G. Trần Đức Anh, O.P.
Ngài đưa ra lời mời gọi trên đây trong cuộc gặp gỡ sáng ngày 07/02/2020 vừa qua với các tham dự viên cuộc hội thảo quốc tế, do Hàn lâm viện khoa học xã hội của Tòa Thánh tổ chức tại Nội Thành Vatican về đề tài: “Hiệp ước hoàn cầu về giáo dục”, với sự tham dự của nhiều chuyên gia quốc tế, thuộc các đại học tên tuổi trên thế giới. Hiệp ước giáo dục này đã được Đức Thánh cha cổ võ trong sứ điệp ngày 12/09 năm ngoái (2019), và sẽ diễn ra vào ngày 14 tháng 05 tới đây tại Vatican. Vào dịp đó, Đức Thánh cha sẽ gặp gỡ các đại diện của các tôn giáo chính và nhiều nhân vật thuộc các tổ chức quốc tế và giới đại học, nhân dịp họ ký vào hiệp ước hoàn cầu về giáo dục.
Lên tiếng trong cuộc gặp gỡ sáng ngày 07/02 vừa qua để chuẩn bị cho việc ký hiệp ước, Đức Thánh cha nhắc đến nhiều tiến bộ trong lãnh vực giáo dục trên thế giới. Ví dụ nền giáo dục trẻ em cấp tiểu học là điều hầu như được tiến hành khắp nơi trên thế giới, tuy nhiên vẫn còn nhiều chênh lệch giữa các dân tộc trên thế giới: nạn nghèo đói, kỳ thị, thay đổi khí hậu và sự hoàn cầu hóa sự dửng dưng, đồ vật hóa con người khiến cho sự triển nở của hàng triệu người bị khô héo.
Đức Thánh cha cũng nhắc đến sự đổ vỡ của hiệp ước giáo dục được hình thành giữa gia đình, học đường, tổ quốc và thế giới, giữa các nền văn hóa. Sự đổ vỡ này là vì xã hội, gia đình và các tổ chức khác nhau, vốn được kêu gọi giáo dục, nhưng lại ủy thác công tác giáo dục này cho người khác. Các tổ chức cơ bản và chính nhà nước cũng từ bỏ hiệp ước giáp dục và trốn tránh trách niệm.
Đức Thánh cha khẳng định rằng hiệp ước giáo dục chỉ có thể được hàn gắn qua một nỗ lực chung, quảng đại và đồng thuận. Ngài nói: “Ngày hôm nay, một cách nào đó, chúng ta được kêu gọi đổi mới và hội nhập sự dấn thân của tất cả mọi người, cá nhân và các tổ chức, trong việc giáo dục, để tái tạo một hiệp ước mới về giáo dục, vì chỉ như thế việc giáo dục mới có thể thay đổi. Để được vậy, cần liên kết kiến thức, văn hóa, thể thao, khoa học, giải trí; cần kiến tạo những nhịp cầu nối kết, vượt thắng sự nhỏ bé khép kín chúng ta trong thế giới bé nhỏ của mình, ra khơi hoàn vũ, và tôn trọng các truyền thống... Nhờ đó, chúng ta có thể thăng tiến một nền văn hóa đối thoại, gặp gỡ và cảm thông nhau, trong một thế giới an bình, tôn trọng và bao dung.
Trong viễn tượng trên đây, Đức Thánh cha đề cao vai trò giáo dục của gia đình, cải tiến chất lượng giáo dục học đường với sự can dự của gia đình và các cộng đoàn địa phương, như thành phần của một nền giáo dục toàn diện, chính xác và phổ quát.
Đức Thánh cha cũng đặc biệt nêu cao trách nhiệm lớn của các giáo chức trong hiệp ước mới về giáo dục, như những tác nhân giáo dục, phải được nhìn nhận và nâng đỡ với tất cả những phương thế có thể. Ngài nói: “Điều quan trọng là nhắm đến sự huấn luyện các nhà giáo dục với tiêu chuẩn chất lượng cao nhất, trên mọi cấp độ. Để hỗ trợ và thăng tiến tiến trình này, cần có những tài nguyên quốc gia, quốc tế và tư nhân thích hợp để khắp nơi trên thế giới họ có thể chu toàn trách vụ một cách hữu hiệu”.
(SS. Vat 7-2-2020)
Nguồn tin: vietnamese.rvasia.org
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn