G. Trần Đức Anh, O.P.
Nagasaki là chặng dừng đầu tiên của Đức Thánh Cha trong ngày thứ hai viếng thăm Nhật Bản.
Sáng sớm, ngài rời Tòa Sứ Thần để ra phi trường Tokyo-Haneda đáp máy bay lúc quá 7 giờ để đi Nagasaki cách đó 1.100 cây số về hướng tây nam. Thành phố này có hơn 416 ngàn dân cư và là một trong những hải cảng chính của Nhật. Hồi thế kỷ 16, đây là nơi các thừa sai cập bến để vào truyền đạo tại Nhật. Nhiều thánh đường được kiến thiết tại đây, đến độ Nagasaki được mệnh danh là “Roma nhỏ”.
Trong thời bách hại Công Giáo, một số lớn các thừa sai và tín hữu chịu tử đạo trên đồi Nishizaka và nhiều giáo dân khác bị sát hại tại Unzen năm 1627.
Trong thế chiến thứ hai, Nagasaki là nơi bị máy bay Mỹ dội bom nguyên tử ngày 09/08/1945, làm cho 40 ngàn người chết ngay tại chỗ và nhiều người khác chết sau đó vì phóng xạ. Hơn 1 phần 3 thành phố bị san bình địa. Sau đó, thành phố này đã được tái thiết đẹp đẽ, và một công viên hòa bình đã được kiến thiết, được dùng làm nơi tưởng niệm và cầu nguyện hàng năm.
Về phương diện Giáo Hội, Nagasaki đưa kia là trung tâm Công Giáo của Nhật Bản và hiện nay tổng giáo phận này có 61.200 tín hữu với 72 giáo xứ, 135 linh mục triều và dòng, 680 nữ tu và 5 đại chủng sinh.
Đức Thánh Cha đến phi trường Nagasaki lúc 9 giờ 20 và được chính quyền và giáo quyền địa phương đón tiếp. Hai em bé trong y phục truyền thống tặng hoa cho ngài. Liền đó, Đức Thánh Cha đi xe thẳng tới Công viên và trung tâm triển lãm vụ ném bom nguyên tử ngày 09 tháng 08 năm 1945, gọi là Atomic Bomb Hypocenter cách đó 35 cây số. Tại đây có bia ghi tên các nạn nhân và pho tượng cầu nguyện cho hòa bình cao 10 mét, cùng với nhiều tác phẩm nghệ thuật khác do các nơi trên thế giới gửi tặng.
Trời mưa tầm tã nên hàng trăm người hiện diện mặc áo mưa màu trắng hoặc màu vàng.
Tại lễ đài trong công viên lúc 10 giờ 15, đã diễn ra nghi thức công bố sứ điệp. Đức Thánh Cha được ông tỉnh trưởng và thị tưởng Nagasaki chào đón. Hai nạn nhân trao hoa cho ngài để đặt dưới chân đài tưởng niệm và Đức Thánh Cha thắp lên ngọn nến sáng hòa bình, trước khi cầu nguyện trong thinh lặng trước đài tưởng niệm.
Trong sứ điệp công bố bằng tiếng Tây Ban Nha và được 1 linh mục dòng Tên Tây Ban nha dịch ra tiếng Nhật, Đức Thánh Cha nói:
“Một trong những ước muốn sâu đậm nhất của tâm hồn con người là ước muốn hòa bình và ổn định. Việc sở hữu các võ khí hạt nhân và những võ khí tàn sát tập thể khác không phải là câu trả lời tốt nhất cho ước muốn ấy, trái lại dường như chúng liên tục tạo thử thách cho nó. Thế giới chúng ta đang chịu quan niệm xấu xa, đó là ước muốn bênh vực và bảo đảm sự ổn định và hòa bình dựa trên căn bản một thứ an ninh giả tạo được hỗ trợ bằng một tâm thức sợ hãi và thiếu tín nhiệm, rốt cuộc nó làm ô nhiễm những tương quan giữa các dân tộc và ngăn cản mọi khả năng đối thoại.”
“Hòa bình và sự ổn định quốc tế là điều không thể dung hợp với bất kỳ toan tính xây dựng trên sự sợ hãi tàn phá nhau hoặc trên một đe dọa tiêu diệt hoàn toàn; hòa bình và ổn định chỉ có thể khởi hành từ một nền luân lý đạo đức hoàn cầu về tình liên đới và cộng tác để phục vụ một tương lai được hình thành do sự lệ thuộc lẫn nhau và đồng trách nhiệm trong toàn thể gia đình nhân loại hôm nay và ngày mai.”
“Ở đây, tại thành phố này là chứng nhân những hậu quả thảm khốc về nhân mạng và môi trường do cuộc tấn công hạt nhân gây ra, những toan tính lên tiếng chống lại cuộc chạy đua võ trang sẽ không bao giờ đủ. Thực vậy, cuộc chạy đua này phí phạm những tài nguyên quý giá, lẽ ra có thể được dùng để thực thi sự phát triển toàn diện cho các dân tộc và bảo vệ môi trường thiên nhiên. Trong thế giới ngày nay, có hàng triệu trẻ em và những gia đình sống trong những điều kiện không xứng với con người, tiền bạc bị chi tiêu và những lợi nhuận bị dùng để chế tạo, tối tân hóa, bảo trì và bán các võ khí, ngày càng có sức tàn phá, đó thực là một cuộc khủng bố liên tục kêu thấu tới trời.”
Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng:
“Một thế giới an bình, không có võ khí hạt nhân, là khát vọng của hàng triệu người nam nữ ở mọi nơi. Biến lý tưởng này thành thực tại đòi phải có sự tham gia của tất cả mọi người: cá nhân, cộng đoàn tôn giáo, các xã hội dân sự, các quốc gia có võ khí hạt nhân và những nước không có, các lãnh vực quân sự và tư nhân, các tổ chức quốc tế. Câu trả lời của chúng ta cho sự đe dọa của các võ khí hạt nhân phải có tính chất tập thể và có phối hợp, dựa trên sự liên lỷ cố gắng kiến tạo một sự tín nhiệm nhau, phá vỡ năng động của sự nghi kỵ đang thắng thế hiện nay. Năm 1963, Thánh Gioan XXIII, trong thông điệp Pacem in terris (Hòa bình dưới thế), khi yêu cầu cấm các võ khí hạt nhân (Xc. n. 60), đã khẳng định rằng một nền hòa bình quốc chân chính và lâu bền không thể dựa trên sự quân bình giữa các lực lượng quân sự, nhưng chỉ dựa trên sự tín nhiệm nhau (Xc. n. 61).
Cần phá vỡ năng động của sự nghi kỵ đang thịnh hành và có nguy cơ đi tới độ ở công trình quốc tế kiểm soát sự võ trang. Chúng ta đang chứng kiến một sự hao mòn chủ trương đa phương, và càng trầm trọng hơn đứng trước sự phát triển các kỹ thuật mới về võ khí; lối tiếp cận này dường như không nhất quán trong bối cảnh hiện nay, đặc tính lệ thuộc lẫn nhau và tạo nên một tình trạng đòi phải cấp thiết quan tâm và tận tụy của tất cả các vị lãnh đạo.
Đức Thánh Cha khẳng định rằng: “Về phần mình, Giáo Hội Công Giáo quyết liệt dấn thân không thể hồi lại trong quyết định thăng tiến hòa bình giữa các dân tộc và quốc gia: đó là một nghĩa vụ mà Giáo Hội cảm thấy bị bó buộc phải chu toàn trước mặt Chúa và tất cả mọi người nam nữ trên trái đất này. Chúng ta không bao giờ có thể mệt mỏi khi làm việc và nhấn mạnh không chút do dự về các văn kiện công pháp quốc tế chính yếu liên quan đến giải trừ võ trang và không làm lan tràn võ khí hạt nhân, kể cả Hiệp ước về việc cấm các võ khí hạt nhân. Hồi tháng 7 vừa qua, các Giám mục Nhật Bản đã lên tiếng kêu gọi bãi bỏ các võ khí hạt nhân và trong tháng 8 hàng năm, Giáo Hội Nhật cử hành một cuộc gặp gỡ cầu nguyện trong 10 ngày cho hòa bình. Ước gì kinh nguyện, việc tìm kiếm không biết mệt mỏi để cổ võ các hiệp định, sự nhấn mạnh về đối thoại là “những võ khí” chúng ta đặt tin tưởng và là nguồn gợi hứng cho những cố gắng để xây dựng một thế giới công bằng và liên đới, mang lại những bảo đảm thực sự cho hòa bình.”
Đức Thánh Cha xin các vị lãnh đạo chính trị đừng quên rằng các võ khí hạt nhân không bảo vệ chúng ta khỏi những đe dọa cho an ninh quốc gia và quốc tế thời này. “Cần cứu xét hậu quả thê thảm của việc sử dụng các võ khí ấy về phương diện nhân mạng và môi trường, từ bỏ củng cố một bầu không khí sợ hãi, nghi kỵ và đố kỵ, do những chủ thuyết về hạt nhân thổi lên. Tình trạng hiện nay của trái đất chúng ta đòi phải nghiêm túc suy tư về việc làm sao sử dụng tất cả các tài nguyên ấy, đứng trước những khó khăn và phức tạp trong việc thực hiện chương trình 2030 phát triển dài hạn, làm sao đạt tới những mục tiêu như sự phát triển con người toàn diện.”
Và sau cùng, Đức Thánh Cha mời gọi mọi người hiệp ý với ngài trong kinh Hòa Bình của thánh Phanxicô Assisi.
Sau buổi công bố sứ điệp hòa bình, Đức Thánh Cha lên đồi Nishizaka cách đó 3 cây số, nơi hành quyết thánh Phaolô Miki và 25 thánh tử đạo Nhật bản hồi năm 1597. Tại đây ngài chủ sự nghi thức tôn kính các thánh tử đạo và đọc kinh Truyền Tin.
Nguồn tin: vietnamese.rvasia.org
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn