Những người tiểu thương chợ Tam Hà – Thủ Đức từ lâu đã quen với hình ảnh các tu sĩ xách giỏ đi mua đồ. Dù các thầy tập sinh Dòng Tên ở gần đó thay phiên nhau đi chợ nhưng họ vẫn nhận ra mỗi khi có người mới đến. Câu nói đùa là: “Nhìn mặt ngơ ngơ không sơ thì thầy!”
Ai cũng biết rằng sống đời tu là đi theo một con đường đặc biệt, ít giống ai. Những bạn bè cùng trang lứa phải lo tìm công ăn việc làm, lập gia đình, sinh sản và nuôi dưỡng con cái…; còn các tu sĩ có vẻ như “vô ưu”! Phải chăng họ đang cố né tránh những gánh nặng ở đời này để chọn một cuộc sống dễ dàng hay thậm chí “dễ dãi” hơn? Những giáo dân sốt mến cứ mặc định các tu sĩ là người của Chúa, chỉ cần lo việc nhà Chúa thôi chứ không cần phải bận tâm việc đời; những người ít thiện cảm hơn thì cho rằng đi tu chỉ để hưởng nhờ bổng lộc cho cá nhân hay cho gia đình. Dù nhìn đời tu theo hướng khuyến khích hay mỉa mai thì dường như vẫn luôn có một ranh giới cách biệt rõ ràng giữa đời tu và đời “thường”.
Người ngoài đánh giá đời tu tùy theo quan điểm cá nhân họ, còn người tu sĩ cảm nghiệm ý nghĩa đời tu như thế nào là chuyện của riêng mình. Đời tu đặt nền tảng trên lựa chọn căn bản là bước theo Đức Giêsu Kitô một cách triệt để trong khó nghèo, vâng phục và khiết tịnh. Giữa một thế giới còn nhiều người chưa biết đến chính Chúa thì lối sống của người môn đệ Chúa trở nên xa lạ cũng là điều dễ hiểu.
Khi mà người ta coi tiền bạc, danh vọng là mục tiêu cao nhất cần phải đạt tới thì rõ ràng mục đích đời tu là quá khác biệt nếu không muốn nói là lố bịch. Tuy nhiên, sự thật là có nhiều người giáo dân quảng đại dấn thân phục vụ giữa đời, biết sử dụng của cải vật chất làm phương tiện hữu hiệu giúp xây dựng và cổ võ giá trị Tin Mừng. Ngược lại, có những người sống trong nhà tu nhưng tâm hồn không được tự do với vật chất và danh vọng. Nói cách khác, có người tu nhưng thực ra “không tu”; có người không tu nhưng cũng gần giống như “tu”. Như thế, không phải khuôn khổ kỷ luật mà là giá trị chọn lựa làm nên tính chất khác biệt của đời tu. Nhìn từ thái độ nội tâm của người tu sĩ thì ranh giới giữa đời tu và đời thường là rất mong manh.
Vậy rốt cuộc đời tu và đời thường có liên quan gì với nhau? Trong tương quan xã hội, người tu sĩ sống khác biệt (vì theo ơn gọi tận hiến) chứ không hề tách biệt (vì cùng chia sẻ phận người). Sự khác biệt trong giá trị chọn lựa khiến lối sống của người tu sĩ có những nét đặc trưng so với đời thường. Tuy nhiên, chính nét khác biệt trong lối sống của người tu sĩ lại là điều kiện để làm nổi bật và lan tỏa giá trị mà tất cả mọi người khác đều được mời gọi theo đuổi. Nói cách khác, lối sống khác biệt của người tu sĩ không mang tính ưu tuyển cho bằng tính chứng tá. Tính ưu tuyển làm cho người tu sĩ sống xa cách và thậm chí là còn coi mình cao trọng hơn người khác. Ngược lại, tính chứng tá nói lên rằng người tu sĩ là người giữa mọi người, và đúng hơn là người của mọi người.
Tu sĩ cũng là con người với đầy những yếu đuối như bao nhiêu người khác nhưng được mời gọi tin tưởng vào tình yêu Thiên Chúa và sống dấn thân như Đức Giêsu Kitô. Do đó, người tu sĩ không thấy mình tách biệt giữa thế giới này; họ cũng phải cưu mang những bận tâm của phận người, không chỉ của mình mà còn của người khác nữa. Hóa ra họ không hề “vô ưu”! Ngược lại, lối sống khác biệt của người tu sĩ minh chứng rằng con người luôn có thể tìm được sự nghỉ ngơi trong sự phó thác vào tình yêu thương quan phòng của Thiên Chúa giữa cuộc đời đầy những điều phải ưu tư.
Lạy Chúa Giêsu, trước khi về cùng Chúa Cha, Chúa đã cầu xin cùng Chúa Cha cho các môn đệ: “Con không xin cha cất họ khỏi thế gian, nhưng xin gìn giữ họ khỏi ác thần.” Chúa biết những người môn đệ Chúa mang thân phận yếu đuối mỏng giòn, cần ơn Chúa giúp. Lạy Chúa, chính sự yếu đuối của các môn đệ chứng tỏ mọi việc tốt đẹp mà họ có thể làm đều đến từ Chúa. Xin cho các tu sĩ có tinh thần khiêm tốn và hăng say cầu nguyện để biến mình trở thành khí cụ trong tay Chúa giữa lòng đời. Amen
Giuse Lê Đắc Thắng SJ
Nguồn tin: dongten.net
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn