THỨ BA SAU LỄ CHÚA HIỂN LINH
Mc 6,34-44
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
34 Khi ấy, Chúa Giêsu xem thấy dân chúng đông đảo thì động lòng thương xót họ, vì họ như chiên không người chăn giữ, và Người bắt đầu giảng dạy họ nhiều điều.
35 Và khi giờ đã muộn, các môn đệ đến thưa Người rằng: “Chỗ này hoang vắng, mà giờ đã muộn, 36 xin Thầy giải tán họ, để họ đi tới các làng các xóm gần đây mà mua gì ăn”.
37 Chúa Giêsu trả lời họ rằng: “Các con hãy cho họ ăn đi”. Họ thưa Người: “Chúng con phải đi mua đến hai trăm đồng bạc bánh để phát cho họ ăn”.
38 Người nói với họ: “Các con có mấy cái bánh ? Hãy đi xem”. Khi biết được rồi, họ thưa: “Có năm cái bánh và hai con cá”.
39 Người ra lệnh cho họ bảo mọi người ngồi xuống làm thành từng nhóm trên cỏ xanh. 40 Họ ngồi xuống từng nhóm, chỗ một trăm, chỗ năm mươi.
41 Người cầm năm cái bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời mà chúc tụng, rồi bẻ bánh ra và trao cho các môn đệ, để họ phân phát cho người ta; còn hai con cá, Người cũng chia cho mọi người.
42 Và tất cả đều ăn no. 43 Mụn bánh và cá còn dư lại, người ta lượm được mười hai thúng đầy. 44 Mà số người ăn là năm ngàn người.
SUY NIỆM: TÌNH CHÚA TRONG TÌNH NGƯỜI
Cả 2 bài đọc lời Chúa hôm nay, mời gọi chúng ta chiêm ngắm lại tình yêu mà Thiên Chúa dành cho nhân loại, mà cụ thể là dành cho từng người chúng ta.
Trong bài đọc I, Thánh Gioan cho biết, vì yêu thương, Thiên Chúa đã sai Con Một của Ngài đến thế gian, để làm của lễ đền tội chúng ta; và để nhờ con của Ngài mà chúng ta được sống. Còn bài Tin mừng hôm nay cho biết, khi xuống thế làm người và ở giữa con người, Chúa Giêsu đã chạnh lòng thương trước một đoàn chiên không người chăn dắt.
Và Chúa Giêsu cũng đã nhiều lần chạnh lòng thương như thế trước những người phong cùi, què quặt, câm điếc và đui mù; trước những người nghèo khó, tội lỗi và bị xã hội loại trừ…. Trái tim của Chúa chúng ta nhạy bén như vậy đó thưa anh chị em. Ngài vui với người vui, khóc với người khóc!
Khi nhắc lại cho chúng ta về những nét đẹp nơi trái tim từ ái của Chúa, Mẹ Giáo Hội muốn nói với chúng ta 2 điều này:
Thứ nhất, tình yêu mà Thiên Chúa dành cho chúng ta không chỉ nằm nơi đầu môi chót lưỡi, mà còn diễn tả bằng hành động. Thiên Chúa không chỉ nói yêu chúng ta, nhưng Ngài đã cho con của Ngài giáng sinh làm người để cứu độ chúng ta. Cũng thế, Chúa Giêsu không chỉ chạnh lòng thương trước đám đông dân chúng năm ấy, nhưng Ngài đã giảng dạy họ nhiều điều và làm phép lạ hóa bánh ra nhiều để nuôi sống họ.
Thứ hai, chúng ta được mời gọi hãy yêu thương nhau như Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta. Bởi Thánh Gioan cho biết, ai không sống yêu thương thì không thuộc về Thiên Chúa.
Khi nói đến điều này, có lẽ nhiều người trong anh chị em và ngay cả người đang nói đây, cũng phải đấm ngực nhiều lần, bởi có những lúc chúng ta sống lời mời gọi yêu thương của Chúa chưa tròn.
Hãy nhớ lại và khắc ghi thật kĩ những gì mà Thiên Chúa đã làm cho chính bản thân mình và cho gia đình mình thưa anh chị em. Vì chỉ khi chúng cảm nhận được tình yêu Thiên Chúa dành cho mình, thì lúc đó chúng ta mới có thể đủ quảng đại để sống tha thứ, bao dung, và yêu thương theo đúng tinh thần của Chúa mà thôi.
Tóm lại, lời Chúa hôm nay một lần nữa xác tín với chúng ta rằng: “Thiên Chúa là tình yêu”. Ngài sẵn sàng làm tất cả vì loài người chúng ta và để cứu độ chúng ta. Phần chúng ta, mỗi người hãy sống yêu Chúa thật hết mình và yêu thương nhau thật hết tình, để tình yêu giáng sinh mà chúng ta vừa lãnh nhận có thể lan tỏa tới hết mọi người. Amen.
Lm. Antôn
SUY NIỆM: ĐỨC GIÊSU TỎ MÌNH LÀ NGÔN SỨ
Qua Lời Tổng Nguyện của Thứ Ba sau Lễ Hiển Linh, các nhà phụng vụ muốn chúng ta xin ý thức rằng: Chúng ta đã nhận biết Đức Kitô Con Một Chúa, xuất hiện như người phàm, và mặc lấy thân xác giống hệt chúng ta, xin Chúa làm cho tâm hồn chúng ta được đổi mới và trở nên giống hình ảnh Người.
Đổi mới và trở nên giống hình ảnh Đức Kitô, Vị Ngôn Sứ đem Tin Mừng giải thoát đến cho mọi người, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, ngôn sứ Isaia cho thấy ơn cứu độ đã đến gần: Người ta thường nói đến Thành Thánh để ám chỉ Dân Chúa. Dân này được hưởng một số phận may mắn, tốt đẹp. Bài ca mừng hôn lễ giữa Con Chiên và Giêsusalem mới, được tác giả sách Khải Huyền ghi lại. Bài ca đó đã được ngôn sứ Isaia báo trước trong bài đọc hôm nay. Muôn dân sẽ được chiêm ngưỡng đức công chính của ngươi, mọi đế vương sẽ được ngắm nhìn vinh quang ngươi tỏ rạng. Người ta sẽ gọi ngươi bằng tên mới, chính là tên miệng Chúa đặt cho. Ngươi sẽ là ngọc miện huy hoàng trong lòng bàn tay Chúa, sẽ là mũ triều thiên vương giả Thiên Chúa ngươi cầm ở tay.
Đổi mới và trở nên giống hình ảnh Đức Kitô, Vị Ngôn Sứ làm phép rửa bằng Thánh Thần để cứu độ loài người, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Hipôlytô nói: Chúa Con bất tử tức Ngôi Lời xuống trần gian; Người đến với con người, lấy nước và Thần Khí mà thanh tẩy họ, cho họ được tái sinh để hồn xác họ khỏi hư vong… Tôi đã thấy Thần Khí tựa chim câu từ trời xuống và ngự trên Người. Tôi đã thấy nên xin chứng thực rằng: Người là Con Thiên Chúa. Chính Đấng sai tôi đi làm phép rửa bằng nước đã bảo tôi: Ngươi thấy Thần Khí hiện xuống và ngự trên ai, thì người đó chính là Đấng làm phép rửa bằng Thánh Thần.
Đổi mới và trở nên giống hình ảnh Đức Kitô, Vị Ngôn Sứ luôn biết chạnh lòng thương, ra tay cứu giúp kẻ nghèo hèn, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, thánh Gioan nói: Ai không yêu thương, thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 71, vịnh gia đã cho thấy: Lạy Chúa, muôn dân nước sẽ thờ lạy Ngài. Núi đem lại cảnh hòa bình trăm họ, đồi rước về nền công lý vạn dân. Người sẽ bảo toàn quyền lợi dân cùng khổ, ra tay cứu độ kẻ khó nghèo.
Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Chúa đã sai tôi đi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn, công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha. Trong bài Tin Mừng, thánh Máccô cho thấy: Khi hóa bánh ra nhiều, Đức Giêsu tỏ mình là ngôn sứ. Đức Kitô chính là Vị Ngôn Sứ, được Chúa Cha sai đến để loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Vị Ngôn Sứ có mặt khắp nơi và không vắng mặt nơi nào, Vị Ngôn Sứ các thiên thần không hiểu thấu và loài người không nhìn thấy được, lại đến lãnh phép rửa của ngôn sứ Gioan. Vị Ngôn Sứ là Con Một, Con Yêu Dấu của Thiên Chúa theo thần tính, vì thế, Người đói lả, nhưng lại, nuôi cả ngàn người; Người vất vả, nhưng lại, làm cho người vất vả được nghỉ ngơi; Người không có nơi tựa đầu, nhưng lại, có đầy đủ mọi sự; Người chịu khổ, nhưng lại, chữa lành mọi khổ đau; Người ngã vì bị tát, nhưng lại, ban tự do cho muôn người; Người bị đâm thấu cạnh sườn, nhưng lại, chữa lành cạnh sườn của Ađam. Chúng ta hãy chạy đến với Vị Ngôn Sứ, chạy đến nguồn mạch ban sự sống, và ngắm nhìn nguồn mạch chữa lành các vết thương: Người lấy nước và Thần Khí mà thanh tẩy chúng ta; Người thổi sinh khí vào chúng ta và mặc cho chúng ta áo giáp không thể hư hoại. Ai tin mà lãnh phép rửa ban ơn tái sinh này, thì từ bỏ ma quỷ và kết hợp với Đức Kitô, mặc lấy ơn làm nghĩa tử. Chúng ta đã nhận biết Đức Kitô Con Một Chúa, xuất hiện như người phàm, và mặc lấy thân xác giống hệt chúng ta, ước gì tâm hồn chúng ta được đổi mới và trở nên giống hình ảnh Người. Ước gì được như thế!
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB
SUY NIỆM: ĐỪNG VÔ TÂM – HÃY QUAN TÂM
Bài đọc I trong thư thứ nhất của thánh Gioan nói với chúng ta Thiên Chúa là Tình Yêu, và tình yêu đó được cụ thể hoá qua việc Thiên Chúa sai Con Một đến trong thế gian để nhờ Người mà chúng ta được sống. Từ đó chúng ta được mời gọi để đáp lại tình yêu của Thiên Chúa và sống yêu thương nhau. Giáo huấn đó rõ ràng là sự tiếp nối bài học của phép lạ hoá bánh ra nhiều trong bài Tin Mừng: Chúa Giêsu chạnh thương dân chúng lầm than và Người mời gọi các môn đệ cùng với Người xoa dịu nỗi khốn khổ của họ.
“Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho người thiện tâm” là điệp khúc được vang lên thường xuyên trong cử hành phụng vụ của Giáo Hội, cách đặc biệt trong mùa Giáng Sinh, để nhắc chúng ta rằng Thiên Chúa muốn sự bình an và hạnh phúc cho con người. Thánh Irênê nói: “vinh quang của Thiên Chúa là con người được sống”. Chúa Giêsu chạnh thương khi thấy đoàn dân đói khổ và Người đã cứu giúp họ. Thiên Chúa không bao giờ làm ngơ trước sự bất hạnh, đau khổ của con người và Người hằng chăm sóc để con người được sống xứng với phẩm giá cao quý của mình. Thế nhưng tại sao thế giới hôm nay vẫn còn rất nhiều người, không chỉ là hàng ngàn mà có đến hàng triệu người phải sống cảnh lầm than, nghèo đói, bị bỏ rơi? Hãy khoan trách móc hay nghi ngờ tình yêu của Chúa! Chúa vẫn đang làm phép lạ và thế giới của chúng ta luôn có dư dật của cải, thực phẩm và những tài nguyên thiết yếu. Vấn đề ở đây là người ta không chịu chia sẻ, không biết chạnh thương. Chưa bao giờ thế giới của chúng ta giàu có của cải như hôm nay nhưng thật đáng buồn là chúng ta lại đang rơi vào cái nghèo của tình người, của sự quan tâm sẻ chia. Chúa vẫn rộng rãi thi ân nhưng ngặt một nỗi, chúng ta lại chỉ biết tích cóp, bo bo giữ lại cho mình, cho tập thể của mình.
Vì thế, xin đừng hỏi tại sao Chúa lại làm ngơ trước sự khốn khổ của bao người nhưng hãy tự chất vấn tại sao chúng ta lại vứt bỏ thức ăn trong khi có biết bao người không có gì để bỏ bụng; tại sao tủ quần áo của chúng ta chật cứng trong khi có biết bao người đang rách rưới, tả tơi; tại sao chúng ta sung túc, dư dả trong khi nhiều người phải thiếu trước hụt sau? Là Chúa vô tình hay chúng ta vô tâm?
Lạy Chúa Giêsu, tiếng kêu gào của những người nghèo khổ vọng lên tới Chúa như lời đoán xét sự vô tâm, ích kỷ, lạnh lùng của chúng con. Xin giúp chúng con biết sống quảng đại hơn để sẵn sàng chia sẻ cho anh chị em những ơn lành Chúa trao cho chúng con quản lý. Ước gì thế giới và loài người mà Chúa vô cùng thương yêu, cảm nhận được tình yêu của Chúa qua những hành động bác ái khiêm tốn của chúng con. Amen.
Lm. Giuse Phạm Hoàng Vũ
SUY NIỆM: KHÔNG THỂ TUYỆT VỜI HƠN
Nói đến Thiên Chúa, hẳn sẽ không có một định nghĩa nào có thể sâu sắc và giàu ý nghĩa hơn định nghĩa của Thánh Gioan hôm nay, “Thiên Chúa là Tình Yêu”; và trong cách thức Thiên Chúa yêu thương, Gioan đã có một nhận định ‘không thể tuyệt vời hơn’, “Chính Người đã thương yêu chúng ta trước”. Tình yêu mẫn cảm đó thể hiện nơi Chúa Giêsu qua Tin Mừng hôm nay, “Thấy dân chúng đông đảo thì động lòng thương xót họ”; trái tim chạnh thương của Chúa Giêsu khiến Ngài phải ra tay khi Ngài bảo các môn đệ, “Các con hãy cho họ ăn đi!”.
Trong mùa Giáng Sinh, khi chọn đọc trình thuật bánh cá hoá nhiều nuôi sống năm ngàn người, phải chăng Hội Thánh muốn nói đến tình yêu tự hiến của Thiên Chúa ngay từ trũng thấp Bêlem. “Bêlem” có nghĩa là “Nhà Bánh”; nơi ngôi nhà này, Thiên Chúa muốn gặp gỡ toàn thể nhân loại, một nhân loại đông đảo, tất tưởi, đáng thương; một nhân loại đang đói và khát. Hài nhi Giêsu biết con người cần cơm bánh để nuôi sống xác thể và cần một cái gì đó để nuôi sống tâm hồn; Ngài biết, các thứ dinh dưỡng trên thế gian này không làm cho lòng người thoả mãn. Và như thể Ngài muốn nói, ‘Tôi ở đây với tư cách là lương thực của anh em’; Ngài tự giới thiệu chính mình như một của ăn; Ngài tặng trao chính bản thân Ngài. ‘Không thể tuyệt vời hơn’!
Tại Bêlem, chúng ta khám phá ra rằng, Thiên Chúa không phải là người lấy mất sự sống, nhưng là Đấng trao ban sự sống. Thân xác bé nhỏ của hài nhi Giêsu ở Bêlem mở ra một mẫu sống mới, ‘Không ngấu nghiến và tích trữ, nhưng chia sẻ và cho đi’. Một Thiên Chúa co rút mình lại để nên nhỏ bé, làm lương thực cho chúng ta; để một khi được nuôi dưỡng bằng Bánh Hằng Sống, chúng ta được tái sinh trong tình yêu; và những tham lam vô độ nhất định phải được nghiền nát đi. Ngắm nhìn hang đá, chúng ta hiểu rằng, điều nuôi dưỡng sự sống, kéo dài sự sống không phải là sở hữu, nhưng là tình yêu; không phải là ham hố, nhưng là bác ái; không phải là thừa mứa để khoe mẽ, nhưng là sự giản dị mà người ta phải bảo vệ; thật ‘không thể tuyệt vời hơn’!
Như thế, Bêlem không còn tanh tưởi và lạnh lẽo; nhưng ở đó, chúng ta ngửi thấy hương thơm và sự nồng ấm của một sự sống mới, hương thơm của giản dị đến mong manh của hài nhi Giêsu; hương thơm của nhẫn nhịn đến lặng lẽ của Giuse và Maria; hương thơm của hồn nhiên đến ngây ngất của các mục đồng. Ấy thế, đó là những con người đã lên đường! Mẹ Maria, Thánh Giuse, các mục đồng là những con người đã lên đường, và Chúa Giêsu chính là lương thực cho sự lên đường, ‘không thể tuyệt vời hơn’! Với chúng ta hôm nay, Ngài cũng muốn có một chuyển động, Ngài nóng lòng thôi thúc hai tỷ Kitô hữu trên thế giới hãy mau chóng đứng dậy và ra đi, để cũng có thể trở nên những tấm bánh bẻ ra cho người khác.
Ngày kia, một chức việc giàu có công khai trách cứ một người cha gia đình là keo kiết vì ông này đóng góp quá ít trong dịp Giáng Sinh. Hôm sau, người này đến gặp riêng ông nhà giàu và cho biết, gia đình ông đã chỉ sống bằng khoai lang và nước lã mấy tuần qua. Ông giải thích, đã hơn một năm, trước khi trở lại đạo, ông phải thanh toán nợ nần; đã trả hết cho từng chủ nợ. Ông nói, “Chúa Kitô đã biến tôi thành một người lương thiện”; “Vì thế, tôi chỉ có thể dâng một ít của lễ như một người đã cố hoà nhập với những hàng xóm lương dân của mình và cho họ thấy ân sủng Chúa có thể làm gì trong trái tim của một người đã từng bất lương”. Nghe thế, trái tim ông nhà giàu quặn thắt, vô cùng hối hận và ông đã ký một tấm check lớn cho người cha tân tòng; sau đó, ông nhà giàu đã bán mọi sự và làm nhà bảo trợ của một viện tế bần, ‘không thể tuyệt vời hơn’!
Anh Chị em,
Tạ ơn Thiên Chúa đã ban cho chúng ta chính Con Một Người, Ngài là hiện thân đích thực của tình yêu Thiên Chúa. Chính tình yêu đã khiến Ngài hiến thân làm bánh nuôi sống chúng ta mỗi ngày trên dương thế. Thật ‘không thể tuyệt vời hơn’! Nhờ của nuôi ấy, giờ đây, Ngài đang mời gọi chúng ta như đã mời ông nhà giàu trên, “Chính anh em hãy cho họ ăn!”. Không phải ai khác, chúng ta hãy cho họ ăn ‘chính bản thân mình’ như Chúa Giêsu đã cho. Điều này có nghĩa là, chúng ta cống hiến tất cả bằng tình yêu như Chúa Giêsu đã cống hiến.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, xin cho con luôn trở nên tấm bánh bẻ ra cho anh em con; cho con dám yêu thương hiến mình như Chúa. Chính Chúa sẽ làm cho những gì ít ỏi của con góp phần để anh em con bớt khổ đau, và quan trọng hơn, được cứu độ đời đời. Thật ‘không thể tuyệt vời hơn’!”, Amen.
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế
SUY NIỆM:
Bắt đầu ca khúc “Tình Yêu Trên Dòng Sông Quan Họ”, tác giả có đặt ra câu hỏi: “Tình yêu có từ nơi đâu?”.
Tình yêu đến từ đâu? mà sao nó quá diệu kỳ, bởi nó đưa ta đi từ cung bậc cảm này đến cung bậc cảm xúc khác. Có khi nó làm cho tâm hồn ta êm đềm như dòng sông Quan Họ, và diệu dàng như cô Tấm thảo hiền. Nhưng lắm khi nó cũng dấy lên trong lòng ta những cơn sóng của giận dỗi và bối rối. Cũng có lúc nó làm nhói lòng ta vì lưu luyến, nhớ nhung … Vậy nó đến từ nơi đâu? Tác giả ca khúc này cho biết tình yêu ấy đến từ “nơi anh” và “nơi em”.
Đồng ý! tình yêu đến từ nơi anh và nơi em. Nhưng nếu hỏi thêm: ai là người đặt để thứ tình yêu diệu kỳ ấy nơi anh và nơi em? Thì có lẽ mỗi người sẽ có những câu trả lời khác nhau.
Riêng thánh Gioan, trong bài đọc 1 hôm nay thì cho biết: tình yêu ấy khởi nguồn từ TC “Thiên Chúa là Tình Yêu.”(1Ga 4, 8). Nên tình yêu có từ nơi Thiên Chúa. Chính Người đã đặt để tình yêu ấy vào trong tâm hồn của mỗi chúng ta, từ khi tạo dựng con người. Nên ơn gọi cao quý nhất nơi con người vẫn là yêu thương. Nhưng vì tội lỗi của nguyên tổ đã làm méo mó đi khuôn mặt của tình yêu đích thực. Để chấn chỉnh lại tình yêu ấy, Con Thiên Chúa đã xuống thế làm người đã sống và dạy chúng ta con đường tìm về tình yêu đích thực, như Chúa yêu. Yêu như Chúa yêu là:
– Luôn đi bước trước: “không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta”.
– Là sẵn sàng trao ban tất cả: “Thiên Chúa đã sai Con Một đến thế gian để nhờ Con Một của Người mà chúng ta được sống”.
– Là dám hy sinh chết thay cho người mình yêu: “Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta”.
– Tin mừng hôm nay còn cho biết: Yêu như Chúa là biết động lòng thương khi nhìn thấy dân chúng bơ vơ như chiên không người chăn mà sẵn sàng hy sinh phục vụ nhu cầu chính đáng của họ. Nên Chúa Giêsu bắt đầu dạy dỗ và làm phép lạ hóa bánh ra nhiều để nuôi sống họ. Tình yêu của Chúa là một tình yêu quan tâm và chăm sóc cách toàn vẹn con người, cả hồn lẫn xác.
Cảm nhận được tình yêu của Thiên Chúa nên thánh Gioan tha thiết mời gọi: “chúng ta hãy yêu thương nhau, vì tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa” (1Ga 4,7).
Xin cho chúng ta luôn biết yêu thương nhau như Chúa đã yêu chúng ta, bằng cách: luôn đi bước trước trong tình yêu, biết quan tâm chia sẻ vui buồn với mọi người và sẵn sàng hy sinh phục vụ những ai đang gặp khó khăn với tình yêu chân thành. Nhờ đó ta mới xứng đáng với tình yêu của Thiên Chúa và trở nên con thảo của Người.
Lm Seoka
SUY NIỆM: BỮA TIỆC THÁNH
Suốt cả ngày, Đức Giêsu đã dạy dỗ, an ủi và chữa lành bệnh tật cả về tinh thần lẫn thể xác cho đám đông dân chúng. Người yêu thương đoàn dân như bầy chiên không có người chăn dắt. Và khi chiều đến, Người đã làm phép lạ cho bánh hoá ra nhiều, để “ai nấy đều được ăn và được no nê” (Mc 6,42).
Qua phép lạ được đề cập trong Tin Mừng Mátthêu, Đức Giêsu cho thấy một dấu chỉ tiên trưng về lương thực đích thật mà Người sẽ thết đãi nhân loại trong bữa tiệc Thánh Thể. Sở dĩ, Bí tích Thánh Thể được ví như là bữa ăn, nhưng không giống với các bữa ăn thông thường, mà là tiệc thánh. Thế nên, khi cử hành Thánh Thể cần làm nổi bật lên khía cạnh cộng đoàn tập họp với nhau để cùng tham dự tiệc thánh, nơi đó có những biến cố siêu việt diễn ra. Thật vậy, nơi bữa tiệc thánh này, không chỉ có sự biến đổi bánh và rượu trở nên Mình và Máu Chúa Kitô, nhưng còn là bữa ăn gắn với sự tha thứ, sự hiện diện đích thật của Chúa với dân của Người.
Quả thực, phép lạ hoá bánh ra nhiều hướng nhân loại tới Bí tích Thánh Thể, bởi tự nơi Bí tích này, Đức Giêsu thiết lập để hiện tại hoá cuộc hiến tế của Người trên đồi Calvê, nhằm cho con người được sống và được nuôi dưỡng cách sung mãn bằng chính thân mình Người. Tựa như lời của thánh Gioan Kim Khẩu: “Anh em hãy để tâm suy nghĩ về vinh dự khi anh em được cất nhắc lên đồng bàn tham dự tiệc thánh. Điều mà các thiên thần run sợ khi chiêm ngắm Ánh Huy Hoàng chói lọi, Đức Kitô lại ban cho chúng ta làm của ăn, bằng mọi cách, Người lấy chính Máu Mình nuôi dưỡng chúng ta, Người kết hợp chúng ta với Người, để chúng ta được hợp cùng Đức Kitô và hiệp nhất cùng nhau như một thân mình và một xác vậy.”
Lạy Chúa, xin đốt lên trong chúng con ngọn lửa kính mến và lòng khát khao được kết hiệp cùng Chúa Giêsu Thánh Thể, hầu sức sống mới luôn chứa chan và bình an hằng tuôn tràn trong cuộc đời chúng con. Amen.
Tu sĩ Giuse Hoàng Văn Bình, SVD