Thánh I-nha-xi-ô Lôi-ô-la

Thứ năm - 30/07/2020 08:35

Thánh I-nha-xi-ô Lôi-ô-la, linh mục. Lễ nhớ.

"Nào ông chẳng phải là con bác thợ mộc ư? Vậy bởi đâu ông được những sự ấy?"

 

* Sinh năm 1491 tại Lôiôla miền Can-ta-bơ-ri-a. Lúc còn thanh niên, Inhaxiô theo binh nghiệp, phục vụ trong triều đình. Khi đã trở lại, người học thần học ở Pari. Tại đây, cùng với mấy người bạn, người đã sáng lập dòng Chúa Giêsu, thường gọi tắt là Dòng Tên (1534). Nhưng chính tại Rôma, người nỗ lực làm cho dòng lan rộng khắp châu Âu và hăng hái truyền giáo, nêu gương phục vụ Hội Thánh, hết lòng tuân phục Đức Giáo Hoàng.

Phương pháp linh thao của người vạch ra một con đường cho ai muốn hiến thân để làm cho vinh quang Thiên Chúa ngày một sáng ngời hơn.

Người qua đời ở Rôma năm 1556.

 

Lời Chúa: Mt 13, 54-58

Khi ấy, Chúa Giêsu trở về quê quán Người, và giảng dạy người ta trong hội đường, khiến người ta ngạc nhiên và nói rằng: "Bởi đâu ông này được sự khôn ngoan và quyền làm phép lạ như vậy? Nào ông chẳng phải là con bác thợ mộc sao? Nào mẹ ông chẳng phải là bà Maria, và Giacôbê, Giuse, Simon, Giuđa chẳng phải là anh em ông sao? Và chị em ông, nào chẳng phải những người ở nơi chúng ta sao? Vậy bởi đâu ông được những sự ấy?" Và họ vấp phạm đến Người.

Nhưng Chúa Giêsu phán cùng họ rằng: "Không tiên tri nào mà không được vinh dự, trừ nơi quê quán và nhà mình". Người không làm nhiều phép lạ ở đó, vì họ chẳng có lòng tin.

 

Suy Niệm 1: Đức Giêsu về quê

Suy niệm :

Sau khi đã chịu phép Rửa, vào hoang địa để cầu nguyện, ăn chay,

có một ngày nào đó, Đức Giêsu chia tay Đức Mẹ để lên đường.

Lên đường là bỏ lại ngôi làng Nadarét dấu yêu với bao kỷ niệm.

Chính tại đây Ngài đã sống hơn ba mươi năm trong bầu khí gia đình.

Chính tại nơi này, Ngài đã lớn lên quân bình về thân xác, trí tuệ, tâm linh.

Nadarét như một ngôi trường lớn, chuẩn bị cho Ngài chững chạc đi sứ vụ.

Tại đây, Đức Giêsu đã là con bác thợ Giuse (c. 55),

và đã trở thành thợ theo truyền thống cha truyền con nối.

Ngài đã được dạy nghề và hành nghề để kiếm sống cho bản thân và gia đình.

Đức Giêsu là một người thợ tại Nadarét, phục vụ cho nhu cầu dân làng.

Ngài biết đến cái vất vả của công việc chân tay nặng nhọc.

Đức Giêsu không thuộc giới trí thức, thượng lưu, quyền quý.

Lao động làm Ngài gần với người nghèo và thấy sự đơn sơ của tâm hồn họ.

Cũng tại Nadarét, đời sống cầu nguyện của Đức Giêsu được nuôi dưỡng.

Ngài học được lối cầu nguyện một mình ở nơi vắng vẻ.

Đức Giêsu có khả năng thấy sự hiện diện yêu thương của Cha nơi mọi sự,

nơi một bông hoa, nơi chim trời, nơi ánh nắng và cơn mưa.

Tình thân của Con đối với Cha ngày càng trở nên sâu đậm.

Ngài tìm ý Cha mỗi lúc và để Cha chi phối trọn vẹn đời mình.

Hôm nay Đức Giêsu trở về làng cũ sau một thời gian đi sứ vụ.

Ngài vào lại hội đường quen thuộc, gặp lại những khuôn mặt đồng hương.

Không rõ trước đây có lần nào bác thợ Giêsu được mời giảng ở đây chưa.

Nhưng lần này, khi trở về với tiếng tăm từ những phép lạ làm ở nơi khác,

Đức Giêsu đã khiến dân làng sửng sốt vì sự khôn ngoan trong lời giảng dạy.

Hai lần họ đặt câu hỏi: Bởi đâu ông ta được như thế? (cc. 54. 56).

Một câu hỏi rất hay, nếu được tìm hiểu một cách nghiêm túc.

Câu hỏi này có thể đưa họ đi rất xa, để gặp được căn tính của Đức Giêsu.

Tiếc thay, dân làng Nadarét lại không quên được nghề nghiệp của cha Ngài.

Họ nhớ rất rõ họ hàng gần xa của Ngài là mẹ và các anh chị.

Họ có thể kể tên từng anh chị em của Ngài, vì đều là bà con lối xóm (c. 55).

Đức Giêsu là người mà họ biết quá rõ từ thuở ấu thơ.

Làm sao con người bình thường, ít học đó lại có thể là một vị ngôn sứ?

Làm sao từ ngôi làng Nadarét vô danh này lại xuất hiện ngôn sứ được?

Và họ vấp ngã vì Đức Giêsu, nghĩa là họ đã không tin vào Ngài.

Cái biết gần gũi của họ về Ngài lại trở nên thành kiến

khiến họ không thể tiến sâu hơn vào mầu nhiệm con người Đức Giêsu.

Người đồng hương của Ngài đã không trả lời được câu hỏi: Bởi đâu…?

Mỗi con người là một mầu nhiệm mà ta phải khám phá mãi.

Có những mầu nhiệm lớn ẩn trong lớp áo tầm thường.

Dân làng Nadarét đã không nhận ra hồng phúc mà họ đang hưởng.

Chúng ta cũng cần được giải thoát khỏi những cái biết hẹp hòi,

để thấy mình hạnh phúc khi sống với người khác gần bên.

 

Cầu nguyện :

Lạy Chúa Giêsu,

dân làng Nadarét đã không tin Chúa

vì Chúa chỉ là một ông thợ thủ công.

Các môn đệ đã không tin Chúa

khi thấy Chúa chịu treo trên thập tự.

Nhiều kẻ đã không tin Chúa là Thiên Chúa

chỉ vì Chúa sống như một con người,

Cũng có lúc chúng con không tin Chúa

hiện diện dưới hình bánh mong manh,

nơi một linh mục yếu đuối,

trong một Hội thánh còn nhiều bất toàn.

Dường như Chúa thích ẩn mình

nơi những gì thế gian chê bỏ,

để chúng con tập nhận ra Ngài

bằng con mắt đức tin.

Xin thêm đức tin cho chúng con

để khiêm tốn thấy Ngài

tỏ mình thật bình thường giữa lòng cuộc sống. Amen.

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

 

Suy Niệm 2: Tâm Thức Thời Ðại

Dư luận trong giới trí thức Âu Mỹ hiện nay đang nhắc nhiều đến cuốn sách bàn về tương lai nhân loại với tựa đề: "Ngỡ Ngàng Trước Tương Lai", trong đó tác giả nói về những thay đổi nhanh chóng hiện nay trên đời sống con người khiến ông cảm thấy ngỡ ngàng. Theo tác giả thì tâm lý thường tình của con người thích những khuôn sẵn có cho cuộc sống của mình nhờ đó con người dễ ổn định và dự liệu cho những gì xảy ra. Tắt một lời, dù có khuynh hướng sống thay đổi nhưng tận thâm tâm,con người sống và suy tưởng theo những khung sẵn có, và tệ hại hơn theo điều mà chúng ta gọi là thành kiến.

Tâm thức trên đây giúp chúng ta hiểu phần nào biến cố được trình thuật trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu trở về giảng dạy tại quê hương của Ngài là Nazareth, nhưng dân chúng tại đây không tin nhận Chúa, bởi vì họ suy tưởng và hành động theo thói quen, theo thành kiến. Họ đã quen với Chúa Giêsu như là con bác thợ mộc Giuse sống giữa họ từ bao năm nay, do đó giờ đây phải nhìn Chúa và đón nhận giáo huấn của Ngài với một tâm thức mới thì họ bị vấp phạm. Quả thật, như lời cụ già Simêon đã nói trong biến cố dâng Chúa vào Ðền thánh: Chúa Giêsu luôn luôn là dấu gợi lên chống đối; trực diện với Ngài, con người phải chọn lựa hoặc tin nhận, hoặc chối từ.

Chúng ta hãy xét lại xem đức tin của chúng ta hiện nay đối với Chúa Giêsu có còn sống động hay đã trở thành một thói quen khô khan, nguội lạnh, chỉ vì quá quen thuộc như dân làng Nazareth ngày xưa? Phải chăng cuộc sống của chúng ta đã trở thành mù quáng hoặc nô lệ cho những thành kiến đến độ không còn tin nhận Chúa và không còn bén nhạy trước tác động của ơn Chúa?

Xin Chúa tha thứ cho thái độ lạnh nhạt của chúng ta. Xin ban Thánh Thần để chúng ta nhìn thấy những dấu chỉ Chúa thực hiện trong đời sống và trong những biến cố hằng ngày để chúng ta luôn tin nhận Chúa.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 3: Nghĩa Vụ Ngôn Sứ (Mt 13,54-58)

Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta đào sâu về sứ vụ ngôn sứ của Chúa Giêsu mà các tín hữu Kitô đều tham dự vào. Sau một thời gian rao giảng làm phép lạ, Chúa Giêsu đã được nhiều người biết đến. Tuy nhiên, khi trở về làng cũ, những người quen biết với Ngài lại chỉ dành cho Ngài một sự tiếp đón lạnh nhạt. Ngôn sứ có bị rẻ rúng thì cũng là ở chính quê hương mình và gia đình mình. Ðây là lần đầu tiên áp dụng cho mình tước hiệu ngôn sứ; vị ngôn sứ mà Ngài tự đồng hóa là một ngôn sứ bị ngược đãi.

Ý niệm về ngược đãi và ngay cả bị bách hại được Chúa Giêsu nhiều lần nhắc tới trong những cuộc tranh luận với nhóm biệt phái. Nêu bật tư cách bị ngược đãi và bách hại ấy, Chúa Giêsu muốn chứng tỏ rằng Ngài vẫn tiếp tục truyền thống ngôn sứ trong Cựu Ước. Ðược Thiên Chúa sai đến để thay cho Ngài nói lên sự thật, các ngôn sứ trong Cựu Ước không chỉ nói bằng lời nói mà còn bằng cả cuộc sống của mình. Ðộc đáo nhất hẳn phải là cung cách của một Giêrêmia. Không biết phải dùng lời lẽ nào để tố cáo sự bất trung và phản bội của cả một dân tộc, ông đã đeo một cái gông vào cổ và đi giữa phố chợ. Với cử chỉ ấy, vị ngôn sứ này muốn nói với mọi người rằng chính vì đã xé bỏ giao ước với Thiên Chúa mà họ phải bị xiềng xích trong gông cùm của ngoại bang.

Riêng tiên tri Hôsê thì lại triệt để hơn trong sứ mệnh của mình khi ông đi cưới một cô gái điếm về làm vợ. Với hành động này ông cũng muốn nói với dân Do Thái rằng họ đã bất trung với Thiên Chúa. Không thể chọn lựa thái độ thinh lặng, thỏa hiệp hay sợ hãi, ông đã lên tiếng tố cáo bất công, tội ác hay bạo quyền và hành động của ông đã gây nên phẫn nộ trong dân.

Chính vì thế và cũng như các ngôn sứ trong Cựu Ước; cũng như thánh Gioan Tẩy Giả, vị tiên tri cuối cùng của Cựu Ước, và nhất là cũng như chính Chúa Giêsu, tất cả những ai dám lên tiếng nói lên sự thật cũng đều được liên kết chung với nhau trong cùng một số phận là bị khinh rẻ, ngược đãi, oán ghét, sỉ vả và khai trừ.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 4: Vẫn chỉ có từ chối.

Người về quê, giảng dạy dân chúng trong hội đường của họ, khiến họ sửng sốt và nói: “Bởi đâu ông ta được khôn ngoan và làm được nhiều phép lạ như thế? Ông không phải là con bác thợ sao? Mẹ của ông không phải là bà Ma-ri-a; anh em của ông không phải là các ông Gia-cô-bê, Gio-xép, Simon và Giu-đa sao?” (Mt. 13, 54-55)

Người ta không còn cảm thấy giật mình khi nghe tư tưởng này: “Giả như hôm nay Chúa Giêsu trở lại với chúng ta…”

Tôi nghĩ rằng, nếu hôm nay Chúa Giêsu trở lại, thì Người cũng sẽ chẳng có được may mắn hơn với những người đồng hương của Người đâu.

Chẳng có được may mắn đâu.

Giả như hôm nay Người trở lại làm người Do-thái? Liệu Người có được những đồng bào của mình ở Giê-ru-sa-lem hay ở Tel-Aviv lắng nghe không? Liệu Người có được các thành viên Liên Hiệp Quốc hay các nghị viện trong các thượng hạ viện của chúng ta lắng nghe không?

Liệu Người có phải dành một chỗ ở sân thế vận hội để công bố sứ điệp của Người không. Còn chúng ta, những người có đức tin, những người tin vào Chúa Giêsu liệu chúng ta có chấp nhận để cho Người thôi thúc ta, chấp nhận sống triệt để sứ điệp của Người chăng?

Chúa có cần đến một bộ máy tuyên truyền để thu hút quần chúng? Có lẽ Người phải làm những phép lạ hoàn toàn “giật gân” như có người nói. Rồi sau màn “trình diễn” và những phép lạ, người ta có nghe Chúa không?

Bởi vì có lẽ Chúa sẽ nói cho ta hay, dù rằng chúng ta chọn sống chế độ nào: tư bản, dân chủ, độc tài, quân phiệt, thì Người cũng sẽ nói: “Lệnh truyền của tôi là anh em hãy yêu thương nhau” Dù anh em là người Phật Giáo, Tin Lành, Hồi Giáo, Công Giáo “Anh em hãy yêu thương nhau”

Dù anh em là công nhân của một nghiệp đoàn nào đó, hay dù là ông chủ của xí nghiệp “Anh em hãy yêu thương nhau.” Rồi có lẽ Người sẽ nhắc nhở ta nhớ đến Mười Điều Răn y như Người đã dạy ta vậy.

Giả như Người trở lại.

Người có trở lại không? có lẽ người ta sẽ gọi vấn đề này là một Xì-căng-đan! Ngay trong chúng ta, có nhiều người không tin điều này, họ muốn chúng ta sống trung thực.

Đức Kitô đã chết và đã sống lại, Người đã gửi Thần Khí Người đến với ta để nhắc nhở ta tình yêu Cha Người dành cho ta! Như vậy mà còn không đủ thúc đẩy ta sống yêu thương, thì giả như Chúa Kitô có trở lại, Người cũng chẳng hoán cải nổi chúng ta đâu.

 

Suy Niệm 5: LOAN BÁO TRONG MỌI HOÀN CẢNH  (Mt 13, 54-58)

Xem lại lễ Thánh Giuse Thợ ngày 1/5

 “Không ai được tôn trọng ở quê hương của mình”. Đây chính là câu nói nổi tiếng của Đức Giêsu và có tính tiên tri. Thật vậy, trải qua biết bao thế hệ, từ những bậc tiền nhân đến chúng ta, hẳn mọi người đều biết hay đã cảm nghiệm được tính tiên tri của Đức Giêsu qua câu nói trên hoàn toàn ứng nghiệm.

Hôm nay, chính Đức Giêsu cũng đã trải qua sự thật đó khi về nơi chôn nhau cắt rốn của mình.

Khi biết rõ về thân thế, gia cảnh của Đức Giêsu, những người Dothái sinh thời với Ngài đã không thể chấp nhận được, và như một lẽ tất yếu, họ không tin và cũng chẳng tôn trọng Ngài. Vì thế, Đức Giêsu đã không làm được phép lạ nào tại quê hương của mình vì sự cứng lòng tin nơi họ.

Lời Chúa hôm nay nhắc nhớ cho chúng ta rằng: trong cuộc đời và trên hành trình loan báo Tin Mừng của người môn đệ, chúng ta cũng sẽ gặp phải những khó khăn, thất bại và chống đối, hiểu lầm và cô đơn… Tuy nhiên, hình ảnh Đức Giêsu lướt qua họ khi những người này muốn xô Ngài xuống vực đã dạy cho chúng ta một bài học: bổn phận của chúng ta là loan báo Lời Chúa, nên chúng ta cứ can đảm và sẵn sàng loan báo cho dù có những cản trở, khó khăn đến từ mọi phía…

Chúng ta không bận tâm đến quá nhiều kết quả, vì thành công hay không là việc của Chúa. Chúng ta chỉ là người thợ trong bàn tay Chúa và chỉ biết làm những việc phải làm mà thôi. Có được tâm tình ấy, chúng ta sẽ rao giảng Lời Chúa: “... lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện” (2 Tm 4,2).

Lời Chúa hôm nay còn nhắc cho chúng ta biết: hậu quả của sự thành kiến đã làm chúng ta bỏ lỡ hay cố tình không chấp nhận nhiều việc tốt của người khác. Hoặc nhất định không làm việc hữu ích chỉ vì điều đó được khởi xướng từ một người mà chúng ta không ưa.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con vững tin rằng: Chúa là tất cả đời con, nên mọi khó khăn thử thách sẽ không làm cho chúng con chùn chân bước theo Chúa. Xin cho chúng con xóa bỏ thành kiến để công cuộc loan báo Tin Mừng đạt được nhiều kết quả. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

Hai Thánh Tử đạo Long Xuyên.

31/07 – Thứ sáu tuần 17 thường niên. – Thánh Phêrô Đoàn Công Quí và thánh Emmanuel Lê Văn Phụng (Giáo Phận Long Xuyên được mừng trọng thể).

Bổn mạng HĐMVGX Giáo Phận Long Xuyên.

Bổn mạng Thiếu Nhi Thánh Thể Giáo Phận Long Xuyên.

"Ai mất mạng sống mình vì Ta, sẽ được sống".

 

Lời Chúa: Lc 9, 23-26

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng mọi người rằng: "Ai muốn theo Ta, hãy bỏ mình, vác thập giá mình hằng ngày và theo Ta. Vì chưng, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất nó; còn ai mất mạng sống mình vì Ta, sẽ được sống. Vậy nếu con người được lời lãi cả thế gian mà phải thua thiệt và mất mạng sống mình, thì được ích gì? Bởi lẽ kẻ nào hổ thẹn vì Ta và vì lời Ta, thì Con Người cũng sẽ hổ thẹn khi họ đến trước tôn nhan Ngài, tôn nhan Chúa Cha và các Thiên Thần".

 

* Thánh Phêrô Đoàn Công Quí

Ngài là con của ông Antôn Đoàn Công Miêng và bà Anê Nguyễn Thị Trường, sinh năm 1826, tại họ đạo Búng, Thủ Dầu Một ( Bình Dương).

Ngay từ nhỏ, cậu Phêrô đã có lòng ước ao dâng mình cho Chúa. Sau khi đã nhập vào Đại Chủng Viện Thánh Giuse (Thị Nghè), Thầy Phêrô được gởi đi tu học tại đại chủng viện Thừa Sai Paris ở Pénang (Malaysia), năm 1848; hoàn tất chương trình đào tạo, trở về quê hương vào ngày 11/04/1855. Lúc bấy giờ các vua triều Nguyễn, nhất là vua Tự Đức, đang cấm đạo rất gắt gao. Vào tháng 9 năm 1858, Thầy được chịu chức một cách âm thầm tại Thủ Dầu Một; sau đó, được cử đi phục vụ tại các giáo xứ Lái Thiêu, Gia Định, Kiến Hòa, làm Cha Phó họ đạo Cái Mơn (Vĩnh Long), và là Cha Sở họ đạo Đầu Nước (Cù Lao Giêng, An Giang), từ ngày 27/12/1858, trú ngụ tại nhà ông câu Emmanuel Lê Văn Phụng.

Cùng với lòng nhiệt thành tông đồ, hăng hái phục vụ bổn đạo, Cha còn có lòng yêu mến Đức Mẹ một cách đặc biệt. Nhờ có tài hát xướng, Cha đã sáng tác những bài thánh ca để phổ biến lòng tôn sùng Đức Mẹ. Ngoài ra, Cha luôn khao khát tử đạo để làm chứng cho Chúa. Bất cứ khi nào, bất cứ nơi đâu, khi có dịp là cha sẵn sàng dâng hiến mạng sống, để làm chứng cho Chúa. Và Cha đã thực hiện được ý nguyện khi được Bề Trên cử về Cù Lao Giêng làm Cha Sở.

Về nhiệm sở mới được 10 ngày, Cha bị bắt cùng với ông Câu Emmanuel Lê Văn Phụng, và 32 giáo dân khác, vào ngày 07/01/1859 và bị giam giữ tại nhà tù Châu Đốc cho đến ngày 31/07/1859.

Thánh Emmanuel Lê Văn Phụng

Ngài sinh năm 1796, tại họ đạo Đầu Nước (Cù Lao Giêng), làng Tấn Đức, tổng An Bình, tỉnh An Giang, thuộc Trấn Châu Đốc.

Là một gia đình gương mẫu, cùng với vợ là bà Anna Của, ông đã nuôi dạy 9 người con và 2 người con nuôi nên những người đạo đức, tốt lành. Với lòng bác ái cao quý, ông thường chia sẻ, giúp đỡ những người nghèo khổ, túng thiếu,… nhất là trong thời dịch bệnh và ngay cả khi bị giam tù ở Châu Đốc.

Với tinh thần tông đồ cao, ông hăng say hy sinh, phụng sự Chúa và phục vụ anh em. Trong thời gian cấm đạo rất gắt gao, ông vẫn âm thầm dâng đất cất nhà thờ, chủng viện và nhà các dì phước. Trong nhà ông, thường xuyên có các linh mục trú ngụ. Có thời gian, có 5 linh mục cùng một lúc; trong đó có các vị tha sai nước ngoài (Tây dương đạo trưởng).

Ngoài ra, ông còn có tài ngoại giao rất đặc biệt. Ông có mối quan hệ rất tốt với chính quyền địa phương, cụ thể là Quan Huyện. Nhờ đó, mà giáo dân Cù Lao Giêng vẫn được an bình trong thời điểm cấm đạo rất khó khăn.

 Vì có người tố cáo, ngày 07 tháng 01 năm 1859, Ông bị bắt cùng với cha Phêrô Đoàn Công Quí và 32 giáo dân khác. Các ngài bị điệu về Châu Đốc giam giữ.

Gương sáng tử đạo

Trong suốt 7 tháng trời, Tổng trấn và quan quân Triều đình ra sức dụ dỗ Cha Phêrô và ông Emmanuel bỏ đạo, để được thăng quan, tiến chức và tưởng thưởng. Nhưng các ngài vẫn một mực yêu mến Đức Kitô, nhiệt tình với Tin Mừng Phúc âm và trung thành với Giáo Hội.

Không thuyết phục được, Tổng Trấn gởi sớ về triều đình xin án lệnh. Vua Tự Đức châu phê và gởi về Châu Đốc ngày 30/07/1859. Ngày hôm sau, 31/07/1859, tại Bến Chà Và (Bến Cây Mét), các ngài đã hiến dâng mạng sống để làm chứng cho Đức Kitô và Tin Mừng Phúc âm.

Để tuyên dương công trạng, nhân đức và tinh thần tông đồ đầy nhiệt huyết, vào ngày 02/05/1909, Đức Giáo Hoàng Piô X đã tôn phong các ngài lên bậc Chân phước (Á thánh).

Sau đó, vào ngày 19/06/1988, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã nâng các ngài lên bậc Hiển Thánh cùng với 115 vị tử đạo khác tại Việt Nam.

Các ngài đã nêu gương sáng về Đức Tin kiên vững, Đức Mến nồng nàn, Đức Cậy vững vàng, nhất là lòng nhiệt thành loan báo cho mọi người Tin Mừng tình yêu và ơn cứu độ của Thiên Chúa.

Đây còn là mẫu gương sống động về tinh thần đồng trách nhiệm giữa linh mục và giáo dângiữa Cha sở và Hội Đồng mục vụ giáo xứ mọi thời và mọi nơi.

Cũng còn đúng với đường hướng xây dựng giáo phận theo mô hình của một Hội Thánh tham gia và hiệp thông trong tinh thần đồng trách nhiệm.

 

Suy Niệm 1: Thánh Emmanuel Lê Văn Phụng: chứng nhân đời thường của Đức Kitô

Lúc sinh thời, thánh Emmanuel Lê Văn Phụng giữ chức Lý trưởng, là chức thứ nhì trong làng. Vì thế, ngài được gọi là ông Lý Phụng. Đồng thời, ngài coi sóc việc đạo cho cả phủ nội tỉnh An Giang (Châu Đốc), gọi là Câu Phủ; cho nên, người đương thời cũng quen gọi ngài là Ông Câu Phụng. Với những chức vụ đạo, đời khá quan trọng như thế, ngài đã làm việc hết mình để đem lại hạnh phúc cho mọi người. Cuộc đời của thánh nhân có những nét đặc biệt sau đây.

Trước hết, là một tín hữu ngoan đạo, ngài luôn luôn tỏ ra là một gia trưởng gương mẫu. Dù rất bận chuyện làng-xã và họ đạo, thế nhưng, cùng với người vợ rất đảm đang là bà Anna Của, ngài đã nỗ lực sinh dưỡng, dạy dỗ một cách tốt đẹp tất cả 9 người con, năm trai, bốn gái, ngoài ra còn có hai người con nuôi cũng được ngài đùm bọc, cưu mang, giáo dục đầy đủ. Ngài quan tâm đặc biệt đến vấn đề giáo lý, đạo đức, học hành của con cái. Ngài lưu ý chỉ dạy cách ăn nết ở theo luân thường, đạo lý từ ngàn xưa. Thật là gia đình đầm ấm, hạnh phúc. Điều đó đã được các linh mục lưu trú trong nhà khẳng định và ca ngợi.

Thứ đến, ngài có một tinh thần tông đồ rất nhiệt thành, hăng hái. Với tư cách là người đứng đầu trong họ đạo, ngài luôn luôn sống hết mình với Thiên Chúa, với Hội Thánh và với bà con bổn đạo, ngài rất hăng say trong việc mở mang Nước Chúa, cho dù phải gặp nhiều khó khăn, gian nan, thử thách.

Trong thời gian cấm đạo gắt gao nhất, ngài vẫn âm thầm dâng hiến đất đai, xây dựng nhà thờ, nhà xứ và nhà các nữ tu. Mái ấm của ngài là nơi lưu trú  thường xuyên của các linh mục, kể cả các vị thừa sai nước ngoài.. sinh hoạt đạo đức của họ đạo, với các lễ nghi phụng vụ, với các bí tích được trao ban đều đặn, hầu như luôn luôn được diễn biến bình thường, là nhờ ở sự khôn khéo và tài đức của ngài.

Đồng thời, nhờ lòng đạo đức sâu sắc và sự am hiểu giáo lý một cách vững vàng, ngài đã được Bề trên chọn làm giảng viên giáo lý của họ đạo Cù Lao Giêng, và sau đó, của cả tỉnh An Giang. Với vai trò đặc biệt này, ngài ra sức dạy giáo lý cho các thiếu nhi, thanh niên và cả những người lớn tuổi. Ngài thường xuyên thăm hỏi, khuyên nhủ, giải thích và giúp đỡ những người khô khan, nguội lạnh trở về với Chúa. Ngài nhiệt tình lo lắng cho những người hấp hối, nguy tử được lãnh nhận các bí tích sau cùng, chuẩn bị chu đáo trước khi ra trình diện với Chúa.

Ngoài ra, lòng bác ái của ngài cũng là một nhân đức nổi trội. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, ngài vẫn tỏ ra tâm hồn nhân ái đặc biệt. Gặp thời  dịch bệnh hoành hành, ngài đã sắm ghe, mua thuốc, phân phát, cứu giúp những người bệnh, cách riêng là những người nghèo khổ… trong thời gian tù đày, ngài cũng sẵn lòng chia sẻ những gì mình có cho các bạn tù, cho lính canh và cai tù… Ngay cả với kẻ thù, ngài cũng tỏ ra tấm lòng quảng đại, bao dung. Sở dĩ ngài bị bắt và bị  giam giữ, cùng với cha sở Phêrô Quí là do hai tên bất lương tố cáo, hãm hại. thế nhưng, khi hai tên này đến xin bà vợ của ngài giúp đỡ tiền bạc, từ trong tù, ngài đã khuyến khích và yêu cầu bà thực hiện… Nhìn vào cung cách sống đó, tất cả mọi người đều thán phục người tông đồ của Chúa.

Sau cùng, với sự khôn khéo, tế nhị đặc biệt, với tinh thần trách nhiệm cao độ của người đứng đầu với những phương tiện vật chất mà Chúa trao ban, ngài đã xây dựng được những mối quan hệ tốt đẹp với tất cả những người chung quanh, kể cả quan quyền lúc bấy giờ. Ngài sẵn sàng hy sinh, dâng hiến những gì mình có để làm sáng danh Chúa, để loan báo Tin Mừng cho mọi người. Nhờ đó, mà ngài đã giúp cho họ đạo được bình yên, ngay cả trong thời buổi khó khăn nhất.

Và như thế, với tình yêu son sắt với Chúa và anh em, với sự trung tín kiên vững của người môn đệ, với niềm xác tín vào ơn cứu độ của thiên chúa, ngài đã hiến dâng mạng sống, để xứng đáng là sứ giả của Chúa Kitô tại quê hương thân yêu của ngài. Ngài đã trở nên một mẫu gương chứng nhân tiêu biểu của Đấng Cứu Thế cho đồng bào của ngài.

Noi gương của Thánh nhân, chúng ta hãy nỗ lực sống tin Mừng mỗi ngày trong cuộc sống đời thường, một cách cụ thể, thiết thực và hiệu quả.

Hãy sống trọn vẹn ơn gọi mà Chúa trao ban trong gia đình. Hãy là những người cha có trách nhiệm, người mẹ đảm đang, người con hiếu thảo để tạo bầu khí yêu thương, hạnh phúc trong mái ấm. những lời nói, cử chỉ, việc làm thắm đượm tình bác ái sẽ giúp đem lại bình an, niềm vui và hy vọng. Sự quan tâm, chăm sóc cho nhau sẽ đan dệt nên những tâm tình yêu thương, liên đới, chia sẻ, hy sinh và phục vụ…

Nên nhớ rằng, qua bí tích rửa tội, mỗi người đã lãnh nhận sứ mạng loan báo Tin Mừng cứu độ của Đức Ki-tô cho những anh em chung quanh. Trong hoàn cảnh hiện tại, chúng ta có thể chu toàn sứ mạng đó bằng đời sống gương mẫu của chúng ta qua nhữn việc làm cụ thể. Chính nhờ đời sống đầy tình yêu thương bác ái của chúng ta mà người ta có thể nhận ra Chúa, yêu mến Chúa, tin Chúa và đến với Chúa.

Ngoài ra, tinh thần tông đồ cũng mời gọi chúng ta nhiệt tình cộng tác với Đức Giám Mục giáo phận, với các linh mục phụ trách giáo xứ, với các thành phần dân Chúa, để giúp mọi người thăng tiến về mọi mặt, nhất là trưởng thành trong đức tin, đức cậy và đức mến. Hãy dùng tất cả những phương tiện mà Chúa trao ban, hãy biết chia sẻ những gì mình có, như: tài năng, thời giờ, sức khỏe, công ăn việc làm, tiền của vật chất… để làm vơi nhẹ những khổ đau, đem lại niềm an ủi, nâng đỡ tinh thần, tạo nên sự phấn khởi, lạc quan… cho những người đang gặp khó khăn, thử thách. Không ai nghèo túng đến nỗi không có gì để chia sẻ cho người khác. Một nụ cười tươi tắn, một sự đón tiếp niềm nở, một lời nói động viên hay một lời khen ngợi chân thành, một cái bắt tay thân tình, một sự giúp đỡ nho nhỏ… tất cả đều có một giá trị vô cùng lớn lao và cao quí. Tất cả đều là dấu chỉ chắc chắn loan báo hạnh phúc đích thực, sung mãn và vĩnh viễn của Nước trời. Sống được như thế, chúng ta sẽ là những chứng nhân đời thường của Đức Kitô, theo gương của thánh Emmanuel Lê Văn Phụng, và sẽ được chung hưởng hạnh phúc viên mãn với ngài, trong vinh quang Thiên Chúa.

 

Suy Niệm 1: Thánh Emmanuel Lê Văn Phụng & thánh Phêrô Đoàn Công Quí: Tinh thần đồng trách nhiệm trong sứ mạng của Hội Thánh

(Đức cha Giuse Trần Xuân Tiếu 31-07-2010)

Thật tự hào cho giáo phận Long Xuyên, khi mô hình Hội thánh tham gia và hiệp thông trong tinh thần đồng trách nhiệm đã được thực hiện trước công đồng Vaticanô II cả trên 100 năm tại họ Đầu Nước, nay là Cù Lao Giêng, một trong những họ đạo cổ kính và điển hình của giáo phận, do cha sở họ đạo là linh mục Phêrô Đoàn Công Quí, và đại diện giáo dân là ông câu Emmanuel Lê Văn Phụng.

Thật vậy, cha sở Phêrô và ông câu Phụng đã thể hiện tinh thần đồng trách nhiệm trong sự cộng tác với nhau để điều hành sinh họat của họ Đầu Nước - Cù Lao Giêng. Đặc biệt là ông câu Phụng đã dâng hiến tài sản của gia đình mình cho Giáo Hội, để xây cất cơ sở vật chất như chủng viện, nhà dòng. Hơn nữa, cha sở Phêrô và ông câu Phụng đã thể hiện tinh thần đồng trách nhiệm bằng sự đoàn kết với nhau trong chức linh mục của Chúa Kitô, để mỗi người theo sứ mạng của mình, phục vụ nhiệm thể Chúa Kitô. Riêng ông câu Phụng đã biến gia đình mình trở thành một Hội thánh tại gia, nơi mà trong thời bách hại, hàng giáo sĩ thường lui tới để trú ngụ, để ẩn náu và thi hành tác vụ linh mục, cụ thể là cử hành các bí tích cho giáo dân trong vùng. Nhất là cha sở Phêrô cùng với ông câu Phụng đã thể hiện tinh thần đồng trách nhiệm bằng sự hiệp thông với cuộc khổ nạn của Chúa Kitô trong cuộc tử đạo của mình. Máu của hai thánh đã hòa trộn với Máu Thánh của Chúa Kitô, cùng thấm đẫm tại phần đất của vùng Châu Đốc, An Giang. Như vậy, sự cộng tác, sự đoàn kết và hiệp thông là những bài học cho giáo phận Long Xuyên, cho hàng giáo sĩ cũng như giáo dân, về tinh thần đồng trách nhiệm được biểu hiện từ cuộc đời và cuộc khổ nạn của hai thánh Quí - Phụng.

Thực ra, không phải là do hai thánh Quí - Phụng, cũng không phải là do công đồng Vaticanô II đưa ra những bài học về tinh thần đồng trách nhiệm trong cộng đoàn Kitô hữu. Chính Chúa Kitô đã sống và đã dạy bài học này cho những người theo Chúa trong bầu khí của cộng đoàn các Tông đồ. Chúa đã muốn các ông cộng tác với nhau và với mọi người nên sai các ông đi từng hai người một. Chúa muốn các ông đoàn kết với nhau và với mọi người nên đề ra chương trình hành động chung là làm chứng và loan báo Tin mừng bình an. Và Chúa muốn các ông hiệp thông với nhau và với mọi người trong lý tưởng của Mầu nhiệm Nước Thiên Chúa.

Chúa Kitô đã dạy bài học tinh thần đồng trách nhiệm. Công đồng Vaticanô II và Liên Hội đồng Giám mục Á Châu trở về nguồn với tinh thần tham gia và hiệp thông. Như vậy, giáo phận Long Xuyên không có con đường nào khác ngoài con đường trở về xây dựng giáo phận thành một Hội thánh tham gia và hiệp thông trong tinh thần đồng trách nhiệm.

Sẽ rất hài lòng cho hai thánh tử đạo nếu giữa anh chị em và cha sở đã có những hợp tác chặt chẽ trong mục vụ, và đã có những nỗ lực giải quyết những chia rẽ, những bất hòa, để tránh tình trạng kình chống nhau trong họ đạo. Và ước mơ rằng họ đạo Cù Lao Giêng sẽ là nơi hành hương cấp giáo phận để tinh thần đồng trách nhiệm của hai đấng Thánh được suy tư, chiêm ngưỡng và được tiếp tục học hỏi như bài học cho các cộng đoàn Kitô hữu trong và ngoài giáo phận.

Xin hai thánh tử đạo là cha sở Phêrô và ông câu Phụng chúc lành cho chúng con, và tiếp tục giúp chúng con biết học bài học xây dựng Nước Thiên Chúa bằng tinh thần đồng trách nhiệm. Amen.

Họ vấp ngã vì Đức Giêsu – SN song ngữ ngày 31.7.2020

 

Friday (July 31): “They took offence at Jesus”

Scripture:  Matthew 13:54-58  

54 and coming to his own country he taught them in their synagogue, so that they were astonished, and said, “Where did this man get this wisdom and these mighty works? 55 Is not this the carpenter’s son? Is not his mother called Mary? And are not his brothers James and Joseph and Simon and Judas? 56 And are not all his sisters with us? Where then did this man get all this?” 57 And they took offence at him. But Jesus said to them, “A prophet is not without honour except in his own country and in his own house.” 58 And he did not do many mighty works there, because of their unbelief.

Thứ Sáu     31-7               Họ vấp ngã vì Đức Giêsu

Mt 13,54-58

54 Người về quê, giảng dạy dân chúng trong hội đường của họ, khiến họ sửng sốt và nói: “Bởi đâu ông ta được khôn ngoan và làm được những phép lạ như thế?55 Ông không phải là con bác thợ sao? Mẹ của ông không phải là bà Ma-ri-a; anh em của ông không phải là các ông Gia-cô-bê, Giô-xếp, Si-môn và Giu-đa sao?56 Và chị em của ông không phải đều là bà con lối xóm với chúng ta sao? Vậy bởi đâu ông ta được như thế? “57 Và họ vấp ngã vì Người. Nhưng Đức Giê-su bảo họ: “Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình và trong gia đình mình mà thôi.”58 Người không làm nhiều phép lạ tại đó, vì họ không tin.

Meditation: 

Are you critical towards others, especially those who are close to you? The most severe critics are often people very familiar to us, a member of our family, a relative, neighbour, student, or worker we rub shoulders with on a regular basis. Jesus faced a severe testing when he returned to his hometown, not simply as the carpenter’s son, but now as a rabbi with disciples. It would have been customary for Jesus to go to the synagogue each week during the Sabbath, and when his turn came, to read from the scriptures during the Sabbath service. His hometown folks listened with rapt attention on this occasion because they had heard about the miracles he had performed in other towns.

 

 

What sign would he do in his hometown? Jesus startled them with a seeming rebuke that no prophet or servant of God can receive honour among his own people. The people of Nazareth took offence at him and refused to listen to what he had to say. They despised his preaching because he was a carpenter from the working class, and a mere layman untrained by religious scholars. They also despised him because of his family background. After all, Joseph was a tradesman as well and Mary had no special social distinctions.

 

 

Familiarity breeds contempt 

How easily familiarity breeds contempt. Jesus could do no mighty works in his hometown because the people who were familiar with him were closed-minded and despised his claim to speak and act in the name of God. If people come together to hate and refuse to understand others different than themselves, then they will see no other point of view than their own and they will refuse to love and accept others. How do you view those who are familiar to you? With kindness and respect or with a critical and judgmental spirit?

 

The Lord Jesus offers us freedom from sin, prejudice, contempt, and fear. His love and grace set us free to love others with the same grace and mercy which he has shown to us. Only Jesus can truly set us free from the worst tyranny possible – slavery to sin and the fear of death. His victory on the cross brings us pardon and healing, and the grace to live holy lives by the power of the Holy Spirit. Do you know the joy and freedom which Christ’s love brings to our hearts?

 

“Lord Jesus, your love conquers every fear and breaks the power of hatred and prejudice. Flood my heart with your mercy and compassion, that I may treat my neighbor with the same favor and kindness which you have shown to me.”

Suy niệm:

 

Bạn có phê bình chỉ trích người khác, đặc biệt những người gần gũi với bạn không? Những người phê bình gay gắt nhất thường là những người rất quen thuộc với chúng ta, một thành viên trong gia đình, người bà con thân thuộc, người bạn học, hay bạn đồng nghiệp mà kề vai sát cánh với chúng ta trong cuộc sống thường ngày. Đức Giêsu đối diện với một cuộc thử thách gay gắt khi Người trở về quê hương mình, không đơn thuần chỉ với tư cách là người con của bác thợ mộc, mà giờ đây còn là một bậc thầy có các môn đệ. Theo lệ thường khi đến lượt mình, Đức Giêsu đến Hội đường để đọc Kinh thánh mỗi tuần trong ngày Sabát. Vào dịp này, những người cùng làng của Chúa lắng nghe với sự chăm chú bởi vì họ đã nghe biết về những phép lạ Người đã làm nơi những thành phố khác.

Người sẽ làm phép lạ nào nơi quê hương mình? Đức Giêsu đã khiến họ sửng sốt với lời khiển trách rằng không một ngôn sứ hay tôi tớ Thiên Chúa có thể được kính trọng nơi quê hương mình. Dân thành Nagiarét đã chống đối và từ chối lắng nghe những gì Người phải nói. Họ coi thường lời giảng dạy của Người bởi vì Người từng là một chàng thợ mộc trong giới lao động cùng đinh, và chỉ là một giáo dân bình thường không được học hỏi từ các kinh sư luật sĩ. Họ cũng coi thường Chúa bởi vì bối cảnh của gia đình Người. Hơn nữa, ông Giuse cha Người là một người giao hàng, và bà Maria mẹ Người cũng chẳng có chức phận gì đặc biệt.

Sự gần gũi phát sinh sự coi thường

Sự thân mật gần gũi dễ phát sinh sự coi thường biết bao! Đức Giêsu đã không thể làm một phép lạ nào nơi quê hương mình bởi vì họ biết rõ Người, họ có thành kiến với Người và họ coi thường lời nói cũng như hành động của Người nhân danh Thiên Chúa. Nếu người ta đến với nhau để ghen ghét và từ chối chấp nhận người khác chỉ vì họ khác với mình, thì họ sẽ không thấy gì ngoài quan điểm của chính mình và họ sẽ từ chối yêu thương và đón nhận người khác. Bạn nhìn những người thân quen với bạn như thế nào? Với lòng nhân hậu và tôn trọng hay với một tinh thần chỉ trích và phê phán?

Chúa Giêsu muốn giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi, thành kiến, coi thường, và sợ hãi. Tình yêu và ơn sủng của Người giải thoát chúng ta để yêu thương tha nhân với cùng một ơn sủng và tình yêu mà Chúa đã bày tỏ cho chúng ta. Chỉ Đức Giêsu mới có thể giải thoát chúng ta thật sự khỏi hành động độc quyền có thể xảy ra, khỏi nô lệ cho tội lỗi, và sợ hãi cái chết. Chiến thắng của Chúa trên thập giá đem lại cho chúng ta ơn tha thứ và sự chữa lành, và ơn sống thánh thiện nhờ quyền năng của CTT. Bạn có nhận biết niềm vui và sự giải thoát mà tình yêu của Đức Kitô đem lại cho tâm hồn chúng ta không?

Lạy Chúa Giêsu, tình yêu của Chúa chiến thắng mọi sự sợ hãi, và phá tan quyền lực của sự ghen ghét và kỳ thị. Xin đổ tràn tâm hồn con lòng thương xót nhân từ của Chúa, để con có thể đối xử với tha nhân cũng với tâm tình nhân hậu mà Chúa đã bày tỏ cho con.

Tác giả: Don Schwager
(http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/)
Bro. Paul Thanh Vu – chuyển ngữ

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây