G. Trần Đức Anh, O.P.
Giã từ hoàng cung sau khi viếng thăm Nhật Hoàng, Đức Thánh Cha đến Nhà Thờ chính tòa Đức Mẹ Vô Nhiễm cách đó 6 cây số vào lúc 11 giờ rưỡi.
Thánh đường mẹ trước đây của Tổng giáo phận Tokyo được kiến thiết bằng gỗ theo kiểu gôtích hồi năm 1899, nhưng đã bị tàn phá năm 1945 trong cuộc dội bom hồi thế chiến thứ hai. Nhà thờ mới hiện nay được kiến trúc sư nổi tiếng Kenzo Tange khởi công xây cất hồi năm 1960 theo kiểu tân thời và được khánh thành 4 năm sau đó, với tháp chuông 60 mét và có 8 bức tường cong, diễn tả sự hướng lên trời cao. Bên trong thánh đường có 600 chỗ ngồi và 2 ngàn chỗ đứng.
Cuộc gặp gỡ giới trẻ diễn ra lúc 11 giờ 45. Sau khi tiến vào nhà thờ, Đức Thánh Cha đã đặt hoa trước Nhà Tạm Mình Thánh Chúa và cầu nguyện trong thinh lặng rồi tiến về chỗ ngồi, rồi cùng với mọi người lượt nghe chứng từ của 3 người trẻ: một tín hữu Công Giáo, một Phật Tử và một người di dân.
Trong bài nói chuyện với giới trẻ bằng tiếng Tây Ban Nha và được linh mục thông ngôn dịch ra tiếng Nhật, Đức Thánh Cha đề cập trước tiên đến nạn bắt nạt ở học đường, và nhận xét rằng điều tàn ác nhất trong tệ nạn này là nó làm thương tổn tinh thần và lòng tự tin của chúng ta, trong lúc chúng ta cần sức mạnh nhiều nhất để chấp nhận và đương đầu với những thách đố mới trong cuộc sống. Ngài nói:
“Nhiều khi nạn nhân bị bắt nạt tự buộc tội mình vì đã trở thanh đối tượng dễ dàng cho họ bắt nạt. Họ có thể cảm thấy mình là người thất bại, yếu ớt và vô giá trị... Nhưng điều nghịch lý là chính những kẻ xách nhiễu bắt nạt mới thực là những kẻ yếu, vì họ nghĩ là có thể khẳng định căn tính của mình bằng cách gây hại cho người khác. Nhiều khi họ tấn công bất kỳ người nào mà họ coi là khác biệt và coi đó như một đe dọa cho họ. Xét cho cùng, những kẻ xách nhiễu lo sợ, họ là những người nhát sợ tự che đậy bằng cái vẻ mạnh mẽ bề ngoài.”
Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng: “Tất cả chúng ta phải đoàn kết với nhau để chống lại thứ văn hóa bắt nạt và học cách nói: Đủ rồi! Đó là một nạn dịch, và phương dược tốt nhất chúng ta phải tìm là nơi bản thân mình. Dù các tổ chức giáo dục hoặc những người lớn sử dụng tất cả những tài nguyên họ có để phòng ngừa thảm trạng này, thì vẫn chưa đủ, điều cần là chính các bạn, giữa những thân hữu và đồng bạn, cùng nhau nói: Không! Đây là điều ác! Không có võ khí nào lớn hơn để tự vệ chống lại những hành động bắt nạt cho bằng cùng nhau đứng lên, các bạn hữu và bạn học cùng nói: “Điều mà mi đang làm là một điều trầm trọng!”
Đức Thánh Cha giải thích thêm rằng: “Sự sợ hãi luôn luôn là kẻ thù của điều thiện, vì nó là kẻ thù của tình thương và an ninh. Các tôn giáo lớn đều dạy bao dung, hòa hợp và từ bi, chứ không dạy sợ hãi, chia rẽ và xung đột. Chúa Giêsu luôn dạy các môn đệ đừng sợ, bởi vì nếu chúng ta yêu mến Thiên Chúa và anh chị em chúng ta, thì tình thương sẽ xua đuổi sợ hãi”. (Xc. 1 Ga 4,18)
Trong bài huấn dụ, Đức Thánh Cha đặc biệt khích lệ các bạn trẻ phát huy đức tin. Và một điều rất quan trọng, nhưng ít được đề cao giá trị, đó là khả năng dành thời giờ cho tha nhân, lắng nghe họ, chia sẻ và cảm thông với họ. Ngài nói:
“Chỉ khi nào chúng ta cởi mở chuyện của chúng ta, những vết thương của chúng ta cho một tình yêu thì chúng ta mới có thể biến đổi mình và bắt đầu thay đổi thế giới chung quanh. Nếu chúng ta không trao ban và chỉ dè sẻn thời giờ với người khác, thì chúng ta sẽ mất thời gian trong nhiều chuyện khác, và vào cuối ngày, chúng ta sẽ cảm thấy trống rỗng và choáng váng - giống như ăn không tiêu, như chúng tôi vẫn nói ở Argentina! - Vì thế, các bạn hãy dành thời giờ cho gia đình, cho bạn hữu và cả Thiên Chúa nữa, qua việc cầu nguyện và suy gẫm. Và nếu các bạn khó cầu nguyện, thì đừng đầu hàng. Một vị linh hướng khôn ngoan có lần đã nói: Kinh nguyện chủ yếu hệ tại ở đó. Bạn ngồi yên, dành chỗ cho Thiên Chúa, hãy để Ngài nhìn bạn và Ngài sẽ làm cho bạn được đầy tràn an bình của Ngài”.
Trả lời câu hỏi được nêu lên trong chứng từ: Làm sao người trẻ ngày nay có thể dành chỗ cho Thiên Chúa trong một xã hội bận rộn và chỉ quan tâm đến sự cạnh tranh và sản xuất, Đức Thánh Cha nói: “Một điều thường thấy là một người, một cộng đoàn và thậm chí toàn thể xã hội có bề ngoài phát triển cao, nhưng có một cuộc sống nội tâm nghèo nàn và hạn hẹp, với tâm hồn và sức sinh động tắt lịm. Tất cả trở nên nhàm chán, họ không mơ ước nữa, không cười, chẳng vui chơi, không biết ý nghĩa sự tuyệt vời và ngạc nghiên. Như những thây ma, con tim của họ ngưng đập vì họ không có khả năng cử hành sự sống với những người khác. Bao nhiêu người trong thế giới giàu có về vật chất, nhưng lại sống như nô lệ cho sự cô đơn chưa từng có! Tôi nghĩ đến sự cô đơn của bao nhiêu người, già trẻ, trong xã hội sung túc của chúng ta nhưng thường là vô danh. Mẹ Têrêsa đã làm việc nơi những người nghèo túng nhất, có lần đã nói một điều chí lý: 'Cô đơn và cảm giác không được yêu thương là cái nghèo kinh khủng nhất”.
Và Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng: “Bài trừ thứ nghèo tinh thần ấy là một nghĩa vụ mà tất cả chúng ta đều được mời gọi thi hành và các bạn có một vai trò đặc biệt phải làm, vì nó đòi một sự thay đổi lớn trong những ưu tiên cần chọn lựa. Nó đòi phải nhìn nhận rằng điều quan trọng nhất không phải là tất cả những gì chúng ta sở hữu hoặc có thể thủ đắc, nhưng là chúng ta có thể chia sẻ điều ấy với ai. Tập trung vào mình và tự hỏi tại sao tôi sống, đó không phải là điều quan trọng, nhưng là “tôi sống cho ai”. Sự vật là quan trọng, nhưng con người không thể thiếu được...”
Cuối buổi gặp gỡ, 3 bạn trẻ đã tặng Đức Thánh Cha chiếc áo đặc biệt của Nhật, có in hình ngài ở lưng áo. Đức Thánh Cha đã mặc vào giữa tiếng vỗ tay vui mừng hưởng ứng của các bạn trẻ... Đức Thánh Cha còn bắt tay chào thăm một số người khi rời nhà thờ chính tòa để về tòa Sứ Thần dùng bữa trưa và nghỉ ngơi.
Nguồn tin: vietnamese.rvasia.org
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn