THỨ BẢY- NGÀY 28/12 LỄ CÁC THÁNH ANH HÀI TỬ ĐẠO

Thứ năm - 26/12/2024 22:44

THỨ BẢY- NGÀY 28/12

LỄ CÁC THÁNH ANH HÀI TỬ ĐẠO

Mt 2,13-18

 

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mát-thêu.

13Khi các nhà chiêm tinh đã ra về, thì sứ thần Chúa hiện ra báo mộng cho ông Giuse rằng: “Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Aicập, và cứ ở đó cho đến khi tôi báo lại, vì vua Hêrôđê sắp tìm giết Hài Nhi đấy!”

14Ông Giuse liền trỗi dậy, và đang đêm, đưa Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Aicập.

15Ông ở đó cho đến khi vua Hêrôđê băng hà, để ứng nghiệm lời Chúa phán xưa qua miệng ngôn sứ: Ta đã gọi con Ta ra khỏi Aicập.

16Bấy giờ vua Hêrôđê thấy mình bị các nhà chiêm tinh đánh lừa, thì đùng đùng nổi giận, nên sai người đi giết tất cả các con trẻ ở Bêlem và toàn vùng lân cận, từ hai tuổi trở xuống, tính theo ngày tháng ông đã hỏi cặn kẽ các nhà chiêm tinh.

17Thế là ứng nghiệm lời ngôn sứ Giêrêmia: 18 “Ở Rama, vẳng nghe tiếng khóc than rền rĩ: tiếng bà Rakhen khóc thương con mình và không chịu để cho người ta an ủi, vì chúng không còn nữa”.

 

SUY NIỆM:

Sứ điệp: Các Thánh Anh Hài là những vị thánh đã chết vì Đức Kitô mà không hay biết mình chết vì Đạo. Các Ngài là kiểu mẫu của rất nhiều vị thánh âm thầm vô danh, trong đó có chúng ta.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Giáo hội Việt Nam chúng con có 117 vị tử đạo được nêu danh tánh, gốc gác, được Đức Giáo Hoàng tôn phong lên bậc Hiển thánh cho cả thế giới tôn kính noi gương. Nhưng quê hương chúng con có cả hàng trăm nghìn vị khác cũng đã chết vì đạo mà chẳng được ai biết rõ danh tánh. Đó cũng là thân phận của đa số chúng con.

Chúng con là những người cha lam lũ, chúng con là những người mẹ tất bật suốt ngày, chúng con là những người trẻ ăn chưa no, lo chưa tới. Công việc của chúng con rất tầm thường. Hằng ngày chúng con phải vì Chúa mà vác thánh giá và chấp nhận hy sinh. Nhưng chúng con là những người vô danh không được ai biết đến, không được ai nhắc nhở. Dù vậy lạy Chúa, trong ánh sáng của mầu nhiệm Giáng Sinh, Chúa mời gọi chúng con nhìn vào những giá trị của những hy sinh âm thầm từng ngày. Xin cho chúng con hiểu được ý nghĩa và giá trị của cuộc sống hy sinh, âm thầm, độc điệu hàng ngày. Xin cho chúng con nhìn thấy Con Chúa trong dáng vẻ yếu ớt bé bỏng của một Hài Nhi nằm trong máng cỏ. Xin cho chúng con nhìn ra Đấng Cứu Độ trong dáng vẻ của một người dân quê làng Na-da-rét vô danh bé nhỏ.

Lạy Chúa, ơn thánh đã làm cho phận liễu yếu thơ nhi của các thánh Anh Hài trở nên chứng tá và cột trụ của đức tin Giáo Hội. Xin cho con hiểu được rằng bản thân con, một Kitô hữu bé nhỏ tài hèn, cũng là một thành phần của Hội Thánh và cũng có thể góp phần tích cực để xây dựng Hội Thánh. Amen.

Ghi nhớ: “Hêrôđê giết hết các con trẻ ở Bêlem”.

TGM Giuse Nguyễn Năng

SUY NIỆM: XIN CHO CON ĐƯỢC LÀM NGƯỜI

Hôm nay chúng ta cùng với Giáo Hội kính nhớ các Thánh Anh Hài Tử đạo. Các Thánh Anh Hài là những trẻ thơ dưới 2 tuổi, đã bị giết chết một cách oan ức dưới tay của bạo chúa Hê-rô-đê, trong biến cố Chúa Giêsu giáng sinh làm người. Hành động tàn nhẫn này xuất phát từ sự hèn nhát của vua Hê-rô-đê. 

Tin mừng cho biết, khi Hê-rô-đê thấy mình bị các nhà chiêm tinh đánh lừa, và vì sợ Hài Nhi mang tên Giêsu mới chào đời cướp mất ngôi vua, ông liền sử dụng chiến thuật “giết lầm hơn bỏ sót”. Ông ra lệnh giết tất cả các trẻ thơ từ 2 tuổi trở xuống trong thành. Ngày ấy, Bê-lem văng vẳng tiếng khóc than ai oán, vì máu của các Thánh Anh Hài đã thấm đượm khắp nơi.

Hôm nay, Giáo Hội muốn tôn vinh các Hài nhi vô tội ấy. Bởi vì các ngài tuy chưa biết nói, nhưng đã ca tụng Chúa bằng chính máu của mình; tuy các ngài chưa thể làm gì nên công trạng, nhưng đã hiến dâng mạng sống làm lễ toàn thiêu; tuy các ngài chưa biết Chúa Giêsu là ai, nhưng hoa trái đức tin thì đã đâm chồi nảy lộc.

Tạ ơn Thiên Chúa, vì Ngài đã chọn các Thánh Anh Hài như những “chiên non” làm hy lễ, như những đóa hồng tô đẹp thêm vườn hoa thiên quốc. Ngưỡng mộ các thánh Anh Hài, vì các ngài đã dệt nên bài ca vạn tuế luôn ngân vang trong lòng Giáo Hội và mãi tới ngàn thu.

Khi nghe lại biến cố này, có lẽ ai cũng xót xa thay cho những Hài nhi vô tội ấy, và có lẽ ai cũng phẫn nộ trước hành động vô tâm của bạo vương Hê-rô-đê. Cứ tưởng chừng như tội ác ấy chỉ xảy ra năm xưa và đã chấm dứt, nào ngờ, nó lại đang tái diễn ngay trong cuộc sống hôm nay.

Thưa anh chị em, mỗi ngày có đến hàng trăm hàng ngàn thai nhi vô tội bị giết chết, bởi sự hèn nhát và vô tâm của những người làm cha làm mẹ, bởi sự phóng túng và thiếu trách nhiệm của các thanh niên nam nữ. 

Tiếng khóc than của các trẻ thơ ở Bê-lem năm xưa chỉ vang lên 1 lần, còn tiếng than khóc của các thai nhi hôm nay vang lên mỗi ngày. Ngày xưa Hê-rô-đê chỉ có 1, ngày nay “hê-rô-đê” thì quá nhiều. Ngày xưa Hê-rô-đê vô tâm giết hại con của người khác đã là 1 tội ác, ngày nay nhiều người nhẫn tâm giết chết con ruột của mình, thì còn ác hơn cả Hê-rô-đê gấp trăm ngàn lần.

Nhờ lời chuyển cầu của các Thánh Anh Hài, xin Chúa đón nhận linh hồn của những thai nhi vô tội vào hàng ngũ các thiên thần. Và xin cho mỗi chúng ta biết tự thức tỉnh lương tâm của chính mình, để không ai làm điều gì đáng chê trách trong khi chờ ngày cứu độ. Amen.

Lm. Antôn

 

SUY NIỆM:

Các Thánh Anh Hài đã chịu tử đạo vì Chúa Giê-su. Các ngài đã bị chết dưới lệnh truyền của vua Hê-rô-đê, người được biết đến là kẻ rất tàn ác thời đó.

Thánh Mát-thêu thuật lại cho chúng ta rằng, ngày ấy có mấy nhà đạo sĩ Phương đông đến gặp vua và hỏi: “Đức vua dân do thái mới sinh, hiện ở đâu” (Mt 2, 2). Là một vị vua, tự nhiên nghe câu hỏi như vậy, Hê-rô-đê nghĩ ngay đến một người đang muốn chiếm đoạt quyền lực của ông. Vua sợ địa vị của mình bị đe dọa bởi đứa bé này và vì lòng tham quyền, ham mê danh vọng nên ông cần phải loại trừ mối họa đó. Tuy nhiên, ông không biết vị vua nhỏ kia đang ở đâu. Ông chỉ biết có một lời ngôn sứ tiên báo về vị lãnh tụ chăn dắt Ít-ra-en sẽ được sinh ra tại Be-lem. Giờ đây, với bản tính ác độc, ông đã ra lệnh giết hết các con trẻ dưới hai tuổi ở Be-lem và vùng phụ cận. Khắp vùng này, vẳng nghe tiếng khóc tang thương của những người mẹ vừa bị mất con.

Thưa anh chị em, Chúa Giê-su đến trần gian đâu phải để tranh giành quyền lực. Chúa đến để đem ánh sáng chiếu soi vào trong bóng tối, mang lại sự sống mới cho con người. Tuy nhiên, thế gian không nhận biết Người. Chúa muốn vào nhà, nhưng người nhà lại không đón nhận (x.Ga 1,10-11). Chúng ta có thể nói rằng Hê-rô-đê đại diện cho những kẻ không muốn đón tiếp Chúa và tìm cách chống đối Người. Ông chưa tìm hiểu hết được về vị vua mới sinh ra đó, nhưng chỉ vì lòng tham quyền, thích danh vọng trần thế, mà ông đã hành động cách tàn ác đối với những con trẻ. Đây là sự chống đối đầu tiên trong cuộc đời của Hài Nhi Giê-su.

Giờ đây, nhìn lên các Thánh Anh Hài, những người đã chịu tử đạo vì Chúa, chúng ta được mời gọi sống tinh thần “tử đạo” trong cuộc sống hôm nay. Tuy nhiên, chúng ta cũng nghĩ đến vua Hê-rô-đê, là người gây ra cuộc bách hại đó. Nghĩ đến ông, chúng ta liên tưởng đến tội lỗi, tính xấu, sự nhỏ nhen, ích kỷ và kiêu căng của con người. Nếu trong con người chúng ta vẫn còn nhiều những điều này, thì dù Chúa đã giáng trần và ở ngay bên cạnh chúng ta, chúng ta vẫn rất khó có thể nhận ra và đón tiếp Người.

Lm. Gio-an Trần Văn Viện

SUY NIỆM:

Ba nhà chiêm tinh thờ lạy Chúa Hài Đồng xong thì ra về. Chúa liền sai Thiên thần đến báo tin cho thánh Giuse đem Hài nhi và Mẹ Người trốn sang Ai cập, vì vua Hêrôđê đang tìm giết Người.

Vua Hêrôđê trông mãi không thấy ba nhà chiêm tinh trở lại cho biết Hài Nhi Giêsu sinh ra ở đâu thì tức giận, sai quân lính đi giết hết các trẻ mới sinh từ hai tuổi trở xuống, ở làng Belem và các làng lân cận. Ông ta đinh ninh khi giết hết các trẻ như thế thì giết được Hài Nhi Giêsu để bảo vệ ngôi vua của ông ta. Như thế, đúng theo lời tiên tri Giêrêmia đã báo trước: Ở Rama, người ta than khóc thảm thiết, vì con mình đã bị giết.

Trong thư gửi các thiếu nhi thế giới ngày 3/12/1994 Đức Gioan Phaolô II viết: “Những ngày tiếp theo ngày sinh của Chúa Giêsu cũng là những ngày lễ (...) Ngay từ những ngày đầu sau khi sinh hạ, Hài Nhi Giêsu đã phải đương đầu với một đe dọa trầm trọng: bạo vương Hêrôđê ra lệnh tàn sát các trẻ thơ dưới hai tuổi, và vì lý do này Chúa Giêsu bị bắt buộc cùng với cha mẹ trốn sang Ai cập...” Mầu nhiệm giáng sinh gắn liền với mầu nhiệm tử nạn. Trong hài nhi nằm trong máng cỏ nghèo hèn, cuộc tử nạn đã được báo trước... Trong ánh sáng của mầu nhiệm giáng sinh, phải chăng chúng ta không được mời gọi nhận ra bóng đêm của mầu nhiệm tử nạn ? Bóng thập giá phải chăng đã không phủ trên máng cỏ của Hài nhi Giêsu ? (Mỗi ngày một tin vui).

Con Thiên Chúa làm người ở giữa chúng ta, trở thành niềm vui mừng cho người này và nỗi buồn bực của người kia. Tuỳ tâm trạng mỗi người. Các trẻ thơ bị Hêrôđê giết, báo trước cái chết của Đấng sẽ đổ máu ra cứu chuộc loài người. Cái chết của các thánh Anh Hài đã thành lời chứng tuyệt hảo cho Chúa Giêsu chịu đóng đinh.Vấn đề đau khổ, nhất là đau khổ của kẻ vô tội, đặc biệt là đau khổ của những trẻ thơ, đã là một thắc mắc thấy được giá trị của cái chết của các em. Cái chết ấy góp phần vào việc thực hiện kế hoạch Thiên Chúa cứu độ muôn người. Tấm gương này mời ta hãy nhìn đau khổ theo con mắt của Chúa.

Hiện nay trên toàn thế giới đang xảy ra một cuộc thảm sát đẫm máu. Liên hợp quốc đã tiết lộ rằng: đã có từ 45 đến 55 triệu sinh mạng con người bị thủ tiêu mỗi năm trước khi chào đời. Chỉ trong có 5 năm, con số phá thai đã tăng lên gấp đôi, do chính luật pháp nhiều quốc gia đã chính thức cho phép phá thai... Khi giết chết một đứa trẻ còn trong thai, chúng ta không thể lấy bất cứ một đứa trẻ nào khác trên thế giới để thay thế được. Biết đâu, đó sẽ là một nhà bác học, một vị thiên tài, hoặc chỉ là một con người bình dị.

Như trường hợp sau đây: người cha mắc bệnh giang mai, mẹ bị lao phổi với một hoàn cảnh rất bi đát: đứa con đầu lòng bị mù, đứa thứ hai mới sinh ra đã chết, đứa thứ ba bị điếc và câm. Đứa thứ tư sớm bị lao phổi. Bây giờ bà mẹ lại mang thai một đứa nữa. Vậy mà, thai nhi ấy đã không bị giết đi. Em đã được sinh ra là người con thứ năm của gia đình, đó chính là Ludwig Beethoven nhạc sĩ thiên tài, tác giả của 9 bản symphony bất hủ của mọi thời đại.

Có biết bao nhiêu người đang âm thầm đau khổ và hy sinh cầu nguyện mà không thể thấy được kết quả của lời cầu nguyện. Có biết bao người âm thầm phục vụ tha nhân cách này cách khác mà không hề được đền đáp hoặc nhắc nhớ.

Trong ánh sáng của mầu nhiệm Giáng sinh, chúng ta được mời gọi để tìm thấy giá trị của những hy sinh âm thầm từng ngày. Sự thinh lặng bé nhỏ của Hài nhi Giêsu trong hang đá Belem, 30 năm âm thầm của Ngài tại Nagiarét: đó là ý nghĩa của cuộc sống phiền toái, độc điệu mỗi ngày mà Hài Nhi Giêsu mời gọi ta nhận ra giá trị của cuộc sống.

Những đau khổ, những mất mát, khiến chúng ta nghi ngờ tình yêu của Ngài ư ? Hãy xác tín rằng Ngài đang nhìn thấy và cảm thông với từng nỗi khốn khổ của ta, và tình yêu mầu nhiệm của Ngài đang nhào nặn, để biến những đắng cay chua xót ấy thành ân phúc cho ta.

Truyện: Con sâu trong tảng đá

Một hôm, Đức Ala gọi một thiên sứ đến và truyền lệnh: “Ngươi hãy xuống trần gian để đưa về đây người đàn bà goá có bốn đứa con thơ”. Thiên sứ ra đi. Ngài gặp ngay người đàn bà goá đang cho đứa con nhỏ nhất bú. Ngài nhìn người đàn bà với bốn đứa con dại, rồi lại lên Đức Ala, để tha thiết như xin rút lại lệnh truyền. Làm sao có thể nhẫn tâm tách biệt người mẹ khỏi những đứa con thơ ấy ? Nhưng ánh mắt van xin của sứ thần chẳng mảy may đánh động được Đức Ala. Cuối cùng, sứ thần đành phải vâng lệnh Đức Ala mà cướp người mẹ góa khỏi bầy con thơ và đem về trời.

Hoàn thành công tác, nhưng xem chừng vị sứ thần lại có vẻ buồn. Phải, vui làm sao được trước cảnh chia ly giữa mẹ và con. Thấy sứ thần buồn, Đức Ala mới gọi đến và đưa vào giữa sa mạc. Ngài chỉ cho sứ thần thấy một tảng đá lớn và bảo đập nó ra. Tảng đá vừa vỡ đôi, sứ thần ngạc nhiên vô cùng, vì trong lòng tảng đá một con sâu nhỏ từ từ bò ra. Chợt hiểu được ý nghĩa của sự kiện ấy, sứ thần bỗng thốt lên:

“Ôi lạy Đấng tối cao, mầu nhiệm thay công việc sáng tạo của Ngài. Với sự khôn ngoan thượng trí và tình yêu vô biên, Ngài đã không bỏ mặc một tạo vật bé nhỏ như con sâu kia, thì hẳn Ngài cũng sẽ không quên được bốn đứa trẻ mồ côi là con cái của Ngài”. (Trích D. Wahrheit, Món quà G. sinh, tr 307-308).

Lm. Giuse Đinh Lập Liễm

 

SUY NIỆM:

Linh mục Ngô Phúc Hậu có bài thơ dí dỏm:

“Cái nồi và cái ghế

Cái ghế và cái nồi

Cả đạo lẫn đời

Đều có cái nồi và cái ghế”

Có thể nói, việc đam mê cái ghế quyền lực không chỉ là chuyện của thời nào, mà là có từ khi có thế giới loài người và sẽ tồn tại cho đến tận thế. Người ta tìm mọi cách và mọi thủ đoạn để đoạt được cái ghế quyền lực, và khi đã đoạt được thì người ta cũng tìm cách bảo vệ nó bằng bất cứ giá nào. Việc này vẫn đã và đang xảy ra trong xã hội chúng ta, từ cấp nhà nước đến làng xã, len lỏi cả vào trong Giáo Hội, thậm chỉ ảnh hưởng cả vào trong các tu viện khi không thiếu những người tìm mưu tính kế hạ bệ người khác để mình được thăng lên.

 

Hôm nay, bài Tin Mừng tường thuật việc các thánh Anh Hài bị giết bởi bàn tay bạo quyền của Hêrôđê, âu cũng vì ông lo sợ cái ghế của ông bị lung lay.

Mang danh là Hêrôđê Cả và được Rôma cho cai trị một số vùng miền Bắc Palestin, với cái tính hèn nhát, vua nhìn đâu cũng thấy nguy cơ phản bội, đến nỗi ông không ngại giết chết ba đứa con trai ruột vì sợ nó tiếm ngôi. Hôm nay, vua ra tay tàn sát các hài nhi ở Bêlem và vùng phụ cận, “giết lầm hơn bỏ sót” với hy vọng Hài Nhi Giêsu sẽ bị giết trong số các hài nhi.

Dưới ngòi bút của thánh ký Matthêu, chúng ta gặp thấy một lần nữa, thánh nhân tài tình lồng ghép một hình ảnh Cựu Ước để làm nổi bật vai trò của nhân vật trong Tân Ước mà Tin Mừng đang nói tới: Một hình ảnh Giuse trong Cựu Ước tiên trưng cho thánh Giuse – người công chính; Abraham và Giacaria đều nhận lời hứa sinh con trong lúc tuổi già… Thì hôm nay, phảng phất hình ảnh của Môsê hiện ra trong tường thuật về biến cố Hài Nhi Giêsu trốn sang Ai Cập.

Trong sách Xuất Hành, kể chuyện vua Pharaô sợ con cái Israel thêm đông số sẽ phản bội nên đã ra lệnh giết các bé trai sơ sinh, nhưng nhờ sự khôn khéo của người mẹ, Môsê đã được sống sót và trở thành vị cứu tinh của Israel khi đưa dân ra khỏi đất Ai Cập, vượt qua Biển Đỏ và vào miền Đất Hứa (x. Xh 1,8-10)

Hôm nay, Hêrôđê chỉ vì sợ Hài Nhi Giêsu lớn lên sẽ chiếm mất ngôi nên đã ra tay sát hại các hài nhi ở Bêlem, nhưng Hài Nhi Giêsu đã thoát chết nhờ thánh Giuse và mẹ Maria đang đêm đã bồng chạy qua Ai Cập, để rồi sau này, chính Hài Nhi Giêsu đã trở nên Đấng Cứu Tinh, giải phóng nhân loại khỏi ách nô lệ tội lỗi, tiến vào quê trời.

Đáng tiếc cho Hêrôđê là ông không biết Hài Nhi Giêsu đâu màng gì ngai báu trần gian, hơn nữa tất cả đều nằm trong chương trình của Thiên Chúa:

Qua biến cố này, càng cho thấy Đức Giêsu đã sống mầu nhiệm Nhập Thể cách trọn vẹn, tự huỷ mình ra không (kénosis), đến mức như một đứa trẻ không có khả năng tự vệ. Đồng thời, Người đã phải sống kiếp lưu vong và nô lệ của dân Do Thái xưa nơi đất khách quê người Ai Cập, để cảm thông và giải phóng con người.

Tóm lại, qua bài Tin Mừng hôm nay, Chúa dạy chúng ta:

– Tập sống khiêm tốn tự hạ, chứ đừng vì cái chức cái quyền hay quyền lợi mà bày mưu kế hãm hại tha nhân.

– Sống mầu nhiện nhập thể của Chúa Giêsu Kitô cách trọn vẹn, khi chấp nhận mang lấy kiếp sống của con người hôm nay, để qua chúng ta, ơn cứu độ của Chúa đến với mọi người.

Lạy Chúa, ngày nay bao trẻ em vô tội vẫn đang tiếp tục bị giết bởi thiếu dinh dưỡng, bởi không được bảo vệ, và đặc biệt do chính những người cha người mẹ chỉ vì danh dự hoặc khó khăn mà tàn độc giết chính con mình ngay từ trong bào thai. Xin Chúa khơi dậy lên ý thức và lương tâm mọi người, để họ biết tôn trọng sự sống là ân huệ cao quý nhất mà Chúa ban cho con người. Amen

Hiền Lâm

 

SUY NIỆM:

Qua Lời Tổng Nguyện của Lễ Các Thánh Anh Hài hôm nay, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Các thánh Anh Hài đã không dùng lời nói, nhưng, dùng chính cái chết của mình mà tuyên xưng danh Chúa, xin Chúa cho chúng ta biết lấy cả cuộc đời mà minh chứng niềm tin như chúng ta vẫn tuyên xưng ngoài miệng.

Biết lấy cả cuộc đời mà minh chứng niềm tin, bởi vì, Chúa luôn thành tín, Người sẽ giải cứu và đổi mới mọi sự, cho dẫu, thực tế trước mắt thật nghiệt ngã, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, sách Xuất Hành cho thấy: Các trẻ em Hípri bị sát hại ở Aicập: Vua Pharaô ra lệnh cho toàn dân của mình: Mọi con trai Hípri sinh ra, hãy ném xuống sông Nin…  Vì dân Ta, Ta sẽ hoan hỷ: Nơi đây sẽ không còn nghe thấy tiếng than khóc kêu la. Sẽ không còn sự chết; cũng chẳng còn tang tóc, kêu than và đau khổ nữa. Này đây Ta đổi mới mọi sự. 

Biết lấy cả cuộc đời mà minh chứng niềm tin, bởi vì, phần thưởng Chúa dành cho chúng ta thật lớn lao, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Quấtvunđêô nói: Các em chưa biết nói mà đã biết tuyên xưng Chúa Kitô! Chân tay yếu ớt, các em chưa đủ sức xông ra chiến trường, thế mà các em lại được lãnh nhận ngành thiên tuế dành cho người chiến thắng vinh quang!... Các ngài thờ lạy Đấng hằng sống đến muôn đời muôn thuở. Và bỏ triều thiên của mình xuống trước ngai Đức Chúa là Thiên Chúa của mình. Các ngài phủ phục trước ngai và chúc tụng Đấng hằng sống đến muôn đời muôn thuở. 

Biết lấy cả cuộc đời mà minh chứng niềm tin, bởi vì, chúng ta đã được cứu bằng chính Máu của Đức Kitô, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, thánh Gioan nói: Máu Đức Giêsu thanh tẩy chúng ta sạch hết mọi tội lỗi. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 123, vịnh gia đã kêu xin: Hồn ta tựa cánh chim thoát lưới người đánh bẫy. Nếu mà Chúa chẳng đỡ bênh ta, khi thiên hạ nhằm ta xông tới, hẳn là họ đã nuốt sống ta rồi, lúc đùng đùng giận ta như vậy.

Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Lạy Thiên Chúa, chúng con xin ca ngợi hát mừng, tuyên xưng Ngài là Đức Chúa. Lạy Chúa, đoàn tử đạo quang huy hùng dũng, máu đào đổ ra minh chứng về Ngài. Trong bài Tin Mừng, thánh Mátthêu cho thấy: Vua Hêrôđê giết tất cả các con trẻ ở Bêlem. Vua Hêrôđê sát hại những tấm thân bé bỏng, vì nỗi sợ hãi đã giết chết tâm hồn ông. Ông muốn sống lâu trên ngôi báu, nhưng, lại tìm giết chính Đấng ban sự sống. Đấng là nguồn mạch mọi ân sủng, sẽ giải thoát những tâm hồn đang bị ma quỷ giam cầm, và đón nhận họ vào số con cái của Người. Đấng đã làm cho các em, tuy chưa biết nói, mà cũng trở thành những chứng nhân anh dũng của Người. Chúng ta hãy xem Đấng đến để hiển trị, đã hiển trị như thế nào: Đấng giải phóng đã hoàn thành công cuộc giải phóng, và Đấng Cứu Độ đã mang lại ơn cứu độ, còn Hêrôđê, vì không biết điều đó, nên ông đã dao động và giận dữ. Ông đâu có biết: chính khi nổi giận vì một em bé, ông đã suy phục em bé đó rồi. Đấng tuy nhỏ bé, nhưng cao cả, đang nằm trong máng cỏ lại làm rung động ngai báu của ông. Người hoạt động qua ông, mà ông đâu biết những ý định của Người. Các thánh Anh Hài chưa biết nói, mà đã biết tuyên xưng Chúa Kitô. Các thánh Anh Hài đã không dùng lời nói, nhưng, dùng chính cái chết của mình mà tuyên xưng danh Chúa, ước gì chúng ta biết lấy cả cuộc đời mà minh chứng niềm tin như chúng ta vẫn tuyên xưng ngoài miệng. Ước gì được như thế!

Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

SUY NIỆM: QUYỀN TRẺ EM CÓ CÒN ĐƯỢC TÔN TRỌNG? 

“Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai”. Đây là quy luật mà ai cũng phải biết. Tuy nhiên, có một sự thật đau buồn về tình trạng cuộc sống của các trẻ em hiện nay: theo thống kê của các tổ chức quốc tế, ngày nay có hàng triệu triệu trẻ em chết vì chiến tranh, tật nguyền; hay sống trong hoàn cảnh thiếu thốn tại các trại tỵ nạn và nơi các đường phố, gầm cầu… Biết bao trẻ em thất học, không được đến trường. Tệ hơn nữa là có quá nhiều trẻ em chết dưới bàn tay của chính các bậc làm cha mẹ khi họ quyết định phá thai…!

Tất cả đều do sự chểnh mảng, thiếu quan tâm, vô nhân và chối bỏ quyền của các trẻ em nơi những nhà lãnh đạo, các tổ chức và ngay cả các bậc làm cha mẹ trong các gia đình…

Thảm trạng đau buồn hiện nay của thế giới về các trẻ em cũng chính là đại họa mà các thánh Anh Hài thời Đức Giêsu phải chịu dưới sự tàn độc, ích kỷ, ghen tương của vua Hêrôđê.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy đứng lên, tùy khả năng và trách nhiệm của mỗi người, hãy bảo vệ quyền trẻ em. Không ai được phép đứng nhìn những thảm trạng bi đát mà các trẻ em đang phải hứng chịu do nạn buôn bán, bóc lột, lạm dụng và vô lương tâm của người lớn gây nên…

Hãy ý thức vai trò và trách nhiện cao cả của thiên chức làm cha làm mẹ trong các gia đình, không bao giờ chúng ta cho phép mình có quyền trên sự sống sự chết của các trẻ em, dù các em mới là bào thai. Nên nhớ quyền đó thuộc về Thiên Chúa và không ai được phép cướp quyền của Người. Thiên Chúa luôn muốn cho con người được hạnh phúc và được sống dồi dào. Chính vì lý do đó mà Ngài đã giáng sinh để cứu chuộc con người.

Hình ảnh thánh Giuse và Đức Maria vội vã trong đêm đem Hài Nhi trốn sang Aicập đủ cho chúng ta thấy trách nhiệm của các ngài với Đức Giêsu.

Vì vậy, khi mừng lễ các thánh Anh Hài, chúng ta không gợi lại một thảm trạng buồn, nhưng đây là cơ hội để chúng ta học được bài học về tinh thần trách nhiệm, sống hết mình vì con cái như Đức  Mẹ và thánh Giuse. Mặt khác, đây cũng chính là dịp để chúng ta hồi tâm nhằm nhận ra sự hờ hững, thiếu trách nhiệm trong việc nuôi nấng và giáo dục con cái. Hơn nữa, nếu có ai đó trong cộng đoàn đã một lần phá thai hay cổ vũ, tiếp tay cho tội ác tầy trời này, thì đây là thời thuận tiện để chúng ta nhận ra hình ảnh Hêrôđê ác độc qua hành vi mất nhân tính của mình để sám hối và xin ơn tha thứ cũng như biến đổi.

Lạy Chúa Giêsu Hài Đồng, xin Chúa ban cho chúng con biết ý thức vai trò và trách vụ phải có đối với các trẻ em. Xin Chúa gìn giữ và bảo vệ các trẻ em thoát khỏi những nanh vuốt của những Hêrôđê thời hiện đại khi họ khước từ quyền trẻ em.

Xin Chúa cũng ban cho có nhiều tổ chức từ thiện, nhiều tấm lòng quảng đại ra tay cứu giúp các trẻ em nhằm xoa dịu những đau thương mà các trẻ em phải gánh chịu trong xã hội hiện nay. Amen.

Giuse Vinhsơn Ngọc Biển SSP

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây