Ngày thứ tư trong tuần Bát Nhật Giáng Sinh – Thánh Anh Hài tử đạo. Lễ kính.
"Hêrôđê giết hết các con trẻ ở Bêlem".
LỜI CHÚA: Mt 2, 13-18
Khi các đạo sĩ ra đi, thiên thần Chúa hiện ra với ông Giuse trong lúc ngủ và bảo ông: "Hãy thức dậy, đem Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập, và ở đó cho tới khi tôi báo lại ông, vì Hêrođê sắp sửa tìm kiếm Hài Nhi để sát hại Người". Ông thức dậy, đem Hài Nhi và mẹ Người lên đường trốn sang Ai-cập đang lúc ban đêm. Ông ở lại đó cho tới khi Hêrođê băng hà, hầu làm trọn điều Chúa dùng miệng tiên tri mà phán rằng: "Ta gọi con Ta ra khỏi Ai-cập".
Bấy giờ Hêrođê thấy mình bị các đạo sĩ đánh lừa, nên nổi cơn thịnh nộ và sai quân đi giết tất cả con trẻ ở Bêlem và vùng phụ cận, từ hai tuổi trở xuống, tính theo thời gian vua đã cặn kẽ hỏi các đạo sĩ. Thế là ứng nghiệm lời tiên tri Giêrêmia đã nói: Tại Rama, người ta nghe tiếng khóc than nức nở, đó là tiếng bà Rakhel than khóc con mình, bà không chịu cho người ta an ủi bà, vì các con bà không còn nữa.
Suy Niệm 1: Khóc thương con mình
Suy niệm :
Trong tuần Bát Nhật Giáng Sinh, một thời gian rất vui,
chúng ta cũng nhớ đến cái chết của các Thánh Anh Hài.
Không rõ đã có bao nhiêu trẻ thơ bị giết bởi vua Hêrôđê Cả.
Vị vua này điên cuồng bảo vệ ngôi báu nên đã giết nhiều người,
trong số đó có người vợ Do Thái và ba con trai của ông.
Đối với ông, việc sát hại trẻ thơ ở Belem chỉ là chuyện nhỏ.
Trước khi giết các bé trai ở Belem, vua đã muốn giết Hài Nhi Giêsu.
Nhưng Thiên Chúa có cách bảo vệ cho Con của Ngài.
Giuse vẫn là người đứng mũi chịu sào trong cơn nguy khó.
Sứ thần báo mộng cho ông, để ông đưa Hài Nhi và Mẹ trốn qua Ai Cập.
Khi được báo, ông đã trỗi dậy giữa đêm khuya và lên đường.
Cuộc trốn chạy vội vã trong đêm với những lo sợ, thiếu thốn, vất vả.
Ngay từ khi chào đời, Đức Giêsu đã bị đe dọa, phải sống xa quê nhà.
Đấng đem đến ơn cứu độ lại cần được cứu.
Đau khổ và thập giá đã có mặt ngay từ khi Vầng Dương ló rạng.
Biết Hài Nhi Giêsu đã trốn thoát, vua Hêrôđê nổi cơn thịnh nộ,
vì thấy mình bị mắc lừa bởi các nhà Đạo sĩ.
Ông bực tức ra lệnh giết các bé trai dưới hai tuổi ở Belem.
Tiếng khóc của trẻ thơ và của các bà mẹ vang lên như oán than.
Có ai còn nghe tiếng hát cao vút của các thiên thần?
Cái chết của Các Thánh Anh Hài là cái chết đặc biệt,
cái chết của những nạn nhân bé bỏng, vô tội, chưa có ý thức và tự do.
Cái chết của những người chưa biết nói, chưa có lòng tin vào Giêsu.
Nhưng đây là cái chết vì Đức Giêsu, nên thực sự là cái chết tử đạo.
Có bao nhiêu cái chết như thế trên thế giới mỗi ngày.
Cái chết không tự nguyện, không tiếng nói phản kháng.
Cái chết làm bằng chứng về một giá trị quan trọng bị chối bỏ.
Cái chết ấy có thể đưa người ta về với Giêsu.
Thế giới hôm nay vẫn có bao trẻ thơ chết vì bị giết.
Có những trẻ thơ chết trong lòng mẹ,
chết vì nghèo đói, vì chiến tranh, vì bệnh tật.
Có những trẻ em phải nghỉ học để đi làm, bị bóc lột bởi chủ nhân.
Có những em bị lạm dụng, bị bỏ rơi, tuổi thơ bị cướp mất.
Nơi những em này, ta thấy hình bóng của Các Thánh Anh Hài,
và thấy cả khuôn mặt của Hài Nhi Giêsu ngây thơ.
Xúc phạm đến trẻ thơ là xúc phạm đến chính Thiên Chúa.
Thánh Giuse và Mẹ Maria đã bảo vệ Hài Nhi Giêsu an toàn tại Ai Cập.
Ai sẽ bảo vệ những trẻ em hôm nay khỏi bao tấn công của cái xấu?
Ai sẽ làm gương sáng để các em còn hy vọng?
Vẫn có những tiếng khóc của các bà mẹ, vì con bị giựt khỏi tay mình.
Lễ Giáng Sinh và lễ các Thánh Anh Hài là lễ của trẻ thơ.
Chăm sóc cho trẻ thơ hiện tại là cách xây dựng tốt nhất cho tương lai.
Xin Chúa cho chúng ta dám làm một điều gì đó cho các em.
Cầu nguyện :
Lạy Cha nhân ái, từ trời cao,
xin Cha nhìn xuống
những gia đình sống trên mặt đất
trong những khu ổ chuột tồi tàn
hay biệt thự sang trọng.
Xin thương nhìn đến
những gia đình thiếu vắng tình yêu
hay thiếu những điều kiện vật chất tối thiểu,
những gia đình buồn bã vì vắng tiếng cười trẻ thơ
hay vất vả âu lo vì đàn con nheo nhóc.
Xin Cha nâng đỡ những gia đình đã thành hỏa ngục
vì chứa đầy dối trá, ích kỷ, dửng dưng.
Lạy Cha, xin nhìn đến những trẻ em trên thế giới,
những trẻ em cần sự chăm sóc và tình thương
những trẻ em bị lạm dụng, bóc lột, buôn bán,
những trẻ em lạc lõng bơ vơ, không được đến trường,
những trẻ em bị đánh cắp tuổi thơ và trở nên hư hỏng.
Xin Cha thương bảo vệ gìn giữ
từng gia đình là hình ảnh của thánh Gia Thất,
từng trẻ em là hình ảnh của Con Cha thuở ấu thơ.
Xin Cha sai Thánh Thần Tình Yêu
đem đến hạnh phúc cho mỗi gia đình ;
nhưng xin cũng nhắc cho chúng con nhớ
hạnh phúc luôn ở trong tầm tay
của từng người chúng con. Amen.
Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.
Suy Niệm 2: Lễ Kính Các Thánh Anh Hài
"Dù một chấm một phẩy trong Kinh Thánh
cũng không bỏ qua cho đến khi tất cả được nên trọn".
Không cần phải đưa Hài Nhi ra khỏi Ai Cập, chỉ cần đi xa vài làng mạc thành phố thôi cũng đủ để thoát khỏi bàn tay sát hại của Hêrôđê, hoặc có thể khiến cho ba đạo sĩ không đi ngang qua lối ấy để vua Hêrôđê không biết. Thế nhưng để ứng nghiệm lời tiên tri như đã chép mà Chúa đã làm như vậy. Từ đó chúng ta nhớ lại đoạn Phúc Âm Chúa Giêsu đã nói: "Ai tuân giữ và dạy người khác thực hành những điều nhỏ mọn nhất trong luật Chúa thì sẽ là kẻ lớn nhất trong Nước Trời".
Chúng ta đừng hiểu theo nghĩa đen như những người biệt phái và luật sĩ ngày xưa, nhưng phải đem tinh thần của lề luật vượt lên trên hết tất cả mọi điều luật. Ðó là tình yêu khoan dung bao la tha thứ của Thiên Chúa đối với những người ăn năn hối cải quay trở về với người Cha nhân từ.
Hôm nay lễ kính các thánh Anh Hài Tử Ðạo, chúng ta nói qua về vấn đề có tội và vô tội. "Nhân vô thập toàn", không ai là hoàn toàn cả: "Tinh thần thì hăng hái, xác thịt thì nặng nề". Nhóm người cổ Hy Lạp ngày xưa cùng thời với Platon, Aristote cho thân xác là tù ngục của linh hồn là thế. Cho nên nếu chúng ta nói: "Tôi là người vô tội" thì coi chừng tôi đang lừa dối tôi đấy. Thánh Phaolô đã cảnh tỉnh chúng ta: "Khi anh em tin rằng, anh em mạnh mẽ đứng vững, anh em hãy coi chừng kẻo ngã đấy".
Trong bài Thánh Thư hôm nay, thánh Gioan Tông Ðồ có viết thêm: "Nếu chúng tôi nói rằng chúng tôi không phạm tội thì chúng tôi là kẻ kêu Ðức Giêsu Kitô là kẻ nói dối và lời của Ngài không có ở trong chúng tôi". Vì sao? Vì Ðức Kitô đến để chuộc tội cho nhân loại tội lỗi, trong đó có mỗi người trong chúng ta. Thánh Gioan còn nói rõ hơn nữa: "Chính Ðức Kitô là của lễ đền tội chúng ta, không nguyên đền tội chúng ta mà thôi nhưng còn đền tội cho cả thế gian nữa". Như thế không ai trong chúng ta là kẻ vô tội.
Lúc mới sinh ra, con người đã mang lấy tội Tổ Tông ngoại trừ Ðức Kitô là Thiên Chúa làm người, ngoại trừ Mẹ Maria được ơn Vô Nhiễm Nguyên Tội, và như Gioan Tẩy Giả được Mẹ Maria mang Chúa đến viếng thăm, dù đang ở trong bụng mẹ cũng đã nhảy mừng và thoát khỏi tội Tổ Tông, còn tất cả chúng ta đều mắc tội Tổ Tông.
Khi lớn lên tới tuổi khôn là tuổi nhận biết, phân biệt được hành vi việc làm của mình, Giáo Hội xác định là bảy tuổi, tức là chúng ta bắt đầu tới tuổi khôn, bắt đầu thêm tội mình nữa. Có một thánh nhân đã thú nhận: "Trong một ngày hai mươi bốn tiếng đồng hồ, không khỏi có năm phút sai lỗi". Tội nặng hay nhẹ tùy hai yếu tố quan trọng sau đây:
1. Lý do bởi luật buộc là nặng.
2. Do sự chú ý cố tình sai phạm khi biết đó là tội trọng.
Vậy phạm một tội trọng cũng không phải là chuyện dễ, vì phải gồm có hai yếu tố trên.
Con người tuy mang lấy bản tính yếu đuối hay sa ngã, chán nản, mỏng dòn nhưng con người được Thiên Chúa biết và thông cảm cho. Nếu trong một ngày, người anh em con phạm tội đến con và nói với con rằng: "Tôi hối hận" thì con cũng phải tha thứ cho anh em con bảy lần không?" Chúa Giêsu trả lời: "Thầy không bảo con phải tha bảy lần, nhưng là bảy mươi lần bảy, nghĩa là phải tha thứ luôn luôn".
Vì nếu chúng ta tính được tới bảy mươi lần bảy thì chúng ta đã trở thành máy móc, trở thành thói quen quán tính tha tội cho người anh em của mình mãi. Chúa đã dạy chúng ta như thế, phương chi lòng Chúa càng phải bao dung tha thứ biết bao nhiêu lần. Tội hay vô tội, vấn đề đó không quan trọng, quan trọng của vấn đề là có lòng thống hối ăn năn hay không? Ðược tha nhiều sẽ mến Chúa nhiều hơn, như Maria Madalena trong Phúc Âm đã xức dầu thơm chân Chúa, như Phanxicô Xaviê, Augustinô chẳng hạn. Từ đó, con người đam mê trong trụy lạc thời còn trai trẻ được Thiên Chúa cho giác ngộ để dấn thân theo tiếng Chúa gọi và trở nên những vị thánh nổi tiếng lừng danh trong Giáo Hội.
Lạy Chúa, trong ngày lễ kính các Thánh Anh Hài hôm nay, xin cho mỗi người chúng con ý thức được vấn đề tội lỗi và tình thương của Chúa để chúng con sống đẹp lòng Chúa hơn trong giây phút hiện tại. Amen.
(Trích trong ‘Suy Niệm Phúc Âm Hằng Ngày’ - Radio Veritas Asia)
Suy Niệm 3: Tàn sát các hài nhi
Lễ Giáng sinh trước tiên là lễ của Nhi đồng. Như Đức Gioan Phaolô II đã viết trong thư gửi các thiếu nhi trên thế giới nhân năm quốc tế gia đình: “Những gì đã xảy ra cho Hài nhi Giêsu ở Belem cũng xảy ra cho các trẻ em trên khắp thế giới. Có biết bao trẻ em đang là nạn nhân của đói khổ, của chiến tranh, đang bị cha mẹ bỏ rơi, đang sống cảnh màn trời chiếu đất, đang đau khổ vì biết bao hình thức bạo động và gây hấn của người lớn”.
Để có một vài con số cụ thể, chúng ta chỉ cần lắng nghe báo cáo của tổ chức Nhi đồng quốc tế (UNICEF) về tình trạng trẻ em trên thế giới năm 1995 như sau: “Trong những thập niên cuối của thế kỷ 20 đang có khoảng 2 triệu trẻ em chết vì chiến tranh, từ 4 đến 5 triệu tật nguyền, hơn 5 triệu sống trong các trại tị nạn, trên 12 triệu sống cảnh không nhà không cửa”. Bản báo cáo ước tính cần phải có ít nhất 34 tỉ Mỹ kim mới có thể đảm bảo các nhu cầu về dinh dưỡng, sức khoẻ, giáo dục cho các trẻ em trên khắp thế giới.
Vài con số trên đây đặt chúng ta trước một trong những thảm trạng của thời đại, đó là sự chà đạp hay chối bỏ quyền của trẻ em. Qui ước của Liên hiệp quốc về quyền của trẻ em đã được 167 quốc gia ký tên chuẩn nhận, thế nhưng trong thực tế bao khốn khổ mà trẻ em tại những nước nghèo đang trải qua lại là một chối bỏ quyền của trẻ em. Thảm trạng đã xảy ra cho trẻ em Do thái thời Chúa Giêsu sinh ra, ngày nay cũng đang tiếp diễn trên khắp thế giới. Vấn đề trẻ em là một vấn đề chiến lược của thế giới, vấn đề trẻ em là vấn đè chính sách của quốc gia, những nhà lãnh đạo thế giới và những nhà cầm quyền trong một quốc gia phải chịu trách nhiệm trước nhân loại và dân tộc mình về thảm trạng của các thiếu nhi.
Tuy nhiên, chính những người Kitô hữu cũng cần phải ý thức rằng với tư cách là cha mẹ, là anh chị, là người thân trong gia đình, tất cả chúng ta đều là những người trước tiên có trách nhiệm đối với con em chúng ta. Thánh Giuse và Đức Maria đã lặn lội đưa Hài nhi trốn sang Ai cập, đó là điển hình của những bậc cha mẹ có trách nhiệm đối với sự sống còn của con cái. Sống cho con cái, giáo dục chúng nên người, đó là trách nhiệm hàng đầu của bậc cha mẹ.
Nguyện xin Hài nhi Giêsu mà chúng ta chiêm ngắm trong máng cỏ soi sáng hướng dẫn chúng ta trong trọng trách dưỡng dục con cái. Xin Ngài đánh động chúng ta trước thảm cảnh của biết bao trẻ em đang lâm cảnh khốn khổ chung quanh chúng ta và ban cho chúng ta tấm lòng quảng đại để góp phần xoa dịu thương đau của dân tộc mà chính các thiếu nhi phải gánh chịu.
Suy Niệm 4: QUYỀN TRẺ EM CÓ CÒN ĐƯỢC TÔN TRỌNG? (Mt 2, 13 -18)
“Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai”. Đây là quy luật mà ai cũng phải biết.
Tuy nhiên, có một sự thật đau buồn về tình trạng cuộc sống của các trẻ em hiện nay: theo thống kê của các tổ chức quốc tế, ngày nay có hàng triệu triệu trẻ em chết vì chiến tranh, tật nguyền; hay sống trong hoàn cảnh thiếu thốn tại các trại tỵ nạn và nơi các đường phố, gầm cầu... Biết bao trẻ em thất học, không được đến trường. Tệ hơn nữa là có quá nhiều trẻ em chết dưới bàn tay của chính các bậc làm cha mẹ khi họ quyết định phá thai...!
Tất cả đều do sự chểnh mảng, thiếu quan tâm, vô nhân và chối bỏ quyền của các trẻ em nơi những nhà lãnh đạo, các tổ chức và ngay cả các bậc làm cha mẹ trong các gia đình...
Thảm trạng đau buồn hiện nay của thế giới về các trẻ em cũng chính là đại họa mà các thánh Anh Hài thời Đức Giêsu phải chịu dưới sự tàn độc, ích kỷ, ghen tương của vua Hêrôđê.
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy đứng lên, tùy khả năng và trách nhiệm của mỗi người, hãy bảo vệ quyền trẻ em. Không ai được phép đứng nhìn những thảm trạng bi đát mà các trẻ em đang phải hứng chịu do nạn buôn bán, bóc lột, lạm dụng và vô lương tâm của người lớn gây nên...
Hãy ý thức vai trò và trách nhiện cao cả của thiên chức làm cha làm mẹ trong các gia đình, không bao giờ chúng ta cho phép mình có quyền trên sự sống sự chết của các trẻ em, dù các em mới là bào thai. Nên nhớ quyền đó thuộc về Thiên Chúa và không ai được phép cướp quyền của Người. Thiên Chúa luôn muốn cho con người được hạnh phúc và được sống dồi dào. Chính vì lý do đó mà Ngài đã giáng sinh để cứu chuộc con người.
Hình ảnh thánh Giuse và Đức Maria vội vã trong đêm đem Hài Nhi trốn sang Aicập đủ cho chúng ta thấy trách nhiệm của các ngài với Đức Giêsu.
Vì vậy, khi mừng lễ các thánh Anh Hài, chúng ta không gợi lại một thảm trạng buồn, nhưng đây là cơ hội để chúng ta học được bài học về tinh thần trách nhiệm, sống hết mình vì con cái như Đức Mẹ và thánh Giuse. Mặt khác, đây cũng chính là dịp để chúng ta hồi tâm nhằm nhận ra sự hờ hững, thiếu trách nhiệm trong việc nuôi nấng và giáo dục con cái. Hơn nữa, nếu có ai đó trong cộng đoàn đã một lần phá thai hay cổ vũ, tiếp tay cho tội ác tầy trời này, thì đây là thời thuận tiện để chúng ta nhận ra hình ảnh Hêrôđê ác độc qua hành vi mất nhân tính của mình để sám hối và xin ơn tha thứ cũng như biến đổi.
Lạy Chúa Giêsu Hài Đồng, xin Chúa ban cho chúng con biết ý thức vai trò và trách vụ phải có đối với các trẻ em. Xin Chúa gìn giữ và bảo vệ các trẻ em thoát khỏi những nanh vuốt của những Hêrôđê thời hiện đại khi họ khước từ quyền trẻ em.
Xin Chúa cũng ban cho có nhiều tổ chức từ thiện, nhiều tấm lòng quảng đại ra tay cứu giúp các trẻ em nhằm xoa dịu những đau thương mà các trẻ em phải gánh chịu trong xã hội hiện nay. Amen.
Ngọc Biển SSP
SUY NIỆM
1. Sự Dữ
Dưới ánh sáng của bài Tin Mừng theo thánh Mát-thêu trong ngày lễ kính các Thánh Anh Hài, điều đầu tiên chúng ta được mời gọi ghi nhận và để cho mình được đánh động, đó là sự kiện Hài Nhi Giê-su vừa mới sinh ra, nhưng đã có người tìm giết, nghĩa là đã có loại trừ, đã có bạo lực, và sâu xa hơn Sự Dữ đã tác hại:
Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập, và cứ ở đó cho đến khi tôi báo lại, vì vua Hê-rô-đê sắp tìm giết Hài Nhi đấy! (c. 13)
Và vì không làm hại ngay được Hài Nhi Giê-su, vua Hê-rô-đê đã “đùng đùng nổi giận”, và sai người giết hại nhiều em bé khác; điều này có nghĩa là bạo lực sinh ra bạo lực:
(vua Hê-rô-đê) sai người đi giết tất cả các con trẻ ở Bê-lem và toàn vùng lân cận, từ hai tuổi trở xuống, tính theo ngày tháng ông đã hỏi cặn kẽ các nhà chiêm tinh. (c. 16)
Hình ảnh đám lính vừa đông, vừa được trang bị khí giới và vừa say máu bách hại trẻ em vô tội, nhỏ bé và yếu ớt, diễn tả thật rõ ràng bản chất của Sự Dữ: đó là thú tính và giết hại vô cớ (Ga 15, 25; Tv 35, 19; 69, 5), được bày tỏ khắp nơi trong lịch sử cứu độ, trong cuộc đời của Chúa Giê-su và trong kinh nghiệm sống của chúng ta.
Và sự kiện mà bài Tin Mừng của ngày lễ Các Thánh Anh Hài thuật, lại phải đánh động chúng ta, bởi vì sự kiện này cưu mang một mặc khải rất thích hợp cho thế giới và xã hội chúng ta đang sống, liên quan đến thái độ của con người đối với sự sống và tất cả những gì liên quan đến sự sống: đó là vô cảm, gây hấn, ghen tị, giết hại, đầu độc, bạo lực, lừa dối, ham muốn, vô ơn, thiếu tôn trọng, thành tích, tôn vinh bản thân…
Và một cách đặc biệt, Lời Chúa đụng chạm đến cung cách ứng xử của loài người và của từng người chúng ta đối với các trẻ em và các thai nhi. Thật vậy, hiện nay những đe dọa của thế giới và xã hội chúng ta đang sống đối với con trẻ và rộng hơn là đối với giới trẻ cũng “nguy hại” không kém so với những thời bách hại, đặc biệt trong một cách sống và trong một nền giáo dục không tìm cách xây dựng lòng biết ơn, những điều cao quí và và lòng thương người.
* * *
Xin cho chúng ta biết noi gương Thánh Gia Thất và nhất là Thánh Cả Giuse. Bởi lẽ, trong những thử thách lớn lao này và chắc chắn trong cuộc sống và trong mọi thử thách khác của Thánh Gia, thánh nhân không làm điều khác hơn là lắng nghe và thực thi Lời Chúa. Xin cho chúng ta cũng biết như thánh Giuse, gắn bó, yêu mến và quảng đại ưng thuận trọn vẹn đối với Lời Thiên Chúa.
2. Sự Thiện
Tuy nhiên, trong cùng một biến cố bi đát nói về bạo lực và sự dữ, Lời Chúa cũng mặc khải cho chúng ta điều ngược lại, đó là bản chất đích thật của Hài Nhi, Ngôi Lời Thiên Chúa, là không dùng bạo lực chống lại bạo lực, nhưng là sự HIỀN LÀNH THẦN LINH, diễn tả Sự Thiện đích thật.
Chúng ta hãy hướng về hang đá, cụ thể là các hang đá được tái hiện cách phong phú và sáng tạo khắp nơi trong khuôn viên của Giáo Xứ, khu phố và gia đình, để chiêm ngắm “Hài Nhi bọc tã nằm trong máng cỏ” và nhận ra cảm nếm được sự âm thầm, khiêm tốn và hiền lành của chính Thiên Chúa, ngược hẳn với những gì loài người chúng ta tưởng tượng và chờ mong đối với biến cố Emmanuen, “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”.
Âm thầm, khiêm tốn và hiền lành, nhưng đó lại là sức mạnh, khôn ngoan và khuôn mặt đích thực của Thiên Chúa, có khả năng chiến thắng sự ồn ào (để kết án), ngạo mạn và bạo lực của Sự Dữ, như lời Thánh Vịnh loan báo:
Ngài cho miệng con thơ trẻ nhỏ
cất tiếng ngợi khen đối lại địch thù,
khiến kẻ thù quân nghịch phải tiêu tan. (Tv 8, 3)
Trong mầu nhiệm Giáng Sinh hướng tới và được hoàn tất bởi mầu nhiệm Thương Khó và Phục Sinh, Ngôi Lời Thiên Chúa đã trở nên như em bé và sẽ sống như em bé đến cùng, trước khi mời gọi các môn đệ và mỗi người chúng ta hôm nay trở nên như em bé: “Thầy bảo thật anh em: nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời” (Mt 18, 3; và Mc 10, 13-16; Mt 18, 13-15; Lc 18, 15-17).
Xin cho chúng ta đừng bị mê hoặc và sống theo vẻ bề ngoài, để có thể nhận ra sự hiện diện âm thầm, khiêm tốn và hiền lành của Ngôi Lời Thiên Chúa trong lịch sử nhân loại, trong thế giới chúng ta đang sống và trong cuộc đời chúng ta, và để sống căn tính đích thật và cũng là ơn gọi của chúng ta, là trở nên “em bé”, trong tương quan với bản thân, với Chúa và với nhau.
3. Lòng Thương Xót
Kẻ thù tìm giết một hài nhi, rồi tàn sát các hài nhi khác. Điều này thật khủng khiếp. Nhưng ngày nay có một điều còn khủng khiếp hơn, người thân yêu nhất của hài nhi hay thai nhi, hay những người có sứ mạng chăm sóc hài nhi hay thai nhi, tự biến mình thành “kẻ thù” của bé thơ.
Trước thực tại đau lòng này, chúng ta dựa vào đâu để có sức mạnh chịu đựng và dựa vào đâu để vẫn có thể hi vọng, nếu không phải là nơi tình yêu và LÒNG THƯƠNG XÓT nhưng không của Thiên Chúa, bày tỏ cho chúng ta nơi mầu nhiệm Giáng Sinh và nhất là nơi Đức Ki-tô chịu đóng đinh (Rm 8, 37-39)? Giáo Hội của chúng ta đã nhận ra tình yêu nhưng không này của Thiên Chúa, khi tôn phong các hài nhi bị giết hại, gọi các vị là các Thánh Anh Hài, và dành một ngày đặc biệt để tôn kính, là ngày lễ hôm nay.
Trong bài Tin Mừng, một cách cụ thể, LÒNG THƯƠNG XÓT của Thiên Chúa được bày tỏ qua sự kiện Lời Kinh Thánh vẫn cứ được ứng nghiệm:
Để ứng nghiệm lời Chúa phán xưa qua miệng ngôn sứ:
Ta đã gọi con Ta ra khỏi Ai-cập. (c. 15)
Và trong bài đọc 2 của Thánh Lễ hôm nay, Thánh Gioan Tông Đồ nói: “Chính Đức Giê-su Ki-tô là của lễ đền bù tội lỗi chúng ta, không những tội lỗi chúng ta mà thôi, nhưng còn tội lỗi cả thế gian nữa.” (1Ga 2, 2)
Điều này có nghĩa là Sự Dữ không những không thể ngăn cản, mà còn bị Thiên Chúa dùng, để làm cho kế hoạch cứu độ đi đến cùng.
* * *
Xin tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa, là ánh sáng và chỉ là ánh sáng (x. 1Ga 1, 5), được tỏ bày cho loài người tội lỗi chúng ta nơi Đức Ki-tô chịu đóng đinh, cũng được ban cho các em bé và thai nhi chịu ngược đãi và giết hại trong thời đại của chúng ta, như đã được ban cho các Thánh Anh Hài.
Xin cho chúng ta được quảng đại hơn nữa trong sứ mạng bảo vệ và phục vụ cho sự sống, bởi vì Thiên Chúa là nguồn sự sống và là sự sống viên mãn mà chúng ta hướng về.
Và xin cho Gia Đình, Cộng Đoàn và Giáo Xứ thân yêu của chúng ta, với ân sủng và tình yêu của Chúa, trở thành dấu chúng sống động của LÒNG XÓT ngang qua những sứ vụ giới hạn và nhỏ bé phục vụ cho sự sống của mình.
Mùa Giáng Sinh 2019
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
Friday (December 28): “Rachel weeping for her children”
Scripture: Matthew 2:13-18 13 Now when they had departed, behold, an angel of the Lord appeared to Joseph in a dream and said, “Rise, take the child and his mother, and flee to Egypt, and remain there till I tell you; for Herod is about to search for the child, to destroy him.” 14 And he rose and took the child and his mother by night, and departed to Egypt, 15 and remained there until the death of Herod. This was to fulfill what the Lord had spoken by the prophet, “Out of Egypt have I called my son.” 16 Then Herod, when he saw that he had been tricked by the wise men, was in a furious rage, and he sent and killed all the male children in Bethlehem and in all that region who were two years old or under, according to the time which he had ascertained from the wise men. 17 Then was fulfilled what was spoken by the prophet Jeremiah: 18 “A voice was heard in Ramah, wailing and loud lamentation, Rachel weeping for her children; she refused to be consoled, because they were no more.” |
Thứ Sáu 28-12 Bà Rakhen khóc thương con cái mình
Mt 2,13-18 13 Khi các nhà chiêm tinh đã ra về, thì sứ thần Chúa hiện ra báo mộng cho ông Giu-se rằng: “Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập, và cứ ở đó cho đến khi tôi báo lại, vì vua Hê-rô-đê sắp tìm giết Hài Nhi đấy! “14 Ông Giu-se liền trỗi dậy, và đang đêm, đưa Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập.15 Ông ở đó cho đến khi vua Hê-rô-đê băng hà, để ứng nghiệm lời Chúa phán xưa qua miệng ngôn sứ: Ta đã gọi con Ta ra khỏi Ai-cập.16 Bấy giờ vua Hê-rô-đê thấy mình bị các nhà chiêm tinh đánh lừa, thì đùng đùng nổi giận, nên sai người đi giết tất cả các con trẻ ở Bê-lem và toàn vùng lân cận, từ hai tuổi trở xuống, tính theo ngày tháng ông đã hỏi cặn kẽ các nhà chiêm tinh.17 Thế là ứng nghiệm lời ngôn sứ Giê-rê-mi-a:18 “Ở Ra-ma, vẳng nghe tiếng khóc than rền rĩ: tiếng bà Ra-khen khóc thương con mình và không chịu để cho người ta an ủi, vì chúng không còn nữa. |
Meditation: Who can explain suffering, especially the suffering of innocent children? Herod’s massacre of children who gave their lives for a person and a truth they did not know seemed so useless and unjust. What a scandal and stumbling block for those who can’t recognize God’s redeeming love. Why couldn’t God prevent this slaughter? Suffering is indeed a mystery. No explanation seems to satisfy our human craving to understand.
First martyrs for Christ These innocent children who died on Christ’s behalf are the first martyrs who shed their blood for Jesus Christ. Suffering, persecution, and martyrdom are the lot of all who chose to follow Jesus Christ. There is no crown without the cross. It was through Jesus’ suffering, humiliation, and death on a cross, that our salvation was won. His death won life – eternal life for us. And his blood which was shed for our sake obtained pardon and reconciliation with our heavenly Father. Suffering can take many forms – illness, disease, handicap, physical pain and emotional trauma, slander, abuse, poverty, and injustice. Paul the Apostle states: We know that in everything God works for good with those who love him, who are called to his purpose (Romans 8:28)? Jesus exclaimed that those who weep, who are reviled and persecuted for righteousness sake are blessed (Matthew 5:10-12). The word blessed [makarios in the Greek] literally means happiness or beatitude. It describes a kind of joy which is serene and untouchable, self-contained and independent from chance and changing circumstances of life. Supernatural joy in the face of suffering There is a certain paradox for those blessed by the Lord. Mary was given the blessedness of being the mother of the Son of God. That blessedness also would become a sword which pierced her heart as her Son died upon the cross. She received both a crown of joy and a cross of sorrow. But her joy was not diminished by her sorrow because it was fueled by her faith, hope, and trust in God and his promises. Jesus promised his disciples that “no one will take your joy from you” (John 16:22).
The Lord gives each of us a supernatural joy which enables us to bear any sorrow or pain and which neither life nor death can take way. Do you know the joy of a life fully given over to God with faith and trust?
“Lord Jesus, you gave your life for my sake, to redeem me from slavery to sin and death. Help me to carry my cross with joy that I may willingly do your will and not shrink back out of fear or cowardice when trouble besets me.” |
Suy niệm:
Ai có thể giải thích được sự đau khổ, đặc biệt sự đau khổ của những trẻ em vô tội? Cuộc tàn sát các trẻ em của vua Hêrôđê, những trẻ em dâng hiến mạng sống của mình cho một người và cho sự thật mà chúng không biết, dường như quá vô dụng bất công. Thật là một chướng ngại và tai tiếng cho những ai không thể nhận ra tình yêu cứu độ của Thiên Chúa. Tại sao Thiên Chúa không thể ngăn cản cuộc tàn sát này? Đau khổ quả thật là một mầu nhiệm. Không một giải thích nào xem ra có thể làm thỏa mãn được lòng khao khát hiểu biết của con người. Các vị tử đạo đầu tiên vì Đức Kitô Những trẻ em vô tội này đã chết thay cho Đức Kitô là những vị tử đạo đầu tiên vì Đức Kitô. Đau khổ, ngược đãi, và tử đạo là số phận của tất cả những ai chọn lựa bước theo Đức Giêsu Kitô. Không có triều thiên nếu không có thánh giá. Chính ngang qua sự đau khổ, nhục nhã, và cái chết trên thập giá của ĐG, mà chúng ta được ơn cứu rỗi. Cái chết của Người đem lại sự sống, sự sống vĩnh cửu cho chúng ta. Và máu của Người đã đỗ ra cho chúng ta đã đem lại ơn tha thứ và hòa giải với Cha trên trời.
Đau khổ có nhiều hình thức: đau yếu, bệnh tật, tật nguyền, đau đớn thể xác và tổn thương về cảm xúc, vu khống, ngược đãi, nghèo nàn, và bất công. Thánh Phaolô tông đồ có ý gì khi ngài nói: Chúng ta biết rằng Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh ích cho những ai yêu mến Người, tức là cho những kẻ được Người kêu gọi theo như ý Người định (Rm 8,28)? Đức Giêsu tuyên bố rằng những ai khóc lóc, những người bị chửi rủa và ngược đãi vì sự công chính là người có phúc (Mt 5,10-12). Hạn từ có phúc (makarios trong tiếng Hylạp) theo nghĩa đen là hạnh phúc hay có phúc. Nó mô tả một niềm vui thanh thản và bất khả xâm phạm, độc lập và không lệ thuộc vào cơ hội và những biến cố thay đổi của cuộc đời. Niềm vui siêu nhiên trong sự đối diện với đau khổ Có một sự nghịch lý nào đó về những chúc lành kia của Thiên Chúa. Maria được “chúc phúc” vì được làm Mẹ của Con Thiên Chúa. Sự diễm phúc đó cũng trở nên lưỡi gươm đâm thâu tâm hồn bà khi Con của bà chết trên thập giá. Maria đón nhận cả hai, triều thiên của vui mừng và thập giá của đau khổ. Nhưng niềm vui của Mẹ không bị tan biến bởi nỗi thống khổ của mình, bởi vì nó được đốt cháy bởi đức tin, đức cậy, và đức mến nơi Thiên Chúa và những lời hứa của Người. Đức Giêsu đã hứa với các môn đệ rằng “không ai có thể lấy mất niềm vui của anh em” (Ga 16,22). Thiên Chúa ban cho chúng ta niềm vui siêu nhiên để giúp chúng ta mang lấy đau khổ hay buồn phiền, và cho dù sự sống hay sự chết cũng không thể nào cướp mất được. Bạn có biết niềm vui của cuộc đời hoàn toàn tận hiến cho Thiên Chúa với niềm tin tưởng và trông cậy không? Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã hiến mạng sống mình vì phần rỗi của con để cứu con thoát khỏi sự nô lệ tội lỗi và sự chết. Xin giúp con mang lấy thánh giá của mình với niềm vui, để con có thể sẵn sàng thực thi ý Chúa, và không lùi bước vì sợ hãi hay nhát đảm khi khó khăn bao vây con. |
Tác giả: Don Schwager
(http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/)
Bro. Paul Thanh Vu – chuyển ngữ
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn