G. Trần Đức Anh, O.P. – Roma
Đầu buổi tiếp kiến, Đức Thánh Cha đi xe mui trần tiến qua các lối đi tại Quảng trường để chào thăm các tín hữu, trước khi tiến lên lễ đài tại thềm Đền Thờ.
Sau phần tôn vinh Lời Chúa, qua đoạn sách Tông đồ công vụ đoạn 5 (5,34-35.38-39) kể lại cuộc họp của Thượng Hội đồng Do thái muốn kết án các Tông đồ vì đã bất tuân lệnh cấm, cứ rao giảng Đức Kitô, nhưng ông Gamaliel đã lên tiếng can ngăn…
Đức Thánh Cha tiếp tục loạt bài huấn giáo về sách Tông Đồ công vụ. Đây là bài thứ 8, trong đó ngài nói về những tiêu chuẩn phân định do hiền triết Gamaliel đề nghị, khi ông nói với công hội Do thái rằng: “Quý vị đừng chống lại Thiên Chúa!” (Cv 5,39).
Đức Thánh Cha nói:
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Chúng ta tiếp tục giáo lý về sách Tông Đồ công vụ. Đứng trước lệnh cấm của những người Do thái không cho phép giảng dạy nhân danh Chúa Kitô, thánh Phêrô và các Tông đồ can đảm trả lời rằng: không thể vâng phục kẻ muốn ngăn chặn việc loan báo Tin Mừng trong thế giới.
Thế là 12 Tông Đồ chứng tỏ mình “tuân phục đức tin” mà các vị muốn khơi dậy nơi tất cả mọi người (Xc Rm 1,5). Thực vậy, từ lễ Hiện Xuống, các vị không còn là những người “đơn độc” nữa. Các vị cảm nghiệm một sự hiệp lực đặc biệt khiến các vị không còn tập trung vào mình và làm cho các vị nói: “Chúng tôi và Thánh Linh” (Cv 5,32) hoặc nói “Thánh Linh và chúng tôi” (Cv 15,28). Vững mạnh nhờ liên minh ấy, các Tông Đồ không để cho một ai hăm dọa. Các vị không chùn bước, trong tư cách là chứng nhân can đảm của Đấng Phục Sinh, như các vị tử đạo trong mọi thời đại, kể cả thời nay. Cuộc Vượt Qua chết và sống lại của Chúa Kitô cần được kể lại và phổ biến do những người là chứng nhân trực tiếp, cùng với Thánh Linh. Vì thế Lời Tin Mừng không thể bị xiềng xích (Xc. 2 Tm 2,9), và cũng không bị buộc phải im bặt. Các Tông Đồ là những “loa phóng thanh” của Thánh Linh, được Chúa Phục Sinh sai đi loan báo mau lẹ và không chút do dự Lời ban ơn cứu độ.
Sự quyết tâm này làm cho “chế độ tôn giáo” của Do thái rúng động. Họ cảm thấy bị đe dọa và đáp trả bằng bạo lực và kết án tử. Nhưng giữa Thượng Hội đồng Do thái, có một tiếng nói khác của một người Biệt Phái đã quyết định ngăn chặn phản ứng của các đồng nghiệp, đó là Ông Gamaliel, “một nhà thông luật, được toàn dân kính nể”. Nơi trường phái này, Thánh Phaolô đã học cách tuân giữ “Luật của cha ông” (Xc Cv 22,3). Gamaliel lên tiếng và chứng tỏ cho các anh em mình về cách thức thực thi nghệ thuật phân định đứng trước những tình trạng vượt ra ngoài khuôn khổ thông thường.
Ông Gamaliel trưng dẫn một số nhân vật tự xưng mình là Đấng Messia, và chứng minh rằng mỗi dự phóng phàm nhân, thoạt đầu có thể đạt được sự đồng thuận và ủng hộ, nhưng rồi nó “chìm xuồng”, trong khi tất cả những gì đến từ trên cao và mang dấu vết của Thiên Chúa thì sẽ tồn tại. Vì thế ông Gamaliel kết luận rằng, nếu các môn đệ của ông Giêsu thành Nazareth đã tin một người lừa bịp, thì họ sẽ tan biến trong hư vô; trái lại nếu họ theo một vị đến từ Thiên Chúa, thì tốt hơn chúng ta đừng bài trừ họ; và Ông Gamaliel cảnh giác rằng: “Quý vị đừng chiến đấu chống lại Thiên Chúa!”
Đức Thánh Cha nhận định rằng “Nhân vật tự do và được soi sáng ấy đã trực giác thấy rằng các môn đệ của Đức Kitô khác với bất kỳ giáo phái nào và ông tỏ ra đầy lòng kính sợ Chúa, qua việc muốn bảo tồn mạng sống của người mà, theo các đồng nghiệp của ông, họ đáng chết. Ngoài ra, Ông Gamaliel chứng tỏ mình được ơn khôn ngoan tiên tri, vì ông mời gọi những người khác hãy cẩn thận đừng chiều theo cám dỗ vội vã và hãy học cách chờ đợi những diễn biến trong tiến trình qua thời gian. Thực vậy, Thiên Chúa cũng nói và biểu lộ qua thời gian, chứng tỏ mỗi sự việc có đứng vững hay không.
Những lời nói của Ông Gamaliel bình tĩnh và sáng suốt cho thấy biến cố Kitô dưới một ánh sáng mới và mang lại những tiêu chuẩn theo tinh thần Tin Mừng, vì mời gọi nhìn nhận một cây qua hoa trái của nó (Xc Mt 7,16). Những lời ấy đánh động tâm hồn và đạt được kết quả mong muốn: đó là, các thành viên khác của Thượng Hội đồng Do thái đã theo ý kiến của ông và từ bỏ ý định kết án tử hình cho các Tông Đồ.
Đức Thánh Cha nói thêm rằng “Sự phân định do Gamaliel thực hiện là một nghệ thuật quý giá cho cả chúng ta, cộng đồng Giáo Hội trong ngàn năm thứ ba này, vì sự phân định ấy mời gọi chúng ta hãy sáng suốt, có cái nhìn chiêm niệm về các biến cố, chứ đừng đưa ra những phán đoán vội vã, hãy đón nhận năng động của một tiến trình trong thời gian lâu dài và bao quát hơn, hãy tin rằng một tín hữu chân chính sẽ sinh hoa trái trong thời gian thích hợp (Xc Tv 1,3). Sự phân định ấy mời gọi chúng ta hiểu rằng phân định không trù liệu những giải pháp tiêu chuẩn, vì đó là một nghệ thuật, một việc thực hành trí tuệ khôn ngoan của con cái Thiên Chúa, là những người học cách nhìn thấy những dấu vết sự hiện diện của Chúa Cha trong lịch sử.
Và Đức Thánh Cha kết luận rằng: “Chúng ta hãy cầu xin Chúa Thánh Linh hoạt động trong chúng ta, như những cá nhân hoặc trong tư cách là cộng đoàn, để chúng ta có thể đạt được tập quán phân định. Chúng ta hãy cầu xin Chúa ban cho chúng ta luôn biết nhìn thấy sự thống nhất trong lịch sử cứu độ qua những dấu hiệu về sự đi qua của Thiên Chúa trong thời đại chúng ta và trên khuôn mặt của những người ở cạnh chúng ta để chúng ta học biết rằng thời gian và những khuôn mặt nhân trần là những sứ giả của Thiên Chúa hằng sống”.
Bài huấn dụ dài trên đây bằng tiếng Ý được các linh mục thông dịch tóm tắt trong các thứ tiếng Pháp, Anh, Đức, Tây Ban Nha, Bồ đào nha, Arập và Ba Lan cùng với các lời chào thăm của Đức Thánh Cha.
Ngài cũng nhắc đến một số nhóm hành hương từ các nước. Với các tín hữu Ba Lan, ngài nhắc đến thánh Stanislao Kostka, dòng Tên, đã hy sinh rất nhiều để theo đuổi ơn gọi. Thánh nhân là mẫu gương cho nhiều người trẻ khác trong việc vượt qua mọi khó khăn để đáp lại tiếng Chúa gọi trong đời tu trì và linh mục.
Đức Thánh Cha đặc biệt nhắc nhở các tín hữu rằng “Ngày 21/09 tới đây là Ngày Thế Giới về bệnh Alzheimer, bệnh suy thoái não bộ, gây hại cho bao nhiêu người nam nữ, do bệnh này, họ thường trở thành nạn nhân của bạo lực, bị ngược đãi và bị những lạm dụng chà đạp phẩm giá của họ. Đức Thánh Cha nói: “Chúng ta hãy cầu nguyện cho sự hoán cải các tâm hồn và cho những người bị bệnh suy thoái não bộ, cho gia đình họ và những người yêu thương chăm sóc họ. Tôi cũng hiệp ý cầu nguyện, nhớ đến bao nhiêu người bị bệnh ung thư, để họ ngày càng được nâng đỡ trong việc phòng ngừa cũng như chữa trị bệnh này”.
Buổi tiếp kiến chung kết thúc với Kinh Lạy Cha và Phép lành Tòa Thánh Đức Thánh Cha ban cho mọi người.
Nguồn tin: vietnamese.rvasia.org
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn