Xin cha giải thích cho con 2 vấn đề sau :
Một là xin cha cho con biết ý nghĩa của từ “khấn”.
Hai là tại sao Giáo Hội lại coi Công Đồng Vatican II là Tin Mừng được hiện tại hoá.
Giải đáp
Bạn thân mến,
1- Đọc câu hỏi của bạn, tôi không biết bạn muốn hỏi về lời khấn dòng hay về lời khấn hứa mà nhiều người vẫn thường làm khi muốn cam kết thực hiện một điều gì với Chúa hay các Thánh. Tuy nhiên, tôi cũng sẽ trả lời câu hỏi theo cả hai ý trên.
Khấn là hứa với Chúa sẽ làm một điều tốt hơn trong khả năng có thể thực hiện được (x Giáo Luật 1191).
Thí dụ một người hứa với Chúa sẽ đi lễ mỗi ngày trong 3 năm nếu được lành bệnh ung thư dạ dày hoăc một người khấn sẽ chầu Mình Thánh Chúa mỗi ngày một giờ để tỏ lòng yêu mến Bí tích Thánh Thể. Vậy người ấy đã quyết tâm làm một việc cụ thể chứ không chỉ là dự định hay ước ao làm một việc lành chung chung nào đó.
Khấn là hứa với Chúa chứ không chỉ hứa với người khác ngay cả hứa với Đức Mẹ và các Thánh cũng không kể là khấn. Tuy nhiên, thông thường ta vẫn nói là khấn với Đức Mẹ, với các Thánh … Cách nói này cũng có nghĩa là khấn với Chúa sẽ làm một số việc lành hay đạo đức để tôn kính Đức Mẹ và các thánh. Hiểu như vậy thì lời khấn cũng buộc phải thực hịên như đã cam kết.
Khi hứa với Chúa thì phải hứa để làm điều tốt hơn mới có giá trị chứ hứa để làm một điều sai trái thì không phải là lời khấn nữa. Thí dụ khấn với Chúa là sẽ làm hại một người khác để trả thù cho gia đình. Lời khấn hứa như thế không hợp với tinh thần Kitô giáo.
Lời khấn phải là một điều tốt có thể thực hiên được chứ không thể khấn một điều ở ngoài khả năng của mình. Thí dụ như khấn làm một viện dưỡng lão trên mặt trăng.
Vì thế cho nên trước khi khấn hứa với Chúa cần phải cân nhắc, cần suy nghĩ chín chắn và có quyết tâm muốn thực hiện chứ không chỉ là một ý nghĩ thoáng qua hay một ước muốn trong một lúc hứng khởi. Bằng không thì mình sẽ mắc lỗi với Chúa vì đã không hoàn thành được lời khấn hứa.
Lời khấn như trình bầy ở trên được coi là lời khấn tư, chỉ có riêng mình với Chúa mà thôi.
Còn một hình thức khấn khác là lời khấn công của những người đi tu trong một Nhà Dòng. Sau một thời gian tìm hiểu, học hỏi, đựợc nhận vào Nhà Tập và được chấp thuận để tuyên lời khấn trong một hội Dòng thì người đi tu đã có lời khấn Dòng.
Những người này khấn hứa công khai tuân giữ 3 Lời Khuyên Phúc Âm : Khó nghèo, khiết tịnh và vâng phục. họ được tận hiến cho Chúa qua tác vụ của Giáo Hội, được gia nhập Dòng tu với những nghiã vụ và quyền lợi đã được qui định trong luật Dòng ( xem Giáo Luật điều 654). Họ có thể khấn tạm trong thời gian một đến ba năm và sau đó có thể được cho khấn vĩnh viễn.
Những người này sau khi khấn phải tuân giữ những gì họ đã tuyên bố ngày khấn hứa. Nếu hết thời gian cam kết họ không tiếp tục khấn nữa thì họ sẽ không còn bị ràng buộc. Trong trường hợp đã khấn vĩnh viễn mà họ không thể tuân giữ trọn vẹn thì phải xin Bề Trên có thẩm quyền hay Toà Thánh chuẩn lời khấn khi có lý do chính đáng.
Còn những lời khấn riêng tư thì cũng có thể được miễn chuẩn bởi cha Sở nếu có lý do chính đáng và việc miễn chuẩn không gây phương hại đến quyền lợi của người khác.
2- Vatican II là một Công Đồng chung kéo dài từ năm 1962 tới 1965 do Đức Thánh Cha Gioan XXIII triệu tập “ mục đích chính là để bảo vệ và giới thiệu kho tàng giáo lý Kitô giáo cho hữu hiệu hơn”. Thường thì các Công Đồng là một giải đáp của Giáo Hội trước một khủng hoảng rõ ràng của Giáo Hội, chẳng hạn một lạc giáo hay một cuộc ly khai.. Tuy nhiên ý định của Đức Thánh Cha khi triệu tập Công Đồng Vatican II lại phát xuất từ những nhu cầu cấp bách thực tế của Giáo Hội. Từ sau Vatican I, thế giới đã có quá nhiều thay đổi. Khoa học kỹ thuật đã có những bước tiến nhanh chóng. Con người đặt nhiều hi vọng nơi thế giới vật chất hơn là vào những hứa hẹn tôn giáo đồng thời con người cũng cảm thấy bị đe doạ bởi chính những thành tựu mà họ đã đạt được : chiến tranh, ô nhiễm môi trường, bệnh tật, hận thù, tranh chấp liên tục làm xáo trộn cuộc sống. Trong hàng ngũ các Kitô hữu cũng có những chia rẽ sâu sắc giữa những người có chung một niềm tin nơi Chúa Kitô. Giáo Hội đang mất đi những cơ hội truyền giáo ở những nơi mà Kitô giáo vẫn chưa được đón nhận. Tình trạng thờ ơ về mặt đạo ở những xứ sở có nền văn minh Kitô giáo lâu đời …Vào thời điểm đó, Giáo Hội đang còn phải đương đầu với những vấn nạn cực kỳ khó khăn. Chính vì thế mà Giáo Hội cần có một công cuộc canh tân đổi mới. Công Đồng Vatican II đã khai mở nhằm tìm một hướng đi mới phù hợp với thời đại mà Giáo Hội đang sống. Mười sáu văn kiện của Công Đồng tái khẳng định những nguyên tắc đức tin và luân lý Công Giáo và cũng đã đề ra những đường hướng canh tân và thích nghi về Phụng Vụ, về Mục vụ, về tinh thần hiệp nhất với các Kitô hữu ngoài Công Giáo. Với những đổi mới trong cách nhìn thần học về chính mình, Giáo Hội đã mang một bộ mặt mới, sáng sủa hơn mở ra với thế giới hôm nay. Muốn đem Tin Mừng cho những con người của thời đại hôm nay Giáo Hội cần phải hiểu, cảm thông cũng như chia sẻ niềm vui và hi vọng của họ. Vì thế một cách nào đó có thể nói Công Đồng Vatican II là Tin Mừng được hiện tại hoá.
Lm Giuse Nguyễn Ngọc Bích CSsR
Nguồn tin: dcctvn.org
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn