G. Trần Đức Anh, O.P.
Trong bài huấn dụ trước khi đọc kinh, Đức Thánh Cha diễn giải ý nghĩa bài Tin Mừng với dụ ngôn về người quản lý bất lương và tinh ranh, biết dùng của cải của chủ để bảo đảm tương lai cho mình, như được thuật lại trong Tin Mừng theo thánh Luca, đoạn 16. Ngài nói:
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Dụ ngôn trong bài Tin Mừng Chúa nhật hôm nay (Lc 16,1-13) có một nhân vật chính là người quản lý tinh ranh và bất lương, ông ta bị cáo là đã phá tán tài sản của chủ, nên sắp bị sa thải. Trong tình cảnh khó khăn ấy, ông ta không phản đối, không tìm kiếm cách biện minh và cũng không để cho mình bị nản chí, nhưng nghĩ ra một lối thoát để đảm bảo cho mình một tương lai yên hàn. Trước tiên ông ta phản ứng một cách sáng suốt, nhìn nhận những giới hạn của mình: “Cày cuốc, thì tôi không có sức; đi ăn xin thì tôi xấu hổ” (v.3); rồi ông ta hành động một cách tinh quái, ăn trộm của chủ lần chót. Thế là, ông ta gọi các con nợ đến và giảm nợ của họ đối với chủ, để biến họ thành bạn hữu của mình để rồi được họ đền bù sau này.
Đức Thánh Cha nhận xét rằng: “Chúa Giêsu trình bày ví dụ này, chắc chắn không phải để khuyên hành động bất chính, nhưng tinh khôn. Thực vậy, Chúa nhấn mạnh: “Người chủ khen ngợi người quản lý thiếu lương thiện ấy, vì đã hành động một cách tinh khôn” (v.8), nghĩa là một cách thông minh pha trộn mưu mẹo, giúp vượt thắng những hoàn cảnh khó khăn. Chìa khóa để đọc chuyện kể này là lời mời của Chúa Giêsu: “Các con hãy tạo nên những người bạn bằng của cải bất chính, để, khi những của cải này không còn nữa, thì họ đón nhận các con vào những nơi ở vĩnh cửu” (v.9). Của cải bất chính là tiền bạc - cũng gọi là “phân bón của ma quỷ” - và nói chung là của cải vật chất.
Của cải có thể thúc đẩy dựng lên những bức tường, tạo nên những chia rẽ và kỳ thị. Trái lại, Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ hãy đổi hướng: “Các con hãy kiếm bạn bằng của cải”. Đó là một lời mời gọi hãy biết biến của cải và giàu sang thành những tương quan, vì con người có giá trị hơn sự vật và đáng kể hơn những giàu sang ta sở hữu. Thực vậy, trong cuộc sống, không phải người có nhiều của cải là người mang lại hoa trái, nhưng là người kiến tạo và duy trì bao nhiêu liên hệ sinh động, bao nhiêu tương quan, bao nhiêu tình bạn qua những “của cải”, nghĩa là qua những hồng ân Chúa ban cho họ. Nhưng Chúa Giêsu cũng chỉ cho thấy mục tiêu tối hậu trong lời khuyên của Ngài: Các con hãy kiếm những người bạn nhờ của cải, để họ đón nhận các con vào những nơi ở đời đời”. Để họ đón nhận chúng ta vào Thiên đàng, nếu chúng ta có khả năng biến đối những của cải thành những dụng cụ huynh đệ và liên đới, không phải chỉ có Thiên Chúa, nhưng cả những người mà chúng ta đã chia sẻ, quản lý của cải tốt đẹp, những gì Chúa đặt trong tay chúng ta.
Đức Thánh Cha giải thích thêm rằng: “Trang Tin Mừng này làm vang dội trong chúng ta câu hỏi về người quản lý bất lương, bị chủ sa thải: “ông ta sẽ làm gì bây giờ?” (v.3). Đứng trước những thiếu sót và thất bại của chúng ta, Chúa Giêsu trấn an chúng ta rằng chúng ta vẫn luôn còn giờ để sửa chữa sự ác đã làm bằng sự thiện. Ai đã gây ra nước mắt, thì hãy làm cho một người nào đó được hạnh phúc; ai đã lấy trộm trái phép, thì hãy trao tặng cho người đang túng thiếu. Làm như thế, chúng ta sẽ được Chúa khen ngợi vì chúng ta đã hành động một cách tinh khôn”, nghĩa là với sự khôn ngoan của người nhận ra mình là con Thiên Chúa và dám liều chính bản thân mình vì Nước Trời.
Và Đức Thánh Cha kết luận rằng “Xin Đức Mẹ giúp chúng ta tinh khôn trong việc đảm bảo cho mình, không phải sự thành công trần tục, nhưng là sự sống vĩnh cửu, để đến lúc phán xét chung, những người túng thiếu mà chúng ta đã giúp đỡ có thể làm chứng rằng nơi họ chúng ta đã nhìn nhận và phục vụ Chúa.
Sau khi ban phép lành, Đức Thánh Cha đã chào thăm các tín hữu Roma và các khách hành hương đến từ nhiều nước, đặc biệt ngài chào các tham dự viên cuộc chạy đua “Via Pacis”, Con đường Hòa Bình, qua các đường phố ở Roma ban sáng trước đó, để mang một sứ điệp hòa bình, huynh đệ và nhất là sứ điệp đối thoại giữa các nền văn hóa và tôn giáo khác nhau.
Đây là cuộc chạy đua đường trường cỡ nhỏ, dài 21 cây số, do Hội đồng Tòa Thánh về Văn hóa và Fidal, Liên đoàn Italia điền kinh nhẹ, bảo trợ và tổ chức lần thứ 3, qua những con đường nổi tiếng nhất ở Roma: khởi hành từ đường Hòa Giải trước Đền thờ Thánh Phêrô, dọc theo bờ sông Tevere, đi qua trước Đại hội đường Do thái, rồi vào trung tâm lịch sử, đi qua Hí trường Colosseo, đường Corso và đến Làng Thế Vận Olimpic, tiến qua Đền thờ lớn của Hồi giáo và trở lại trung tâm lịch sử Roma và sau cùng về đường Hòa Giải để kịp tham dự buổi đọc kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha. Cuộc chạy đua này được mở rộng cho mọi người, vì có 5 cây số ai cũng tham dự được, không có tính chất thi đua, và được gọi là “Run for Peace” – “Chạy cho Hòa Bình.”
Trong phần chào thăm sau kinh Truyền tin, Đức Thánh Cha cũng nhắc nhở mọi người rằng: “Chúa nhật tới, 29/09, là ngày Thế giới Di dân và tị nạn. Trong dịp đó, tôi sẽ cử hành thánh lễ tại Quảng trường thánh Phêrô này. Tôi mời gọi anh chị em hãy tham dự buổi lễ này để diễn tả qua kinh nguyện sự gần gũi của chúng ta với những người di dân và tị nạn trên toàn thế giới”.
Sau cùng, Đức Thánh Cha cầu chúc mọi người một chúa nhật tốt đẹp, và xin tất cả đường quên cầu nguyện cho ngài.
Nguồn tin: vietnamese.rvasia.org
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn