TRÁI TIM LẠC LỐI – Thông tin và Giáo dục Salêdiêng Việt Nam

Thứ ba - 26/03/2019 00:22
Want create site? Find Free WordPress Themes and plugins.

Cây kim dài của chiếc đồng hồ vừa điểm đúng 12 giờ đêm.

Liên và mẹ đang chập chờn vào giấc ngủ, bỗng chuông điện thoại bàn reo inh ỏi: “Reng… Reng…”. Sợ mẹ tỉnh giấc, Liên vội nhấc máy. Đầu dây bên kia, giọng một người phụ nữ đã chững tuổi hét to: “Bà lo dạy lại con bà đi nha! Đồ cướp chồng người khác! Bà cảnh cáo rồi mà không nghe thì có ngày ôm mặt máu đó nha!…”. Liên cúp vội điện thoại, rút dây cáp, nằm thao thức. Chẳng phải ai nhầm số! Mấy đêm nay, tầm giờ này, lại người phụ nữ ấy! Hèn chi mà mẹ gầy rộc đi. Liên nhìn mẹ, bà nhắm mắt nhưng không biết có ngủ. Liên nghĩ: chắc là mẹ chưa ngủ đâu, nếu đêm nào cũng cùng một cú điện thoại đe dọa thế này!

Ba mất vì căn bệnh nan y, lúc ấy Liên mới 14 tuổi thôi, còn chị cả của Liên vừa tròn 18, cái tuổi đẹp nhất của thời con gái. Một mình mẹ tần tảo với gánh hàng rau, cố gắng lo cho hai chị em Liên có đủ bữa cơm, áo quần tươm tất. Thấy mẹ vất vả, chị cả quyết không thi đại học, mà xin mẹ cho lên thành phố kiếm việc làm, để phụ mẹ chăm lo cho mái ấm nhỏ bé này. Thời gian đầu, mẹ kiên quyết cấm cản, vì biết thân gái non nớt, chỉ vừa mới hết lớp 12, mà sống xa gia đình thì chẳng là điều khôn ngoan. Mẹ tâm sự với chị “Ba con mất rồi. Mẹ con mình quây quần gắng đùm bọc lấy nhau. Con đi, nhà mình neo đơn lắm!”.

Nhưng hiện trạng thực tế lại như muốn củng cố cho suy nghĩ của chị. Mẹ buôn bán gặp lúc ế ẩm. Cái chợ bé tí mà dường như nhà nào cũng có gánh rau đặt ra để bán. Ngày nào cũng còn lại đến vài ký rau, hôm nào may mắn thì vừa hết. Trong khi ấy, Liên học ngày càng khá hơn, hứa hẹn con đường tiến thân đầy tươi sáng. Nếu học hành đến nơi đến chốn, sau này gia đình cũng có chỗ cậy dựa. Thế là chị lại năn nỉ mẹ, và mẹ đã xiêu lòng sau cả tuần im lặng.

Xem ra việc lên thành phố của chị làm mẹ bận tâm lắm. Mẹ tằn tiện sắm cho chị những thứ cần thiết: một cái ba lô, vài bộ quần áo đẹp, ít chà bông … Buổi tối, trước khi chị lên đường, mẹ buồn lắm. Sau bữa ăn, Liên rửa chén một mình, còn mẹ và chị dẫn nhau ra chỗ hiên nhà. Câu được câu chăng, Liên nghe tiếng mẹ trầm trầm dặn dò chị: “Con còn nhớ cô Hai ở đầu hẻm nhà mình chứ? Mẹ liên lạc với cô rồi. Đây là địa chỉ của cô, con cứ đến, cô ấy sẽ đón con!”.

“Mẹ ơi, vậy con sẽ ở chỗ cô Hai hả? Mẹ có biết cô xin cho con việc gì không?”. Chị cả lo lắng hỏi mẹ.

“Đúng rồi. Con đến chỗ cô Hai trên thành phố. Cô đã hỏi chỗ ở cho con rồi. Đó là khu nhà cho công nhân, chắc cũng tiện việc đi lại. Con phải biết cách ăn ở. Khôn ngoan chọn bạn mà chơi. Đừng ham thói bè bạn đua đòi…”

“Con biết mà mẹ! Con lớn rồi. Mẹ đừng lo”.

“Sao mà không lo được hả con. Đây là lần đầu tiên con xa nhà, lại ở chốn phồn hoa đô hội. Mẹ không ở gần con nên lo lắng”.

“Con chỉ cần mẹ vui thôi chứ không cần mẹ lo lắng…”. Giọng chị vui vui khiến Liên cũng vui theo.

Sáng hôm sau, một buổi sớm mây nhiều, phảng phất mưa. Chị lên thành phố, nhìn dáng người mảnh khảnh xách cái ba lô to gần bằng mình, mẹ không kềm được nước mắt. Rồi thời gian trôi qua. Đã ba năm rồi. Hàng tháng, chị vẫn gửi tiền về cho mẹ. Số tiền ngày càng nhiều hơn, kèm theo cả quần áo, giày dép mới cho Liên. Cuộc sống hai mẹ con Liên ở quê cũng đỡ vất vả hơn. Tuy nhiên, dường như số tiền làm được đã lấy đi của chị những dịp vè thăm nhà. Thời gian đầu là 2 hay 3 tháng về một lần, rồi 4-5 tháng. Một năm trở lại đây, chỉ Tết chị mới về, thậm chí cả những ngày lễ Quốc Khánh, giỗ tổ Hùng Vương…, chị cũng chỉ gọi điện thoại thăm hỏi và nói không về được vì bận tăng ca. Mẹ ừ trong điện thoại, nhưng Liên biết, mẹ trăn trở mỗi tối.

Cách đây một tháng, chị về bất ngờ không báo trước. Cũng chẳng phải dịp lễ nghỉ hay chuyện quan trọng. Chị bước vào nhà, mà mẹ phải đứng lặng vài giây rồi mới ôm chầm lấy chị. Nước mắt lăn dài trên má, mẹ vui sướng khi gặp đứa con của mình. Nhưng mẹ ngạc nhiên vội lấy tay quẹt nước mắt khi thấy một người đàn ông trung niên đứng sau chị. Vui vẻ, chị giới thiệu đây là bạn trai mình. Những ngày đoàn tụ của gia đình ngập tràn niềm vui, nhưng Liên không thể không nhận ra nét ưu tư ánh lên trên mắt mẹ. Vào một tối, mẹ ngồi tại bàn đá ngoài vườn nói chuyện gì đó quan trọng với hai anh chị. Và sáng hôm sau, anh chị trở lại thành phố. Còn lại một mình, mẹ trầm tư.

Chị có bạn mẹ phải vui mới phải. Sao mẹ lại lo lắng thế? Liên đã tự hỏi để rồi đến giờ này Liên mới hiểu nỗi lo của mẹ. Liên hiểu phản ứng của mẹ mỗi khi nghe những mẩu tin về ngoại tình, về các “chân dài” và các đại gia. Lúc ấy mẹ thường than vãn: “Chưa bao giờ người ta lại muốn chồng người như bây giờ!”. Thấy Liên chưa hiểu, mẹ giải thích “muốn chồng người” là thế nào. Nghe chuyện, Liên không lý giải được vì sao con gái thời nay lại thích mấy ông đại gia, cho dù biết họ đã có vợ con đề huề yên ấm. Và tại sao các ông chồng kia lại tự cho mình quyền phải hưởng thụ như thế!

Thật trớ trêu, bây giờ tình trạng “muốn chồng người” lại rơi vào chính gia đình mình. Chị cả “muốn chồng người” vì lẽ gì? Vì chị ngây thơ không biết, chị bị lừa dối, hay vì trái tim lạc lối khiến chị say sưa trong những chiều chuộng của người đàn ông trung niên dầy kinh nghiệm? Hay vì chị muốn mẹ đỡ vất vả và em có điều kiện ăn học mà dám mất cả tương lai, danh dự và chấp nhận mọi nguy hiểm?

Cho dù lý do gì đi nữa thì Liên và mẹ cũng đang trong tâm trạng hoảng loạn. Liên thương cho cảnh ngộ đáng thương của chị, người chị mà Liên hết lòng yêu thương.

Quả thật, một tuần qua, những cú điện thoại như những tiếng sấm sét đánh vào mái ấm bình yên của gia đình. Và suốt tuần nay, ánh mắt mẹ chẳng khi nào thôi ướt, thôi lo lắng. Còn trí tưởng tượng của Liên tha hồ làm việc: Liên giật mình nghĩ đến chị với khuôn mặt bê bết máu. Lúc lại thảng thốt nghĩ đến chị thất thểu trở về với đầy vết bầm tím do bị ai đó đánh đau lắm, hoặc chị đau đớn trong một clip đánh ghen nào đó tung trên mạng…

Liên mong có ngày chị về, lành lặn, bằng an. Liên mong con tim lạc lối của chị trở về. Liên mong nhìn thấy cảnh Mẹ, Liên cùng ôm chị khóc. Rồi với khuôn mặt nhân hậu, kiên nhẫn mẹ sẽ khẽ khàng nói: “Mọi chuyện ổn rồi con à, hãy về với mẹ và em, chúng ta sẽ lại hạnh phúc như xưa, con nhé!”.

Thanh Huyền

Did you find apk for android? You can find new Free Android Games and apps.

Nguồn tin: donboscoviet.info

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây