G. Trần Đức Anh, O.P.
Hội nghị tiến hành tại Roma từ ngày 16 đến 20/09 nhân dịp kỷ niệm 50 năm thành lập Hội và có chủ đề là “50 năm gặp gỡ giữa các Giáo Hội Đông phương: Giáo luật trợ giúp cuộc đối thoại đại kết như thế nào”. Trong số các tham viên có nhiều giáo sư và chuyên gia thuộc Công Giáo Đông phương, Chính Thống và Chính Thống Đông phương. Trong số các thuyết trình viên tại Hội nghị có Đức Thượng Phụ Bartolomaios I, Giáo Chủ Chính Thống Constantinople.
Lên tiếng trong buổi tiếp kiến, Đức Thánh Cha khẳng định rằng “giáo luật là điều thiết yếu đối với việc đối thoại đại kết. Nhiều cuộc đối thoại thần học giữa Giáo Hội Công Giáo, đặc biệt với Giáo Hội Chính Thống và các Giáo Hội Chính Thống Đông phương, là những vấn đề thuộc Giáo Hội học, vì thế chúng cũng có chiều kích giáo luật, vì Giáo Hội học được diễn tả trong các cơ chế và luật lệ của các Giáo Hội. Do đó, giáo luật không những là một trợ lực cho việc đối thoại đại kết, nhưng còn là một chiều kích thiết yếu của cuộc đối thoại này. Đàng khác, hiển nhiên đối thoại đại kết cũng là một sự phong phú cho giáo luật.
Đức Thánh Cha cũng trưng dẫn đặc tính công nghị, một điều chúng ta có thể học hỏi từ kinh nghiệm của các truyền thống khác, nhất là từ các Giáo Hội Đông phương. Đàng khác, Giáo Hội Công Giáo cũng cố gắng sống chiều kích công nghị trong tương quan với các tín hữu Kitô khác. Dựa trên gia sản chung về giáo luật trong ngàn năm thứ nhất, cuộc đối thoại thần học hiện nay giữa Giáo Hội Công Giáo và Giáo Hội Chính Thống đang tìm kiếm một hiểu biết chung về quyền tối thượng và công nghị tính, tương quan của hai đặc tính với nhau, nhắm phục vụ sự hiệp nhất của Giáo Hội.
Từ nhiều năm nay, Giáo Hội Công Giáo đối thoại thần học với 15 Giáo Hội Chính Thống, nhưng hiện nay cuộc đối thoại này bị bế tắc vì sự chia rẽ trầm trọng giữa Chính Thống Nga và Chính Thống Constantinople, do sự kiện Đức Thượng Phụ Bartomaios là vị đứng đầu Chính Thống Bizantine công nhận sự độc lập của Chính Thống Ucraina khỏi Chính Thống Nga, nên Chính Thống Nga đoạn giao với Chính Thống Constantinople và không tham dự bất kỳ sinh hoạt đại kết nào có đại diện của Chính Thống Constantinople.
Tuy nhiên, cuộc đối thoại thần học của Công Giáo với các Giáo Hội Chính Thống Đông phương, như Chính Thống Etiopia, Chính Thống Copte Ai Cập hoặc Giáo Hội Armeni Tông Truyền, vẫn tiếp tục tiến hành tốt đẹp. Đây là những Giáo Hội tách rời khỏi Công Giáo vì không chấp nhận Công Đồng Calcedonia năm 461. (Sala Stampa 19-9-2019)
Nguồn tin: vietnamese.rvasia.org
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn