THỨ HAI TUẦN I THƯỜNG NIÊN
Mc 1,14-20
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mác-cô.
14Sau khi Gio-an bị bắt, Chúa Giê-su sang xứ Ga-li-lê-a, rao giảng Tin Mừng của nước Thiên Chúa. 15Người nói: “Thời giờ đã mãn và nước Thiên Chúa đã gần đến; anh em hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng”.
16Ðang lúc đi dọc theo bờ biển Ga-li-lê-a, Người thấy Si-mon và em là An-rê đang thả lưới xuống biển, vì các ông là những người đánh cá. 17Chúa Giê-su bảo các ông: “Hãy theo Ta, Ta sẽ làm cho các ngươi trở thành những kẻ chài lưới người”. 18Lập tức bỏ lưới, các ông theo Người. 19Ði xa hơn một chút nữa, Người thấy Gia-cô-bê con ông Giê-bê-đê và em là Gio-an đang xếp lưới trong thuyền. 20Người liền gọi các ông. Hai ông bỏ cha là Giê-bê-đê ở lại trên thuyền cùng với các người làm công, và đi theo Người.
SUY NIỆM: SỐNG ĐÚNG ƠN KÊU GỌI
Bắt đầu bước vào mùa Thường Niên, phụng vụ lời Chúa mời gọi chúng ta hãy cùng với Chúa Giêsu bước đi trên con đường rao giảng Nước Trời. Và việc Chúa Giêsu tuyển chọn 4 môn đệ đầu tiên trong bài Tin mừng hôm nay, cho thấy con người thật diễm phúc, vì được Chúa cho cộng tác vào công trình cứu độ mà Ngài đang thực hiện.
Phêrô, Anrê, Gioan và Giacôbê, những người ngư phủ đậm chất tình ấy đã nhanh chóng đáp lại lời mời gọi của Chúa Giêsu. Tuy các ngài không nổi bật về khả năng hay tài nghệ, nhưng đã vượt trội về sự nhiệt thành và lòng trung thành.
Thưa anh chị em, không riêng gì các tông đồ năm xưa, hôm nay Chúa vẫn đang gọi mời mỗi người chúng ta cộng tác với Ngài trong việc xây dựng và mở mang nước Chúa tại trần gian này.
Thật là 1 nghĩa cử đức tin tuyệt đẹp, khi có rất nhiều anh chị em sẵn sàng đáp lại tiếng Chúa mời gọi, để cộng tác với Giáo Hội và với Giáo xứ trong những phận vụ khác nhau, và đã hăng say nhiệt thành trong việc phục vụ nhà Chúa. Xin được bày tỏ lòng tri ân và tán dương đến tất cả những anh chị em đó.
Tuy nhiên, anh chị em cần hiểu điều này, trong cơ cấu tổ chức của Giáo Hội, tuy mỗi cấp, mỗi giới, mỗi ban ngành đoàn thể có những chức vụ và phận vụ riêng biệt, nhưng chúng ta cùng có chung 1 sứ mạng, đó là hy sinh phục vụ vì lợi ích chung. Do đó, chúng ta đừng quá cứng nhắc và sòng phẳng như bộ máy nhà nước: việc anh anh làm, việc tôi tôi làm; anh sai anh chịu, tôi sai tôi chịu… và cuối cùng, người chịu thiệt thòi nhất vẫn là Giáo Hội, là Giáo xứ, là cộng đoàn. Làm như thế là chúng ta vô tình biến cơ cấu phẩm trật của Giáo Hội thành guồng máy xã hội khô cứng vì thiếu tình Chúa và thiếu tình người.
Thánh Phaolô từng nhắc nhở chúng ta như sau, tuy mỗi người là một chi thể, một bộ phận khác nhau; nhưng có chung một thân thể là Đức Kitô. Vậy, chẳng lẽ chúng ta lại muốn Đức Kitô bị chi năm xẻ bảy hay sao?
Còn những anh chị em không nằm trong Hội đồng mục vụ, và cũng không là thành viên của bất kì đoàn thể nào, anh chị em hãy nhớ rằng, Chúa mời gọi anh chị em phục vụ cách khác. Có thể Chúa không mời gọi anh chị em vào ban điều hành giáo xứ, ban điều hành các giáo họ, hay ban trị sự các giới các đoàn thể. Nhưng Chúa mời gọi ngay chính trong lòng anh chị, để mỗi người tự nguyện phục vụ mà không cần phải phân công hay cắt cử.
Giáo xứ đang rất cần đến sự cộng tác, sự hy sinh và lòng nhiệt thành của mỗi chúng ta. Hãy hết lòng phục vụ nhà Chúa trong tinh thần hiệp nhất, đỡ nâng và tương trợ cho nhau, để cùng nhau phát triển giáo xứ và mở mang Giáo Hội. Một khi làm được như thế, thì anh chị em mới sống đúng ơn kêu gọi mà chính Thiên Chúa tuyển chọn mỗi người chúng ta. Amen.
Lm. Antôn
SUY NIỆM: GỌI BỐN MÔN ĐỆ ĐẦU TIÊN
1. Nghe tin Gio-an bị bắt, Chúa Giê-su trở về Ga-li-lê và giảng cho mọi người biết: Nước Chúa đã gần đến. Hãy sám hối và tin theo Người… Và khi đi rao giảng dọc bờ biển, Người gặp ông Si-mon và anh là An-rê đang thả lưới. Người gọi hai ông theo Người để “lưới người ta”. Và Người cũng gặp ông Gia-cô-bê và em là Gio-an đang vá lưới. Người cũng gọi hai ông. Hai ông liền bỏ chài lưới và cha là Giê-bê-đê mà theo giúp Người.
2. Sự việc Gio-an bị tống giam trong ngục đã chấm dứt sứ vụ của ông dọn đường cho Đấng Cứu Thế. Lời đầu tiên Chúa Giê-su dùng để khai mạc sứ mệnh của Ngài là: ”Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”. Chúa Giê-su đã nối kết sám hối với Tin Mừng. Tin mừng là gì, nếu không phải là tình yêu Thiên Chúa được thể hiện qua con người của Chúa Giê-su Ki-tô.
Sa-tan phàn nàn với Chúa: “Ngài không công bằng. Nhiều tội nhân làm điều sai trái và Ngài lại đón nhận họ. Thật ra, có người trở lại sáu bảy lần và Ngài vẫn nhận. Tôi chỉ phạm một lỗi lớn mà Ngài kết án tôi đời đời”. Chúa nói: ”Đã bao giờ ngươi xin tha thứ hoặc ăn năn chưa”? (Góp nhặt)
3. Sám hối gồm hai khía cạnh. Khía cạnh tiêu cực là nhìn về dĩ vãng, về quá khứ của cuộc đời mình để xem mình đang sống đúng hay sai, còn thiếu những gì cần bổ khuyết. Sám hối còn mang khía cạnh tích cực là hướng đến tương lai, quyết tâm thay đổi cuộc đời để sống tốt đẹp hơn. Muốn được như vậy thì người sám hối phải biết trở nên khiêm tốn, trở nên bé nhỏ và đặt tất cả niềm tin vào Người Cha Nhân ái là Thiên Chúa tình yêu.
Ngoài ra, sám hối không chỉ là ý thức và hồi tưởng về tội lỗi của mình; sám hối đích thực không dừng lại ở buồn phiền, sợ hãi và thất vọng, mà là cửa ngõ tất yếu dẫn đến Tin Mừng, nghĩa là vui mừng, hoan lạc…
4. Chúa Giê-su nhìn sự việc Gio-an bị bắt giam bằng cái nhìn siêu nhiên và Người coi đó là sứ vụ dọn đường của Gio-an chấm dứt, nên Người khởi sự đi rao giảng Tin Mừng cứu độ, hòng mọi người sẽ được hưởng ơn cứu rỗi.
Để thực hiện chương trình đó, Chúa đã kêu gọi nhiều người đến cộng tác với Người trong công cuộc lớn lao này. Đúng như lời thánh Au-gút-ti-nô đã nói: ”Khi dựng nên chúng con, Chúa không cần chúng con, nhưng để cứu rỗi chúng con, Chúa cần chúng con giúp Chúa”. Chúa đã gọi các tông đồ đầu tiên trong hoàn cảnh đời thường như làm nghề chài lưới và ít chữ nghĩa, nhưng Chúa chỉ cần người ta có thiện chí và nhiệt thành theo Chúa. Nên khi gọi bốn tông đồ đầu tiên, thì “Lập tức các ông đã bỏ chài lưới mà đi theo Người” (Mc 1,18).
5. Chúa gọi các môn đệ trong những tình huống khác nhau. Qua bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta thấy ơn gọi xem ra thật bất ngờ. Mác-cô cho thấy họ đang sinh hoạt bình thường (thả lưới), bỗng Chúa đến bất ngờ và gọi các ông, và điều làm cho ta ngạc nhiên là phản ứng của họ: Họ cũng theo Chúa một cách mau mắn, cũng là một bất ngờ không kém: ”Họ liền bỏ chài lưới mà đi theo Người” (Mc 1,18). Nghe kêu là đi liền, làm như hai bên đã hẹn hò với nhau trước. Đối với loài người thì thật là bất ngờ, nhưng đối với Thiên Chúa thì không, và người ta gọi đó là Chúa quan phòng.
Cái bất ngờ thứ hai là Thiên Chúa thường chọn những con người mà người đời cho là không mấy hứa hẹn hay không còn hy vọng (Áp-ra-ham già nua tuổi tác), không mấy khả năng (những môn đệ đầu tiên là những người chài lưới), không mấy tốt lành (Mát-thêu là ngươi thu thuế). Hình như Thiên Chúa không theo tiêu chuẩn của loài người: chọn những người có tài có đức, có triển vọng tương lai. Việc Chúa làm thật bất ngờ!
6. Truyện: Chúa làm những việc không thể ngờ.
Trong dịp lễ nhậm chức của Đức Tổng Gio-an Bao-ti-xi-ta Phạm Minh Mẫn người ta đọc được bài thơ này:
Khi Thiên Chúa cần một người cha cho dân của mình, Người chọn một cụ già,
Thế là Abraham đứng lên.
Thiên Chúa cần một người phát ngôn, Người lại chọn một anh chàng vừa nhút nhát vừa có tật nói ngọng, Thế là Mai-sen đứng lên.
Thiên Chúa cần một thủ lãnh để hướng dẫn dân của mình, Người lại chọn một người thanh niên nhỏ nhất và yếu nhất trong nhà. Thế là Đa-vít đứng lên.
Thiên Chúa cần một tảng đá làm nền cho ngôi nhà Giáo hội, Người đã chọn một anh chối đạo. Thế là Phê-rô đứng lên.
Thiên Chúa cần một khuôn mặt để diễn tả tình Người cho nhân thế, Người lại chọn một cô gái điếm. Đó là Ma-ri-a Ma-đa-lê-na.
Thiên Chúa cần một chứng nhân để hô vang sứ điệp của mình, Người lại chọn một kẻ bắt đạo. Đó là Phao-lô gốc thành Tác-sô.
Thiên Chúa cần một ai đó để dân Người được qui tụ và đi đến với những người khác,
Người đã chọn ngươi. Cho dù run sợ, lẽ nào ngươi không đứng lên đáp lại lời Người.
Lm Giu-se Đinh Lập Liễm
SUY NIỆM: DỨT KHOÁT
“Hãy theo Thầy” chính là lời mời gọi đầy yêu thương, trìu mến của Đức Giêsu dành cho các môn đệ. Nhưng sự đáp trả: “Xin theo Thầy” chính là thể hiện thái độ dứt khoát của các ông cũng không kém phần tin yêu với Đấng đã yêu thương mình trước.
Hôm nay, Kinh Thánh thuật lại việc Đức Giêsu đi dọc biển hồ Galilê, Ngài thấy các ông Simon và Anrê đang quăng lưới xuống biển, rồi đi xa hơn chút nữa, Ngài thấy Giacôbê và Gioan đang vá lưới trong thuyền, cùng một mẫu số chung, Ngài cất tiếng mời gọi các ông: “Hãy theo Tôi”. Ngay lập tức, các ông bỏ mọi sự để đi theo Ngài.
Sự dứt khoát của các ông cho thấy họ đã tìm được kho tàng, chân lý, lẽ sống đích thực là chính Chúa. Các ông cũng khám phá ra lý tưởng của cuộc đời. Vì thế, các ông đành mất hết và coi mọi sự là rơm rác so với mối lợi tuyệt vời là được biết Đức Kitô, Chúa của các ông. Từ đây, các ông được sống cùng và sống với Đấng là đường, là sự thật và là sự sống. Thật là hạnh phúc cho bốn môn đệ đầu tiên này!
Đến lượt chúng ta, mỗi người cũng được Chúa gọi rất nhiều lần trong cuộc đời! Ngài gọi chúng ta qua lương tâm, qua các dấu chỉ, qua những sự kiện, biến cố, qua những người này hay người kia...
Ngài mời gọi chúng ta thi hành bác ái, yêu thương người nghèo, từ bỏ con đường tội lỗi, hoán cải, sống công chính và trung thành với đức tin... Tuy nhiên, nhiều khi chúng ta đã không nhạy bén đủ, hay cũng có những lúc chúng ta không muốn đáp lại lời mời gọi đó và viện cớ đủ mọi lý do để khước từ.
Như vậy, chúng ta không lạ gì khi Lời Chúa hằng ngày vẫn đọc, nhưng Lời ấy không hề ăn nhập gì với cuộc sống của mỗi chúng ta! Và lẽ tất nhiên, chúng ta vẫn trơ trọi như cây không sinh trái mà thôi.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho tâm hồn chúng con khao khát Chúa, để chúng con nhạy bén nhận ra tiếng Chúa gọi và can đảm đi theo Chúa như các Tông đồ khi xưa. Amen.
Ngọc Biển SSP
SUY NIỆM: SÁM HỐI VÀ TIN VÀO TIN MỪNG
Trong sưu tập về các thánh ẩn tu trong sa mạc, có kể giai thoại như sau: Có hai tội nhân quyết tâm vào sa mạc để ăn chay đền tội. Nguyên một năm ròng rã, mỗi người giam mình trong một túp lều riêng, ngày đêm ăn chay, cầu nguyện và đánh tội. Ngày ngày các tu sĩ của cộng đoàn nọ đem thức ăn đến tận căn lều riêng cho từng người. Sau đúng một năm thử thách, các tu sĩ nhận thấy có sự khác biệt giữa hai người: một người thì vui vẻ, khỏe mạnh; một người thì ốm o buồn phiền. Cả hai đến trình diện trước Bề Trên cộng đoàn để chờ xem họ có xứng đáng được gia nhập cộng đoàn hay không. Khi được hỏi suốt một năm qua, họ đã suy niệm về những gì.
Người ốm o buồn sầu cho biết:
- Trong năm qua, ngày ngày tôi nhớ lại những tội đã phạm, từng giây từng phút tôi nhớ đến những hình phạt sẽ gánh chịu, tôi sợ hãi đến mất ăn mất ngủ.
Ðến lượt mình, người vui vẻ khỏe mạnh trả lời:
- Suốt một năm qua, từng giây từng phút, tôi hằng cảm tạ Chúa vì đã tha thứ cho tôi: tôi luôn nghĩ tới tình yêu của Ngài.
Các tu sĩ trong cộng đoàn rất cảm kích trước tâm tình của người vui tươi khỏe mạnh vì lòng sám hối của anh đã biến thành lời ca cảm tạ tri ân tình yêu Chúa.
Sám hối là khởi đầu của sự nên thánh. Dĩ nhiên, không phải tất cả những vị thánh đều bắt buộc phải là những tội nhân, nhưng tất cả đều phải bắt đầu với ý thức về tội lỗi và sự yếu hèn của mình. Càng ý thức về con người tội lỗi, bất toàn của mình, con người càng cảm nhận được tình yêu của Chúa. Ðó là cảm nhận của vua Ðavít, của thánh Phêrô, của thánh Augustinô và của tất cả các vị đại thánh trong lịch sử Giáo Hội.
Lời đầu tiên Chúa Giêsu dùng để khai mạc sứ mệnh của Ngài chính là: "Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng". Chúa Giêsu đã nối kết sám hối với Tin Mừng. Tin Mừng là gì, nếu không phải là tình yêu Thiên Chúa được thể hiện qua con người Chúa Giêsu Kitô. Sám hối không chỉ là ý thức và hồi tưởng về tội lỗi của mình; sám hối đích thực không dừng lại ở buồn phiền, sợ hãi và thất vọng, mà là ngõ tất yếu dẫn đến Tin Mừng, nghĩa là vui mừng, hoan lạc.
Thiên Chúa mà Chúa Giêsu mạc khải qua cuộc sống và nhất là qua cái chết của Ngài, là một người Cha muốn được con cái yêu mến hơn là sợ hãi. Ðạo mà Chúa Giêsu thiết lập không phải là đạo của buồn phiền, của khổ đau, nhưng là đạo của Tin Mừng, của tình yêu, của hân hoan và hy vọng. Ðành rằng Thập giá là biểu tượng của Kitô giáo, nhưng người Kitô hữu không dừng lại ở chết chóc, khổ đau, buồn phiền; trái lại họ luôn được mời gọi để nhìn thấy ánh sáng, hy vọng, tin yêu và sự sống bên kia Thập giá.
Ước gì Lời Chúa hôm nay ban sức sống để chúng ta không bị đè bẹp dưới sức nặng của tội lỗi, của yếu hèn. Xin cho chúng ta luôn tiến bước trong hân hoan và tin tưởng, vì biết rằng Thiên Chúa là Cha yêu thương, không ngừng nâng đỡ và tha thứ cho chúng ta.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
SUY NIỆM: ĐƯỢC CHÚA CHỌN GỌI
Cách thức chọn gọi môn đệ của Đức Giêsu khiến cho con người thời nay không khỏi ngạc nhiên. Thật vậy, Thiên Chúa luôn có cách thức riêng của Người. Và Lời Chúa hôm nay minh chứng cho điều đó khi thuật lại cho chúng ta việc Đức Giêsu kêu gọi bốn môn đệ đầu tiên.
Đó là “ông Simôn với người anh là ông Anrê” và “ông Giacôbê cùng người em là ông Gioan” (Mc 1,16.19). Họ không phải là những người tài năng, học thức cũng chẳng có địa vị cao trong xã hội Do Thái bấy giờ. Tin Mừng cho ta thấy chân dung của họ:“họ đang quăng lưới xuống biển, vì họ làm nghề đánh cá” (Mc 1,16). Thật vậy, họ chỉ là những ngư phủ tầm thường nơi vùng quê nghèo, ít học và chẳng có gì nổi trội.
Điều đó cho thấy phẩm chất, tài năng hay địa vị không phải là lý do hay tiêu chuẩn chọn gọi của Đức Giêsu, nhưng Người chọn gọi họ vì tình thương. Bản thân họ đầy những sự kém cỏi, giới hạn và bất toàn. Dẫu vậy, Đức Giêsu chọn gọi để họ được cộng tác vào một sứ vụ hết sức lớn lao, đó là phục vụ công trình cứu độ của Thiên Chúa. Đó thật là một hạnh phúc dường bao cho những người môn đệ. Vì thế, ngang qua Tin Mừng hôm nay, mỗi người được thúc bách nhìn lại lời mời gọi của Thiên Chúa trong cuộc đời của mình. Được chọn gọi không phải vì những ưu phẩm của bản thân nhưng đó là ân ban nhưng không của Thiên Chúa. Do đó, con người cần khiêm tốn nhìn nhận mình, không ngừng dâng lời tạ ơn Thiên Chúa, đồng thời can đảm dấn thân cho Người, Đấng đã mời gọi chúng ta tiến bước.
Lạy Chúa, không ít lần chúng con đã do dự trước lời mời gọi của Người. Xin cho chúng con biết nhận ra và quảng đại hiến dâng cuộc đời để làm nhân chứng cho Chúa ngay giữa lòng nhân thế hôm nay. Amen.
Tu sĩ Giuse Nguyễn Văn Đạt, SVD