Thường huấn linh mục

Thứ ba - 20/04/2021 04:20

Thường huấn linh mục

19/04/2021
  •  
  •  
Hình: Thường huấn linh mục Giáo tỉnh Hà Nội, 2017

THƯỜNG HUẤN LINH MỤC
Lm. Phêrô Phạm Ngọc Phi
Mục lục



I. QUAN ĐIỂM
II. CÁC VĂN KIỆN QUAN TRỌNG CỦA CÔNG ĐỒNG VATICAN II HƯỚNG DẪN THƯỜNG HUẤN
III. CÁC VĂN KIỆN QUAN TRỌNG SAU CÔNG ĐỒNG VATICAN II
     1. Ecclesiae Sanctae
     2. Ratio
     3. Giáo luật đ. 279
IV. NHỮNG ĐƯỜNG HƯỚNG MỚI
     1. Lý do nhân bản
     2. Lý do thần học
V. Ý NGHĨA, TỔ CHỨC VÀ PHƯƠNG THẾ THƯỜNG HUẤN
     1. Ý nghĩa
     2. Tổ chức và phương thế thường huấn
VI. ĐỐI TƯỢNG CỦA THƯỜNG HUẤN.
     1. Năm năm đầu đời của linh mục
     2. Thường huấn cho các linh mục trưởng thành.
     3. Thường huấn cho các linh mục gặp những hoàn cảnh đặc biệt.
     4. Thường huấn cho các nhà đào tạo linh mục.
VII. KẾT LUẬN

I. QUAN ĐIỂM

Chúa Giêsu, trong bài giảng trên núi, đã mời gọi chúng ta: “Anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5, 48). Khái niệm thường huấn hay đào tạo trường kỳ đã xuất hiện ngay từ đầu trong lịch sử của Hội Thánh, chính thánh Phaolô đã nhắn nhủ môn đệ thân tín của mình là Timôtê: “Cha kêu mời con khơi thắm lại ân huệ mà Thiên Chúa đã đổ xuống nơi con” (2Tm 1,6). Tuy nhiên, mãi cho đến khi xuất hiện bộ Giáo luật năm 1917 và nhất là Công Đồng Vatican II, cùng với những văn kiện hướng dẫn của huấn quyền, của bộ Giáo luật 1983 [1], Giáo Hội mới chính thức phổ biến và phát huy việc đào tạo trường kỳ như phương tiện cần thiết và cấp bách nhằm thăng tiến phẩm chất truyền giáo và mục vụ cũng như căn tính và đời sống của linh mục. Ý tưởng thường huấn đã được xã hội và Giáo hội quan tâm thực hiện. Đa số quần chúng luôn luôn tâm niệm rằng: “văn ôn, võ luyện”, bất cứ ngành nghề nào, bất cứ công việc gì, muốn thăng tiến, muốn cập nhật, muốn thành công, đều cần phải siêng năng học hỏi, luyện tập; sứ mệnh và đời sống mục vụ của linh mục cũng không đi ra khỏi quỹ đạo này. Tông huấn PDV gọi thường huấn là “sự nối dài hết sức tự nhiên và hoàn toàn cần thiết đối với tiến trình cơ cấu hoá nhân cách linh mục đã khởi sự và khai triển ở chủng viện” [2]. Các phương pháp sư phạm nói chung đã gọi đào tạo trường kỳ là luôn luôn phải tiếp tục đào tạo, tiếp tục triển khai, tiếp tục thăng tiến. Về phương diện triết học, con người được xem như một hữu thể bất toàn, luôn luôn cần phải được kiện toàn, cần phải vươn lên để đạt được mức thiện toàn, giống như thân xác con người cần phải vượt qua thời thơ ấu để đến tuổi trưởng thành. Về phương diện thiêng liêng cũng vậy, con người có khả năng và phải tiến triển luôn. Triết gia Cicéron de Solon đã quả quyết rằng: con người mỗi ngày đều có thể học được một cái gì mới “quotidie aliquid addiscendem”; sách Đại Học cũng khuyên bảo chúng ta: “cẩu nhật tân, nhật nhật tân, hựu nhật tân”, hằng ngày đổi mới, càng ngày càng đổi mới, luôn luôn ngày nào cũng đổi mới. Đó chính là nền tảng của việc thường huấn trường kỳ mà Công Đồng Vatican II mong ước và các tài liệu của Giáo Hội hướng dẫn thực hiện[3].

II. CÁC VĂN KIỆN QUAN TRỌNG CỦA CÔNG ĐỒNG VATICAN II HƯỚNG DẪN THƯỜNG HUẤN

Sắc lệnh Christus Dominus số 16, Optatam Totius 22, Presbyterorum Ordinis 19 nhấn mạnh sự cần thiết phải đào tạo toàn diện và trường kỳ cho các linh mục, đặc biệt trong ba lãnh vực thiêng liêng, tri thức và mục vụ. Công Đồng mời gọi các Giám mục phải quan tâm lo lắng đặc biệt đến tình trạng thiêng liêng, tri thức cũng như vật chất của các linh mục, bằng cách sử dụng những phương thức thích hợp giúp họ biết canh tân không ngừng về mặt thiêng liêng “các ngài phải lo lắng tới tình trạng thiêng liêng, tri thức và vật chất của các linh mục mình, để họ có thể sống thánh thiện và đạo đức cũng như có thể trung thành chu toàn nhiệm vụ riêng một cách hữu hiệu. Do đó, các ngài nên khuyến khích mở những trung tâm huấn luyện và tổ chức các cuộc gặp gỡ đặc biệt giúp cho các linh mục thỉnh thoảng qui tụ lại với nhau, vừa để chu toàn các việc linh thao lâu dài hơn nhằm cải tạo cuộc sống, vừa để học hỏi sâu xa hơn những môn học của Giáo Hội, nhất là Thánh Kinh và thần học hay những vấn đề xã hội khá quan trọng, và cả những phương pháp mới của hoạt động mục vụ nữa[4].
Vấn đề đào tạo trường kỳ, được xem như một đòi hỏi thường xuyên suốt cuộc đời linh mục, luôn luôn gắn liền với trách nhiệm của các Giám mục, là những người cha, những người mục tử, những người lãnh nhận nhiệm vụ mục vụ hướng dẫn các linh mục. Các Giám mục là những người sống giữa cộng đồng dân Chúa như những người phục vụ :“Anh em thì không như thế, trái lại, ai lớn nhất trong anh em, thì phải nên như người nhỏ tuổi nhất, và kẻ làm đầu thì phải nên như người phục vụ” (Lc 22, 26). Các Giám mục là những mục tử tốt, biết con chiên của mình và các con chiên biết họ. Các ngài là những người cha luôn yêu thương và nhiệt thành. Chính trong bối cảnh này mà các Giám mục luôn quan tâm tới việc thường huấn các linh mục, là những cộng tác viên đích thực, đáng được các ngài đối xử như con cái và bạn hữu (x. Ga.15,15). Do đó, tất cả các học viện, các tổ chức, các cuộc gặp gỡ, thuyết trình, học hỏi, các khóa linh thao, nhằm canh tân cuộc sống thiêng liêng hay mục vụ, nhằm đào sâu sự hiểu biết các môn học thánh của linh mục, đều phải lệ thuộc vào Giám mục.
Một trong những vấn đề mà OT số 22 quan tâm là giai đoạn chuyển tiếp từ đời sống ở Đại chủng viện qua đời sống hoạt động mục vụ giữa xã hội đầy phức tạp. Việc chuyển tiếp này thường gặp những vấn đề mới và bất trắc. Vì thế, uỷ ban về Chủng Viện, khi soạn thảo sắc lệnh này, đã nhấn mạnh tầm quan trọng của vấn đề: “nhất là vì hoàn cảnh xã hội tân tiến, mà việc huấn luyện linh mục phải được tiếp tục và kiện toàn, cả sau khi kết thúc chu trình học vấn trong chủng viện, nên các Hội Đồng Giám Mục phải liệu tìm trong mỗi quốc gia những phương thế thích hợp, thí dụ như thiết lập những Học Viện Mục Vụ hợp tác với những họ đạo đã tùy nghi chọn lựa, tổ chức những cuộc hội thảo định kỳ, những khoá thực tập chuyên biệt, nhờ đó lớp giáo sĩ còn non trẻ về phương diện tu đức, tri thức và mục vụ được dần dần dẫn đưa vào đời sống linh mục và hoạt động tông đồ, và họ có thể càng ngày càng cải tiến và phát triển các hoạt động ấy hơn nữa ” [5].

III. CÁC VĂN KIỆN QUAN TRỌNG SAU CÔNG ĐỒNG VATICAN II

1. Ecclesiae Sanctae[6]

Một năm sau khi kết thúc Công Đồng, Đức Thánh Cha Phaolô VI, đã phổ biến văn kiện này, nhằm giải đáp những vấn nạn mà các sắc lệnh đã đặt ra. Trong Tự sắc này, Đức Thánh Cha đòi hỏi các Giám mục phải tổ chức thường huấn cho các linh mục của mình. Các Giám mục, cá nhân hoặc tập thể, phải sắp xếp, để các linh mục mới được thụ phong, có thể theo học một khóa đào tạo về mục vụ trong vòng một năm. Còn các linh mục khác, dù bận rộn với công việc mục vụ, cũng phải theo học một chương trình về mục vụ, thần học, luân lý và phụng vụ, để đào sâu kiến thức, để củng cố đời sống thiêng liêng và có thể truyền đạt những kinh nghiệm truyền giáo [7]. Các Giám mục có trách nhiệm phải chọn lựa những linh mục có khả năng và xứng đáng, để tổ chức các khoá thường huấn về mục vụ, mang tính khoa học [8].

2. Ratio[9]

Công việc đào tạo linh mục, tự bản chất, cần phải được tiếp tục luôn, đặc biệt trong những năm đầu sau khi lãnh nhận thánh chức, và luôn luôn được hoàn thiện hơn[10].
Chủ đề này đã được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II nhắc đến một cách rõ ràng trong thư gửi cho hàng linh mục, dịp thứ năm tuần thánh năm 1979 :
Công việc đào tạo như thế, cần phải được nội tâm hóa, nghĩa là nhằm đào sâu đời sống thiêng liêng, mục vụ và tri thức của linh mục (triết học cũng như thần học)[11].
Đức Hồng Y Garrone, nguyên chủ tịch Bộ Giáo Dục, trong một bài diễn thuyết, đã khẳng định rằng: “vấn đề đào tạo trường kỳ là một đòi hỏi cấp thiết”. Theo Ngài, “công cuộc đào tạo trường kỳ, mà ngày nay người ta muốn gọi bằng bất cứ danh xưng nào, là điều kiện sống còn của linh mục. Nó diễn tả một sự cần thiết tuyệt đối, nhằm hoàn thiện một cách xứng đáng nghiệp vụ của mình, hoặc đơn thuần nhằm để tồn tại, hoặc nhằm để canh tân không ngừng, hoặc để thích nghi hoặc để thực hiện những gì đã thủ đắc ” [12].

3. Giáo luật đ. 279

Chủ đề thường huấn cho các thừa tác viên thánh hay giáo sĩ, được diễn tả rõ ràng trong Bộ Giáo luật mới, điều 279 tóm lược giáo huấn của Công Đồng và các tài liệu có liên hệ, trong ba đoạn sau đây: “§ 1 Các giáo sĩ phải đeo đuổi các môn học thánh thiêng, cả sau khi thụ phong linh mục và phải tuân theo đạo lý vững chắc dựa trên Thánh Kinh, đã được các tiền nhân truyền lại và vẫn thường được Giáo Hội chấp nhận như được xác định trong các văn kiện, nhất là của các Công Đồng và của các Giáo Hoàng, tránh những kiểu nói thế tục mới lạ và khoa học giả hiệu. § 2. Chiếu theo các qui luật của luật đặc lập, các linh mục phải theo các giảng khóa mục vụ được tổ chức sau khi được thụ phong và vào thời hạn đã được luật ấy ấn định, họ còn phải tham dự các giảng khóa, các hội nghị thần học, các buổi thuyết trình khác đem lại cho họ cơ hội thu thập kiến thức đầy đủ hơn về các môn học thánh thiêng và về các phương pháp mục vụ. § 3. Các linh mục cũng phải thu thập kiến thức về các môn học khác, nhất là, những môn liên hệ với các môn học thánh thiêng, cách riêng khi kiến thức ấy giúp cho việc thi hành thừa tác mục vụ ”.
Khoản luật này nhắm đến thường huấn như là một bổn phận của linh mục, và rõ ràng là việc thực hiện bổn phận này bao hàm quyền lợi phải nhận được những sự trợ giúp hữu hiệu nhằm đạt được việc đào tạo thiêng liêng, tri thức và mục vụ tốt đẹp nhất. Quyền lợi này gắn liền với bổn phận của Giám mục hoặc của các tổ chức thuộc Giáo phận, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hàng giáo sĩ. Giám mục là người có thẩm quyền duy nhất để lập luật, dựa trên khoản luật 279 triệt 2. Tuy nhiên, luật chung liên quan đến thường huấn cho giáo sĩ, nhường quyền tổ chức lại cho luật đặc lập địa phương.

IV. NHỮNG ĐƯỜNG HƯỚNG MỚI

Tất cả chương VI của Tông huấn Pastores Dabo Vobis, với chủ đề: “Cha kêu mời con khơi thắm lại ân huệ mà Thiên Chúa đã đổ xuống nơi con” (2 Tm 1,6), đều dành để nói về thường huấn cho các linh mục. Sự kiện này đã nói lên tầm quan trọng mà các tài liệu chuẩn bị Thượng Hội Đồng 1990 đã dành cho việc thường huấn (Lineamenta et instrumentum laboris)[13]. Lineamenta đã trình bày rõ ràng như sau: “Việc đào tạo không kết thúc khi thụ phong linh mục. Đào tạo cần phải nối dài trong suốt cả cuộc đời, vì những thay đổi nhanh chóng trong hoàn cảnh mục vụ, những biến chuyển xã hội và văn hóa, sự phát triển của các thánh khoa cũng như của những khoa học trần thế, chính sự trưởng thành của đời sống kitô hữu cũng như của linh mục, qua nhiều giai đoạn khác nhau của cuộc sống, đòi hỏi linh mục phải tự đặt mình trong tình trạng đào tạo trường kỳ. Bổn phận phải canh tân và phát triển bao hàm nhiều chiều kích khác nhau của đời sống và sứ vụ linh mục : nhân bản, tri thức, mục vụ, thiêng liêng[14]. Kết quả là tất cả những tư tưởng này đã được đưa vào trong Tông huấn PDV, các số 70 -80, tức chương VI. Sau đây là những lý do mang màu sắc nhân loại và thần học mà PDV đã khơi gợi ra nhằm việc thường huấn.

1. Lý do nhân bản

Đào tạo nhân bản là một yêu sách của tiến trình phát triển nhân bản, bởi vì mỗi cuộc đời là một hành trình tiến về sự trưởng thành, một hành trình của đời sống, đòi hỏi phải đào tạo trường kỳ. Mỗi ngành nghề, mỗi công việc, nếu muốn đạt kết quả, cần phải trau dồi liên tục: “ngày nay, không có nghề nghiệp nào, không có con đường dấn thân nào và không có việc làm nào mà lại không đòi hỏi phải cập nhật hóa liên tục để luôn đạt được hiệu năng” [15]. Những thay đổi nhanh chóng trong hoàn cảnh xã hội và văn hóa đòi hỏi phải canh tân không ngừng [16]. Đòi hỏi phải đồng hành với tiến trình lịch sử, để khỏi phải tụt hậu, cũng là một lý do chính đáng, biện minh cho việc thường huấn.

2. Lý do thần học

Cha kêu mời con khơi thắm lại ân huệ mà Thiên Chúa đã đổ xuống nơi con” (2Tm 1,6). “Đừng thờ ơ với đặc sủng đang có nơi anh, đặc sủng Thiên Chúa đã ban cho anh nhờ lời ngôn sứ, khi hàng kỳ mục đặt tay trên anh. Anh hãy tha thiết với những điều đó, chuyên chú vào đó, để mọi người nhận thấy những tiến bộ của anh ” (1Tm 4,14-16). Bằng những lời tốt đẹp này, thánh Phaolô mời gọi Timôthê khơi thắm lại ơn của Thiên Chúa mà anh đã lãnh nhận ngày được thụ phong[17]. Các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng đã trình bày lý do chứng tỏ sự cần thiết của việc đào tạo trường kỳ và biểu lộ bản chất sâu xa của việc đào tạo ấy, khi các ngài đánh giá việc đào tạo trường kỳ như là “sự trung thành đối với thừa tác vụ linh mục” và như là một “tiến trình hoán cải liên tục[18]. Ân huệ của Chúa Thánh Thần không thay thế, nhưng cổ võ tự do của linh mục, để linh mục cộng tác một cách có trách nhiệm và chu toàn việc đào tạo ấy. Như thế đào tạo trường kỳ là tình yêu đối với Đức Giêsu Kitô và là sự nhất quán đối với chính mình. Nhưng đó cũng là một động tác tình yêu đối với Dân Thiên Chúa mà linh mục là người tôi tớ phục vụ. “Linh hồn và hình dạng của việc đào tạo trường kỳ dành cho linh mục chính là đức ái mục vụ” [19]. Là Đấng ban đức ái mục vụ cho linh mục, Chúa Thánh Thần hướng dẫn linh mục và sát cánh với linh mục trong việc hiểu biết ngày càng sâu rộng hơn về mầu nhiệm Đức Kitô mà sự phong phú vốn không thể dò thấu (x. Ep 3,14-19), và, bằng cùng một động tác, trong việc hiểu biết về mầu nhiệm chức tư tế Kitô hữu. Cũng chính đức ái mục vụ ấy thúc đẩy linh mục quan tâm ngày càng bén nhạy hơn đến những mong chờ, những nhu cầu, những vấn đề và những tâm tình của những người hưởng nhờ thừa tác vụ của mình: tất cả những điều ấy cần phải thể hiện trong những tình huống cụ thể, cá nhân, gia đình, và xã hội của họ [20]. “Đào tạo trường kỳ được nhìn nhận là cần thiết mãi mãi, bất cứ lúc nào” [21] .

V. Ý NGHĨA, TỔ CHỨC VÀ PHƯƠNG THẾ THƯỜNG HUẤN

1. Ý nghĩa

Công việc đào tạo trường kỳ nhằm giúp con người và hành động của linh mục luôn rập theo tinh thần và đường lối của Đức Kitô Mục Tử Nhân Lành, như lời thánh Giacôbê đã khuyên bảo: “Anh em hãy đem Lời Chúa ra thực hành. Đừng làm như thể anh em chỉ biết nghe suông để rồi lừa dối chính mình” (Gc 1,22).“Trong Giáo Hội xét như là “mầu nhiệm”, linh mục được mời gọi dùng phương thế đào tạo trường kỳ để bảo tồn và phát huy trong đức tin ý thức về sự thật toàn vẹn và đáng kinh ngạc của con người mình: linh mục là tôi tớ của Đức Kitô và là người quản lý các mầu nhiệm của Thiên Chúa (x. 1 Cr 4,1)”. (PDV 73). Trong Giáo Hội xét như “hiệp thông”, việc đào tạo trường kỳ giúp cho linh mục ý thức rằng thừa tác vụ của mình nhằm qui tụ gia đình của Thiên Chúa trong tình huynh đệ lấy đức ái làm sức sống, và để dẫn dắt gia đình ấy đến với Chúa Cha nhờ Chúa Con trong Chúa Thánh Thần (PDV 74). Điểm nhắm của việc đào tạo trường kỳ là phát huy nơi linh mục ý thức và trách nhiệm rao giảng tin mừng cho muôn dân. Đó cũng là sứ mệnh truyền giáo của Giáo Hội: “đối với tôi, rao giảng Tin Mừng không phải là một tước hiệu để tôi lấy làm vinh dự; đó là một sự khẩn thiết được ký thác cho tôi. Vô phúc cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (1 Cr 9, 16) (PDV 75).
Liên Hiệp Hội Đồng Linh Mục Á Châu (FABC) đã đề nghị một hình ảnh sống động của người linh mục Á Châu hôm nay với 4 đặc tính:
- Linh mục, con người trưởng thành (a man of maturity)
- Linh mục, con người của sự thiêng thánh (a man of the sacred)
- Linh mục, con người của đối thoại (a man of dialogue)
- Linh mục, con người khiêm tốn phục vụ (a man of humble service)
Vì thế, cần phải đào tạo trường kỳ, để linh mục thực sự là con người trưởng thành toàn diện, trưởng thành về mặt tâm linh, tri thức, nhân cách, tình cảm, trong việc sử dụng của cải vật chất cũng như trong những cuộc đối thoại, gặp gỡ liên tôn. Người linh mục phải được huấn luyện trường kỳ để thể hiện nơi chính mình “mầu nhiệm Nhập Thể” qua cuộc sống khiêm tốn, hạ mình, để sống với và nâng đỡ, chia sẻ cuộc sống cụ thể của con người, đặc biệt những người cùng khổ, bị bỏ rơi bên lề xã hội. Linh mục được đào tạo trường kỳ để có thể bộc lộ “mầu nhiệm thập giá” qua cuộc sống hy sinh phục vụ, đến mức sẵn sàng liều mạng sống vì đoàn chiên. Người linh mục được đào tạo liên tục để có thể bộc lộ “mầu nhiệm Thánh Thể” qua cuộc sống hiến dâng thời giờ, sức khỏe, tài năng, cho đi tất cả, để trở thành tấm bánh thơm ngon bẻ ra chia cho mọi người (FABC họp tại Thái Lan 12/1/2000).

2. Tổ chức và phương thế thường huấn

a. Giáo hạt [22] là một mắt xích quan trọng của thường huấn. Có thể xem Giáo hạt như một điểm chiến lược để tổ chức những cuộc gặp gỡ hoặc các hội nghị, các buổi diễn thuyết, các giáo trình thích hợp, theo luật địa phương, trong khung cảnh của Giáo Phận hoặc trong khung cảnh rộng lớn hơn [23].
b. Những cuộc gặp gỡ giữa Giám mục và linh mục đoàn. Những cuộc gặp gỡ này, hoặc mang tính phụng vụ (đặc biệt vào dịp đồng tế thánh Lễ Dầu ngày thứ Năm Tuần Thánh), hoặc mang tính mục vụ và văn hóa, nhằm trao đổi quan điểm về hoạt động mục vụ, hoặc nhằm để học hỏi, hay nghiên cứu những vấn đề thần học nhất định, đều nhắm đến tinh thần hiệp thông, chia sẻ, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau trên đường thánh hóa linh mục: đó chính là mục đích đầu tiên và căn bản của thường huấn [24].
c. Những cuộc gặp gỡ giữa các linh mục. Phải hiểu rằng những cuộc gặp gỡ giữa các linh mục rất cần thiết để lớn lên trong tình hiệp thông, để gây ý thức tốt hơn và quan tâm hơn đến những vấn đề của từng lứa tuổi. Những cuộc gặp gỡ này tạo hiệp nhất và thăng tiến tình huynh đệ linh mục [25]. Đây là thời gian thuận lợi để các linh mục trao đổi và thảo luận những vấn đề phụng vụ, mục vụ, thần học hoặc văn hóa [26]. Nội dung của các cuộc họp này luôn tùy thuộc Giám mục hoặc Hội Đồng Giám Mục hoặc Hội Đồng Giám Mục Miền. PDV nhận xét rằng mọi cơ hội có thể là thời gian “thuận tiện” (2Co 6, 2) để Chúa Thánh Thần hướng dẫn linh mục lớn lên trong kinh nguyện, trong học tập và ý thức hơn về trách nhiệm mục vụ của mình, dầu vậy vẫn có những giờ khắc “biệt đãi”, ngay cả đó là những giờ khắc thông thường và đã được tiên liệu trước[27].
 d. Nhà dành cho giáo sĩ. Nơi nào có thể, nên xây “một nhà cho hàng giáo sĩ”, để làm nơi tổ chức các cuộc gặp gỡ, huấn luyện, và làm nơi lui tới tham khảo trong nhiều trường hợp khác. Nhà này cần phải được trang bị cho thông thoáng, tiện nghi với bầu khí niềm nở [28].
 g. Tĩnh tâm và linh thao. Những cuộc gặp gỡ thiêng liêng, những cuộc tĩnh tâm cũng như linh thao, những ngày thinh lặng thiêng liêng… là những cơ hội để trưởng thành về mặt thiêng liêng và mục vụ, để đắm mình trong nguyện ngắm và cầu nguyện, để thinh lặng sống với Chúa sâu lắng hơn, nhằm trở về với nguồn gốc đích thực của linh mục, để tìm lại được sự tươi mát của tâm hồn, tìm ra những động lực giúp dấn thân trung thành hơn, và cuối cùng tìm được sự nhiệt tình mới trong mục vụ [29]. “Như kinh nghiệm thiêng liêng lâu dài của Giáo Hội đã minh chứng, các cuộc tĩnh tâm và linh thao là một phương thế hữu hiệu và thích hợp cho việc huấn luyện thường xuyên của hàng giáo sĩ. Ngày nay cũng vậy, chúng vẫn còn giữ được tính thời sự cần thiết” [30].
h. Thiết lập thư viện. Trong mỗi hạt hay trong mỗi vùng, nên có một thư viện với các phòng đọc sách thoáng mát, là nơi cung cấp những sách có giáo lý lành mạnh và giá trị, nhờ đó, các linh mục có thể củng cố và gia tăng sự hiểu biết về thần học, tu đức và mục vụ; việc đọc sách luôn dễ dàng và miễn phí [31].
k. Linh hướng.
Thực hành việc linh hướng cũng đóng góp rất nhiều cho việc đào tạo trường kỳ của linh mục [32].

VI. ĐỐI TƯỢNG CỦA THƯỜNG HUẤN.

1. Năm năm đầu đời của linh mục

Đây là thời gian quan trọng nhất giúp linh mục hội nhập vào công việc mục vụ của giáo xứ, giáo hạt và Giáo phận, Giám mục Giáo phận cần phải tổ chức những khóa huấn luyện thường xuyên (ba tháng hoặc sáu tháng), giúp các linh mục trẻ có dịp gặp gỡ, học hỏi, chia sẻ những kinh nghiệm mục vụ về các bí tích, về phương hướng dạy giáo lý, đặc biệt cho dự tòng, về giảng thuyết, về mục vụ gia đình, đoàn thể, giới trẻ v..v. Từ đó, Giám mục có thể quan sát và nhận xét những linh mục nào có đủ tư cách và trình độ để bổ nhiệm làm cha sở, hoặc những chức vụ trong Giáo phận, hoặc gửi đi du học.

2. Thường huấn cho các linh mục trưởng thành.

Đối với những linh mục trong lứa tuổi trung bình, việc đào tạo trường kỳ cũng là một bổn phận. Thật ra, họ có thể vì chính lý do tuổi tác mà rơi vào vô số những liều lĩnh, chẳng hạn chủ trương hoạt động thái quá, hoặc thái độ ù lì trong việc thi hành thừa tác vụ[33]. Việc đào tạo trường kỳ giúp cho linh mục được quân bình trong hoạt động, duy trì một tinh thần tỉnh thức và sẵn sàng đáp ứng những nhu cầu mỗi ngày một mới mẻ của dân Chúa.

3. Thường huấn cho các linh mục gặp những hoàn cảnh đặc biệt.

Cả những linh mục, vì mệt mỏi hay bệnh tật, đang phải sống trong tình trạng yếu nhược về thể lý hoặc rã rời về tinh thần, cũng có thể nhờ việc đào tạo trường kỳ trợ giúp. Nhờ việc đào tạo này, họ được khuyến khích tiếp tục phục vụ Giáo Hội một cách thanh thản và can trường” [34]. Nhờ việc đào tạo trường kỳ này, họ tiếp tục sống vui tươi, tin tưởng và phó thác vào Chúa Quan Phòng.

4. Thường huấn cho các nhà đào tạo linh mục.

Một trong những vấn đề cấp bách và quan trọng nhất trong việc thường huấn các linh mục là thường huấn các nhà đào tạo linh mục. “Việc đào tạo chủng sinh không những tùy thuộc qui luật sáng suốt mà nhất là còn tùy thuộc khả năng của các nhà giáo dục[35]. Nhận xét của Công Đồng Vatican II nói lên một chân lý trường cửu: hoạt động tốt của cơ cấu chắc chắn góp phần tích cực vào việc đào tạo; nhưng giáo dục trước hết là hoa quả của quan hệ cá nhân. “Lợi ích và tính hữu hiệu của một chương trình huấn luyện tùy thuộc một phần vào các cơ cấu tổ chức, nhưng phần chính tùy thuộc vào bản thân các nhà huấn luyện[36]. Ta nhận ra sự cần thiết phải đào tạo thường xuyên các giáo sư trong lãnh vực chuyên môn, khoa học hoặc sư phạm: Các phương pháp cũng như quan điểm luôn thay đổi; những vấn đề mới luôn xuất hiện. “Vì thế, để đạt mục đích này, cần phải cổ võ mở những học viện hay ít là mở những lớp tổ chức theo một qui chế thích hợp cũng như những cuộc hội thảo định kỳ cho các vị giảng huấn Chủng Viện[37]. “Làm sao để đào tạo các linh mục cho thực sự ngang tầm với hoàn cảnh hiện nay, cho thực sự có khả năng phúc âm hóa thế giới ngày nay “[38]. Nhà đào tạo không thể cho cái mà họ không có, cho nên việc trang bị và đào tạo cho các nhà đào tạo linh mục là một trong những vấn đề mà Giáo Hội hết sức quan tâm lo lắng.

VII. KẾT LUẬN

Vậy anh em hãy hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48). Thường huấn là lớn lên, là ý thức càng ngày càng phải sống hoàn hảo hơn. Đó là lời mời gọi của Chúa Giêsu, nhằm giúp chúng ta làm giàu cho chính mình, trong mọi lãnh vực mang lại lợi ích cho phần rỗi linh hồn của chúng ta cũng như cho mục vụ. Đức Hồng Y Martini đã nhận xét: “thách đố của thường huấn chính là: tiếp tục lớn lên với Giáo Hội, dưới tác động của Chúa Thánh Thần, Đấng thúc đẩy và làm cho Giáo Hội phát triển mỗi ngày về những chân trời mới[39]. Nếu ta dừng lại, ta sẽ phải chết, đời là một cuộc hành trình, một sự phát triển liên tục dưới tác động của Chúa Thánh Thần và đức ái mục tử, các linh mục phải triển nở mỗi ngày trong đời sống thánh thiện cũng như tri thức, để phụng sự Chúa và phục vụ Giáo Hội ngày càng hoàn hảo hơn.
WHĐ (19.04.2021)
Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGM VN, Số 70 (Tháng 5 & 6 năm 2012)

[1] Gl. đ. 279 cho linh mục; đ. 661 cho tu sĩ ; đ. 724 cho tu hội đời
[2] GIOAN PHAOLÔ II, Tông huấn, Pastores Dabo Vobis, PDV, 25.3.1992, AAS, 84 (1992), số 71.
[3] Cf. LONDON, F.,“La Formazione integrale al sacerdozio ”, Roma, 1994, p. 69.
[4] CD 16
[5] OT 22
[6] PAUL VI, motu pro. Ecclesiae Sanctae, 06.08.1966, AAS, 58 (1966) 757-787.
[7] PAUL VI, Ecclesiae Sanctae, I, số 7, AAS, 58 (1966) 762.
[8] Cf. PAUL VI, Ecclesiae Sanctae,I, số 7.
[9] Bộ Giáo Dục, Ratio fundamentalis institutionis Sacerdotalis, 6 tháng Giêng năm 1970, số 100, AAS, 62 (1970); tái bản 19.3.1985, có sửa sai cho phù hợp với Giáo luật 1983.
[10] Ratio 100.
[11] JEAN PAUL II, thư Novo incipiente, Thứ Năm tuần thánh, 8.4. 1979, số 37, AAS, 71 (1979) 393-417.
[12] SARAIVA MARTINS J., La formation permanente des prêtres dans les circonstances actuelles, Seminarium 30, số 1-2 (1990) 288.
[13] Cf GAMBINO, V., Dimensioni della formazione presbiterale, Prospettive dopo il Sinodo 90 e la “ Pastores Dabo Vobis ”, Torino 1993, trang 360.
[14] SINODO DEI VESCOVI, La formazione dei sacerdoti nelle circostanze attuali, Lineamenta, Città del Vaticano, 1989. 30-33.
[15] PDV 70.
[16] X. SYNODUS EPISCOPORUM, De sacerdotibus Formandis in Ho diernis Adjunctis, Instrumentum Laboris, 55.
[17] X. PDV 70.
[18] X. Proposito 31.
[19] X. PDV 70.
[20] X. PDV 70.
[21] X. PDV 70 .
[22] GL đ. 555 § 2:“Trong Giáo hạt đã uỷ thác, Cha quản hạt phải: làm sao để các giáo sĩ, theo những qui định của luật địa phương, đi tham dự vào những thời kỳ đã định, các khóa học, các lớp hội thảo về thần học, hoặc những buổi thuyết trình chiếu theo qui tắc của điều 279 triệt 2.”
[23] X. MARTINI, C. M. Chiesa- Voscovo- Martirio, Tre lettere, Roma 1983, 20-21.
[24] X. PDV 80; GIOAN PHAOLÔ II, diễn văn, La Formation permanente des prêtres dans la perspective de la préparation au grand Jubilé et de la Mission dans la ville, 20.2.1997, Oss. R. số 8-25 .2.1997.
[25] X. Kim Chỉ Nam 81.
[26] X. GAMBINO, V. Dimensioni della formazione presbyterale, trang 382.
[27] X. PDV 80.
[28] KIM CHỈ NAM 84.
[29] X. PACOMO, L., (giải thích) PDV, Casale Monferrato, 1992, trang 168.
[30] KIM CHỈ NAM 85.
[31] X. BỘ GIÁO SĨ, thư Inter ea, AAS, 62 (1970) trang 133.
[32] PDV 81.
[33] PDV 77.
[34] PDV 77.
[35] ĐT 5.
[36] KIM CHỈ NAM 90.
[37] ĐT 5.
[38] PDV 10.
[39] MARTINI, C.M., il tesoro della scriba. La Formazione permanente del presbytero, Milano, Centro Ambrosiano, 1992, trang 10. 

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây