Đức Ái

Thứ sáu - 02/08/2019 05:25

DucAi.jpg

1. Lời Chúa

 

Thưa Thầy, trong mọi điều răn, điều răn nào đứng đầu? Đức Giêsu trả lời: Điều răn đứng đầu là: Nghe đây, hỡi Israel, Đức Chúa, Thiên Chúa của chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. Ngươi phải yêu mến Đức Chúa Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi. Điều răn thứ hai là: Ngươi phải yêu thương người thân cận như chính mình. Chẳng có điều răn nào khác lớn hơn các điều răn đó. (Mc 12,28-31)

 

Chúa Giêsu đã giải thích cho ông kinh sư hiểu giới luật đứng đầu là: Kính mến Chúa, yêu mến Chúa. Giới luật thứ hai là: Yêu thương người thân cận, yêu thương như chính mình.

 

Cả hai giới luật này đều có điểm chung: Yêu thương. Yêu mến Chúa qua những việc làm cụ thể trong đời sống đức tin, chẳng hạn như: Đọc kinh, tham dự thánh lễ, cầu nguyện, lãnh nhận các bí tích… Đồng thời yêu thương người thân cận bằng những hoạt động tương thân tương ái nơi đời sống hằng ngày. Đó gọi là Đức ái.

 

2. Đức ái là gì?

 

Là nhân đức dạy ta biết yêu thương, phục vụ và tha thứ cho người khác, theo gương Chúa Giêsu Kitô. Tại sao phải yêu người?

 

YÊU THƯƠNG:

 

- Xét về tự nhiên: Tứ hải giai huynh đệ. Người trong bốn biển đều là anh em. Vì thế, cần cổ võ tình thương nhân loại, tình người, tình nghĩa anh em, tình đồng loại...

 

- Xét về siêu nhiên: Từ Cựu Ước đến Tân Ước. Thiên Chúa luôn dạy dỗ Dân Chúa, cũng như tất cả chúng ta: Hãy yêu thương nhau, như Chúa đã yêu thương chúng ta.

 

- Nền tảng của Đức ái chính là Thiên Chúa: Thiên Chúa là Tình Yêu, ai biết yêu thương là đang trở nên giống như Thiên Chúa.

 

- Thiên Chúa đã dựng nên con người giống hình ảnh Chúa, và Chúa Con đã xuống thế làm người chịu chết để cứu chuộc nhân loại. Vì thế, Chúa luôn muốn hết thảy mọi người sống yêu thương nhau: Hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.

 

- Nhờ yêu thương mà mọi người nhận ra anh em là môn đệ của Thầy. Nhờ yêu thương mà người khác nhận ra chúng ta là người Công giáo. Vậy thực hành yêu thương như thế nào?

 

Yêu thương nhau như Chúa đã yêu thương chúng ta, yêu trọn vẹn xác hồn:

 

- Yêu thương phần xác qua việc thực hành thương xác 7 mối: Cho kẻ đói ăn. Cho kẻ khát uống. Cho kẻ rách rưới ăn mặc. Thăm kẻ bệnh tật, tù tội. Cho khách trọ nhà. Chuộc kẻ làm tôi. Chôn xác kẻ chết.

 

- Yêu thương phần hồn qua việc thực thi thương linh hồn 7 mối: Lấy lời lành khuyên người. Dạy kẻ mê muội. An ủi kẻ âu lo. Răn bảo kẻ có tội. Tha thứ cho kẻ thù, cho kẻ khinh dể ta. Nhịn kẻ làm phiền ta, làm mất lòng ta. Cầu nguyện cho kẻ sống và kẻ chết.

 

- Yêu thương giống như Chúa đã yêu: Yêu thương mọi người, dù là kẻ thù ganh ghét làm hại ta. Yêu thương bằng cách nhịn nhục và cầu nguyện cho họ.

 

- Yêu thương là hành vi của trái tim, nên cần được khởi sự trước tiên trong tâm tình. Chưa có tâm tình yêu thương là chưa yêu thương. Các cấp độ bác ái trong tâm tình:

 

a. Chấp nhận: Mức tối thiểu, điều kiện tối thiểu để có tâm tình yêu thương là chấp nhận con người tha nhân, dù tha nhân làm những điều mà mình không thích, có những cái không phù hợp với mình. Có khi, theo tự nhiên, hai người không sống với nhau được. Nhưng với lòng bác ái siêu nhiên, thì được. Tâm tình bác ái chính là tình yêu của Thánh Thần, ở trong tâm hồn chúng ta, thánh hóa biến đổi tâm tình chúng ta.

 

b. Kính trọng: Mức độ thứ hai cao hơn mức độ chấp nhận là sự kính trọng. Yêu thương là kính trọng, không chỉ kính trọng bên ngoài, mà kính cẩn thẳm sâu trong tâm hồn. Người nào cũng sung sướng khi được kính trọng. Một con người bác ái không bao giờ coi thường ai cả, không bao giờ khinh dể ai cả. khinh dể là thái độ hoàn toàn trái ngược với yêu thương.

 

c. Đón nhận: Yêu thương là đón nhận: Đón nhận tình yêu, lời nói, cử chỉ, con người của tha nhân vào trong tâm hồn. Tha nhân như người khách quý chúng ta đón vào nhà. Thái độ từ khước và lãnh đạm hoàn toàn trái ngược với đức ái (có thể từ chối nhưng đừng từ khước).

 

d. Dâng hiến: Mức độ cao nhất của tình yêu là dâng hiến. Dâng hiến cuộc đời cho Chúa, cho Giáo Hội, cho Hội Dòng, cho anh chị em, vì tha nhân là Chúa Kitô.

 

PHỤC VỤ

 

- Yêu thương là dấn thân phục vụ: Yêu là cho đi sức khoẻ, thời giờ, khả năng, của cải... Càng cho nhiều, là dấu càng yêu nhiều. Cho đi những gì?

 

Bậc cơ bản nhất của tình yêu là bố thí tiền của, vật chất. Bậc thứ hai là cho đi thời giờ, sức khoẻ của mình trong các hoạt động dấn thân phục vụ vô vị lợi. Bậc cao nhất là cho đi cả mạng sống. Chẳng hạn như: Phục vụ người cùi, phục vụ người nhiễm HIV, hy sinh tính mạng cách chính đáng như các thánh tử đạo đã chết vì đức tin, hoặc các vị thánh đã hy sinh tính mạng để người khác được sống, như cha thánh Maximilian Kolbe.

 

Ngoài những tâm tình và phục vụ, yêu thương còn gắn liền với sự tha thứ. Điều khó nhất trong việc yêu người đó là sự tha thứ. Tha thứ là gì?

 

THA THỨ

 

- Tha thứ là nhìn nhận mình bị xúc phạm và đồng thời chấp nhận người phạm lỗi cần được yêu thương, tôn trọng, tha thứ.

 

- Tha thứ không là quên đi mọi lỗi phạm, sai trái, nhưng là để nó tan biến trong biển cả của tình thương, của thiện hảo.

 

- Tha thứ không là yếu nhược, không là yếu đuối, không là mặc kệ, không là bỏ qua... mà là can đảm làm cho sự thông cảm vượt qua tự ái cá nhân, tức giận, trả đũa, báo thù… Để hoà giải với người xúc phạm đến mình.

 

- Tha thứ được gọi là cao điểm, là tuyệt diệu, là tuyệt đỉnh của tình yêu. Vì nó đòi ta vượt qua từ yêu bản thân đến yêu kẻ thù, từ vị kỷ trở nên vị tha. Một tình yêu giống như Chúa Kitô trên Thập giá.

 

- Tha thứ là nhân đức anh hùng, là một trong những đặc tính của Thiên Chúa tình yêu.

 

- Tha thứ là việc trao ban cao cả nhất, vì không chỉ là cho đi tiền của vật chất, mà còn cho đi lòng tự ái, sự bao dung, cho đi cả con người của mình.

 

- Tha thứ là dấu chỉ của yêu thương thật sự, không phải yêu thương giả dối, chót lưỡi đầu môi, là dấu của những người đã trở nên con cái của Thiên Chúa, là môn đệ Chúa Kitô. Không yêu thì khó mà tha thứ.

 

- Tha thứ là làm điều thiện ích cho người gây khổ đau cho mình, vì khi tha thứ, họ không sợ báo thù, làm cho cuộc sống chung bình an.

 

- Tha thứ tạo niềm vui sâu thẳm, bền lâu trong tâm hồn, trong cung lòng. Vì ta làm được điều thiện, không còn bận tâm trả thù, tâm hồn được thư thái, được an vui vì tin chắc rằng: Chúa sẽ tha thứ cho người biết thứ tha.

 

- Tha thứ giải toả căng thẳng, làm cho cộng đoàn ta sống được nhẹ nhàng, không căng thẳng, hàn gắn vết sứt mẻ trong các mối quan hệ, phá vỡ oán thù.

 

- Tha thứ là liều thuốc bổ dưỡng tinh thần lạc quan, hy vọng và vươn lên trong cuộc sống chung.

 

- Tha thứ là chiến thắng trong cuộc chiến tình yêu, là lấy tình yêu xoá bỏ hận thù, dĩ đức báo oán, làm tình yêu lan toả khắp nơi.

 

- Tha thứ là điều khó thực hiện, vì thế cần luyện tập và cậy trông vào ơn Chúa. Tập tha thứ từ những điều nhỏ nhặt thường ngày, để dễ dàng tha thứ những xúc phạm quan trọng đến danh dự, tự ái, quyền lợi… Dám tha thứ là dám chấp nhận chịu thiệt thòi, dám tin rằng: Cuối cùng thì tình yêu cũng sẽ chiến thắng.

 

- Cần tập ánh mắt nhân hiền, biết chạnh lòng thương người, như Chúa đã chạnh lòng thương ta. Siêng năng đọc và suy niệm Lời Chúa, luôn tự nhủ trong lòng mỗi khi bị xúc phạm: Tha thứ sẽ được Thiên Chúa thứ tha.

 

Đức ái là cả một khoa học yêu thương. Nhưng đây không phải là bài học của trí tuệ, mà là bài học của trái tim.

 

3. Câu chuyện minh họa:

 

CHIẾC GIÀY CỦA GANDHI

 

Chuyện viết về một lần kia, Gandhi đi tàu lửa, tàu vừa chuyển bánh, ông vô tình đánh rơi một chiếc giày mới mua. Những người đi cùng toa với ông ngạc nhiên, khi thấy ông tháo chiếc giày còn lại ném ngược về phía sau. Khi được hỏi lý do, Gandhi cho biết: Nếu có một người nghèo nào đó nhặt được chiếc giày thứ nhất, họ có thể lượm được chiếc thứ hai và thế là họ sẽ có một đôi giày mới.

 

Yêu thương, là luôn nghĩ đến ích lợi và hạnh phúc cho tha nhân, cho người khác dù cho phải ở trong bất kỳ hoàn cảnh nào.

  

PHỤC VỤ

 

Chuyện số 01: Một người đi tìm việc làm, trên hành lang đến phòng phỏng vấn thuận tay nhặt mấy tờ giấy rác dưới đất và bỏ vào thùng. Vị phụ trách phỏng vấn vô tình nhìn thấy, bèn quyết định nhận anh vào làm việc.

 

Hóa ra chỉ cần có tinh thần phục vụ, dù chỉ là một việc rất dễ, rất nhỏ, nhưng nếu biết phục vụ sẽ mang lại những kết quả vượt sức mong đợi.

 

Chuyện số 02: Cậu bé nọ học việc trong một tiệm sửa xe đạp. Một ngày kia, có người khách đem đến một chiếc xe đạp hư. Cậu không những sửa lại cho thật tốt, mà còn lau chùi cho chiếc xe được sạch đẹp trở lại. Những người học việc khác cười nhạo cậu bé dại dột, đã chẳng được thêm chút tiền công nào lại còn tốn sức. Hai ngày sau, người khách trở lại, thấy chiếc xe đạp vừa tốt, vừa đẹp như mới mua, liền đưa cậu bé về hãng của ông ta, để làm việc với mức lương cao.

 

Hóa ra để thành đạt trong đời thật đơn giản, chỉ cần có tinh thần phục vụ vô vị lợi là được, dù có vất vả một chút cũng chẳng sao.

 

THA THỨ

 

Câu chuyện về một người cha và cậu con trai đang ở lứa tuổi thiếu niên. Mối quan hệ cha con của họ không được tốt đẹp và luôn căng thẳng.

 

Cuối cùng, sau một trận cãi vã kịch liệt, cậu bé đùng đùng bỏ nhà ra đi. Tuy giận dữ và đau lòng, nhưng người cha biết rằng con mình rất cần sự uốn nắn và dạy dỗ để trưởng thành. Vậy nên ông đã bôn ba khắp nơi để tìm kiếm đứa bé nổi loạn ấy. Cuối cùng, khi tới Madrid, trong nỗ lực cuối cùng của mình, ông cho đăng một thông cáo trên báo: Paco thương yêu, hãy đến gặp cha chiều mai trước cửa tòa soạn. Mọi tội lỗi đều được tha thứ. Cha yêu con. Cha của con.

 

Chiều hôm đó, người cha đến tòa soạn thật sớm vì ông không muốn trễ giây phút nào để gặp đứa con thân yêu của mình. Và điều bất ngờ là, tới đó, ông đã gặp… 800 cậu bé tên Paco. Cả 800 cậu bé này đều đã bỏ nhà ra đi, và đều đang mong đợi sẽ gặp được người cha rộng lượng của mình ở đó, với vòng tay dang rộng yêu thương tha thứ.

 

Nếu bạn còn yêu thương, nếu bạn thật lòng tha thứ, hãy bày tỏ ra. Và bạn sẽ thấy những người ấy biết ơn bạn biết là dường nào.

 

Ban Văn hóa Giáo dục – Giáo phận Mỹ Tho

(WGP.Mỹ Tho 29.07.2019)

Nguồn tin: conggiao.info

 Tags: Đức Ái, Duc Ai

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây