LỄ ĐỨC MARIA MẸ THIÊN CHÚA
Lc 2,16-21
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
16 Họ liền hối hả ra đi. Đến nơi, họ gặp bà Ma-ri-a, ông Giu-se, cùng với Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ. 17 Thấy thế, họ liền kể lại điều đã được nói với họ về Hài Nhi này. 18 Nghe các người chăn chiên thuật chuyện, ai cũng ngạc nhiên. 19Còn bà Ma-ri-a thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng.
20 Rồi các người chăn chiên ra về, vừa đi vừa tôn vinh ca tụng Thiên Chúa, vì mọi điều họ đã được mắt thấy tai nghe, đúng như đã được nói với họ. 21 Khi Hài Nhi được đủ tám ngày, nghĩa là đến lúc phải làm lễ cắt bì, người ta đặt tên cho Hài Nhi là Giê-su; đó là tên mà sứ thần đã đặt cho Người trước khi Người được thụ thai trong lòng mẹ.
SUY NIỆM: NỮ VƯƠNG HÒA BÌNH
Giáo Hội mừng lễ Mẹ Thiên Chúa vào ngày đầu năm Dương lịch, cũng là ngày cầu nguyện cho hòa bình thế giới như một nhắc nhớ việc chiêm ngưỡng Mẹ là một Tạo Vật mới tinh tuyền của Thiên Chúa, một Evà mới khởi đầu một thời đại mới, một tạo dựng mới. Kỷ nguyên cứu độ đã khởi sự qua việc Chúa Giêsu nhập thể trong cung lòng Đức Mẹ sau lời xin vâng. Mẹ được tuyển chọn làm Mẹ Đấng Cứu Thế để bắt đầu kỷ nguyên cứu độ. Nếu Evà cũ đã bất tuân để vùi lấp con người trong khổ đau và sự chết, thì Đức Mẹ với tâm tình xin vâng đã đưa Chúa Giêsu đến với nhân loại mang lại sự sống và tình yêu. Từ đây nhân loại sẽ bước đi trong ánh sáng cứu độ. Chúa Giêsu vị Vua Thái Bình, Hoàng Tử Bình An đã đi vào lòng thế giới, để thiết lập vương quốc Nước Trời qua Mẹ Maria. Đức Thánh Cha Phaolô VI đã viết: “Vì sự trùng hợp tốt đẹp giữa ngày 01 tháng giêng với ngày thứ tám giáp lễ Giáng Sinh mà chúng tôi đã đặt ngày đó là ngày Thế Giới Hòa Bình, mà thế giới mỗi ngày càng hưởng ứng thêm, và thành quả của hòa bình đã phát sinh trong lòng nhiều người.” (Marialis Cultus, số 5).Chúa Giêsu được xưng tụng là Hoàng Tử Hòa Bình, đến chuộc tội nhân loại, giao hòa con người với Chúa Cha. Mẹ Maria luôn gắn bó, hợp tác, hiệp công với Con của mình nên đã trở nên Nữ Vương Hòa Bình cho toàn thế giới. Mẹ đã đóng góp cả cuộc đời mình cùng với Chúa Giêsu mà giải phóng con người khỏi ách nô lệ tội lỗi.Chủ đề Sứ điệp Hòa Bình năm nay là “Không còn nô lệ nữa, nhưng chỉ còn tình huynh đệ với nhau”. ĐTC Phanxicô viết: “Việc quay trở về với Đức Kitô, bắt đầu một cuộc sống là người môn đệ trong Đức Kitô, làm nên một sự tái sinh (x. 2Cr 5,17; 1Pt 1,3) vốn tái tạo lại tình huynh đệ như là mối dây nền tảng của đời sống gia đình và đời sống xã hội” (Sứ điệp ngày Thế Giới Hòa Bình 2015).
Đức Mẹ khuyên mọi tín hữu siêng năng lần hạt và coi chuỗi kinh Mân Côi như là phương tiện hun đúc hòa bình. Ngày 13 tháng 10 năm 1917 tại Fatima, Đức Mẹ đã hiện ra để lại lời nhắn nhủ dưới hình thức của huấn lệnh là: cải thiện đời sống, siêng năng lần hạt, tôn sùng trái tim Mẹ. Đây chính là lộ trình nên Thánh bao gồm ba bước tiếp theo nhau và chuỗi Mân Côi được đặt như là một nhịp cầu giữa một bờ là tội lỗi nhân loại và bờ bên kia chính là ơn thánh hóa của Thiên Chúa. Cũng như việc lần hạt chuyên cần là một phương tiện hiệu quả giúp người ta đạt được hòa bình. Chính trong ý nghĩa này, kinh Mân Côi phải được gọi là Kinh của hòa bình. Ở đâu kinh Mân Côi được cổ võ thì ở đó cũng vang lên lời cầu nguyện tha thiết: “Nữ Vương ban sự bình an cầu cho chúng con”.
Lễ Mẹ Thiên Chúa kết thúc tuần Bát Nhật Giáng Sinh làm tỏa sáng vẻ đẹp kỳ diệu của tình yêu cứu độ. Ngôi Hai đã vâng phục nhập thể cứu độ nhân loại. Với tiếng xin vâng, Đức Maria làm Mẹ Ngôi Lời nhập thể và làm Mẹ hết thảy những ai được tháp nhập vào thân thể mầu nhiệm của Đức Kitô.
Lạy Mẹ Maria Nữ Vương Hòa Bình, Mẹ đã chọn phần tuyệt hảo là lắng nghe và tuân giữ Lời Chúa. Xin cho chúng con luôn biết noi gương Mẹ, gắn bó cùng Chúa trọn đời. Amen.
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
SUY NIỆM: NỮ VƯƠNG BAN SỰ BÌNH AN
Như chúng ta đã biết, lễ Giáng sinh được kéo dài trong vòng 8 ngày, gọi là “Bát nhật Giáng sinh”. Trong 7 ngày qua, chúng ta được mời gọi chiêm ngắm Hài Nhi Giêsu đặt nằm trong máng cỏ. Ngài chính là Ngôi Hai Thiên Chúa giáng sinh làm người, để ở với chúng ta và để cứu độ chúng ta. Đây chính là món quà vô giá mà Thiên Chúa đã tặng ban cho nhân loại.
Trong ngày cuối cùng của tuần “Bát nhật giáng sinh” hôm nay, Giáo Hội muốn chúng ta cùng hướng về Đức Maria, người đã cưu mang và sinh hạ Chúa Giêsu, người được trao ban tước hiệu là Mẹ Thiên Chúa. Đây là 1 trong 4 đặc ân cao trọng mà Thiên Chúa dành riêng cho Mẹ, và Mẹ Maria xứng đáng được như thế thưa anh chị em, bởi Mẹ tuy chỉ nói “Xin vâng” 1 lần, nhưng Mẹ lại sống “Xin vâng” trọn cả 1 đời.
Thật đẹp và ý nghĩa khi vào ngày 01 tháng 01 hằng năm, ngày khởi đầu cho năm mới, ngày mà người ta cầu chúc bình an cho nhau và cùng nhau hướng đến một nền hòa bình cho nhân loại, chúng ta lại long trọng mừng lễ Đức Maria, Mẹ của Chúa Giêsu, Ngài chính là Hoàng Tử Bình An và là Vua Hòa Bình.
Thật ra “bình an” vốn là khát vọng của con người mọi thời. Điều này càng cần thiết hơn, khi ngày nay chúng ta phải đối diện với quá nhiều vất vả lo toan, từ những vấn đề của cơm áo gạo tiền đến việc dạy dỗ con cái, từ những ốm đau bệnh tật phải đối diện, đến việc làm sao để giữ được hạnh phúc gia đình…. Ai ai cũng muốn có được sự bình an thật sự trong tâm hồn.
Cuộc sống vốn vất vả gian nan, đã vậy chiến tranh lại còn xảy ra liên tiếp, khiến cho con người đã khổ nay còn khổ hơn. Trong gia đình cũng thế, những cuộc “chiến tranh lạnh” giữa vợ với chồng, giữa cha mẹ với con cái vẫn còn tồn tại/ gây ra sự chia rẽ trong chính tổ ấm gia đình. Quả thật, nhân loại ngày nay đang cần lắm một nền hòa bình cho gia đình nhân loại, và cho gia đình của mỗi chúng ta.
Nguyện xin Chúa Giêsu là Hoàng Tử Bình An, là Vua Hòa Bình, và nguyện xin Mẹ Maria, là Nữ Vương hòa bình, Nữ Vương ban sự bình an, hiện diện với thế giới, hiện diện trong gia đình của mỗi người và trong tâm hồn của chính chúng ta, để xua đi những ghét ghen thù hận, hầu chúng ta có được một cuộc sống an bình, ấm êm và hạnh phúc. Amen.
Lm Antôn
SUY NIỆM: MẸ MẪU GƯƠNG
Thế giới đang sống có 7 kỳ quan thế giới. Mỗi kỳ quan đều toát lên vẻ đẹp, nét hùng vĩ và sự tuyệt tác của thiên nhiên. Ấy là những kỳ quan gắn liền với thế giới hữu hình. Người ta còn khám phá ra một kỳ quan trong thế giới vô hình, ấy là lòng mẹ: công đức trời bể, âm thầm, lặng lẽ, vất vả, lao nhọc nhưng toát lên một vai trò, vị trí vô cùng to lớn trong đời sống gia đình. Và người ta gọi đó là kỳ quan thứ 8 của thế giới này. Ngày hôm nay, khởi đầu của một năm mới, Giáo hội cho chúng ta chiêm ngắm vai trò và sứ vụ của “kỳ quan thứ 8” của mọi kỳ quan này. Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa. Một mẫu gương về ân phúc và sự mẫu mực trong đời sống hàng ngày.
Phúc đức tại mẫu, văn hóa Việt nam chúng ta vẫn luôn đề cao vai trò của người mẹ trong gia đình. Tương lai của đứa con phụ thuộc rất nhiều vào sự giáo dưỡng của người mẹ. Sự chăm chỉ, thầm lặng, hy sinh vì gia đình của người phụ nữ trong đời sống hằng ngày, ấy là một ân phúc cho gia đình. Đức Maria hẳn phải là một ân phúc cho nhân loại chúng ta. Ân phúc vì Mẹ đã được diễm phúc, đặc ân cộng tác vào công trình cứu độ của Thiên Chúa. Ân phúc vì Mẹ đã khiêm nhường, suy đi, ngẫm lại trước hồng ân cao cả này mà trong nhiều “biến cố”, Mẹ muốn như dừng bước, chối từ, thế nhưng Mẹ đã một đời Xin vâng, để đem ân phúc đến cho nhân loại chúng ta. Mẹ đã sống đẹp trong những trắc trở, tận tụy, âm thầm để cộng tác với Thiên Chúa hầu đưa đến cho con người chúng ta ân phúc tuyệt vời cao cả nhất đó chính là Đức Giê-su Ki-tô, Thái Tử Bình An, Đấng Hòa Bình cho nhân thế.
Bên cạnh đó, Đức Maria còn là một mẫu gương trong sinh hoạt hàng ngày. Trong đời sống vật chất, gia đình Nagiaret vẫn được coi là biểu tượng của những gia đình nghèo. Thế nhưng, trong đời sống tinh thần, tổ ấm thánh gia vẫn được coi là biểu tượng của sự kính trên nhường dưới, đối nhân xử thế, khéo léo nhẹ nhàng với tương quan lối xóm. Trong những sinh hoạt đời thường đó, hẳn Mẹ Maria phải là một mẫu mực cho chồng cho con. Mẫu mực cho chồng vì Mẹ đã cũng phải gạt đi tự ái, quên đi “sự kiện” mà thánh Giuse muốn âm thầm bỏ đi. Mẫu mực cho con vì tình mẫu tử đã giúp mẹ vượt thắng những thử thách hằng ngày để cộng tác, xây dựng và làm cho Nước Chúa mau trị đến ngay cả “trước lúc khi sinh, trong khi sinh và thậm chí ngay cả sau khi sinh Ngôi Hai Thiên Chúa”. Vượt lên trên những trắc trở đó, Mẹ đã trở nên mẫu mực của sự tin tưởng, phó thác, một mực trung thành tuyệt đối với Thánh Ý Thiên Chúa.
Ngày hôm nay, khởi đầu ngày mới của một năm mới, mừng lễ Mẹ Thiên Chúa, chúng ta tin tưởng vào lời chuyển cầu của Mẹ cho thế giới chúng ta đang sống luôn được Bình An. Chúng ta cũng không quên từng người mẹ thân yêu của chúng ta. Có thể nói họ cũng là những Maria trong đời sống hàng ngày cho gia đình. Xin cho những người mẹ cũng biết “suy đi ngẫm lại” và “hằng ghi nhớ” mọi giáo huấn của Chúa và Hội thánh để mỗi người mẹ xứng đáng là “ân phúc và mẫu gương” trong và cho gia đình. Amen.
Lm Micae Vũ An Lộc
SUY NIỆM: “THÁNH MARIA ĐỨC MẸ CHÚA TRỜI”
Mỗi khi đọc kinh kính mừng, chúng ta đều thưa lên cùng Mẹ: Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội, khi nay và trong giờ lâm tử. Khi chúng ta thưa cùng Mẹ điều đó, là chúng ta ý thức thân phận yếu đuối, mỏng dòn của mình thường hay sa đi ngã lại trong những lầm lỗi tội lỗi. Đồng thời cũng nói lên sự phó thác cậy trông nơi Mẹ, là Mẹ của Thiên Chúa và cũng là Mẹ chúng ta.
Vâng, khi nhập thể làm người Chúa Giêsu cũng được sinh ra từ một người mẹ, và suốt cuộc sống của Chúa Giêsu dường như luôn có bóng dáng của mẹ hiện diện để khích lệ, an ủi, nhất là trong lúc chịu đau thương trên thập giá. Mẹ đã ở bên Chúa, cùng hiệp thông trong đau khổ với Chúa để cứu độ trần gian. Có lẽ vì muốn chúng ta được sống trong tình mẫu tử của Mẹ, Chúa Giêsu đã trao ban Đức Mẹ cho chúng ta, khi Chúa nói với Gioan: “Đây là Mẹ của con”, và thánh kinh đã ghi lại: “kể từ lúc đó, người môn đệ Chúa yêu đã đón Mẹ về nhà của mình”.
Thánh Gioan đã đại diện cho nhân loại để nhận Mẹ làm Mẹ của chúng sinh. Từ nay Mẹ sẽ tiếp tục nâng đỡ chúng ta. Mẹ sẽ tiếp tục yêu thương chúng ta. Mẹ sẽ tiếp tục hiện diện trong cuộc đời chúng ta để chăm sóc, lo lắng và chở che cuộc đời chúng ta. Chúng ta có thể cảm nghiệm về tình Mẹ Thiên quốc qua hình ảnh người mẹ trần thế. Mẹ trần thế yêu thương con đến nỗi dám đánh mất chính mình cho con được lớn lên thế nào, thì người mẹ thiên quốc cũng lo cái lo của con cái dưới thế, cũng đau vời đau đau của nhân loại, cũng sẵn sàng làm tất cả đế cứu vớt nhân loại lầm than. Có lẽ ai trong chúng ta cũng thuộc lòng bài ca dao “Con cò ăn đêm” mà các bà mẹ thường hay hát ru con:
“Con cò mà đi ăn đêm
Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao
Ông ơi, ông vớt tôi vào
Tôi có lòng nào ông hãy xào măng
Có xào thì xào nước trong
Đừng xào nước đục đau lòng cò con”
Bài thơ thật ngắn gọn nhưng diễn tả về tình yêu của một người mẹ đơn côi, lặn lội nơi bến chợ, bất chấp tất cả khó khăn cực nhọc để kiếm tiền nuôi con, kể cả việc phải đi ăn đêm. Nếu số phận có đun rủi bà phải rơi xuống hố sâu lầm lỗi, bà sẵn sàng chịu mọi sự trừng phạt miễn là ông trời hãy thương lấy đàn con, gìn giữ nó được sống trong danh dự mà đoạn kết đã diễn tả: “Đừng xào nước đục đau lòng cò con”. Nghĩa là người mẹ sẵn sàng chịu mọi oan ức, mọi niềm đắng cay, nhưng miễn sao con của bà đừng bị người đời trừng phạt bởi lầm lỗi của bà, đừng bị người đời khinh chê vì những đoạn trường đắng cay của mẹ.
Tình yêu của người mẹ là thế! Bà sẵn sàng hy sinh tất cả miền là đoàn con được hạnh phúc. Trong đời sống thiêng liêng chúng ta cũng có một người mẹ là Đức Maria, Mẹ của Chúa Giêsu đã được ban cho chúng ta qua thánh Gioan. Ước gì mỗi người chúng ta cũng biết đón Mẹ về nhà cuộc đời chúng ta, để chia sẻ những vui buồn trong gia đình chúng ta. Ước gì chúng ta biết trân trọng gìn giữ Mẹ như bảo ngọc châu báu mà Chúa đã ban cho chúng ta, đừng để mất Mẹ, vì mất Mẹ là mất cả bầu trời. Ước gì mỗi người chúng ta biết tin tưởng phó dâng cuộc sống gia đình của mình cho Mẹ và biết dành một vài giây phút trong ngày để thưa lên cùng Mẹ. Thánh Maria Đức Mẹ Chúa cầu cho chúng con hôm nay và trong giờ lâm tử. Amen
Lm. Tạ Duy Tuyền
SUY NIỆM: MUỐN CÓ HÒA BÌNH, HÃY LẮNG NGHE NHƯ MẸ MARIA
Bài Tin Mừng theo thánh Luca thuật lại cảnh Giáng sinh nơi hang đá Belem, một khung cảnh thật thanh bình và vui tươi. Các mục đồng hớn hở chạy tới hang đá Belem trong niềm vui ngỡ ngàng. Ta có thể hình dung ra một khung cảnh vui tươi nhộn nhịp trong tiếng hát của muôn thiên thần, của các mục đồng đua nhau thuật lại những sự lạ đã đến với họ. Giữa muôn cung điệu đan xen của đất trời ấy, hiện lên một khuôn mặt âm thầm, lặng lẽ. Đó là Đức Nữ Trinh Maria mà hôm nay chúng ta mừng kính Mẹ với tước hiệu là Mẹ Thiên Chúa. Mẹ đã luôn mở rộng trái tim và khối óc của mình để lắng nghe: lắng nghe những người xung quanh, lắng nghe Giêsu con Mẹ, và trên hết Mẹ luôn lắng nghe tiếng Chúa mời gọi trong cuộc đời Mẹ.
“Còn Bà Maria thì hằng ghi nhớ những điều ấy và suy đi nghĩ lại trong lòng”. Không chỉ lúc này nhưng trong suốt cuộc đời Mẹ, Mẹ luôn lắng nghe.
Mẹ luôn lắng nghe những người xung quanh
Khi các mục đồng tới hang đá Belem, họ đã kể rất nhiều về những sự lạ họ được chứng kiến khi Hài Nhi Giêsu sinh ra. Thánh Luca cho chúng ta biết mọi người đều ngạc nhiên khi nghe các mục đồng kể. Chắc chắn không ai có thể hiểu rõ hơn Đức Maria về điều đang xảy ra nơi Hài nhi Giêsu, nơi người con Mẹ đã cưu mang. Thế nhưng Mẹ đã âm thầm lắng nghe những tâm sự bộc bạch của những người xung quanh.
Khi dự tiệc cưới tại Cana, Mẹ cũng ở trong tư thế lắng nghe khi mà các bàn tiệc và gia nhân nhốn nháo vì hết rượu. Chính vì Mẹ đã lắng nghe nên Mẹ nhận biết được nhu cầu của họ.
Khi theo con Mẹ trên hành trình rao giảng Nước Trời, Mẹ cũng đã luôn lắng nghe, ngay cả khi mọi người cho rằng con Mẹ bị điên, bị quỷ ám … Dọc theo con đường thập giá, giữa muôn tiếng gào thét kết án con Mẹ, đòi đóng đanh Giêsu, chúng ta vẫn thấy hình ảnh của Maria âm thầm lắng nghe.
Vì luôn lắng nghe những người xung quanh mà Mẹ đã hiểu rõ tâm tư, ước muốn, nhu cầu của họ. Để rồi Mẹ khẩn nài Thiên Chúa cho họ; Mẹ ra tay nâng đỡ họ.
Mẹ luôn lắng nghe Con Mẹ
Từ khi Con Mẹ còn là bào thai cho đến khi chịu chết trên cây thập giá, Mẹ luôn lắng nghe con mình.
Khi mang trong mình Hài nhi Giêsu, khi hạ sinh con nơi khó nghèo, khi tìm được con trong đền thờ, khi đề nghị con giúp đôi tân hôn tại Cana, khi cùng con trên đường rao giảng Nước Trời, Mẹ đã luôn để trí để lòng lắng nghe Giêsu. Trong khi thiên hạ từ chối con Mẹ thì Mẹ luôn giữ lấy và suy đi nghĩ lại trong lòng.
Nhìn con đau đớn trên hành trình thập giá. Mẹ vẫn lắng nghe con để hiểu con mình hơn. Nhờ đó, Mẹ đã trở nên người Mẹ nhân từ, bình an giữa các môn đệ đang hoang mang ngày Giêsu chịu chết. Mẹ đã nghe được tiếng của con Mẹ. Mẹ đã hiểu được con mình nên Mẹ luôn sống trong sự phó thác trọn vẹn nơi Thiên Chúa.
Và trên hết Mẹ luôn lắng nghe Thiên Chúa
Mẹ luôn là người nhạy bén với tiếng Chúa. Trong những khi khốn khó hay vui mừng. Mẹ luôn tìm đến với thánh ý Thiên Chúa. Mẹ đã luôn lắng nghe tiếng Chúa để rồi Mẹ luôn đi trong đường lối của Chúa.
Khi thưa tiếng xin vâng ngày thiên sứ truyền tin Mẹ sẽ mang thai Hài nhi Giêsu, khi sinh con nơi hang đá khó nghèo trong đem lạnh giá, khi dâng con trong đền thờ, khi tìm con bị lạc trong đền thờ, khi theo con bôn ba rao giảng Nước Trời, khi nhìn con bị hành hình … Nếu Mẹ không lắng nghe được tiếng Chúa mời gọi thì làm sao Mẹ có thể vượt qua được. Trong mọi sự, Mẹ luôn lắng nghe để ghi nhớ và suy đi nghĩ lại trong lòng.
Mẹ Maria là gương mẫu cho mọi người
Nếu mọi thành viên trong gia đình luôn biết lắng nghe như Đức Maria thì gia đình sẽ luôn yên vui và hạnh phúc. Con cái biết lắng nghe cha mẹ; cha mẹ biết lắng nghe con cái; Chồng biết lắng nghe vợ; vợ biết lắng nghe chồng. Mọi thành viên trong gia đình luôn biết lắng nghe nhau mới hiểu nhau được, mới cảm thông và nâng đỡ được nhau.
Nếu mọi thành phần trong xã hội luôn biết lắng nghe nhau thì xã hội mới tốt hơn. Ngày hôm nay người ta tranh nhau nói với đủ mọi âm điệu, cách thức; đủ mọi âm thanh náo nhiệt, đủ mọi hình ảnh phô bày. Nếu mỗi người biết lắng nghe người khác như Đức Maria thì xã hội mới thấy được những tâm hồn đau khổ đang cần được nâng đỡ, thì nhà cầm quyền mới có những phán quyết không bị lạc cung điệu.
Và trên hết, nếu tôi noi gương Đức Maria, luôn biết lắng nghe tiếng Chúa thì sự bình an của Đức Kitô mới thực sự cư ngụ trong sâu thẳm tâm hồn tôi. Thật hạnh phúc khi mọi thành viên trong gia đình ngồi xuống bên nhau cùng lắng nghe Lời Chúa. Mỗi giờ kinh trong gia đình, dù chỉ là ngắn ngủi nhưng luôn là những giây phút đem lại cho gia đình sự gắn bó với nhau, gắn bó với Chúa. Thật đẹp khi mọi người trong xã hội biết ngồi xuống với nhau để cùng lắng nghe Lời Chúa. Chỉ khi tôi biết lắng nghe Chúa, tôi mới quăng đi được sự độc tài độc đoán trong gia đình và trong xã hội, mới dẹp đi được sự kiêu căng, ngạo mạn trong con người, mới cùng nhau hướng về một xã hội phồn vinh và hạnh phúc thực sự mà Chúa đang chờ đón.
Ước mong sao Đức Maria, người Mẹ luôn biết lắng nghe, là gương mẫu cho mỗi người, cho mỗi gia đình. Chỉ khi có được một tâm hồn biết lắng nghe như Mẹ, ta mới có thể đi vào tâm hồn của nhau, đi vào vòng tay yêu thương của Thiên Chúa. Khi ấy hòa bình đích thực mới ngự trị trong tâm hồn con người và trong xã hội.
Lạy Mẹ Maria, Mẹ Thiên Chúa, xin Mẹ kéo con ra khỏi sự ồn ào náo nhiệt của cuộc sống hôm nay. Xin Mẹ thủ thỉ bên tai con những điều Con Mẹ muốn nói với con.
Lm. Giuse Lê Danh Tường
SUY NIỆM: THÁNH MARIA ĐỨC MẸ CHÚA TRỜI, CẦU CHO CHÚNG CON
Tám ngày sau lễ sinh nhật của Đức Giêsu Chúa chúng ta, Giáo hội mời gọi con cái mình cử hành lễ Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa với tất cả lòng kính trọng và biết ơn, vì nhờ Mẹ, Đấng Cứu Thế đã sinh ra cho chúng ta.
Đức Maria đã được các giáo phụ ca ngợi, đặc biệt là thánh Ambrôsiô thành Milan (thế kỷ IV) khi nói: “Đức Maria là Đền Thờ của Thiên Chúa chứ không phải Thiên Chúa của Đền Thờ”. Thánh Ignatiô thành Antiokia (+ 110) là người đầu tiên nên tên Đức Maria sau các sách Tin Mừng: “Chúa chúng ta là Đức Giêsu Kitô đã được Đức Maria cưu mang trong lòng theo nhiệm cục cứu độ” và ” Đức Giêsu cũng được sinh ra bởi Đức Maria và bởi Thiên Chúa”.
Tại Đông phương, kể từ năm 350, người ta đã gán cho Đức Maria tước hiệu là “Mẹ Thiên Chúa”, tuyên dương Mẹ là ” Mẹ của Ngôi Lời Nhập Thể “. Như thánh Grégoire de Nazianze (330 – 390) đã viết: “Đức Kitô sinh bởi một Trinh Nữ, người nữ ấy là Mẹ Chúa Kitô”.
Khi giáo chủ Constantinople là Nettôriô công khai chối bỏ thiên chức Mẹ Thiên Chúa của Đức Maria, thì Công đồng Chung Êphêsô (431) đã đuợc triệu tập và tuyên bố tín điều “Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa”. Đó là danh xưng cao trọng nhất của Đức Maria, chính phẩm chức cao cả này là nền tảng mỗi đặc ân khác dành cho Mẹ. Công đồng Vaticanô II đã trình bày các đặc ân liên kết với phẩm chức Thiên Chúa như sau: “Không có gì lạ, nếu các giáo phụ đã thường xưng tụng Mẹ là Đấng toàn thánh, không vương nhiễm một tội nào, như một tạo vật mới do Chúa Thánh Thần uốn nắn và tác thành. Tràn đầy thánh thiện, có một không hai ngay từ lúc thụ thai, Đức Trinh Nữ thành Nazareth được Thiên thần vâng lệnh Chúa đến truyền tin và đã kính chào là “Đầy ơn phước” (Lc. 1,28). (GH.59).
Thánh Phaolô viết: “Khi đã đến lúc thời gian đầy đủ, Thiên Chúa đã sai Con Ngài sinh hạ bởi người phụ nữ, sinh dưới chế độ Luật, để cứu chuộc những người ở dưới chế độ Luật, hầu cho chúng ta được nhận làm dưỡng tử… mà nếu là con, tất bạn cũng là người thừa kế, nhờ ơn Thiên Chúa” (Gl 4, 4-7). Như thế, chúng ta dưỡng tử của Thiên Chúa và đồng thừa tự với Đức Kitô nhờ ơn Thiên Chúa. Lại nữa, Hội Thánh là Thân Thể của Chúa Kitô, Đức Maria đã là Mẹ Chúa Kitô, Đấng là Đầu của Thân Thể, thì Mẹ cũng là Mẹ của Thân Thể, Mẹ Hội Thánh, Hội Thánh được cấu thành bởi những con người chúng ta, nên Mẹ cũng là Mẹ của mỗi người chúng ta. Vì thế trong Giáo Hội, Đức Trinh Nữ Maria được kêu cầu qua các tước hiệu: trạng sư, vị bảo trợ, Đấng phù hộ và Đấng Trung gian” (GH.62)
Ngày 21/11/1964, Đức Phaolô VI long trọng tuyên bố Đức Maria Là Mẹ Hội Thánh: “Để vinh danh Đức Trinh Nữ và để chúng ta được an ủi, chúng tôi tuyên bố Rất Thánh Maria là Mẹ Hội Thánh, tức là Mẹ của toàn thể Dân Kitô Giáo, cả giáo dân lẫn mục tử, thành phần gọi Người là một Người Mẹ rất yêu dấu; và vì thế chúng tôi truyền cho toàn thể Dân Kitô Giáo hãy dâng lên Mẹ Thiên Chúa một niềm kính tôn hơn nữa và hãy nguyện cầu cùng Người bằng tên gọi rất ngọt ngào này”. Và việc Đức Phaolô VI đã “công bố” và “truyền” làm như thế không phải chỉ bằng một văn kiện, mà là bằng lời nói sống động ngay trước mặt toàn thể hàng giáo phẩm thế giới đang tham dự Công Đồng Chung bấy giờ, thành phần đại diện cho toàn thể Dân Chúa.
Đó là những lý do Giáo Hội thúc dục con cái mình cầu nguyện với Mẹ: “Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội, khi nay và trong giờ lâm tử”. Như vậy, long trọng mừng Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa, chúng ta hãy tỏ một niềm tin vững chắc vào vai trò của Mẹ trong chương trình cứu rỗi nhân loại. Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa vì Ngài đã sinh ra cho chúng ta Thiên Chúa cứu chuộc.
Trong ngày đầu năm mới và cũng là Ngày Quốc Tế Hòa Bình, chúng ta vui mừng cử hành lễ Đức Maria rất thánh, Mẹ Thiên Chúa. Cả hai sự kiện này cùng diễn ra khi chúng ta đang cử hành Chúa Kitô, Con Thiên Chúa, Vua Thái Bình (Is 9, 5) sinh hạ bởi Đức Trinh Nữ Maria, hòa bình đích thực của chúng ta! Chúng ta mượn lời sách Dân Số mà cầu chúc cho nhau: “Nguyện Đức Chúa ghé mắt nhìn và ban bình an cho anh chị em” (x. Ds 6,26). Còn món quà nào cao quí hơn là chính Con Thiên Chúa, Đấng là Hoàng Tử Bình An được Chúa Cha ban tặng cho chúng ta. Vì tình yêu Thiên Chúa đã “ban Người Con duy nhất của Ngài” cho nhân loại (Ga 3,16). Thiên Chúa đã nhận lấy dung mạo của một con người và Thiên Chúa tỏ dung mạo của Ngài trong Người Con của Đức Trinh Nữ Maria.
Thiên Chúa từ trời cao đã giáng trần và cư ngụ trong lòng Mẹ và nhập thể trong Người Con mà Mẹ đang ẵm trên tay. Mẹ bồng Hài Nhi Giêsu, con nhìn mẹ và mẹ nhìn con âu yếm. Đức Maria trong thiên chức làm Mẹ Thiên Chúa, và là Mẹ chúng ta, luôn đồng hành để dẫn chúng ta về với Thiên Chúa. Bước theo Mẹ trong cuộc sống của lòng tin bằng thái độ tín thác vào Chúa, hoàn toàn vâng phục thánh ý Ngài, chúng ta sẽ được Mẹ dìu đưa đến với Chúa, đến Nước Trời. Mẹ mời gọi chúng ta mở lòng đón nhận Chúa Giêsu, cưu mang Người bằng cách lắng nghe và sống theo Lời Người, để thực sự trở nên người có phúc, người thân của Chúa như Mẹ.
Mừng lễ Mẹ hôm nay, với trọn niềm tin tưởng, mến yêu, chúng ta hãy phó thác cho Mẹ thế giới này, đất nước ta, gia đình ta. Hãy để Mẹ hiện diện để yêu thương, chăm sóc và dẫn dắt chúng ta sống theo ý Chúa. Hãy hết lòng yêu Mẹ bằng tình con thảo hiếu!
Nhờ Mẹ cầu bầu, xin cho cuộc đời mỗi nguời chúng ta được đổ đầy bình an của Chúa trong năm mới này, để chúng ta cũng trở nên những người xây đắp an bình cho gia đình, cho mọi người bằng đời sống tin yêu phó thác vào Chúa và quên mình phục vụ tha nhân như Mẹ. Ước gì chúng ta không chỉ thành khẩn thưa lên với Mẹ bằng lời, mà bằng trọn cả con tim và cuộc sống chúng ta: “Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con, là kẻ có tội, khi nay và trong giờ lâm tử. Amen.”
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ