THỜI GIAN QUA MAU
Lm.Anphong Nguyễn Công Vinh
Thuyền to thì sóng to
Đa mưu thì đa oán
Đông bạn thì lắm phiền
Nhiều tiền thì lắm bạc
Làm ác thì gặp ác
Gieo gió thì gặp bão
Gian xảo thì đa nghi
Từ bi là cội phúc.
1.Đúng vậy, nó là nét phác của nhân duyên nhân quả trong cuộc đời.
Khi còn trẻ, bạn làm nhiều điều mà không nghĩ tới hậu quả sau nầy: Các việc họ làm đều theo họ về đời sau; Chúa Giêsu đã nói : Đong đấu nào thì sẽ được đong trả lại bằng đấu ấy ( Mt 7,2); Hay câu chuyện Ngày Phán Xử Cuối cùng khi Chúa tuyên bố với người lành là chiên và người dữ là dê, với câu xác định thời gian “vì ngày trước…nên bây giờ…” ( x. Mt 25,40-46). Một tuổi trẻ không gieo oán sầu, không làm hại ai, thì chắc làm gì có gió bão, bạc ác trong tuổi già. Ngày cuối đời, khi tuổi đã cao, mà không còn vương vấn oán thù, thanh thản ra đi, thì quả là hạnh phúc vô cùng.
2.Tháng ngày qua mau, đời người ngắn ngủi, thoáng chốc đã già…Một cõi đi về đang chờ đó. Qua một ngày là mất một ngày. Sống một ngày vui, làm việc tốt, là được một ngày. Ở đây có đồng hồ điện đánh giờ 5 lần: sáng 6, 9, 12 giờ; chiều 15, 18 giờ. Mỗi lần báo giờ, tôi nói với mình: cuộc đời ngắn mất 3 giờ, 6 giờ… nữa rồi!
3.Tiền không phải là tất cả, nếu dùng tiền mua được sức khoẻ và hạnh phúc thì tại sao không bỏ tiền ra mà mua ? Hãy làm chủ đồng tiền, đừng làm tôi tớ cho nó. Biết đủ, biết chấp nhận thì lúc nào cũng vui. Tri túc tiện túc hà thời túc, tri nhàn tiện nhàn hà thời nhàn! Quá nửa đời người dành cho Ơn gọi, cho Giáo Hội, bây giờ thời gian còn lại chẳng bao nhiêu, nên dành cho mình, quan tâm đến bản thân, sống thế nào cho vui thì sống, việc gì muốn làm thì làm, miễn là đừng làm gì tội lỗi, trái với ý Chúa, với lương tâm là được. Cứ sống thật với mình và rộng lượng với người khác sẽ an bình.
4.Lúc về già tuyệt đối không được chủ quan nghĩ rằng mình còn khoẻ, còn sung sức để muốn làm những việc như hồi thanh niên…Đầu hai thứ tóc đừng đi tranh việc với bọn trẻ, có khi nó làm tốt hơn mình! Lúc về già, đừng thích trở về nơi làm việc cũ, xứ cũ, nếu như không phải là trườg hợp đặc biệt và có lời mời trân trọng. Mình cứ đến hoài, người ta nghĩ rằng mình đã đi mà còn nuối tiếc. Đến nhà nầy nhà kia, họ nghĩ mình kiếm ăn. Có người sẽ trách thầm mình về lại, làm cản trở công việc của người sau, đi rồi thì đừng dài tay nữa, để cho người ta làm. Đừng nghĩ rằng, mình đã ở đây nhiều năm, biết rõ tình hình, có uy tín, mình nói gì họ cũng đón nghe. Không đâu, họ không muốn nghe đâu, vì mọi điều mình nói có thể đã lỗi thời rồi, lúc nầy hết đát, hết phê rồi! Ngồi bên dưới họ chăm chú nhìn, gật đầu, rồi vỗ tay, mình tưởng là mình nói hay lắm. Họ làm vậy cho mình vui thôi!
5.Đối với những người dâng mình cho Chúa thì hãy bớt đi bận tâm lo lắng khi đến tuổi già. Mỗi giáo phận đều có Nhà Hưu Dưỡng, ở đó được lo lắng chăm sóc đầy đủ vể vật chất, có nhiều bạn bè đồng nghiệp già, dễ tâm sự và cảm thông với nhau, không lệ thuộc ai, không lệ thuộc con cháu.
Khi mình đang làm việc, chẳng giúp đỡ gì cho con cháu, nay đến lúc về già lại nhờ vả đến chúng thì thật là ái ngại, phiền phức. Chưa chắc lúc nầy chúng còn thương mình, kính trọng mình như khi còn khoẻ mạnh, như khi còn có tiền bạc. Trường hợp mình còn tiền thì chúng vui vẻ. Đến lúc hết tiền, tự chúng phải bỏ ra lo cho mình, thì chắc chắn chúng sẽ có thái độ khác liền, không vui mấy đâu! Cuộc đời mà! Nhớ đừng cậy vào con cháu. Đàng khác, cuộc sống của mình từ nhỏ đến giờ đã có nếp riêng, giờ sống nếp sống của những người có gia đình không hợp đâu, sẽ phải chịu đựng nhiều đó! Bên giới nữ thì có nhà hưu ở Dòng, ở Tu viện, có chị có em với nhau là tốt rồi. Đôi khi khó chịu một chút, nhưng hi sinh và bác ái với nhau sẽ tốt đẹp cả. Nhà Dòng nuôi mình, có chết họ cũng lo chôn cất, chẳng phải nhờ đến ai. Người của Chúa thì Chúa và Giáo Hội lo.
Chúa Giêsu đã dặn rồi: “Anh em đừng lo lắng về ngày mai, ngày mai cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày ấy” (x.Mt 7,25-34).
(Tản mạn mùa dịch 21)
*Xin chia sẻ cho người khác.