏi Sự Dữ, như chúng ta vẫn kêu xin trong Kinh Lạy Cha.
(b) Đức Thánh Cha mời gọi chúng ta nhớ lại hình ảnh Người Cha trong dụ ngôn “Người Cha Nhân Hậu” (x. Lc 15, 11-32), để xác tín rằng “Sự Thật đến từ Thiên Chúa không lên án chúng ta, nhưng Sự Thật đón nhận chúng ta, ôm lấy chúng ta, nâng đỡ chúng ta, tha thứ chúng ta (có thể đọc Dụ Ngôn “Người Cha và Hai Người Con”).
Vì thế, tôi được mời gọi đọc lại đời mình trong sự thật, để thay đổi cái nhìn, nghĩa là thay vì nhìn với cái nhìn của mình, của ai khác, hay với cái nhìn do Thần Dữ gợi ra, tôi được mời gọi nhìn với cái nhìn dịu hiền và thương xót của Chúa, để có thể “gặp gỡ Lòng Thương Xót của Thiên Chúa”, đặt đời mình trên nền tảng lòng biết ơn và yêu mến, theo gương Thánh Giuse, và để có thể nói như thánh nữ Têrêxa: “Vậy thì quả thực, Lạy Chúa, ở nơi ai lòng thương xót của Chúa có thể chói ngời hơn ở nơi con?” (có thể đọc Michel Rondet, “Đọc lại đời mình để nhận ra Thiên Chúa”). Cách đặc biệt và cụ thể, Đức Thánh Cha còn mời gọi tôi gặp gỡ Lòng Thương Xót của Thiên Chúa nơi Bí Tích Hòa Giải, vì ở đây tôi trải nghiệm về sự thật và sự dịu hiền, và vì nơi Đức Ki-tô không còn lên án nữa (x. Rm 8, 1). Vậy, tôi đã hiểu và sống Bí Tích Hòa Giải như thế nào?
(c) Trở lại với Thánh Giuse, “Người Cha trong sự dịu hiền”, Đức Thánh Cha chia sẻ: “Ý muốn của Thiên Chúa, lịch sử của Người, kế hoạch của Người cũng diễn ra ngang qua sự bận tâm của Thánh Giuse. Như thế, Thánh Giuse dạy chúng ta rằng, tin tưởng nơi Thiên Chúa cũng bao hàm cả việc tin rằng, Người có thể hành động ngang qua những sợ hãi, những mỏng dòn và những yếu đuối của chúng ta. Và Thánh Giuse cũng dạy chúng ta rằng, trong những cơn bão tố của cuộc đời, chúng ta không được sợ trao lại cho Chúa bánh lái của con thuyền cuộc đời chúng ta. Đôi khi, chúng ta muốn kiểm soát mọi sự, nhưng Thiên Chúa luôn nhìn xa hơn”.
Vậy, đâu là “những bận tâm, nỗi sợ hãi và những mỏng dòn của tôi”? Tôi đã có kinh nghiệm nào về sự hiện diện và cách hành động của Chúa? Trong những cơn bão tố, tôi có dám, với lòng tin, trao “bánh lái” cho Chúa không, theo gương Thánh Giuse ? (Có thể đọc Thánh Giuse Bạn Trăm Năm Đức Trinh Nữ Maria, bài 2: “Thánh Giuse và Lời Xin Vâng).
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
—————-
Ghi chú:
– Tông thư Patris Corde của Đức Thánh Cha Phanxicô được dịch từ bản Tiếng Pháp (người dịch: Giuse Nguyễn Văn Lộc).
– Các trích dẫn Kinh Thánh được lấy từ bản dịch của Nhóm Phiên Dịch CGKPV, với một vài sửa đổi, theo bản Tiếng Pháp của Tông Thư; các Thánh Vịnh được ghi theo số của bản dịch Do Thái.
– Với tâm tình kính mến Thánh Giuse và để tạ ơn ngài, mong sẽ hoàn tất 8 bài suy niệm tương ứng với phần dẫn nhập và bảy phần trong Tông Thư PATRIS CORDE của Đức Thánh Cha Phanxicô (Người Cha được yêu mến; Người Cha trong sự dịu hiền; Người Cha trong vâng phục; Người Cha trong đón tiếp; Người Cha luôn can đảm sáng tạo; Người Cha làm việc; Người Cha trong mờ tối).
Nguồn tin: dongten.net
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn