Trong
bài phát biểu dành cho các tham dự viên khóa học hàng năm về “tòa trong”, do Tòa ân giải tối cao tổ chức, Đức Thánh cha Phanxicô khuyên các các cha giải tội hãy cảnh giác với việc đối thoại với ma quỷ hay coi việc xưng tội giống như một cuộc nói chuyện với nhà phân tâm học hoặc bác sĩ tâm thần, thay vào đó, hãy vạch ra nhiệm vụ thực sự của bí tích sám hối là gì.
“Chúa Giêsu dạy chúng ta rằng đừng bao giờ đối thoại với ma quỷ. Đừng bao giờ! Ngài đối phó cơn cám dỗ trong sa mạc bằng Lời Chúa, nhưng Ngài không đối thoại. […] Linh mục là người cung cấp những gì phù hợp để tha thứ và mở ra một số cánh cửa giúp [hối nhân] bước tiếp, nhưng đừng bao giờ hành động như một bác sĩ tâm thần hay nhà phân tâm học. Làm ơn, đừng đi sâu vào những thứ này!” Giáo hoàng nhấn mạnh: “Nếu bất kỳ ai trong số các linh mục có ơn gọi này [chăm sóc sức khỏe tâm thần], hãy làm việc đó ở nơi khác chứ không phải ở tòa giải tội. Đây là một cuộc đối thoại không thuận tiện trong thời điểm thương xót. Ở đó bạn chỉ cần suy nghĩ về việc tha thứ và ‘sắp xếp’ thế nào để sự tha thứ bước vào”.
Đức Thánh cha lưu ý các linh mục “trong Mùa Chay này, luôn chú ý đến việc thi hành đức bác ái mục vụ, được thể hiện một cách cụ thể và xuất sắc, hoàn toàn sẵn sàng không chút do dự, để thi hành thừa tác vụ hòa giải”. Ngài giải thích nhiệm vụ của các linh mục là “chào đón mọi người mà không thành kiến, vì chỉ có Chúa mới biết ân sủng nào có thể hoạt động trong tâm hồn, vào bất cứ lúc nào; hãy lắng nghe bằng đôi tai của con tim chịu tổn thương như trái tim của Chúa Kitô; khi giải tội cho hối nhân, hãy quảng đại ban phát ơn tha thứ của Thiên Chúa; trong lộ trình đồng hành để sám hối, không ép buộc, đồng hành với các tín hữu với sự kiên nhẫn và cầu nguyện liên lỉ”.
“Hãy luôn tìm kiếm con đường mà qua đó sự tha thứ có thể bước vào. Và khi không thể vào bằng cửa chính thì vào bằng cửa sổ”. Đức Thánh cha cũng đề nghị các cha giải tội khơi dậy nơi hối nhân ít là lòng khao khát ăn năn. Ước muốn ăn năn này được gọi là hối cải, như sách GLCG giải thích đó là món quà từ Thiên Chúa.
Đức Phanxicô cũng yêu cầu các cha giải tội không nên đặt điều kiện để được tha thứ, vì “Thiên Chúa không nói ‘chỉ điều này thôi’ mà Ngài nói ‘mọi thứ’ […] Ngài luôn luôn tha thứ, thật nhiều!”
“Nếu có ai không cảm thấy mình là người ban phát lòng thương xót đã nhận được từ Chúa Giêsu, thì đừng đến tòa giải tội”. Đức Thánh cha còn than phiền về một cha giải tội trong vương cung thánh đường của giáo hoàng, đã khiển trách hối nhân rồi cho việc đền tội không thể thực hiện được. “Điều này không được rồi. Lòng thương xót. Bạn ở đó để tha thứ và đưa ra những lời khuyên để người đó có thể tấn tới, được đổi mới nhờ sự tha thứ”.
Đức Thánh cha Phanxicô khuyến nghị rằng đừng để các tòa giải tội bị “bỏ hoang” mà luôn có một cha giải tội hiện diện thường xuyên, trong mọi môi trường mục vụ. “Đừng bao giờ để trống tòa giải tội. Khi mọi người chưa đến, hãy đọc cái gì đó, cầu nguyện, chờ đợi, họ sẽ đến”.
Trong một thế giới mà “tâm điểm của nó là hận thù và trả thù” thì các cha phải nhân rộng “trung tâm của lòng thương xót”. Chúng ta đừng quên rằng chúng ta đang ở trong một cuộc đấu tranh siêu nhiên, một cuộc đấu tranh có vẻ đặc biệt khốc liệt trong thời đại của chúng ta, ngay cả khi chúng ta đã biết kết quả cuối cùng của việc Chúa Kitô chiến thắng quyền lực của sự dữ.
G. Võ Tá Hoàng