Tài liệu: Bài Học Chuẩn Bị Kết Hôn

Thứ hai - 06/12/2021 03:44

CON ĐƯỜNG MỚI

***
BÀI HỌC CHUẨN BỊ KẾT HÔN


NỘI DUNG

Lời mở đầu                                                                     Trang 7
I. Hôn nhân trong chương trình của Thiên Chúa ................ 9
- Bài 01: Ý nghĩa của hôn nhân ............................................. 10
- Bài 02: Mục đích của hôn nhân ........................................... 11
- Bài 03: Hôn nhân là bí tích .................................................. 12
II. Hôn nhân theo tinh thần & hướng dẫn của Hội Thánh .. 14
- Bài 04: Sự tự do ................................................................... 16
- Bài 05: Khả năng tính dục ................................................... 17
- Bài 06: Tình yêu chung thủy ............................................... 18
- Bài 07: Đời sống đức tin ...................................................... 19
- Bài 08: Một số quy định có tính cách pháp lý để bảo vệ
               hôn nhân................................................................... 20
III. Tình yêu là yếu tố quan trọng đem lại hạnh phúc ........ 23
- Bài 09: Tình yêu là nhân của hạnh phúc ............................. 24
- Bài 10: Hiểu nhau để yêu nhau hơn ..................................... 27
IV. Tình yêu thân mật vợ chồng ........................................... 29
- Bài 11: Vợ chồng nên một ................................................... 30
- Bài 12: Luân lý tính dục ...................................................... 32
- Bài 13: Kế hoạch gia đình ................................................... 34
IV. Trách nhiệm cha mẹ ....................................................... 39
- Bài 14: Trách nhiệm giáo dục .............................................. 40
- Bài 15: Giáo dục những gì? ................................................. 42
- Bài 16: Để giáo dục thành công ........................................... 44
- Bài 17: Gia đình tông đồ ...................................................... 46
- Bài 18: Gia đình và xã hội ................................................... 49
- Bài 19: Sống ơn gọi hôn nhân ............................................. 51
V. Lễ cưới .............................................................................. 53
- Bài 20: Cử hành hôn lễ ........................................................ 54
- Bài 21: Nghi thức hôn phối ................................................. 56



Lời mở đầu


Bạn thân mến,
Bạn đang chuẩn bị kết hôn, nghĩa là Bạn sắp bước vào Con Đường Mới cuộc đời. Một khúc rẽ quan trọng và quyết định cho tình yêu, hạnh phúc của Bạn.
Thân gởi Bạn hành trang tinh thần cần thiết đó là: Nhắc nhở của Chúa, lời dạy của Hội Thánh về những gì cốt yếu nhất trên Con Đường Mới mà Bạn sẽ đi.
Xin Chúa chúc lành cho tình yêu và cuộc sống mới của Bạn.


Anphong Nguyễn Công Vinh




1

HÔN NHÂN
TRONG CHƯƠNG TRÌNH
CỦA THIÊN CHÚA


 
 
Bài 1


Ý NGHĨA CỦA HÔN NHÂN


Công Đồng Chung Vaticanô II trong Hiến Chế “Giáo Hội trong thế giới ngày nay” cho biết về ý nghĩa của Hôn Nhân Công Giáo:
1. Hôn nhân là một cộng đồng sự sống và tình yêu của một người nam và một người nữ được Thiên Chúa thiết lập với sự ưng thuận không thể rút lại của hai người (c. GS 47-52).
2. Hôn nhân là một bí tích, nghĩa là một phương thế thánh để chuyển thông ơn cứu độ cho những người sống bậc vợ chồng.
3. Tình yêu hôn nhân là biểu tượng, là phản ảnh tình yêu giữa Chúa Kitô và Hội Thánh.
Do đó bậc sống hôn nhân là thánh thiện và đồng thời là một ơn gọi cao cả Thiên Chúa ban. Điều này có được là nhờ Đức Giêsu Kitô. Người nhắc nhở cho biết phẩm giá của con người, của tình yêu. Người thánh hóa hôn nhân và đem đến cho hôn nhân vẻ đẹp tôn quý.



Xem thêm sách Tình Yêu Hôn Nhân

Bài 2

MỤC ĐÍCH CỦA HÔN NHÂN


Công Đồng Chung Vaticanô II cũng xác định hai mục đích căn bản của hôn nhân:
1. Xây dựng tình yêu:
Vợ chồng cùng nhau xây dựng tình yêu thương, một tình yêu hiệp nhất và tương trợ. Tình yêu này được nuôi dưỡng và biểu lộ bằng sự kết hợp thân mật trong tinh thần và thể xác (x. St 2, 23-24). Nhờ tình yêu này vợ chồng giúp nhau hoàn thành ơn gọi và sứ mệnh Thiên Chúa trao.
2. Làm cho tình yêu phong phú
Tự bản chất, hôn nhân và tình yêu vợ chồng không dừng lại nơi hai người, nhưng mở rộng và phong phú. Sự phong phú của tình yêu hôn nhân được cụ thể hóa nơi con cái (x. MV 48). Con cái không phải là gánh nặng mà là ơn huệ, là món quà vô giá mà Thiên Chúa ban, là hoa quả tốt đẹp nhất của tình yêu vợ chồng. Khi tạo dựng người nam và người nữ, Thiên Chúa đã chúc phúc: “Các ngươi hãy gia tăng, hãy sinh sản cho đầy mặt đất và bá chủ nó” (St 1, 28).
Ngoài ra hôn nhân còn có vai trò rất quan trọng trong đời sống Hội Thánh cũng như xã hội.


Bài 3


HÔN NHÂN LÀ BÍ TÍCH

Ÿ Trong khi giảng dạy, Chúa Giêsu đã xác minh về ý nghĩa nguyên thủy của sự phối hợp giữa người nam và người nữ như Thiên Chúa muốn từ lúc đầu (x. Mt 19, 8). Người thừa nhận tính tốt lành của hôn nhân và loan báo rằng từ nay hôn nhân sẽ là dấu hiệu hữu hiệu của sự hiện diện của Đức Kitô (x. Ga 2, 1-11). Chúa Giêsu cũng đã nhấn mạnh một cách rõ ràng về tính bất khả phân ly của mối dây ràng buộc hôn nhân (x. Mt 19, 10) và nâng hôn nhân lên hàng bí tích của giao ước mới (x. GL 1055, 2).
Ÿ Ý nghĩa
Bí tích Hôn nhân tạo thành một cộng đoàn thân mật cho đời sống và tình yêu giữa một người nam và một người nữ. Giao ước này đã được Thiên Chúa thành lập và ban cho những quy luật riêng. Tự bản chất của nó, giao ước này hướng về lợi ích của hai người phối ngẫu cũng như về việc sinh sản và giáo dục con cái.
Bí tích Hôn nhân còn nói lên sự kết hợp giữa Chúa Kitô và Hội Thánh. Bí tích này ban cho hai vợ chồng được biết yêu nhau như Chúa Kitô đã yêu thương Hội Thánh. Như vậy, ân sủng của bí tích sẽ kiện toàn tình yêu loài người của hai vợ chồng, củng cố tính đơn nhất, bất khả phân ly của họ và thánh hóa họ trên đường đi tới sự sống muôn đời (Ds 1799).
Ÿ Đặc tính của hôn nhân Kitô giáo
+ Đơn nhất và bất khả phân ly: Trong cả cuộc đời, không thay đổi, không rẫy bỏ nhau (Mt 19, 6). Họ được kêu gọi luôn tăng trưởng trong sự hiệp thông với nhau qua trung tín hàng ngày đối với lời hứa trao ban trọn vẹn cho nhau của hôn nhân.
Chế độ đa thê là trái nghịch với phẩm giá bình đẳng giữa người nam và người nữ, trái nghịch với tình yêu phu phụ là tình yêu độc nhất và độc chiếm.
+ Trung thành: Tình yêu hôn nhân đòi phải chung thủy trọn vẹn suốt đời không phản bội lời cam kết dưới bất cứ hình thức nào.
+ Chu toàn nghĩa vụ sinh sản: Tự bản chất, định chế hôn nhân và tình yêu phu phụ hướng về việc sinh sản và giáo dục con cái, vì đây là đỉnh cao và là kết quả hôn nhân (MV 48, 1).
Sự từ chối sinh sản làm cho hôn nhân mất đi hồng ân tuyệt hảo nhất của đời sống phu phụ là con cái (MV 50, 1).
Ÿ Hiệu quả của Bí tích Hôn phối
+ Sự ràng buộc hôn nhân: Do cuộc hôn nhân thành hiệu, giao ước giữa hai vợ chồng được thiết lập và hội nhập vào giao ước của Thiên Chúa và loài người, phát sinh sự ràng buộc hôn nhân có tính cách vĩnh viễn và độc quyền (GL 1141).
Ÿ Ân sủng của Bí tích Hôn phối
Bí tích Hôn phối ban cho các đôi vợ chồng Kitô hữu những hồng ân riêng để kiện toàn tình yêu của hai người, củng cố sự đơn nhất bất khả phân ly của hôn nhân và giúp họ nên thánh trong cuộc sốngvợ chồng, trong sự đón nhận và giáo dục con cái (GH 11).


2

HÔN NHÂN THEO TINH THẦN
VÀ HƯỚNG DẪN CỦA HỘI THÁNH



Những hướng dẫn của Hội Thánh về hôn nhân không phải là những ràng buộc pháp lý nhằm hạn chế hay ép buộc, nhưng chỉ có mục đích làm cho ý nghĩa và mục đích của hôn nhân mà Thiên Chúa đã thiết lập được thể hiện cách trọn vẹn và vững bền.
Trong hôn nhân công giáo, chỉ có một lề luật căn bản là tình yêu và Hội Thánh chỉ có một ước muốn duy nhất là làm thế nào để giúp đôi bạn yêu thương nhau, sống hạnh phúc với nhau và hoàn thành ơn gọi của mình.
Tinh thần và sự hướng dẫn của Hội Thánh được thể hiện trong những điểm sau đây, là những yếu tố rất quan trọng trong đời sống hôn nhân:


Bài 4


SỰ TỰ DO


Hôn nhân là một cộng đồng sống chung do Thiên Chúa thiết lập, nhưng được xây dựng trên sự ưng thuận tự do của hai người.
Do đó để kết hôn:
- Cần phải được hoàn toàn tự do ưng thuận. Sự ưng thuận này phải toàn diện, ý thức và tỏ bày công khai, nghĩa là cam kết chấp nhận đối tượng kết hôn, chấp nhận hiến ban cho người bạn mình yêu và chấp nhận chu toàn đầy đủ những bổn phận của hôn nhân.
- Tất cả mọi miễn cưỡng, ép buộc từ bên ngoài, dưới bất cứ hình thức nào và do bất cứ người nào đều xâm phạm đến sự ưng thuận tự do và làm cho khế ước hôn nhân không thành đạt.
Vì thế, bạn phải suy nghĩ, cân nhắc kỹ lưỡng và đừng để bất cứ áp lực nào bên trong hoặc bên ngoài chi phối quyết định của bạn.
Cha mẹ, ông bà, họ hàng hãy tôn trọng quyền tự do của đôi bạn trong vấn đề trọng yếu này.

Bài 5


KHẢ NĂNG TÍNH DỤC


Tình yêu là cốt lõi của hôn nhân. Chúng ta là con người có tinh thần và thể xác, nên tình yêu hôn nhân chỉ được biểu lộ cách toàn vẹn khi vợ chồng gắn bó yêu thương nhau trong tâm tình và biểu lộ ra bên ngoài nơi thể xác.
Do đó việc kết hợp thể xác giữa vợ chồng theo định luật tự nhiên của Thiên Chúa là điều cần thiết để hỗ trợ và làm phát triển tình yêu thương bên trong.
Vì thế hai người phải có khả năng tính dục, nghĩa là có điều kiện thể lý để “kết hợp, ăn ở với nhau” một cách bình thường, đem lại niềm vui cho nhau, mặc dầu có khi không dẫn đến việc sinh sản con cái.
Trường hợp một trong hai người không có khả năng đó hoặc mất đi trước khi kết hôn, như: khuyết tật, bất lực, bệnh họan… thì làm mất đi sự toàn vẹn của tình yêu hôn nhân và như thế việc kết hôn không thành (x. GL 1084).
Để tránh trường hợp rủi ro xảy ra gây thiệt hại cho tình yêu hôn nhân, hai người nên đi bác sĩ chuyên khoa trước khi kết hôn.

Bài 6


TÌNH YÊU CHUNG THỦY


Chung thủy có nghĩa là trước sau như một, không thay đổi. Đôi bạn hoàn toàn được tự do lựa chọn và quyết định, nhưng sự lựa chọn và quyết định này sau khi đã thực hiện hợp pháp sẽ không thể thay đổi trừ khi một trong hai người qua đời.
Do đó, vợ chồng thuộc về nhau, có nghĩa vụ sống chung và yêu thương nhau suốt đời, trong mọi hoàn cảnh. Đây vừa là tình yêu vừa là bổn phận công bằng. Đặc tính này xuất phát từ ý định của Thiên Chúa và từ ý nghĩa mục đích của hôn nhân. Chúa Giêsu đã xác quyết: “Sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, con người không được phân rẽ” (Mt 19, 35).
Tình yêu chung thủy đòi buộc vợ chồng:
- Chấp nhận yêu thương nhau trong mọi hoàn cảnh và yêu thương nhau đến mãn đời, không được dành tình cảm hay thể xác của mình cho người khác. Đặc tính này được gọi là vĩnh hôn.
- Không được tái hôn khi hôn nhân trước còn có giá trị. Do đó Hội Thánh không giải quyết ly dị như ở xã hội. Đặc tính này gọi là đơn hôn.
Chỉ trong một vài trường hợp rất đặc biệt, khi có lý do chính đáng, Hội Thánh cứu xét và quyết định theo Giáo luật.
Sự chung thủy là điều rất đáng quan trọng, nó biểu lộ nhân cách và sự trưởng thành trong tình yêu.

Bài 7


ĐỜI SỐNG ĐỨC TIN


Đối với người Công giáo, đức tin là một trong những yếu tố nền tảng cho hôn nhân. Sự lựa chọn, tình yêu và trách nhiệm của vợ chồng không chỉ thuần túy nhân loại, nhưng được đặt trên nền tảng đức tin vào Thiên Chúa. Chính điều này làm cho hôn nhân có giá trị siêu nhiên và cũng chính điều này giúp hôn nhân thêm khả năng vững bền, tốt đẹp.
Vì thế, không thể kết hôn cách cẩu thả, vội vàng với người cùng tôn giáo nhưng không có đời sống đức tin, không thực hành đức tin của mình.
Càng không nên liều lĩnh kết hôn với người ngoài công giáo khi không tìm hiểu cặn kẽ khuynh hướng tôn giáo, sự thành tâm trở lại của họ. Sự khác biệt tôn giáo khi chưa được thông cảm cách thật tình và sâu xa, cũng là ngăn trở lớn cho sự hiệp nhất trong đời sống hôn nhân. Do đó, không nên hối thúc các linh mục rút ngắn thời gian học đạo của người bạn dự tòng, cũng như không nên dễ dãi chiều theo sự đòi hỏi của họ.
Hiện nay, Hội Thánh có thể cứu xét chuẩn chước việc trở lại đạo công giáo của người lương khi kết hôn, nhưng vẫn phải suy xét cẩn thận trước khi quyết định, đừng lạm dụng và đừng coi sự chuẩn chước này như một sự thả lỏng của Hội Thánh. Người bạn công giáo và con cái có thể gặp nhiều khó khăn cho đời sống đức tin của mình.

Bài 8


MỘT SỐ QUY ĐỊNH CÓ TÍNH CÁCH PHÁP LÝ ĐỂ BẢO VỆ HÔN NHÂN


Để việc kết hôn được bảo đảm và mang lại ích lợi cho đôi bạn, Hội Thánh có một số quy định:
1. Lời khấn: Có năm lời khấn cản trở kết hôn
- Khấn đồng trinh.
- Khấn khiết tịnh.
- Khấn độc thân không kết bạn.
- Khấn chịu chức thánh.
- Khấn tu dòng.
2. Tuổi:
- Giáo luật:
+ Nam giới không kết hôn thành sự trước 16 tuổi.
+ Nữ giới trước 14 tuổi tròn.
- Dân luật:
+ Nam giới 20 tuổi.
+ Nữ giới 18 tuổi.
Dù đã đủ tuổi giáo luật nhưng chưa đủ tuổi dân luật thì Hội Thánh khuyên nên theo Dân luật (GL 1083).
3. Giây hôn nhân:
Người còn bị ràng buộc bởi giây hôn nhân trước dù là chưa hoàn hợp. Khi hôn nhân trước bất hợp lệ hoặc có thể hủy bỏ thì phải đợi luật pháp tuyên bố (GL 1085).
4. Chức thánh: Người có chức thánh kết hôn không thành (GL 1087).
5. Khấn dòng: Khấn công khai và vĩnh viễn về đức khiết tịnh (GL 1088).
6. Cưỡng đoạt: Dùng sức mạnh, quyền lực bắt người khác phải kết hôn (GL 1089, 1103).
7. Tội ác: Kẻ giết người phối ngẫu của mình hay của người kia để kết hôn hoặc khi hai người đồng trực tiếp gây nên cái chết của người phối ngẫu để lấy nhau (GL 1090).
8. Huyết tộc: Khi có liên hệ với nhau vì máu mủ ruột thịt:
- Hàng dọc tính lên: Cha mẹ, ông bà, cụ kỵ…
- Hàng dọc tính xuống: Con cái, cháu, chắt, chít… Hôn nhân vô hiệu ở mọi đời (GL 1091).
- Hàng ngang bằng vai: Anh em ruột, anh chị em chú bác. Không bằng vai tính lên: Ông chú, ông bác… Không bằng vai tính xuống: Cháu, chắt… Hôn nhân bất thành cho đến hết cấp thứ tư (ba đời) (GL 1091).
9. Họ kết bạn:
- Là họ giữa người chồng với tất cả những người có họ máu của người vợ và ngược lại: Bố chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, bố dượng với con dâu, mẹ ghẻ với con chồng…
- Họ kết bạn hàng dọc hủy hôn phối bất kỳ đời nào.
Ÿ Những trường hợp được miễn chuẩn:
Ngăn trở do Hội Thánh thì trong những trường hợp đặc biệt, Hội Thánh có thể miễn chuẩn:
- Chuẩn khác tôn giáo.
- Đặc ân thánh Phaolô: Người công giáo lấy người lương đã có gia đình nhưng muốn trở lại.
- Về tuổi tối thiểu.
- Họ hàng ngang, họ kết bạn, tội ác, lời khấn.
Ÿ Cử hành bí tích Hôn nhân:
Điều kiện:
- Hai bên lập giao ước hôn nhân là một người nam và một người nữ.
- Đã lãnh nhận phép Rửa tội.
- Được tự do kết hôn và nói lên cách tự do sự ưng thuận của mình.
- Không bị cản trở bởi luật tự nhiên và luật Hội Thánh.
- Hiểu biết về Bí tích Hôn nhân và đời sống gia đình.
Ÿ Cử hành:
Theo thể thức của Hội Thánh:
- Cử hành trong phụng vụ công khai của Hội Thánh. Trước sự chứng kiến của linh mục hoặc phó tế nhân danh Hội Thánh đón nhận sự ưng thuận của hai người.
- Trước hai nhân chứng và cộng đoàn.


3

TÌNH YÊU
LÀ YẾU TỐ QUAN TRỌNG
ĐEM LẠI HẠNH PHÚC



Bài 9


TÌNH YÊU LÀ NHÂN CỦA HẠNH PHÚC


Muốn thành đạt hôn nhân cần có nhiều điều kiện, nhưng trong tất cả, điều đáng kể vẫn là tình yêu. Tình yêu liên kết hai người, tình yêu gây sự cảm thông và tình yêu thúc đẩy hai người hy sinh xây dựng hạnh phúc cho nhau.
Bạn hãy ý thức điều này để đừng quá chú ý đến duyên sắc, tiền bạc, địa vị xã hội khi lập gia đình hay khi sống với nhau trong gia đình. Nhưng hãy xem tình yêu mỗi người dành cho nhau thế nào, và phẩm chất của tình yêu ấy làm sao?
Tình yêu đích thực không phải là chỉ tình cảm, lời nói, sự âu yếm, sự say mê nét đẹp duyên dáng thể xác… nhưng là sự đón nhận với lòng kính trọng một con người để yêu và phục vụ vô điều kiện, để cùng nhau xây dựng hạnh phúc. Tình yêu như thế trưởng thành và vượt mọi giới hạn, khuyết điểm, khó khăn:
Yêu nhau trăm sự chẳng nề
Một trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng


ĐẶC TÍNH CỦA TÌNH YÊU HÔN NHÂN


1. Phát triển:
Nhờ tình yêu và cơ hội sống chung, mỗi người giúp nhau phát triển những đặc tính mà Thiên Chúa đã phú ban cho mỗi giới.
Người nữ: Phát triển tinh thần, khả năng phục vụ, yêu thương.
Người nam: Phát triển lòng quảng đại, sự hy sinh, tinh thần trách nhiệm, sự che chở bảo bọc.
Vì thế hãy cảm tạ Chúa, hãy nhận ra nhau, quý trọng nhau, giúp đỡ nhau nên hoàn hảo và trở thành niềm vui, sự khích lệ cho nhau.
2. Hy sinh:
Tình yêu hôn nhân đòi hỏi phải hy sinh cá tính, sở thích, quyền lợi riêng của mình. Hy sinh bằng nhẫn nhục, tha thứ. Hy sinh bằng chiến thắng tính ích kỷ. Hy sinh bằng cho, phục vụ (x. Ga 15, 13).
3. Chấp nhận và cộng tác xây dựng:
Hạnh phúc là ơn huệ của Chúa ban nhưng qua sự chấp nhận và xây dựng của hai người. Không phiền trách nhau, đổ lỗi cho nhau, đổ lỗi cho số phận. Nhưng cùng nhau bắt tay xây dựng, có khi từ số không.
Thuận vợ thuận chồng tát bể đông cũng cạn.
Hạnh phúc sẽ đến trong khi cùng nhau xây dựng.
4. Chiến thắng cám dỗ:
Ước vọng của con người là đạt tới hoàn hảo, tuyệt đối. Nhưng ở đời này chẳng có gì là tuyệt đối cả, vì thế mau chán, ham mới lạ. Đây là nguy cơ làm đổ vỡ tình yêu gia đình. Hãy ý thức để luôn trung kiên với quyết định ban đầu. Chẳng có hạnh phúc trong thay đổi, chỉ có hạnh phúc và thành công trong sự kiên định.
5. Tin nhau:
Sống chung với nhau là phải tin nhau.
Yêu nhau là phải tin nhau.
Hãy loại bỏ những nghi ngờ, canh chừng, dò xét hoặc ghen bóng ghen gió. Những thái độ này có thể gây nên hậu quả ngược lại: Làm người bạn bực bội, xói mòn sự chung thuỷ và bền vững của hôn nhân.
Thái độ tích cực nhất đó là tin nhau và làm mọi cách để phát triển lòng tin này.
Ở đâu có tình yêu thì ở đó có lòng tin”
                                                                 (Gorky)



Bài 10

HIỂU NHAU ĐỂ YÊU NHAU HƠN


Để tình yêu có nhiều cơ hội phát triển, cần phải hiểu biết nhau. Sự hiểu biết nhau là yếu tố cần thiết để yêu nhau, để sống chung hòa hợp, để thông cảm, để xây dựng hạnh phúc lâu dài.
1. Tự biết mình:
Trong thực tế, người ta rất ít biết và ít muốn biết về mình, nhất là biết những khuyết điểm, sai lỗi của mình. Đây là bức tường cản đến với tha nhân và tha nhân đến với mình. Vì thế, trước hết phải biết về chính mình: sức khỏe, tính tình, tài năng… những gì được rồi, tốt rồi để phát huy và những gì chưa tốt, chưa được để sửa chữa, khắc phục.
Biết mình bằng tự vấn, tự kiểm. Biết mình bằng nhờ những nhận xét của người khác, nhất là của người bạn đời tương lai. Đừng khó chịu khi nghe những khuyết điểm của mình. Hãy trân trọng và quyết tâm sửa đổi.
2. Tìm hiểu bạn mình:
Mỗi người là một công trình độc đáo của Thiên Chúa, là một thế giới riêng đầy bí hiểm. Vì thế, hiểu biết người bạn đời của mình là điều cần thiết để sống chung hòa hợp, hạnh phúc. Hiểu biết về: sức khỏe, tính tình, môi trường giáo dục, điều kiện sống, thói quen, bạn bè…
Tìm hiểu bằng quan sát, bằng nghe nhận xét của người khác, nhất là bằng tiếp xúc, đối thoại. Sự cởi mở tâm tình với nhau cách chân thành để giúp hiểu nhau nhiều hơn và do đó dễ chấp nhận những khác biệt.
Việc tìm hiểu mình và hiểu người bạn đời của mình là công việc phải làm suốt cả đời.

4

TÌNH YÊU THÂN MẬT VỢ CHỒNG


Bài 11


VỢ CHỒNG NÊN MỘT


Con người được tạo dựng có hồn, có xác. Vì thế, tình yêu hôn nhân là sự kết hợp cao quý tinh thần và thể chất của hai người.
Khả năng yêu thương và kết hợp cả tinh thần và thể chất của vợ chồng đã được Thiên Chúa phú ban ngay từ buổi đầu tạo dựng để con người có được niềm vui, hạnh phúc và nhờ thế tăng thêm sức gắn bó. Vì vậy, những cử chỉ thân mật hoặc những hành vi phối hợp yêu thương giữa vợ chồng tự nó không có gì là xấu xa, nhưng là một sinh hoạt tốt đẹp.
Cộng Đồng Chung Vaticanô II trong Hiến Chế Mục Vụ đã xác quyết: “Tình dục cũng như khả năng sinh sản của con người trổi vượt cách kỳ diệu hơn những gì thấy được ở cấp sinh vật thấp hơn. Bởi  vậy chính nhờ hành vi đặc thù của đời sống vợ chồng được thực hiện đúng theo phẩm giá đích thực của con người phải được kính trọng” (MV 51).
Sinh hoạt tình dục chỉ xấu khi người ta coi nó như phương tiện thoả mãn xác thịt, dục vọng, ích kỷ…
Trong đời sống vợ chồng, sinh hoạt thân mật phải là biểu lộ cao nhất, là kết quả tốt đẹp của sự kết hợp hai nhân vị chứ không phải là khởi đầu hay mục đích của đời sống hôn nhân. Trong đời sống vợ chồng, yêu thương thân mật với nhau còn là biểu lộ sự sống, sự sinh động, là việc bác ái  và là nghĩa vụ công bằng phải chu toàn.
Hai người phải cố gắng hiểu biết kỹ lưỡng những kiến thức đặc biệt về đời sống sinh lý nam nữ để giá trị của việc kết hợp được phát huy sung mãn, để hai người không yêu nhau như “vợ chồng” thuần túy nhưng “yêu nhau” với tình yêu của Chúa Kitô, như Chúa Kitô yêu Hội Thánh (x. MV số 49).


Bài 12


LUÂN LÝ TÍNH DỤC


Ÿ Đời sống thân mật, sự kết hợp nơi thân xác giữa vợ chồng tự bản chất là lương thiện và đáng quý trọng (x. HCMV 51). Vì đó là:
- Dấu hiệu biểu lộ tình yêu trọn vẹn, hiến thân theo định luật của Thiên Chúa đã xếp đặt.
- Dấu hiệu biểu lộ sự trung tín với nhau
- Dấu hiệu biểu lộ sự phong phú của tình yêu đó là sự sống mới nơi con cái.
Ÿ Hội Thánh không chủ trương khinh miệt thân xác và những gì thuộc thân xác, nhưng cũng không thần thánh hóa thân xác bởi vì:
- Thân xác là công trình tuyệt hảo của Thiên Chúa, thân xác này sẽ được sống lại trong ngày chung thẩm để cùng với linh hồn trọn hưởng hạnh phúc hay bị luận phạt.
- Tuy nhiên, thân xác chỉ có giá trị tương đối, hành vi sinh lý chỉ có giá trị khi đi kèm với tình yêu chân thật.
Ÿ Trong sinh hoạt riêng tư của vợ chồng, Hội Thánh nhắc nhở đôi bạn phải luôn trong sạch và tiết độ, nghĩa là không để cho đam mê, lòng ích kỷ thúc đẩy, nhưng biết cao thượng làm chủ được bản thân và kính trọng nhau cũng như kính trọng thánh ý Thiên Chúa.
Ÿ Trong thời kỳ đính hôn, chuẩn bị… đôi bạn cần trao đổi tìm hiểu nhau, nhưng phải tránh những cử chỉ thiếu kính trọng, thiếu trong sạch, nhất là tránh việc thử nghiệm tình ái hoặc sống chung với nhau. Cách thức này không xây dựng cho nhau đời sống hôn nhân mà còn làm thương tổn, phá hoại.


Bài 13


KẾ HOẠCH GIA ĐÌNH


Ÿ Kế hoạch gia đình hay điều hòa sinh sản là phương thức kiểm soát việc sinh con cái cho phù hợp với khả năng giáo dục, kinh tế và xã hội.
Hội Thánh luôn nhắc nhở cha mẹ phải cân nhắc và có tinh thần trách nhiệm trong việc sinh con. Đứa con sinh ra phải là kết quả thực sự của tình yêu, phải được tôn trọng và phục vụ đúng mức ngay từ giây phút đầu tiên của cuộc sống. Trong tinh thần này việc vợ chồng với sự khôn ngoan và lòng đạo đức biết cân nhắc và kiểm soát việc sinh con cho phù hợp là điều tốt.
Nhắc lại một số nguyên tắc luân lý:
1. Con cái là thành quả kết tinh toàn thể mọi biểu hiện của tình yêu vợ chồng.
2. Hội Thánh không chủ trương sinh sản thiếu trách nhiệm. Vì thế, vợ chồng phải quyết định khôn ngoan.
3. Hội Thánh coi điều hòa sinh sản để phù hợp với hoàn cảnh xã hội, kinh tế và hạnh phúc vợ chồng là điều hợp lý.
4. Trách nhiệm về việc điều hòa sinh sản là thuộc chính đôi vợ chồng và là quyền của vợ chồng.

Ÿ Cách thực hiện:
Hội Thánh phải nhắc nhở khi thực hiện mục đích tốt đẹp trong việc điều hòa sinh sản, vợ chồng phải sử dụng đúng phương cách. Tiến trình tự nhiên mà Thiên Chúa đã xếp đặt nơi người nữ cần phải được tôn trọng triệt để. Phương pháp căn bản, tốt nhất, phù hợp với nhân vị và với ý của Hội Thánh là phương pháp chế dục tự nhiên và định kỳ, nghĩa là vợ chồng kiêng cữ việc ăn ở trong thời kỳ người nữ ở trong tình trạng có thể thụ thai. Phương pháp này đòi hỏi nhiều ý chí và hy sinh, nhưng với quyết tâm, vợ chồng sẽ thực hiện được.
Ÿ Một phương pháp đề nghị:
Phương pháp Billings (PP. Chất nhờn)
Phương pháp này do bác sĩ John Billings tìm ra, căn cứ vào việc chất nhờn xuất hiện nơi người nữ để đóan biết ngày trứng rụng, nên cũng gọi là phương pháp chất nhờn.
Nhận định:
- Sau kỳ kinh nguyệt, nơi người nữ có một thời kỳ khô ráo ở bộ phận sinh dục. Số ngày khô ráo ít nhiều tùy chu kỳ kinh nguyệt dài hay ngắn nơi mỗi người.
- Sau thời kỳ khô ráo là thời kỳ ướt, đó là lúc chất nhờn xuất hiện nhiều ở âm hộ. Chất nhờn này từ đục thành trơn, trong suốt và có thể kéo sợi giống như lòng trắng trứng. Khi chất nhờn với những đặc tính đó xuất hiện thì đó là Cao Điểm của khả năng thụ thai (dễ thụ thai nhất) vì vài giờ sau là trứng rụng.
Cần phân biệt chất nhờn trên với chất nhờn do âm hạch sản xuất mỗi khi người nữ bị xúc động hay bị kích thích hoặc chất nhờn tiết ra bất thường do bệnh họan mà người ta thường gọi là huyết trắng. Nhờ chất nhờn này mà tinh trùng người nam sống được và có điều kiện đậu thai. Chất nhờn xuất hiện quãng chín ngày. Giữa thời kỳ này có lúc chất nhờn ra nhiều nhất quãng 3, 4 ngày. Sau đó trứng rụng và chất nhờn giảm bớt.

KẾT LUẬN ÁP DỤNG:
1- Trước khi trứng rụng:
Thời kỳ khô ráo không có chất nhờn bài tiết là thời kỳ an toàn tương đối (quãng 3 - 5 ngày). Nếu vòng kinh quá ngắn thì cóthể không có thời kỳ khô ráo trước khi rụng trứng do đó phải kiêng cữ.
2- Thời kỳ ẩm ướt:
Chất nhờn xuất hiện. Nếu hoàn toàn không muốn thụ thai thì kiêng cữ yêu nhau trong những ngày này (quãng 9 ngày).
Thời kỳ ẩm ướt do chất nhờn xuất hiện có thể ghi chú như sau cho một chu kỳ kinh nguyệt 28 ngày:
1 - 2 - 3 4 - 5 - 6 - 7 9 - 10 - 11 12
KINH NGUYỆT KHÔ RÁO TƯƠNG ĐỐI AN TOÀN - CHẤT NHỜN XUẤT HIỆN
- DÍNH VÀ ĐỤC
- DỄ THỤ THAI
- CHẤT NHỜN TRONG VÀ DÍNH
- DỄ THỤ THAI

 
13 14 15 - 16 - 17 18 - 28
CHẤT NHỜN TRONG SUỐT VÀ TRƠN CHẤT NHỜN TRONG SUỐT KÉO SỢI TRẮNG NHƯ LÒNG TRẮNG TRỨNG GÀ CHẤT NHỜN DÍNH VÀ ĐỤC AN TOÀN TUYỆT ĐỐI

TỘT ĐỈNH, DỄ THỤ THAI

DỄ THU THAI
 

Chất nhờn từ ngày 9 - 18.
3- Sau hiện tượng tột đỉnh của chất nhờn (trong hình là 14) kể từ ngày thứ tư về sau (tức là bỏ đi thêm 3 ngày) là thời kỳ an toàn không thụ thai (quãng 11 ngày, trong hình là 18).
Vợ chồng phải loại bỏ bất cứ phương thế hành động nào, trực tiếp hay gián tiếp, tạm thời hoặc vĩnh viễn làm cho việc sinh sản không thể thành tựu.
Tất cả mọi phương pháp trái tự nhiên nghĩa là dùng một phương tiện bên ngoài can thiệp vào, đều không phù hợp với lương tâm.
Riêng việc phá thai là một tội nặng kèm theo vạ tuyệt thông tiền kết. Vạ này cũng áp dụng cho những người khuyến khích, chỉ dẫn cộng tác…
 
Cần biết những điều kiện đậu thai:
1- Người chồng phải có tinh trùng tốt, khỏe, với số lượng đầy đủ.
2- Tinh trùng phải có khả năng di chuyển trong âm đạo, trong tử cung, trong ống dẫn trứng để đến gặp được trứng ở người nữ.
3- Người nữ phải có trứng rụng tốt nghĩa là trứng bình thường, đủ ngày tháng.
4- Ống trứng không tắc nghẽn.
5- Niêm mạc tử cung bình thường đều có khả năng tiếp nhận trứng đã thụ tinh để nuôi dưỡng trứng tăng trưởng.
6- Các tuyến nội tiết sinh dục họat động điều hòa.
Ÿ Phương pháp nhân tạo:
Là những phương pháp dùng phương tiện bên ngoài làm cho việc thụ thai không thành hoặc phá hỏng thai đã thành. Những phương pháp này không phù hợp với giáo huấn của Hội Thánh và lương tâm công giáo.
Những phương pháp này gồm có:
1- Phương pháp kềm chế việc sinh trứng và rụng trứng bằng thuốc ngừa thai tây y, đông y hoặc y dược dân tộc.
2- Phương pháp tránh thụ thai nhằm ngăn cản không cho trứng gặp gỡ tinh trùng:
- Giao hợp gián đoạn.
- Bao cao su, màng chắn…
- Hóa chất diệt khả năng tinh trùng.
3- Phương pháp ngăn chặn sự kết thành của trứng đã thụ thai bằng vòng xoắn.
4- Phương pháp triệt sản:
- Nơi phái nữ: Cột hoặc cắt ống dẫn trứng.
- Nơi phái nam: Cột hay cắt ống dẫn tinh.
5- Phá thai:
- Giết chết bào thai và nạo đưa ra ngoài.
- Điều hòa kinh nguyệt bằng cách hút phôi thai ra ngoài.


 
 



5
TRÁCH NHIỆM CHA MẸ

 
 
Bài 14


TRÁCH NHIỆM GIÁO DỤC


- Công Đồng Chung Vaticanô II trong “Tuyên Ngôn về giáo dục Kitô giáo” đã xác định vai trò quan trọng của cha mẹ trong việc giáo dục con cái: “Vì là người truyền sự sống cho con cái, nên cha mẹ có bổn phận hết sức quan trọng là giáo dục chúng và vì thế họ được coi như những nhà giáo dục đầu tiên và chính yếu của chúng” (GD 3).
- Tông Huấn về Gia đình thì coi sứ mạng giáo dục như một “thừa tác vụ” trong Hội Thánh: “Vì nhờ bí tích Hôn nhân, sứ mạng giáo dục được nâng lên thành phẩm giá và ơn gọi của một thừa tác vụ đích thực trong Hội Thánh để phục vụ việc xây dựng các chi thể của Hội Thánh” (38).
Như vậy, trách nhiệm này không chỉ bắt nguồn từ ơn gọi của đôi bạn là tham dự vào công việc sáng tạo và quan phòng của Thiên Chúa, là thông phần và chia sẻ sứ mạng làm Cha của Thiên Chúa mà còn được bắt nguồn từ ơn bí tích Hôn Phối là bí tích thánh hiến vợ chồng để lo việc giáo dục Kitô giáo đích thực cho con cái.
Xét về mặt tự nhiên, con cái vừa là hiện thân vừa là hạnh phúc của cha mẹ. Một đứa con nên người, có nhiều ưu điểm sẽ là niềm an ủi vàvinh dự cho cha mẹ. Ngược lại là sự đau khổ, buồn tủi.
Ngoài ra cha mẹ cũng còn có trách nhiệm đóng góp cho xã hội những phần tử hoàn hảo hầu xây dựng xã hội loài người tốt đẹp làm bước tiến tới Nước Trời mãi sau.
Vì thế, các bạn hãy ý thức tầm quan trọng của vấn đề này, để hết sức chăm lo việc giáo dục con cái theo đúng như lời cam kết ngày cử hành bí tích Hôn Phối: “Các con có sẵn sàng yêu thương đón nhận con cái mà Chúa sẽ ban và giáo dục chúng theo luật Chúa Kitô và Hội Thánh không?”.

Bài 15


GIÁO DỤC NHỮNG GÌ?


Giáo dục con cái là giúp đỡ và hướng dẫn để chúng được phát triển đầy đủ về mọi phương diện: tinh thần, thể chất, trí tuệ và lòng đạo đức.
Ÿ Các mục tiêu cơ bản cần lưu ý để con cái nên người:
1. Giáo dục thể chất:
- Giúp cho con cái giữ gìn và tập luyện để có sức khỏe, sự tráng kiện về thể lý.
- Giáo dục tính dục: hướng dẫn con cái những điều cơ bản về sự phát triển cơ thể, tính dục. Dạy chúng biết kính trọng thân xác mình cũng như người khác, yêu chuộng sự trong sạch nơi tư tưởng, tâm hồn. Tránh những ảnh hưởng xấu trong môi trường xã hội.
2. Giáo dục trí tuệ:
Là tạo điều kiện mở mang trí óc, trau dồi kiến thức cho con cái. Cha mẹ là thầy cô thứ nhất rồi mới đến trường học. Cha mẹ hãy chủ động cộng tác với nhà trường trong công tác giáo dục trí tuệ.
3. Giáo dục những đức tính nhân bản:
Học vấn không chưa đủ, còn cần phải có hạnh kiểm tốt. Hãy tập cho con cái:
- Có ý chí cương quyết, kiên tâm bền chí tập luyện nhân đức, bài trừ những điều xấu, can đảm vượt qua những thử thách khó khăn.
- Lịch thiệp với mọi người trong lời nói, cách đối xử.
- Nhân ái yêu thương, hiền hòa bác ái và sẵn lòng giúp đỡ mọi người.
- Tín thành: thành thật, không gian dối mưu mô, trọng tình trọng nghĩa, giữ lời, có tinh thần trách nhiệm, kỷ luật, sống đúng lương tâm.
- Công bình: tôn trọng tài sản quyền lợi của tha nhân.
- Tinh thần xã hội: biết nghĩ đến việc chung, lợi ích chung, tập thể.
Ÿ Để con cái nên người Kitô hữu hoàn hảo:
1. Giáo dục lòng tin yêu Thiên Chúa:
- Thông truyền cho con cái chính đức tin của mình bằng phong cách, thái độ sống, bằng các việc đạo đức, bằng xử sự trước những khó khăn thử thách trong gia đình.
- Hướng dẫn giáo lý cơ bản và tạo điều kiện, nhắc nhở con cái học giáo lý.
- Tạo bầu khí kinh nguyện, đạo đức trong gia đình.
2. Quan tâm đến việc thánh hóa con cái:
- Hướng dẫn, cộng tác, khuyến khích con cái lãnh nhận các bí tích.
- Nhắc nhở chúng giữ mình sạch tội, vâng theo ý Chúa, sống đẹp lòng Chúa, tránh điều xấu.
3. Giáo dục những đức tính Kitô hữu:
- Khiêm nhường, quảng đại, nhẫn nhục, tiết độ, trong sạch, hy sinh hãm mình.
- Yêu mến, kính trọng và vâng phục Hội Thánh, cộng tác với Hội Thánh trong các công tác tông đồ.


Bài 16


ĐỂ GIÁO DỤC THÀNH CÔNG


1. Gương sáng của cha mẹ:
Gương sáng của cha mẹ là yếu tố quan trọng trong việc giáo dục: Lời nói lung lay, gương bày lôi kéo. Gương sáng của cha mẹ ảnh hưởng rất sớm trên đời sống của đứa con. Do đó, cha mẹ phải thăng tiến và hoàn thiện hóa bản thân: Cha mẹ hiền lành để đức cho con. Hãy ăn ở tốt để làm gương cho con cái bắt bước.
2. Bầu khí gia đình:
Nếu muốn con cái hấp thụ được những điều tốt đẹp, hữu ích thì cha mẹ phải tạo cho gia đình có bầu khí thuận lợi, tốt đẹp. Bầu khí gia đình phải có:
- Bầu khí tím nhiệm: cha mẹ tin nhau, trung thành với nhau. Cha mẹ tin con cái và giữ điều đã hứa.
- Bầu khí thuận hòa và yêu thương: vợ chồng luôn dành cho nhau tình yêu đằm thắm, quan tâm. Tránh cãi cọ, bất hòa, luôn biết nhịn nhục, tha thứ để làm gương cho con cái. Thương yêu con cái đồng đều, vô vị lợi, thật tâm.
- Bầu khí thánh thiện: gia đình là nơi Thiên Chúa gặp gỡ con người, gia đình là Giáo Hội thu nhỏ, là đền thờ. Do đó, cha mẹ phải tạo cho gia đình có bầu khí thánh thiện: thấm nhuần đức tin, lòng yêu mến Chúa, kinh nguyện sớm tối, trong sạch, khuyến khích nhau sống, thực hành lề luật của Chúa.
3. Cha mẹ cộng tác với nhau:
Trong việc giáo dục, cha mẹ phải dùng những nét khác biệt về cá tính, khả năng, vai trò riêng mà Chúa đã ban để cộng tác, nhất trí với nhau trong việc giáo dục. Đừng bao giờ trống đánh xuôi, kèn thổi ngược nghĩa là cha dạy mẹ bênh hoặc ngược lại. Nếu có bất đồng thì phải làm sao kín đáo.
4. Dạy con từ thuở còn thơ:
Cần uốn nắn ngay từ lúc nhỏ, để lớn khôn rất khó lòng. Khi muốn uốn nắn những cây kiểng, người ta phải bỏ công tỉ mỉ uốn nó khi còn non. Giáo dục con cái cũng vậy.
5. Canh chừng bạn bè và môi trường xã hội xấu:
Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng. Trẻ em dễ bị lây nhiễm môi trường bên ngoài. Bạn bè xấu là liều thuốc độc giết chết dần mòn cuộc sống tinh thần và thể xác của trẻ. Bầu khí xấu của xã hội với phim ảnh báo chí không lành mạnh đầu độc tâm trí và làm cho các em ra hư hỏng.
6. Lợi dụng những cơ hội thuận tiện:
Trong cuộc sống gia đình, xã hội có nhiều biến cố, sinh họat, cha mẹ hãy lợi dụng những cơ hội này để giáo dục con cái:
- Những bữa ăn.
- Giờ kinh sáng, tối.
- Dịp lãnh nhận các bí tích.
- Các dịp lễ lạc trong giáo xứ.
- Khi vui mừng may mắn, lúc thử thách thất bại.
Tất cả đều là những cơ hội rất quý để giáo dục.




Bài 17


GIA ĐÌNH TÔNG ĐỒ


Gia đình phải trở nên một cộng đoàn làm chứng cho Thiên Chúa. Cha mẹ, ngoài bổn phận truyền đạt cho con, còn có sứ mạng loan báo Tin Mừng của Chúa cho những gia đình khác, cho mọi người. Đó là ơn gọi nên thánh, là sứ mạng làm tông đồ truyền giáo mà mọi tín hữu đã lãnh nhận ngày chịu phép Rửa Tội. Chúa Giêsu đã đặt tên cho chúng ta là muối đất, ánh sáng thế gian.
Làm tông đồ bằng cách nào?
1. Cầu nguyện:
Trước hết, gia đình chuyên cần cầu nguyện cho Hội Thánh, cho công việc truyền giáo. Trong mọi thánh lễ, trong mọi giờ kinh, trong mọi công việc, trong mọi hy sinh hãy cầu cho: Danh Cha cả sáng. Nước Cha trị đến… có nhiều thợ gặt như Chúa Giêsu đã dạy.
Lời cầu nguyện của gia đình là đồ tiếp liệu cần thiết cho công cuộc truyền giáo.
2. Đời sống gương mẫu:
Chúa Giêsu nói: Không ai đốt đèn rồi che lại. Người Kitô hữu hãy nêu cao ngọn đèn đời sống gương mẫu của mình trước mặt mọi người.
Vì thế:
Trước hết vợ chồng hãy làm cho bản thân cũng như gia đình trở nên một thành viên xứng đáng của giáo xứ, của Hội Thánh bằng cách làm cho gia đình trở thành một cộng đoàn vững mạnh trong niềm tin, lòng cậy trông và thiết tha yêu mến Chúa. Niềm tin và lòng cậy trông đó biểu lộ qua việc gia đình cẩn thận tuân giữ lề luật Chúa, chuyên chăm cầu nguyện, hòa hợp, trật tự, có tình thương nhau chân thành giữa vợ chồng, cha mẹ con cái, luôn luôn vui tươi và không bao giờ chán nản thất vọng. Đây là ngọn đèn sáng.
Hãy đặt cao ngọn đèn sáng: điều đó nhắc nhở vợ chồng nêu cao những giá trị tinh thần và những thái độ tốt đẹp với những người chung quanh, như: sự công bình, thành thật, khiêm tốn, siêu thóat, cư xử tốt với mọi người: sẵn sàng tha thứ, hòa giải nhẫn nhục, an ủi giúp đỡ những kẻ ưu phiền, những người bệnh tật, san sẻ cho những người khó nghèo thiếu thốn, sẵn sàng hy sinh vì lợi ích chung tập thể. Đây là chứng tích lặng lẽ nhưng rất sống động và hiệu quả.
3. Tiếp xúc:
Lợi dụng mọi cơ hội tiếp xúc để nói, trao đổi về Chúa, về tin mừng cho người khác, cho những gia đình khác nhất là cho anh em lương dân. Tham gia hành động bênh vực phẩm giá và những quyền lợi cơ bản của gia đình, cổ võ bãi bỏ những tập quán lỗi thời về gia đình: tảo hôn, đa thê, ly dị, tự do luyến ái, hôn nhân thử, hủy diệt sự sống.

4. Cộng tác xây dựng giáo xứ:
Giáo xứ là Hội Thánh tại địa phương, là gia đình thiêng liêng của bạn, trong đó mọi người đều liên kết với nhau bằng phụng vụ và bí tích. Trong gia đình này, linh mục quản xứ là người cha thiêng liêng và mọi giáo dân trở thành anh chị em với nhau trong niềm tin, trong phép rửa và trong một ơn gọi.
Giáo xứ đóng vai trò quan trọng trong đời sống thiêng liêng của mỗi người vì đây là nơi mà cha mẹ chúng ta, rồi đến chúng ta và con cái sau này của chúng ta đón nhận ơn huệ thiêng liêng của Thiên Chúa. Đây cũng là môi trường họat động tông đồ gần gũi nhất của bạn. Vì thế hãy nỗ lực làm tông đồ và xây dựng Hội Thánh địa phương này bằng:
- Yêu mến và gắn bó với giáo xứ.
- Cộng tác với Cha xứ.
- Góp phần xây dựng giáo xứ về tinh thần và vật chất.



Bài 18


GIA ĐÌNH VÀ XÃ HỘI


Công Đồng Vaticanô II đã nói về sự liên hệ giữa gia đình và xã hội như sau: “Gia đình trở thành nền tảng của xã hội, vì là nơi nhiều thế hệ gặp gỡ và giúp nhau nên khôn ngoan đầy đủ hơn, cũng như giúp nhau hòa hợp những quyền lợi cá nhân với những đòi hỏi khác của cuộc sống xã hội” (MV 52).
Gia đình là nền tảng xã hội. Gọi như thế rất đúng vì về số lượng thì xã hội là sự tập hợp của nhiều gia đình, còn về phẩm chất thì xã hội là tấm gương phản ánh đời sống của các gia đình.
Gia đình và xã hội có ảnh hưởng hỗ tương. Các gia đình tốt sẽ đặt nền tảng cho một xã hội tốt. Một xã hội tốt sẽ giúp các gia đình tốt hơn nhờ luật lệ, tập quán tốt, bầu khí lành mạnh.
Là nền tảng xã hội, gia đình phải làm nhiệm vụ nền tảng ấy bằng cách giáo dục cho con người những đức tính xã hội cần thiết. Công Đồng Vaticanô II đã coi gia đình là “trường học đầu tiên dạy các đức tình xã hội cần thiết cho mọi đoàn thể” (GD 3). Cha mẹ trở nên thầy dạy cho con cái về đời sống xã hội.
Trong môi trường cơ bản này, con cái phải được giáo dục, tập luyện:
- Yêu và tôn trọng sự thật: trong tư tưởng, lời nói và hành động. Sự thật về mình, về tha nhân, về tập thể.
- Giữ công bình: công bình giữa anh chị em trong gia đình với các bạn đồng tuổi, công bằng đối với thanh danh, của cải và bản thân của mọi người cũng như của xã hội. Công bằng trong sự đóng góp, trao đổi và phân phối, tôn trọng tài sản chung của xã hội, không tham ô nhũng lạm.
- Lòng yêu thương: yêu người thân cận, người đồng hương, đồng bào, yêu đất nước quê hương và sẵn sàng chu toàn nghĩa vụ chính đáng của người công dân.
Thư Chung Đại Hội Giám Mục Việt Nam 1980 viết: “Các nỗ lực để xây dựng gia đình công giáo theo tinh thần Phúc Âm phải đồng thời làm phát triển nơi anh chị em và con cái những đức tính của người công dân tốt, nhất là ý thức về chân lý và công bình và tinh thần sẵn sàng phục vụ lợi ích của tổ quốc” (số 12).
- Yêu quý tự do: không để mình nô lệ, nhất là nô lệ tính xấu, đam mê, dục vọng, của cải tiền bạc, quyền lực…
Đây là bước đi lên của gia đình và cũng là bước đi lên của xã hội.



Bài 19


SỐNG ƠN GỌI HÔN NHÂN


- Trong truyền thống lâu dài của mình, Hội Thánh Công giáo luôn chú tâm đến cuộc sống hôn nhân gia đình. Ngày nay, hôn nhân đang bị đe dọa trầm trọng, và nhiều gia đình đã hoặc đang có nguy cơ đổ vỡ. Chính vì thế, việc chuẩn bị cho các bạn trẻ bước vào đời sống hôn nhân trở nên cần thiết hơn bao giờ hết. Ở một số giáo xứ, các linh mục đã tổ chức những khóa chuẩn bị hôn nhân, giúp những bạn trẻ ý thức về nhiều mặt trong cuộc sống gia đình: Tâm lý, thiêng liêng, phái tính, kinh tế… Những công việc đó thật đáng khuyến khích và cần được nhân lên nhiều hơn nữa.
- Chúa Kitô hứa ban những ân sủng cần thiết cho đôi vợ chồng trong cuộc sống hôn nhân, nhưng Người không cưỡng ép. Chính đôi vợ chồng phải biết đón nhận ân sủng đó, qua tình thương chăm sóc cho nhau, qua kinh nguyện và việc lãnh nhận các bí tích, nhất là bí tích Hòa Giải và bí tích Thánh Thể. Bí tích Hòa Giải giúp họ vượt qua những lỗi lầm trong quan hệ vợ chồng và trong trách nhiệm làm cha mẹ. Bí tích Thánh Thể giúp họ đi sâu hơn vào mối hiệp thông với Chúa, nhờ đó sống mối hiệp thông trong gia đình tốt đẹp hơn.
“Có một bậc sống rất giá trị để thể hiện nhiệm vụ ngôn sứ của người giáo dân, đó là đời sống hôn nhân và gia đình. Gia đình là môi trường hoạt động và trường học tuyệt diệu trong việc tông đồ giáo dân” (GH 35). Chính trong gia đình, con cái lãnh nhận những bài học đầu tiên về đức tin, qua gương sáng của cha mẹ. Các bậc cha mẹ cần ý thức điều này và như thế, bằng chính bổn phận gia đình, họ góp phần vào sứ mạng chung của Giáo Hội.


6

LỄ CƯỚI



Bài 20


CỬ HÀNH HÔN LỄ


I. TRƯỚC HÔN LỄ:
a/. Ba tháng trước: Tiến hành thủ tục
- Tôn giáo: trình bày cha xứ để:
. Xác nhận tư cách kết hôn.
. Được hướng dẫn giáo lý hôn nhân.
. Công bố điều tra.
. Được quyết định ngày cử hành hôn lễ.
- Xã hội: Đăng ký làm giấy kết hôn và xin tổ chức đám cưới (nên hỏi ý kiến Cha xứ trước).
b/. Một tháng trước: Chuẩn bị bên ngoài:
. Chiết tính chi phí cưới xin và phương cách đài thọ.
. In và gởi thiệp mời.
. Mua sắm quần áo và những vật dụng cần thiết.
. Nhờ người xếp đặt tổ chức lễ và đám cưới: nghi thức, phòng tiệc, phương tiện.
. Xin lễ cưới.
c/. Ba ngày trước: Chuẩn bị tinh thần.
- Dành ra một ngày để tĩnh tâm; suy nghĩ, cầu nguyện, dọn tâm hồn để xứng đáng đón nhận bí tích.
- Tìm hiểu diễn tiến lễ nghi, dọn bài đọc sách thánh, các câu cam kết.
II. TRONG THÁNH LỄ:
- Gạt bỏ mọi lo lắng về tiệc tùng, công việc bên ngoài, tập trung chú ý vào thánh lễ.
- Hiệp thông với linh mục chủ lễ và cộng đoàn trong tâm tình và lời ca.
III. SAU HÔN LỄ:
- Cảm tạ Chúa, dâng cuộc sống vợ chồng tương lai cho Người. Xin Mẹ Maria chúc lành và luôn nâng đỡ.
- Đôi tân hôn và những người thân thuộc tỏ lòng biết ơn Cha xứ và Cộng đoàn.
- Ghi sổ sách và nhận giấy chứng hôn giáo luật.

Bài 21

NGHI THỨC HÔN PHỐI

1/ Điều tra về tự do và ý thức của hai người:
Linh mục: Các con rất thân mến, các con đến nhà thờ để ý muốn kết hôn của các con được Chúa củng cố bằng một ấn dấu linh thánh trước mặt thừa tác viên của Hội Thánh và cộng đoàn. Đức Kitô dang rộng tay ban phúc lành cho tình yêu phu phụ của các con và dùng bí tích đặc biệt mà làm cho các con nên phong phú và vững mạnh, để các con mãi mãi chung thuỷ với nhau và đảm nhận những trách nhiệm khác của hôn nhân, như chính Người đã dùng bí tích Thanh Tẩy mà thánh hiến các con. Bởi vậy, trước mặt Hội Thánh. Cha hỏi các con về ý định của các con:
Anh… và chị… Các con đến đây để kết hôn với nhau, các con có bị ép buộc không?
Đôi tân hôn: Thưa không (mỗi người thưa riêng biệt).
Lm: Các con có hoàn toàn tự ý và tự do không?
Đôi tân hôn: Thưa có.
Lm: Khi chọn đời sống hôn nhân, chúng con có sẵn sàng yêu thương và tôn trọng nhau suốt đời không?
ĐTH: Thưa có.
Lm: Các con có sẵn sàng yêu thương và đón nhận con cái mà Chúa sẽ ban và giáo dục chúng theo luật Đức Kitô và Hội Thánh không? (câu này có thể bỏ nếu không cần).
ĐTH: Thưa có.
2/ Tỏ bày sự ưng thuận:
Lm: Vậy, bởi vì các con đã quyết định thiết lập một giao ước hôn nhân thánh thiện, các con hãy nắm tay nhau và nói lên sự ưng thuận của các con trước mặt Thiên Chúa và Hội Thánh.
Đôi tân hôn nắm tay phải của nhau.
Chú rể nói : Anh là… (tên thánh, họ, gọi) nhận em… (tên thánh, họ, gọi) làm vợ của anh và hứa giữ lòng chung thủy với em, khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi mạnh khoẻ cũng như lúc đau yếu, để yêu thương và tôn trọng em mọi ngày suốt đời anh.
Cô dâu nói: Em là… (tên Thánh, họ, gọi) nhận anh… (tên Thánh, họ, gọi) làm chồng của em và hứa giữ lòng chung thuỷ với anh, khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi mạnh khoẻ cũng như lúc đau yếu, để yêu thương và tôn trọng anh mọi ngày suốt đời em.
Lm: Xin Chúa tỏ lòng nhân hậu chuẩn y sự ưng thuận các con vừa tỏ bày trước mặt Hội Thánh, và xin Chúa tuôn đổ phúc lành của Ngài trên các con. Sự gì Thiên Chúa kết  hợp, loài người không được phân ly.
Linh mục: Nào ta chúc tụng Chúa
Cộng đoàn: Tạ ơn Chúa.
3/. Làm phép và trao nhẫn
Lm: Xin Thiên Chúa ban phúc lành cho những chiếc nhẫn này mà các con sắp trao cho nhau làm dấu chỉ tình yêu và lòng chung thuỷ .
Bên nam: (vừa đeo nhẫn vào ngón tay trái bên nữ vừa nói)
Em…, xin em nhận chiếc nhẫn này làm dấu chỉ tình yêu và lòng chung thuỷ của anh. Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần.
Bên nữ: (vừa đeo nhẫn vào ngón tay trái bên nam vừa nói)
Anh…, xin anh nhận chiếc nhẫn này làm dấu chỉ tình yêu và lòng chung thuỷ của em. Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần.
Lời nguyện chung
Thánh lễ tiếp tục với phần dâng lễ vật.




 




 

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây