Thánh Gio-an tông đồ, thánh sử. Lễ kính.
"Môn đệ kia chạy nhanh hơn Phêrô và đến mộ trước ông".
LỜI CHÚA: Ga 20, 2-8
Ngày thứ nhất trong tuần, Maria Mađalêna chạy đến gặp Simon Phêrô và môn đệ kia mà Chúa Giêsu yêu, bà nói: "Người ta đã lấy xác Chúa khỏi mộ rồi, chúng tôi không biết họ để đâu".
Bấy giờ Phêrô ra đi với môn đệ kia đến mộ. Cả hai cùng chạy, nhưng môn đệ kia chạy nhanh hơn Phêrô và đến mộ trước ông. Cúi nhìn vào, người môn đệ đó thấy tấm khăn liệm xác hãy còn, nhưng không vào. Bấy giờ Simon Phêrô theo sau cũng đến, và đi vào trong mộ, thấy khăn liệm xác còn đó, và khăn che mặt để trên phía đầu Người, không để chung với khăn liệm xác, nhưng đã cuốn riêng để vào một chỗ.
Bấy giờ môn đệ đã đến trước cũng vào; ông đã thấy và đã tin.
Suy Niệm 1: Ông đã thấy và đã tin
Suy niệm :
Niềm vui phục sinh khởi sự bằng thái độ hốt hoảng.
Tảng đá che cửa mộ đã bị ai đó lăn ra.
Xác của Thầy đặt bên trong đã biến mất.
Thật là chuyện kinh khủng đối với bà Maria Macđala!
Bà đã đi thăm mộ lúc trời còn tối.
Có lẽ cả đêm trước bà không chợp mắt được,
chỉ mong cho chóng sáng để lên đường.
Ai có thể hiểu được trái tim của bà?
Tình yêu đã khiến bà đứng dưới chân thập giá (Ga 19,25)
và tham dự cuộc mai táng Thầy Giêsu (Mt 27,61).
Bây giờ tình yêu ấy lại thúc đẩy bà ra mộ trước tiên,
trước cả người môn đệ được Ðức Giêsu thương mến...
Maria hốt hoảng chạy về báo tin cho hai môn đệ.
Bà nghĩ chắc có kẻ đã ăn cắp xác Thầy.
Vấn đề duy nhất làm bà âu lo khắc khoải,
đó là họ đang để Người ở đâu (Ga 20,2.13.15).
Bà cần biết chỗ đó, để lấy ngay xác về.
Maria chẳng nghĩ gì đến chuyện Chúa phục sinh,
bà chỉ mong tìm lại xác của Thầy đã chết.
Maria chạy về để kéo theo Phêrô và Gioan chạy đến mộ,
những bước chân hối hả vội vàng.
Chỉ có ngôi mộ trống và những băng vải đặt ở đó,
còn khăn che đầu thì được cuốn lại, xếp riêng.
Thấy mọi điều đó, Gioan tin rằng Thầy đã phục sinh.
Chẳng ai ăn cắp xác mà để lại gọn ghẽ khăn vải liệm.
Chúng ta cần có lòng mến thiết tha của bà Maria Macđala,
nhưng cũng cần có sự nhạy cảm để tin như Gioan.
Khi tin, người ta khám phá ra ý nghĩa của các biến cố:
ý nghĩa của cái chết bi đát trên núi sọ,
ý nghĩa của ngôi mộ trống và tấm khăn xếp gọn gàng.
Chúng ta cần có lòng tin
để khỏi rơi vào sự thất vọng hay hốt hoảng,
trước những thất bại, đổ vỡ mất mát trong cuộc đời.
Ðời chúng ta lắm khi giống ngôi mộ trống trải.
Những gì chúng ta yêu quý nay chẳng còn.
Chúng ta đôn đáo kiếm tìm điều đã mất,
trong nước mắt đau khổ như bà Maria (Ga 20,11)
Nhưng nếu xác Ðức Giêsu cứ nằm yên trong mồ,
để cho bà Maria đến thăm viếng,
thì làm gì có chuyện Chúa phục sinh?
Phiến đá cửa mộ không giữ được Ngài,
những băng vải không ngăn được Ngài ra đi.
Sự sống bật dậy từ tro tàn của cái chết.
Ánh sáng bừng lên từ bóng tối mịt mù.
Tình yêu thắng trận khi tưởng như bị hận thù nuốt chửng.
Niềm vui phục sinh là quà tặng bất ngờ cho Maria.
Bà sẽ chẳng bao giờ tìm thấy xác Thầy trong mộ đâu,
nhưng bà sẽ gặp chính Ðấng Phục Sinh ở ngoài mộ đá.
Cầu nguyện :
Lạy Chúa phục sinh,
vì Chúa đã phục sinh
nên con thấy mình chẳng còn gì phải sợ.
Vì Chúa đã phục sinh
nên con được tự do bay cao,
không bị nỗi sợ hãi của phận người chi phối,
sợ thất bại, sợ khổ đau,
sợ nhục nhã và cái chết lúc tuổi đời dang dở.
Vì Chúa đã phục sinh
nên con hiểu cái liều của người Kitô hữu
là cái liều chín chắn và có cơ sở.
Cái liều của những nữ tu phục vụ ở trại phong.
Cái liều của cha Kolbê chết thay cho người khác.
Cái liều của bậc cha ông đã hiến mình vì Đạo.
Sự phục sinh của Chúa là một lời mời gọi
mang một sức thu hút mãnh liệt
khiến con đổi cái nhìn về cuộc đời:
nhìn tất cả từ trên cao
để nhận ra giá trị thực sự của từng thụ tạo.
Sự phục sinh của Chúa
giúp con dám sống tận tình hơn
với Chúa và với mọi người.
Và con hiểu mình chẳng mất gì,
nhưng lại được tất cả. Amen.
Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.
Suy Niệm 2: Lễ Kính Thánh Gioan Tông Ðồ
Thông thường người ta đi chứ không chạy, người ta chỉ chạy khi có một xúc động mạnh thúc đẩy. Có nhiền nguyên nhân gây nên xúc động: Có thể xúc động vì sợ hãi, kẻ thù đang đuổi bắt sau lưng thì chẳng ai mà lại không chạy, hay tai họa sắp giáng xuống thì không cần bảo người ta cũng tìm đường thoát thân. Xúc động còn do một sự lôi cuốn thôi thúc như đang rảo bước nhưng bất chợt có điều lạ xảy ra trước mặt thì các bước chân đều rầm rập chạy tới cho kịp để xem điều lạ ấy. Và xúc động hơn là khi nghe tin người thân yêu đang gặp tai nạn hay nguy hiểm, nếu ở xa thì bằng mọi giá phải quay về cho kịp thời, nếu ở gần thì tức tốc chạy đến nơi.
Trình thuật Tin Mừng hôm nay cũng nói về hai cuộc chạy đua của hai Tông Ðồ Gioan và Phêrô. Tại sao họ lại chạy mà không đi? Ðiều gì đã buộc họ chạy như thế? Các Tông Ðồ khi đến mồ thấy mất xác Chúa Giêsu, bà Maria Madalena đã chạy đi báo tin cho các môn đệ. Nhận được tin này, Phêrô và Gioan vội vã chạy đến mồ, cả hai đều chạy, nhưng Gioan chạy đến trước. Hẳn là vì sức thanh niên trai tráng mà Gioan có thể chạy nhanh hơn. Tuy nhiên, không đơn thuần như thế nhưng còn có một động lực khác buộc ông phải chạy nhanh, đó là vì lòng yêu mến. Ðể được nhìn thấy Thầy đã sống lại, tất cả các môn đệ đều nao nức bàng hoàng, nhưng sự bàng hoàng mang nhiều cường độ sắc thái khác nhau, và dù sao đi nữa người được gọi là môn đệ yêu dấu thì sự bàng hoàng phải lên đến tột độ. Sự bàng hoàng đã làm ông quên mất người bên cạnh, chỉ khi đến mồ ông mới sực nhớ ra và ông đã nhường bước cho Phêrô.
Chỉ một thoáng diễn tả của đoạn Tin Mừng trên, chúng ta cũng thấy được lòng mến của Thánh Gioan Tông Ðồ đối với Chúa Giêsu như thế nào. Tin Mừng không nói lý do tại sao có sự mến yêu đặc biệt này mà chỉ thuật lại diễn tiến.
Từ bước đầu, Gioan cũng được kêu gọi như bao nhiêu người khác, đang vá lưới cùng với anh và cha là Giêbêđê thì hai anh em được kêu gọi trở thành kẻ chài lưới người. Hai người đã từ giã cha mà đi theo Ngài. Ông cũng không phải là kẻ ôn nhu nhưng là kẻ nóng nảy và được biệt danh là con của "sấm sét" được gán cho hai anh em khi hai người xin lửa bởi trời thiêu đốt dân thành Samaria, vì họ không chịu tiếp đón Chúa Giêsu. Chúa Giêsu đã quở trách hai ông và có lẽ nhờ vào lời quở trách này mà Gioan biết nhìn vào Chúa Giêsu hơn, vì Ngài là Ðấng đến để cứu chữa chứ không phải để trừng phạt. Càng nhìn vào Chúa Giêsu, Gioan lại càng yêu mến Ngài hơn. Nhưng rồi sau khi đã thưa được trước chén đắng Ngài trao cho thì Gioan đã sẵn sàng cất bước theo Ngài trên con đường tử nạn. Dù rằng lúc này quanh ông chỉ còn đầy những khuôn mặt sát khí muốn giết chết cả Thầy lẫn trò, nhưng Gioan vẫn kiên trung theo Thầy dù các bạn đồng môn đã bỏ trốn và người anh cả Phêrô đã chối Thầy.
Nhờ lòng kiên trung này mà Gioan đã được thay mặt cho cả nhân loại và cho Chúa Giêsu. Thay mặt nhân loại khi ông được gọi là "con của Mẹ", và thay mặt cho Chúa Giêsu khi ông lãnh nhận trách nhiệm săn sóc cho Mẹ "Gioan đón nhận Bà về nhà mình". Và cứ thế mà tình yêu chuyển lướt vào nơi ông, làm cho ông chỉ có một lòng khăng khít sống mật thiết với Chúa, sẵn sàng bước theo Thầy mình đến cùng trong cuộc sống của mình.
Sau khi xác Chúa được táng trong mồ, lòng thánh nhân còn luôn hướng về đó. Vừa nghe tin xác Thầy bị mất, ông liền vội vã chạy đến mồ, ông đã thấy và ông đã tin. Trong lúc các môn đệ khác còn nghi ngờ vì tình yêu đã tạo một mối liên kết vô hình, không đòi hỏi nhiều diễn tả. Thoạt nghe tiếng Ngài gọi ở trên bờ hồ Tibéria, ông đã nhận ra Ngài. Tuy nhiên, Phêrô nhanh nhẹn nhận ra Thầy mình, và ông liền nhảy xuống biển nhưng Phêrô lại không nhạy cảm bằng Gioan.
Trong ngày mừng kính thánh Gioan Tông Ðồ hôm nay, ước mong rằng mỗi người trong chúng ta biết hun đúc tình yêu của mình đối với Chúa Giêsu, để rồi chúng ta cũng sẽ nhạy cảm trước những tiếng gọi của Ngài. Ðặc biệt trong mùa Giáng Sinh này, lúc Vua tình yêu đang giáng hạ trong máng cỏ nghèo hèn. Ước gì chúng ta sẽ nghe tiếng gọi của Ngài, và đến quì chầu bên máng cỏ để chiêm ngắm Vua Tình Yêu. Vì càng chiêm ngắm chúng ta sẽ càng yêu mến Ngài, càng học biết được sự hiền lành và khiêm nhượng của Ngài.
(Trích trong ‘Suy Niệm Phúc Âm Hằng Ngày’ - Radio Veritas Asia)
Suy Niệm 3: Chạy đến mồ
Thông thường mỗi dịp Giáng sinh, các trẻ em thuộc hầu hết các nước thế giới đều nhận được quà của ông già Noel. Thế nhưng năm vừa qua tại một số trường tiểu học nọ, ông già Noel đã đảo lộn truyền thống: thay vì mang quà cáp đến cho các em, ông đến với bàn tay trống rỗng, thay vì tặng quà cho các thiếu nhi, ông lại là người nhận quà từ tay các em để rồi chuyển cho các thiếu nhi tại nhiều nơi khác.
Hình ảnh ông già Noel với đôi bàn tay trống không có thể gợi lên cho chúng ta vài suy nghĩ khi kính nhớ thánh Gioan Tông đồ trong tuần bát nhật Giáng sinh. Tin mừng hôm nay cũng nói đến một sự trống rỗng, đó là sự trống rỗng của ngôi mộ. Được Maria Madalena thông tin, Phêrô và Gioan đã vội vã chạy ra mồ, hai người không còn thấy xác Chúa trong ngôi mộ nữa, nhưng nhìn thấy cảnh tượng ấy, Goan đã tuyên bố: “ông đã thấy và đã tin”. Niềm tin đã bừng dậy từ một sự trống rỗng, đó là sứ điệp Gioan muốn gửi đến chúng ta, nhất là trong những ngày này khi chúng ta chiêm ngắm Hài nhi Giêsu nằm trong máng cỏ. Bên kia những hoa đèn và trưng bày lộng lẫy của Mùa Giáng sinh, có lẽ chúng ta phải nhìn thấy cái thiết yếu trong những biểu tượng của lễ Giáng sinh. Cái thiết yếu ấy là gì, nếu không phải là một Hài nhi nằm trong máng cỏ; cái thiết yếu ấy là gì, nếu không phải là cảnh trơ trụi nghèo nàn trống rỗng trong đó Ngôi Hai Thiên Chúa đã giáng sinh.
Ngôi mộ trống mà Gioan đã nhìn thấy hay máng cỏ trơ trụi nghèo nàn của Hài nhi Giêsu, cả hai cảnh tượng đều có chung một ý nghĩa; Thiên Chúa đến với con người qua những cái nhỏ bé, tầm thường và ngay cả những mất mát của cuộc sống. Đức tin luôn là một bước nhảy vượt qua cái trống rỗng ấy, hay đúng hơn đức tin là một cái nhìn xuyên suốt qua cái trống rỗng ấy.
Chúng ta hãy chiêm ngắm Hài nhi Giêsu nghèo nàn trơ trụi trong máng cỏ. Qua cảnh nghèo nàn ấy, niềm tin nói với chúng ta rằng Thiên Chúa yêu thương chúng ta đến hoá thân làm người để là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”. Qua cảnh nghèo nàn trơ trụi ấy, niềm tin nói với chúng ta rằng mỗi người sinh ra trên cõi đời này dù khốn khổ đến đâu cũng đều có một phẩm giá cao cả vì là hình ảnh của Thiên Chúa. Qua cảnh nghèo nàn trơ trụi ấy, niềm tin cũng nói với chúng ta rằng chúng ta đã trở nên giàu có thật sự. Và cái giàu có ấy chính là biết mở rộng đôi bàn tay để trao ban.
Suy Niệm 4: LÒNG MẾN GIÚP DỄ DÀNG NHẬN RA CHÚA (Ga 20, 1-8)
Theo truyền thống, phong tục Việt Nam, thì khi có người thân qua đời, sau khi đã lo liệu việc chôn cất xong, khoảng hôm sau hay những ngày kế tiếp... tùy mỗi nơi, họ thường hay có tục ra nghĩa địa viếng mộ để bày tỏ niềm thương tiếc, nhớ nhung người đã khuất.
Ngày xưa tại đất nước Palestine cũng có phong tục đó. Tuy nhiên, họ để ba ngày mới ra viếng mộ. Vì vậy, chúng ta không lạ gì khi thấy sự kiện Maria Mađalêna ra viếng mộ Chúa từ tờ mờ sáng. Bà đến sớm là vì nóng lòng chờ đợi từng giây phút để được đến với Chúa.
Tuy nhiên, điều mà Maria Mađalêna ngỡ ngàng là thấy phiến đá lấp cửa mồ đã được lăn ra khỏi mộ... và khi nhìn vào thì không thấy xác Chúa đâu cả...Trong tâm trí của bà lúc này là: đã có ai đó lấy cắp xác Chúa...???
Sau đó, Maria Mađalêna vội về nhà báo tin cho các Tông đồ biết sự việc lạ lùng này... Gioan và Tông đồ trưởng Phêrô đã chạy đến mộ để phục kích tận mặt xem thực hư thế nào. Khi tới nơi, Tông đồ trưởng chỉ thấy ngỡ ngàng và chưa thể đoán được sự việc ra sao! Nhưng Tông đồ Gioan thì biết, ông đã thấy và đã tin, vì ngài nhớ lại lời Đức Giêsu đã loan báo trước đó là: “ngày thứ ba sẽ sống lại...”.
Điều mà chúng ta cần khám phá nội dung tiềm ẩn hay chủ đạo trong bài Tin Mừng hôm nay chính là hai chữ: “Lòng mến”. Vì yêu mến Chúa tha thiết, nên Maria Mađalêna đã đến mồ từ tảng sáng của ngày thứ nhất trong tuần. Vì yêu, nên Tông đồ Gioan cũng nhận ra Chúa đã sống lại một cách chắc chắn. Ngài cũng là người đầu tiên hiểu và tin vào việc này. Sau này chúng ta còn thấy Gioan đã nhận ra Chúa trước tiên trên bãi biển trước hết...
Như vậy, chính tình yêu đã nối kết lòng với lòng. Tình yêu đã lý giải những chuyện phi thường và mầu nhiệm cách dễ dàng. Ngôn ngữ tình yêu là ngôn ngữ của tấm lòng...
Vậy Gioan là ai? Thưa ngài là một trong những người con ông Dêbêđê, có thể ngài là bà con họ hàng với Đức Giêsu, là em của Giacôbê, làm nghề đánh cá trên biển. Ngài cũng là một trong ba Tông đồ được Đức Giêsu tỏ mình cách đặc biệt trong cuộc thần hiện trên núi Tabor. Và, ngài còn là một con người được biết đến với tính khí nóng nảy, tham vọng, nhưng cũng là người dũng cảm.
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay cho chúng ta thấy: tình yêu là ngôn ngữ không lời để hiểu và đi vào mối tương quan thân tình với Thiên Chúa. Chỉ có tình yêu, chúng ta mới có thể hiểu được những điều kín nhiệm trong mầu nhiệm cứu chuộc của Thiên Chúa. Cũng chỉ có tình yêu mới lý giải được những nghịch lý của Tin Mừng. Như vậy, nhờ tình yêu mà chúng ta thêm sự trung tín, can đảm, trung thành.
Mừng lễ thánh Gioan Tông đồ hôm nay, chúng ta hãy noi gương ngài: yêu mến Thiên Chúa tha thiết; sẵn sàng sống chết để làm chứng cho tình yêu của Thiên Chúa trong cuộc đời của mình; hãy yêu rồi làm gì thì làm. Chỉ có tình yêu mới làm cho những việc chúng ta nói và làm có giá trị mà thôi...
Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con cháy lửa yêu mến Chúa như thánh Gioan khi xưa. Amen.
Ngọc Biển SSP
SUY NIỆM
Mọi người đều chứng kiến Đức Giê-su chịu đóng đinh và chịu chết trên thập giá, nhưng không ai được chứng kiến giây phút Ngài sống lại từ cõi chết. Bởi lẽ, đó là phạm vi và quyền năng của một mình Thiên Chúa, giống như khi Ngài sáng tạo trời và đất.
Do đó, mầu nhiệm Đức Ki-tô Phục Sinh là đối tượng của lòng tin, chứ không phải là đối tượng khả giác của các giác quan[1]. Không ai được chứng kiến biến cố Phục Sinh, nhưng Ngài để lại cho chúng ta các dấu chỉ.
1. Dấu chỉ « ngôi mộ mở »
Trước hết, đó là ngôi mộ trống. Chúng ta nên gọi là « ngôi mộ mở », vì mộ phần, tượng trưng cho sự chết, không giam hãm được Đức Ki-tô. Trong khi hình ảnh « ngôi mộ trống » nghiêng về ý nghĩa tiêu cực nhiều hơn, vì « trống » có nghĩa là bị lấy đi hay biến mất tiêu, như bà Maria nói với các Tông Đồ : « Người ta đem Chúa đi khỏi mộ; và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu » ! Bà nhìn thấy « ngôi mộ mở », nhưng lại nghĩ rằng đó là « ngôi mộ trống ».
Ngoài, trong ngôi mộ mở, còn có dấu chỉ « những băng vải ». Trong thực tế, đó chỉ là chi tiết nhỏ ; nhưng trong cách thuật truyện của thánh Gioan, chi tiết này có một vai trò biểu tượng hàng đầu. Thật vậy, trong một bản văn ngắn, những chi tiết này được nói tới hai lần và lần thứ hai, các băng vải được mô tả rất công phu :
Những băng vải còn ở đó. (c. 5)
Những băng vải để ở đó, và khăn che đầu Đức Giê-su. Khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại, xếp riêng ra một nơi (c. 6-7)
Nếu là một vụ trộm, thì kẻ hành động không thể nào cẩn thận như thế!
2. « Người môn đệ Đức Giê-su thương mến »
« Người môn đệ Đức Giê-su thương mến » đã nhìn thấy những dấu chỉ này và đã tin. Tuy nhiên, chúng ta phải nói rằng so với đức tin lớn lao nơi Đức Ki-tô chiến thắng sự chết và đang sống, thì những dấu chỉ này là quá ít và quá mỏng dòn. Vì thế, các dấu chỉ không thể tức khắc và tất yếu mang lại đức tin. Ông Phê-rô và bà Maria Mác-đa-la cũng nhìn thấy các dấu này, nhưng vẫn chưa tin.
Vậy thì điều gì làm cho « Người môn đệ Đức Giê-su thương mến », mà truyền thống Giáo Hội nhận ra là thánh Gioan, đi đến niềm tin, khi nhìn thấy các dấu chỉ ? « Điều bí ẩn » nằm ngay ở trong danh xưng mà thánh nhân tự đặt cho mình, chắc chắn với tâm tình tạ ơn và ca tụng, đó chính là kinh nghiệm thiết thân được Đức Giê-su yêu mến : Đức Giê-su đã yêu mến người môn đệ này, và người môn đệ này cũng yêu mến Đức Giê-su, bằng chứng là người môn đệ vẫn gắn bó với thầy Giê-su, khi ngài chẳng còn là gì, khi hiện diện dưới chân Thập Giá (x. Ga 19, 25-27) ; giống như tình yêu nhưng không của bà Maria Mác-đa-la dành cho Đức Giê-su. Chính kinh nghiệm tình yêu đối với Chúa, đã làm cho thánh Gioan tin nhận Đấng Phục Sinh khi nhìn thấy các dấu chỉ (đọc thêm trình thuật Ga 21, 1-14) ; và chắc chắn, cũng chính kinh nghiệm này đã làm cho thánh nhân nhận ra « Hài Nhi bọc tả nằm trong máng cỏ » là Ngôi Lời, « Đấng đã hiện hữu từ lúc khởi đầu, nay trở thành người phàm » trong mầu nhiệm Giáng Sinh (Ga 1, 1 và 14).
3. Dấu chỉ Kinh Thánh
Tuy nhiên, Tin Mừng theo thánh Gioan còn nêu ra một dấu chỉ nữa để giúp chúng nhận ra mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Ki-tô, đó là dấu chỉ Kinh Thánh :
Thật vậy, trước đó, hai ông chưa hiểu rằng:
theo Kinh Thánh, Đức Giê-su phải trỗi dậy từ cõi chết. (c. 9)
Như Thánh Phao-lô tuyên bố long trọng : « Trước hết, tôi đã truyền lại cho anh em điều mà chính tôi đã lãnh nhận, đó là: Đức Ki-tô đã chết vì tội lỗi chúng ta, theo lời Kinh Thánh, rồi Người đã được mai táng, và ngày thứ ba đã trỗi dậy, theo lời Kinh Thánh » (1Cr 15, 3-4).
Khi nhận ra Đức Ki-tô lúc Người bẻ bánh tại làng Emmau, hai môn đệ nhớ lại: “Dọc đường, khi người nói chuyện và cởi mở Kinh Thánh cho chúng ta, con tim chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao?” (Lc 24, 32). Như thế, kinh nghiệm của các môn đệ, kinh nghiệm về sự tương hợp giữa Đức Giêsu và Sách Thánh không chỉ là một suy luận. Bởi vì hiểu Sách Thánh được hoàn tất nơi Đức Giêsu và mầu nhiệm Vượt Qua của Người, điều này đi ngang qua chốn sâu thẳm của tâm hồn, và làm cho sinh động mọi gốc rễ của tâm hồn. Vậy thì tại sao chúng ta lại thấy mình có liên quan, thấy mình được đánh động bởi sự kiện Đức Kitô hoàn tất Sách Thánh cổ xưa. Gương vâng phục của Đức Giêsu đối với Cha của Ngài có lẽ chưa đủ, vì chúng ta vẫn còn ở bên ngoài.
Chúng ta thấy mình có liên quan, bởi vì sự vâng phục của Đức Giêsu đối với Chúa Cha được bày tỏ ra cho Ngài ngang qua con người. “Kế hoạch của Chúa Cha” được ghi khắc ở đâu, nếu không phải là trên con người, trên toàn thể một dân tộc có trước Ngài? Hẳn là kế hoạch này được viết trong một cuốn sách; nhưng nếu các trang sách biết nói, đó là bởi vì chúng quy về những cuộc đời cụ thể, giống như cuộc đời cụ thể của chúng ta, và Thiên Chúa đã dùng những cuộc đời cụ thể này để ghi khắc trên đó kế hoạch Ngài thiết lập cho Đức Kitô của Ngài.
Khi đọc Kinh Thánh, chúng ta được mời gọi nhận ra rằng Kinh Thánh là tiếng kêu của cả một dân tộc vô danh trong thử thách, trong lúc không còn những kỳ công, trong khủng khoảng tột cùng: “Tôi tự bảo: điều làm tôi đau đớn, là Đấng Tối Cao chẳng còn ra tay nữa” (Tv 77, 11). Và, vì dân tộc này giống như chúng ta, con tim chúng ta có thể “bừng cháy” khi chúng ta nhận ra nơi chính mình cuộc Vượt Qua, không phải của một mình Đức Giêsu, vì Ngài “không một mình” (x. Ga 8, 16.29; 16, 32), nhưng của Đức Giê-su cùng với Chúa Cha và Chúa Thánh Linh.
Ngày hôm nay, Đức Ki-tô vẫn hiện diện cách kín đáo, như Ngài đã làm với hai môn đệ Emmau, qua rất nhiều trung gian, để giúp chúng ta có kinh nghiệm nhận ra Ngài trong Thánh Lễ hằng ngày và trong đời sống cầu nguyện của chúng ta. Đức Ki-tô phục sinh giải thích mầu nhiệm Vượt Qua Ngài khởi đi từ Sách Thánh: Sách Thánh loan báo Đức Ki-tô và Đức Ki-tô hoàn tất Sách Thánh. Đức Ki-tô đã “hoàn tất” Kinh Thánh như thế nào, thì cũng sẽ “hoàn tất” hành trình làm người của chúng ta như thế: cuộc đời của chúng ta cũng « loan báo » Đức Ki-tô và Đức Ki-tô hoàn tất đời tôi. Chính sự tương hợp này đã đem lại cho chúng ta kinh nghiệm thiêng liêng: “con tim bừng cháy”.
* * *
Chúng ta được mời gọi có cùng một kinh nghiệm như thánh Gioan: kinh nghiệm bản thân mình cũng là « người môn đệ Đức Giê-su thương mến », để có thể nhận ra sự hiện diện sống động và tiếng gọi của Đức Ki-tô Phục Sinh, ngang qua các dấu chỉ, dấu chỉ Kinh Thánh, dấu chỉ các bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể ; và dưới ánh sáng của dấu chỉ Kinh Thánh, chúng ta sẽ nhận ra sự hiện diện của Đức Ki-tô sống động qua các dấu chỉ Chúa ban cho chúng ta trong cuộc sống.
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
[1] Vì thế, có lẽ chúng ta không nên làm tượng Chúa Phục Sinh trên thập giá, vì chúng ta nhìn thấy Chúa Chịu chết, như chúng ta vẫn còn nhìn thấy biết bao đau khổ thử thách của loài người, của những người thân yêu và của chính chúng ta, nhưng chúng ta tin nơi quyền năng của Người mạnh hơn sự chết, tin Người đang sống và đang hiện diện giữa chúng ta và Người sẽ mở đường cho chúng ta đi băng qua sự chết, nghĩa là sẽ làm cho loài người phải chết, những người thân yêu của chúng ta và chính ta cũng sống lại như Người, để ở với Người và ở với nhau. Đức Ki-tô phục sinh là đối tượng của lòng tin, chứ không phải của đôi mắt trần. Các trình thuật phục sinh bày tỏ cho chúng ta chân lí này.
Friday (December 27): John saw the Word of God made flesh and believed
Scripture: John 20:1a, 2-8 1a Now on the first day of the week 2 [Mary Magdelan] ran, and went to Simon Peter and the other disciple, the one whom Jesus loved, and said to them, “They have taken the Lord out of the tomb, and we do not know where they have laid him.” 3 Peter then came out with the other disciple, and they went toward the tomb. 4 They both ran, but the other disciple outran Peter and reached the tomb first; 5 and stooping to look in, he saw the linen cloths lying there, but he did not go in. 6 Then Simon Peter came, following him, and went into the tomb; he saw the linen cloths lying, 7 and the napkin, which had been on his head, not lying with the linen cloths but rolled up in a place by itself. 8 Then the other disciple, who reached the tomb first, also went in, and he saw and believed. |
Thứ Sáu 27-12 Gioan đã thấy Ngôi Lời TC mặc lấy xác phàm và ông đã tin
Ga 20,1a.2-8 1 Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, bà Ma-ri-a Mác-đa-la đi đến mộ, thì thấy tảng đá đã lăn khỏi mộ.2 Bà liền chạy về gặp ông Si-môn Phê-rô và người môn đệ Đức Giê-su thương mến. Bà nói: “Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ; và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu.” 3 Ông Phê-rô và môn đệ kia liền đi ra mộ.4 Cả hai người cùng chạy. Nhưng môn đệ kia chạy mau hơn ông Phê-rô và đã tới mộ trước.5 Ông cúi xuống và nhìn thấy những băng vải còn ở đó, nhưng không vào.6 Ông Si-môn Phê-rô theo sau cũng đến nơi. Ông vào thẳng trong mộ, thấy những băng vải để ở đó,7 và khăn che đầu Đức Giê-su. Khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại, xếp riêng ra một nơi.8 Bấy giờ người môn đệ kia, kẻ đã tới mộ trước, cũng đi vào. Ông đã thấy và đã tin.
|
Meditation: What was it like for those who encountered the only begotten Son of God in human form? John, the beloved disciple of Jesus, wrote his Gospel account as an eye-witness of the Word of God who became flesh and dwelt among us (John 1:1,14), and who died and rose for our salvation. John was the first apostle to reach the tomb of Jesus on Easter Sunday morning. Like the other disciples, he was not ready to see an empty tomb and to hear the angel’s message, Why do you seek the living among the dead (Luke 24:5)? The Lord Jesus came to set us free from sin and death and give us everlasting life
What did John see in the tomb that led him to believe in the resurrection of Jesus? It was certainly not a dead body. The dead body of Jesus would have dis-proven the resurrection and made his death a tragic conclusion to a glorious career as a great teacher and miracle worker. When John saw the empty tomb he must have recalled Jesus’ prophecy that he would rise again after three days. Through the gift of faith John realized that no tomb on earth could contain the Lord and giver of life.
Jesus is the eternal Son of the Father and the Savior who died and rose for us John in his first epistle testifies: What we have seen, heard, and touched we proclaim as the word of life which existed “from the beginning” (1 John 1:1-4). John bears witness to what has existed from all eternity. This “Word of Life” is Jesus the Word Incarnate, but also Jesus as the word announced by the prophets and Jesus the word now preached throughout the Christian churches for all ages to come. One thing is certain, if Jesus had not risen from the dead and appeared to his disciples, we would never have heard of him. Nothing else could have changed sad and despairing men and women into people radiant with joy, hope, and courage. The reality of the death and resurrection of Jesus Christ is the central fact of the Christian faith. Through the gift of the Holy Spirit, the Lord gives us “eyes of faith” to know him and the power of his resurrection. The greatest joy we can have is to encounter the living Jesus Christ and to know him personally as our Savior and Lord. “Lord Jesus Christ, you have triumphed over the grave and you have won new life for us. Give me the eyes of faith to see you in your glory. Help me to draw near to you and to grow in the knowledge of your great love and power that sets us free to love and serve you now and forever in your everlasting kingdom.” |
Suy niệm:
Ðiều gì xảy ra đối với những ai gặp gỡ Con yêu dấu của Thiên Chúa trong hình dạng con người? Gioan, người môn đệ yêu dấu của Ðức Giêsu đã viết Tin mừng của mình như nhân chứng của Ngôi Lời Thiên Chúa, Đấng đã trở nên xác phàm và ở giữa chúng ta (Ga 1,1.14) và Đấng đã chết và sống lại vì phần rỗi chúng ta. Gioan là tông đồ đầu tiên chạy đến mồ của Ðức Giêsu vào buổi sáng Chúa Nhật Phục sinh. Như các môn đệ khác, ngài chưa sẵn sàng nhìn thấy ngôi mộ trống và nghe sứ điệp của thiên thần “Tại sao các người tìm kiếm người sống giữa người chết (Lc 24,5)? Chúa Giêsu đến để giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi và sự chết và ban cho chúng ta sự sống đời đời Gioan đã thấy gì trong ngôi mộ, đã khiến ông tin vào sự sống lại của Ðức Giêsu? Chắc chắn đó không phải là một xác chết. Xác chết của Ðức Giêsu chắc hẳn đã không chứng minh được sự sống lại và làm cho cái chết của Ngài thành một kết thúc thê thảm cho một quá trình vinh quang, với tư cách là một thầy dạy và người làm phép lạ. Khi Gioan nhìn thấy ngôi mộ trống, ông phải nhớ lại lời tiên báo của Ðức Giêsu rằng Ngài sẽ sống lại sau ba ngày. Ngang qua ân huệ đức tin, Gioan đã nhận ra rằng không một ngôi mộ nào trên thế giới có thể chứa đựng được Ðức Chúa và là Đấng ban sự sống. Đức Giêsu là Con vĩnh cửu của Cha và là Đấng cứu độ, Đấng đã chết và sống lại vì chúng ta Gioan, trong thư thứ nhất của mình chứng thật rằng: Những gì chúng tôi đã thấy, đã nghe, và đã chạm tới, chúng tôi rao truyền là lời sự sống, đã hiện hữu “từ lúc khởi đầu (1Ga 1,1-4). Gioan làm chứng về những gì đã hiện hữu từ thuở đời đời. “Lời sự sống” này chính là Ðức Giêsu, Ngôi lời nhập thể, nhưng Ðức Giêsu cũng là Lời đã được tiên báo bởi các ngôn sứ và giờ đây, Ðức Giêsu là lời được rao giảng ngang qua Giáo hội Công giáo cho tất cả mọi thời đại. Một điều rất chắc chắn, nếu Ðức Giêsu đã không sống lại từ cõi chết và hiện ra với các môn đệ, chúng ta sẽ không bao giờ nghe biết về Người. Không có gì có thể thay đổi những người buồn sầu và thất vọng trở thành người rạng rỡ niềm vui và can đảm. Thực tại phục sinh là biến cố trung tâm của đức tin Công giáo. Ngang qua hồng ân Chúa Thánh Thần, Ðức Chúa ban cho chúng ta “cặp mắt đức tin” để nhận biết Người và sức mạnh của sự phục sinh của Người. Niềm vui lớn nhất chúng ta có thể có là gặp gỡ Ðức Kitô sống động và nhận biết chính Người là Đấng cứu chuộc và Ðức Chúa của chúng ta. Lạy Chúa Giêsu Kitô, Chúa đã chiến thắng sự chết và Chúa đã đem lại sự sống mới cho chúng con. Xin ban cho con đôi mắt đức tin để nhìn thấy Chúa trong vinh quang. Xin giúp con đến gần Chúa và lớn lên trong sự hiểu biết về tình yêu và quyền năng cao cả của Chúa đã giúp chúng con tự do yêu thương và phụng sự Chúa bây giờ và mãi mãi trong vương quốc vĩnh cửu của Chúa. |
Tác giả: Don Schwager
(http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/)
Bro. Paul Thanh Vu – chuyển ngữ
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn