CÁI TÔI THẤM THÍA NỖI ĐAU PHẬN NGƯỜI
TRONG BÀI THƠ "THÁNG GIÊNG Ở VÙNG VỊNH"
CỦA LÊ ĐÌNH BẢNG
Cái tứ của những vần thơ Công giáo Lê Đình Bảng chẳng như một mỏ than lộ thiên vừa đọc đã thấu, vừa nghe đã cảm. Nó ẩn nấp dưới lớp kí hiệu ngôn từ cần những thao tác giải mã lịch sử, văn hóa, triết học, thần học ở một mức độ nhất định.
Ta thử sử dụng những thao tác giải mã này để truy tìm cái tứ thơ nghệ thuật, hay còn gọi là "cái tôi trữ tình" trong bài thơ Tháng Giêng ở vùng Vịnh để khám phá vẻ đẹp thơ ông.
Sao em không về
Vùng Vịnh tháng Giêng bão táp
Vùng Vịnh nửa đêm quặn đau theo
từng hồi còi báo động
Lưới lửa đầy trời, choàng tỉnh cơn mê?
Tôi hằng đợi em, ơi người thiếu phụ Ninivê
Quê em đó, cổ thành Babylon,
công viên, nhà ga, hàng quán
Những giếng dầu bên giòng sông khô cạn
Những vai cầu cúi mặt, khăn sô
Gửi tặng em, một manh áo vải thô,
Phong kín nửa mùa chăn gối.
Đã đi qua một tháng Giêng lầm lỗi
Ôi tháng Giêng, tháng Giêng xanh mướt
mái đồi cỏ non
Khâm liệm dưới mặt hồ lệ đá!
Sao em không về,
ngôi nhà xưa ngó ra biển cả
Chập chờn đầu lũ ma trơi,
Trôi dạt xác người!
Bốn phía rừng dương tơi tả
Đâu những mẹ già, vợ góa, con côi?
Và trẻ thơ chưa kịp làm người
Gục chết trong hầm trú
Đạn nổ bom rơi
Người ta xô nhau xuống hố sâu vực thẳm
Ở lứa tuổi đương yêu
Như cây vĩ cầm dở dang nốt nhạc
Tôi vẫn đợi em, từng phút từng giờ,
bồ hòn mật đắng
Dù đêm đêm
Ô cửa chực chờ
Sao em không về
Bản chúc thư chưa ai kịp đọc
Trên nhành cây vả chết khô
Đêm nay sóng vẫn hò reo từ phía biển hồ
Ai giặt lưới, ai soi đèn, mơ mùi rượu tiễn
Tháng Giêng ơi, còn đâu hò hẹn
Bờm ngựa rung mịt mù ải xa
Đâu đây lũ côn trùng, hơi ngạt quanh ta
Tôi vẫn đợi em về
Dù cổng thành Ninivê không mở.
Đặt ba câu hỏi "Sao em không về?" ở ba vị trí trọng yếu của bài thơ: mở đầu, giữa và gần cuối, bài thơ nhuốm màu chất vấn. Mở đầu bằng câu hỏi "Sao em không về?" nhưng "tôi" chẳng cần được trả lời, chỉ muốn báo cho "em" biết những cơn đau của vùng Vịnh:
"Vùng Vịnh tháng Giêng bão táp
Vùng Vịnh nửa đêm quặn đau theo
Từng hồi còi báo động
Lưới lửa đầy trời, choàng tỉnh cơn mê?"
"Vùng Vịnh" vào một tháng Giêng gặp bão táp, quặn đau, thảng thốt từng hồi còi báo động lúc nửa đêm. Cảnh tượng này dễ mở lối, dẫn dắt tâm trí người ta liên tưởng đến thực tại diễn ra vào tháng giêng năm ấy nơi vùng Vịnh địa lý đời thực - sự kiện chiến tranh năm 1991, một cuộc xung đột giữa Iraq và liên minh do Hoa Kỳ lãnh đạo xoay quanh tranh chấp về "giếng dầu" giữa họ. "Em" – đại diện cho tính nữ, câu thơ nhìn thực tại chiến tranh dưới góc nhìn tâm lí nữ "quặn đau", xót xa, thương cảm, bất ngờ hốt hoảng trước tai họa; không âm hưởng hào sảng, không sục sôi khúc quân hành kiểu “đường ra trận mùa này đẹp lắm".
"Quê em đó, cổ thành Babylon,
Công viên, nhà ga, hàng quán"
"Em" là ai? Có phải "em" là hồn đất nước, hồn quốc gia dân tộc? Hóa ra cổ thành Babylon là quê quán của "em". Từ "cổ thành" đưa ta về bầu khí Babylon dưới triều vua Nebuchadnezzar II hùng mạnh, văn minh trước khi thất thủ bởi Đại đế Ba Tư tài trí Cyrus. Ngày nay, những gì còn lại của thành phố ban đầu của Babylon cổ đại nổi tiếng chỉ là hoang phế, vắng lặng với vùng đất hoang mạc đầy gió cát giữa hai dòng sông Tigris và Euphrates.Bottom of Form Sự hoành tráng, đồ sộ nguy nga của thành cổ Babylon nay trở thành huyền thoại, hậu thế nhắc lại trong nỗi niềm tiếc nuối, còn đâu nữa những công viên, nhà ga, hàng quán,...Giữa những đổ nát đó,
"Tôi hằng đợi em, ơi người thiếu phụ Ninive"
Hóa ra "em" là một "thiếu phụ". "Thiếu phụ" thường được hiểu là người phụ nữ trẻ vắng chồng. Nghĩa văn chương còn cho phép liên tưởng rằng người đàn bà, con gái đó bé bỏng đáng thương cần được bảo vệ. Ninive tọa lạc trên bờ đông của sông Tigris, đã từng là thành phố lớn nhất trên thế giới trong vòng năm mươi năm trước khi bị cướp phá năm - 612. Quê "em" ở Babylon và "em" lại được gọi là "thiếu phụ Ninive". Phải chăng, "em" là hiện thân của sự nuối tiếc dĩ vãng "vang bóng một thời". Gặp "em", người ta tưởng như gặp một hoài niệm xót xa. "Em" có nét gì đó giống với "Người thiếu phụ" trong ca khúc cùng tên được ca sĩ Thanh Thúy cất lên như than như khóc, nghẹn ngào nức nở:
"Chiều đã buông xuống dần,
từng cánh chim bay về phương trời xa xăm.
Kìa bóng người thiếu nữ bơ vơ đi trên chiếc cầu bâng khuâng..."
Giữa bầu trời rực "lưới lửa" tháng Giêng, thực tại phũ phàng hiện ra với bộ mặt rũ rượi:
"Những vai cầu cúi mặt, khăn sô
Gửi tặng em, một manh áo vải thô,
"Khăn sô" là hình ảnh của khăn tang, chiếc khăn than khóc người thân qua đời. "Khăn sô" đi liền với "vải thô" trong tư thế "cúi mặt" là thông điệp của một nỗi đau ôm trọn vào lòng. Nhã Ca trong tác phẩm Dải khăn sô cho Huế cũng đã gởi nỗi đau thương vào hình ảnh "khăn sô" như thế. Tháng Giêng năm 1968, trong khi cư dân Huế sửa soạn mừng Tết, thành phố đẹp đẽ bị tàn phá và hàng ngàn người chết. Dải khăn Sô Cho Huế kể lại những chuyện đã xảy ra trong cuộc tổng công kích dữ dội của miền Bắc Việt Nam. Nhã Ca đã viết tác phẩm như "một bó nhang đèn góp giỗ". Khi sợ hãi mạnh hơn tất thảy, con người dường như không còn thiết tha điều gì nữa. Những trái tim son trẻ bỗng trở nên già cỗi: "Phong kín nửa mùa chăn gối".
Nỗi niềm tiếc nuối trên quê hương vùng Vịnh "tôi" gởi cho "em" hiện ra thật rõ nét:
"Đã đi qua một tháng Giêng lầm lỗi
Ôi tháng Giêng, tháng Giêng xanh mướt
mái đồi cỏ non
Khâm liệm dưới mặt hồ lệ đá!"
Tháng Giêng – tháng đầu tiên trong năm, biểu hiện cho sự tinh khôi của đất trời, nhưng sao lại là "tháng Giêng lầm lỗi". Tháng Giêng xanh mướt dưới đồi cổ non lại bị khâm liệm dưới "hồ lệ đá"? "Lệ" là từ Hán Việt nghĩa là nước mắt và nói đến đá, người ta nghĩ đến sự vô cảm, lạnh lùng; "Lệ đá" nghĩa là nước mắt của đá. Mái đồi cỏ non bị khâm liệm dưới hồ lệ đá diễn tả nỗi đau xót trước những nhớp nhúa của yếu tố tinh khôi đến mức đá cũng phải nhỏ lệ. Thả hồn phiêu du chốc lát với ca khúc nhạc vàng "Lệ đá" do ca sĩ Khánh Ly thể hiện, ta phần nào cảm được ý nghĩa cơ bản đó:
"Hỏi đá xanh rêu bao nhiêu tuổi đời
Hỏi gió phiêu du qua bao đỉnh trời
Hỏi những đêm sâu đèn vàng héo hắt…."
Thở than, kinh hãi tiếp ngay sau những nuối tiếc:
"ngôi nhà xưa ngó ra biển cả
Chập chờn đầy lũ ma trơi"
Tìm đâu nữa ngôi nhà tổ quốc dân tộc, đất nước thuở bình yên ngó ra bờ sông Tigris êm đềm. "Ma" là cái hồn của người đã chết. "Ma trơi" chập chờn cho thấy một thế giới không còn sức sống con người, thế giới đó đã thuộc về cõi âm, cõi chết chóc. Một cái nhìn rệu rã hiện hình thành thơ: tàn khốc và dữ dội. Chiến tranh đôi khi giết chết con người ta từ trong suy nghĩ. Đâu chỉ có máu và thuốc súng, những tâm hồn rệu rã trong tuyệt vọng, đau thương và chết chóc. Một cảm nhận thật tinh tế giữa bối cảnh này:
"Bốn phía rừng dương tơi tả"
Dương liễu là biểu tượng của chia li, của khổ biệt. Trong văn học trung đại, chỉ một nhành dương liễu cũng đủ thể hiện biết bao nỗi sầu muộn trong lòng người đi kẻ ở, vậy mà ở đây hiện lên cả "rừng dương tơi tả" ở cả "bốn phía". Vì vậy bối cảnh bài thơ nhuốm sắc thái "khổ", "thương tâm", "sầu", "cay đắng" đầy ứ bầu trời. Hình ảnh này giữa mạch cảm xúc trở thành biểu tượng nghệ thuật chuyển tải những nỗi niềm của người sống trong cảnh "muôn trùng xa cách".
"Đâu những mẹ già, vợ góa, con côi?
Và trẻ thơ chưa kịp làm người
Gục chết trong hầm trú ẩn
Đạn nổ bom rơi"
Một tiếng kêu than vô vọng, một dấu chấm hỏi tra vấn kiếp nhân sinh giữa những khốc liệt, dữ dằn, đau thương, mất mát. Những mẹ, vợ và con là hiện thân cho phái yếu, cho những kiếp người khốn khổ cũng chẳng được bom đạn buông tha. Lớp lớp người "gục chết" trở thành những bóng ma, tiếp tục ám ảnh những kẻ đang sống sót níu giữ số phận mong manh. Đó chính là đỉnh điểm của bi kịch, của bất hạnh, đến nỗi:
"Người ta xô nhau xuống hố sâu vực thẳm
Ở lứa tuổi đương yêu
Như cây vĩ cầm dở dang nốt nhạc"
Ai xô ai xuống hố sâu cái chết? Đối phương xô ta hay chính đồng bào xô nhau để níu lấy mạng sống mình trong bối cảnh khốc hại? Chẳng thể có một nguyên tắc đạo đức nào được tuân thủ trong hỗn loạn chiến tranh như khi ta giảng giải lúc hòa bình. "Ở lứa tuổi đang yêu" - lứa tuổi đẹp nhất đời người cũng không tránh phải hứng chịu cái khốc hại thời cuộc, xót xa như cây vĩ cầm đang rung lên nốt nhạc dở dang phải cắt dây.
Đang hướng về kiếp nhân sinh, dòng thơ đột ngột hướng vào thế giới tâm tưởng:
"Tôi vẫn đợi em, từng phút từng giờ,
bồ hòn mật đắng
Dù đêm đêm
Ô cửa chực chờ"
"Bồ hòn" và "mật đắng" đều mang nghĩa đắng cay. Thương vong của cuộc chiến tranh vùng Vịnh uớc đoán có đến trăm ngàn người thiệt mạng. Khuôn mặt dòng sông Tigris trở nên dị dạng bởi sự bắt bớ của chất độc chiến tranh. "Tôi" giữa "bồ hòn mật đắng", vẫn từng phút từng giờ đợi "em", nghĩa là "tôi" khao khát thanh bình cho quê hương "em", khao khát trong cả tiềm thức.
"Sao em không về
Bản chúc thư chưa ai kịp đọc
Trên nhành cây vả chết khô
Đêm nay sóng vẫn hò reo từ phía biển hồ"
"Chúc thư" là lời trăn trối của người ra đi mong muốn người thân còn sống thực hiện. "Tôi" mong "em" về để trao lại "chúc thư". Vậy hóa ra "tôi" trở thành chứng nhân của những đau thương. "Tôi" có nhiệm vụ trao lại cho em nỗi khát khao của những con người ngã xuống giữa bom đạn. Nhưng chúc thư ấy lại đặt trên một cành cây chết khô, số phận bản chúc thư ấy sẽ ra sao? "Sóng vẫn reo từ phía biển hồ" đêm nay, sóng thì chông chênh, chòng chành. Bản chúc thư đi liền với hình tượng sóng phải chăng cũng chung một số phận: vỡ vụn. Tứ thơ phát triển theo mạch hướng về về tương lai:
Ai giặt lưới, ai soi đèn, mơ mùi rượu tiễn
tháng Giêng ơi, còn đâu hò hẹn
Những hạnh phúc sinh hoạt đời thường một thời nắm giữ - thứ mà con người đời nào cũng khao khát, luôn nỗ lực tìm kiếm, mong mỏi tất yếu trong cuộc sống con người. Thế nhưng chiến tranh đã lạnh lùng cướp nó đi.
Bờm ngựa rung mịt mù ải xa
Đâu đây lũ côn trùng, hơi ngạt quanh ta
Tiếng bờm ngựa ở xa xa. Đó là tiếng địch quân hay tiếng dân mình chẳng ai biết được, nhưng chắc chắn không phải là tiếng bình yên. Đó là tiếng chết chóc cùng với "hơi ngạt" sát hại bao kiếp người. Thế nhưng, cái tôi trữ tình vẫn níu giữ một niềm tin bất chấp:
"Tôi vẫn đợi em về
Dù cổng thành Ninive không mở"
Chiến tranh giống như một trận cuồng phong, lạnh lùng cuốn phăng tất cả những gì xuất hiện trên đường đi của nó. Tuổi trẻ, hạnh phúc, mơ ước hoài bão và cả mạng sống con người… bỗng chốc hóa thành hư vô, tang tóc. Cánh cổng Ninive vẫn đóng, lòng người vẫn khép chặt với những tư lợi quốc gia trong cuộc chiến vùng Vịnh, nhưng "tôi" vẫn hằng chờ "em", mỏi mòn. "Em" hiện thân của hòa bình vẫn hi vọng trở về trong khao khát của "tôi".
Thật vậy, có một cái tôi trữ tình đau đớn trước kiếp người trong Tháng giêng ở vùng Vịnh. Sự chà đạp lên số phận, lên quyền sống con người trong chiến tranh hiện ra giữa những dòng thơ đầy khắc khoải, tứ thơ có lúc nhạy cảm đến nao lòng. Một khát vọng về đời sống thái bình, hạnh phúc cho con người là tiếng nói của nhân vật trữ tình, không chỉ qua hiện thực chiến tranh mà cho hết thảy những số phận bất hạnh.
Tuy nhiên, theo chủ quan của người viết, vấn đề tiếp nhận thơ Đình Bảng cần thiết được đặt ra. Khoảng cách thẩm mĩ giữa tác giả và độc giả liệu có chênh nhau quá xa? Để cảm được cái hồn của bài thơ, bạn đọc cần thủ đắc phương pháp "đọc chậm", bởi thế giới nghệ thuật trong Tháng Giêng ở vùng Vịnh tựa như một "cõi", trầm sâu và xa vắng, cần thiết phải có một khoảng lặng, một sự suy gẫm đủ mới thấu cảm được quan niệm về nhân sinh trong thơ ông.
Gió Biển, CMR
Tài liệu tham khảo - Lê Đình Bảng (2010), Văn học Công giáo Việt Nam – những chặng đường, Nxb.Từ điển Bách khoa, Hà Nội
- Lê Đình Bảng (2011), Hành hương, Nxb.Tôn giáo, Hà Nội
- Trần Thái Đỉnh (2008), Triết học hiện sinh, Nxb.Văn học, Tp.HCM
- Phạm Ngọc Hiền (2018), Thi pháp học, Nxb.Tổng hợp, Tp.HCM
- Tòa Tổng Giám Mục (1995), Các giờ Kinh Phụng vụ, Nxb.Thành phố HCM