Nghi thức Zaire dành cho Congo
Đức Thánh Cha đã cử hành thánh lễ theo nghi thức Zaire với “Sách lễ Roma cho các giáo phận Zaire”, tên cũ của Cộng hòa dân chủ Congo. Sách lễ này được Bộ Phụng tự và kỷ luật bí tích phê chuẩn ngày 30/04/1988, chứa đựng những thích ứng nghi lễ Roma thông thường với một số điểm theo văn hóa Congo, theo lời thỉnh cầu của các Giám mục Zaire hồi năm 1969, kết quả một tiến trình hội nhập văn hóa lâu dài, được Đức Giáo Hoàng Phaolô VI và Gioan Phaolô II khuyến khích. Văn bản thánh lễ và nghi thức để ý đến truyền thống truyền khẩu của Phi châu và nhấn mạnh sự tham gia tích cực của cộng đoàn, nam và nữ, qua những cử điệu nhịp nhàng, và giơ cánh tay lên trời. Trong kinh Vinh Danh, các thừa tác viên múa quanh bàn thờ và nhiều phần được dành cho các bài ca, thường có kèm theo điệu trống và các nhạc cụ cổ truyền. Những người đọc sách thánh được vị chủ lễ chúc lành và sai đi, trước khi tiến đến bục sách.
Ngoài ra, kinh cầu các thánh chiếm một chỗ quan trọng, ngay từ đầu buổi lễ. Người ta kêu cầu cả các tổ tiên có tâm hồn ngay chính đang hiệp thông với Thiên Chúa. Nghi thức thống hối và chúc bình an diễn ra sau bài giảng, trước phần lời nguyện giáo dân và dâng lễ vật.
Giảng trong thánh lễ, Đức Thánh Cha đã diễn giải các bài đọc của ngày lễ và nêu bật ý nghĩa của Mùa Vọng cùng với lời mời gọi hãy tỉnh thức chờ đón Chúa đến.
Đức Thánh Cha đặc biệt mời gọi các tín hữu, trong khi chờ đợi Chúa đến, hãy cảnh giác đối với thái độ duy tiêu thụ trong thời đại ngày nay. Ngài nói: “Chủ nghĩa duy tiêu thụ là một virus tấn công đức tin tận gốc rễ vì nó làm cho bạn tưởng rằng cuộc sống chỉ tùy thuộc những gì ta sở hữu, và thế là bạn quên Chúa đang đến gặp bạn và quên người ở cạnh bạn. Chúa đang đến, nhưng bạn thích theo những điều bạn ham muốn; người anh em gõ cửa bạn, nhưng bạn coi đó là điều làm cho bạn khó chịu vì làm xáo trộn chương trình hoặc kế hoạch của bạn. Trong Phúc Âm, khi Chúa nói đến những nguy hiểm đe dọa đức tin, Ngài không bận tâm đến những kẻ thù hùng mạnh, những đố kỵ và bách hại. Những điều này đã, đang và sẽ có, nhưng không làm suy yếu đức tin. Trái lại nguy hiểm đích thực là điều làm cho con tim bị mê hoặc, không còn nhạy cảm, đó là lệ thuộc những tiêu thụ, để cho con tim mình trở nên nặng nề và tiêu tán vì những nhu cầu.”
Đức Thánh Cha nói tiếp: “Khi ấy người ta sống bằng sự vật, nhưng không biết sống để làm gì; người ta có bao nhiêu của cải nhưng không còn làm điều thiện nữa; nhà cửa đầy đồ đạc nhưng lại trống rỗng con cái; người ta phí phạm thời giờ vào những chuyện tiêu khiển, nhưng lại không có thời giờ cho Thiên Chúa và tha nhân. Khi người ta sống cho sự vật và của cải, thì sự vật chẳng bao giờ đủ, lòng tham gia tăng và những người khác trở thành những chướng ngại trong cuộc chạy đua và rốt cuộc người ta cảm thấy mình bị đe dọa, luôn không được thỏa mãn và giận dữ, mức độ oán ghét gia tăng. Chúng ta thấy ngày nay tại nơi mà chủ nghĩa tiêu thụ ngự trị: bao nhiêu bạo lực, dù chỉ là bạo lực bằng lời nói, bao nhiêu giận dữ và ước muốn tìm một kẻ thù với bất kỳ giá nào! Và thế là trong khi thế giới đầy những võ khí gây chết chóc, chúng ta không nhận thấy rằng chúng ta tiếp tục võ trang con tim bằng sự giận dữ”.
Đức Thánh Cha nhắn nhủ rằng: “Chúa Giêsu muốn thức tỉnh chúng ta chống lại tất cả những điều vừa nói! Ngày hôm nay, chúng ta có nhiệm vụ tỉnh thức: chiến thắng cám dỗ cho rằng ý nghĩa cuộc sống là tích trữ, hãy vạch mặt sự lừa đảo cho rằng ta được hạnh phúc nếu có bao nhiêu của cải, hãy chống lại ánh sáng chói lòa của tiêu thụ, đang chiếu sáng khắp nơi trong tháng này, và hãy tin rằng cầu nguyện và bác ái không phải là phí phạm thời giờ, nhưng là những kho tàng quý giá lớn hơn”.
Trong phần kết luận, Đức Thánh Cha nói với các tín hữu Congo rằng: “Hôm nay anh chị em kính nhớ một nhân vật rất đẹp là nữ chân phước Marie-Clémentine Anuarite Nengapeta, đã bị sát hại tàn bạo, nhưng, như Chúa Giêsu, trước khi chết, chị đã nói với kẻ sát nhân: “Tôi tha thứ cho anh, vì anh không biết việc anh làm!”. Chúng ta hãy xin chân phước chuyển cầu để, nhân danh Thiên Chúa-Tình Thương, và với sự giúp đỡ của các dân tộc láng giềng, người ta từ bỏ khí giới, để đạt tới một tương lai trong đó người ta không còn chống đối nhau, nhưng là cùng với nhau, và để tiến từ một nền kinh tế sử dụng chiến tranh thành một nền kinh tế phục vụ hòa bình”.
Cuối thánh lễ, một nữ tu đại diện cho cộng đoàn tín hữu Congo ngỏ lời cám ơn Đức Thánh Cha và mọi thành phần tham dự thánh lễ.
Nguồn tin: vietnamese.rvasia.org
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn