Phẫn nộ đạo đức của chúng ta không phải là một dấu chỉ rằng chúng ta đứng về phía Thiên Chúa và chân lý. Mà thường là ngược lại thì đúng hơn.
Phẫn nộ đạo đức là phản đề của đạo đức. Nhưng nó lại hiện diện khắp nơi trong thế giới ngày nay, và lại được lập luận dựa trên Thiên Chúa và chân lý.
Chúng ta sống trong một thế giới chìm trong vi phạm đạo đức. Khắp mọi nơi, các cá nhân và các nhóm đang căm phẫn và bị xúc phạm về đạo đức, nhiều lúc rất tàn bạo, bởi những cá nhân đối lập, những nhóm, hệ tư tưởng, quan điểm đạo đức, quan điểm giáo hội, diễn giải tôn giáo, diễn giải kinh thánh đối lập, và đủ thứ đối lập khác. Chúng ta thấy điều này khắp nơi, các đài truyền hình đả kích tin tức của các đài khác, các nhóm trong giáo hội lên án nhau, các nhóm ủng hộ sự sống và ủng hộ lựa chọn chỉ trích nhau, và chính trị bị tê liệt khi các nhóm khác nhau thấy căm phẫn đến mức không sẵn sàng ngẫm nghĩ chút gì về những thứ đối lập với họ.
Và lúc nào cũng thế, cả hai phía, đều có những lời kêu gọi chính đáng hướng đến đạo đức uy quyền thiêng liêng (dù là nói rõ hay mơ hồ), và về căn bản, họ thường lập luận thế này: Tôi có quyền để xem anh là quỷ và không thèm nghe những gì anh muốn nói, vì anh sai trái và vô luân, và nhân danh Thiên Chúa và chân lý, tôi chống lại anh. Hơn nữa, việc anh vô luân, càng cho tôi quyền chính đáng để gom lấy những yếu tính của sự tôn trọng nhân loại và xem anh là kẻ chống đối xã hội cần bị loại trừ, nhân danh Thiên Chúa và chân lý.
Và đây là loại thái độ không chỉ gây chia rẽ phẫn nộ, phân cực cay đắng, và bất tín sâu xa mà chúng ta đang sống trong xã hội ngày nay, nó còn sinh ra khủng bố, xả súng hàng loạt, những niềm tin mù quáng và sự kỳ thị chủng tộc. Nó sinh ra Hitler, một người có khả năng tận dụng tối đa sự phẫn nộ đạo đức, đến nỗi có thể khiến hàng triệu người chống lại những gì tốt đẹp nhất trong lòng họ.
Nhưng sự phẫn nộ đạo đức, dù có cố biện minh cho mình bằng những căn cứ cao ngất, bằng tôn giáo, đạo đức, ái quốc, tổn thương, bất công, thì vẫn luôn luôn là sự đối lập với đạo đức đích thực và việc sống đạo đích thực. Tại sao lại thế? Vì đạo đức và sống đạo đích thực thì luôn mang những đặc tính trái ngược với những gì chúng ta thấy trong phẫn nộ đạo đức. Đạo đức và sống đạo đích thực luôn có sự cảm thương, thông hiểu, nhẫn nại, bao dung, tha thứ, tôn trọng, nhân ái, và độ lượng, và đó là tất cả những gì không có trong thể hiện của phẫn nộ đạo đức mà chúng ta thấy ngày nay.
Khi cố đưa chúng ta vào trong đạo đức và lòng đạo đích thực, Chúa Giêsu đã nói thế này: “Nếu đức công chính của các ngươi không dư dật hơn ký lục và Biệt phái, các ngươi sẽ không vào được Nước Trời.” Công chính của ký lục và Biệt phái là thế nào? Nhìn bề ngoài, đó là công chính cực kỳ cao đẹp. Là một ký lục và Biệt phái, nghĩa là giữ gìn Mười Điều răn, trung thành với việc hành đạo được ghi rõ vào thời đó, và là một con người công bằng khi đối xử với người khác. Vậy thì còn thiếu điều gì?
Điều còn thiếu ở đây, là mọi chuyện này (giữ các giới răn, giữ luật tôn giáo, và công bằng với người khác) lại có thể được thực hiện với lòng cay đắng, kết tội và không tha thứ hơn là với một tấm lòng nồng hậu, cảm thông, và tha thứ. Đôi khi chúng ta thấy quá rõ ràng, việc giữ giới răn, đi lễ, và làm người công chính, có thể là thành quả của phẫn nộ đạo đức. Nói theo lời của Chúa Giêsu là: Ai cũng có thể tử tế với người tử tế với mình. Ai cũng có thể yêu thương người yêu thương mình. Và ai cũng có thể đối xử tốt với người đối xử tốt với mình… Nhưng anh em có thể tử tế với người chua cay với anh em không? Anh em có thể yêu thương người thù ghét anh em không? Và anh em có thể tha thứ cho người giết anh em không? Đấy là phép thử của đạo đức và sống đạo Kitô giáo. Và với bất kỳ ai qua được phép thử này, bạn không thể tìm thấy trong họ cái dạng phẫn nộ đạo đức tin rằng Thiên Chúa và chân lý đang đòi chúng ta xem những người thù ghét mình, làm việc xấu với mình, cố giết mình là thứ xấu xa.
Hơn nữa, khi chìm trong phẫn nộ đạo đức, chúng ta chối bỏ rằng chính chúng ta cũng đang đồng lõa trong mọi thứ mà chúng ta ghét bỏ và xem là xấu xa. Khi xem tin tức thế giới hằng ngày, thấy sự giận dữ, chia rẽ cay đắng, bạo lực, bất công, bất dung, và chiến tranh đang định hình thế giới chúng ta, thì nếu xem xét thật kỹ lưỡng, thành tâm, và can đảm, chúng ta sẽ nhận ra rằng mình không thể tách hẳn bản thân khỏi những thứ đó. Chúng ta sống trong một thế giới với bất công đang tồn tại và đã có từ lâu, với sự bất bình đẳng kinh tế đang lan rộng, với sự kỳ thị chủng tộc và giới tính, với vô vàn người đang là nạn nhân của cướp bóc và cưỡng hiếp, với hàng triệu người tị nạn không nơi nương tựa, và với một xã hội mà người ta gắn mác và khai trừ những người bị xem là “kẻ thất bại” hay “kẻ bệnh hoạn.” Chúng ta ngạc nhiên khi xã hội chúng ta sản sinh ra những kẻ khủng bố sao? Tuy nhiên, dù có thấy mình thành tâm và vô tội đến đâu, thì chính cuộc sống của chúng ta có góp phần trong việc tạo ra những kẻ giết người hàng loạt, những kẻ khủng bố, người phá thai, cho đến những thanh niên bắt nạt trong trường học. Chúng ta không vô tội như mình nghĩ.
Phẫn nộ đạo đức của chúng ta không phải là một dấu chỉ rằng chúng ta đứng về phía Thiên Chúa và chân lý. Mà thường là ngược lại thì đúng hơn.
Ronald Rolheiser
J.B. Thái Hòa dịch
Nguồn tin: mfvietnam.org
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn