Có lẽ mỗi ngày chúng ta đều đọc thấy người này, người kia bị ném đá. Hoặc, ta cũng từng đọc những dòng status vui này: “Mình có làm gì đâu mà bị ném đá?”, hoặc “Xin đừng ném đá cuộc đời em!” Đó là những hiện tượng xảy ra trên không gian mạng. Vậy, đâu là sự tích của hiện tượng này?
Trước một hiện tượng hay một người gây ra lỗi lầm, cộng đồng mạng thường nhao vào ném đá. Gọi là ném đá vì những lời bình luận, những lời nhận xét không mấy tốt lành. Tệ hơn, đó là những lời chửi rủa, lên án và xúc phạm người khác. Có người nói vui, những người ném đá là các “anh hùng bàn phím”, ném đá giấu tay.
Trước hiện tượng này, luôn có những ý kiến trái chiều. Người phản đối cho rằng: “Khi bạn nói xấu người khác, tức là bạn bắt đầu một cuộc chiến. Một bước tiến đến gần chiến tranh, một cuộc tàn phá.” (Giáo Hoàng Phanxicô). Người ủng hộ tin rằng: “Sự văn minh khởi sự lần đầu khi một người giận dữ “ném” một lời nói thay vì hòn đá.” (Sigmund Freud). Chúng ta khoan bàn chuyện đúng sai. Ở đây chúng ta xem bởi đâu có cụm từ nổi tiếng này?
Có lẽ cụm từ này không phải thời Internet mới có. Từ nhiều thế kỷ trước Công Nguyên, người Do Thái đã sử dụng từ này. Hơn thế nữa, đó là điều khoản được ghi trong sách luật, và được người ta áp dụng trong việc thi hành bản án tử hình. Nếu đọc Kinh Thánh Cựu Ước, chúng ta thấy có những tội phải chết: giết người, bắt cóc, giao hợp với thú vật, đồng tính luyến ái, ngoại tình…đều phải bị tử hình. Tội nhân phải chịu những cơn mưa đá cho đến khi chết. Đó là luật của Đức Chúa mà người Do Thái luôn tuân thủ và truyền lại cho con cháu. Nhờ luật ấy mà kỷ cương và trật tự được giữ gìn trong cộng đồng Do Thái. Tới thời đế quốc Rôma cai trị dân Do Thái (66 TCN–135 SCN), nước Do Thái còn có một loại tử hình khác là: bị đóng đinh vào thập giá. Chính Đức Giêsu chịu bản án này.
Sang thời Đức Giêsu, dĩ nhiên luật ném đá không thay đổi trong cộng đồng Do Thái. Đức Giêsu xuất hiện như một Đấng có uy quyền, và Ngài muốn kiện toàn lề luật. Trong sứ mạng đó, chính Đức Giêsu cũng vài lần suýt bị người ta ném đá. Vả lại, giới lãnh đạo Do Thái nhiều lần thử Đức Giêsu trong thế lưỡng đao luận. Nghĩa là, họ đặt ra một trường hợp và buộc Đức Giêsu phải phán quyết: tha hay phạt. Ví dụ, có lần họ đưa đến cho ngài một người phụ nữ ngoại tình (Ga 8,2-11). Chiếu theo luật, chúng ta phải ném đá hạng đàn bà này. Nếu tha, Đức Giêsu lỗi luật Cựu Ước, nếu phạt, Đức Giêsu đi ngược với lời giảng về lòng thương xót và yêu thương.
Trong câu chuyện người phụ nữ ngoại tình, chúng ta thấy rõ hơn sự tích ném đá. Người bị tố cáo đang chờ đợi cơn mưa đá, người vô tội hằn hằn sát khí chờ được ném đá. Họ tự hào thực thi luật cha ông. Tuy nhiên, trong bối cảnh đó, Đức Giêsu chỉ viết trên đất (viết gì?). Sau cùng, vì họ hỏi nhiều quá nên Đức Giêsu trả lời: “Ai vô tội thì ném đá người này đi.” Họ vứt đá xuống đất mà đi, kẻ lớn đi trước, người nhỏ theo sau. Lúc này chỉ còn Đức Giêsu và người phụ nữ. Đức Giêsu nói: “Này chị, họ đâu cả rồi? Không ai lên án chị sao?” Người đàn bà đáp: “Thưa ông, không có ai cả.” Ðức Giêsu nói: “Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa!” Như vậy, chúng ta thấy Đức Giêsu không thích ném đá người ta!
Ném đá hoàn toàn có thật trong thời xưa, kể cả thời Đức Giêsu 2000 năm về trước. Suốt dòng lịch sử, tiếc là con người vẫn luôn thích dùng lời nói mà chỉ trích, lăng mạ, mắng nhiếc và khiêu khích đối phương. Thay vì nói lời xây dựng, đối thoại chân thành, họ ném đá không thương tiếc. Bởi thế mà chiến tranh, hận thù và chia rẽ vẫn cứ lan tràn.
Khi không gian mạng lên ngôi, chúng ta thấy hiện tượng ném đá bùng nổ hơn. Thật dễ để chê bai một ai đó. Thật đơn giản để viết, chia sẻ một bài lăng nhục và trù dập người khác. Đúng sai, hạ hồi phân giải! Tuy nhiên, hẳn là mỗi người phải có trách nhiệm trước những gì mình “ném” lên Internet. Bạn nghĩ sao, khi “ném đá” là thể hiện mình đang trong nhóm “GATO – ghen ăn tức ở” và “NATO – No action, talk only”? Đó là những “hội thích ném đá”. Nhà tâm lý cho rằng: “Họ là những con người của ồn ào, năng nổ. Dễ hùng hổ trước sự im lặng và sống cá biệt của người khác. Và hành động thể hiện là ném đá một cách nhiệt tình”. Người tử tế chẳng hơi đâu thuộc một trong hai nhóm ấy, đúng không bạn?
Là người Công giáo, chúng ta được Giáo Hội hướng dẫn để thực thi những điều tốt đẹp trên Internet. “Tất cả mọi người sử dụng các phương tiện truyền thông với quyền tự do lựa chọn của mình … [phải] tránh những gì nên cớ hay làm dịp cho họ bị thiệt hại về phần thiêng liêng, hoặc có thể vì gương xấu mà làm cho người khác phải nguy hiểm, hoặc cản trở những việc truyền thông tốt mà cổ vũ những truyền thông xấu. Điều này thường xảy ra khi người ta bảo trợ cho những người khai thác những phương tiện này chỉ vì lý do lợi nhuận.” (Docat, số 43).
Như thế, sự tích ném đá xưa nay vẫn có. Báo động là nó đang trở thành nên một phong trào trên mạng hiện nay. Tùy chúng ta hành xử: ủng hộ hay phản đối. Nhưng bạn đừng quên: nếu cứ dừng lại để ném đá thì chúng ta chẳng đi xa được. Hơn nữa, ném đá khiến chúng ta bẩn tay và mất sức. Thay vì đi tìm đá để ném, sẽ tốt hơn, nếu người ta làm những việc hữu ích giúp cho đời, giúp cho người!
Giuse Phạm Đình Ngọc SJ
Nguồn tin: dongten.net
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn