G. Trần Đức Anh, O.P.
Tiếp tục chương trình viếng thăm tại Thái Lan, lúc quá 3 giờ chiều, Đức Thánh Cha đã từ tòa Sứ Thần Tòa Thánh ở thủ đô Bangkok đến Đại học Chulalongkorn cách đó gần 4 cây số để tham dự cuộc gặp gỡ liên tôn về chủ đề: “Bắc những nhịp cầu cho hòa bình và cảm thông”.
Chulalaongkorn là đại học kỳ cựu và uy tín nhất của Thái Lan, được vua Rama VI thành lập hồi đầu thế kỷ 20, và các thành viên của hoàng gia và giới quý tộc Thái đã tốt nghiệp tại đây. Với thời gian, đại học phát triển nhiều và hiện nay có 19 phân khoa, trong đó có y khoa, luật, kinh tế, và một trường chuyên nghiên cứu các tài nguyên nông nghiệp.
Khi đến Đại học, Đức Thánh Cha đã được Đức Hồng y Kriengsak, của giáo phận Bangkok, cùng với Giáo sư viện trưởng và Chủ tịch Hội đồng đại học, đón tiếp. Hai đại diện sinh viên đã tặng hoa cho ngài, và cùng tiến lên sân khấu của Thính đường đại học.
Ngồi chật thính đường có 1.500 người gồm đại diện của 18 tôn giáo và phái đoàn các tín hữu, cùng với các sinh viên đại học. Cùng ngồi với Đức Thánh Cha trên sân khấu có 18 vị lãnh đạo các tôn giáo: Phật giáo, Tin Lành, Ấn giáo, Bahai và Hồi giáo...
Sau lời chào mừng của Giáo sư viện trưởng Bundit Eua-arporn và của Đức Cha Sirisut, Chủ tịch Ủy ban Giám mục Thái về đối thoại đại kết và liên tôn, Đức Thánh Cha đã ngỏ lời với mọi người.
Đức Thánh Cha nhận xét rằng: “Thế giới chúng ta ngày nay đang phải đối đầu với những thách đố phức tạp, như sự hoàn cầu hóa kinh tế và tài chánh, và những hậu quả nghiêm trọng đối với sự phát triển các cộng đoàn; những tiến bộ mau lẹ về kỹ thuật có vẻ thăng tiến một thế giới tốt đẹp hơn - và sự kéo dài những cuộc nội chiến tạo nên những làn sóng di dân, tị nạn, đói kém và chiến tranh.”
Đức Thánh Cha nói: “Chúng ta cũng phải đối đầu với sự suy thoái và hủy hoại căn nhà chung của chúng ta. Những thách đố này nhắc nhở chúng ta rằng không có miền nào hoặc lãnh vực nào trong gia đình nhân loại có thể lo liệu cho mình hoặc cho tương lai của mình, mà lại cô lập hoặc khép kín với người khác. Tất cả những tình trạng đó đòi chúng ta phải bạo dạn trong việc tìm ra những con đường mới để hình thành lịch sử thời nay mà không vu khống hay mạ lỵ một ai... Nay là lúc cần táo bạo đề ra tiêu chuẩn gặp gỡ và đối thoại với nhau như con đường cần đi, coi sự cộng tác chung như qui luật hành xử, sự hiểu biết nhau như một phương pháp và qui tắc. Như thế, chúng ta có thể cung cấp một mô hình mới để giải quyết các xung đột và giúp đẩy mạnh sự cảm thông rộng rãi hơn, cũng như bảo vệ thiên nhiên. Trong lãnh vực này, các tôn giáo, cũng như các đại học, có nhiều điều để cống hiến mà không từ bỏ đặc tính và những năng khiếu đặc biệt của mình. Tất cả những gì chúng ta làm về phương diện này sẽ là một bước tiến quan trọng nhắm bảo đảm cho các thế hệ trẻ quyền có tương lai, trong khi phụng sự chính nghĩa công lý và hòa bình...”
Đức Thánh Cha nói thêm rằng: “Tất cả chúng ta không những được mời gọi lắng nghe tiếng nói của người nghèo giữa chúng ta: những người bị loại trừ, áp bức, các thổ dân bản địa và các nhóm tôn giáo thiểu số, và chúng ta được kêu gọi đừng sợ kiến tạo những cơ may để cộng tác với nhau, như đã âm thầm diễn ra.”
“Chúng ta cũng được kêu gọi thực thi nghĩa vụ luân lý thăng tiến phẩm giá con người và tôn trọng các quyền lương tâm cũng như tự do tôn giáo. Chúng ta cần kiến tạo những không gian, trong đó chúng ta có thể hít thở không khí trong lành... Con người có thể tạo nên những điều xấu xa nhất, nhưng con người có thể vượt lên trên chính mình, chọn lựa những gì là tốt và bắt đầu lại, mặc dù bị những ảnh hưởng về tâm trí và xã hội (Laudato sì, 205).”
Và Đức Thánh Cha kết luận rằng: “Các bạn thân mến, tất cả chúng ta đều là thành phần của gia đình nhân loại. Mỗi người, theo cách thức của mình, được kêu gọi dấn thân tích cực và trực tiếp trong việc xây dựng một nền văn hóa dựa trên các giá trị chung, dẫn đến hiệp nhất, tôn trọng nhau và sống chung hòa hợp”.
Cuối buổi gặp gỡ các sinh viên nam nữ đã đồng ca một bài về hòa bình và buổi gặp gỡ liên tôn kết thúc với cuộc chụp hình lưu niệm giữa Đức Thánh Cha và các vị lãnh đạo tôn giáo.
Nguồn tin: vietnamese.rvasia.org
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn