Thưa Cha, một lời cầu nguyện có cấu trúc của một câu văn, đoạn văn, câu thơ, bài thơ không ạ ? Có điểm gì khác nhau giữa lời cầu nguyện với câu văn, với đoạn văn, câu thơ hay với bài thơ ? – Thuy Chi
Giải đáp
Thuy Chi thân mến
Để trả lời câu hỏi của con về lời cầu nguyện, cha nghĩ trước hết cần phải hiểu cầu nguyện là gì. Sách Giáo Lý Công Giáo cũng cho chúng ta một định nghĩa khá rõ ràng và ngắn gọn. Cầu nguyện là nâng tâm hồn lên với Chúa hay cầu xin Người ban những ơn cần thiết (sách GLCG số 2559 ). Qua định nghĩa này ta cũng đã thấy đó là một cuộc gặp gỡ, đó là một cuộc trò chuyện và cầu nguyện là ta ngỏ lời với Chúa. Hiểu như thế con có thể biết được lời cầu nguyện sẽ có một cấu trúc như thế nào.
Như vừa trình bầy ở trên cầu nguyện là ngỏ lời với Chúa thì việc đầu tiên phải biết là con đang nói với ai ? Nếu con cầu nguyện với Chúa thì Ngài là ai đối với con ? Con có thể nói với Chúa bằng những lời mở đầu : Lạy Chúa, Lạy Cha nhân từ, Lạy Thiên Chúa của con…. Con cũng có thể bày tỏ cảm xúc, lòng yêu mến, lòng tôn kính, lòng biết ơn của con đối với Chúa. Một thí dụ rất tuyệt vời để minh hoạ điều này là lời cầu nguyện của Chúa Giêsu: Lạy Cha là Chúa tể trời đất, con xin ngợi khen Cha vì Cha đã dấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn…( Mt 11, 25).
Sau đó con hãy nói với Chúa điều con muốn tỏ bầy. Đó là nội dung chính yếu mà con biết rõ mình phải nói gì. Hãy chân thành và đơn sơ trình bầy những gì con ước muốn hoặc cầu xin. Lời cầu nguyện không cần văn chương hay vần điệu. Đó phải là lời nói xuất phát tự trái tim, từ tâm hồn, từ cõi lòng của con nên phải gói trọn được tâm tư và ước vọng của chính con và chỉ mình con biết rõ mình cần gì và phải nói gì.
Cuối cùng con có thể kết thúc bằng sự tỏ bầy niềm tin tưởng, cậy trông phó thác và hi vọng những điều con cầu nguyện được nhậm lời.
Tóm lại, lời cầu nguyện bao giờ cũng có 3 ý như sau :
Cầu nguyện với ai ?
Cầu nguyện điều gì ?
Cầu nguyện trong tâm tình nào ?
Nếu tâm hồn con dồi dào những tâm tình sốt mến con sẽ có thể trình bầy cách sốt sắng lời nguyện của con. Tuy nhiên điều cốt yếu vẫn là sự chân thành và lòng cảm mến sâu xa.
Qua những gì vừa trình bầy, Thuy Chi cũng thấy rằng cấu trúc của lời cầu nguyện có vẻ giống một lá thư hơn là giống một bài văn, câu thơ, bài thơ … vì đó là những tâm tình mình dâng lên Chúa cũng như tỏ bầy những ước nguyện. Lời nguyện cũng không nhắm phô bầy, biểu diễn hay sáng tác thơ văn mà chỉ để nâng tâm hồn lên cho mình được gặp gỡ và yêu mến Chúa
Theo như cha nghĩ khi con hỏi về cấu trúc của lời cầu nguyện thì chắc là con muốn hỏi làm thế nào để viết một lời cầu nguyện trong những dịp hội họp hay phải làm lời nguyện giáo dân chứ không có ý hỏi về lời cầu nguyện của riêng mình với Chúa.
Về lời nguyện giáo dân trong thánh lễ thì nó có một cấu trúc riêng biệt gồm 3 phần :
Phần mở đầu là lời vị chủ tế mời gọi cộng đoàn, gợi ý và chuẩn bị cộng đoàn hiệp lòng với những ý nguyện sắp được đọc lên.
Phần tiếp theo là những ý nguyện do một thừa tác viên đại diện cộng đoàn dâng lên Chúa. Cần lưu ý ở đây là những ý nguyện chứ không phải lời nguyện nên sẽ không bắt đầu với chữ “Lạy Chúa”. Những ý nguyện thường sẽ là : Cầu cho thế giới, cầu cho các nhu cầu của Giáo Hội, cầu cho những người đang gặp khó khăn, cầu cho cộng đoàn địa phương, hay những biến cố đang xẩy ra. Trong những dịp đặc biệt như rửa tội, hôn phối, an táng… những ý chỉ có thể hướng đến những biến cố đặc biệt này.
Phần cuối sẽ là lời nguyện kết thúc của vị chủ tế thay mặt cộng đoàn dâng lên Chúa.
Lm Giuse Nguyễn Ngọc Bích CSsR
Nguồn tin: dcctvn.org
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn