Đức Thánh Cha tiếp kiến chung các tín hữu hành hương, 25/09/2019

Thứ tư - 25/09/2019 06:36

Đức Thánh Cha tiếp kiến chung các tín hữu hành hương, 25/09/2019

Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp kiến chung các tín hữu hành hương, 25/09/2019 | Vatican Media

Lúc gần 9 giờ rưỡi sáng Thứ Tư, 25/09/2019, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp hàng chục ngàn tín hữu hành hương tại Quảng trường thánh Phêrô. Trong số này cũng có một phái đoàn hơn 40 tín hữu người Việt từ bang California, Hoa Kỳ.


G. Trần Đức Anh, O.P.

Buổi tiếp kiến bắt đầu với phần tôn vinh Lời Chúa, qua bài đọc sách Tông Đồ công vụ, đoạn 6, từ câu 8 đến câu 10 và câu 16, thuật lại sự kiện thánh Stephano làm những dấu lạ lớn nơi dân chúng... Nhiều người trong Hội đường Do thái đứng lên tranh luận với Stephano nhưng không chống lại được sự khôn ngoan và Thánh Linh nhờ đó thánh nhân nói.. Mọi người trong Hội đường nhìn thấy khuôn mặt thánh nhân như khuôn mặt của một thiên thần.

Tiếp đến, Đức Thánh Cha lên tiếng, tiếp tục loạt bài huấn giáo về sách Tông Đồ công vụ. Bài thứ 9 này có tựa đề là “Stephano đầy Thánh Linh” (Cv 7,55) giữa công tác phục vụ và tử đạo. Ngài nói:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Qua sách Tông đồ công vụ chúng ta tiếp tục theo dõi hành trình của Tin Mừng trên thế giới. Thánh Luca, với tinh thần rất thực tiễn, chứng tỏ sự phong phú của hành trình này cũng như sự xuất hiện một số vấn đề giữa lòng cộng đồng Kitô. Làm sao hòa hợp những khác biệt giữa lòng Giáo Hội mà không xảy ra những xung khắc và rạn nứt?

Đức Thánh Cha giải thích rằng:

Cộng đồng Kitô tiên khởi không phải chỉ đón nhận những người Do thái nhưng cả những người Hy Lạp, những người đến từ những vùng Do thái hải ngoại, với văn hóa và nhạy cảm riêng. Sự đồng hiện diện này làm cho những quân bình trở nên mong manh và bấp bênh, và đứng trước những khó khăn ấy nảy sinh những “cỏ dại” là sự lẩm bẩm: những người Hy Lạp lẩm bẩm kêu trách cộng đoàn không quan tâm đến các góa phụ của họ.

Đâu là cách thức hành động của các Tông Đồ trước vấn đề này? Các vị đã khởi sự một tiến trình phân định bằng cách cứu xét kỹ lưỡng những khó khăn và cùng nhau tìm kiếm các giải pháp. Các vị tìm được một lối thoát qua việc phân chia các công tác khác nhau để toàn thể thân mình Giáo Hội được tăng trưởng trong thanh than và để tránh sự lơ là đối với việc phổ biến Tin Mừng cũng như việc chăm sóc các phần tử nghèo nhất.

Các Tông Đồ ngày càng ý thức rằng ơn gọi chủ yếu của mình là loan báo Lời Chúa và các vị giải quyết vấn đề bằng cách thiết lập “một nhóm 7 người có tiếng tốt, đầy Thánh Linh và khôn ngoan” (Cv 6,3), nhóm này, sau khi được đặt tay, có nhiệm vụ phục vụ bàn ăn. Sự hòa hợp này giữa việc phục vụ Lời Chúa và phục vụ bác ái là men làm tăng trưởng thân mình Giáo Hội: thực vậy, thánh Luca, ngay sau đó, đã ghi lại rằng “Lời Chúa được phổ biến và số tín hữu tại Jerusalem gia tăng nhiều” (Cv 6,7).

Đức Thánh Cha nói tiếp:

Trong số 7 “phó tế” nổi bật Stephano và Philipphê. Stephano mạnh mẽ và thẳng thắn loan báo Tin Mừng, nhưng lời nói của ngài gặp sự kháng cự ngoan cố nhất. Vì không tìm được cách nào khác để làm cho Stephano ngưng công việc ấy, các đối thủ của thánh nhân chọn giải pháp nhỏ nhen nhất để tiêu diệt một người: đó là vu khống hoặc làm chứng gian. Thứ bệnh “ung thư quỷ quái” này nảy sinh từ ý muốn tiêu diệt thanh danh của một người, và cũng tấn công phần còn lại của thân mình Giáo Hội và làm tổn thương thân mình ấy nặng nề khi họ liên kết với nhau để bôi nhọ người nào đó, vì lợi lộc nhỏ nhen hoặc để che đậy những thiếu sót của mình.

Bị điệu đến trước Hội Đồng Do thái và bị những chứng nhân gian dối tố cáo, Stepheno công bố một sự đọc lại lịch sử thánh qui trọng tâm vào Chúa Kitô: có một “sợi chỉ đỏ” qua các biến cố của dân Do thái, từ Abraham cho đến Chúa Giêsu, và một sự tiến triển trong đức tin, đạt tới sự trưởng thành viên mãn trong Chúa Kitô. Cuộc Vượt qua của Chúa Giêsu, chịu chết và sống lại, chính là chìa khóa toàn thể lịch sử giao ước. Đứng trước hồng ân dồi dào của Chúa, Stephano tố giác sự giả hình qua đó người ta đối xử với các ngôn sứ và chính Chúa Kitô. Thánh nhân nói: “Có ngôn sứ nào mà cha ông các ngươi không bách hại? Họ đã giết những người báo trước Đấng Công Chính sẽ đến, Vị mà bây giờ các người trở thành những kẻ phản bội và sát hại Ngài” (Cv 7,52).

Nhận xét ấy đã tạo nên một phản ứng mạnh mẽ nơi những người nghe và Stephano bị kết án ném đá. Nhưng ngài biểu lộ bản lãnh thực sự của môn đệ Chúa Kitô. Ngài không tìm cách trốn thoát, không khiếu nại với những nhân vật có thể cứu ngài, nhưng đặt trọn cuộc sống trong tay Chúa - “Lạy Chúa Giêsu, xin đón nhận linh hồn con” (Cv 7,59) - và thánh chết như con Thiên Chúa bằng cách tha thứ: “Lạy Chúa, xin đừng chấp tội họ” (7,60).

Bài học từ gương thánh Stephano

Những lời này của thánh Stephano dạy chúng ta rằng không phải những diễn văn đẹp biểu lộ căn tính của chúng ta là con cái Thiên Chúa, nhưng chỉ có sự phó dâng chính mạng sống của chúng ta trong tay Chúa Cha và sự tha thứ cho những người xúc phạm đến chúng ta. Thánh Stephano là vị tử đạo đầu tiên, là Alter Christus, nghĩa là người mà Chúa Thánh Linh làm cho giống Chúa Giêsu, không sợ mất mạng sống của mình và có thể làm chứng về tình thương của Thiên Chúa cho đến cùng.

Giáo Hội ngày nay có nhiều vị tử đạo, được tưới gội bằng máu của các vị, máu các vị tử đạo là “hạt giống sinh ra các tín hữu Kitô mới” (Tertulliano, Apologetico, 50,13) và đảm bảo sự tăng trường và phong phú cho dân Chúa. Các vị tử đạo không phải là “những tấm ảnh các thánh”, nhưng là những người bằng xương bằng thịt - như sách Khải Huyền đã nói - “Họ đã giặt áo, làm cho áo trở nên tinh tuyền trong máu của Chiên Con” (7,14). Các vị là những người chiến thắng, vì không bám víu 'vào hình ảnh của trần thế này” (1 Cr 7,31) nhưng đã thở hít dưỡng khí của Nước Chúa và đã làm cho Nước Chúa đi vào lịch sử.

Và Đức Thánh Cha kết luận rằng “Khi nhìn các vị tử đạo xưa và nay, chúng ta cũng hãy cầu xin Chúa cho chúng ta có thể học sống một cuộc sống sung mãn, bằng cách đón nhận cuộc tử đạo hằng ngày trung thành với Tin Mừng và trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô”.

Chào thăm

Trong phần chào thăm các tín hữu hành hương, Đức Thánh Cha đặc biệt chào thăm đông đảo các nữ tu dòng Thánh Phaolô thành Chartres, đang tham dự Tổng Hội của dòng từ đầu tháng 9 này ở Roma và sẽ kết thúc cuối tuần này. Tổng Hội đã tái cử Mẹ Maria Goretti Lee, người Hàn Quốc, trong chức vụ Bề trên Tổng Quyền, với nhiệm kỳ 6 năm. Đức Thánh Cha khích lệ các chị, cùng với các thành viên Tổng Hội dòng thừa sai thánh Phêrô Claver hãy ngoan ngoãn cởi mở đối với Chúa Thánh Linh, để phân định những con đường mới, trong việc sống các đoàn sủng của dòng.

Sau cùng, Đức Thánh Cha nhắc nhở mọi người rằng Thứ Sáu 27/09 sắp tới là lễ kính thánh Vinh Sơn Phaolô, vị sáng lập và là bổn mạng tất cả các Hiệp hội bác ái. Ước gì tấm gương bác ái được thánh Vinh Sơn Phaolô để lại cho chúng ta dẫn tất cả anh chị em đến một sự phục vụ vui tươi và vô vị lợi đối với những người nghèo túng nhất và giúp anh chị em cởi mở với nghĩa vụ đón tiếp và hồng ân sự sống.

Nguồn tin: vietnamese.rvasia.org

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây