G. Trần Đức Anh, O.P.
Đức Thánh Cha đưa ra lời kêu gọi trên đây trong hoạt động đầu tiên của ngài sáng ngày 25/11/2019, với cuộc gặp gỡ 800 nạn nhân, đại diện cho hàng chục ngàn người trong vụ động biển dữ dội ở cấp độ 9 theo thước Richter ngày 11 tháng 3 năm 2011, tạo nên những đợt sóng thần tràn vào bờ biển Nhật Bản, làm cho trung tâm điện lực hạt nhân ở Fukishima miền bắc Nhật Bản bị nổ, khiến hơn 18 ngàn người thiệt mạng tại 3 tỉnh Iwate, Miyagi và Fukushima, hơn 50 ngàn người phải di tản và cho đến nay còn ở trong các nơi tạm trú, chưa thể trở về gia cư của họ.
Ba thảm họa ấy đã ảnh hưởng nặng nề tới toàn thể nước Nhật. Không những toàn dân Nhật nhưng cả nhiều nước trên thế giới đã động viên để cứu trợ các nạn nhân về vật chất cũng như tinh thần. Với thời gian, các nạn nhân cảm thấy bị bỏ rơi và nhiều vấn đề còn phải đương đầu như đất đai và rừng bị ô nhiễm và những hậu quả lâu dài do phóng xạ vẫn còn.
Lúc gần 10 giờ sáng Thứ Hai, 25/11, Đức Thánh Cha đã rời tòa Sứ Thần Tòa Thánh để tới Bellesalle Hanzomon, một trong những trung tâm Hội nghị quan trọng nhất ở Tokyo. Một hội trường chính của trung tâm có thể chứa được hơn 800 người.
Đến nơi, Đức Thánh Cha đã được Đức Tổng giám mục giáo phận Tokyo và Đức Giám mục giáo phận Sendai, nơi xảy ra 3 thảm họa, đón tiếp và hướng dẫn vào thính đường. Ngài chào thăm 10 nạn nhân, rồi lần lượt nghe chứng từ của nạn nhân. Một thiếu nữ, cô Toshiko kể lại cảm tưởng của cô trong thảm họa và cảm thấy quý chuộng hồng ân sự sống; một nhà sư trẻ Tokuun thuộc Thần đạo nói về những vấn đề khác cần giải quyết; và một thanh niên, anh Matsuki nói về tình trạng những người di tản và những vấn đề còn tồn đọng của họ.
Lên tiếng trong dịp này, Đức Thánh Cha nhận xét rằng: “8 năm sau 3 thảm họa ấy, Nhật Bản đã chứng tỏ mình là một dân tộc có thể đoàn kết trong tình liên đới, kiên nhẫn, bền chí và có sức kháng cự. Con đường phục hồi hoàn toàn có thể là còn dài, nhưng việc phục hồi này vẫn luôn có thể diễn ra nếu chúng ta có thể cậy dựa vào tâm hồn của dân tộc này, có khả năng động viên để tương trợ nhau... Vì thế tôi mời gọi anh chị em hãy tiến bước mỗi ngày, từ từ, để xây dựng tương lai dựa trên tình liên đới và quyết tâm đối với nhau, cho chính anh chị em, cho con cháu và các thế hệ tương lai”.
Đức Thánh Cha nhắc đến câu hỏi của thầy Tokuun trong chứng từ: làm sao chúng ta có thể đương đầu với những vấn đề quan trọng khác liên hệ tới chúng ta và chúng không thể được cứu xét và xử lý riêng rẽ, ví dụ chiến tranh, những người tị nạn, lương thực, những chênh lệch về kinh tế và những thách đố về môi trường?
Đức Thánh Cha nói: “Thật là một sai lầm trầm trọng khi nghĩ rằng ngày nay các vấn đề có thể đương đầu và giải quyết một cách riêng rẽ mà không coi chúng như thành phần của một mạng rộng lớn hơn... Chúng ta là thành phần của trái đất này, của môi trường, vì xét cho cùng, tất cả có liên quan với nhau. Tôi thiết nghĩ bước đầu tiên là, ngoài việc đưa ra những quyết định can đảm và quan trọng trong việc sử dụng những tài nguyên thiên nhiên, và đặc biệt về các nguồn năng lượng tương lai, cần làm việc và tiến tới một nền văn hóa có khả năng loại bỏ sự dửng dưng. Một trong những tai ương xảy ra cho chúng ta là nền văn hóa dửng dưng. Cần động viên để giúp gây ý thức rằng khi một phần tử trong gia đình chúng ta chịu đau khổ, thì tất cả đều chịu đau khổ với người ấy; vì ta không đạt tới được một sự liên kết với nhau nếu không vun trồng sự khôn ngoan thuộc về nhau, là điều duy nhất có khả năng đón nhận các vấn đề và những giải pháp ở mức độ hoàn cầu. Chúng ta thuộc về nhau”.
Theo chiều hướng trên đây, Đức Thánh Cha đặc biệt nhắc nhở rằng: “Tai nạn nổ lò hạt nhân Daiichi ở Fukushima và những hậu quả của nó: những lo âu về phương diện khoa học hoặc y tế, còn có một công trình bao la cần thực hiện để tái tạo kết cấu xã hội. Bao lâu những liên hệ xã hội chưa được tái lập trong các cộng đoàn địa phương và bao lâu người dân chưa được một cuộc sống an ninh và ổn định thì tai nạn Fukushima vẫn chưa hoàn toàn được giải quyết. Điều này bao gồm cả mối quan tâm về việc kéo dài việc sử dụng năng lương hạt nhân: các Giám mục Nhật đã kêu gọi bãi bỏ các trung tâm hạt nhân này.”
Đức Thánh Cha cũng mời gọi mọi người dừng lại suy tư về câu hỏi: “Chúng ta là ai và chúng ta muốn là ai? Đâu là loại thế giới, loại gia tài chúng ta muốn để lại cho những người đến sau chúng ta? Sự khôn ngoan và kinh nghiệm của những người già cùng với sự dấn thân và lòng hăng hái của người trẻ, có thể giúp hình thành một cái nhìn khác, một quan điểm giúp nhìn hồng ân sự sống với lòng tôn trọng hơn và tình liên đới với các anh chị em chúng ta trong gia đình nhân loại đa chủng tộc và đa văn hóa.”
“Khi chúng ta nghĩ đến tương lai căn nhà chung của chúng ta, chúng ta phải ý thức rằng chúng ta không thể đưa ra những quyết định hoàn toàn vị kỷ và chúng ta có một trách nhiệm lớn đối với các thế hệ tương lai. Theo nghĩa đó chúng ta cần chọn một lối sống khiêm tốn và cần kiệm để đáp lại những nhu cầu cấp thiết chúng ta được kêu gọi đương đầu... Cần tìm ra một con đường mới dựa trên sự tôn trọng mỗi người và môi trường thiên nhiên.”
Cuộc gặp gỡ kéo dài 50 phút và Đức Thánh Cha rời hội trường để tới hoàng cung cách đó gần một cây số rưỡi để viếng thăm Nhật hoàng Nahurito.
Nguồn tin: vietnamese.rvasia.org
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn