Chúa Hiển Dung

Thứ tư - 05/08/2020 07:39

 CHÚA HIỂN DUNG năm A. Lễ kính.

“Mặt Người chiếu sáng như mặt trời”.

 

Bốn mươi ngày trước lễ Suy Tôn Thánh Giá, lễ Hiển Dung nhắc cho các tín hữu nhớ rằng Chúa Kitô đã muốn ‘chuẩn bị tâm hồn các môn đệ khỏi vấp phạm vì khổ hình thập giá’. Nhưng đồng thời lễ này cũng loan báo cho mọi tín hữu biết mình được nhận làm con cái Thiên Chúa, nhờ Con Thiên Chúa là Đức Giêsu, và loan báo ánh sáng diệu kỳ một ngày kia sẽ rạng ngời trên toàn thân thể nhiệm mầu, tức là Hội Thánh.

 

Lời Chúa: Mt 17, 1-9

Khi ấy, Chúa Giêsu gọi Phêrô, Giacôbê và Gioan là em ông này, và Người đưa các ông tới chỗ riêng biệt trên núi cao. Người biến hình trước mặt các ông: mặt Người chiếu sáng như mặt trời, áo Người trở nên trắng như tuyết. Và đây ông Môsê và Êlia hiện ra và đàm đạo với Người.

Bấy giờ ông Phêrô lên tiếng thưa Chúa Giêsu rằng: “Lạy Thầy, chúng con được ở đây thì tốt lắm; nếu Thầy ưng, chúng con xin làm ba lều, một cho Thầy, một cho Môsê, và một cho Êlia”. Lúc ông còn đang nói, thì có một đám mây sáng bao phủ các Ngài, và có tiếng từ trong đám mây phán rằng: “Đây là Con Ta yêu dấu rất đẹp lòng Ta, các ngươi hãy nghe lời Người”. Nghe thấy vậy, các môn đệ ngã sấp xuống và hết sức sợ hãi. Bấy giờ Chúa Giêsu đến gần, động đến các ông và bảo: “Các con hãy đứng dậy, đừng sợ”. Ngước mắt lên, các ông thấy chẳng còn ai, trừ ra một mình Chúa Giêsu.

Và trong lúc từ trên núi đi xuống, Chúa Giêsu đã ra lệnh cho các ông rằng: “Các con không được nói với ai về việc đã thấy, cho tới khi Con Người từ cõi chết sống lại”.

 

 

SUY NIỆM LỄ CHÚA HIỂN DUNG - A

Lời Chúa: Đn. 7, 9-10.13-14; 2Pr. 1, 16-19; Mt. 17, 1-9

 

1. Vinh quang Thập Giá

Sáu ngày trước khi biến hình vinh quang trên đỉnh Taborê, Chúa Giêsu đã chính thức loan báo cho các tông đồ biết về những khổ đau Người sẽ phải chịu. Thế nhưng, Phêrô đã lên tiếng can ngăn Ngài, để rồi Ngài đã thẳng thắn quở trách: Hỡi Satan hãy lui đi.

Qua đó chúng ta thấy mơ ước của các tông đồ là một mơ ước nặng nùi xôi thịt, được bao phủ bằng những quyền lực trần thế. Thực vậy, khi dân chúng có ý định tôn Chúa Giêsu lên làm vua sau phép lạ hoá bánh ra nhiều, các tông đồ đã khấp khởi mừng thầm, vì sẽ được chia chác ghế nọ, ghế gia trong thành phần nội các của Ngài, nhưng rồi các ông đã thất vọng khi Chúa lên thuyền và đi ngay. Mãi cho đến những ngày cuối cùng của Chúa, các ông vẫn còn tranh cãi xem ai được làm lớn nhất dưới triều đại của Ngài. Và giờ đây, trước ánh quang vinh, các ông lại càng khó chấp nhận thập giá hơn nữa. Maisen và Elia đang nói chuyện với Chúa về vấn đề thập giá mà Ngài sẽ phải chịu. Các ông tai nghe mắt thấy nhưng không một mảy may chú ý. Các ông chỉ thấy có ánh sáng và vinh quang, cho nên đã định dựng lều tại Tabo, chứ không thấy được sứ mạng của Thầy mình ở Canvê.

Đó cũng chính là tâm trạng của mỗi người chúng ta. Nếu chúng ta không nguyền rủa thập giá, thì cũng chỉ chấp nhận nó như một tai ương không thể lẩn tránh chứ không như một sứ mạng cao cả và có tính cách cứu độ. Chúng ta không ngừng xây dựng thiên đàng ngay ở dưới thế, cũng như không ngừng phóng đại những hạnh phúc trần gian, coi đó như cùng đích phải theo đuổi, để rồi cuối cùng xin chọn trần gian này làm quê hương vĩnh cửu.

Chúng ta không biết rằng: thiên đàng là tình yêu chứ không phải là những thú vui vị kỷ hay nói đúng hơn, thiên đàng là chính Thiên Chúa. Giữa vinh quang, các tông đồ không thể tin nổi rằng Chúa có thể chết và chết cách nhục nhã. Đã bao lần Chúa đã nối kết cái chết của Ngài vào với sự phục sinh, nhưng các ông không thể hiểu nổi sợi dây nối kết ấy. Vì thế khi Chúa bị bắt, các ông bị tan tác như bầy chiên trước sói rừng. Nếu có theo thì chỉ dám theo xa xa, để rồi sau cùng đã chối bỏ Chúa. Ngay cả sau khi Chúa đã sống lại mà các ông vẫn còn không tin, vẫn còn tuyệt vọng.

Với chúng ta cũng vậy, biết bao lần chúng ta đã nhìn thử thách cuộc đời qua cặp kính màu xám, chúng ta kéo lê thập giá chứ không tự mình vác lấy. Còn Chúa Giêsu thì khác, chính lúc Người nộp mình trong tay kẻ thù lại là lúc Người được quang vinh như Người đã nói: Ta đã thắng thế gian, ngày nào Ta bị treo lên khỏi đất...

Là môn đệ của Chúa, chúng ta không có con đường nào khác ngoài con đường thập giá như lời thánh Phaolô: Tôi chỉ biết có Đức Kitô chịu đóng đinh, nhưng Ngài đã phục sinh để chúng ta được sống. Cho nên mặc dù vai vác thập giá, cặp mắt chúng ta vẫn luôn hướng về trời cao. Trời cao và sự sống, đó là kết thúc của con đường thập giá.

Bởi vì đau thương là đường lên ánh sáng, gian khổ là đường về vinh quang và thập giá là đường dẫn tới sự phục sinh.

 

2. Nhỏ bé và tầm thường

Đoạn Tin mừng hôm nay kể lại rằng: Chúa Giêsu đem Phêrô, Giacôbê và Gioan lên một ngọn núi cao và tại đó, Ngài đã biến hình trước mặt các ông. Mặt Ngài chiếu sáng như mặt trời. Áo Ngài trở nên trắng tinh như tuyết. Rồi lại có Môisê và Elia hiện ra và trò chuyện với Ngài.

Trước cảnh tượng huy hoàng ấy, Phêrô đã thốt lên:

- Lạy Thầy, chúng con được ở đây thì tốt lắm. Nếu Thầy muốn, con xin làm ba lều, một cho Thầy, một cho Môisê và một cho Elia.

Qua sự việc kể trên, chúng ta nhận ra một khuynh hướng chung cho mọi người, ở mọi nơi và trong mọi lúc. Đó là chúng ta vốn ưa thích những sự việc lạ lùng và khác thường.

Đúng thế, dân làng Nadarét đã khâm phục sự khôn ngoan của Chúa Giêsu, thế nhưng vì không thấy Ngài làm một phép lạ nào, nên họ đã tỏ ra bực bội tức tối và muốn xô Ngài xuống vực thẳm.

Dân Do Thái nhiều người đã muốn suy tôn Ngài lên làm vua, vì Ngài đã làm phép lạ cho bánh hóa nhiều để nuôi sống họ trong hoang địa. Thế nhưng, sau khi nghe Chúa Giêsu nói về một thứ của ăn thiêng liêng là Mình và Máu Ngài, thì họ đã lấy làm chướng tai gai mắt, nên đã bỏ Ngài mà đi. Và cũng chính họ trước tòa án Philatô, khi nhìn thấy vóc dáng thiểu não và thân hình tiều tụy của Ngài, đã không ngần ngại kêu gào:

- Đónh đanh nó đi, đóng đanh nó vào cây thập giá.

Hêrôđê cũng vậy, ông ta muốn gặp Ngài chỉ vì tính hiếu kỳ, chỉ vì óc tò mò, mong được xem Ngài biểu diễn những trò ngoạn mục. Thế nhưng, khi thấy Ngài giữ thái độ yên lặng, thì ông đã cười nhạo và khoác cho Ngài một chiếc áo trắng để nói lên rằng Ngài chỉ là một tên điên khùng, mà trao trả Ngài lại cho Philatô.

Thái độ của Phêrô hôm nay cũng vậy. Trên đỉnh Tabôrê, ông đã say mê ngất ngây trướ cảnh tượng huy hoàng và ánh vinh quang của Chúa Giêsu. Thế nhưng, khi nghe Ngài nói về cuộc thương khó sắp xảy ra, thi ông đã lấy làm bực bội và lên tiếng can ngăn, khiến Ngài đã phải quở trách nặng lời:

- Hỡi Satan, hãy xéo đi, vì ngươi chỉ biết những việc của người đời, mà chẳng biết chi đến những việc của Thiên Chúa.

Rồi chính Phêrô trong sân nhà thầy cả thượng phẩm đã chối Chúa ba lần. Không hiểu trong lúc chối Chúa như vậy, ông có nhớ tới vinh quang Tabôrê nữa hay không?

Từ những điều vừa trình bày, chúng ta nhận thấy cách thức hoạt động của Thiên Chúa thật khác xa với cách thức hoạt động của chúng ta, đúng như lời Ngài đã nói:

- Tư tưởng và đường nẻo của Ta không giống với tư tưởng và đường nẻo của các ngươi. Như trời cao hơn đất bao nhiêu, thì tư tưởng và đường nẻo của Ta cũng cao hơn tư tưởng và đường nẻo của các ngươi bấy nhiêu.

Thực vậy, đang khi chúng ta đi tìm những sự vinh quang và những việc lạ lùng khác thường, thì Chúa lại dùng chính những cái nhỏ bé, những cái tầm thường và ngay cả những khổ đau, những thất bại và ngay cả cái chết tủi nhục của mình để cứu độ chúng ta.

Lịch sử đã cho chúng ta hay biết về sự thật này. Có ai tầm thường cho bằng Đavít, một cậu bé chăn chiên, thế mà Thiên Chúa đã dùng cậu bé này để thiết lập một triều đại mới, dẫn đưa dân Do Thái tới một thời đại hoàng kim và phồn vinh.

Có ai khiêm nhường cho bằng Maria, một thôn nữ âm thầm, thế mà Thiên Chúa đã dùng Mẹ để khởi đầu cho chương trình cứu thế.

Có ai đã thất bại cho bằng Chúa Giêsu với cái chết ê chề và nhục nhã trên thập giá, thế mà Ngài lại dùng chính khổ đau của thập giá để cứu chuộc chúng ta.

Và ngày hôm nay, Chúa vẫn còn tiếp tục nói với chúng ta qua những sự việc nhỏ bé, tầm thường và khiêm tốn như thế. Tuy nhiên, điều quan trọng đó là chúng ta có biết lắng nghe và thực thi ý định của Ngài được tỏ lộ qua những sự việc nhỏ bé, tầm thường và khiêm tốn ấy hay không?

 

3. Vinh quang Phục Sinh

(‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’ – Radio Veritas Asia)

Tin Mừng được Giáo Hội cho chúng ta suy niệm hôm nay ghi lại biến cố hiển dung của Chúa Giêsu trên núi Tabo. Biến cố này diễn ra sáu ngày sau khi Chúa loan báo về cuộc tử nạn và sự phục sinh của Ngài. Các môn đệ và ngay cả những người môn đệ thân tín nhất là Phêrô, Gioan và Giacôbê, không thể hiểu và không muốn chấp nhận cuộc tử nạn của Ngài. Cho các ông chứng kiến sự hiển dung, Chúa Giêsu muốn lặp lại dưới một hình thức khác lời loan báo về cuộc tử nạn và phục sinh của Ngài. Lần này Ngài muốn xác quyết với các ông rằng để đi vào vinh quang Phục Sinh cần phải đi qua bóng tối của sự chết.

Với những ai đang trải qua bóng tối của thập giá, biến cố hiển dung của Chúa Giêsu là một nguồn nâng đỡ vô biên. Dietrick Bonhoffer, vị mục sư người Đức đã bị giam tù vì can đảm lên tiếng chống lại chủ trương dã man độc ác của Đức Quốc Xã. Trong tám tháng bị giam giữ, ông đã không ngừng suy nghĩ về biến cố hiển dung của Chúa Giêsu và tìm thấy được ánh sáng ngay giữa những đêm dài vô tận trong một nhà tù ở Berlin. Ngay chính buổi sáng bị đem ra hành quyết, ông đã thốt lên: "Thế là hết! Cuộc sống đã khởi đầu đối với tôi". Trong bài thơ có tựa đề Những Tiếng Thì Thầm Trong Đêm Tối, ông đã kêu gọi: "Hỡi những người anh em, sau những đêm dài, bao lâu ngày của chúng ta chưa đến, chúng ta hãy chiến đấu".

Ba người môn đệ thân tín của Chúa Giêsu đã ngây ngất khi chiêm ngắm vinh quang phục sinh của Chúa Giêsu, nhưng ánh sáng phục sinh ấy chỉ kéo dài trong giây lát; bóng đêm đã trở lại, nhìn chung quanh, họ thấy lại Chúa Giêsu cũng như mọi người và nhất là như một tên tử tội đang tiến ra pháp trường. Nhưng chắc chắn ánh sáng phục sinh ấy đang chiếu rọi trong tâm hồn các ông.

Tất cả những ai đang sống trọn cho niềm tin của mình, tất cả những ai đang thực thi cho đến cùng sứ mệnh của các ngôn sứ đều có trong mình ánh sáng phục sinh ấy. Chính ánh sáng phục sinh ấy mang lại cho họ niềm hy vọng và can đảm để tiến tới trong đêm đen của hận thù, dối trá và đặt niềm tin tưởng mãnh liệt vào Chúa, họ có đủ lý do để có thể thấy trước sự chiến thắng của ánh sáng, của chân lý và tình yêu.

Nguyện xin Chúa nâng đỡ cho tất cả những ai đang sống cho đến cùng sứ mệnh ngôn sứ cho chân lý.

 

4. Lễ Hiển Dung

(Phêrô Dương Hải Văn, SDB)

Cả ba Phúc Âm nhất lãm đều đề cập đến biến cố biến đổi hình dạng của Chúa Giêsu tại núi Tabor. Với một sự tương đồng đáng chú ý, cả ba đều kể lại biến cố này sau khi ông Phêrô tuyên xưng Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế, và sau lần đầu tiên Đức Giêsu nói về sự thống khổ và cái chết của Ngài.

Đức Giêsu đem ông Phêrô, Giacôbê và Gioan cùng đi với ngài lên trên một núi cao, tại đó Ngài biến đổi dung nhan trước sự ngỡ ngàng của các ông. Sự chiếu sáng rạng ngời của Ngài phát xuất từ thần tính của Ngài. Bằng việc tỏ hiện vinh quang của mình, Ngài nhằm củng cố lòng tin của cả ba môn đệ đi theo Ngài và chuẩn bị cho họ đối diện với những thử thách sắp tới, bằng cách ban cho họ nếm hưởng trước vinh quang và niềm vui thần linh qua những đau khổ trong đời sống của người môn đệ.

Sự hăng hái của Phêrô trong việc dựng lều nơi Chúa hiển dung đưa ra giả sử rằng, biến cố đó xảy ra trong dịp lễ lều kéo dài một tuần lễ trong mùa thu.

Mặc dù cả ba văn bản đều rất giống nhau, theo các học giả Kinh Thánh, thật khó để diễn lại cảm nghiệm của các tông đồ. Chắc chắn là Phêrô, Giacôbê và Gioan đã thoáng nhìn thấy được thiên tính của Đức Giêsu, nhưng ấn tượng ấy đủ mạnh để tạo nên sự sợ hãi in sâu trong tâm hồn họ. một cảm nghiệm như vậy không thể nào diễn tả được, do đó các ngài dùng cách diễn đạt thông thường trong kinh sách để diễn tả. Tuy nhiên, Đức Giêsu cũng đã cảnh báo họ về sự vinh hiển và sự thống khổ của Ngài liên hệ mật thiết với nhau một cách chặt chẽ.

Ngay từ thời các tông đồ, truyền thống đã coi núi Tabor là nơi Chúa hiển dung. Chính vì thế, trong thế kỷ thứ 4 một nhà thờ đã được dựng nên ở núi Tabor. Vào ngày 22 tháng 7 năm 1456, thập tự quân đánh bại quân Thổ Nhĩ Kỳ ở Belgrade. Tin tức về cuộc chiến thắng được đưa về Rôma vào ngày 06 tháng 8, và năm sau, Đức Giáo Hoàng Callistus III đã đưa ngày lễ này vào niên lịch phụng vụ của Rôma.

Lạy Chúa Giêsu, qua ánh sáng của sự hiển dung, Chúa đã tỏ lộ vinh quang của mình cho các tông đồ nhằm củng cố đức tin cho các ngài. Xin cho chúng con luôn biến tin tưởng và tín thác vào tình yêu của Chúa trong mỗi biến cố vui buồn của cuộc sống chúng con, và xin cho chúng con cũng biết "hiển dung" đời sống của mình cho những người sống chung quanh chúng con. Amen.

 

5. “Đức Chúa Giêsu biến hình trên núi”

(Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc SJ)

1. Ngọn núi cao (c. 1)

“Sáu ngày sau”, từ lúc Đức Giêsu hỏi các môn đệ: “Còn anh em, anh em nói Thầy là ai?” (16, 15) và mời gọi các môn đệ đón nhận Ngài vào cuộc đời của mình, bằng cách đi theo Ngài trên con đường Thập Giá: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (16, 24). Chúng ta có thể hình dung ra tâm trạng của các môn đệ trong sáu ngày qua.

Các tông đồ Phê-rô, Gia-cô-bê và Gioan được chọn để đi riêng ra một chỗ, tới một ngọn núi cao. Trong Kinh Thánh, núi là nơi Thiên Chúa tỏ hiện và con người đi lên núi để gặp gỡ Ngài. Núi có ý nghĩa như thế, vì đó là hình ảnh diễn tả việc giữ khoảng cách với những vấn đề của cuộc sống, vốn hay trói buộc con người, để có thể hướng về trời cao và những gì thuộc về trời cao. Chính vì thế, Đức Giêsu hay lên núi cầu nguyện, giảng ở trên núi (Bài Giảng Trên Núi trong Mt 5-7), và đặc biệt lần này, Ngài bày tỏ căn tính thần linh của Ngài trong tương quan với Thiên Chúa Cha và lịch sử cứu độ cũng ở trên núi, “một ngọn núi cao”.

Trong đời sống ơn gọi của chúng ta, chúng ta cũng được Chúa mời gọi, và phải nói mạnh hơn, được Chúa chọn, đi riêng ra một chỗ, tới “ngọn núi cao” biểu tượng, nghĩa là tới nơi Thiên Chúa tỏ hiện và ngỏ lời với chúng ta, để lắng nghe Lời của Ngài, để nhận ra ân huệ Ngài ban và cảm nếm được sự hiện diện của Ngài trong cuộc sống của chúng ta, qua đó, có thể ca tụng và tạ ơn Chúa, và cũng để xin Ngài chữa lành, soi sáng, thêm sức và tái tạo chúng ta, và có khi một cách đơn sơ, để ở với Ngài một cách nhưng không. Cuộc sống của chúng ta vốn đầy thách đố đủ loại, vì thế, chúng ta cần biết bao, cùng với Chúa, đi riêng ra một nơi, lên ngọn núi cao.

Thật ra, những lúc đi riêng ra một nơi với Chúa, vẫn được ban cho chúng ta đấy thôi, nhưng chúng ta lại thường không đón nhận cách quảng đại như một ơn huệ Chúa ban.

Đó là thời gian cầu nguyện cá nhân hằng ngày.

Đó là thời gian chúng ta dâng Thánh Lễ, đọc kinh Phụng Vụ, thời gian chúng ta cầu nguyện chung với nhau.

Đó là thời gian tĩnh tâm, tĩnh tâm tháng, tĩnh tâm năm hay những lúc chúng ta khao khát và sắp xếp được để sống cho và với một mình Chúa.

Ước gì trong những lúc “đi riêng ra một nơi” với Chúa, Chúa ban cho chúng ta có cùng kinh nghiệm thiêng liêng như các tông đồ, đó là cảm nếm căn tính chói ngời của Chúa, để có thể nói: “Lạy Ngài, chúng con ở đây, thật là hay!”.

2. Dung nhan Người chói lọi như mặt trời (c. 2-6)

a. Nhìn ngắm dung nhan chói lọi của Đức Giêsu

Chính lúc Đức Giêsu biến đổi hình dạng, là lúc có sự hiện diện của ông Mô-sê và ông Elia, tượng trưng cho lịch sử cứu độ. Chúng ta hãy lắng nghe các ngài đàm đạo. Theo thánh sử Lu-ca, các vị đàm đạo về cuộc Xuất Hành Người sẽ hoàn thành tại Giê-ru-sa-lem (Lc 9, 31). Như thế, lịch sử cứu độ (Lề Luật và ngôn sứ) loan báo mầu nhiệm Vượt Qua và mầu nhiệm Vượt Qua hoàn tất lịch sử cứu độ. Mà lịch sử cứu độ là gì? Là lịch sử kể lại sự hiện diện, sự quan phòng và cách dẫn đưa của Thiên Chúa giầu lòng thương xót hành trình làm người của những cuộc đời, của một dân tộc, đầy thăng trầm và tội lỗi, bị chi phối nặng nề bởi Sự Dữ, không chỉ từ khởi đầu của dân tộc Israel, nhưng ngay từ khởi của loài người (x. St 3). Chúng ta hãy chiêm ngắm Đức Giêsu trở nên chói lọi như mặt trời, như bản văn Tin Mừng tường thuật: “Dung nhan người chói lọi như mặt trời, và y phục người trở nên trắng tinh như ánh sáng” (Mt 17, 2). Như thế, chính khi lịch sử cứu độ được hoàn tất nơi ngôi vị của Đức Giêsu, dung nhan của Ngài trở nên Mặt Trời, Mặt Trời ban ánh sáng, sức nóng và sự sống: “Chẳng có chi tránh được ánh dương nồng” (Tv 19, 7).

Dưới ánh sáng của lịch sử cứu độ được hiểu như trên, chúng ta được mời gọi đọc lại và nhận ra cuộc đời chúng ta cũng là một “lịch sử cứu độ”, như kinh nghiệm thiêng liêng của hai môn đệ trên đường Emmau (x. Lc 24, 13-35), tuy đầy thăng trầm, tội lỗi và bị chi phối nặng nề bởi Sự Dữ, nhưng hướng tới Mầu Nhiệm Vượt Qua và được Mầu Nhiệm Vượt Qua hoàn tất, như thánh sử Gioan mong ước: “Những điều đã được chép ở đây là để anh em tin rằng Đức Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sự sống nhờ danh Người.” (Ga 20, 31). Chính khi nhận ra hành trình làm người và hành trình ơn gọi của chúng ta, quá khứ, hiện tại và tương lai của cuộc đời chúng ta hướng tới và được hoàn tất nơi ngôi vị của Đức Kitô, đó sẽ là lúc chúng ta sẽ có được kinh nghiệm chiêm ngắm Dung Nhan chói ngời của Đức Kitô.

Vậy, trên hành trình đi theo Đức Kitô trong ơn gọi gia đình và nhất là trong đời sống dâng hiến, chúng ta hãy ước ao và xin Chúa ban cho chúng ta kinh nghiệm thiêng liêng nền tảng này: Đức Kitô trở nên chói ngời trong cuộc đời và ơn gọi của chúng ta; và ước gì cuộc sống hằng ngày của chúng ta với những đòi hỏi của ơn gọi, là lời diễn tả tâm tình vui sướng: “Lạy Chúa, chúng con ở đây, thật là hay!” Bởi vì, ánh sáng chói lòa của Đức Giêsu trên đỉnh núi muốn nói cho chúng ta về kinh nghiệm niềm vui và hạnh phúc của lựa chọn cho đi sự sống của mình, đánh liều cuộc đời mình trong một ơn gọi, vì Đức Kitô và vì Tin Mừng, như chính Ngài đã nói sáu ngày trước (Mt 16, 24-26).

b. Nhìn ba môn đệ và nghe lời của ông Phê-rô

Chúng ta hãy mặc lấy tâm tình của các môn đệ để hiểu hết lời nói này của ông Phê-rô: “Thưa Thầy, chúng con ở đây thật là hay! Chúng con xin dựng ba cái lều…”. Có người hiểu lời này của ông Phê-rô là: “rất may, có chúng con ở đây để phục vụ các Ngài…”. Nhưng chúng ta cũng có thể hiểu, đó đơn giản là lời diễn tả “ơn an ủi thiêng liêng”, diễn tả niềm hạnh phúc khôn tả được chiêm ngắm vĩnh cửu; và ông Phê-rô muốn duy trì hạnh phúc này mãi mãi, bằng cách dựng lều cho các vị. “Lều” là biểu tượng của sự an nghỉ cánh chung. Và đối với ông Phê-rô, cánh chung là đây!

Chúng ta hãy ước ao có được kinh nghiệm này khi chiêm ngắm các mầu nhiệm của cuộc đời Đức Giêsu, và nhất là Cuộc Thương Khó của Ngài, vì có một lúc nào đó, Ngài sẽ trở lên chói ngời đối với chúng ta. Và chính với kinh nghiệm chiêm ngắm Đức Kitô chói ngời trong Tin Mừng và trong toàn bộ Kinh Thánh, chúng ta có thể nhận ra Chúa rạng ngời, ngay trong đời sống dâng hiến đầy thách đố của chúng ta.

c. Nhìn ngắm đám mây sáng ngời và lắng nghe Lời từ đám mây

Đám mây thần linh bao phủ các ông, là hình ảnh thật đẹp diễn tả tình yêu Thiên Chúa bao bọc, mời gọi con người đi vào trong kế hoạch cứu độ của Người. Hình ảnh đám mây còn diễn tả là điều Chúa Chúa muốn, đối lại với lòng ước ao “dựng lều” của ông Phê-rô. Bởi vì, khi ông còn đang nói, có đám mây sáng ngời bao phủ các ông. Đám mây là hình ảnh của sự di động, không thể làm chủ hay nắm bắt được, thay vì cố định, dễ làm chủ và nắm bắt như căn lều; và từ đám mây, Thiên Chúa Cha lên tiếng:

Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời người.

Như thế, chính khi chúng ta vâng nghe Đức Giêsu, và đi theo Ngài trên con đường Thập Giá, trong ơn gọi của chúng ta với tâm tình biết ơn và yêu mến, chúng ta sẽ có được niềm hạnh phúc thần linh của Thiên Chúa. Và khi đó chúng ta có thể nói: “Lạy Chúa, chúng con ở đây thật là hay !”

d. Nhìn ba môn đệ

Khi chiêm ngắm dung nhan rạng ngời của Đức Giêsu, ba môn đệ chìm ngập trong niềm vui. Nhưng khi nghe lời này từ đám mây: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người!”, thì các ông kinh hoàng. Chúng ta vừa chiêm ngắm và vừa tìm hiểu tại sao các môn đệ lại kinh hoàng, “ngã sấp mặt xuống”. Chúng ta cần lưu ý, lời của Chúa Cha nói về Đức Giêsu trong biến cố biến hình cũng là cùng một lời trong biến cố phép rửa (x. Mt 3, 17). Nhưng Người thêm một lời mời gọi đầy ý nghĩa, nhưng cũng thách đố nữa: “Các ngươi hãy vâng nghe lời Người”.

3. «Chỗi dậy đi đừng sợ» (c. 7-8)

Chúng ta hãy nhìn ngắm và đọc ra ý nghĩa hình ảnh: Đức Giêsu lại gần, chạm vào các ông và bảo: “Chỗi dậy đi, đừng sợ!” Trên đường đi theo Chúa, và trong mọi hoàn cảnh, kể cả hoàn cảnh tận căn nhất và tận cùng nhất, Chúa vừa đụng chạm đến chúng ta (chứ không phải chúng ta cố đụng chạm được Chúa) và vừa nói Lời Hằng Sống: “Hãy chỗi dậy, đừng sợ”.

Nhưng chính lúc ấy, các môn đệ lại phải trở về “bờ bên này” và lát nữa phải “xuống núi”, nghĩa là đời thường: “Các ông ngước mắt lên, không thấy ai nữa, chỉ còn một mình Đức Giêsu mà thôi.” Nhưng, trong tâm hồn các ông, Đức Giêsu mà các ông nhìn thấy, không còn là Đức Giêsu trước mầu nhiệm Biến Hình. Và sâu xa hơn, các ông được mời gọi vẫn nhận ra Dung Nhan Rạng Ngời của Người ngay trong lời nói và hành động hằng ngày của Người, và nhất là nơi mầu nhiệm Vượt Qua, và sau đó, trong chính cuộc đời của mình, với những thăng trầm, thách đố và khổ đau, nhưng được đảm nhận dưới ánh sáng của mầu nhiệm Vượt Qua.

 

6. Biến Hình để được Hiển Dung

Hàng năm vào ngày 6 tháng 8, Giáo Hội mừng lễ Kính Chúa Giêsu Hiển Dung, còn được gọi là Kính Chúa Giêsu Biến Hình Trên Đỉnh Núi Taborê. Trên đỉnh núi Taborê Chúa đã cho ba môn đệ ‘thân tín’ nhất của Ngài là Phêrô, Giacôbê và Gioan ‘nếm một chút’ và ‘cảm nghiệm một phần nào’ niềm vui sướng và hoan lạc của Nước Chúa Hằng Sống. Mới ‘chỉ nếm một chút’ thôi và mới ‘cảm nghiệm một phần nào’ thôi niềm hoan lạc hạnh phúc của Nước Chúa Hằng Sống mà Phêrô đã cảm thấy ngất ngây tột đỉnh, đến nỗi đã không ngần ngại và cũng không cần phải suy nghĩ lâu gì, và đã thốt lên rằng: Lạy Thầy, ở lại trên núi luôn được không? Nếu được, con sẽ dựng ngay ba lều: một cho Thầy, một cho Môisen và một cho Êlia.

Nhưng muốn được hưởng niềm hoan lạc sung sướng của Nước Chúa, chúng ta phải ‘hiển dung’, phải ‘biến hình’, phải ‘thay đổi’ nếp sống nên tốt hơn. Đó là ý nghĩa chính yếu của Thánh Lễ Kính Chúa Giêsu Hiển Dung mà Hội Thánh kêu gọi con cái mừng kính trọng thể hàng năm.

Như một cây cảnh hay cây ăn trái chúng ta trồng chẳng hạn. Để cây có thể lớn lên, lớn lên nữa, lớn lên hơn nữa, cây đó cũng phải ‘thay hình’ và ‘đổi dạng’. Phải đau đớn nứt nẻ thân cây, và ngay cả ‘lột xác’, bỏ rơi lại dưới đất những vỏ cây khô. Có như thế, cây mới lớn lên cao, lớn lên cao mãi được. Cuộc đời chúng ta cũng vậy, muốn lớn lên, lớn lên mãi trong tình nghĩa tử làm con cái của Chúa, chúng ta cũng phải như thân cây. Chúng ta phải can đảm hy sinh chấp nhận mọi đớn đau trong sự ‘biến hình’ và “đổi dạng” trút bỏ lại những cằn cỗi, già nua của những vỏ cây là hiện thân của những tham sân si, ghen ghét, hận thù, bất công, vu oan, cáo vạ...

Hơn nữa, để có thể leo lên tới đỉnh Núi Thánh của Chúa trong niềm vui hoan lạc, chúng ta cũng phải bỏ xuống khỏi đôi vai, thân xác và ra khỏi lòng chúng ta những cồng kềnh, lỉnh kỉnh của mọi điều gian trá bất nhân. Bằng không chúng ta sẽ khó lòng leo lên tới được đỉnh núi Taborê. Mà sợ còn gẫy gánh dọc đường khi chỉ mới ngang lưng sườn núi vì bị những cồng kềnh, lỉnh kỉnh đó đè bẹp chúng ta ngã quỵ.

Mừng Kính Lễ Kính Chúa Giêsu Hiển Dung hàng năm, Hội Thánh mời gọi chúng ta suy niệm và sống ý nghĩa của sự cần thiết ‘Hiển dung’ và ‘biến đổi’ cuộc sống hàng ngày của chúng ta nơi dương thế. Nghĩa là, Chúa thách đố chúng ta ‘biến hình’ để rồi được ‘hiển dung’ với Chúa trên Núi Thánh. Ước chi mỗi người chúng ta luôn biết cố gắng thanh luyện và biến đổi đời sống của chúng ta nên tươi tốt và đẹp đẽ hơn trong mọi hoàn cảnh. Đồng thời trút bỏ mọi cồng kềnh và lỉnh kỉnh vô ích hầu chúng ta có thể nhẹ nhõm bước đi và lên đến đỉnh Núi Thánh trên Nước Chúa Vĩnh Hằng.

 

7. Những sự việc bình thường

“Này là con Ta yêu dấu, hãy nghe lời Ngài.”

Vào lúc Chúa Giêsu chịu phép rửa, Ngài đã được giới thiệu như là Người Con chí ái và là Đấng cứu độ của nhân loại. Tại nơi chịu phép rửa, Chúa Giêsu đã lãnh lấy chức vụ người Tôi Tớ đau khổ, nhưng lại được Thánh Thần hướng dẫn. Còn trong cuộc biến hình hôm nay, Ngài đã được giới thiệu trong tư cách một vị tiên tri mà mọi người phải vâng nghe.

Tiếng bởi trời đã tỏ cho các tông đồ và qua các tông đồ, cho mỗi người chúng ta nhận biết về Đức Kitô. Thế nhưng sau những giây phút bàng hoàng và sợ hãi, các tông đồ chỉ còn thấy Chúa Giêsu trở về với vóc dáng cua một con người bình thường, quang cảnh huy hoàng với Môsê và Elia đã biến mất. Đấng mà các ông vừa mới được chiêm ngưỡng sự vinh quang, Đấng mà các ông vừa mới được kêu gọi vâng phục chính là Chúa Giêsu nhưng trong điều kiện làm người của Ngài.

Chúng ta rất dễ bị lôi cuốn, hấp dẫn bởi những cái ngoạn mục, những cái vượt ra ngoài ranh giới thông thường. Trong Tin Mừng chúng ta thấy ông Phêrô, sau khi được thấy mặt Thầy chiếu sáng như mặt trời và áo Thầy trở nên trắng như ánh sáng, rồi Thầy lại còn đàm đạo cùng Môsê và Elia, đã vội vàng đề nghị: Chúng con được ở đây thì tốt lắm, nếu Thầy muốn, chúng con xin làm ba lều, một thầy Thầy, một cho Môsê và một cho Elia.

Nhưng hiện tại vẫn phải là con đường xuống núi, tiếp tục tiến về Giêrusalem, đối diện với cái chết. Hiện tại chưa phải là lúc dừng lại trong vinh quang. Cuộc sống vẫn phải là cuộc hành trình của niềm tin, của sự gắn bó với Chúa Giêsu, dù rằng Ngài đang tiến đến thập giá. Vinh quang chỉ có thể đến ngang qua đau khổ.

Với sự kiện Chúa biến hình trên núi, các tông đồ như được thêm sức mạnh để cùng đi với Ngài trong đoạn đường còn lại. Nhiều người trong chúng ta rất dễ dàng đón nhận những lời nói của ông thánh này bà thánh nọ phán dạy qua những lần hiện ra ở chỗ này, chỗ khác, như những lời nói đáng tin cậy nhất với những việc lạ lùng kèm theo. Thế nhưng trong chương trình của Chúa, Ngôi Lời đã làm người và ở giữa chúng ta, Ngài đã giảng dạy bằng những hình ảnh hết sức bình thường và quen thuộc, chẳng hạn hình ảnh chim trời, cây vả, mẻ lưới, tiệc cưới... Chính Ngài cũng đã sống những điều ngài giảng dạy một cách thật bình thường, cho dù Ngài đủ khả năng lôi cuốn dân chúng bằng những việc lạ lùng. Chẳng hạn như sau khi làm phép lạ cho bánh hoá nhiều, thì dân chúng muốn tôn Ngài lên làm vua, nhưng Ngài đã dứt khoát từ khước.

Ngày hôm nay, Chúa vẫn tiếp tục nói với chúng ta qua những sự việc thật bình thường của cuộc sống, điều quan trọng là chúng ta có biết lắng nghe và vâng phục thánh ý Ngài hay không?

 

8. Biến hình

Cách đây vài năm khi đang đi bộ lang thang khu siêu thị, tôi để ý thấy đám đông chăm chú nhìn vào một cái gì đó trong tủ kính trưng bày của một cửa tiệm. Tò mò, tôi bước tới nhìn xem. Người ta ngắm một bức tranh. Bức tranh vẽ đủ mọi màu sắc sáng với những biểu tượng và hình thù chẳng có ý nghĩa gì. Ban đầu tôi chợt nghĩ: “Chắc là một loại nghệ thuật trừu tượng. Và mình sẽ không bao giờ có thể hiểu được loại nghệ thuật này!”

Tình cờ, một trong những người khách chỉ vào bức tranh và nói: “Tôi thấy Ngài rồi! Tôi thấy Ngài rồi!” “Thấy cái gì? Thấy ai?” một vài người đứng đó hỏi. “Thủng thẳng đã, tôi không chắc chắn lắm, và tôi cũng không muốn quấy rầy quí vị”. Sau đó một người khác cũng la lên: “Rồi, tôi cũng thấy Ngài nữa!”

Một vài người lắc đầu bỏ đi. Và chỉ còn vài người chúng tôi ráng đứng lại nhìn. “Xin lỗi, bà có thể nói lại cho tôi biết cái gì vậy?” Tôi hỏi một trong những người đã nói rằng bà trông thấy “Ngài”. Bà cắt nghĩa: “Đây là một bức hình ba chiều, nếu nhìn vào bức hình khi có ánh sáng phù hợp vào đúng góc cạnh, sẽ nhìn thấy một bức hình ở đó”. Thế hả? Tôi đáp lại nhưng vẫn còn nghi ngờ. “Nhưng nó không dễ nhìn thấy đâu!” Bà nói thêm. “Tôi phải mất gần ba chục phút mới nhìn ra đấy. Nhưng kìa thấy rồi”. Bà chỉ ngón tay vào bức hình: “Bộ không thấy sao?” Bà hỏi. Tôi cố gắng nhìn tập trung vào bức tranh muốn chóng cả mặt. “Tôi chẳng trông thấy gì cả”, tôi phải tự thú như vậy, “Hay là tưởng tượng đấy?” Bà mỉm cười, rồi quay mặt bước đi, nhưng vẫn không quên khích lệ tôi: “Đừng bỏ cuộc! Cố nhìn thêm chút nữa!”

Tôi đã phải nhìn vào bức hình đó hằng chục lần nữa mà cũng không thấy gì. Trên đường trở ra bãi đậu xe, tôi quyết định trở lại để thử nhìn thêm một lần nữa. Khi tôi nhìn vào bức tranh, hơi cúi khom đầu xuống một chút, những đường nét trang trí bắt đầu mờ nhạt, và một khuôn mặt xuất hiện. Một cách rất khoan khoái tôi nhận ra đây là khuôn mặt của Chúa Giêsu. “Tôi đã trông thấy Ngài! Tôi đã trông thấy Ngài!” Rồi mất thêm một tiếng đồng hồ nữa để giúp cho những người xung quanh cũng nhìn thấy Ngài. Thật là thú vị trông thấy khuôn mặt của họ tươi sáng hẳn lên khi nhận diện ra khuôn mặt của Chúa Giêsu lần đầu tiên sau những nỗ lực vất vả.

Hôm nay, Lễ Chúa Hiển Dung, bài Phúc âm thánh Matthêu nói về cuộc biến hình của Chúa Giêsu trên núi. Phêrô, Giacôbê và Gioan đã nhìn thấy khuôn mặt vinh quang của Con Thiên Chúa lần đầu tiên. Họ đã ở với Chúa Giêsu hằng ngày trong khoảng thời gian ba năm. Họ đã nhìn thấy Ngài, lắng nghe Ngài giảng dạy, chứng kiến những phép lạ Ngài làm, nhưng họ vẫn chưa thực sự nhận ra Ngài là ai.

Trong cuốn “Jésus: A Fait De Moi, Un Témoin”, “Chúa Giêsu Đang Sống Qua Nhân Chứng”, cha Emiliano Tardif chia sẻ như sau: “Một sứ giả Tin Mừng trước tiên phải là một chứng nhân có một kinh nghiệm cá nhân về sự chết và Phục sinh của Chúa Giêsu Kitô và là người truyền đạt cho kẻ khác, không chỉ là một đạo lý, mà một Đấng-Vẫn- Sống đang ban sự sống dồi dào”. “Không ai có thể trở thành sứ giả đích thực của Tin Mừng, nếu người đó không có kinh nghiệm đời sống mới mà Chúa Giêsu ban cho”.

Chúa Giêsu đã cho ba môn đệ trải qua kinh nghiệm về hình ảnh vinh quang của Ngài để giúp họ học hỏi và sống đời sống chứng nhân sau này.

1. Thiên Chúa nâng chúng ta lên.

Trong Cựu ước, ngọn núi cao thường là nơi mô tả sự gặp gỡ giữa Thiên Chúa và con người. Thiên Chúa đã mời gọi Môsê đi lên núi để lãnh nhận Mười điều răn. Phêrô, Giacôbê và Gioan là những người Chúa Giêsu tuyển chọn, được đưa lên núi cao để hưởng đặc ân của Thiên Chúa. Họ đã chứng kiến một điều sẽ ảnh hưởng sâu xa trong cuộc đời chứng nhân sau này như Phêrô đã thú nhận: “Là chứng nhân những đau khổ của Đức Kitô và được dự phần vinh quang sắp tỏ hiện trong tương lai”.

Ngài cũng có chương trình riêng cho mỗi người chúng ta. Bằng những cách gọi rất cá nhân và khác nhau, Thiên Chúa đã mời gọi mỗi người và nâng chúng ta lên. Chúng ta sẽ cảm nghiệm được điều này nếu biết cầu xin và đón nhận với lòng biết ơn. Cha Emiliano Tardif đã chia sẻ kinh nghiệm cá nhân của ngài: “Chúng ta có thể gặp được chính Tin Mừng là Chúa Giêsu Kitô, Đấng hôm qua và hôm nay vẫn là thế, và hằng sống muôn đời”.

Sách Giáo lý Công giáo, số 556 cũng đã viết: “Sự biến hình cho ta nếm trước ngày quang lâm vinh hiển của Chúa Kitô, “Đấng sẽ biến đổi thân xác khốn khổ của chúng ta, để hóa nên giống như thân xác vinh hiển của Ngài”.

2. Thiên Chúa đem chúng ta xuống.

Sau kinh nghiệm cực kỳ sung sướng vừa thấy Chúa Giêsu biểu lộ vinh quang sáng ngời của Ngài, thì có tiếng từ trong đám mây phán rằng: “Đây là Con Ta yêu dấu rất đẹp lòng Ta, các ngươi hãy nghe lời Người”. “Nghe vậy, các môn đệ kinh hoàng, ngã sấp mặt xuống đất”. Vừa mới lên cao đến tột đỉnh sáng ngời, liền bị hạ sấp mặt xuống đất trong kinh hãi. Thiên Chúa nâng họ lên cao và hạ họ xuống thấp. Đây là những chi tiết thú vị của câu chuyện.

Dân gian Việt Nam gọi cái thăng trầm, và thử thách của cuộc đời là: “Lên voi xuống chó”, “Lên bổng xuống trầm”, “Lên ngàn xuống bể”, “Lên thác xuống ghềnh”. Những thành ngữ rất gợi hình này nói lên một phần thực tại của cuộc sống lữ hành.

Thánh Kinh cũng thường diễn tả việc Thiên Chúa hạ những kẻ cao sang và kiêu căng xuống. Tiên tri Isaia đã viết: “Vì Đức Chúa, các đạo binh đã dành sẵn một ngày để trị tất cả những gì kiêu căng ngạo nghễ, trị tất cả những gì tự cao tự đại: chúng sẽ bị hạ xuống”. Sách 1 Samuel nói: “Đức Chúa bắt phải nghèo và cho giàu có, Người hạ xuống thấp, Người cũng nhấc lên cao”. Thánh vịnh 75 nói rằng: “Chỉ Thiên Chúa mới là thẩm phán, Chúa hạ bệ người này, cất nhắc kẻ kia”. Trong bài ca “Ngợi Khen”. “Kinh Magnificat” xác định: “Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường”.

Thánh Phaolô đã trải qua kinh nghiệm này, đang “hằm hằm những lời đe dọa và giết chóc…” thì “bỗng nhiên có một luồng ánh sáng từ trời chiếu xuống bao phủ lấy ông. Ông ngã xuống đất và nghe có tiếng nói…”. Và chính Chúa Giêsu cũng đã bước qua những thăng trầm này: “Lạy Cha, sao Cha nỡ bỏ con?”

3. Tin tưởng vào Chúa Giêsu và tiếp tục cuộc sống:

Thiên Chúa đã đưa ba tông đồ lên núi, làm họ ngã sấp mặt xuống đất, thì cũng chính Ngài, qua Đức Giêsu Kitô lại nâng họ lên: “Các con hãy đứng dậy, đừng sợ”. Rồi cùng với họ đi xuống núi. Trên đường đi xuống núi lòng họ hoang mang, đầy những câu hỏi, nghi vấn, nhưng Chúa Giêsu đã nói với họ rằng: “Các con không được nói với ai về việc đã thấy, cho tới khi Con Người từ cõi chết sống lại”. Bí mật của cuộc biến hình này tạo nên sự tin tưởng cho các tông đồ khi phải đối diện với đau khổ và sự chết của Chúa Giêsu trên thập giá và của chính các ông sau này.

 

9. Biến hình

Họa sĩ người Ý, Raphael (1483 – 1520), khi chết mới 37 tuổi, nhưng đã để lại một số lượng tác phẩm tuyệt vời cho hậu thế. Một trong những tác phẩm danh tiếng của ông có tên là “Cuộc Biến Hình”, “Transfiguration”. Trong tang lễ, bức tranh này đã được đặt trên đầu quan tài của ông. Bức tranh vẽ có hai phần. Phần trên, diễn tả cảnh Chúa Giêsu biến hình trong sự sáng láng và vinh quang của Ngài, mặt Ngài chiếu sáng, áo Ngài trắng như tuyết. Bản tính Thiên Chúa ngời sáng qua nhân tính của Ngài. Ở bên phải là Môsê, đại diện cho luật cũ, và bên trái là tiên tri Elia, đại diện cho các tiên tri của Cựu ước. Ở dưới chân của Chúa Giêsu là ba tông đồ Phêrô, Giacôbê và Gioan trong sự sửng sốt và kinh ngạc khi thấy vinh quang thiên quốc của Ngài.

Trái lại, phần dưới của bức tranh tối tăm u buồn. Trong cái u tối đó có một bé trai bị bệnh, đang đau đớn quằn quại trên chiếc giường nhỏ, gia đình qui tụ xung quanh, cùng với chín tông đồ còn lại. Một tông đồ đang chỉ tay vào em bé bị bệnh, và một tông đồ khác chỉ tay hướng về Chúa Giêsu đang trên đường đi xuống núi. Các tông đồ không thể chữa được cơn bệnh ngặt nghèo của em bé, chỉ có Chúa Giêsu mới có thể chữa được. Em bé trai phải hướng về Chúa Giêsu và tin tưởng vào Ngài.

Đau khổ và thập giá là sự kiện hiển nhiên trong cuộc sống. Chúng xuất hiện dưới nhiều hình thức. Không ai có thể tránh khỏi. Sách Giáo lý Công giáo cũng xác định rằng: “Muốn vào chốn vinh quang của Ngài”, “Ngài phải trải qua thập giá tại Giêrusalem”.

Sự biến hình của Chúa Giêsu trong vinh quang chính là niềm hy vọng và tăng cường sức mạnh cho chúng ta đang khi cố gắng trung thành với Ngài giữa những cám dỗ, đau khổ và thử thách. Giống như em bé trai thống khổ trong bức tranh vẽ của Raphael, chúng ta không bao giờ thất vọng khi nhìn ngắm vào thập giá của Chúa Giêsu, mà phải luôn tìm kiếm Ngài trong vinh quang. Chỉ qua Ngài, với Ngài, và ở trong Ngài chúng ta mới chiến thắng được thế gian và ma quỉ.

 

10. Người biến đổi hình dạng

Trong các hình ảnh người ta vẽ Đức Giêsu, ta thường thấy Ngài có vòng hào quang trên đầu. Thật ra Con Thiên Chúa đã nên giống chúng ta. Ngài mang khuôn mặt bình thường như ta. Chính nơi khuôn mặt này mà ta thấy Thiên Chúa.

"Ai thấy Ta là thấy Cha" (Ga 14,9).

Khuôn mặt con người có thể phản ánh khuôn mặt Thiên Chúa.

Nơi khuôn mặt Đức Giêsu, khuôn mặt như mọi người, ta có thể gặp thấy Thiên Chúa vô hình, Đấng ngàn trùng thánh thiện và vô cùng siêu việt.

Ba môn đệ đã quá quen với khuôn mặt Thầy Giêsu, khuôn mặt dãi dầu mưa nắng vì sứ vụ, khuôn mặt chan chứa mọi thứ tình cảm của con người. Chính vì thế họ ngây ngất hạnh phúc khi thấy khuôn mặt ấy rực sáng vinh quang. Họ muốn dựng lều để ở lại tận hưởng.

Tiếng từ đám mây phán ra như một lời giới thiệu và nhắn nhủ: "Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người, các ngươi hãy vâng nghe lời Người."

Thầy Giêsu vừa là Con, vừa là Người Tôi Trung (Is 42,1), vừa là vị ngôn sứ đã từng được Môsê loan báo (Đnl 18,15).

Phêrô không quên được kỷ niệm độc đáo này. Ông viết: "Chúng tôi đã được thấy tận mắt vẻ uy phong lẫm liệt của Người... Chúng tôi đã nghe thấy tiếng từ trời phán ra khi chúng tôi ở trên núi thánh với Người" (2Pr 1,16-18).

Đức Giêsu được biến hình sau khi chấp nhận cuộc khổ nạn, sau khi thắng được cơn cám dỗ của Phêrô (Mt 16,23), và kiên quyết đi trên con đường Cha muốn.

Biến hình là một bừng sáng ngắn ngủi, bất ngờ, báo trước vinh quang phục sinh sắp đến.

Thân xác Đức Giêsu sẽ được vào vinh quang viên mãn khi thân xác ấy chịu lăng nhục và đóng đinh vì yêu Cha và yêu con người đến tột cùng.

Chúng ta cũng được biến hình, được bừng sáng, nếu chúng ta dám yêu, dám từ bỏ cái tôi ích kỷ, để cái tôi đích thực được lộ ra, trong ngần.

Chúng ta cần có lần lên núi cao, thanh vắng, để nhìn thấy khuôn mặt ngời sáng của Đức Giêsu, nhờ đó chúng ta dễ đón nhận khuôn mặt bình thường của Ngài khi xuống núi, và khuôn mặt khổ đau của Ngài trên thập tự.

Thế giới hôm nay không thấy Chúa biến hình sáng láng, nhưng họ có thể cảm nghiệm được phần nào khi thấy các Kitô hữu có khuôn mặt vui tươi, chan chứa niềm tin, tình thương và hy vọng.

Sám hối là đổi tâm hồn, đổi khuôn mặt để chính tôi và cả Hội Thánh mang một khuôn mặt mới.

Gợi Ý Chia Sẻ

Bạn nghĩ gì về khuôn mặt của bạn, đâu là những điểm sáng và điểm tối? Bạn có dám xin một người khác góp ý về những điểm bạn chưa rõ về bạn không?

Bạn nghĩ gì về khuôn mặt giáo xứ của bạn, nhóm của bạn, gia đình của bạn? Bạn có thể làm gì để khuôn mặt ấy ngời sáng hơn?

Cầu Nguyện

Lạy Chúa Giêsu, xin biến đổi con, xin biến đổi con từ từ qua cầu nguyện.

Mỗi lần con thấy Chúa, xin biến đổi ánh mắt con.

Mỗi lần con rước Chúa, xin biến đổi môi miệng con.

Mỗi lần con nghe lời Chúa, xin biến đổi tai con.

Xin làm cho khuôn mặt con rạng ngời hơn sau mỗi lần gặp Chúa.

Ước chi mọi người thấy nét tươi tắn của Chúa trong nụ cười của con, thấy sự dịu dàng của Chúa trong lời nói của con.

Thế giới hôm nay không cần những Kitô hữu có bộ mặt chán nản và thất vọng.

Xin cho con biết nhẫn nại và can đảm cùng đi với Chúa và với tha nhân trên những nẻo đường gập ghềnh. Amen.

 

11. Đức Giêsu biến đổi hình dạng

(Lm. FX. Vũ Phan Long)

1.- Ngữ cảnh

Cả ba Tin Mừng Nhất Lãm đều đặt câu truyện Hiển Dung vào cùng một chỗ, tiếp sau lời tuyên xưng của Phêrô (Mc 8,27-30; Mt 16,13-20; Lc 9,22) và những lời Đức Giêsu nói về số phận của môn đệ và vinh quang của Con Người (Mc 8,34–9,1; Mt 16,24-28; Lc 9,23-27).

Riêng Tin Mừng Matthew đóng khung cuộc đời công khai của Đức Giêsu giữa hai ngọn núi:

- Khi chuẩn bị ra đi thi hành sứ vụ: trên “một ngọn núi rất cao” (Mt 4,8), quỷ đã cám dỗ Đức Giêsu nhận quyền bính và quyền hành trên toàn thế giới từ tay nó: “Tôi sẽ cho ông tất cả những thứ đó, nếu ông sấp mình bái lạy tôi” (Mt 4,9). Nhưng Người đã dứt khoát từ chối.

- Khi kết thúc sứ mạng của Người và khởi đầu sứ mạng của các môn đệ, Đức Giêsu gặp Nhóm Mười Một “tại ngọn núi Người đã truyền cho các ông đến” (Mt 28,16). Tại đây Người tuyên bố là Người “đã được [Thiên Chúa] trao toàn quyền trên trời dưới đất” (Mt 28,18) và dựa trên nền tảng này, Người sai phái các ông đi loan báo Tin Mừng “cho muôn dân”.

Vì Người đã từ chối nhận mọi quyền hành từ tay quỷ mà bây giờ Người nhận được mọi quyền hành từ tay Thiên Chúa.

- Giữa hai biến cố nêu trên, có một biến cố khác cũng xảy ra trên một ngọn núi cao: Đức Giêsu biến đổi hình dạng, Người có vinh quang Thiên Chúa: cuộc khải hoàn Phục Sinh đã được giới thiệu trước. Và biến cố này đã xảy ra sau khi Đức Giêsu gạt bỏ đề nghị của Satan qua miệng Phêrô là đừng đi theo đường lối của Chúa Cha.

Theo văn cảnh xa, có thể nói bản văn chứa đựng biến cố Hiển Dung vừa tóm lại các cám dỗ vừa đón trước cuộc diện kiến trên núi giữa Đấng Phục Sinh và các môn đệ; chúng ta thấy ở đây có các yếu tố của hai tình trạng ấy của Đức Giêsu: Con Thiên Chúa vinh quang và Đấng Messiah phải chịu đau khổ; nổi bật lên như một gạch nối là sự chọn lựa dứt khoát, thái độ cương quyết của Đức Giêsu để đi theo thánh ý Chúa Cha. Điểm này được minh chứng theo văn cảnh gần: cuộc Hiển Dung được đóng khung giữa hai lời loan báo về Khổ Nạn (Mt 16,21-23; 17,22-23).

2.- Bố cục

Bản văn có thể chia thành phần:

1) Mở (17,1);

2) Thị kiến (17,2-8):

a) Mở đầu: Đức Giêsu biến đổi hình dạng,

b) Các tình huống: Moses và Elijah hiện ra đàm đạo; Phêrô đề nghị làm lều; tiếng Thiên Chúa phán,

c) Kết: các môn đệ sợ hãi; Đức Giêsu trấn an; mọi sự trở lại như cũ;

3) Kết (17,9).

3.- Vài điểm chú giải

- Sáu ngày sau (1): Theo Xh 24,13-16, Thiên Chúa tỏ mình ra cho Moses trên núi Sinai sau sáu ngày; và theo Đnl 16,13-15, đay là ngày cuối cùng của Lễ Lều.

- Phêrô, Giacôbê và Gioan (1): Ba môn đệ này cũng lại được thấy xuất hiện tại khu vườn Gethsemane (Mt 26,37).

- Một ngọn núi cao (1): Một quả núi là biểu tượng cho nơi Thiên Chúa mạc khải. Ở đây hẳn quả núi này là một Sinai khác tại Galilee. Truyền thống vẫn cho rằng đây là núi Tabor, mà Tabor thật ra chỉ là một quả đồi. Nhưng hợp lý hơn, có lẽ là núi Carmel hay Hermon. Đặc biệt trong Tin Mừng Matthew, khi Đức Giêsu sắp làm một việc gì quan trọng, Người thường lên núi: cuộc cám dỗ xảy ra trên núi cao (Mt 4,8); các Mối Phúc được công bố trên núi (Mt 5,1); bánh được nhân ra nhiều trên núi (Mt 15,19); và Nhóm Mười Một gặp Đấng Phục Sinh trên một ngọn núi (Mt 28,16).

- Biến đổi hình dạng (metemorphòthé; 2): Sự cố biến đổi hình dạng (= sự hóa thân) này là điều rất quen thuộc đối với ngoại giáo. Có lẽ vì thế mà Luca đã tránh dùng từ ngữ này.

- Moses và Elijah (3): Đây là hai nhà linh thị trứ danh của Cựu Ước, cả hai đều có liên hệ với núi Sinai-Horeb. Moses thường được coi là đại diện cho Lề Luật và Elijah đại diện cho các Ngôn Sứ; nhưng có thể coi cả hai vị vừa là những nhà lập pháp vừa là những ngôn sứ. Và nói chung, các ngài đại diện cho thiên giới.

- Ba cái lều (4): Hẳn chi tiết này nhắc dến hoàn cảnh thực là Lễ Lều (sukkốt: Lv 23,42; Nkm 8,14-18).

- Đám mây sáng ngời bao phủ các ông (5): Đám mây là dấu chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa. Động từ episkiazein, “bao phủ; rợp bóng” là động từ cổ điển để lưu ý về sự hiện diện (Hipri: shekinah) của Đức Chúa (Yhwh) trong đời sống và trong các tình huống của dân Ngài (x. Xh 40,34-35; 1V 8,10-12; Ed 10,3-4; Tv 18,12).

- Tiếng từ đám mây phán (5): Trong Cựu Ước, “tiếng nói” thường xuất hiện trong các bài tường thuật về ơn gọi, chẳng hạn: St 12,1-3; 15,1; Xh 3,4; 19,16-24; 1Sm 3,4; Is 6,8; Gr 1,11;...

- Đây là Con yêu dấu của Ta (5): Câu này là một tổng hợp Tv 2,7; Is 42 và có lẽ cả St 22,2. Từ ngữ “con” trước tiên diễn tả quan hệ gia đình, rồi cũng có sắc thái thân tình, kết hợp và hiệp thông.

- Nghe vậy, các môn đệ rất đỗi sợ hãi (6): Matthew cho thấy là nỗi sợ hãi của họ là do nghe lệnh Thiên Chúa truyền, chứ không phải do thấy thị kiến (Marco).

- Đức Giêsu lại gần (7): Động từ proserchomai, “đi đến, đến gần”, là một động từ Matthew thích dùng (52 lần; 5 lần trong Marco và 10 lần trong Luca), nhưng chỉ có hai lần được áp dụng cho Đức Giêsu (ở 17,6-7 và 28,18 riêng của Matthew). Trong cả hai bản văn, Đức Giêsu đến gần các môn đệ với mục tiêu là trợ giúp những kẻ đang sợ hãi hoặc hoài nghi:

Mt 17,6-7

6 Khi các môn đệ nghe vậy

họ ngã sấp mặt xuống đất

và hết sức kinh hoàng

7 Bấy giờ Đức Giêsu lại gần

chạm vào các ông và bảo:

“Trỗi dậy đi, đừng sợ”

Mt 28,16-20

16 Mười một môn đệ…

17 Khi thấy Người,

các ông bái lạy Người,

nhưng có mấy ông hoài nghi.

18 Đức Giêsu đến gần

nói với các ông:

19 “…toàn quyền…”

20 Thầy ở cùng anh em mọi ngày”

- Thị kiến (9): Hoạt cảnh này vừa là “thị kiến” ([h]orama do động từ [h]oraô) kiểu khải huyền vừa là một cuộc thần hiển (có thể so sánh với các bản văn Khải Huyền: Đn 10,1-10 [Kh 1,13-15]; 12,4.9 và các yếu tố thần hiển trong: Xh 19,16; 24,15-16; 40,34-35). Từ ngữ mang tính khải huyền này hàm ý là nhìn thấy Đức Giêsu hiển vinh là một “thị kiến” được Thiên Chúa ban cho.

4.- Ý nghĩa của bản văn

Bản văn chúng ta đọc hôm nay có phần khó hiểu. Nếu tác giả muốn kể cho chúng ta biêt về một biến cố đặc biệt xảy ra trong cuộc đời Đức Giêsu, thì hẳn là mọi sự sẽ đơn giản và rõ ràng; nhưng tác giả lại đi xa hơn việc cung cấp thông tin. Ngài muốn nói cho chúng ta biết Đức Giêsu là ai, và ngài đã dùng một ngôn ngữ đầy hình ảnh và biểu tượng dễ hiểu và rõ ràng cho người thời đại ngài, nhưng lại khó cho chúng ta hôm nay.

Mở (1)

Chi tiết xác định thời gian “sáu ngày sau” muốn nói là sau chuyện gì? Tại sao tác giả lại ghi nhớ một chi tiết không đáng kể như vậy? Và làm sao ngài có thể còn nhớ được chi tiết này 50 năm sau, khi bắt đầu viết?

Tại sao Đức Giêsu chỉ đưa ba môn đệ đi với Người? Tại sao Người lên một ngọn núi?

Chi tiết “sáu ngày sau” hẳn là muốn đưa độc giả về với Xh 24,16, trong đó kể rằng “sau sáu ngày”, mây bao phủ quả núi và đến ngày thứ bảy, Thiên Chúa gọi Moses. Tác giả hướng độc giả chú ý vào một kinh nghiệm siêu nhiên. Nơi ấy hẳn là vắng vẻ, bởi vì Đức Giêsu đưa các môn đệ “đi riêng với mình, lên một ngọn núi cao”, bởi vì theo một cái khung quen thuộc theo linh đạo Kinh Thánh, người ta không thể có kinh nghiệm về Thiên Chúa (Đức Kitô) trong sự hỗn độn và ồn ào náo nhiệt. Đức Giêsu chính là vị hướng dẫn đoàn dân mới, được đại diện bởi ba môn đệ.

Thị kiến (2-8)

Sau phần mở, tác giả giới thiệu Đức Giêsu vinh quang, bằng cách vận dụng các yếu tố quen thuộc của những thị kiến khải huyền (ánh sáng mặt trời, y phục trắng tinh). Sau này, khi mô tả trang phục của vị sứ thần báo tin Phục Sinh, tác giả Matthew cũng cho thấy các yếu tố này (Mt 28,3-4). Họi Thánh gọi cuộc Phục Sinh là một sự “biến hóa; biến thái” (metamorphein) để cho thấy sự thay đổi xảy ra nơi nhân tính Đức Giêsu. Từ ngữ này dị nghĩa vì có thể làm chúng ta nghĩ đến sự hóa trang của các thần linh Hy Lạp, cho dù đây là một dữ kiện không được các Kitô hữu Siri và Paléttina biết đến. Từ ngữ này cũng hời hợt nữa, vì không phác họa được tất cả mầu nhiệm Phục Sinh mà các tác giả Tin Mừng còn gọi là “sự tái sinh”, “sự công chính hóa”. Ánh sáng, màu sắc, sự “biến hóa” nơi bản thân Đức Giêsu, tất cả cho thấy rằng Người là một nhân vật thuộc thế giới khác, là “Con Người” mặc lấy uy quyền và vinh quang (x. Đn 7,13-14). Đây là một thị kiến về Đức Kitô trong vinh quang tương lai của Đấng Phục Sinh.

Đức Kitô biến đổi hình dạng (và phục sinh) là đích điểm của Lề Luật và các Ngôn Sứ (x. Mt 5,17). Sự xuất hiện của Moses và Elijah (ngược lại với Mc 9,4) cho thấy các niềm chờ mong của dân Israel, các lời hứa thiên sai, nay đã nên hiện thực nơi bản thân Đức Giêsu (x. Lc 24,27; Rm 3,21). Chúng ta không được biết là hai ngài đàm đạo với Đức Giêsu về chuyện gì, nhưng dựa theo Lc 9,31, các ngài nói về “cuộc xuất hành” Đức Giêsu sắp hoàn thành tại Jerusalem, thì hẳn là các ngài trao đổi cuộc Khổ Nạn Đức Giêsu sắp đi vào. Moses và Elijah tượng trưng cho truyền thống Cựu Ước mà Đức Giêsu đến để hoàn tất (Mt 5,17). Khi chỉ một mình ngài ghi nhận là “dung nhan Người chói lọi như mặt trời”, hẳn là tác giả Matthew muốn ám chỉ Đức Giêsu là Moses mới, còn Moses ngày xưa chỉ có “da mặt sáng chói” mà thôi (x. Xh 34,30).

Phản ứng của Phêrô khi đề nghị dựng ba cái lều lại nêu bật một lần nữa sự tương phản giữa các khát vọng của loài người và kế hoạch của Thiên Chúa. Mới trước đây ít lâu, ông đã lấy lòng thành mà ngăn cản Đức Giêsu đi lên Jerusalem, và đã bị Đức Giêsu mắng là “Satan”. Nay khi đề nghị dựng ba lều, ông đã hiểu sai ý nghĩa của quang cảnh nên đã tìm cách hưởng lấy chiến thắng vinh quang mình không đáng hưởng. Cả ở đây cũng vậy, Phêrô là đại diện cho “thịt và máu” (Mt 16,17), tức người không suy nghĩ theo Thiên Chúa, nhưng theo cách của loài người (Mt 16,23), nên lại ngáng trở thay vì cộng tác với Thiên Chúa. Lần này, không phải là Đức Giêsu mắng Phêrô là “người kém tin” (Mt 14,31) hoặc là liên minh Satan (Mt 16,23), nhưng chính Chúa Cha can thiệp để điều chỉnh các ước vọng và quan niệm của ông. Đám mây sáng ngời bao phủ cả các tông đồ. Như thế, các ông đã được tiếp xúc với chính vinh quang huy hoàng của Thiên Chúa, để được đón nhận một sứ điệp trực tiếp từ Thiên Chúa. Khi Chúa Cha giới thiệu Con của Ngài, lời lẽ của Ngài không còn dè giữ, không giới hạn nữa (x. Mt 11,25-27). Lời giới thiệu Đức Kitô (Phục Sinh) là một tổng hợp giữa các “bản văn thiên sai” (Tv 2,7 và Is 42,1). Cũng như tại phép rửa, “tiếng nói” từ trời làm sáng tỏ và xác nhận cả sứ mạng lẫn ơn gọi của Đức Giêsu. Phêrô đã muốn xóa đi một phần chương trình thiên sai; Chúa Cha đến nhắc rằng chương trình này không phải là một công trình của loài người, nhưng là một kế hoạch của Ngài. Chính Ngài đã phác ra cho Đức Giêsu con đường phải theo (người tôi tớ đau khổ chứ không phải là một vị vua thuộc dòng dõi David).

Tác giả hoàn tất khung cảnh với những yếu tố thuộc quy ước: ngã xuống đất, sợ hãi, im lặng. Đây là những mẹo văn chương mà các tác giả văn chương khải huyền thường dùng để diễn tả một kinh nghiệm siêu phàm đang xảy ra. Đức Giêsu can thiệp như vai trò thiên thần trấn an. Các lời “Đừng sợ” thường được nói lên trong các thị kiến tương tự (x. Đn 8,16-17; 10,9-12.16-19; Kh 1,17; Lc 1,12-13.29-30).

Câu cuối của hoạt cảnh có một tầm mức biện giáo và Kitô học. Sau khi “hóa thân”, Đức Giêsu trở lại với tình trạng bình thường. Từ nay, “chỉ còn một mình Đức Giêsu mà thôi”, bởi vì Người là phát ngôn nhân duy nhất của Thiên Chúa, mà loài người phải quy chiếu về và quy phục. Lời nhắc này được gửi đến mọi người, nhưng đặc biệt được gửi đến những người còn tin vào Moses và chờ đợi Elijah trở lại (x. Mt 17,10).

Kết (9)

Từ trên núi xuống, lời nhắc “giữ bí mật” xác nhận rằng bản văn này song song với các mạc khải kiểu khải huyền (x. Đn 12,9) và gợi lại các tình huống phức tạp (chính trị–ái quốc) mà các lời loan báo về Đấng Messiah đã và sẽ gặp. Lời xác định “cho đến khi Con Người từ cõi chết trỗi dậy” cho thấy con đường đúng để hiểu được ý nghĩa bài tường thuật này. Thực tại của Đức Giêsu chỉ sẽ nên sáng tỏ và ta chỉ sẽ hiểu được dưới ánh sáng của cuộc Phục Sinh của Người.

+ Kết luận

Cuộc Hiển Dung là cuộc tôn vinh được sống trước của Đức Giêsu. Người đã xuất hiện trong tất cả những phẩm tính của Người: Con Người, tôi trung của Đức Chúa, Messiah, Con Thiên Chúa, và với tất cả các liên hệ của Người trong lịch sử cứu độ. Cuộc Hiển Dung vừa tăng cường uy tín cho sứ mạng của Đức Giêsu vừa củng cố quyền bính của các tông đồ. Nếu quyền hành của Phêrô (16,18) và của Nhóm Mười Hai (Mt 18,18) lên tới trời là bởi vì ở dưới thế này, Đức Kitô đã đăng quang, nhằm xác nhận các quyết định của các ông.

5.- Gợi ý suy niệm

1. Muốn có một kinh nghiệm nào đó về Thiên Chúa, muốn gặp gỡ Ngài, nhất thiết chúng ta phải ra khỏi đời sống thường ngày xô bồ náo nhiệt và được chính Ngài dẫn dắt. Người ta vẫn nói rằng có thể và phải gặp Thiên Chúa giữa lòng cuộc sống này. Điều này không sai, và còn cần thiết cho chúng ta là những người thường xuyên sống và dấn thân giữa lòng xã hội với những vấn đề và biết bao cuộc gặp gỡ với người khác. Nhưng để có thể gặp Chúa trong cuộc đời và cộng tác với Ngài, chúng ta đã phải thường xuyên gặp Ngài trong nơi cô tịch, trong thinh lặng, riêng tư: chúng ta đã thường xuyên được Ngài bao phủ “trong đám mây sáng chói”.

2. Phêrô đã thưa với Đức Giêsu: “Lạy Ngài (= Chúa)”, nhưng rất có thể theo nghĩa là đế vương, vị thống lãnh, hơn là Messiah vinh quang. Đức Kitô mà Chúa Cha (và hôm nay, Hội Thánh) giới thiệu là Chúa Tể, nhưng đặc biệt là ngôn sứ, là nhà lập pháp được ủy nhiệm của thời đại mới, Đấng mà loài người phải lắng nghe, nghĩa là vâng phục. Quan niệm của Phêrô không do Thiên Chúa hướng dẫn, nên sai lạc; các đề nghị của Chúa Cha, trong đó có hàm chứa cả những lời loan báo về số phận cuối cùng, trần thế và thiên quốc, của Đức Kitô, mới là những đề nghị đúng đắn mà loài người phải đón nhận.

3. Tất cả những gì Israel vẫn ước mong nay đã trở thành hiện thực. Điều mới mẻ là nhân vật được biến đổi hình dạng. Người không từ trời xuống đất, mà chính là trời xuống với đất. Người không nói, mà chính tiếng nói từ trời lên tiếng. Cuối cùng, điều chính yếu là kể từ nay, Đấng mà ta phải lắng nghe (vâng phục) không còn phải là Đức Chúa (Yhwh) mà là Đức Giêsu, Đấng đang ở đó. Con người này là Đấng mạc khải, là chính Đức Chúa.

4. Sự biến hình Thánh Thể của Chúa Giêsu đối với Người hệ tại không phải là tỏ vinh quang của Người ra bên ngoài, nhưng là che giấu vinh quang ấy đi dưới những hình bí tích. Tuy nhiên, vì đã trung thành lắng nghe lời của Con yêu dấu để được Người dạy dỗ về mầu nhiệm này, chúng ta nhạn ra Người đang hiện diện dưới dạng bánh thánh và Phêrô có thể kêu lên: “Lạy Chúa, ở đây thật là hay!”. Sau đó, cần có can đảm mà phụng sự Người trong nếp sống khiêm tốn mỗi ngày.

5. Hội Thánh đang dấn thân thi hành sứ mạng Đức Giêsu đã giao phó cho Nhóm Mười Một trên núi (x. Mt 28,16-20). Để có thể tiếp tục chu toàn sứ mạng, Hội Thánh luôn nhớ bài học Đức Giêsu để lại trên núi kia, khi Người từ chối các gợi ý của Satan, cũng như lời giới thiệu của Chúa Cha trên núi nọ, khi Người giới thiệu Đức Giêsu là Con yêu dấu của Người, là điển hình cho chúng ta, là Đấng sẽ ban cho chúng ta những giáo huấn giúp chúng ta trở thành gia đình đích thực của Thiên Chúa.

 

12. Đỉnh cao hôm nay – Đỉnh cao ngày mai

(Lm. Giuse Nguyễn Cao Luật)

Bên kia những thực tại hữu hình

Bản văn của thánh Mát-thêu trình bày một kinh nghiệm thần bí vượt trên những thực tại hữu hình, qua những con người và biểu tượng. Bản văn là một mặc khải về một mầu nhiệm: căn tính của Đức Giêsu.

Nơi chốn: "một nơi riêng", "một ngọn núi cao". Đây không phải là một địa điểm cụ thể về địa dư. Có thể lấy làm tiếc vì một truyền thống muôn thời đã muốn xác định về một nơi rõ ràng, bởi vì việc Tin Mừng không nói rõ nơi chốn có thể có nghĩa là mặc khải này sẽ xảy ra ở mọi nơi.

Đàng khác, "ngọn núi cao" luôn luôn là một nơi đặc biệt; tại đó đất dường như nối liền với trời, và cũng tại đó, con người vừa cảm nghiệm được sự bé nhỏ của mình, đổng thời vừa muốn vươn mình tới những chiều kích bao la của vũ trụ.

Thời gian: đã được xác định rõ là 6 ngày sau khi Đức Giêsu báo trước cho các Tông Đổ về cuộc Khổ Nạn. Tuy nhiên, cuộc Hiển Dung còn có ý nghĩa lớn lao hơn: nối kết giữa quá khứ (Môsê + Êlia) và tương lai (Đức Kitô phục sinh). Đây là một thời gian vượt-thời-gian.

Các nhân vật: thái độ của các môn đệ (theo Đức Giêsu, muốn ở lại, sự kinh hoàng, ngã sấp mặt xuống đất) cho thấy một sự đảo lộn, một ý thức do một nhận biết không thể diễn tả nổi về thực tại nơi Đức Kitô. Con đường này trở thành con đường của các môn đệ sau khi Đức Kitô phục sinh, đổng thời cũng là con đường của tất cả mọi Kitô hữu.

Một bức tranh để chiêm ngắm

Việc Đức Giêsu biến đổi hình dạng không phải chỉ là một trình thuật để nghe, nhưng còn là một bức tranh để chiêm ngắm, tựa như hình ảnh ngắn ngủi về một thế giới thần thiêng và bí nhiệm, rất gần gũi mà cũng rất xa xăm. Trên dung nhan của con người đang bị bóng tối tử thần đe dọa, đã bừng lên ánh sáng chói lòa của ngày Phục Sinh.

Biến cố Hiển Dung xảy ra sau khi Đức Giêsu báo trước cuộc Khổ Nạn của Người cũng như việc dự phần của các môn đệ: biến cố này nhằm củng cố lòng tin của ba vị tông đổ sẽ có mặt vào những giờ phút cuối cùng của Đức Giêsu tại vườn cây Dầu (Mc 14,33). Thật ra, đây không phải là lần đầu tiên ba vị này được "đi riêng" với Đức Giêsu; ba vị đã từng được chứng kiến việc Đức Giêsu làm cho con gái ông trưởng hội đường sống lại (Mc 5,37).

Tuy vậy, sự kiện này còn có ý nghĩa quan trọng hơn với mỗi vị. Trước hết, với Phêrô, người sẽ được trao quyền lãnh đạo Giáo Hội: từ đây, ông sẽ phải học ý nghĩa đau khổ theo Thiên Chúa và thay thế tư tưởng nhân loại bằng tư tưởng thần linh. Thứ đến, với Gia-cô-bê, vị tử đạo tiên khởi: ông sẽ hân hoan đỗ máu để làm chứng vì ông đã tận mắt nhìn thấy vinh quang Thiên Chúa. Cuối cùng, với Gio-an, người môn đệ được Đức Giêsu yêu dấu: ông sẽ phải học biết rằng, đau khổ là bằng chứng của tình yêu.

Như vậy, ba vị cột trụ trong sinh hoạt của Giáo Hội thời đầu, nhờ kinh nghiệm sâu xa về vinh quang Thiên Chúa, sẽ làm chứng một cách sống động về Đức Giêsu, Đấng đã đi qua con đường đau khổ để bày tỏ lòng yêu mến và đem lại ơn cứu độ.

Thình lình, các ông đã được chứng kiến Đức Giêsu biến đổi hình dạng. Tác giả đã dùng thuật ngữ khải huyền để mô tả vinh quang Thiên Chúa xuất hiện trên dung nhan Đức Giêsu. Điều đáng nói ở đây là ánh sáng vinh quang mà các môn đệ nhìn thấy nơi Đức Kitô, không phải là điều gì đến từ bên ngoài, nhưng là sự biểu lộ bình thường của vẻ đẹp vẫn gắn liền với "Đấng từ trời xuống". Do đó, điều gây ngạc nhiên không phải là ánh sáng rạng ngời đó đã bao phủ Đức Giêsu trong chốc lát, nhưng là sự che giấu ánh sáng đó trong những lúc khác. Như vậy, Đức Giêsu đã che giấu vinh quang của Người, và giờ đây, trong một khoảng thời gian ngắn, Người rời bỏ nhân tính để con người có thể chiêm ngắm vinh quang của Người; và nhờ đó, họ nhận ra căn tính đích thực của Đức Giêsu: Con Thiên Chúa.

Đang khi Đức Giêsu bày tỏ Thiên tính của Người, thì Môsê, vị anh hùng của Lề Luật, và Êlia, thủ lãnh các ngôn sứ, đã đến đàm đạo với Người. Sự hiện diện của hai chứng nhân thời Cựu Ước cho thấy tính siêu việt của thời đại cuối cùng, đổng thời loan báo Vị Ngôn Sứ thiên hạ vẫn mong chờ, nay đã xuất hiện.

Ngoài ra, nội dung cuộc đàm đạo giữa Đức Giêsu với Môsê và Êlia không phải là những điều Người đã giảng dạy, nhưng là cuộc Khổ Nạn của Người. Đó chính là nhiệm vụ của Người, Đấng hoàn tất Lề Luật và lời loan báo của các Ngôn sứ. Việc loan báo đã kết thúc, và Đấng phải đến đã đến để thực hiện công cuộc cứu độ.

Cuối cùng, sự hiện diện của Chúa Cha qua đám mây và tiếng nói là một xác nhận rõ ràng và dứt khoát về sứ mệnh của Đức Giêsu.

Ở đây, cũng như trong biến cố phép Rửa, vẫn là sự giới thiệu sâu sắc về Đấng phải đến để thực hiện lời hứa của Thiên Chúa dành cho dân Người. Lời giới thiệu này cho thấy mối hiệp thông sâu xa và bất khả phân ly giữa Chúa Cha và Chúa Con. Tuy thế, lời giới thiệu trong biến cố Hiển Dung còn thêm lệnh truyền "hãy vâng nghe lời Người". Hãy nghe lời Đức Kitô, hãy đón nhận tất cả những gì Người sẽ thực hiện, cả vinh quang và đau khổ, cả sức mạnh lẫn yếu đuối, cả sự chết lẫn sự phục sinh. Đó là ơn cứu độ.

Hãy rời ngọn núi, tiếp tục con đường

Một tuần lễ trước khi xảy ra biến cố này, Phêrô đã thử tìm một con đường dẫn đến vinh quang mà không có Thập giá. Giờ đây, ông nghĩ rằng việc Hiển Dung có thể là con đường tắt để thực hiện ơn cứu độ. Ông hiểu đôi chút về điều đang xảy ra, có một cái gì đó rất lớn lao, và một lần nữa, ông cố gắng thuyết phục Đức Giêsu đừng đi Giêrusalem, bằng cách xin dựng lều ở trên núi này. Với Đức Giêsu, vinh quang hôm nay chỉ là chốc lát, chỉ là khởi đầu, chỉ là lời báo trước cho vinh quang vĩnh cửu sau cuộc Khổ Nạn. Còn với Phêrô, đây là vinh quang của ơn cứu độ, và ông phải dấn mình vào: ông tưởng rằng không cần có thập giá vẫn có vinh quang. Mãi đến sau này, sau biến cố Phục Sinh, ông mới hiểu rõ và thuật lại toàn bộ sự kiện (xem 2 Pr 1,16-20).

Bởi vậy, trước khi đạt đến vinh quang đích thực, Đức Giêsu phải rời ngọn núi để tiếp tục con đường lên Giêrusalem. Ngài còn phải đến vườn cây Dầu, còn phải lên đồi Gôn-gô-tha. Mặc dù bóng tối của đổi Gôn-gô-tha có che khuất khuôn mặt vinh quang, như là chẳng còn nhìn thấy gì, chẳng còn chi hi vọng; nhưng điều đó chỉ xảy ra trong giây lát, trong một thời gian ngắn. Ánh sáng đã một lần bừng lên thì không phải là điều ảo tưởng, điều đã xảy ra trên núi không phải là giấc mơ. Biến cố Phục Sinh sẽ cho thấy rằng sự sống có thể nảy sinh từ sự chết.

Biến cố Hiển Dung của Đức Giêsu thực là một kinh nghiệm cho tất cả những ai muốn cùng được tham dự vào vinh quang của Người: Chính kinh nghiệm này là chìa khóa, là sức mạnh giúp chúng ta dám chấp nhận những hi sinh, những từ bỏ để càng lúc càng gắn bó hơn với Đức Kitô. Biến cố này thực là một cuộc xuất hành tiến về Đất Hứa, xuyên qua những thử thách. Ai không chấp nhận xuất hành, không cùng đi với Đức Giêsu trên con đường lên Giêrusalem, người ấy sẽ không được tham dự vào vinh quang vĩnh cửu. Mỗi người sẽ có thể có một kinh nghiệm nào đó về Đức Giêsu, nhưng đó chưa phải là tất cả. Đỉnh cao này còn chờ một đỉnh cao nữa.

 

13. Biến đổi

Cuộc sống của con người và vũ trụ vạn vật là một sự biến đổi liên lỉ. Có những biến đổi tích cực nhưng cũng có những biến đổi tiêu cực. Những biến đổi tích cực là khi con người hay sự vật chuyển từ một tình trạng xấu sang một tình trạng tốt hơn do nỗ lực của chính bản thân con người hay do trợ lực từ bên ngoài (Ơn Chúa, tha nhân, vũ trụ vạn vật, những biến cố . . . ) Điển hình cho sự biến đổi này có thể kể đến hình ảnh của một Giakêu, của Phaolô, của các Tông đồ sau ngày lễ Ngũ tuần . . . Nhưng cũng có những biến đổi mang tính tiêu cực khi con người chọn lựa cho mình một thái độ sống ích kỷ, tham lam và kiêu căng. Khi đó, họ đang chuyển từ một tình trạng tốt sang một tình trạng xấu. Đó là hình ảnh của một vua Saul - vị vua đầu tiên của Israel, của một Giuđa Iscariot . . .Những cuộc biến đổi thật cần thiết biết bao trong cuộc sống dương thế của con người, nhưng phải là những cuộc biến đổi tích cực. Khi con người không còn biến đổi nữa thì có thể nói là họ đã chết rồi, hay có sống cũng chỉ là một sự hiện hữu vô hồn và không có ích gì cho chính mình cũng như cho người khác.

Bài đọc một hôm nay tường thuật cho chúng ta về việc Ápraham nghe theo tiếng Chúa gọi để ra đi đến một miền đất mà Ông không hề biết trước đó. Ông đang ở trong một quá trình biến đổi, nói đúng hơn là ông đang được biến đổi. Bởi lẽ tác nhân biến đổi cuộc đời của ông chính là Thiên Chúa , nên cuộc đời của ôn g và tương lai của ông thật huy hoàng và vững chắc.

Tin mừng hôm nay cũng tường thuật cho chúng ta nghe về việc Chúa Giêsu biến đổi dung mạo của Ngài trên núi trước mặt ba môn đệ thân tín là Phêrô, Giacôbê và Gioan. Cuộc biến đổi mà Ngài đang thực hiện mang một ý nghĩa tích cực, tiên báo vinh quang phục sinh huy hoàng sau khi Ngài chu toàn thánh ý của Chúa Cha trong chương trình cứu chuộc con người sự biến đổi tuyệt vời này làm cho các môn đệ ngây ngất trước vẻ đẹp của một Thiên Chúa vốn là Chân, Thiện, Mỹ.

Cuộc biến đổi tích cực nào cũng đòi buộc con người phải hy sinh, phải công tác vào phần của mình một cách chủ động vào trong đó. Như hạt lúa muốn trở thành cây lúa thì phải chấp nhận một sự biến đổi âm thầm trong đau đớn vì sự mục nát và thối đi của mình. Vinh quang phục sinh và phần thưởng trọng đại trên thiên quốc cũng dành cho những ai biết hy sinh quên mình, biến chấp nhận được biến đổi và thanh lọc bởi Lời của Chúa và giáo huấn của Hội thánh.

Biết trước sự yếu đuối và nhát đảm của các môn đệ, Đức Giêsu đã cho các ông thấy và chiêm ngấm trước vinh quang của Ngài, vinh quang mà Ngài sẽ lấy lại sau khi đi vào cuộc tử nạn nhằm cứu chuộc con người khỏi vòng nô lệ của tội lỗi. Vinh quang đó cũng sẽ dành cho các môn đệ và cho tất cả chúng ta nếu chúng ta tích cực và chủ động góp phần vào chương trình cứu chuộc mà Thiên Chúa đã và đang thực hiện vì con người và cho con người .

Chúa Giêsu biến đổi dung nhan của Ngài trước nhằm biểu lộ vinh quang vốn có của Ngài trước mặt các môn đệ và cũng là nhằm biến đổi các môn đệ để các ông trở nên can đảm hơn tin tưởng hơn và biết tín thác hơn vào Thiên Chúa.

Chúng ta đang sống trong những ngày Chay thánh. Giáo hội tha thiết mời gọi chúng ta hãy làm một cuộc biến đổi tích cực cho cuộc đời của mình. Nếu chúng ta đang ở trong một tình trạng xấu hay một tình trạng tội lỗi, chúng ta hãy can đảm và mạnh dạn biến đổi và cầu xin ơn được biến đổi để cuộc đời của chúng ta được nhẹ nhàng thư thái và đảm bảo cho tương lai của chúng ta được huy hoàng như tổ phụ Abraham của chúng ta. Hay nếu chúng ta đang ở trong một tình trạng không có gì tệ hại cho lắm, thì chúng ta cũng cần làm một cuộc biến đổi tích cực để có một tình trạng tốt hơn, và tiếp nhận một sức sống tốt hơn. Hãy làm cho cuộc đời của chúng ta trở thành một dòng sông không ngừng chảy về Biển cả và tiếp nhận nguồn nước sạch tinh từ Biển cả là chính Thiên Chúa của chúng ta.

 

14. Thiên Chúa vẫn còn hiển dung

(‘Cùng Đọc Tin Mừng’ – Lm. Ignatiô Trần Ngà)

Nếu bạn là một người từ hành tinh khác vừa mới đáp xuống địa cầu lần đầu tiên, ắt bạn sẽ thấy trái đất nầy quá đỗi nhiệm mầu: ngay cả mỗi chiếc lá, mỗi chiếc vỏ sò, mỗi cánh bướm, mỗi bông hoa... đều có một sắc thái riêng, một vẻ đẹp riêng thật quyến rủ, thật nhiệm mầu và bạn cảm thấy tâm hồn ngây ngất vì vẻ đẹp lạ lùng của chúng.

Thế nhưng trong thực tế, không mấy ai có thể cảm nhận được vẻ đẹp nhiệm mầu của những tạo vật như thế. Tại sao?

Vì mỗi lần nhìn vào những sự vật chung quanh, chúng ta không nhìn chúng bằng cặp mắt đầy ngạc nhiên của trẻ thơ, bằng ánh mắt của người mới thấy sự vật lần đầu; chúng ta không nhìn chúng y như chúng là, nhưng chúng ta để cho những hình ảnh ta có về chúng (vốn có sẵn trong tâm trí ta) phóng hiện ra bên ngoài và bao phủ lên những vật đó.

Thế là vạn vật chung quanh ta trở thành cũ rích và nhàm chán, vẻ đẹp tinh khôi nhiệm mầu của chúng đã bị hình ảnh ta có về chúng phóng rọi ra che phủ nên không còn hiển dung ra được nữa. Một trong những nổ lực của thiền nhân là thanh tẩy cái nhìn mang tính chủ quan của mình về ngoại giới để có thể cảm nhận được vạn vật đúng với bản chất của nó. Lúc đó, sự kỳ diệu của thế giới sẽ hiện nguyên hình.

Trong cuốn sách The Golden String, văn sĩ người Anh Bede Griffiths mô tả lại một khám phá diệu kỳ của ông khi còn là một cậu học sinh.

Một buổi chiều hè, Bede Griffiths ung dung thư thái dạo chơi ở bìa rừng. Trong lúc thơ thẩn một mình bỗng dưng cậu nhận ra tiếng hót líu lo của đàn chim trên tàng cây mới tuyệt vời làm sao! Cậu rất ngạc nhiên vì từ hồi nào đến giờ chưa bao giờ được nghe chúng hót hay đến thế.

Đang lúc tiếp tục bước tới, cậu gặp thấy những đoá hoa của những bụi táo gai như đang mỉm cười niềm nở chào đón cậu trông dễ thương lạ lùng và đang toả hương trong gió. Bede cũng rất ngạc nhiên vì từ trước tới nay cậu đã từng thấy những bông hoa như thế nở rộ cả trăm lần mà không hề nhận ra vẻ đẹp tinh khôi và hương thơm dịu dàng của chúng.

Sau cùng cậu tìm đến một nơi yên tĩnh, đứng tựa vào thân cây, lặng ngắm vầng kim ô đang dần dần chìm xuống sau rặng núi lam cuối chân trời. Bỗng chốc cậu cảm thấy trời đất vô cùng huyền diệu và bất giác cậu nghiêng mình quì gối xuống biểu lộ một niềm cảm xúc rất thánh thiêng: cậu vừa trải nghiệm được sự hiện diện rất nhiệm mầu của Thiên Chúa trong tạo vật của Ngài.

* * *

Theo Tin Mừng Matthêu được trích đọc hôm nay, chiều hôm ấy trên núi cao, ba môn đệ Phêrô, Gioan và Giacôbê cũng có những trải nghiệm tuyệt vời về Chúa Giêsu. Cũng vẫn là Chúa Giêsu bằng xương bằng thịt mà các ông vẫn thường gặp gỡ tiếp xúc hằng ngày, nhưng lần nầy, các ông lại nhìn thấy Ngài dưới một dung mạo mới: thật sáng ngời, thật hấp dẫn và đầy uy nghi, lại có cả Môi-sê và tiên tri Êlia hiện ra đàm đạo với Ngài.

Lòng đầy hoan lạc, các ông không muốn cho giây phút mầu nhiệm đó trôi đi. Các ông muốn níu kéo khoảnh khắc thần tiên ấy lại nên Phêrô thay mặt anh em thưa với Chúa Giêsu: "Lạy Ngài, chúng con ở đây, thật là hay! Nếu Ngài muốn, con xin dựng tại đây ba cái lều, một cho Ngài, một cho ông Môsê, và một cho ông Êlia."

* * *

Hôm nay, Thiên Chúa vẫn hiển dung dưới thiên hình vạn trạng nhưng vì đôi mắt chúng ta bị che phủ nên không nhận ra Ngài.

* Vinh quang của Thiên Chúa vẫn được hiển dung (được tỏ bày) trong các tạo vật của Ngài, qua bầu trời lung linh ánh sao đêm hay những áng mây rực rỡ ban ngày, qua những cánh đồng, những khe suối và rừng cây, qua tiếng chim ca, qua bông hoa đang nở, qua mọi tạo vật chung quanh...

Vua Đavít cảm nhận được vinh quang ấy rạng ngời lên trong vũ trụ nên đã thốt lên:

"Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa.

Không trung loan báo việc tay Người làm" (Tv 19, 2)

* Tình yêu của Thiên Chúa được hiển dung (được tỏ bày) rõ nét nơi tình thương chan chứa của người cha ngày đêm lao nhọc vì con, qua sự hi sinh miệt mài của người mẹ, vắt kiệt sức mình để chăm lo cho đàn con khôn lớn...

* Mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa cũng được hiển dung nơi các gia đình đấm ấm thuận hoà, chan chứa yêu thương hiệp nhất.

* Và đặc biệt, Thiên Chúa vẫn hiển dung rạng ngời nơi những anh chị em cùng sống với ta, nhưng tiếc thay, chúng ta không cảm nhận được, nên bỏ lơ, nên thờ ơ và không còn muốn dựng lều chung sống với những hiện thân của Chúa chung quanh chúng ta.

Thông thường, chúng ta nhìn đời, nhìn người qua cặp kính màu đen nên chúng ta chỉ thấy được khía cạnh u tối của người đời. Xin Chúa thanh tẩy nhãn quan chúng ta để có thể nhận ra mọi người là hiện thân của Thiên Chúa, là chi thể của Chúa Giêsu.

Ba môn đệ nhận ra Thiên Chúa hiển dung nơi thân phận người phàm của Đức Giêsu thì chúng ta cũng xin Chúa cho chúng ta được nhận ra Chúa hiển dung nơi những anh chị em đang sống chung quanh, nhờ đó, chúng ta sẽ cảm nhận được hạnh phúc chan hoà vì được sống cùng, sống bên nhau và có thể nói như thánh Phêrô xưa: chúng con được ở chung với nhau nơi đây thì thật là hạnh phúc. (Mt 17,4)

 

15. Chúa hiển dung

(Lm. Ignatiô Trần Ngà)

Người đời thường mang hai bộ mặt: mặt thật và mặt nạ. Khi mặt nạ rơi xuống, bộ mặt thật sẽ hiển dung (biểu lộ ra bên ngoài).

Khi nhập thể làm người, Chúa Giêsu mang dung mạo con người, mang bản tính và khuôn mặt con người, hoàn toàn trở nên giống như con người, ngoại trừ tội lỗi. Vì thế, người đồng hương Na-da-rét gọi Người là "Bác thợ" (Mác-cô 6,3) hay "con Bác thợ Giu-se, con bà Maria" (Lc 4, 22. Mt 13, 55)

Hầu hết người Do-thái đồng thời với Chúa Giêsu chỉ nhìn thấy khuôn mặt nhân loại của Chúa Giêsu mà thôi nên cho rằng Người chỉ là người phàm. Họ trách Chúa Giêsu lộng ngôn khi Người tỏ ra Người là Con Thiên Chúa. "Ông là người phàm mà tự xưng mình là Con Thiên Chúa."

Nhưng ngoài bản tính nhân loại, Chúa Giêsu còn có bản tính Thiên Chúa.

Khi Chúa Giêsu hiển dung

Trước khi bước vào cuộc khổ nạn, Chúa Giêsu báo trước cho các môn đệ biết Người sẽ lên Giê-ru-sa-lem để hiến thân chịu chết. Lời tiên báo nầy làm cho tinh thần các môn đồ bấn loạn.

Để củng cố tinh thần sa sút của các ông, nhằm giúp các ông vượt qua thử thách đau thương sắp đến và bền chí theo mình đến cùng, Chúa Giêsu bộc lộ cho ba môn đệ thân tín thấy chân tướng của Người: Người là Đấng uy nghi sáng láng, là Con yêu dấu của Chúa Cha. Sự kiện nầy được thánh sử Mat-thêu thuật lại như sau: "Đức Giêsu đem các ông Phêrô, Giacôbê và Gioan … tới một ngọn núi cao. Rồi Người biến đổi hình dạng trước mặt các ông. Dung nhan Người chói lọi như mặt trời, và y phục Người trở nên trắng tinh như ánh sáng. Và bỗng các ông thấy ông Môsê và ông Êlia hiện ra đàm đạo với Người." … "Chợt có đám mây sáng ngời bao phủ các ông, và có tiếng từ đám mây phán rằng: "Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người!"

Dung mạo Thiên Chúa được hiển dung nơi Đức Giêsu Na-da-rét trên ngọn núi cao đã làm cho tâm hồn ba môn đệ ngất ngây trong niềm hạnh phúc vô biên. Vì thế, Phêrô muốn sống mãi giờ khắc tuyệt vời ấy và không muốn rời bỏ khung cảnh thần tiên đó. Ông đề nghị dựng lều ở lại lâu dài trên núi: "Bấy giờ ông Phêrô thưa với Đức Giêsu rằng: "Lạy Ngài, chúng con ở đây, thật là hay! Nếu Ngài muốn, con xin dựng tại đây ba cái lều, một cho Ngài, một cho ông Môsê, và một cho ông Êlia."

Sự hiển dung của Chúa Giêsu trước mặt ba môn đệ đã khiến cho tâm hồn các vị tràn ngập niềm vui và hạnh phúc; còn khi chúng ta hiển dung, để lộ chân tướng, để lộ khuôn mặt thật của ta ra thì người khác sẽ cảm thấy thế nào?

Khi chúng ta hiển dung

Jiddu Krishnamurti, người Ấn-độ (1895- 1986) là một tác giả và nhà diễn thuyết nổi tiếng về các vấn đề triết học và tinh thần, cho rằng, trong mỗi con người có ba "nhân vật" đang chung sống:

Một là "tôi-là". Đây là con người thật của tôi, chân tướng của tôi. Ví dụ: bản chất tôi (tôi-là) là người tham lam, ích kỷ, lười biếng…)

Hai là "Tôi-muốn-là". Đây không phải là bản chất con người tôi, nhưng là con người mà tôi mong muốn trở thành. Ví dụ: Tôi hiện là người tham lam, ích kỷ, lười biếng nhưng tôi muốn sống như là người quảng đại, vị tha, năng động…

Ba là "Tôi-tưởng-tôi-là". Đây cũng không phải là bản chất con người tôi, nhưng là ảo tưởng tôi có về mình. Ví dụ: Một số kinh sư và Pha-ri-sêu thời Chúa Giêsu thực chất là người tham lam dối trá, nhưng cứ tưởng mình là người công chính đạo đức.

Đây chính là cái mặt nạ đẹp mà tôi đeo lên để che đậy khuôn mặt thật u ám của mình. Từ lâu nay tôi tưởng tôi là người đàng hoàng, đạo đức, mẫu mực… Tôi nhập vai khá tốt nên những người mới tiếp xúc đều tưởng tôi là người đạo đức chân chính và ngay cả bản thân tôi cũng tưởng mình như vậy. Nhưng đến một lúc nào đó, ở một nơi nào đó, tôi vô tình đánh rơi mặt nạ khỏi khuôn mặt mình; lúc bấy giờ tôi mới "hiển dung", mới hiện nguyên hình là một tên đạo đức giả.

Bài học từ Lời Chúa

Lời Chúa trong Tin Mừng hôm nay mời gọi tôi nhìn thật sâu vào đáy lòng mình, nhìn xuyên qua vai diễn mà tôi đang đóng - vai "tôi-tưởng-tôi-là " - để nhận ra bản chất con người tôi (tôi-là) thật là khả ố. Từ đó, tôi mới tự thấy xấu hổ về mình. Từ đó tôi mới quyết tâm cải thiện cuộc đời, tô điểm dung nhan, trau dồi cho mình những phẩm chất cao đẹp.

Nhờ thế, khi phải "hiển dung" (tức là bộc lộ chân tướng) trước mặt người khác (dù muốn hay không việc nầy cũng phải xảy ra), chân dung tôi không đến nỗi u ám, xám xịt, mốc meo… nhưng có được một chút sáng ngời, phần nào giống như chân dung chói lọi của Chúa Giêsu khi Người hiển dung trên núi với ba môn đệ năm xưa.

 

16. Con yêu dấu

(Lm. Giuse Trần Việt Hùng)

Mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể đã được tỏa sáng trên đỉnh núi. Chúa Giêsu biến hình, mặt Người chiếu sáng như mặt trời. Chúa Giêsu tỏ mình: Bao lâu Thầy còn ở thế gian, Thầy là ánh sáng thế gian."(Ga. 9,5). Đây là hình ảnh Con Thiên Chúa thật. Thánh Matthêo đã diễn tả sự biến hình một cách ngắn gọn nhưng đã nói lên được ý nghĩa và sứ mệnh cứu độ của Chúa Giêsu. Từ khi Chúa Giêsu hạ sinh làm người, Chúa đã xuất hiện trước công chúng một cách âm thầm như mọi người trong tất cả mọi sinh hoạt. Chúa chấp nhận sự phát triển tiệm tiến trong thời gian và không gian tự nhiên.Chúa Giêsu Kitô là Ngôi Hai, là Ngôi Lời, là Con Thiên Chúa và là Con yêu dấu của Chúa Cha. Từ nguyên thủy đã có Ngôi Lời, Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa. Ngôi Lời là Con Thiên Chúa (Ga. 1,1). Khi Ngôi Lời xuống trần, thiên thần đồng thanh ca tụng: "Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương." (Lc.2,14). Khi Chúa Giêsu chịu phép rửa bởi Gioan tại sông Giođan: Lại có tiếng từ trời phán rằng: "Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con."(Mc. 1,11). Chúa Giêsu biến hình trên núi có tiếng Chúa Cha phán: "Đây là Con Ta yêu dấu rất đẹp lòng Ta, các ngươi hãy nghe lời Người" (Mt.17,5). Sau khi sống lại từ cõi chết, Chúa Giêsu tiếp tục hiện diện với các tông đồ qua nhiều cách và luôn chúc bình an cho các ông: “Các ông còn đang nói, thì chính Đức Giêsu đứng giữa các ông và bảo: "Bình an cho anh em!" (Lc. 24,36). Chúng ta nhận thấy hình ảnh xuyên suốt qua cuộc đời Chúa Cứu Thế. Ngài là Con Thiên Chúa đến đem bình an cho nhân loại.

Chúa đã chia sẻ cuộc sống với con người một cách cụ thể. Chúa lao động để kiếm miếng cơm manh áo như mọi người. Hằng ngày, Chúa muốn học biết và trải qua những kinh nghiệm của đời thường. Chúa quan sát mọi việc trong nhà ngoài ngõ. Khi ra giảng đạo, Chúa dùng tất cả những câu truyện cụ thể kinh nghiệm trong đời sống. Chúa lấy tất cả những ví dụ dễ hiểu để truyền rao chân lý Nước Trời. Chúa dùng các tỉ dụ, ngụ ngôn, dụ ngôn hay câu truyện rất thật đi đôi với cuộc sống nơi vùng quê thôn dã. Chúa rành rẽ những phương thức gieo trồng, nấu nướng, ép nho và ủ rượu. Chúa học biết cách xử dụng muối ướp, men trong đấu bột, đèn để trên giá và mang đèn phải mang dầu theo.

Chúa lôi cuốn quần chúng lại gần qua lời giảng dậy đơn sơ, thẳng thắn và đầy uy quyền. Chúa không dùng những triết thuyết cao siêu, trừu tượng hay lý thuyết khô khan khó hiểu. Lời Chúa thật giản dị và cụ thể dành cho mọi tầng lớp. Ai nghe cũng có thể hiểu được ý nghĩa, trừ những người nhắm mắt và bịt tai không muốn lắng nghe. Từ những người chài lưới thất học quê mùa đến những thầy thông luật cũng đã thấm nhuần đạo lý của Chúa. Lời của Chúa thật trong sáng và có sức thuyết phục sâu đậm.

Chúa còn thực hiện rất nhiều phép lạ để chữa lành nọi thứ bệnh họan tật nguyền, cho kẻ mù được thấy, kẻ điếc được nghe, người câm nói được, người què đi được, xua đuổi tà thần, hóa bánh ra nhiều để nuôi dân, truyền sóng biển im lặng, mẻ cá đầy tràn và cho kẻ chết sống lại... Đây là những phép lạ tỏ uy quyền của Chúa trên vạn vật. Chúa biến hình một sự kiện vĩ đại trong lịch sử cứu độ, Chúa tỏ mình cho các môn đệ thân tín. Chúa biến hình trở lại nguyên dạng đã có từ nguyên thủy. Một mầu nhiệm nhập thể không ai hiểu thấu. Chúa mặc lấy xác phàm với thân phận của con người giới hạn trong thời gian và không gian. Chính Ngài đã tự nguyện tước bỏ vinh quang và chấp nhận thân phận tôi đòi: Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự (Ph. 2,8)

Chúa Giêsu có hai bản tính: bản tính Thiên Chúa và bản tính loài người. Một Thiên Chúa thật trong thân xác phàm nhân. Chính Thiên Chúa đó bị người đời khinh bỉ, tẩy chay, xua đuổi, chối từ, đánh đập, khặc nhổ trên mặt, nhạo cười, đội mạo gai, vác thánh giá, bị con người tội lỗi xét xử và kết án tử hình. Chính những con người đã từng chịu ơn đã giơ tay xin tha cho Baraba và giết Giêsu. Giết Con Thiên Chúa.

Chúa Giêsu là mặt trời công chính và là ánh sáng thế gian. Chúa Giêsu lại nói với người Do-thái: "Tôi là ánh sáng thế gian. Ai theo tôi, sẽ không phải đi trong bóng tối, nhưng sẽ nhận được ánh sáng đem lại sự sống."(Ga. 8,12). Thiên Chúa cao cả sáng chói như mặt trời vậy mà bị con người vô tâm xô đẩy vùi dập, đánh đập tàn nhẫn, máu me dính bết châu thân, nhịn đói nhịn khát, bị đóng đinh chân tay vào thánh giá và bị treo lên lơ lửng cho chết dần. Ngài chính là Thiên Chúa. Con người phàm hèn mà dám giết chết Thiên Chúa trong xác phàm.

Tiếng từ trời cao: Đây là Con Ta yêu dấu rất đẹp lòng Ta, các ngươi hãy nghe lời Người (Mt.17,5). Loài người đã giết người Con yêu dấu của Thiên Chúa Cha. Ngày nay nhiều người vẫn tiếp tục hùa nhau giết Con của Thiên Chúa và loại trừ Ngài ra khỏi đời sống. Người Con đó bị xét xử như một tội nhân và được xếp vào hàng các tội nhân đem đi xử tử. Người Con đẹp lòng Thiên Chúa Cha đã hy sinh mạng sống để cứu độ chúng sinh. Chúng ta suy gẫm và chăm chú nhìn hình ảnh người Con yêu dấu chết giang tay trên thập giá. Qua hơn hai ngàn năm, Ngài vẫn tiếp tục bị người đời tẩy chay, khinh bỉ và xua đuổi. Không phải người ta xua đuổi loại trừ một ông Giêsu nào đó, mà là đang loại trừ chính Con Một Thiên Chúa.

Con Ta yêu dấu chiếu sáng như mặt trời và áo Ngài trắng như tuyết. Chúa Giêsu là ánh sáng chiếu dọi vào đêm tối, nhưng bóng tối không tiếp nhận ánh sáng: Ánh sáng chiếu soi trong bóng tối và bóng tối đã không diệt được ánh sáng (Ga. 1,5). Nhìn thấy ánh sáng chói lòa, các môn đệ sợ hãi và ngã sấp mình xuống đất. Ánh sáng của Chúa Kitô soi dọi thấu tận tâm can của các tông đồ, các ngài thốt lên rằng: Lạy Thầy, chúng con được ở đây thì tốt lắm (Mt. 17,4). Thật sung sướng khi được ở bên Chúa.

Hình ảnh Chúa Giêsu biến hình trên núi đã hé mở một chút vinh quang của Ngài cho các tông đồ. Sự vinh quang luôn hiện diện trong Ngài qua lời giảng dậy, qua các phép lạ và qua chính con người của Ngài. Chúa Giêsu sẽ trở lại với vinh quang đích thực khi Ngài hoàn tất công trình cứu độ qua con đường thập giá. Chúa Giêsu đã đổ tới giọt máu cuối cùng trong thân phận con người. Tình yêu trọn vẹn hiến dâng Chúa Cha để đền bù tội lỗi của chúng ta. Ngài yêu chúng ta tới cùng: Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình (Ga. 15,13).

Chúng ta được cứu chuộc bằng giá máu của Con Thiên Chúa. Chúa Con đã hiến tế một lần là đủ để đền tội thay cho cả thế giới. Chúng ta hưởng nhờ ơn cứu độ mang lại nguồn sống. Chỉ nơi Đức Kitô chúng ta sẽ có sự sáng và sự sống: Ở nơi Người là sự sống và sự sống là ánh sáng cho nhân loại (Ga. 1,4). Chúa Giêsu biến hình mặc khải cho chúng ta về vinh quang ngày sau mà chúng ta hy vọng sẽ được chung hưởng ánh sáng ngàn thu với Ngài.

Trong cuộc lữ hành thế gian còn nhiều bóng tối che phủ và còn nhiều thử thách mà chúng ta phải vượt qua. Đừng khi nào chúng ta chán nản bỏ cuộc. Hãy nhớ rằng con đường Chúa đã đi qua là con đường thập giá. Phải đi qua đau khổ mới tới vinh quang. Nhiều lần Chúa Giêsu đã nhắc nhở chúng ta: Thầy đây, đừng sợ. Chúng ta hãy khẩn khoản xin với Chúa như thánh Phêrô: Nhưng thấy gió thổi thì ông đâm sợ, và khi bắt đầu chìm, ông la lên: "Thưa Ngài, xin cứu con với! (Mt. 14, 30).

Sau khi biến hình sáng chói, Chúa Giêsu và các tông đồ phải đi xuống núi và trở về cuộc sống thực tế hằng ngày. Chúa Giêsu không muốn đi theo con đường tắt dễ dàng. Ngài muốn đi trọn con đường và sứ mệnh mà Cha đã trao phó. Sứ mệnh cứu độ không chỉ qua sự giảng dạy và thực hành các phép lạ, nhưng là chấp nhận đau khổ và cái chết. Không có một hy lễ nào cao trọng hơn hy tế của Chúa Giêsu trên thập giá. Con Thiên Chúa đã đi đến cùng tận trong tất cả mọi trạng huống của cuộc đời. Từ khi Chúa hạ thân nghèo hèn trong máng cỏ cho tới lúc thân trần treo trên thập giá. Không có một con người nào dám bươc xuống thẳm sâu như Chúa. Chúa đã bước xuống và cứu con người lên.

Chúng ta không thể đi con đường tắt để đến ơn cứu độ. Chúng ta hãy cố gắng sống tốt từng phút giây mà Chúa đã ban. Hoàn tất tốt giây phút hiện tại trong yêu thương tha thứ và chia sẻ bác ái. Hãy ngước nhìn lên thập giá của Chúa để tìm nguồn ủi an và gắn kết yêu thương. Chúa sẽ dẫn chúng ta đến nguồn ơn cứu độ. Chúng ta biết rằng phải qua thánh giá mới đạt tới vinh quang.

Đây chính là hồng ân cứu độ. Đây chính là tình yêu! Chúa đã chết vì yêu! Chúa đã chết vì tội lỗi chúng con. Chúng con dâng lời ngợi khen, cảm tạ và tán tụng danh Chúa đến muôn ngàn đời.

 

17. ''Bản tính khó dời''

(Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền)

Tiếng đứa em lanh lảnh nói: Chị hai sao lại bỏ anh rể?

+ Vì anh ấy cờ bạc, rượu chè nên chị không chịu được.

+ Nhưng anh ấy đã có tật cờ bạc, rượu chè trước khi lấy chị mà.

+ Vì chị tưởng là thời gian anh ấy sẽ biến đổi, ai ngờ càng ngày càng tệ hơn!

Người xưa thường có câu: “Bản tính khó dời”, “chứng nào tật ấy” đều nói lên tính cách của một con người khó mà thay đổi được. Thay đổi một thói quen của con người thì có thể, nhưng rất khó lòng thay đổi bản tính một khi đã ăn sâu trong con người của họ.

Thói hay chửi của Chí Phèo là một điển hình. Chí Phèo đã được Nam Cao phác họa như một tên vô lại, tối ngày say sỉn, chỉ làm được một việc duy nhất là chửi khống và ăn vạ. Về tài chửi của hắn, Nam Cao tả: Hắn vừa đi vừa chửi. Bao giờ cũng thế, cứ rượu xong là hắn chửi. Bắt đầu chửi Trời. Có hề gì? Trời có của riêng nhà nào? Rồi hắn chửi đời. Thế cũng chẳng sao: đời là tất cả nhưng chẳng là ai. Tức mình hắn chửi ngay tất cả làng Vũ Đại. Nhưng cả làng Vũ Đại ai cũng nhủ: “Chắc nó trừ mình ra!”. Không ai lên tiếng cả. Tức thật! Ồ! Thế này thì tức thật! Tức chết đi được mất!

Đã thế, hắn phải chửi cha đứa nào không chửi nhau với hắn. Nhưng cũng không ai ra điều. Mẹ kiếp! Thế thì có phí rượu không? Thế thì có khổ hắn không? Không biết đứa chết mẹ nào đẻ ra thân hắn cho hắn khổ đến nông nỗi này? A ha! Phải đấy, hắn cứ thế mà chửi, hắn chửi đứa chết mẹ nào đẻ ra thân hắn, đẻ ra cái thằng Chí Phèo! Hắn nghiến răng vào mà chửi cái đứa đã đẻ ra Chí Phèo.

Xem ra ở đời ai cũng có tật xấu. Ai cũng có điều phải sửa, vì “nhân chi sơ tính bản thiện”, nhưng thời gian đã biến chúng ta ra xấu xa bởi biết bao thói hư tật xấu. Sự khôn ngoan nhắc nhở chúng ta phải cố gắng biến mình trở lại hình ảnh ban đầu, đừng ngoan cố sống trong tội lỗi, hãy sửa mình nên hoàn thiện theo hình ảnh của Chúa. Một hình ảnh tinh tuyền không để dục vọng làm chủ. Một hình ảnh trong sáng không để vẩn đục bằng những thói hư tật xấu.

Hôm nay, Chúa biến hình trở về với căn tính Thiên Chúa của Ngài. Phê-rô đã ngây ngất khi chiêm ngắm dung nhan thật của Thầy Giêsu. Phê-rô cùng các môn đệ càng thêm xác tín về Thiên tính trong con người của Thầy Giêsu. Phê-rô cảm thấy toại nguyện và chỉ còn mong muốn một điều duy nhất là được ở bên Chúa mãi mãi.

Sứ điệp ngày lễ Chúa hiển dung như nhắc nhở chúng ta nhớ mình là họa ảnh của Thiên Chúa. Con người được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa, thế nên con người phải giữ mãi vẻ đẹp tinh tuyền của phẩm giá con người. Nếu có những đam mê tật xấu làm chúng ta biến chất thì đây là dịp Chúa nhắc nhở chúng ta phải biến hình mỗi ngày trở về với căn tính của chúng ta là hình ảnh của Chúa? Là hình ảnh của Chúa thì không thể làm tôi cho ma quỷ? Là hình ảnh của Chúa thì không thể để cho dục vọng lôi kéo chúng ta làm điều xấu? Là hình ảnh của Chúa chúng ta phải luôn hướng về sự thiện, luôn có những ước mơ thanh cao, luôn sống vị tha và phục vụ mọi người.

Tiếc rằng, con người hôm nay đã để mình biến chất trong dòng đời lắm cám dỗ bon chen. Nhiều người đã bán rẻ phẩm giá làm người để đổi lấy chút danh lợi thú trần gian. Nhiều người đã không chỉ biến chất mà còn biến dạng khi lao mình tìm kiếm và thỏa mãn dục vọng đến nỗi xem thường luân thường đạo lý làm người.  Đôi khi còn vì danh lợi thú mà làm hại đồng loại, mà gây nên biết bao đau thương cho nhân thế.

Ước gì mỗi người chúng ta hãy biết mình là hình ảnh của Thiên Chúa thật tốt đẹp biết bao, để biết trân trọng, gìn giữ nét đẹp đó trong cuộc sống của mình. Đồng thời cũng biết trân trọng vẻ đẹp ấy nơi tha nhân qua đời sống bác ái, vị tha. Xin Chúa giúp chúng ta biết biến đổi mình mỗi ngày trở nên giống Chúa hơn trong suy nghĩ và hành động hầu xứng đáng là con cái Thiên Chúa. Amen.

 

18. Hãy biết mình

(Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền)

Cái quý nhất của con người là được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa. Cái hạnh phúc lớn nhất của con người là gìn giữ nét đẹp cao qúy đó nơi phẩm giá làm người của mình. Và điều cần thiết nhất để có một cuộc sống tốt với mọi người là nhận ra tha nhân cũng chính là hình ảnh của Thiên Chúa.

Thế nhưng, nhiều người đã phủ nhận điều cao qúy nơi phẩm giá làm người của mình. Họ không tin rằng có Thiên Chúa. Họ chối từ sự sống thần linh mà Thiên Chúa đã ban cho con người. Từ đó người ta cũng không lo gìn giữ cái đẹp của phẩm giá làm người của mình. Họ chỉ thấy con người là một loài vật có ăn có uống. Thế giới của họ là một thế giới mạnh thắng, yếu thua, và "cá lớn nuốt cá bé". Họ không nhận ra sự liên đới giữa người với người đều là hình ảnh Thiên Chúa, cần phải tôn trọng và sống tốt với nhau. Con người đã tự khước từ phẩm giá cao qúy là hình ảnh Thiên Chúa nên cũng dễ dàng từ khước nhau và đầy đoạ lẫn nhau. Thế giới vẫn đầy những bất công và hận thù. Con người vẫn vì những tham sân si mà làm hại lẫn nhau.

Có một câu chuyện ngụ ngôn kể rằng: Ngày xưa thỏ và sư tử sống gần nhau, nhưng sư tử rất kiêu ngạo, vẫn cho mình là to khoẻ nên xem thường loài thỏ. Sư tử thường mắng thỏ và doạ nạt thỏ suốt ngày. Thỏ tức mình không chịu nổi mới nghĩ ra cách báo thù.

Một lần kia nó nói với sư tử rằng:

- Thưa ông anh, em vừa gặp một thằng to lớn và trông giống anh lắm. Nó bảo em rằng: "Trên đời này nó chưa sợ ai, và cũng chưa ai dám đối mặt với nó". Thằng cha này không coi ai ra gì cả!

Sư tử tức giận và bảo rằng:

- "Thế mày có nhắc đến tên tao không?"

Thỏ trả lời:

- Sao lại không? Em vừa nhắc đến tên anh thì nó lồng lộng lên và bảo rằng anh chỉ đáng đàn em nó thôi.

Sư tử càng tức điên người lên và hỏi:

- Nó ở đâu? dẫn tao đến ngay.

Thỏ liền dẫn sư tử ra sau núi, và chỉ một cái giếng ở đàng xa và bảo: Đấy, nó ở trong đó đấy!

Sư tử đi lại gần giếng vẻ mặt căm tức nhìn xuống đáy giếng. Quả thực, nó trông thấy ngay một tên, với cặp mắt giận dữ đang trừng trừng nhìn nó. Sư tử rống lên một tiếng, tên kia cũng rống lên một tiếng. Sư tử xù lông cổ lên tên kia cũng xù lông cổ lên. Sư tử nhe nanh múa vuốt đe doạ, tên kia cũng hăm dọa lại. Sư tử căm tức đến tột độ dồn hết sức mình nhảy phốc xuống giếng để cho thằng khốn nạn kia một trận. Thế là, con sư tử ngạo mạn tự huỷ diệt đời mình dưới giếng sâu...

Thất bại của sư tử là không nhận ra mình nên đã lao vào cắn xé chính hình ảnh của mình. Sư tử chỉ muốn nhất. Sư tử chỉ muốn làm bá chủ nên sẵn sàng loại trừ tất cả các đối thủ có nguy cơ nguy hại đến vị trí số 1 của mình.

Nếu con người của mọi thời đại biết nhìn nhận mình là hình ảnh của Thiên Chúa và mọi người là anh em với nhau, sẽ có những cách hành xử tốt với nhau hơn. Nếu con người nhận ra hình ảnh Chúa nơi tha nhân, chắc chắn sẽ không đối xử tàn bạo với nhau. Nhưng tiếc thay, nhiều người chỉ muốn làm chúa sơn lâm nên lao đầu vào cắn xé đồng loại, hành hạ đồng loại của mình và sẵn sàng làm đủ trò để loại trừ đồng loại. Chồng đánh đập vợ. Cha mẹ đánh đập con cái. Anh em đầy đoạ nhau. Hàng xóm láng giềng đáng lẽ "tối lửa tắt đèn có nhau", nhưng lại "bới lông tìm vết" và làm hại lẫn nhau.

Hôm nay, lễ Chúa hiển dung nghĩa là Chúa tỏ hiện đúng dung nhan thật của Ngài. Một dung nhan thánh thiện rạng ngời mà bấy lâu nay nhân tính đã che phủ thiên tính của Ngài. Một dung nhan tinh tuyền của một vì Thiên Chúa là Thánh, ngàn trùng chí thánh đến nỗi cả ba môn đệ đều ngây ngất vì được chiêm ngắm dung nhan thật của Thầy Giêsu. Ba môn đệ đã cúi mình kính phục trước dung nhan thật của Chúa Giêsu. Đó chính là sứ điệp mà Chúa đang mời gọi chúng ta: hãy tỏ hiện dung nhan thật của chúng ta là hình ảnh của Thiên Chúa ra lời nói và việc làm của mình. Hãy thể hiện sự thánh thiện của hình ảnh Thiên Chúa nơi chính mình để anh em được chiêm ngưỡng. Hãy biểu lộ lối sống "nhân chi sơ tính bản thiện" của phẩm giá làm ngừơi để anh em được hạnh phúc khi sống với chúng ta.

Lễ Hiển Dung hôm nay mời gọi chúng ta hãy tìm lại hình ảnh ban đầu của tạo dựng. Hãy gạn đục khơi trong để hình ảnh của Chúa luôn tỏ hiện ra nơi bản thân của chúng ta. Hãy tìm lại hình ảnh tinh tuyền ban đầu của mình, một hình ảnh chưa bị lòng ham muốn danh lợi thú làm hoen ố, mới thấy phẩm giá cao đẹp của con người thật cao qúy hơn muôn loài. Có ý thức được sự cao qúy nơi phẩm giá làm người mới biết trân trọng và gìn giữ cho mình và cho anh em. Phẩm giá con người cao qúy hơn mọi danh lợi thú trần gian, thế nên đừng bao giờ vì một chút bổng lộc trần gian, một chút vui sướng mau qua mà đánh mất phẩm giá của mình và làm tổn thương đến phẩm giá của tha nhân.

Xin Chúa giúp chúng ta can đảm tẩy rửa những bợn nhơ tội lỗi làm hoen ố lương tri, và xin Chúa thêm ơn trợ giúp để chúng ta luôn gìn giữ nét đẹp nơi phẩm giá làm người của mình và của tha nhân. Amen.

 

19. Lên núi cao

(Lm Giuse Lê Minh Thông)

LÊN NÚI CAO ĐỂ THẤY CÁI KHÔNG THỂ MÔ TẢ, ĐỂ NGHE LỜI PHÁT RA TỪ ĐÁM MÂY.

Dẫn nhập

Bài Tin Mừng “Biến đổi hình dạng ở trên núi” (Mt 16,1-9) nằm giữa hai lần Đức Giêsu báo trước Thương Khó – Phục Sinh: Lần thứ nhất ở Mt 16,21-23 và thứ hai ở Mt 17,22-23. Chúng ta vẫn quen gọi: “Ba lần Đức Giêsu báo trước cuộc Thương Khó”, nhưng trong cả ba lần Đức Giêsu đều nói tới biến cố Phục Sinh bằng một câu ngắn ngủi: “Ngày thứ ba, Người sẽ trỗi dậy” (Mt 16,21; 17,23; 20,19).

Có lẽ nói ngắn quá nên các môn đệ trong bản văn cũng như cộng đoàn Mátthêu cuối thế kỷ I và cả độc giả ngày nay không để ý, hay xem nhẹ ba lần báo trước sự Phục Sinh. Vì thế, trình thuật Đức Giêsu được biến đổi hình dạng (Mt 17,1-9) nhằm làm lộ ra vinh quang tiềm ẩn nơi Đức Giêsu và nhất là mặc khải cho các môn đệ và cho độc giả biết Đức Giêsu là ai và chúng ta phải làm gì.

Trình thuật Đức Giêsu được biến đổi hình dạng và tiếng phát ra từ đám mây vẽ lên một bức tranh tuyệt đẹp có một không hai trong sách Tin Mừng với những hình ảnh và ngôn từ rất đặc biệt. Có thể tìm hiểu đoạn Tin Mừng Mt 17,1-9 qua ba mục:

1) Tách rời khỏi thế giới thường ngày, thế giới khả giác.

2) Chiêm ngưỡng thế giới của Thiên Chúa bằng mắt.

3) Lắng nghe mặc khải của Thiên Chúa bằng tai.

1) Tách rời khỏi thế giới thường ngày, thế giới khả giác.

Trình thuật bắt đầu bằng sự tách biệt với đời thường về thời gian, về không gian và về con người: “Sáu ngày sau, Đức Giêsu đem các ông Phêrô, Giacôbê và Gioan là em ông Giacôbê đi theo mình. Người đưa các ông đi riêng ra một chỗ, tới một ngọn núi cao” (Mt 17,1).

a) Yếu tố thời gian là “sáu ngày sau”, đánh dấu sự phân cách với những gì đã xảy ra trước đó một tuần. Người kể chuyện không nói gì về sáu ngày này, như thể sáu ngày im lặng không kể gì cả để làm cho biến cố xảy ra trên núi cao trở thành một trong những đỉnh cao của sách Tin Mừng.

b) Trình thuật nói đến tách biệt về nơi chốn. Ba môn đệ được tách riêng ra một nơi và được đưa lên một ngọn núi cao. Đó là núi nào? Bản văn không nói rõ. Độc giả không nên tìm cách đặt tên, vì bản văn nói đến một nơi tượng trưng, núi cao là nơi Thiên Chúa bày tỏ và gặp gỡ con người. Bản văn cố tình không cho biết núi nào để đưa độc giả ra khỏi những gì là bình thường. Cần ra khỏi khỏi thế giới thường ngày, thế giới khả giác để có thể hiểu được một biến cố vượt ra ngoài thời gian và không gian bình thường. Nơi chốn không rõ, thời gian cũng bị vượt khỏi giới hạn, cụ thể trong trình thuật là những nhân vật sống cách nhau hàng thế kỷ như Môsê, Êlia và Đức Giêsu lại có thể đàm đạo với nhau.

(Trình thuật không nói rõ nơi nào, nhưng truyền thống Hội Thánh cần một nơi để ghi nhớ biến cố này. Núi Ta-bo ở Ga-li-lê đã được chọn, đây là một ngọn núi riêng biệt, chung quanh không có đồi núi, nên có thể thấy từ xa. Hiện nay có một ngôi thánh đường trên đỉnh núi và khách hành hương đến để sống và suy niệm về biến cố này).

c) Tách biệt về con người, vì chỉ có ba môn đệ được chọn: “Phêrô, Giacôbê và Gioan”. Đây là Nhóm thu nhỏ của Nhóm Mười Hai, đại diện cho tất cả các môn đệ khác. Sự tách biệt này là dấu hiệu văn chương báo trước một biến cố quan trọng, nhưng chưa phải là lúc phổ biến rộng rãi cho mọi người. Tuy nhiên, những gì ba môn đệ này đã thấy và đã nghe là để rao giảng cho mọi người qua mọi thời đại được biết. Thực vậy, nhờ trình thuật, chính độc giả cũng được tách riêng ra, được thấy và được nghe những gì ba môn đệ ngày xưa đã nghe, đã thấy.

Sau khi được tách biệt khỏi thời gian và không gian bình thường, những gì xảy ra trên núi thuộc về một thế giới khác. Đó là thế giới của Thiên Chúa, thế giới không còn khoảng cách thời gian và không gian, thế giới mà ngôn ngữ không thể diễn tả được. Trong khoảng khắc thần linh đó, mặc khải của Thiên Chúa được tỏ bày qua thị giác (để thấy) và qua thính giác (để nghe).

2) Chiêm ngưỡng thế giới của Thiên Chúa bằng mắt

Trước hết, Đức Giêsu không tự mình biến đổi hình dạng mà “Người được biến đổi hình dạng” (metamorphôthê). Động từ Hy Lạp metamorphôthê ở dạng thụ động và tác nhân được hiểu là Thiên Chúa (passif divin). Chính Thiên Chúa làm cho Đức Giêsu được biến đổi hình dạng.

Sự biến đổi này không chỉ là biến đổi khuôn mặt. Tiếng Pháp quen dùng động từ transfigurer có nghĩa là thay đổi (trans) khuôn mặt (figure). Từ figure có nghĩa đầu tiên là mặt. Trong khi động từ Hy Lạp metamorphoô, tiếng Pháp chuyển âm: métamorphoser, có nghĩa là biến đổi, biến hoá (méta) toàn thân, từ trong bản chất (morphoser). Tiếng Việt có thể dùng cụm từ “biến đổi hình dạng”.

Đức Giêsu được biến đổi hình dạng trước mặt ba môn đệ. Nghĩa là ba môn đệ được chứng kiến sự kiện nhưng họ đã thấy gì? Người thuật chuyện kể: “Dung nhan Người chói lọi như mặt trời, và y phục Người trở nên trắng tinh như ánh sáng.” Nếu dung nhan Đức Giêsu chói lọi như mặt trời thì làm sao các môn đệ có thể nhìn mà không bị mù mắt. Nếu y phục của Đức Giêsu trở nên trắng tinh như ánh sáng thì làm sao các môn đệ có thể thấy được, vì không ai thấy được ánh sáng mà chỉ có thể thấy sự phản chiếu của ánh sáng nơi sự vật mà thôi.

Thực ra, đây là cách diễn tả những thực tại thần linh bằng thứ ngôn ngữ thị kiến của sách Khải Huyền. Ba môn đệ đang đối diện với thế giới của Thiên Chúa, đối diện với những thực tại thuộc về Thiên Chúa, đối diện với vinh quang của Thiên Chúa, nên ngôn ngữ loài người hoàn toàn bất lực. Ngôn ngữ loài người không mô tả được, chỉ vì điều xảy ra không có trong kinh nghiệm cuộc sống thường ngày của con người.

Bằng ngôn ngữ, sách Khải Huyền chỉ có thể mô tả những thị kiến về thế giới thần linh bằng các từ: “như”, “giống như”, “tựa như”... còn điều trông thấy thì không thể mô tả được. Chẳng hạn Gioan mô tả thị kiến ở Kh 4,2-3: “Lập tức tôi xuất thần. Kìa một cái ngai đặt ở trên trời và có một Đấng ngự trên ngai. Đấng ngự đó trông giống như ngọc thạch và xích não. Chung quanh ngai có cầu vồng trông giống như bích ngọc”. Kh 4,6 viết: “Trước ngai có cái gì như biển trong vắt tựa pha lê.” “Trông giống như...”, “như...” còn thực sự thế nào thì không mô tả được.

Có thể nói, trên núi cao, giữa trời và đất, ba môn đệ được thấy “thị kiến” về Đức Giêsu trong thế giới của Thiên Chúa, chỉ có thể mô tả bằng so sánh “như”: “Chói lọi như mặt trời”, “trắng tinh như ánh sáng”, nghĩa là dung nhan của Đức Giêsu không phải là mặt trời, và y phục của Người cũng chẳng phải là ánh sáng, chỉ là “như”, “giống như” mà thôi.

Trong thế giới thần linh ấy, các nhân vật sống cách nhau hàng thế kỷ có thể ngồi lại đàm đạo với nhau. Theo Kinh Thánh, Môsê dẫn dân Ít-ra-en ra khỏi Ai-cập vào thế kỷ XIII TCN, Êlia là ngôn sứ dưới thời vua A-kháp, thế kỷ VIII TCN và Đức Giêsu thế kỷ I SCN.

Nội dung đàm đạo không được kể ra, nhưng điều chắc chắn là có trao đổi giữa các nhân vật. Trong thế giới trên cao, điều nhấn mạnh là tương quan giữa người sống và người đã khuất, là nối kết giữa các thế hệ với nhau, như thể khoảng cách thời gian không còn nữa. Ba môn đệ là chứng nhân cuộc đàm đạo nhưng nội dung lại vượt ra ngoài sự nắm bắt của người phàm.

Lời Phêrô nói với Đức Giêsu: “Thưa Ngài, chúng con ở đây, thật là hay! Nếu Ngài muốn, con xin dựng tại đây ba cái lều, một cho Ngài, một cho ông Môsê, và một cho ông Êlia” (17,4). Lời đề nghị này vừa cho thấy các môn đệ muốn kéo dài thị kiến vì biến cố quá hay, quá tốt, quá đẹp, vừa có nét hài hước vì Phêrô đề nghị làm ba lều cho Đức Giêsu, Môsê và Êlia như thể những nhân vật đã khuất như Môsê và Êlia không thuộc về thế giới này lại cần lều để ở, còn ba môn đệ là người phàm lại không cần lều.

3) Lắng nghe mặc khải của Thiên Chúa bằng tai

Mặc khải bằng thị kiến kết thúc với sự lên tiếng của con người, cụ thể là Phêrô, và chuyển sang hình thức mặc khải thứ hai: “Tiếng nói từ đám mây”: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người.” (17,5).

Từ kinh nghiệm thị kiến, thấy bằng mắt, chuyển sang mặc khải bằng lời qua tiếng phát ra. Các môn đệ chỉ có thể lãnh hội được nội dung bằng cách “nghe”. Tiếng phát ra từ đám mây không phải là tiếng con người, tiếng này có nguồn gốc từ trời và bí ẩn. Lối hành văn phù hợp với bối cảnh của biến cố trình bày mặc khải của Thiên Chúa.

Cách thứ nhất, mặc khải bằng thị kiến là vén bức màn lên (mạc khải) để soi sáng những gì còn ẩn dấu (mặc khải). Cách thứ hai là mặc khải bằng lời, hàm ẩn sự lắng nghe để hiểu, ở đây lắng nghe theo nghĩa đón nhận, cho dù chưa hiểu trọn vẹn ý nghĩa của lời mặc khải. Trong trình thuật biến hình, có cả hai cách mặc khải, nhằm giúp ba môn đệ và độc giả hiểu được Đức Giêsu là ai.

Lời phát ra từ đám mây (17,5), nhắc lại tiếng phát ra từ trời sau khi Đức Giêsu chịu phép rửa ở đầu sách Tin Mừng: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người” (Mt 3,17). Mt 17,5 có thêm hai yếu tố mới: (1) “Hãy vâng nghe lời Người”, dịch sát: “Hãy nghe Người (akouete autou)”, (2) Tiếng phát ra từ đám mây nói trực tiếp với ba môn đệ và qua đó nói với độc giả qua mọi thời đại về căn tính của Đức Giêsu và tương quan của Người với Thiên Chúa Cha. Lời nói từ đám mây gồm một lời giới thiệu: “Đây là Con yêu dấu của Ta” và một mệnh lệnh: “Các người hãy nghe Người.”

Khi gọi ai là Con (huios) thì người ấy là Cha, như thế lời phát ra muốn các môn đệ và độc giả biết Đức Giêsu có tương quan “Cha – Con” với Thiên Chúa, Đức Giêsu chính là Con Thiên Chúa. Mệnh lệnh nói với ba môn đệ và cho độc giả: “Hãy nghe Người” là một khẳng định quan trọng nói lên sự thay đổi lớn trong tương quan giữa Thiên Chúa và con người, như thể Chúa Cha tự xoá mình trước Đức Giêsu là Con yêu dấu của Người.

Thực vậy, trước khi Đức Giêsu xuất hiện, Thiên Chúa phán với dân và dân nghe lời Người. Khi Đức Giêsu xuất hiện, Chúa Cha dặn các môn đệ: Hãy nghe lời Đức Giêsu. Như thế, tương quan “Thiên Chúa / dân” trong Cựu Ước trở thành tương quan “Đức Giêsu / môn đệ” trong Tân Ước, và đây là ý muốn của Chúa Cha.

Nghe lời Đức Giêsu là nghe tất cả những gì Người nói và dạy. Đặc biệt đón nhận lời loan báo Thương Khó và Phục Sinh đã được loan báo trước đó và Người sẽ báo trước thêm hai lần nữa để nhấn mạnh biến cố nền tảng và nghịch lý này. Như thế, biến cố trên núi cao không phải là một biến cố tách rời khỏi các trình thuật khác. Ngược lại, lời mời gọi “nghe lời Đức Giêsu”, nối kết biến cố trên núi cao với toàn bộ giáo huấn của Đức Giêsu trong sách Tin Mừng.

Đối diện với thế giới của Thiên Chúa và vinh quang của Người, các môn đệ đã “kinh hoàng, ngã sấp mặt xuống đất” (17,5). Chính Đức Giêsu đã đưa các ông trở lại đời thường bằng cách chạm vào các ông và nói: “Chỗi dậy đi, đừng sợ”, các ông ngước mắt lên và mọi chuyện lại trở về thực tế. Nhưng biến cố ấy, những gì đã thấy, những lời đã nghe, sẽ không bao giờ rời khỏi các ông.

Kết luận

Giữa hai lần báo trước biến cố Thương Khó và Phục Sinh, Đức Giêsu đưa ba môn đệ ra khỏi đời thường để bước vào thế giới của Thiên Chúa. Ở đó những điều xảy ra nhằm mặc khải căn tính của Đức Giêsu. Biến cố trên núi cao báo trước sự Phục Sinh của Đức Giêsu vì Người có nguồn gốc thần linh, Người có Cha là Thiên Chúa, Người là Con và được Chúa Cha yêu thương. Chính Chúa Cha ra lệnh cho các môn đệ lắng nghe giáo huấn của Đức Giêsu.

Trình thuật Đức Giêsu được biến đổi hình dạng trên núi cao và lời phát ra từ đám mây là những tia sáng mạnh mẽ như ánh sáng mặt trời, có khả năng soi sáng cho cuộc đời của độc giả mọi nơi mọi thời đang bước đi trong đêm tối, đang sống trong khó khăn thử thách của cuộc sống, đang nghi ngờ về căn tính của Đức Giêsu và chưa biết rõ Người là ai. Có thể nói, biến cố trên núi cao là hình ảnh của biến cố Phục Sinh, trước khi biến cố Thương Khó xảy ra. Đây là niềm hy vọng lớn lao cho ba môn đệ và cho độc giả.

Đọc xong trình thuật, liệu độc giả, là tất cả chúng ta, có thực sự sống biến cố xảy ra trên núi như ba môn đệ hay không?

Liệu độc giả có cùng với các môn đệ tách ra khỏi đời thường để ngây ngất trước vẻ đẹp của thế giới trên cao hay không?

Liệu độc giả mọi nơi mọi thời có nghe được tiếng phát từ trời để biết Đức Giêsu là ai (là Con Thiên Chúa) và biết phải làm gì (Nghe Đức Giêsu) hay không?

Ước gì mặc khải ngắn ngủi trong bản văn bằng thị kiến để thấy, và bằng lời để nghe có khả năng gây ấn tượng lâu dài và trở thành một lời mời gọi tin và vững tin vào Đức Giêsu trong hoàn cảnh khó khăn, thử thách.

Mong sao mệnh lệnh “Hãy nghe Người” là lời thúc đẩy chúng ta đến với Tin Mừng, đọc Tin Mừng để nhận ra lời của Đức Giêsu là Lời sự sống, Lời đem lại ý nghĩa cho cuộc đời này.

 

20. Suy niệm của Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền

Xe lửa bắt đầu chuyển bánh. Gandhi nhảy vội lên tàu. Một chiếc giày của ông rơi xuống. Gandhi không thể nào nhảy xuống để nhặt nó trong khi tàu chạy càng lúc càng nhanh. Trước sự sững sờ của mọi người, Gandhi đã tháo luôn chiếc giày còn lại và ném về phía chiếc giày kia.

Hành khách trên tàu lấy làm lạ về hành động kỳ quặc của ông. Gandhi mỉm cười và giải thích: “Nếu có một người nghèo nào lượm được chiếc thứ nhất, họ có thể tìm thấy chiếc thứ hai và sẽ xài được đôi giày của tôi”.

Ông Gandhi đã tỏ ra mình là người sống yêu thương. Tình yêu thương của ông tỏ hiện ra mọi nơi, mọi chốn. Tình yêu của  ông không cầu kỳ nhưng đơn giản. Tình yêu của ông còn tỏ ra lòng bao dung qua việc ông kêu gọi Nước Ấn đấu tranh bất bạo động để giành chiến thắng.

Gandhi đã làm được điều đó bởi ông đã học được từ Kinh Thánh. Dù rằng ông không theo đạo nhưng ông đã sống Lời Chúa. Ông vẫn coi lời Chúa chính là kim chỉ nam cho đời sống của mình. Từ lời Chúa đã giúp ông học rất nhiều bài học bổ ích cho cuộc sống, và nhờ đó mà ông đã sống tình yêu thật đơn sơ, chân thành.

Người ky-tô hữu tức là một ky-tô khác. Người ky-tô hữu phải biết tỏ mình ra dấu chỉ người môn đệ qua hành vi yêu thương. Không có yêu thương thì không phải là môn đệ của Chúa. Vì bản chất của Chúa là tình yêu thì người môn đệ của Chúa cũng phải biết sống yêu thương.

Chúa Giê-su hôm nay đã tỏ mình ra là Thiên Chúa để củng cố niềm tin nơi các môn đệ. Chúa mời gọi các tông đồ xác tín niềm tin của mình để nhờ đó mà vượt qua những khó khăn để trung tín trong tình yêu. Vâng chính nhờ tin vào Chúa mà các ông đã không quản ngại gian khó để mang tin mừng yêu thương đến cho mọi người. Chính niềm tin vào Chúa mà các ông đã sống hết mình yêu thương con người.

Hôm nay Chúa vẫn tiếp tục mời gọi chúng ta xác tín niềm tin vào Chúa để sống chứng nhân giữa dòng đời. Một đời sống chứng nhân mang tin yêu vào trong thế giới lắm bon chen, ích kỷ. Chúa vẫn tha thiết mời gọi chúng ta tỏ mình ra là con cái của Chúa khi chúng ta sống theo sự sáng không theo đường lối gian ta, khi chúng ta sống yêu thương phục vụ là dấu chỉ rõ ràng về chân dung người môn đệ của Chúa.

Xin Chúa củng cố đức tin còn yếu kém nơi chúng ta để nhờ đó chúng ta can đảm sống làm chứng cho Chúa. Xin Chúa giúp sức để chúng ta vượt qua mọi trở ngại để sống tin yêu giữa lòng thế giới hôm nay đang lạc xa tình Chúa. Amen.

 

21. Suy niệm của Lm Giuse Nguyễn Hữu An

Tin mừng Nhất Lãm tường thuật lời loan báo về cuộc tử nạn. Đức Giêsu đưa Nhóm Mười Hai đi lên Giêrusalem, dọc đường, Người nói với các ông: “Này chúng ta lên Giêrusalem, và Con Người sẽ bị nộp cho các thượng tế và kinh sư. Họ sẽ kết án xử tử Người, sẽ nộp Người cho dân ngoại nhạo báng, đánh đòn và đóng đinh vào thập giá và ngày thứ ba, Người sẽ chỗi dậy” (Mt, 17-19).

Theo tin mừng Luca và Marcô thì các môn đệ không hiểu và sợ hãi khi nghe Thầy loan báo về cuộc thương khó. “Nhưng các ông không hiểu gì cả; đối với các ông, lời ấy còn bí ẩn, nên các ông không rõ những điều Người nói” (Lc 18,34); “Người dẫn đầu các ông. Các ông kinh hoàng, còn những kẻ theo sau cũng sợ hãi. Người lại kéo riêng Nhóm Mười Hai ra, và bắt đầu nói với các ông về những điều sắp xảy đến cho mình” (Mc 10,32).

Vì không hiểu nên sợ. Sợ nên không muốn đi. Phêrô kéo riêng Chúa ra mà ngăn cản và trách móc nên bị Chúa mắng cho là satan.

Chúa đưa ba môn đệ lên núi Tabor. Biến Hình rực rỡ nhằm củng cố tinh thần cho các môn đệ sau khi Chúa loan báo cuộc khổ nạn.

Tôi được diễm phúc lên Núi Tabor. Từ khách sạn ở Nazareth xe đi qua những thung lũng với nhiều vườn cây ôliu, vườn chuối, vườn cam xanh tươi ngút mắt. Tabor là ngọn núi rất đẹp, nó đưa mình lên êm ả từ một cánh đồng cỏ xanh. Xe buýt chỉ đến chân núi, sau đó phải đổi xe chuyên leo núi. Lên dốc cao, đường ngoằn ngoèo theo vòng xoáy trôn ốc như đường Đèo Ngoạn Mục. Trời thật lạnh khoảng 40c, gió thổi rét buốt trên đỉnh có độ cao 600m làm ai nấy run lên vì lạnh. Núi Tabor có một ngoại hình rất cân đối. Núi mọc lên giữa cánh đồng như một bàn thờ giữa trời đất, giống như lễ đàn của các bộ lạc để tế thần minh. Lúc Chúa Giêsu đem ba môn đệ yêu quý lên đây, không gian phải rất im vắng. Chỉ có gió vi vu và mây nắng với rừng cây thắm một màu xanh hùng vĩ.

Núi tiêu biểu cho quyền năng và vinh quang của Thiên Chúa. Núi là nơi mặc khải những điều trọng đại như khi xưa Thiên Chúa hiển linh trên núi Sinai với Môisê, núi Khoreb với Êlia, núi Tabor với ba môn đệ. Từ đỉnh núi, nhìn về hướng nam là làng Naim, một thành cổ hiện tại người Ảrập sinh sống, nơi đây Chúa cho con trai bà goá sống lại.Nazareth, một thị trấn sầm uất về hướng tây và Biển hồ Galilê mênh mang phía đông. Tabor, ngọn núi thiêng tạo thành một tam giác đều. Cả ba nơi đều gắn liền với cuộc đời Chúa Giêsu: lớn lên, truyền đạo và hiển dung. Bên ngoài, phía trái Nhà thờ vẫn còn dấu vết tường đá tu viện các cha dòng Bênêđictô một thời Trung cổ huy hoàng.

Theo sử gia Josephus thì nhóm Nhiệt Thành (Zelot) đã chiến đấu với quân Roma tại đây vào năm 66 tcn. Năm 1634 các thầy Phanxicô mới dành lại được ngọn núi này từ tay quân Thổ. Nhưng mãi gần 300 năm sau mới xây đựơc Nhà thờ. Nhà Thờ Hiển Dung xây dựng từ năm 1925 do các cha dòng Phanxicô phụ trách. Mặt tiền nhà thờ đựơc kiến trúc nổi bật với hai ngọn tháp vuông cao vút. Bên trong hai ngọn tháp này là hai nguyện đường nhỏ kính tổ phụ Môisen và Êlia. Một bức tranh tuyệt đẹp theo nghệ thuật mosaic phía trên bàn thờ vòm cung thánh. Chúa biến hình trong hào quang rực sáng. Hai bên có Môisen trên núi Sinai và Êlia trên núi Carmel. Phía dưới là ba môn đệ Phêrô, Gioan và Giacôbê.

Tường thuật biến cố biến hình, cả ba Phúc âm đều nhấn mạnh đến thái độ hoảng sợ của các môn đệ. “Thực ra, ông không biết phải nói gì, vì các ông hoảng sợ” (Mc 9,6); “Khi thấy mình vào trong đám mây, các ông hoảng sợ” (Lc 9,34); “Nghe vậy, các môn đệ kinh hoàng ngã sấp mặt xuống đất” (Mt 17,6). Và khi Phêrô “ngã sấp mặt xuống đất” thì Chúa đến chạm vào ông và bảo: “Chỗi dậy đi, đừng sợ”. Các môn đệ không thể hiểu được hành trình của Đấng Cứu Thế sao lắm gian nan; kẻ theo Ngài làm sao không ngại ngùng sợ hãi cho được! (x. Mt 17,13-14; Mc 8,34; Mt 8,18; Mc 13,9; Lc 9,26). Nếu người ta làm an toàn những viên thuốc đắng bằng vỏ bọc kẹo ngọt, thì Chúa Giêsu cũng hoá giải tin cuộc khổ nạn bằng cuộc Biến hình rực rỡ. Bọc kẹo chứ không bọc thuốc ngủ. Hoá giải chứ không gây mê. Chúa cho các môn đệ thấy trước một thoáng Phục Sinh trước Phục Sinh. Chúa cho cảm nếm một chút Thiên đàng. Các ông đã tưởng là Thiên Đàng nên Phêrô xin làm ba lều để an nhàn trên núi cao, ngũ yên trong hào quang, quên đi các bạn và các cuộc truyền giáo dưới chân núi. Các ông không biết rằng Thầy Giêsu chỉ lên đỉnh Tabor trong chốt lát rồi xuống núi chuẩn bị vác thập giá bước vào cuộc thương khó. Hai đỉnh núi Tabor và Calvariô không xa nhau lắm về mặt địa lý, nhưng lại là con đường vạn lý. Chúa Giêsu đã nối kết hai đỉnh núi bằng con đường tình yêu cứu độ.

Biến cố Chúa biến hình trên núi Tabor là một trong những biến cố đặc biệt. Nó trở nên như một ngôi sao sáng cho các môn đệ trong đêm tối của những gian nan thử thách. Biến cố ấy vẫn luôn ghi đậm trong ký ức của các môn đệ. Nó là một điểm tựa, là một trợ lực cho đức tin của các ngài trong suốt tiến trình theo Chúa Giêsu.

Câu chuyện Chúa Biến hình trên núi Tabor được đặt làm sườn cho cả văn kiện “Tông Huấn Vita Consecrata” (đời sống thánh hiến). Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II ban hành ngày 25.3.1996, đúc kết những thành quả của Thượng Hội Đồng Giám Mục tháng 10.1994. Tông Huấn trình bày vẻ đẹp của đời tu. Con đường tu đức được ví như một cuộc đi tìm cái đẹp (số 19), hướng tới sự chiêm ngưỡng nhan Chúa, chân phúc dành cho các tâm hồn trong trắng. Các tu sĩ đã bị thu hút bởi vẻ đẹp của Chúa; họ mê say chiêm ngưỡng Chúa, để rồi phản chiếu khuôn mặt rạng rỡ của Ngài (số 27) sau khi lên núi chiêm ngắm Chúa Biến hình, các môn đệ được mời hãy đi xuống núi để phục vụ (số 75); họ còn phải trèo lên một núi khác đó là núi Calvariô (Số 14;40). Từ chỗ đi theo Đức Kitô (số 15;18), hoạ lại nếp sống của Ngài, đời tận hiến tiến tới chỗ “Lắng nghe tiếng Chúa, ở kề bên Chúa”, “Đồng hoá hiện thân” ( số 16) với Ngài. Ngoài việc hoạ lại nếp sống khiết tịnh, khó nghèo và vâng phục của Đức Kitô, đời thánh hiến còn diễn tả mầu nhiệm Thập giá và Phục sinh của Ngài nữa (số 23-24). Đức Kitô cần phải qua núi Calvariô để vào vinh quang thiên quốc.Trước đây, đời tu trì quen được ví với việc khắc kỷ tu thân, vác thập giá để đi theo Chúa. Nhưng đó mới chỉ là cái nhìn của truyền thống Latinh; còn truyền thống Đông phương thì muốn nêu bật sự biến dạng đổi hình từ con người phàm tục sang con người thần thiêng khi đi theo Chúa. Đức Gioan Phaolô II đã kết hợp cả hai cái nhìn về đời tu trong quang cảnh Chúa Biến hình: chủ đề thập giá và vinh quang gắn liền với nhau trong mầu nhiệm vượt qua của Đức Kitô. Đức Thánh Cha còn gọi đời Thánh hiến là một Đoàn Sủng đặc biệt trong Giáo hội,phát xuất và duy trì bởi Chúa Thánh Thần.Tu sĩ là món quà Chúa Thánh Thần ban cho Giáo hội và là một kho báu mà Giáo hội trân trọng giữ gìn.

Người sống đời tận hiến cũng như người tín hữu, muốn được “biến hình” trong đời sống cũng như muốn được trở nên “con yêu dấu” của Thiên Chúa cần phải “vâng nghe lời Người”.

Cả ba Phúc âm đều tường trình tiếng nói từ trời cao. Lời Chúa Cha như giới thiệu, chuẩn nhận Chúa Con và là lệnh truyền cho chúng ta. “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người” (Mt 17,5); “Đây là Con yêu dấu của Ta. Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người” (Mc 9,6); “Đây là Con Ta, Người đã được Ta tuyển chọn, hãy vâng nghe lời Người” (Lc 9,35).

“Các ngươi hãy vâng nghe lời Người”. Đó là lệnh truyền của Chúa Cha, là điệp khúc kết luận của tiếng nói từ trời cao. Điệp khúc quan trọng vì cả ba Phúc âm đều nói đến. Lời của Chúa Kitô chính là chuẩn mực, là lề luật tuyệt đối mang lại ơn cứu độ cho nhân loại. Lời của Chúa Kitô là Lời Giao Ước vĩnh cửu cho con người được tham dự vào sự sống thần linh của Thiên Chúa Ba Ngôi.

“Các ngươi hãy vâng nghe lời Người”, một phán quyết long trọng và công khai của Chúa Cha. Từ nay, vâng nghe Lời Chúa Kitô, chúng ta sẽ được biến hình với Chúa Kitô, cùng được hưởng vinh quang Phục sinh với Chúa Kitô.

Chúa Kitô biến hình một khoảnh khắc thoáng qua. Cuộc biến hình trọn vẹn qua mầu nhiệm Phục sinh, đây là cuộc biến hình ngàn thu. Cuộc biến hình này là căn tính niềm tin của những người theo Chúa. Hãy để hồng ân của Chúa chiếu rực trong cuộc đời của chúng ta ngỏ hầu nhân loại thấy chúng ta biến hình, nghĩa là có thể thấy Chúa Kitô nơi khuôn mặt và đời sống chúng ta.

 

22. Đức Giêsu - Con đường cứu độ duy nhất

(Lm. Bùi Quang Tuấn)

"Ngước mắt lên, các ông thấy chẳng còn ai, trừ ai một mình Chúa Giêsu" (Mt 17:8).

Trong cuốn sách tựa đề "Gương Hiếu Thảo", tác giả Phan Như Huyên có thuật lại gương chí hiếu của Công Chúa An Thường như sau: An Thường là con gái thứ tư của vua Minh Mạng. Nàng rất thông minh và thảo hiếu. Năm lên 9 tuổi, mẹ của công chúa bị bịnh. Lúc đó vào dịp lễ Vạn Thọ, các hoàng tử công chúa đều được triệu vào cung để chúc tuổi vua cha. Nhà vua cho các hoàng tử được ăn thịt dê. An Thường chỉ ngậm thịt trong miệng chứ không nuốt. Vua thấy lạ mới hỏi nguyên do, cô trả lời: "Con nghe nói thịt dê bổ lắm, nên con ngậm về cho mẹ đang bị bịnh ăn cho mau khỏe". Nghe vậy, vua cảm động quá, mới truyền đem khay lấy thêm thịt để An Thường đưa về cho Mẹ. Đến khi Vua Minh Mạng chết, nàng để tang ba năm, sống bên lăng cha cho trọn đạo hiếu.

Khi đề cập đến đạo hiếu trong văn hoá Việt Nam, Đức TGM Stephanô Nguyễn Như Thể của TGP Huế tại Thượng Hội Đồng Giám Mục Á Châu, đã phát biểu: Người Việt Nam chịu ảnh hưởng sâu đậm của Khổng giáo, Lão giáo, Phật giáo. Cả ba tôn giáo đó đều cho lòng hiếu thảo là nhân đức căn bản của gia đình và xã hội. Việc sốt sắng tôn kính và phục vụ cha mẹ khi còn sống cũng như lúc qua đời là một bổn phận ưu tiên. Luân lý và văn minh đều tùy thuộc vào bổn phận này.

Có lẽ trong những quốc gia mà đạo hiếu bám rễ sâu vào lòng người như Việt Nam, Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ..., nơi mà "tứ đại đồng đường", ba bốn đời vẫn ở chung nhau dưới một mái nhà, thì việc rao giảng hay đón nhận Kitô giáo sẽ không phải là một chuyện dễ dàng. Tại sao thế?

Lý do là vì nhiều người cảm thấy băn khoăn muốn phải kháng khi nghe Đức Giêsu nói: "Ai đến với Ta mà không bỏ cha mẹ, vợ con, anh chị em và cả mạng sống mình thì không thể làm môn đệ của Ta" (Lc 14:26).

Vấn đề được đặt ra là: "Trên thế gian này có gì cao đẹp cho bằng tình cảm cha mẹ con cái, vợ chồng, anh em, và có gì quí giá cho bằng sự sống, ấy thế mà Đức Giêsu nào đó lại bảo người ta phải hy sinh từ bỏ để có thế gắn bó với Ngài. Thử hỏi Đức Giêsu là ai mà đòi hỏi người ta một việc làm quá đáng như vậy? Phải chăng Đức Giêsu đang dạy con người sống bất hiếu?"

Điều cần xác minh trước hết, ấy là Chúa Giêsu không hề dạy người ta bất hiếu hay bất nghĩa. Ngài đã từng nhắc đi nhắc lại điều răn thứ 4 là giới răn dạy người ta thảo kính với mẹ cha. Khi một chàng thanh niên đến hỏi Chúa Giêsu làm thế nào để được hạnh phúc đời đời, câu trả lời của Ngài đã có phần: "ngươi phải thảo kính cha mẹ". Ngay khi trên thập giá, trước lúc tắt hơi, Ngài vẫn quan tâm đến Mẹ Maria và lo liệu để Gioan đón Mẹ về nhà chăm nom. Thế nên không thể nào nói Chúa Giêsu bất hiếu hay dạy người ta sống bất hiếu được.

Vậy thì làm sao để lý giải được câu nói trên đây của Chúa Giêsu?

Thật ra có gì khó hiểu đâu nếu như có những con người đã vì một đất nước trần thế, một đất nước nay còn mai mất, nay vào tay chế độ này mai vào tay chế độ khác, mà họ còn dám dấn thân và hy sinh cha mẹ anh em cùng sự sống, thì với một đất nước vĩnh hằng, một đất nước được thống trị bởi Đức Giêsu, vua tình yêu và chân lý, thì có gì là khó hiểu khi có những con người dám liều bỏ hết tất cả để đi theo vị vua đó và xây dựng đất nước đó.

Mấy ai lại không biết một Thomas More dám bỏ vua Henry VIII, chấp nhận xa vợ con, và cuối cùng là mất mạng sống để bênh vực cho chân lý trung tín yêu thương, một vợ một chồng, mà Vua Giêsu đã truyền dạy.

Mấy ai lại không biết một Giêrađô Majella trốn nhà ra đi sau khi ghi vội cho mẹ mấy lời: "Mẹ ở nhà con đi làm thánh". Hay một Charles Cornay đã can đảm bước qua mình song thân, lên đường đi rao truyền chân lý Nước Trời cho Việt Nam, chấp nhận biết bao khốn khó nghèo khổ, và rồi cuối cùng chấp nhận cái chết lăng trì vì con người có tên Giêsu.

Nhưng không phải là ai cũng hiểu rõ được bản chất thực sự của Đức Giêsu để dám bước theo Ngài cách can đảm và quyết liệt. Lắm khi người ta lại cho Ngài chỉ giống như một hiền triết, hay một vĩ nhân, hoặc một nhà sáng lập tôn giáo nào đó. Nhưng một hiền triết, một vĩ nhân, hay một người sáng lập tôn giáo như Đức Khổng, hay Đức Lão, hoặc Đức Phật, thì cũng chỉ là những con người nói về yêu thương và dạy về chân lý, khuyên bảo chúng sinh làm lành lánh dữ, chứ các ngài không là yêu thương, hay là chân lý. Nhưng Đức Giêsu thì trái lại, Ngài là yêu thương, là Đường, là Sự Thật, và là Sự Sống. Quan trọng là chỗ đó! (ĐC Fulton J. Sheen).

Thế thì, một khi nhận thức và xác tín Đức Giêsu chính là chân lý soi sáng đường đi cho con người, là tình yêu đưa đến một sự sống phong phú tràn đầy, thì việc bước theo Ngài, làm môn đệ của Ngài sẽ là bước đi tất yếu cho những ai muốn sống sự thật, muốn sống yêu thương, và muốn trở nên con người toàn vẹn. Ngoài Đức Giêsu Kitô, sẽ không còn ai có thể lấp đầy khát vọng đó.

"Ngước mắt lên, các ông thấy chẳng còn ai, chỉ trừ một mình Chúa Giêsu". Hai nhà đại tiên tri và lãnh đạo tôn giáo là Êlia và Môisen biến mất. "Chỉ còn một mình Chúa Giêsu". Theo nhận định của một nhà chú giải: rồi đây "mọi chủ thuyết triết học, mọi ý thức hệ vang bóng một thời rồi cũng sẽ bị lãng quên". Các tinh hoa của mọi nẻo đường cũng chỉ qui về một mối trong Đức Giêsu, Đấng là Đường duy nhất dẫn đến Chân Thiện Mỹ của muôn vật muôn loài.

Thật chí lý thay niềm xác tín của Giáo hội: "Không có ơn Cứu Độ ngoài Đức Giêsu".

 

23. Đường về đỉnh vinh quang

(Lm Antôn Nguyễn Văn Tiếng)

Đây là một câu chuyện xưa có tên “Người kế vị”, nội dung như thế này: Ở ngôi chùa kia có vị cao tăng với nhiều đồ đệ đông đến hàng trăm người. Cũng như mọi người bình thường, vị cao tăng biết rõ ràng quy luật “sinh, tử” của Tạo Hóa là không có ngoại lệ. Nay tuổi cao, sức yếu, vị cao tăng muốn tìm một người kế vị mình. Ngặt nỗi, người kế vị chỉ có một, còn đồ đệ thì rất nhiều. Vị cao tăng nghĩ là một kế và tiến hành lựa chọn người kế vị.

Cứ khoảng vài ba ngày, vị cao tăng tự đem giấu một món đồ vật và phàn nàn với đồ đệ rằng nơi đây có trộm cắp.

Ít lâu sau, vị cao tăng bỗng la lên: Trộm! Trộm! Có kẻ trộm!

Nghe tiếng thầy kêu, dù đang ngon giấc, các đồ đệ đều bật dậy, vội chạy tới. A là một đồ đệ rất siêng năng, nhanh nhẹn, tháo vát, luôn quí trọng thầy, thương yêu sẵn sàng giúp đỡ bạn, có uy tín vào bậc nhất trong các đồ đệ của vị cao tăng. A chạy đến trước tiên, hy vọng sẽ giúp thầy tìm bắt kẻ trộm, bảo vệ tài sản.

Thấy A, vị cao tăng vội túm lấy áo của A và nói lớn: Bắt được kẻ trộm rồi.

Trước đông đảo các môn đệ, vị cao tăng tuyên bố:

A là kẻ trộm vừa bắt được và đuổi A đi.

Bị thầy đuổi, không một lời thanh minh, không một lời oán thán, A nhẫn nhục ra đi.

Ba ngày sau, A trở lại Chùa, quỳ trước vị cao tăng và nói: “Thưa thầy, con ngộ (giác ngộ - nhận thức) được rồi”.

Vị cao tăng đỡ A dậy, trong lòng cảm thấy rất vui vì đã lựa chọn được người kế vị xứng đáng đúng như lòng muốn.

ĐƯỜNG VỀ ĐỈNH VINH QUANG.

“Vinh quang trên đỉnh núi” hôm nay, mà truyền thuyết cho là núi Ta-bo, duy nhất chỉ xảy ra một lần cho đến khi Chúa Kitô hoàn tất Chương trình Cứu Độ.

Đức Giêsu biến hình rực rỡ cùng với sự xuất hiện của hai nhân vật Cựu Ước, cho thấy tính cách xác thật và chắc chắn của cuộc hành trình mà Đức Giêsu sẽ thực hiện trên trần thế: Con đường Thương Khó và Phục Sinh.

Đang lúc Người cầu nguyện, dung mạo Người bổng đổi khác, y phục Người trở nên trắng tinh chói lòa. Và kìa, có hai nhân vật đàm đạo với Người, đó là ông Môsê và ông Ê-lia. Hai vị hiện ra, rạng ngời vinh hiển, và nói về cuộc xuất hành Người sắp hoàn thành tại Giêrusalem. (Lc. 9,29-31).

Trong cuộc biến hình này, có hình ảnh Đức Giêsu vinh quang, và ẩn chứa hình ảnh Đức Giêsu chịu ô nhục: cuộc xuất hành mà Người sắp hoàn thành tại Giêrusalem.

Trong thoáng chốc, Phêrô - luôn là đại diện cho các môn đệ - “nhận biết” được Đức Kitô vinh quang, vì Người là con Thiên Chúa, như ông từng tuyên xưng “Thầy là Đức Kitô, con Thiên Chúa hằng sống”, nhưng ông không thể “nhận biết” được Đức Kitô ô nhục, mà ngay sau cuộc biến hình này, Đức Kitô sẽ bước vào con đường đó: con đường Thập Giá.

Xin Chúa thương, đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy! (Mt. 16,22).

Đức Kitô biến hình trước mặt những môn đệ gần gũi Chúa nhất, để các ông vững tin vào Đức Kitô, vào Chân Lý, vào con đường mà các ông đang đi. “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống”.

Niềm tin vào Chúa Giêsu có đó, nhưng bước đi vững vàng trong cuộc hành trình Đức Tin không luôn luôn dễ dàng. Mỗi người phải biến đổi để trở nên “đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô trong cái chết của Người” (Pl.3,10).

Sự biến đổi ấy đòi hỏi mọi người phải “thông phần những đau khổ của Người”, bằng sự sám hối, sự điều chỉnh, sự hoán cải sâu xa cuộc đời mình.

Không trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô trong cái chết của Người, thì không thể “đồng hình dồng dạng với Người” trong vinh quang được.

NHỮNG THỬ THÁCH

Trước đông đảo các môn đệ, vị cao tăng tuyên bố:

A là kẻ trộm vừa bắt được và đuổi A đi.

Bị thầy đuổi, không một lời thanh minh, không một lời oán thán, A nhẫn nhục ra đi.

Ba ngày sau, A trở lại Chùa, quỳ trước vị cao tăng và nói: “Thưa thầy, con ngộ (giác ngộ - nhận thức) được rồi”.

Vị cao tăng đỡ A dậy, trong lòng cảm thấy rất vui vì đã lựa chọn được người kế vị xứng đáng đúng như lòng muốn.

Điều gì đã diễn ra trong lòng của đồ đệ A? Đó là những giờ phút độc thoại, chiến đấu, lắng nghe nội tâm, đối diện với chính mình.

Một vị “chân tu”, không thể nào hành động vô lý như vậy. Thế thì, đằng sau hành động bất thường này, thầy có ý dạy điều gì? Đồ đệ A phải nâng tâm hồn lên để suy gẫm được điều đó, để ngộ được điều đó. Nếu không, lòng tự ái bùng lên, danh dự bị thương tổn, đồ đệ A không thể nhận ra tình thương của thầy mình. Có thể tất cả đã đổ vỡ!

Phêrô và các môn đệ đã biết Chúa là ai. Thiên Chúa không thể phản bội. Lời Ngài không sai, dù một chấm, một phẩy. Hình ảnh Chúa Giêsu biến hình khẳng định cho các môn đệ sự vinh quang mà Thiên Chúa hứa ban là chắc chắn.

Chúa thành tín trong mọi lời Chúa phán, đầy yêu thương trong mọi việc Chúa làm. (Tv.144, 13).

Đó là sự xác tín căn bản. Đó là Đức Tin của chúng ta. Từ sự xác tín đó, niềm tin đó, chúng ta tiến bước theo Chúa. Phó thác trong hy vọng và hạnh phúc.

Thưa anh em, tôi không nghĩ mình đã chiếm được rồi. Tôi chỉ chú ý đến một điều, là quên đi những chặng đường đã qua, để lao mình về phía trước. Tôi chạy thẳng tới đích, để chiếm được phần thưởng từ trời cao Thiên Chúa đã dành cho những kẻ được Người kêu gọi trong Đức Giêsu Kitô. (Pl.3,13-14).

Để tiến bước mạnh mẽ, để “lao mình về phía trước”, để “chạy thẳng tới đích”, đòi hỏi sự chiến đấu nội tâm anh dũng, đè bẹp “cái tôi” hẹp hòi, “chết đi con người cũ”, đó là “thập giá của đời ta”.

Nếu con người chỉ suy nghĩ và hành động theo ý riêng, theo bản năng, theo dục vọng, theo khát vọng thấp hèn, hạn hẹp, nhất thời, trước mắt, con người không thể bước vào lối hẹp, không thể đi vào con đường Thập Giá! Điều ấy, đồng nghĩa với việc con người thuộc về thế giới của Sa-tan.

“Xa-tan, lui lại đàng sau Thầy! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người!” (Mt.16,23).

Không phải chúng ta đòi hỏi có một Thiên Chúa như lòng chúng ta mong ước, mà chúng ta muốn được trở nên một con người như lòng Thiên Chúa mong ước.

Vì sự sống là từ Thiên Chúa.

Nên con người phải được biến đổi, và biến đổi hoàn hảo đến mức hoàn toàn thuộc về Chúa, là của Chúa, là chính Chúa hiện diện trong ta.

Tôi sống, nhưng không phải tôi sống, mà chính Chúa Kitô sống trong tôi. (Gl.2,20).

Sự biến đổi này, không phải chỉ là “nhận biết” Thiên Chúa, “ngộ” được Thiên Chúa, mà biến đổi thành chính Thiên Chúa, “thông phần vào bản tính Thiên Chúa” (2Pr.1,4).

Người đã trở nên giống chúng ta, để chúng ta trở nên như Người (Thánh Irénée).

Sự biến đổi ấy, cuối cùng chính là Phục Sinh cùng Đức Kitô. Được về miền Sáng láng và vinh hiển, vinh quang và vinh dự cùng với Ngài cho đến muôn đời.

Anh em là giống nòi được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả, là dân thánh, dân riêng Thiên Chúa, để loan truyền những kỳ công của Người, Đấng đã gọi anh em ra khỏi miền u tối, vào nơi đầy ánh sáng diệu huyền (1Pr. 2,9)

THỰC TẾ HÔM NAY

Chúa Giêsu đã biến hình sáng láng trên núi. Những môn đệ thân yêu của Chúa Giêsu đã chứng kiến giây phút vinh quang của Chúa Giêsu. Giây phút mà ngay lúc đó, sẽ không có gì có thể lay chuyển niềm tin của các môn đệ.

Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người! (Mt.17,5).

Nhưng Chúa Giêsu đã đưa các môn đệ xuống núi. Ánh vinh quang đã tắt, cuộc sống đời thường đã trở lại trước mắt. “Đỉnh vinh quang” không một sớm một chiều mà có được để tận hưởng dài lâu. Đường Đến Đỉnh Vinh Quang còn nhiều chông gai thử thách. Người đi còn gặp nhiều gian khổ. Có những người bỏ cuộc. Có những người lạc hướng. Có những người chọn bến bờ khác.

Nghe rồi, nhiều môn đệ của Người liền nói: “Lời này chướng tai quá! Ai mà nghe nổi?” (Ga.6,60).

Từ lúc đó, nhiều môn đệ rút lui, không còn đi với người nữa. (Ga.6,66).

Phải biến đổi con người mình tận gốc rễ để đến bến bờ sự sống vĩnh hằng. Phải biến đổi đến mức tự hủy diệt mình đi mới “sống lại” một cuộc đời mới, sự sống mới.

Nếu hạt lúa mì gieo vào lòng đất không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác. (Ga.12,23-28).

Lạy Chúa,

Xin cho con luôn biết cố gắng vươn lên,

từng giây phút đổi thay đời mình,

đến gần sự thiện hảo hơn,

để con được hưởng vinh quang đời đời,

trong Tình Yêu của Chúa. Amen.

 

24. Ý nghĩa đời sống ta là gì?

(‘Lương Thực Ngày Chúa Nhật’ - Achille Degeest)

Có thể nói rằng trong câu chuyện về việc Chúa Biến Hình, Chúa Cha mặc khải Chúa Con. Để suy niệm, chúng ta sẽ dừng lại một đôi khía cạnh đảo ngược, nghĩa là một ít đường nét trong khuôn mặt của Chúa Giêsu, Đấng mặc khải Chúa Cha. Làm như thế, ta sẽ trung thành với phần kết luận của câu chuyện, theo đó thì sự chú ý của ta được hướng về cá nhân Chúa Giêsu.

Việc Chúa Biến Hình là chứng tá của Chúa Cha về Chúa Giêsu. Cả đời Chúa Giêsu là một chứng tá về Chúa Cha. Người biết mình bởi đâu đến và đi về đâu, Người từ Chúa Cha mà đến và sẽ trở về với Chúa Cha. Đến lượt ta, trong Đức Kitô và nhờ Người, ta cũng biết nguồn gốc và cùng đích ta là đâu. Sau đây là một vài tỷ dụ về khuôn mặt ‘làm con’ của Đức Kitô.

1) Một chuyển động nội tâm đem lại ý nghĩa cho đời sống Đức Kitô và soi sáng nó. Người biết mình là kẻ được Chúa Cha thánh hiến và gởi vào thế gian để đem Tin Mừng Cứu Độ đến người nghèo khó, rao giảng sự giải thoát (khỏi tội lỗi) cho người tù đầy, và mở mắt cho kẻ đui mù (Lc 4,18). Là ‘phái viên’ của Chúa Cha, Người đặt sự thành tựu con người và đời sống mình trong lòng trung tín với ý Cha. Không phải là một sự trung tín an phận trước một chuyện chẳng đặng đừng, nhưng là một sự trung tín tích cực, tự phát, quyết liệt. Nó là dấu hiệu của Thánh Thần tình yêu hoạt động mãnh liệt trong Người.

Có lẽ đã có lần ta tự hỏi: đời tôi có ý nghĩa gì? Nếu ta sống trong thánh ý Chúa và nếu ta tận tình chu toàn thánh ý Chúa Cha, thì đời ta có một ý nghĩa và như Chúa Con, chúng ta cũng được biến hình cách thiêng liêng.

2) Chúa Giêsu muốn để cho Chúa Cha hiện rõ qua con người và đời sống mình. Ý chí đó đã quy định mọi hành vi, thái độ của Người. Người nói năng thế nào? Hoạt động ra sao? Người dám nói rằng lời Người nói không phải là của Người, nhưng của Đấng đã sai Người đến. Người quả quyết Người không hành động tự ý mình, nhưng chính Chúa Cha hành động qua Người. Nhìn Chúa Giêsu mà không đếm xỉa đến tương quan của Người với Chúa Cha, ta sẽ không hiểu nổi Người. Với người Kitô hữu cũng thế. Họ phải để cho Thiên Chúa ‘lộ dạng’ qua đời sống mình, bằng cách làm như Chúa Giêsu: nghĩa là thỉnh ý Chúa Cha về việc phải làm, phải nói. Thỉnh ý qua lời cầu nguyện, qua việc chạy tới Đức Giêsu là Đấng mặc khải Chúa Cha, trong niềm tin tưởng ở Chúa Thánh Thần và sự tuân phục đối với Hội Thánh.

 

25. Biến hình

(‘Suy Niệm Tin Mừng Matthêu’ – Richard Gutzwiller)

Quang cảnh trên núi biến hình tiên báo về Thiên đàng. Đức Kitô đã nói trước rằng: Nhiều người sẽ không chết trước khi thấy Con Người trong vinh quang. Lời này bây giờ đã hoàn toàn được thực hiện, nhưng chỉ trong khoảnh khắc, giống như một tia sáng leo lét của ánh lửa bùng lên rồi mất hút trên bờ vắng. Đoạn văn Thánh này chia làm hai phần rõ rệt:

PHẦN THỨ NHẤT: Đầy vẻ huy hoàng rạng rỡ của Thiên Chúa. Ba môn đệ được chiêm ngắm ánh sáng mỹ miều này: Trước hết Phêrô, viên chức đầu tiên của Giáo hội, người mà từ đây sẽ phải học ý nghĩa đau khổ theo Thiên Chúa và thay thế tư tưởng nhân loại bằng tư tưởng thần linh. Thứ đến Giacôbê, người tử đạo tiên khởi, hân hoan đổ máu làm chứng vì đã thấy vinh quang Chúa. Và cuối cùng Gioan, môn đệ yêu dấu sẽ phải học biết rằng, đau khổ là bằng chứng của tình yêu.

Họ thấy Chúa biến hình, mặt Ngài rực rỡ như mặt trời, áo Ngài trắng như tuyết. Hình dáng buồn tẻ của chân dung nhân loại hoàn toàn bị hủy diệt. Tất cả phát huy từ ánh sáng Thiên Chúa. Sau khi xác sống lại con người ta cũng mặc lấy xác thể, nhưng theo những luật sinh lý mới. Ánh sáng vẫn là vật chất nhưng chiếu tỏa với tính chất đặc biệt: Ánh sáng làm thân thể rạng ngời như người ta đã thấy nơi Đức Kitô vinh quang.

Môisen và Êlia xuất hiện. Môisen cứu dân khỏi ách nô lệ Ai Cập, hướng dẫn họ qua sa mạc, trao truyền cho họ luật pháp và giao ước của Đấng Thánh siêu phàm. Tuy nhiên, ông chỉ được phép ngắm nhìn Đất Hứa từ xa. Lúc này ông được gần Đức Kitô, chính Ngài sẽ giải thoát không những riêng dân Do Thái, nhưng toàn thể nhân loại khỏi ách nô lệ ma quỷ. Chính Ngài hướng dẫn họ cách vô ngộ qua sa mạc cuộc đời tạm gửi. Ngài ban cho họ giới răn tình yêu tân kỳ trong Giao Ước Mới của Giáo hội. Là Môisen đích thực, Ngài dẫn dắt Dân Chúa vào Đất Hứa đích thực, để thực hiện cuộc biến hình muôn thuở.

Êlia là người thứ nhất trong các đại tiên tri. Người đã cấm không được dành cho Baal là thần trái đất những quyền lợi như Thiên Chúa. Chỉ có Thiên Chúa mới là Chúa tể của trời cao và vũ trụ.

Trước hết, người đã thay việc phục vụ các ngẫu tượng bằng việc phục vụ Thiên Chúa. Với tư cách là kẻ vô địch của Thiên Chúa, người đã đương đầu với dân Do Thái. Rồi đây, Đức Kitô đến để giúp con người khỏi rơi vào thảm họa diệt vong của trần tục, vật chất, xác thịt. Ngài đem đến cho họ nước của Thiên Chúa, là Cha trên trời. Chính Ngài cũng đã đánh bại Hêrôđê và đại diện của đế quốc Rôma. Êlia làm chứng về Ngài vì theo lời Kinh Thánh dạy, đại tiên tri được nâng lên trời rồi trở lại dọn đường cho Chúa. Người đây, sẵn sàng đóng vai trò dọn đường cho Chúa lên trời, trong cảnh biến hình. Vậy luật pháp và các tiên tri cùng hòa hợp làm chứng. Từ nay Phêrô thấy trước rằng, tình trạng biến hình như được thiết lập vĩnh viễn nên đã xin dựng lều để giây lát vinh hiển được trường tồn.

Đó là một thái độ dễ hiểu, vì con người đã được tạo dựng để hưởng niềm hân hoan. Đau khổ không thể là cùng đích của con người, nhưng đau khổ chỉ là một bước đường phải qua. Mỗi lần Chúa nói tiên tri về đau khổ, Chúa đã kết thúc bằng một ám chỉ về phục sinh vinh quang. Ở đây cuộc phục sinh vinh quang đã được tuyên bố như một yếu tố nền tảng của giáo lý về đau khổ. Ánh quang chói sáng của việc biến hình, tình trạng chìm ngập trong ánh sáng, sự chiêm ngắm hạnh phúc vĩnh cửu đã truyền trao cho các môn đệ một mãnh lực giúp họ cương quyết trên bước đường đau khổ. Họ sẽ nhìn về tương lai và chờ ngày Chúa đến giữa lúc sống cuộc đời dương thế.

PHẦN THỨ HAI: Đám mây bao phủ làm tăng vẻ oai nghiêm rỡ ràng. Trên núi Sinai, cảnh trí huyền ảo là dấu hiệu sự hiện diện của Thiên Chúa. Cũng như đám mây trước kia bao phủ ngọn núi, lúc này vẻ huy hoàng của Chúa bao trùm muôn vật. Các môn đệ phải tự tìm hiểu để cảm nhận trước được vẻ uy nghiêm của Thiên Chúa. Trên núi Sinai, phảng phất đám mây giông bão; ở đây áng mây rực sáng an bình thanh thoát. Trên núi Sinai vang dội các mệnh lệnh thần linh, vì Môisen là tôi tớ Thiên Chúa mà Do Thái phải vâng lời. Còn trên núi biến hình cung giọng nhiệm mầu không chỉ thị tôi tớ nhưng là ấm tử.

Như thế, những đòi hỏi nghiêm khắc được thay thế bằng sứ điệp yêu thương: Ở núi Sinai, trước vẻ uy nghiêm Thiên Chúa, dân chúng kinh hoảng rụng rời, ở đây, các môn đệ cũng sợ hãi chúi mặt xuống đất. Chúa Giêsu nâng họ dậy, và làm cho họ hết sợ. Từ nay họ biết rằng: với Ngài chung cục thời gian đã điểm; không phải tất cả sẽ bị hủy diệt, nhưng tất cả sẽ bị vượt qua. Chắc chắn giờ cáo chung sẽ điểm, báo hiệu một tai họa: Đau khổ, sự chết, Thánh giá sẽ hiện diện. Nhưng đây cũng sẽ là khởi điểm một thời đại mới quyết liệt khai mào ánh sáng và biến hình. Đức Kitô hiện đến khai mào thời cánh chung, nhưng thời gian ấy còn kéo dài. Trong giây lát, Chúa đã cho thấy vẻ huy hoàng của giờ phút hoàn tất với đầy vẻ trang trọng để các môn đệ không bao giờ quên. Họ được lệnh phải bảo vệ bí mật về biến cố dị thường vĩ đại này, cho tới lúc Con Người phục sinh từ cõi chết. Bấy giờ người đầu tiên trong những kẻ chết sẽ thức giấc, sống đời sống mới đích thực. Những người khác theo sau và cứ thế bắt đầu viên mãn thời gian chung kết.

Đức Kitô còn cao trọng hơn ngàn lần những gì các môn đệ, và cả Phêrô đã tuyên xưng hay cảm thức về Ngài. Nhưng chỉ có sự cao trọng siêu phàm, siêu thời gian và phổ biến thực sự trong cảnh trời mới, đất mới: lúc đó thời gian biến thành vĩnh cửu, định mệnh đau thương của con người biến thành hạnh phúc; vẻ cao trọng đó đã hiển hiện huy hoàng trên núi biến hình. Từ đỉnh núi đó, vẻ cao trọng này soi sáng mọi vực thẳm tối tăm của nhân loại.

 

26. Con yêu dấu

Này là Con Ta yêu dấu. Đọc lại Phúc âm, chúng ta thấy Chúa Cha đã tuyên phong Đức Kitô là con yêu dấu của mình những hai lần.

Thực vậy, lần thứ nhất là bên bờ sông Giócđan, khi Đức Kitô đến lãnh nhận phép rửa của Gioan Tiền hô. Phúc âm đã ghi lại khi Ngài lên khỏi nước, thì trời mở ra, Thánh Thần Chúa lấy hình chim bồ câu đổ xuống và từ trời có tiếng phán:

- Này là Con Ta yêu dấu.

Lần thứ hai là trên đỉnh Taborê như chúng ta vừa nghe đọc. Hôm ấy Chúa Giêsu dẫn ba môn đệ thân tín nhất lên đỉnh núi Taborê, tại đây Ngài đã biến hình trước mặt các ông, áo Ngài trở nên trắng như tuyết, rồi lại có Môisê và Êlia đến đàm đạo với Ngài. Giữa lúc ấy có một đám mây bao phủ rồi từ trong đám mây có tiếng phán:

- Này là Con Ta yêu dấu.

Thế nhưng, đâu là cái bí quyết làm cho Đức Kitô trở thành người con yêu dấu của Chúa Cha. Xin thưa:

- Cái bí quyết ấy rất đơn giản đó là Đức Kitô luôn làm vui lòng Chúa Cha, hay nói một cách khác, Đức Kitô luôn vâng theo thánh ý của Chúa Cha.

Thực vậy, vì vâng theo thánh ý Chúa Cha mà Đức Kitô đã xuống thế làm người, sinh ra giữa đêm đông giá lạnh, lớn lên trong cảnh nghèo túng cơ cực. Rồi trong cuộc đời công khai, nỗi băn khoăn số một của Ngài là tìm biết và thực thi thánh ý Chúa Cha, như Ngài đã xác quyết với các môn đệ bên bờ giếng Giacob:

- Của ăn của Ta là làm theo thánh ý Cha Ta.

Đỉnh cao tuyệt vời nhất của sự vâng phục đó là cái chết trên thập giá như lời thánh Phaolô đã viết:

- Ngài đã vâng lời cho đến chết và chết trên thập giá.

Còn đối với chúng ta thì sao? Khi lãnh nhận bí tích Rửa tội, chúng ta được trở nên con Thiên Chúa. Chúng ta giống như Môisê, sau ngày được vớt lên khỏi nước. Thực vậy, trước kia Môisê là một người phải chết, và nếu có sống thì cũng chỉ sống một kiếp sống nô lệ đọa đầy… Còn sau khi được vớt lên khỏi nước, Môisê được nàng công chúa nhận làm con nuôi và có một địa vị sáng chói.

Cũng thế, trước khi được rửa tội chúng ta là những kẻ phải chết do hậu quả của tội Adong, nhưng sau khi được vớt lên khỏi nước do bí tích rửa tội chúng ta trở thành con cái Thiên Chúa và có quyền thừa hưởng gia nghiệp nước trời.

Bởi đó chúng ta phải cám ơn Thiên Chúa vì đã dành cho chúng ta cái địa vị cao cả ấy. Chúng ta hãy suy nghĩ như bà già nhà quê mỗi khi đọc kinh lạy Cha:

- Lạy Chúa, Chúa là ai mà con là ai. Chúa là Đấng tạo hóa quyền năng, còn con chỉ là một bà lão già nua xấu xí, thế mà Chúa ban cho con một đặc ân cao cả, đó là được gọi Chúa là Cha.

Cám ơn Chúa mà thôi chưa đủ. Hãnh diện về địa ấy mà thôi chưa đủ. Điều quan trọng là chúng ta phải sống đúng cái địa vị cao cả ấy, nghĩa là chúng ta phải trở nên là những người con ngoan, là những người con yêu dấu của Chúa.

Muốn được như thế chúng ta hãy noi gương bắt chước Đức Kitô, bằng cách luôn vâng theo thánh ý Chúa Cha. Một đứa con ngoan sẽ không phải là một đứa con vùng vằng cãi trả mỗi khi cha mẹ sai bảo điều gì. Trái lại, phải là đứa con mau mắn vâng nghe những lời chỉ bảo ấy.

Bởi đó, để trở thành những người con ngoan của Chúa, chúng ta cũng phải mau mắn và vui vẻ vâng theo thánh ý Chúa Cha, thánh ý ấy được biểu lộ qua tiếng nói lương tâm, qua mười giới răn, qua Tin mừng Phúc âm và qua những điều giáo huấn của Hội Thánh.

Có mau mắn vâng nghe thánh ý Chúa Cha, thì rồi Chúa Cha mới tuyên phong chúng ta như đã tuyên phong Đức Kitô trên đỉnh Taborê:

- Này là Con Ta yêu dấu.

 

27. Phêrô

Qua đoạn Tin mừng hôm nay, chúng ta cùng nhau chia sẻ về thái độ của Phêrô.

Như chúng ta đã thấy: trước sự hiện diện của Môisê và Êlia cùng với ánh vinh quang bao phủ, Phêrô đã vui mừng hớn hở thưa lên:

- Lạy Thày, được ở đây thì tốt lắm. Nếu Thày muốn, chúng con xin làm ba lều.

Thế nhưng sau đó, cũng chính Phêrô đã lên tiếng can ngăn Chúa khi Ngài tiên báo về những khổ đau sẽ phải chịu, để rồi Ngài đã phải nặng lời quở trách:

- Hỡi Satan, hãy xéo đi, ngươi chỉ biết những việc thuộc về trần thế mà chẳng biết chi những việc thuộc về Thiên Chúa.

Rồi cũng chính Phêrô trong sân nhà thày cả thượng phẩm đã chối Chúa ba lần chỉ vì câu hỏi bâng quơ của một đứa nữ tỳ. Phải chăng thái độ của Phêrô cũng là thái độ của người đời như tục ngữ đã nói:

- Khi vui thì vỗ tay vào,

Đến khi hoạn nạn thì nào thấy ai.

Đúng thế, khi chúng ta có tiền và có quyền thì cũng thường có nhiều tình. Người xưa đã từng bảo:

- Bần cư chung thị vô nhân vấn, phú tại sơn lâm hữu khách tầm. Nghèo mà ở ngay giữa phố chợ thì cũng chẳng ai thăm, còn giàu mà ở tận chỗ núi cao rừng thẳm, thì vẫn khối người tìm đến.

Hay như tục ngữ cũng nói:

- Thấy người sang bắt quàng làm họ.

Thế nhưng khi tiền hết và quyền hết thì tình cũng thường chắp cánh bay cao:

- Hết cơm hết gạo hết ông tôi.

Không những hết tình mà đôi khi vào lúc sa cơ thất thế, những kẻ trước kia đã hàm ơn, không chừng sẽ trở mặt, phản lại chúng ta, giậu đổ bìm leo, để rồi chính chúng ta sẽ phải âm thầm và cay đắng ghi nhận:

- Thế thái nhân tình gớm chết thay,

Nhạt như nước ốc bạc như vôi.

Hay lẩm bẩm kêu trách:

- C’est la vie, đời là thế.

Tuy nhiên chúng ta đừng vội trách người cũng như đừng vội trách đời, mà hãy trách chính bản thân chúng ta trước, bởi vì đó cũng chính là thái độ của chúng ta đối với những tha nhân và nhất là đối với Thiên Chúa.

Thực vậy, kinh nghiệm cho hay: Khi gặp được may mắn và hạnh phúc chúng ta dường như cảm thấy Thiên Chúa thật gần gũi, thật dễ thương, thế nhưng khi gặp phải những gian nguy thử thách, những đớn đau buồn phiền, chúng ta lại cảm thấy Thiên Chúa thật xa vời và độc địa như lời thơ cổ:

- Trẻ tạo hóa đành hanh chi ngán,

Chết đuối người trên cạn mà chơi.

Rồi từ đó chúng ta bực bội tức tối và lên tiếng nguyền rủa Thiên Chúa. Nói cách khác, chúng ta chỉ muốn bước theo Chúa lên đỉnh Taborê, chứ không muốn bước theo Chúa lên đỉnh Canvê. Chúng ta chỉ muốn cắm lều trong vinh quang, chứ không muốn đóng đinh mình vào thập giá. Chúng ta đã nhìn đau khổ qua cặp kính màu đen tuyệt vọng, chúng ta kéo lê thập giá chứ không vui vẻ vác lấy và coi thập giá như phương tiện cứu độ.

Tuy nhiên, chúng ta phải nhớ rằng:

- Đỉnh Canvê mới chính là nơi để Chúa Giêsu chu toàn sứ mạng cứu độ của mình, mới chính là nơi để Ngài gieo mầm phục sinh cho nhân loại.

Là môn đệ của Chúa chúng ta không có một con đường nào khác ngoài con đường thập giá, như lời Ngài đã nói:

- Ai muốn theo ta, phải từ bỏ mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo ta.

Chúng ta không dừng lại tại thập giá và khổ đau, nhưng cùng với Đức Kitô tiến vào vinh quang và phục sinh. Vì thế, mặc dù vai vác thập giá nhưng mắt chúng ta vẫn luôn hướng tới trời cao. Trời cao, sự sống và hạnh phúc phải là điểm kết thúc cho con đường thập giá. Những hy sinh chúng ta gặp phải sẽ kết thành cây thập giá đời thường, nếu chúng ta trung thành vác lấy, cây thập giá đời thường ấy sẽ là con đường dẫn chúng ta tới vinh quang phục sinh.

 

28. Cõi phúc

Trong cuộc đời này, có nhiều người đã đi tìm cái chết cho mình. Trong số ấy có những người giàu sang quyền quí, và cũng có những người nghèo khổ bần cùng. Người giàu sang quyền quý sau khi hưởng thụ mọi thú vui của cõi đời, đã chỉ thấy một sự trống rỗng trong tâm hồn, một sự vô vị của cuộc sống nên tìm đến cái chết như muốn nói lên rằng họ tuyệt vọng về cuộc đời. Những người nghèo khổ bần cùng suốt đời phải làm thân trâu ngựa. Họ không đủ sức chịu đựng những nhọc nhằn, những tủi nhục của kiếp tôi mọi nên cũng đã tìm đến cái chết như tìm một sự giải thoát cho cuộc đời. Dù chết trong hoàn cảnh nào thì cả người giàu lẫn người nghèo kể trên đều có một lý do chung và lý do mạnh nhất đã đẩy đưa họ tới chỗ chào thua cuộc đời. Lý do đó là vì họ “Sống mà không có lý tưởng để vươn tới, không có niềm tin vào ngày mai ở bên kia cuộc đời”. Đối với họ, đời người chỉ thu gọn lại trong những tháng năm của cuộc sống này và chết là hết, không còn gì.

Nhưng người Kitô hữu không thể nghĩ thế. Người Kitô hữu biết rằng mình có một cõi phúc để đi về sau khi cuộc đời này chấm dứt. Cõi phúc ấy được báo trước qua cuộc biến hình đầy vinh quang huy hoàng của Chúa Giêsu. Cõi phúc ấy đã làm cho ba môn đệ của Chúa Giêsu ngây ngất đến độ ông Phêrô đã phải thốt lên rằng: “Thầy ơi, chúng con được ở đây thì sướng lắm”. Những chưa được. Cõi phúc ấy nằm ở cuối cuộc hành trình đời người, và các tông đồ cũng như mỗi người chúng ta chỉ có thể đi vào cõi phúc ấy sau khi đã đi hết lộ trình cuộc đời của mình. Khổ một nỗi hành trình cuộc đời của người Kitô hữu không phải là xa lộ thênh thang, bằng phẳng, nhưng lại là một con đường khúc khuỷu, quanh co, đầy chông gai sỏi đá. Nó giống như con đường lên núi Sọ của Chúa Giêsu. Và vì thế mà nhiều người, trong đó có cả chúng ta đã không dám bước vào. Thành công nào trong đời cũng có cái giá phải trả. Chúa Giêsu chỉ có thể bước vào vinh quang của ngày Phục Sinh sau khi đã đi vượt qua con đường đau khổ, con đường thập giá. Người đã can đảm vượt qua được con đường ấy và đã đi vào cõi phúc. Người mời gọi và chờ đợi chúng ta cùng đi vào cõi phúc ấy với Người: “Ai muốn theo tôi, hãy bỏ mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo tôi”. Không có con đường thứ hai, không có con đường tắt nào khác dẫn tới cõi phúc ngoài con đường Chúa Giêsu đã đi. Bước sang năm mới có lẽ ai trong chúng ta cũng có một kế hoạch làm ăn, và chúng ta có thể mường tượng ra những thành công sẽ đến. Những thành công ấy sẽ là động lực thúc đẩy chúng ta làm việc, chấp nhận mưa nắng dãi dầu, chấp nhận thức khuya dậy sớm v.v… Đạt được cõi phúc trường sinh chính là một thành công lớn nhất và chung cuộc của đời sống con người, nhưng chẳng biết nó có đủ hấp dẫn để lôi kéo ta, để giúp ta chấp nhận những hy sinh, từ bỏ, chấp nhận lấy những thập giá trong đời sống mình hay không? Nếu không thì quả là đáng tiếc.

 

29. Thập giá

Anh chị em có biết tại sao khi nghe hai chữ thập giá, chúng ta không thấy sởn gai ốc, và có khi còn dửng dưng nữa, trong khi các môn đệ Chúa Giêsu nghe nói đến thập giá thì nổi da gà, và ông Phêrô run rẩy can ngăn Chúa đừng đi tới đó? Có lẽ vì chúng ta chỉ nhìn thấy những cây thập giá bằng vàng, bằng bạc, bằng đồng, bằng gỗ quí nhẵn bóng hay bằng xi măng tô đá rửa, đá mài, nên hình ảnh mà hai chữ thập giá gợi lên trong chúng ta không có gì đáng sợ. Còn các môn đệ Chúa thì trái lại, các ông chưa bao giờ thấy những cây thập giá bằng vàng, bằng bạc… và hai chữ này không chỉ gợi lên một cây khổ giá trần trụi, mà gợi lên hình ảnh một con người quằn quại, tuyệt vọng trong đau đớn và nhục nhã ê chề, lơ lửng giữa trời và đất, giữa sống và chết, trước những cái nhìn thù ghét và khinh bỉ, trước những con mắt tò mò và dửng dưng. Chính vì thế mà các tông đồ rùng mình sợ hãi khi Chúa Giêsu nói đến thập giá.

Nhưng Chúa Giêsu không phải là ông thầy dễ dãi hay nhu nhược. Chúa vẫn nói thẳng, nói thật và Chúa đòi ai theo Chúa phải nhìn thẳng vào thập giá và chấp nhận nó: “Ai muốn theo Thầy, hãy bỏ mình đi, vác thập giá của mình hằng ngày mà đi đằng sau Thầy”. Ông Phêrô vừa thay mặt anh em tuyên xưng Ngài là Đức Kitô, Con Thiên Chúa, thì Ngài lại nói đến thập giá. Thập giá Chúa nói ở đây như mặt sau của tấm huân chương. Rồi sau đó Chúa lại đưa ba môn đệ thân tín lên núi, cho các ông thấy vinh quang chói lòa của Ngài và sự có mặt làm chứng của Môisê và Êlia: một vị đã được Chúa dùng để giao ước Sinai, còn vị kia thì được Chúa trao nhiệm vụ tái lập giao ước Sinai.

Chúng ta có thể đảo lại thế này: sau khi chỉ cho các môn đệ thấy cây thập giá làm cho các ông run sợ, Chúa Giêsu lật cho các ông thấy đằng sau cây thập giá có gì. Cũng vậy, sau này, trên đường Emmau, chúng ta thấy Chúa quở trách hai môn đệ thất vọng bỏ đi, vì các ông chỉ thấy mặt trước mà không thấy mặt sau của cây thập giá: “Chẳng phải là Đức Kitô phải chịu đau khổ để vào trong vinh quang của Ngài sao?”.

Nếu ôm lấy cây thập giá và thỏa mãn với nó thì đúng là một kẻ điên khùng hoặc bệnh hoạn. Không, Chúa Giêsu không kêu gọi chúng ta trở nên điên khùng, bệnh hoạn. Chúa đã nhận lấy thập giá như đường tới vinh quang. Đàng sau thập giá là vinh quang mà chỉ có đức tin mới cho chúng ta thấy được. Chúa không gọi chúng ta vác thập giá đi một mình, nhưng là đi theo sau Chúa, vì chỉ có đi theo Chúa, chúng ta mới tới được vinh quang ở phía sau cây thập giá.

Cuộc sống có những lúc êm đềm thanh thản, có những ngày tưng bừng hoa lá, nhưng cũng lắm khi cảm thấy tất cả nỗi ê chề của cây thập giá sù sì và những lời độc địa, chát chúa của khách qua đường. Chúng ta cảm thấy nỗi cô đơn của kẻ bị treo lơ lửng giữa trời và đất. Chúng ta khát khô cổ muốn có một lời an ủi, một chút cảm thông, nhưng quanh chúng ta chỉ có thờ ơ và thinh lặng, hoặc tệ hơn nữa, chỉ có phỉ báng và xua đuổi. Những lúc ấy chúng ta mới cảm thấy tất cả sự rùng rợn của cây thập giá. Có khi chúng ta cảm thấy chán nản muốn buông xuôi tất cả. Chúng ta cảm thấy như Chúa Giêsu đã cảm thấy và phải kêu lên: “Lạy Chúa, nhân sao Chúa bỏ con…”.

Những lúc ấy chúng ta phải vận dụng sức mạnh của lòng tin, hết ánh sáng đức tin, để thấy được đằng sau cây thập giá. Chúng ta hãy nhìn thẳng vào Đấng đang vác thập giá đi đằng trước chúng ta, chớ rời mắt xa Ngài. Nhưng chúng ta đừng chờ tới lúc đó mới nhìn vào Ngài. Chúng ta phải giữ tầm nhìn luôn hướng về Ngài trong mọi nơi, mọi lúc, mọi việc. Chúng ta hãy làm tất cả với Ngài, vì Ngài và trong Ngài. Nếu chúng ta biết sống với Ngài trong niềm vui, chúng ta cũng biết sống với Ngài trong nỗi buồn. Nếu chúng ta biết sống trong Ngài khi hạnh phúc, chúng ta cũng biết sống trong Ngài lúc đau khổ. Nếu chúng ta biết sống với Ngài trong ngày hội, chúng ta cũng biết sống với Ngài giữa cô đơn. Nếu chúng ta biết sống trong Ngài lúc đầy tiền của, chúng ta cũng biết sống trong Ngài khi trắng tay…

Điều chúng ta cần ghi nhớ là chúng ta đừng mang thập giá một mình. Chúng ta sẽ không bước nổi đâu, và nếu chúng ta có đem tất cả sự kiêu hãnh của con cái Ađam mà lết đi được thì cũng chẳng ích lợi gì, cây thập giá của chúng ta chỉ là cây gỗ chết mà thôi. Bởi vì cây thập giá chỉ trở nên xanh tươi và đầy hoa trái khi nó mang con Thiên Chúa, nguồn mạch sự sống: “Nếu chúng ta cùng chết với Ngài, chúng ta sẽ sống với Ngài”.

Như vậy, Chúa Giêsu hiển dung là để củng cố đức tin của các môn đệ. Bởi vì Chúa thấy các môn đệ quá sợ các đau khổ, không chấp nhận cuộc khổ nạn của Ngài, nên Chúa đã hé mở vinh quang của Nước Thiên Chúa cho các ông thấy để đem lại cho các ông một niềm tin và một hy vọng vào ngày mai. Do đó, việc Chúa hiển dung cũng dạy bảo cho các môn đệ biết: phải trải qua đau khổ rồi mới vào vinh quang. Chính Thầy của các ông là Con Thiên Chúa, mà còn phải chịu đau khổ mới bước đến vinh quang thì các ông cũng phải đi theo con đường đó: không thể đến cõi hằng sống mà không phải qua đau khổ, thử thách.

Sống ở đời, không ai trong chúng ta tránh được những đau khổ chúng ta gọi là những thánh giá mà Chúa muốn chúng ta vác. Dù trong bậc nào vẫn phải vác thánh giá của mình. Ngay chính lúc này, mỗi người chúng ta đều cảm thấy những lo âu, những buồn phiền, những khổ đau… Tất cả đều là thánh giá. Nếu biết vác cho nên, với một thái độ khiêm ngường, với lòng cậy tin, thì Chúa sẽ ở bên chúng ta, và sẽ thưởng công cho chúng ta. Những công phúc tuy vô hình, chúng ta không trông thấy, nhưng chúng sẽ là những hạt men, những hạt giống sẽ nở ra trong đời sau và trong thế hệ con cháu chúng ta.

 

30. Suy niệm của JKN

Câu hỏi gợi ý:

1. Ý nghĩa của những chi tiết trong cuộc hiển dung là gì? Mục đích của cuộc hiển dung là gì?

2. Lời Chúa Cha giới thiệu về Đức Giêsu: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người!”. Nội dung của lời giới thiệu này có mấy điểm? Là những điểm nào?

3. Vâng nghe lời Đức Giêsu như Chúa Cha khuyên ta thì được lợi ích gì?

Suy tư gợi ý:

1. Ý nghĩa thị kiến hiển dung của Đức Giêsu

Đây là một thị kiến mà ba môn đệ thân tín nhất của Đức Giêsu nhìn thấy. Thị kiến này mạc khải cho ba môn đệ thấy thần tính của Đức Giêsu. Những gì thấy trong thị kiến đều có một ý nghĩa thần bí:

– ngọn núi cao: biểu tượng sự siêu việt, thánh thiện, cao cả, thanh thoát, xa rời thế tục

– chỉ có bốn thầy trò với nhau: sự mạc khải chỉ biểu lộ cho những người thân thiết nhất, mang tính riêng tư.

– sự biến hình đổi dạng: cho thấy một bản chất sâu xa bên trong, một cái gì sẽ được tỏ hiện trong tương lai. Người thường không thấy được điều ấy, họ chỉ thấy được cái gì hiện ra bên ngoài trong hiện tại.

– dung nhan chói lọi như mặt trời: biểu tượng của thần tính, hay thiên tính, đầy vinh quang, quyền lực.

– y phục trắng tinh như ánh sáng: biểu tượng sự trong sáng, sự quang minh chính đại cực độ, hoàn toàn không lầm lỗi, không khiếm khuyết.

– Môsê và Êlia hiện ra đàm đạo: đây là hai nhân vật lớn nhất tiêu biểu cho Cựu Ước, hay Giao Ước cũ. Môsê, nhà làm luật, tượng trưng cho luật pháp, Êlia, ngôn sứ lớn nhất trong Cựu Ước, đại diện các ngôn sứ. Luật pháp và các ngôn sứ là cốt tủy, là những thứ biểu trưng và thiêng liêng nhất trong Cựu Ước. Hai ông còn là hai người có thế giá nhất đã báo trước sự ra đời của Đức Giêsu. Môsê là tác giả của bộ Ngũ Kinh (5 cuốn đầu của Cựu Ước) đã tiên báo một đại ngôn sứ sẽ đến (x. Đnl 18,15-19). Còn Êlia là nhân vật mà Thiên Chúa sai đến như một dấu chứng báo trước ngày mà chính Thiên Chúa đến trần gian (x. Ml 3,23). Trong thị kiến này, hai ông biểu tượng cho hai chứng từ sống động nhất làm chứng cho thiên tính của Đức Giêsu.

– Đám mây sáng ngời bao phủ cả ba người: tượng trưng cả ba người đều đến từ Thiên Chúa, và đang sống trong vinh quang của Thiên Chúa. Trong Kinh Thánh (cũng như trong các kinh điển của các tôn giáo), đám mây tượng trưng cho mầu nhiệm Thiên Chúa đang hiện diện: chẳng hạn cột mây dẫn đường dân Do Thái qua biển đỏ (Xh 13,21-24), cột mây trước Lều Tạm (Xh 33,9-10; 40,34-38), hay Gia-Vê thường hiện ra với Môsê trong đám mây (Xh 16,10; 19,9; 20,21; 24,15-16).

– Tiếng phán ra từ đám mây: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người!”: Đây là dấu chứng mạnh nhất, vĩ đại nhất mang tính dứt khoát cho biết Đức Giêsu chính là Con Thiên Chúa, mà mọi người có thể tin tưởng và vâng phục. Chính Chúa Cha trực tiếp giới thiệu “Con Yêu Dấu” của mình. Còn lời chứng nào giá trị hơn nữa?

2. Hãy vững tin vào thiên tính của Đức Giêsu

Qua thị kiến hiển dung này, Thiên Chúa đã trực tiếp củng cố niềm tin cho ba môn đệ thân tín nhất của Đức Giêsu vào Ngài, và cũng gián tiếp củng cố niềm tin của các môn đệ khác, và cả chúng ta nữa. Thị kiến này các ông đã mang theo trong tâm trí suốt cuộc đời như một hành trang quý báu giúp các ông tin vững chắc vào Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, là Đấng Thiên Sai, Đấng Cứu Thế mà mọi người đều trông mong. Nhờ niềm tin vững chắc này, các ông rao giảng về Đức Giêsu một cách xác tín, và vượt qua được mọi gian lao thử thách do việc rao giảng ấy. Thánh Phêrô đã nhắc lại biến cố này như một dấu chứng chắc chắn để mọi người tin vào lời chứng của mình: “Thật vậy, khi chúng tôi nói cho anh em biết quyền năng và cuộc quang lâm của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, thì không phải chúng tôi dựa theo những chuyện hoang đường thêu dệt khéo léo, nhưng là vì chúng tôi đã được thấy tận mắt vẻ uy phong lẫm liệt của Người. Quả thế, Người đã được Thiên Chúa là Cha ban cho vinh quang và danh dự, khi có tiếng từ Đấng tuyệt vời vinh hiển phán với Người: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hết lòng quý mến”. Tiếng đó, chính chúng tôi đã nghe thấy từ trời phán ra, khi chúng tôi ở trên núi thánh với Người” (2Pr 1,16-18).

Nếu mục đích của sự hiển dung này là để củng cố niềm tin các tông đồ vào thiên tính của Đức Giêsu, thì nó cũng có mục đích củng cố niềm tin mỗi người chúng ta. Đức tin được càng được xác tín mạnh mẽ từ trong thâm tâm, chứ không chỉ tuyên xưng ngoài miệng, sẽ làm cho đời sống Kitô hữu càng thêm sâu sắc và phong phú, càng làm tình yêu và nội lực ta thêm dồi dào.

3. “Hãy vâng nghe lời Người!”

Qua biến cố hiển dung, Đức Giêsu chẳng những được giới thiệu cho chúng ta. Sự giới thiệu có giá trị hay không, và giá trị đến mức nào tùy thuộc vào thế giá của người giới thiệu. Còn ai có thế giá trong tôn giáo cho bằng Môsê và Êlia, và nhất là còn ai thế giá trong toàn vũ trụ bằng Chúa Cha, Đấng tạo dựng nên cả vũ trụ bao la này. Chúa Cha đã giới thiệu Ngài: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người!”.

Lời giới thiệu ấy tuy ngắn ngủi nhưng nội dung rất quan trọng, gồm 3 điểm sau đây:

a) Đức Giêsu là Con Thiên Chúa: Đó là một chức vị duy nhất và cao nhất sau Chúa Cha trong toàn vũ trụ. Ngài là Con duy nhất của một Thiên Chúa độc nhất. Và Ngài cũng là Thiên Chúa, đồng bản tính với Chúa Cha. Ngài đầy uy tín và rất đáng tin tưởng do bản chất Thiên Chúa của Ngài.

b) Đức Giêsu rất đẹp lòng Chúa Cha: Một người đẹp lòng Chúa Cha tất nhiên hết sức hoàn hảo, không một khiếm khuyết nào. Vì thế, Ngài đầy uy tín và rất đáng tin tưởng do phẩm chất hết sức cao quí của Ngài.

c) Vì thế, Chúa Cha khuyên chúng ta “hãy vâng nghe lời Người!”. Lời khuyên của Thiên Chúa yêu thương chúng ta vô cùng lại đầy khôn ngoan và quyền năng ắt phải có một giá trị vô cùng lớn. Không một lời khuyên nào đối với ta có thể khôn ngoan và đem lại lợi ích cho ta như vậy. Vậy chúng ta hãy vâng nghe lời Đức Giêsu.

Thánh Phêrô, người đã chứng kiến việc hiển dung của Đức Giêsu và đã nghe được lời giới thiệu về Ngài của Chúa Cha, đã phải thốt lên tâm tình của mình: “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời” (Ga 6,68). Chính Đức Giêsu cũng đã xác nhận: “Ai tuân giữ lời tôi, thì sẽ không bao giờ phải chết” (Ga 8,51). “Không bao giờ phải chết” ở đây nghĩa là có được sự sống đời đời.

4. Sự sống đời đời do vâng nghe lời Đức Giêsu

Lợi ích lớn lao do việc vâng nghe lời Đức Giêsu chính là có được sự sống đời đời. Sự sống đời đời ấy không phải là một cái gì xa lạ mà phải qua thế giới bên kia mới cảm nghiệm được, mà là một cái gì thực tế và cụ thể, có thể cảm nghiệm được ngay ở đời này, thậm chí “tại đây và lúc này” (hic et nunc) một cách hết sức hiện sinh. Sự sống ấy đã được Đức Giêsu nói đến trong câu: “Tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10). Ở đời này, sự sống đời đời được thể hiện bằng sự sống dồi dào nội lực và sinh khí để có thể sống tràn đầy bình an và hạnh phúc, trong tinh thần vị tha, quên mình, biết yêu thương và hy sinh cho tha nhân không mệt mỏi. Đó là thứ hạnh phúc đích thực của thiên đàng là nơi chỉ có yêu thương, không còn ích kỷ hay thù hận. Đó là sự bình an và hạnh phúc vô biên trong nội tâm, thứ hạnh phúc không bị lệ thuộc vào hoàn cảnh hay những yếu tố bên ngoài, một thứ hạnh phúc không ai lấy mất được.

Sự sống đời đời ấy ta có được là do vâng nghe lời Đức Giêsu, để chúng ta có thể nhìn cuộc đời, quan niệm mọi sự như Đức Giêsu đã nhìn và quan niệm, để ta có thể tư tưởng, nói năng và hành xử như Ngài đã từng tư tưởng, nói năng và hành xử. Ở đời này, sự sống ấy có thể ví như ở dạng hạt, và nó sẽ phát triển thành cây cổ thụ và sinh hoa kết trái ở đời sau. Chỉ khi ta có được “hạt giống sự sống đời đời” ở đời này do việc vâng nghe lời Đức Giêsu, ta mới có được “cây sự sống đời đời” ấy ở đời sau (x. Kh 22,2.14.19).

Cầu nguyện

Lạy Cha, Cha đã giới thiệu Đức Giêsu cho con, đã khuyên con hãy vâng nghe lời Ngài. Con biết: sự sống đời đời – là điều con ao ước nhất và có khả năng làm thỏa mãn con nhất – con có thể tìm được nhờ vâng nghe lời Ngài một cách triệt để và sâu xa. Xin Cha giúp con thực hiện được điều ấy. Amen.

 

31. Gọi điện thoại trong địa phương

Một người cao cấp trong ngành kinh tế Hoa-Kỳ sang thăm Canađa và đã gọi một cú điện thoại viễn liên (long distance) từ nơi ông ở Toronto sang tận Montreal. Sau khi nói chuyện xong, ông đã hỏi giá và được cho biết là cú điện thoại viễn liên ấy tốn mười bốn đồng, năm mươi xu tiền Mỹ-kim. Vị kinh tế gia ấy nổi sùng lên và nói: “Sao đắt quá vậy? Ở xứ tôi ở, tôi gọi đến hỏa ngục hay gọi từ đó cũng chỉ mất có mười bốn đồng năm mươi xu!” Nhân viên tổng đài điện thoại trả lời: “Đúng vậy thưa ông, nơi ông ở và chỗ ông gọi đó cùng trong vùng mà thôi!”

Có những lúc trong cuộc sống, chúng ta cảm thấy Chúa Toàn Năng là Đấng quá xa vời với chúng ta. Tuy nhiên, cũng có đôi lúc ta lại cảm thấy Thiên Đàng lại rất gần với chúng ta. Bài Tin Mừng hôm nay mô tả lại một mối cảm nghiệm chót đỉnh trong cuộc sống của Chúa Giêsu và ba vị Tông Đồ.

Chúa Giêsu dẫn Thánh Phêrô, Giacôbê và Gioan “lên một ngọn núi cao” (Mt 17:1). Các ngài lên núi cao ấy để “cầu nguyện” như Thánh Luca đã thuật lại (Lk 9:28). Chúa Giêsu và ba môn đệ đã tách biệt nhau khi cầu nguyện. Mỗi vị có một nhu cầu riêng. Chúa Giêsu đã đi đến khúc ngoặc mới của cuộc sống và công việc truyền giáo của Ngài. Các kẻ thù đang toan tính ám hại Ngài, và do đó Ngài phải quyết định xem cần phải rời bỏ Đất Thánh hay tới thẳng Giêrusalem và thẳng thắn đối đầu với những kẻ muốn giết Ngài. Lúc này đây Chúa Giêsu cần biết rõ ràng Thánh Ý Chúa Cha trong vấn đề này: Ngài có đang làm công chuyện và quyết định đúng như ý Chúa Cha không? Ngài có đang làm tròn mục đích của đời Ngài không?

Còn ba vị môn đệ kia thì đây là lúc tìm sự hướng dẫn để có thể hiểu công cuộc của Chúa Giêsu. Chỉ mới tám ngày trước đó, Phêrô đã có một ánh nhìn tuyệt vời về Chúa Giêsu là: “Thầy là Đấng Thiên Sai”. Nhưng ngay sau đó, khi Chúa Giêsu mặc khải về sự đau khổ và phải chết của Đấng Thiên Sai thì Phêrô đã từ chối không muốn nghe. Ngay còn tấm bé, Phêrô đã được nghe biết rằng Vị Thiên Sai sẽ là vị tướng anh hùng vĩ đại, bách chiến bách thắng. Bởi đó, lúc này đây thật là khó cho Phêrô có thể chấp nhận Chúa Giêsu như là “Người Đầy Tớ Đau Khổ”; và do vậy Phêrô đã nói với Chúa: “Điều ấy sẽ không xảy đến cho Thầy, lạy Chúa”. Nhưng Chúa Giêsu đã gay gắt mắng Phêrô: “Hãy lui ra sau Ta, Satan! Ngươi là cớ vấp phạm cho Ta; vì ngươi chỉ theo ý loài người mà không theo ý Thiên Chúa” (Mt 17:22- 23). Chính vì thế, giờ đây ba vị môn đệ cần phải cầu nguyện xin được ơn soi sáng trong vấn đề này. Khi Chúa Giêsu và môn đệ đang cầu nguyện thì Môisê, đại diện cho Luật và 'lia, đại diện cho các ngôn sứ, hiện ra và đàm đạo với Chúa. Thánh Mátthêu muốn cho chúng ta hiểu rằng Chúa Giêsu và ba môn đệ đã phải suy ngắm sâu xa về truyền thống và quá khứ của họ hầu có thể tìm ra được Ý Thiên Chúa. Và chúng ta có thể dường như nghe được tiếng của Môisê và 'lia xác định những gì Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ: “Ngài nói đúng!... Hãy nghe lời Ngài! Hãy cùng đi với Ngài lên Giêrusalem mà đừng để ý tới những trắc trở.”

Khi mà một người được cảm nghiệm sự hiện diện của Chúa trực tiếp như trên núi cao xưa thì thật khó mà tìm lời để diễn tả tâm tình mình. Trong trường hợp này, các Thánh Sử Tin Mừng đã diễn tả cách hay nhất cho chúng ta. Các ngài thuật rằng kìa có một đám mây xuất hiện, và mây trong quan niệm cổ thời bấy giờ được coi là có sự trực tiếp Hiện Diện Vinh Quang Thiên Chúa. Rồi từ đám mây ấy, Thiên Chúa trực tiếp phán ra. Nôm na cho vui, đây là cú điện thoại trong vùng nhưng nó mang ý nghĩa rất quan trọng đối với chúng ta. Thiên Chúa đến với chúng ta trong muôn ngàn cách, nhưng không có cách nào quan trọng hơn khi Ngài tỏ Mình trực tiếp với chúng ta và chúng ta cảm nghiệm được sự đối diện trực tiếp ấy với Ngài cách rõ ràng mật thiết. Chúa Giêsu và ba môn đệ kia chắc chắn đã muốn trèo lên núi cao để có thể cảm nhận cách rõ ràng mật thiết sự Hiện Diện Linh Động của Thiên Chúa. Mối cảm nghiệm đó rồi nó cũng tự kết thúc, song các ngài còn trách nhiệm phải đáp trả. Phêrô đã muốn dựng mấy lều và lưu lại luôn trên núi đó. Điều này xảy ra chúng ta cũng dễ hiểu thôi, vì ngay như chúng ta chỉ mới được Thánh Thần soi sáng xoa dịu trong những cuộc tĩnh tâm thôi mà đã không muốn bỏ đi rồi. Chúa Giêsu đã tảng lờ lời đề nghị của Phêrô và dẫn các ông xuống núi trở về lại xóm làng. Khi các ngài trở lại thôn xóm đã nhìn thấy gì? Các ngài đã nhìn thấy những nhu cầu cần thiết của dân chúng. Ngay tức khắc, các ngài đã phải nghe lời van xin của một người cha cho con mình: “Xin Thầy hãy thương đến con trai tôi vì nó bị bịnh phong giật khổ sở lắm” (Mt 17:15).

Trong Giáo Hội có những dòng tu chuyên lo việc cầu nguyện và điều đó rất tốt! Song phần đông còn lại chúng ta chuyên chú trong việc cầu nguyện cần phải theo Chúa Giêsu xuống khỏi núi mà đi vào những thôn xóm đang cần sự giúp đỡ. Những người theo Chúa Giêsu phải biết trung thành và cân bằng trong việc cầu nguyện và hoạt động!

Nhiều lần Chúa Giêsu đã trách mắng đám đông theo Ngài vì họ chỉ muốn xem phép lạ. Ngài đã từ chối không muốn trở thành Vị Thiên Sai phù phép của họ. Thường xen kẽ giữa những lúc tuyệt vời của dấu lạ và phép lạ là những ngày dài khó khăn, bẩn thỉu, đói khát thực hành sự vâng phục đối với các môn đệ Chúa Giêsu. Nếu bốn cuốn Phúc Âm dài gấp ngàn lần cuốn hiện tại thì chúng sẽ ghi nhiều những công việc của Chúa Giêsu trong ba năm hoạt động công khai, và rất có thể chúng ta sẽ ngạc nhiên khi thấy những hoạt động của Chúa trong những ngày ấy thật bình thường. Chúng ta có thể chắc rằng giữa cuộc cảm nghiệm ngây ngất trên núi là những ngày gian nan khó khăn trong các xóm làng, đó là lúc các môn đệ Chúa phải vượt qua bằng đức tin chứ không phải bằng dấu lạ.

 

32. Sống đức tin

(Lm. Giacôbê Phạm Văn Phượng)

Trong khi dân chúng còn thắc mắc về Chúa Giêsu, mỗi người nghĩ về Ngài một cách, thì ông Phêrô đã thay mặt nhóm môn đệ thân tín của Chúa tuyên xưng: "Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa". Lời tuyên xưng này là thành quả của giai đoạn huấn luyện của Chúa. Được theo sát bên Chúa, được chứng kiến mọi hoạt động của Chúa, lại được Chúa dạy dỗ riêng nhiều điều, các môn đệ được dẫn dắt từng bước để nhận ra Chúa Giêsu là ai. Nhưng cho đến lúc này các ông mới chỉ thấy quyền năng của Chúa, còn con đường Ngài phải đi thì các ông chưa biết, Chúa Giêsu muốn các ông phải chấp nhận toàn thể sứ mạng và thân phận của Ngài. Vì thế, khi ông Phêrô vừa tuyên xưng Ngài là Đấng Kitô, Ngài liền nói đến việc Ngài sẽ phải chịu đau khổ, bị xỉ nhục và phải chết rồi sống lại. Sau đó Ngài rời miền Galilê tiến lên Giêrusalem. Nhưng trước khi đi lên Giêrusalem, Ngài còn cho các ông được thấy vinh quang của Ngài, nghĩa là Ngài tỏ lộ cho các ông thấy phần nào chân dung thật của Ngài, mà chúng ta thường gọi là Chúa biến hình.

Nói rõ hơn, Chúa Giêsu đã đem theo ba môn đệ Phêrô, Giacôbê và Gioan lên núi Ta-bo, đang lúc cầu nguyện, Chúa biến hình: sắc diện Ngài biến đổi và có một dung mạo khác thường, nghĩa là Chúa tỏa lộ một ánh sáng đặc biệt cho các môn đệ thấy chính Ngài là ai, là "vinh quang của Thiên Chúa", là "Chúa vinh quang". Trước đây, các môn đệ sống bên Chúa, đã hiểu phần nào về con người của Chúa, nhưng hôm nay nơi núi biến hình, các ông mới đích thực cung chiêm uy linh vinh quang của Chúa.

Trong lúc Chúa biến hình có hai người đàm đạo với Chúa, đó là ông Môsê và Elia. Đàm đạo về cuộc khổ nạn mà Chúa sắp trải qua ở Giêrusalem, còn ông Phêrô và các bạn thì ngây ngất trong ánh sáng siêu linh ấy, nhưng giữa lúc đó có một đám mây bay đến phủ rợp các ngài, rồi mất hút hai vị đại ngôn sứ, và mọi sự trở lại bình thường.

Quang cảnh trên cho chúng ta thấy có ánh sáng rồi có bóng mây. Đời là thế. Có vinh quang có đau khổ, có vinh có nhục, có buồn vui đắp đổi, có khóc có cười, có nước trời có trần gian, có vàng thau lẫn lộn...Vì thế, ngay trong vinh quang của Ta-bo, Chúa đã đàm đạo với các ngôn sứ về cuộc khổ nạn của Ngài để nhắc nhở và củng cố đức tin của thánh Phêrô và các tông đồ, để giúp họ đứng vững giữa những thử thách và trung thành với sứ mệnh nặng nề của ngày mai. Thánh Phêrô, trong một khoảnh khắc thời gian, được sống trong hai thế giới: trần gian và thiên đàng. Và khi được cung chiêm hạnh phúc nước trời, ngài đã sung sướng quá và thốt lên: "Lạy Thầy, được ở lại đây thì tốt quá". Nhưng rồi bóng mây bao phủ trên họ, và họ phải xuống núi, trở về với nhiệm vụ của mình.

Bài Tin Mừng hôm nay có nhiều điều đáng ghi nhớ, nhưng chúng ta đặc biệt ghi nhớ câu nói của thánh Phêrô trên đây và hình ảnh đám mây bao phủ trên các tông đồ lúc ấy làm bài học cho chúng ta. Chúng ta thấy đó, thánh Phêrô đã thốt lên như thế khi được thấy hạnh phúc nước trời ngay tại thế, nhưng chỉ trong một khoảnh khắc thôi rồi họ lại trở về với cuộc sống cam go và nhiệm vụ nặng nề của mình. Lời nói của thánh Phêrô được coi là niềm vui, đám mây tượng trưng cho nỗi buồn.

Chúng ta cũng vậy, có lẽ trong cuộc đời theo Chúa, chúng ta cũng sẽ được một số những an ủi, niềm vui, phước lộc. Nhưng chúng ta cần nhớ: bao lâu còn sống ở trần gian, niềm vui nào cũng mau qua, như người ta vẫn nói: Vui qua sầu tới. Cho nên, chúng ta cần phải có một thái độ đúng trước niềm vui, là đừng bao giờ chỉ biết có niềm vui của riêng mình, nhưng phải biết giới hạn và san sẻ niềm vui đó, và đừng bao giờ để cho niềm vui của mình trở nên đau khổ cho người khác, vì khi chúng ta vui thì còn nhiều người khác đang buồn. Cũng đừng bao giờ say sưa trong niềm vui mà quên bổn phận hay nhiệm vụ của mình. Lúc có niềm vui thì hãy nhớ tới lúc hết niềm vui. Nếu chúng ta có thái độ đúng đắn như thế, chúng ta sẽ không còn ngỡ ngàng, ngạc nhiên trước thuận cảnh hay nghịch cảnh, trước niềm vui hay nỗi buồn. Ngược lại, khi chúng ta không có được niềm vui như người khác, thì chúng ta cũng đừng bao giờ thất vọng, chán nản, buông xuôi.

Vì thế, chúng ta phải làm chủ được cuộc đời mình, là cuộc đời được đan dệt bằng những niềm vui và nỗi buồn. Chúng ta hãy sống với hoàn cảnh thực tại của mình, chúng ta hãy chu toàn nhiệm vụ hằng ngày của mình, chúng ta hãy lấy nhiệm vụ làm nguồn vui, chúng ta chỉ có quyền hưởng niềm vui khi đã làm xong nhiệm vụ. Nhiệm vụ nào cũng là gánh nặng, nhưng gánh nặng được chúng ta hoàn thành lại trở nên niềm vui cho chúng ta. Đó là bài học Chúa dạy các tông đồ xưa kia và dạy chúng ta hôm nay: "Qua đau khổ sẽ tới vinh quang", sau cơn mưa, trời lại sáng.

 

33. Vinh quang của Chúa Giêsu

(Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi)

Cuộc biến hình trên núi Taborê là hình ảnh sống động, ấn tượng đã để lại trong lòng mọi Kitô hữu những suy nghĩ, những cảm nghiệm sâu xa về sự vinh hiển của Chúa Giêsu sau khi Ngài phải trải qua những cực hình thể xác, những đau khổ tinh thần bởi vì hầu như mọi người đã bỏ rơi Ngài. Vinh quang trên núi Tabôrê hôm nay xua tan mây mù đen tối về cuộc thương khó của Chúa Giêsu mà Ngài đã loan báo cho các tông đồ ở Cêsarê-Philipphê. Chúa Giêsu đã cho ba môn đệ thân tín nhất là Phêrô, Giacôbê và Gioan được thấy vinh quang của Ngài, và đặc biệt được nghe lời Thiên Chúa Cha từ trời giới thiệu Người Con Chí Ái, đồng thời với sự minh chứng của các nhân vật Cựu Ước như Ông Môsê và Ông Êlia để các môn đệ an tâm dấn bước theo Chúa, nghe lời Chúa dạy và sẵn sàng gánh vác công việc của Chúa sau này...

Trình thuật của thánh Matthêu trong trích đoạn 17, 1-9 là một áng văn hay và là một cuộc miêu tả hết sức đẹp về sự biến hình của Chúa trên núi Tabôrê. Ba nhân vật Phêrô, Giacôbê và Gioan là ba tông đồ đã được Chúa Giêsu đem theo riêng bên mình, chứng kiến một số sự kiện, biến cố quan trọng trong cuộc đời theo Chúa, chẳng hạn biến cố con ông Giairô, hiện diện trong vườn Giêt-si-ma-ni. Thánh Phêrô sau này làm đầu Giáo Hội. Phêrô là Đá, Chúa xây Giáo Hội trên nền Đá là Phêrô và các tông đồ. Thánh Giacôbê là Giám mục đầu tiên ở Giêrusalem và cũng là vị tông đồ được phúc tử đạo đầu tiên. Thánh Gioan là người viết Phúc Âm thứ tư, là tông đồ về trời sau cùng và là người truyền đạt mạc khải công khai của Chúa.

Tiếng Chúa Cha phán đã là bảo chứng quan trọng cho mọi người, mọi thế hệ biết được Ba ngôi Thiên Chúa, làm ta nhớ lại trên dòng sông Giorđăn, Chúa Cha xác nhận: Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, ai tin Thiên Chúa phải nghe lời Chúa Giêsu. Các nhân vật Cựu Ước như Môsê và Êlia giúp các tông đồ hiểu Chúa Giêsu vừa là Vị giảng huấn, vừa là Tiên tri và thực hiện lời các tiên tri.Thánh Phêrô xin dựng lều để muốn mừng lễ Lều Trại vì bây giờ đang trong thời kỳ mừng lễ Lều. Đám mây bao phủ làm ta nhớ tới thời Cựu Ước về sự hiện diện của Thiên Chúa. Núi và đám mây bao phủ gợi lại hình ảnh Môsê trên núi Sinai xưa.

Chủ đích Tin Mừng hôm nay cho ta hay rằng Thiên Chúa từ trời như đang nhắn gửi nhân loại và đặc biệt Dân Do Thái lắng nghe lời của Môsê, và căn dặn phải nghe lời Đấng được sai đến hướng dẫn dân, Đấng ấy thi hành ý Thiên Chúa Cha, là Con và là tôi tớ, những lời của Đấng ấy dù có khác lạ với lối suy nghĩ của nhân loại, của người đời, như thể lời loan báo về cuộc khổ nạn, về cái chết và phục sinh. Các môn đệ ngã sấp mặt xuống đất gợi lại sự hiện diện của Thiên Chúa thời Cựu Ước, hình ảnh Thiên Chúa trong bụi gai, Môsê phải cúi mặt không được nhìn vì nhìn sẽ chết vv...Giữ kín những điều đó để khỏi bị người ta hiểu lầm, tranh giành nhau về chính trị, về quyền hành vv...Khi Chúa chết sống lại, sự hiểu lầm ấy sẽ hết đi...

Qua các bài đọc hôm nay, chúng ta nhận ra Đấng Cứu Thế mà Dân Do Thái mong đợi đã đến, Ngài đã đến với chúng ta cùng với Giáo lý, Giáo huấn của Ngài. Ngài muốn chúng ta sống như Ngài, lắng nghe lời Ngài và thực thi lời Ngài. Vinh quang của Chúa Giêsu cũng là vinh quang của chúng ta bởi vì Chúa Giêsu đã luôn làm hài lòng Thiên Chúa Cha khi thực hiện thánh ý của Chúa Cha: chịu đau khổ, chịu chết và phục sinh để cứu rỗi mọi người, cứu rỗi trần gian. Chúng ta thực thi ý Chúa là hoàn tất sứ mạng trần thế trong cuộc hành trình đức tin lâu dài. Lắng nghe lời Chúa và thực hiện lời Chúa trong đời sống của mình là đem lại hạnh phúc cho chính bản thân mình và đem lại hạnh phúc cho những người xung quanh chúng ta trong bất kỳ trạng huống thuận hay nghịch của cuộc đời.

Lạy Chúa Giêsu, ba tông đồ Phêrô, Giacôbê và Gioan đã chìm sâu trong ánh sáng vinh của của Chúa. Việc biến hình của Chúa đã làm cho các tông đồ quên đi những tang thương, thử thách của cuộc đời để các ngài ý thức về sứ mạng cứu thế của Chúa. Hôm nay trên núi cao, các môn đệ được chiêm ngắm vinh quang chói ngời của Chúa...Trong vườn Cây Dầu, các môn đệ sẽ chứng kiến những giây phút đau buồn, thảm thương của Thầy trước khi bị bắt, bị kết án và bị đóng đinh trên Thập giá. Xin cho chúng con luôn tin vào lời Chúa, lắng nghe Chúa nói và thực thi những điều Chúa dạy bảo hầu chúng con làm hài lòng Thiên Chúa, làm vui lòng anh chị em và làm đẹp lòng Chúa. Xin Chúa chúc lành cho chúng con và sứ mạng cứu thế chúng con đang thực hiện giữa mọi người. Amen.

 

34. Con Yêu Dấu của Ta

(Lm Augustine)

Khởi sự Tin Mừng Mátthêu nhìn nhận Đức Giêsu là Con Vua Đavít (1,6-16). Tên của Người là Giêsu có nghĩa là Thiên Chúa cứu" (1,21) Nhưng người ta còn gọi Người là Emmanuel, nghĩa là "Thiên Chúa ở cùng chúng ta" (1,23). Chính Người năng tự xưng là Con Người (11,19; 12,8-)

Mầu nhiệm Đức Kitô phải đánh động ta

Riêng các môn đệ khi được yêu cầu phát biểu ý kiến, đã tuyên xưng "Thầy là Đấng được Xức Dầu Tấn Phong, Con Thiên Chúa hằng sống" (16,16). Điều quan trọng là lời ông Phêrô mới tuyên xưng được chính Đức Giêsu xác nhận là do Thiên Chúa Cha mạc khải (16,17)

Tiếp theo liền sau đó, Đức Giêsu tiên báo về cuộc Thương Khó lần thứ nhất. Rồi Người nêu điều kiện cho những ai muốn bước theo Người, là họ phải từ bỏ chính mình, phải vác thập giá mình mà theo Người (16,24). Kế đến Đức Giêsu tiên báo "Con Người sẽ ngự đến trong vinh quang của Cha Người" (16,27). Chính Người liền sau đó, đã lên núi và biến đổi hình dạng như được kể trong bài Tin Mừng hôm nay (17,1-9)

Như vậy, điều được hàm ý là không ngôn ngữ loài người nào có thể nói cho ta biết Đức Giêsu là ai nếu không có sự can thiệp từ trời cao.

Với môn đệ Simon Phêrô, sự can thiệp của Thiên Chúa đã đến với ông qua lời giới thiệu của ông Gioan Tẩy Giả với hai môn đệ của ông này trong đó có người anh ruột của Simon Phêrô, là Anrê. Và ông Anrê này đến lượt đã giới thiệu cho em mình khi nói "Chúng tôi đã gặp Đấng được Xức Dầu Tấn Phong" (Ga 1,41). Tin Mừng Gioan còn cho biết chính việc Đức Giêsu biến nước lã thành rượu ngon tại Cana khiến các môn đệ tin vào Đức Giêsu (Ga 2,11)

Một cách nổi bật, quyền năng của Thiên Chúa còn đụng chạm tới ông Simon Phêrô cách riêng, khi Đức Giêsu chiếu cố đến nhà ông và đụng vào tay bà mẹ vợ của ông, để cho bà ta đang nằm liệt, được chỗi dậy khỏi cơn sốt (8,14)

Tin Mừng Mátthêu còn cho thấy quyền năng của Đức Giêsu không những cứu các môn đệ khỏi chết giữa biển động (8,25) mà còn đặc biệt cứu Phêrô khi ông bắt đầu chìm nên kêu xin Đức Giêsu cứu ông (14,30)

Nhưng tất cả những trường hợp nói trên cũng chỉ giúp Phêrô nhận ra sự bé nhỏ của mình trước mầu nhiệm vô song của Thiên Chúa hiện diện nơi Đức Giêsu. Phêrô sẽ chẳng bao giờ thấu hiểu được mầu nhiệm đó, mà chỉ được ban cho ơn hiểu biết từng chút một về bản thân Đức Giêsu và về chương trình cứu độ Ngài đến để thực hiện. Do đó đă xảy ra tình trạng tiền hậu bất nhất nơi Phêrô. Ông được Thiên Chúa Cha mạc khải cho biết Đức Giêsu là ai; hơn nữa Đức Giêsu còn chúc phúc cho ông và gọi ông bằng danh xưng Phêrô do Ngài ban tặng, để ông trở nên Tảng Đá, trên đó Ngài sẽ xây Hội Thánh của Ngài (16,18). Thế mà khi Đức Giêsu tiết lộ chương trình Chúa Cha giao phó cho Ngài là lên Giêrusalem lãnh lấy nỗi chết, để rồi sẽ sống lại, thì Phêrô đã kháng cự lại chương trình đó và đã bị quở trách nặng lời (16,23)

Vấn đề không phải chỉ là Đức Giêsu thực hiện chương trình đó, mà cả Phêrô cũng phải đặt mình để Ngài lãnh đạo theo chương trình đó.

Thực ra, không riêng Phêrô, mà tất cả những ai muốn làm môn đệ Đức Giêsu đều không có con đường nào khác ngoài con đường vác thập giá mình mà theo Ngài (16,24). Bởi lẽ trò không trọng hơn Thầy, nếu "Đức Giêsu đã mang lấy các tật nguyền của ta và gánh lấy các bệnh hoạn của ta" (x. 8,17), thì làm sao ta có quyền từ khước vác lấy cây thập giá Ngài dành cho ta để ta theo Ngài?

Nhưng đường thánh giá theo chân Đức Giêsu là đường đưa ta tới vinh quang vì "Con Người sẽ ngự đến trong vinh quang của Cha Người, cùng với các thiên thần của Người, và bấy giờ, Người sẽ thưởng phạt ai nấy xứng với việc họ làm." (16,27)

Lời khẳng định tiếp theo của Đức Giêsu khi nói: "Thầy bảo thật anh em: trong số người có mặt ở đây, có những kẻ sẽ không phải nếm sự chết trước khi thấy Con Người hiển trị" (16,28), lời khẳng định ấy cho thấy Nước Thiên Chúa không xa. Nước ấy gắn liền với bản thân Đức Giêsu, Đấng hy sinh chịu đau khổ và chịu chết, nhưng đến ngày thứ ba sẽ sống lại.

Mầu nhiệm ấy phải lôi cuốn ta

Vậy biến cố Đức Giêsu biến đổi hình dạng (17,1-9) là để giúp các môn đệ thấy rõ hơn Ngài là ai theo mầu nhiệm của Thiên Chúa. Ta được đặt đối diện với vực thẳm của mầu nhiệm Thiên Chúa nơi Đức Giêsu - mầu nhiệm ấy phải đánh động ta, lôi cuốn ta, khiến ta say mê! Nhưng chìa khoá để mở cho ta thấy mầu nhiệm lại do chính Đức Giêsu nắm giữ! Một câu chuyện nhỏ có thể giúp ta nhận ra vấn đề vừa nêu.

Tác giả cuốn "Bảy Thói Quen của Những Người Thành Đạt" (The Seven Habits of Highly Effective People. Fireside. New York 1989) là ông Trần Cao Vọng (Stephen R. Covey).

Sáng Chúa Nhật hôm ấy, ông Vọng bước vào toa xe điện ngầm ở Nữu Ước. Ông đặt mình vào bầu khí yên lặng, trong đó người thì đọc báo, người trầm ngâm suy nghĩ, người trầm ngâm suy nghĩ, người lim dim ngủ. Thật là một cảnh an bình.

Bỗng một người đàn ông và các con ông bước vào toa tầu. Bọn trẻ ồn ào, khó bảo, làm cho không khí trong toa tầu thay đổi hẳn.

Ông Vọng kể lại: "Người đàn ông ngồi xuống cạnh tôi, nhắm mắt, hình như không chú ý đến những gì đang xảy ra. Bọn trẻ la hét, ném đồ vật, vồ cả mấy tờ báo của người khác. Chúng quấy phá quá sức, nhưng người đàn ông ngồi cạnh tôi vẫn không làm gì.

Thật khó mà không nổi cáu. Tôi không thể tin rằng ông ta vô tâm đến thế, để cho bọn trẻ chạy loạn lên mà không làm gì cả, choi như không có trách nhiệm. Dễ nhìn thấy những người khác trong toa cũng đều nổi giận. Sau cùng, không thể chịu đựng được nữa, tôi quay sang ông ta và nói: "Thưa ông, bọn trẻ nhà ông quấy đảo quá, ông không bảo chúng được một câu hay sao?"

Người đàn ông ngước mắt như lần đầu tiên biết được tình hình này và nhẹ nhàng nói: "Vâng, thưa ông, ông nói phải. Tôi nghĩ rằng tôi phải làm một cái gì. Vâng, chúng tôi vừa ở bệnh viện ra, mẹ các cháu vừa mất cách đây khoảng một giờ. Tôi không biết nghĩ như thế nào. Tôi cho rằng chúng cũng không biết xử trí ra sao."

Ông Vọng nói tiếp: "Bỗng tôi nhìn sự vật một cách khác và bởi vì tôi nhìn khác nên tôi cũng nghĩ khác, cảm thấy khác, hành động khác. Cơn giận của tôi biến mất. Tôi không phải lo kiểm soát thái độ hay hành vi của tôi; con tim tôi tràn đầy nỗi đau của người đàn ông ấy. Một thiện cảm và lòng thương dâng lên trong tôi: "Vợ ông mới mất ư? Ồ, xin lỗi! Ông có thể cho tôi biết chuyện được không? Tôi giúp gì được ông đây?" Mọi cái đã thay đổi trong chốc lát." (ibd., trang 30-31)

Mầu nhiệm phải khiến ta say mê

Cuộc biến đổi hình dạng của Đức Giêsu là một thị kiến như chính Ngài cho biết (Mt 17,9). Thị kiến ấy mang lại một nhận thức hoàn toàn mới về nhân vật chính trong thị kiến là Đức Giêsu. Trước đó, Ngài chỉ là một người giữa muôn người, lại là người Nadarét nên dễ bị coi thường (x.Ga 1,46). Sau thị kiến, con người ấy còn gặp phải biết bao nỗi gian truân. Ngài bị phản bội, bị bắt, bị vu khống và cuối cùng bị giết chết trơ trụi trên thập giá. Cả sau khi Ngài chỗi dậy từ cõi chết, không phải thế giới ùn ùn kéo đến để chấp nhận quyền lãnh đạo của Ngài. Nhưng điều quan trọng là từng người phải được hoán cải do nhận thức hoàn toàn mới về con người Giêsu làng Nadarét. Nhận thức ấy do ơn đức tin có thể được tóm tắt như sau:

+ Dung nhan chói lọi gợi ý cho thấy Đức Giêsu là Môsê mới đến để kiện toàn Lề Luật cho dân mới của Thiên Chúa (Mt 5,17).

+ Hai nhân vật Môsê và Êlia đàm đạo (Mt 17,3) về điều mà Luca gọi là "Cuộc xuất hành Ngài sắp hoàn thành tại Giêrusalem" (Lc 9, 31) vì chính Ngài cứu dân Ngài khỏi tội lỗi của họ (Mt 1,21). Điều này phải làm cho người có nhận thức mới trào dâng một lòng thống hối và tri ân - Khác với ông Vọng chỉ tỏ thiện cảm và lòng thương mà thôi.

+ "Đây là Con yêu dấu của Ta - Hãy vâng nghe lời Người" (17,5). Tùy ở mức lắng nghe Thần Khí của Đức Giêsu nói, ta mới hiểu sâu hơn được về mầu nhiệm Thiên Chúa nơi Đức Giêsu và mới được hoán cải để sống hợp với nhận thức mới.

 

35. Suy niệm của Giuse Nguyễn Viết Tâm.

BÀI PHÂN TÍCH (Mt 17, 1-9).

Bài Tin mừng hôm nay được cả 3 Thánh sử Nhất Lãm tường thuật:

+ Matthêu (Mt 17, 1-9)

+ Marcô (Mc 9, 2-8)

+ Luca (Lc 9, 28-36)

Riêng thánh sử Gioan, ông không có một dòng nào mô tả sự kiện này, trong khi chính ông là người đã chứng kiến tận mắt.

Nhưng cuốn Phúc âm của ông đã tỏ bày Thiên tính của Chúa Giêsu rồi. Ngay từ dòng đầu tiên cho đến dòng cuối cùng, Gioan luôn nhấn mạnh đến Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, được Chúa Cha sai đến. Nhưng người Do Thái không tin và đã xảy ra vô số cuộc tranh luận về căn tính của Chúa Giêsu.

Như vậy, nhờ ba Thánh sử Nhất Lãm chúng ta mới được biết cuộc biến hình này.

Khi ấy, Chúa Giêsu đã gọi Phêrô, Giacôbê và Gioan là em ông này, và Người đưa các ông tới chỗ riêng biệt trên núi cao”.

Như vậy theo Matthêu Chúa Giêsu và cả nhóm 12 môn đệ đã lên núi. Nhưng Ngài tách riêng 3 ông ra. Đó là Phêrô, Giacôbê và Gioan.

Đây là bộ ba thân tín trong Nhóm Mười Hai. Cả ba người người này đã chứng kiến hầu hết các biến cố trong cuộc đời Chúa Giêsu. Hôm nay các ông sẽ chứng kiến một sự kiện quan trọng, đó là Chúa Giêsu biến hình.

Tại sao Chúa không cho cả 12 môn đệ chứng kiến mà chỉ dành diễm phúc đó cho 3 người này? Có 2 lý do:

+ Theo luật của Môsê, chứng của 2 người là chứng thật. Nhưng ở đây Chúa Giêsu muốn dùng nhiều hơn con số 2, tức là 3. Ba người này sẽ là chứng nhân đích thực cho sự kiện hôm nay. Sau này các ông ông sẽ làm chứng cho 9 môn đệ còn lại, và cả 12 sẽ làm chứng cho mọi người. Như vậy việc cho cả 12 môn đệ chứng kiến không cần thiết vì sẽ làm loãng sự kiện hiển dung. Càng cô đọng càng tốt.

+ Ba môn đệ này sẽ là thành phần thủ lãnh trong nhóm tông đồ và đứng đầu trong Giáo hội sau này, nên họ cần được chứng kiến tận mắt.

Tại sao lại có sự kiện Hiển Dung này?

Thưa vì trước đó tại thành Xêdarê Philipphê, sau lời tuyên xưng của thánh Phêrô: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống.” (Mt 16, 16), Chúa Giêsu đã tiên báo cuộc thương khó lần thứ I, Matthêu viết: “Thầy phải đi Giê-ru-sa-lem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại” (Mt 16, 21).

Các môn đệ hoang mang cực độ, tinh thần rã rời, chán nản. Chính Phêrô đã lên tiếng can gián Chúa Giêsu: “Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy!” (Mt 16, 22). Nhưng Chúa Giêsu vẫn cương quyết thực thi Thánh ý Chúa Cha đã định, Ngài quở trách Phêrô: “Xa-tan, lui lại đàng sau Thầy! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người.” (Mt 16, 23).

Chúa Giêsu biết rõ, trong tình trạng hoang mang chán nản đó, nếu các môn đệ phải chứng kiến tận mắt cuộc Thương khó, thì niềm tin của các ông sẽ đổ sập, một sự thất bại toàn diện và không thể cứu vãn nổi.

Vì thế Chúa Giêsu cho các ông được chứng kiến cuộc biến hình này, để các ông được chiêm ngưỡng thiên tính của Ngài, để củng cố niềm tin cho các ông.

“Trên núi cao”.

Núi đó là núi nào, Matthêu không xác định.

Mặc dù ngọn núi được đề cập ở đây, chưa xác định là núi nào trong hai ngọn núi là Tha-bo và Héc-mon. Các nhà chú giải đều đồng ý: Đức Giêsu biến hình tại một núi cao ở phía bắc nước Do Thái: Đa số cho là núi Tabor gần thành Nazareth hay là núi Hermon phía cực Bắc, nơi biên giới nước Do Thái, nhưng thực ra Tabor chỉ là một ngọn đồi, chứ không phải là núi, có lẽ là Hermon thì đúng hơn, nhưng không hiểu sao các nhà chú giải thiên về núi Tabor.

“Người biến hình trước mặt các ông: mặt Người chiếu sáng như mặt trời, áo Người trở nên trắng như tuyết”.

Đức Giêsu tạm thời từ bỏ hình dạng bình thường của phàm nhân, để mang một hình dạng khác của Con Thiên Chúa. Y phục rực rỡ trắng tinh chiếu tỏa vinh quang thiên giới. Trong đoạn này, Matthêu cho thấy: Đức Giêsu, Đấng Mê-si-a đang ẩn mình, người Tôi Trung đau khổ của Thiên Chúa, giờ đây đã tỏ bày ra trước kỳ hạn về vinh quang phục sinh sau này.

Khi nhập thể và nhập thế, Đức Giêsu mang thêm bản tính nhân loại, như vậy nơi Ngài có hai bản tính: Bản tính Thiên Chúa, ta gọi là Thần tính và Bản tính nhân loại, ta gọi là Nhân tính, hai bản tính đó kết hợp chặt chẽ nơi Ngài.

Thần Tính của Đức Giêsu luôn hiện diện, nhưng hàng ngày, Thần Tính đó được che phủ qua tấm màn Nhân tính, Thần tính không biểu lộ ra bên ngoài, nên người ta chỉ thấy Đức Giêsu như một phàm nhân, giống chúng ta. Khi Đức Giêsu biến hình, là lúc Thần tính của Ngài được tỏ lộ, không còn bị nhân tính che phủ. Và đây là lần đầu tiên, ba môn đệ: Phêrô, Giacôbê, và Gioan chứng kiến tận mắt Thần tính của Đức Giêsu, cả ba người đều ngây ngất.

Nếu như trong phép lạ Fatima, mặt trời nhảy múa trên bầu trời và lao xuống trái đất, làm hàng vạn người chứng kiến phải hốt hoảng, lo sợ tận thế sắp xảy ra. Thì tại núi này, hôm nay một mặt trời thứ hai xuất hiện ngoài mặt trời đang có. Áo của Chúa Giêsu trắng như tuyết. Đó là lúc Thiên tính của Chúa Giêsu được tỏ lộ.

Ta không được chứng kiến tận mắt sự kiện hiển dung này. Nhưng sau này, khi chấm dứt cuộc sống trần gian, ta sẽ được chứng kiến Thiên tính của Chúa Giêsu như vậy, mà Phaolô nói: Ta thấy Ngài diện đối diện. Còn bây giờ ta chỉ thấy Chúa Giêsu cách lờ mờ qua con người bình thường đau khổ, đó là Người Tôi trung của Giavê.

“Và đây Môsê và Êlia hiện ra, và đàm đạo với Người”.

Tại sao lại có sự xuất hiện của Môsê và Êlia?

Chúa Giêsu từng ban giáo huấn của Ngài cho các môn đệ và luôn kèm theo một cụm từ: “Vậy tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta, vì Luật Mô-sê và lời các ngôn sứ là thế đó” (Mt 7, 12). Có nghĩa những lời giáo huấn của Chúa Giêsu là bản đúc kết Luật Môsê và các lời tiên tri dạy.

Như vậy sự xuất hiện của Môsê và Êlia lúc này mang ý nghĩa vô cùng quan trọng.

+ Môsê tượng trưng cho Lề Luật:

Đức Chúa ban Thập Giới (Mười Giới Răn) qua Môsê. Ông được coi là nền tảng của Lề Luật, và biến cố hôm nay chứng tỏ Lề Luật phải hướng về Đức Kitô để được nên trọn vẹn, hoàn hảo.

+ Êlia tượng trưng cho các Ngôn Sứ:

Tiên-tri Êlia được coi là ngôn sứ cao trọng nhất trong các ngôn sứ vì những lời rao giảng và uy quyền làm phép lạ, và biến cố hôm nay chứng tỏ các Ngôn Sứ phải hướng về Đức Kitô, để tìm thấy sự hoàn hảo của các lời tiên tri về Đấng Thiên Sai.

Cả 2 ông hiện diện khi Đức Giêsu biến hình trên núi Tabor, cũng hiện diện một cách rạng ngời, có nghĩa rằng: Tất cả Lề luật và lời các Ngôn Sứ tiên báo về Đấng Mesia phải được ứng nghiệm nơi Đức Giêsu, Đấng quy tụ tất cả mọi tâm hồn ở mọi nơi và mọi thời đại. Đức Giêsu là Tâm điểm, nơi hội ngộ của mọi tâm hồn được Cứu Độ.

Hai vị này đều leo núi để tiếp nhận mặc khải của Đức Chúa. Hai vị đều là nhân vật của thời Cánh chung. Cả hai đều bước vào thế giới bên kia cách bí nhiệm: Mô-sê thì bị chết ở miền đất Mô-áp trước khi dân vào chiếm Hứa Địa, nhưng không ai biết được mộ phần ông ở đâu (Đnl 34,6), còn Ê-li-a thì leo lên chiếc xe ngựa rực lửa bay về trời trong cơn gió lốc (2V 2,11).

Ở đoạn này, sự hiện diện của Mô-sê tượng trưng cho Lề Luật, và của Ê-li-a tượng trưng cho các Ngôn sứ. Điều này chứng minh có sự liên tục giữa Cựu Ước với Tân Ước. Nó cho thấy thời kỳ Cánh Chung và Cứu Độ đã khởi đầu.

“Bấy giờ ông Phêrô lên tiếng, thưa Chúa Giêsu rằng: “Lạy Thầy, chúng con được ở đây thì tốt lắm. Nếu Thầy ưng, chúng con xin làm ba lều, một cho Thầy, một cho Môsê, và một cho Êlia”

“Lạy Thầy, chúng con được ở đây thì tốt lắm”

Vâng, với những ai đã được Chúa hiện diện trong đời mình, họ cũng vô cùng hạnh phúc, không còn gì đáng để họ bận tâm, theo đuổi. Mặc dù họ vẫn phải sống trong cuộc đời này, vẫn chu toàn bao trách nhiệm, nhưng khi có Chúa trong lòng, họ sẽ sống theo một cách khác, họ sẽ biết phân biệt cái gì là thực, cái gì là ảo; họ cũng phân biệt đâu là mục đích và đâu là phương tiện, không còn lẫn lộn được nữa.

Lạy Chúa! Xin cho con được bắt chước Thánh Phêrô để thưa với Chúa: “Lạy Thầy, chúng con được ở đây thì tốt lắm”, cho dù chúng con đang gặp bao bất hạnh, đang bị đàn áp dã man bởi cường quyền, đang gánh chịu những căn bệnh hiểm nghèo, đang nằm liệt một chỗ và không thể làm gì cho mình, đang bị hiểu lầm, bị bỏ rơi, đơn độc trong một xã hội đầy xô bồ. Nhưng chúng con đã nhận ra bao hồng ân Chúa đã ban cho chúng con. Vâng như vậy là quá tốt cho chúng con rồi.

“Nếu Thầy ưng, chúng con xin làm ba lều, một cho Thầy, một cho Môsê, và một cho Êlia”.

Lúc đó đang trong thời gian dân Ít-ra-en mừng Lễ Lều kéo dài 7 ngày. Trong các ngày này, họ phải đến ở tạm trong các lều trại làm bằng cành cây, để ôn lại công ơn Đức Chúa đã cứu Ít-ra-en khỏi cảnh nô lệ cho người Ai Cập và cha ông họ đã từng ở trong các lều trại nơi sa mạc (Lv 23,34.42-43). Ở đây, Phêrô xin dựng 3 lều trại nhằm kéo dài cuộc thần hiện mà ông đang chứng kiến.

Ông Phêrô có lý khi bày tỏ hạnh phúc được tham dự mạc khải cao quý này. Ông chỉ hơi ngây ngô lúc muốn xin làm ba lều. Chắc không phải vì đang sống trong tuần “Lễ Lều” của người Do Thái nên ông nghĩ đến điều đó. Ông chỉ muốn được ở mãi trong sự chiêm ngưỡng kia. Ông quên mất rằng mới chỉ có ba môn đệ được thấy. Còn cả nhân loại nữa chứ! Thiên Chúa muốn rằng tất cả chúng ta sẽ được đưa vào trong vinh quang của Người. Phêrô chỉ xin làm 3 cái lều, còn các ông ở đâu?

Thánh sử Marcô đã thêm vào một chi tiết hết sức thú vị. Marcô viết: “Thực ra, ông không biết phải nói gì, vì các ông kinh hoàng” (Mc 9, 6)

“Phêrô không rõ mình nói gì, vì các ông đều hoảng sợ”. Người ta gọi lúc đó là giây phút tột đỉnh. Nó là những giây phút ngắn ngủi quí báu chúng ta nhìn thấy những biến cố thông thường cách siêu thường. Nó là giây phút giống như là Thiên Chúa chiếu ánh sáng của Ngài vào những sự vật chung quanh chúng ta và làm cho chúng ta cảm thấy mình đang nhìn thấy một thế giới khác.

“Nếu Thầy ưng”.

Matthêu nhấn mạnh đến cụm từ này rất sâu sắc. Việc dựng 3 cái lều chỉ là ước muốn của ba môn đệ thôi. Phêrô muốn kéo dài giây phút này mãi mãi để tận hưởng. Chính từ “lều” đã nói lên ý muốn cắm dùi vĩnh viễn trên núi này.

Nhưng đó không phai là ý muốn của Chúa Giêsu, vì Ngài phải xuống khỏi núi này để lên một ngọn đồi khác, đó là Golgotha để tại đó Ngài chịu chết, đóng đinh vào thập giá.

Có lẽ Kitô hữu chúng ta cũng mang tâm trạng của Phêrô, ta cứ muốn ở mãi trên núi Tabor không chịu xuống. Nhưng ta phải bước theo Chúa để lên Golgotha của đời ta. Phải bước qua đau khổ mới đến vinh quang. Đừng chạy trốn đau khổ mà phải đối diện với nó để từ đó ta mới tìm được vinh quang.

“Lúc ông còn đang nói, thì có một đám mây sáng bao phủ các ngài, và có tiếng từ trong đám mây phán rằng: “đây là Con Ta yêu dấu rất đẹp lòng Ta, các ngươi hãy nghe lời Người”. Nghe thấy vậy, các môn đệ ngã sấp xuống, và hết sức sợ hãi”.

“Lúc đó một đám mây bao phủ các Ngài, và từ đám mây có tiếng phán rằng: “Đây là Con Ta yêu dấu, các ngươi hãy nghe lời Người”.

Đám mây diễn tả sự hiện diện của Đức Chúa, giống như trong thời xuất hành của dân Do Thái xưa (Xh 40,34-38).

Lời Chúa Cha công nhận Đức Giêsu là “Con” (Tv 2,7), giống như khi Người chịu phép Rửa tại sông Giođan (Mc 1,11). Đức Giêsu cũng được giới thiệu như một Ngôn Sứ mà mọi người phải nghe theo lời Người chỉ dạy.

Áng mây và tiếng nói cũng làm chứng Đức Giêsu là Thiên Chúa đến dạy bảo chúng ta. Phải, chúng ta hãy nghe lời Đức Giêsu Kitô để có ngày được đưa vào vinh hiển của Thiên Chúa, như các môn đệ trong cuộc biến hình hôm nay.

“Nghe thấy vậy, các môn đệ ngã sấp xuống, và hết sức sợ hãi”.

Matthêu đã mô tả lại trạng thái của các môn đệ khi nghe tiếng Chúa Cha phán, các ông đã phải ngã xuống vì sợ hãi. Tiếng Chúa Cha đầy uy lực, làm cho con người phải khiếp sợ.

Nhưng tiếng Chúa nói trong lòng ta thì không như thế, rất êm dịu, ngọt ngào, nhưng lại thôi thúc ta mạnh mẽ tiến bước lên phía trước thực thi ý Ngài muốn, chứ không phải ngã quỵ.

“Bấy giờ Chúa Giêsu đến gần, động đến các ông và bảo: “Các con hãy đứng dậy, đừng sợ”. Ngước mắt lên, các ông thấy chẳng còn ai, trừ ra một mình Chúa Giêsu. Và trong lúc từ trên núi đi xuống, Chúa Giêsu đã ra lệnh cho các ông rằng: “Các con không được nói với ai về việc đã thấy, cho tới khi Con Người từ cõi chết sống lại”

Cuộc biến hình, hiển dung đã kết thúc, Môsê và Êlia cũng không còn nữa. Chúa Giêsu đã trở về với con người bình thường với bản tính nhân loại.

Nếu trong cuộc biến hình, Chúa Giêsu tách biệt với các môn đệ, làm các môn đệ không dám đến gần, thì khi trở về với cương vị người Thầy, Chúa Giêsu lại: “Đến gần, động đến các ông”. Một cú chạm rất bình thường của tình Thầy – trò. Câu nói đầu tiên, Chúa Giêsu muốn trấn an các môn đệ: “Các con hãy đứng dậy, đừng sợ”. Thầy đây mà, dù gì đi nữa, Ngài vẫn là Thầy của các ông, vậy có gì mà phải sợ.

Ba môn đệ đi từ tâm trạng này đến tâm trạng kia: từ hoảng sợ đến nỗi phải ngã xuống, nay lại được bình an và đứng vững.

“Các con không được nói với ai về việc đã thấy, cho tới khi Con Người từ cõi chết sống lại”

Đòi hỏi giữ kín “trước khi Con Người từ cõi chết sống lại” được gọi là “Bí Mật Thiên Sai”. Sở dĩ Đức Giêsu không muốn cho người ta biết Người là Đấng Thiên Sai vì cần có thời gian để Người giảng dạy dân Do Thái hiểu đúng về sứ mệnh Thiên Sai theo Ý Thiên Chúa của Người. Nếu nói sớm sự thật này sẽ làm cho dân Do thái đang bị tinh thần ái quốc cực đoan tác động, đang mong đợi một Ông Vua Thiên Sai theo nghĩa trần tục, sẽ hiểu lầm về sứ mệnh Thiên Sai của Đức Giêsu và sẽ gây bạo loạn, gây cớ cho quân Rô-ma đem quân đến tiêu diệt dân Do Thái nhỏ bé, sẽ bất lợi cho sứ mệnh Thiên Sai của Đức Giêsu. Cuộc biến hình biểu lộ Thiên tính của Đức Giêsu sẽ được các môn đệ chính thức công bố sau biến cố Tử Nạn và Phục Sinh của Đức Giêsu, nghĩa là sau khi Người từ cõi chết sống lại.

“Từ cõi chết sống lại nghĩa là gì?” Các ông không hiểu hay không muốn hiểu. Có thể cả hai.

Cũng như Phêrô đã can trách Đức Giêsu đừng chấp nhận con đường cứu thế qua đau khổ thập giá theo ý Chúa Cha, còn các môn đệ khác đều không hiểu hay không muốn hiểu về con đường “Từ trong cõi chết sống lại” hoặc “Qua đau khổ vào vinh quang” đã được Đức Giêsu công bố trước cuộc biến hình (Mc 8,31).

Lạy Chúa là đấng Cứu Độ của con! Con xin được như Phêrô dựng lều, nhưng không phải để chiêm ngắm dung mạo hiển dung sáng láng, mà là để say mê vinh quang cứu độ Chúa dành cho con. Chính Chúa đã chủ động kêu mời con ở lại trong tình yêu xót thương của Người, không những chỉ trong ngày hôm nay mà còn trong suốt cuộc sống dương thế, và mãi mãi trong hạnh phúc Quê Trời mai sau. Amen.

 

36. Tiếp rước Thiên Chúa

(J.M)

Đời sống là một kiên nhẫn lâu dài. Những ai đã trải qua cuộc đời lâu dài đều biết rõ thế. Thảm cảnh này nhiều khi cho thấy bao nhiêu chỗ rách, bao nhiêu vết thương, vết sẹo, nói cho cùng, cho khôn ngoan thì người ta gọi là kiên nhẫn, chịu đựng đời sống theo căn ngữ: “Kiên nhẫn” có thể là nghệ thuật sống, cũng chính là một cách tin tưởng. Đó là khoa học của Thiên Chúa.

Biến hình

Đức Kitô Người đến biến hình toàn diện nhân loại và cho con người bộ mặt mới. Người là hình ảnh của Thiên Chúa kiên nhẫn, Người chờ đợi giờ của Người, Người tha thứ và hy vọng vào con người dù nó thế nào đi nữa. Những lần gặp gỡ Thiên Chúa này mở ra cảnh huy hoàng cho hố sâu của cuộc đời lầm lạc, bấp bênh, đôi khi thất vọng, thường sống chịu đựng ngày qua ngày. Dạy dỗ trẻ em phải cho thấy những thanh thiếu niên biết đương đầu mãnh liệt với cái qúi nhất trong chúng ta, theo đuổi những cuộc chiến đấu không ngừng cho công lý, cho hòa bình, dù chỉ nhận được những kết quả mong manh, những bấp bênh của tương lai...

Phải kiên nhẫn bao nhiêu nếu cần! Kiên nhẫn với những người chung quanh ta, kiên nhẫn với chính mình. Đời sống là một kiên nhẫn lâu dài mà chúng ta không có chìa khóa giải thoát.

Tin Mừng nói gì với chúng ta? Đó là một tổng cộng của kiên nhẫn và can đảm cần để sống. Chính Người đã mang vác nó. Tiếng thở dài của người bị mổ, nỗi cô đơn của người già, tiếng kêu của người vợ bị ruồng rẫy. Chính là của Người. “Nỗi khốn cùng của chúng tôi, Người đã vác lấy, Người đã chịu lấy, Người lãnh mang đi”. (K. Barth). Người vẫn không dứt bỏ con đường thập giá của Người.

Cuộc thương khó là trung tâm của thế giới, là chiếc thang cho thế giới leo lên. Hãy tiếp rước Thiên Chúa.

Chúng ta tiến bước hướng về sự biến hình của chúng ta trong Thiên Chúa, dù phải chịu đựng bất cứ cái gì. Thiếu tin tưởng, chúng ta sẽ bị méo mặt trước cuộc đời. Thiên Chúa ban cho niềm trông cậy cho chúng ta làm cho chúng ta mạnh mẽ hơn những vẻ lôi cuốn bên ngoài. Kiên nhẫn là làm cho nghệ sĩ tạo nên tác phẩm tuyệt tác được cưu mang lâu dài.

 

37. Chiêm ngưỡng vinh quang của Chúa

(‘Giải Nghĩa Lời Chúa’ của Đức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)

Bàn Thờ là Núi Thánh. Và mỗi Thánh lễ là một cuộc Chúa biến hình. Người lấy hình bánh rượu để trở nên lễ vật, cho ta được tham dự vào lễ tế của Người. Như vậy, việc Chúa biến hình ngày trước tất có tương quan tới Thánh lễ chúng ta đang cử hành. Chúng ta hãy tìm hiểu, để Thánh lễ này thêm ý nghĩa và đời ta nên tốt đẹp hơn.

A. Câu chuyện Chúa Biến Hình

Thánh Matthêô kể câu chuyện này 6 ngày sau khi Phêrô tuyên xưng Đức Yêsu là Con Thiên Chúa hằng sống (16,13-20). Hôm ấy Đức Yêsu cũng đã tuyên bố lần đầu tiên về cuộc tử nạn của Người; và Người bảo ai muốn theo Người cũng phải vác Thập giá. Nhưng để an ủi, Người phán: rồi đây Con Người sẽ đến trong vinh quang và có những kẻ đang ở trước mặt Người đây sẽ chứng kiến.

Không biết các môn đệ có hiểu hết những lời ấy không? Nhưng hôm nay, 6 ngày sau, ba ông Phêrô, Yacôbê và Yoan đã được xem thấy vinh quang của Người như chúng ta vừa nghe đọc.

Xếp lại câu chuyện như vậy, chúng ta thấy ngay việc Chúa biến hình muốn thể hiện điều Người đã hứa. Và trước hết nó có ý nghĩa thế mạt. Người đã hứa cho mấy người được thấy Con Người đến trong vinh quang của Cha Người và đến với Nước của Người. Nên dù chỉ 6 ngày sau Người đã thể hiện Lời hứa, cảnh tượng vinh quang mà Người cho họ thấy vẫn thuộc về thời đại cánh chung. Và Matthêô đã có những từ ngữ, những hình ảnh làm nổi bật khía cạnh này. Ông nói đến một nơi núi cao, riêng biệt ra, tức là tách khỏi đời này. Ông diễn tả mặt Người sáng như mặt trời và áo Người trắng như tuyết, là những nét tả về con người ở thời cánh chung (Mt 13,40-43). Môsê và nhất là Êlya là những nhân vật mà người ta tin rằng sẽ trở lại khi Con Người đến. Có tiếng từ trời phán xuống cũng là một nét của thời đại cánh chung. Và việc cấm phổ biến những điều vừa xem thấy cũng thuộc loại văn khải huyền về thời thế mạt.

Như vậy, không ai có thể bảo câu chuyện Chúa biến hình đã thuộc về quá khứ. Nó là dấu hiệu báo trước tương lai. Nó đưa ta hướng mắt về Ngày Chúa trở lại. Nó có thể giúp ta tham dự vào Thánh lễ này sốt sắng hơn. Và Phụng vụ đặt nó vào ngày Chúa nhật hôm nay sau Chúa nhật trước nói về Đức Yêsu là Con Thiên Chúa, phải chăng không muốn nói rằng ai đã tuyên xưng Đức Yêsu là Con Thiên Chúa, như Phêrô, tất sẽ được nhìn thấy vinh quang của Người?

Nhưng những gì sẽ xảy ra trong thời kỳ cánh chung, cũng đã khởi sự trong mầu nhiệm Phục sinh. Thế nên bài Tin Mừng hôm nay cũng hướng ta về sự kiện Chúa sống lại. Hiển nhiên thánh Matthêô đã muốn cho chúng ta nhìn thấy Chúa Phục sinh trong bài Tin Mừng này; vì mặc dù câu chuyện xảy ra đang khi Đức Yêsu còn tại thế, nhưng tác giả đã dùng ánh sáng của Chúa sống lại để cho chúng ta nhận ra Người. Thánh Phêrô không xưng Người là Thầy như mọi khi, nhưng danh từ "Chúa" là từ mà môn đệ chỉ dùng để thưa với Chúa Phục sinh. Và cử chỉ của Đức Yêsu tiến lại, giơ tay nâng môn đệ dậy, chẳng phải là ơn phục sinh của Chúa cúi xuống đỡ nhân loại sa ngã lên đó sao? Nhất là đoạn văn này được viết tiếp ngay vào những lời Đức Yêsu tuyên bố lần đầu tiên về cuộc Tử nạn của Người và về việc môn đệ phải vác thập giá mà đi theo Người, quả thật có ý nói đến mầu nhiệm Phục sinh. Chính ý nghĩa cánh chung cũng phải nhờ viễn tượng Chúa sống lại mới hiểu ra được.

Tuy nhiên cả hai cái nhìn cánh chung và phục sinh vẫn không được làm chúng ta quên Đức Yêsu hiện tại. Chúa nhật trước, Phụng vụ giới thiệu Người như Con Thiên Chúa sống nơi sa mạc. Hôm nay, cũng dùng Tin Mừng thánh Matthêô, Phụng vụ cho ta thấy Người là Môsê mới ở trên núi. Nói đúng ra, Chúa nhật trước thánh Matthêô cũng đã muốn nói Người là Môsê rồi, nhưng còn kín đáo. Hôm nay rõ ràng tác giả muốn so sánh giữa hai Môsê. Cả hai đã lên núi, được mây bao phủ và đưa vào trong một cuộc đàm đạo với Thiên Chúa (x. Xh 24,15-18). Và cả hai trường hợp đều xảy ra vào ngày thứ 7. Tuy nhiên trong trường hợp của Môsê, chính Thiên Chúa đã có bộ mặt sáng láng và đã gọi ông, đang khi ở đây chính Đức Kitô đã biến hình và được tiếng Đức Chúa Cha tuyên dương. Môsê mới đã rõ rệt hơn Môsê cũ. Môsê cũ giờ đây chỉ đứng bên Môsê mới để tuyên chứng và cũng để được ánh sáng Môsê mới soi dọi vào. Nhất là Môsê cũ sẽ biến đi, để lại một Đức Kitô là Môsê mới, độc hữu và độc tôn trước mắt các Tông đồ đang còn vẳng nghe lời căn dặn: "Hãy nghe Người!". Thánh Matthêô hiểu như vậy, nên đoạn 18 theo sau đoạn 17 này đã được tác giả dùng để viết lại giáo lý của Đức Kitô về Hội Thánh. Như vậy, ở đây muốn giới thiệu Người là Môsê mới của Hội Thánh.

Hội Thánh phải nghe Vị Môsê mới này để được đi tới mầu nhiệm phục sinh, bảo chứng của thời đại cánh chung: đó là nội dung bài Tin Mừng hôm nay. Chúng ta hãy đến với Đức Kitô biến hình trong mầu nhiệm Thánh lễ hôm nay để xin Người dạy dỗ hầu đạt tới vinh quang phục sinh và Nước Trời.

B. Bài học cụ thể

Chúa hằng dạy dỗ chúng ta qua Sách Thánh. Bài sách Khởi nguyên hôm nay nói đến ơn gọi của Abraham, tổ phụ các tín hữu. Chúa gọi ông bỏ quê hương họ hàng ra đi đến nơi Người sẽ chỉ cho để sẽ được thịnh vượng và hạnh phúc. Người gọi chúng ta từ bỏ mọi dính bén để đi tới hạnh phúc phục sinh. Ơn gọi Abraham báo trước ơn gọi của chúng ta. Và con đường ông đã đi là con đường chúng ta phải bước vào... Con đường ấy là hành trình trong đức tin. Abraham phải từ bỏ những cái đang có để hy vọng, trông chờ những của vị lai. Một cách nào đó ông phải bỏ mồi bắt bóng. Ông đã làm vì ông tin Chúa, tin lời Người hứa. Ông ra đi như Chúa truyền. Vào đến đất hứa, ông vẫn chưa được chiếm hữu. Chúa sẽ trỏ cho ông thấy đó là đất Chúa sẽ ban cho con cháu ông, chứ ông chưa được. Abraham vẫn tin, tin dấu hiệu bảo chứng của thực tại. Ông là tổ phụ của chúng ta, là các tín hữu sau ông đã tin vào Chúa. Và cũng như ông, chúng ta luôn phải tin Lời Chúa và các Bí tích dấu chỉ ban ơn vô hình. Chúng ta có kinh nghiệm, đức tin nhiều khi đòi phải bỏ mồi bắt bóng, chịu thiệt thòi về vật chất để trông chờ những của mai sau hay những ơn thiêng vô hình. Thường khi hơn nữa, đức tin đòi phải biết nhận ra thời triệu, tức là xuyên qua những thực tại hữu hình đạt tới những thực tại vô hình; không những nhìn vào các Bí tích để biết nhận ra các ơn thiêng, mà còn biết tìm ra Ý Chúa và tiếng Người kêu gọi qua mọi sự kiện hàng ngày và đặc biệt qua mầu nhiệm Thập giá: ai muốn theo Chúa phải vác thập giá mình mỗi ngày. Thánh Matthêô đã viết rõ như thế. Và thánh Phaolô trong bài thư hôm nay cũng bắt đầu bằng câu: hãy chia sẻ lao nhọc của Phúc Âm.

Phaolô viết cho Timôthê, nhưng cũng dặn dò Hội Thánh và mọi người chúng ta: hãy chung phần cam khổ vì Tin Mừng (bản dịch của linh mục Nguyễn Thế Thuấn). Người không cần nói vì sao theo Tin Mừng và giảng Tin Mừng thì phải gian khổ. Điều ấy quá rõ rồi. Ai cũng có kinh nghiệm. Sống ơn gọi Kitô hữu và Tông đồ thật là khó: phải phấn đấu theo gương Chúa Yêsu như chúng ta đã thấy trong Chúa nhật trước; phải luôn luôn hành trình trong đức tin như gương Abraham còn để lại; phải thống hối cải tạo đời sống. Điều Timôthê và chúng ta cần biết hơn là lý do vì sao ta phải lao nhọc và có sức nào trợ giúp chúng ta không? Cả bài thư hôm nay muốn cống hiến cho chúng ta nhiều tư tưởng để suy nghĩ.

Một cách vắn tắt, Phaolô mời gọi chúng ta nhìn lên Đức Yêsu Kitô, Đấng đã hủy diệt sự chết và đã chiếu sáng ra sự sống. Đó là Đức Yêsu Kitô phục sinh mà Matthêô đã giới thiệu trong bài Tin Mừng. Người đang kêu gọi chúng ta trong Thánh lễ này, không phải vì sự nghiệp, công trạng riêng gì của ta, nhưng chỉ vì ý định và ân sủng của Thiên Chúa yêu thương ta cách lạ lùng muốn cho chúng ta được chia sẻ vinh quang phục sinh nơi Đức Yêsu Kitô. Nếu chúng ta tin như vậy, thì phải bắt chước Abraham chấp nhận hành trình trong đức tin và gian khổ, vì có cùng chịu khổ với Người chúng ta mới được cùng Người sống lại.

Lời Chúa hôm nay muốn khuyến khích chúng ta: Chúng ta được đưa lên Núi Thánh để chiêm ngưỡng vinh quang và tham dự vào sự sống của Chúa, để khi xuống núi theo gương các Tông đồ chúng ta nghe và giữ Lời Chúa mà xây dựng Hội Thánh.

Chủ yếu việc xây dựng này không phải chỉ là chu toàn hoặc tổ chức những lễ nghi bên ngoài, nhưng là kiến tạo Hội Thánh cho thời đại cánh chung mà ai cũng biết sẽ là toàn thể nhân loại và tạo dựng được chia sẻ vinh quang Thiên Chúa. Thế nên việc xây dựng Nước Trời bao trùm nhiều mặt cụ thể. Tất cả những gì giúp cho nhân loại ấm no, hạnh phúc, bình đẳng và huynh đệ đều cần thiết cho thời đại cánh chung, cho ơn phục sinh đến với mọi người. Và làm những công việc như thế, dĩ nhiên phải phấn đấu, lao nhọc... nhưng đó là chung phần cam khổ vì Tin Mừng. Và chúng ta có Thánh lễ này để kết hợp với Đức Kitô biến hình, Đấng đã hủy diệt sự chết và đã chiếu sáng ra sự sống. Chính Người sẽ chia sẻ sự sống và thần lực của Người cho ta để giúp ta hành trình trong đức tin và lao nhọc.

Chúng ta hãy tin như vậy và tham dự Thánh lễ này sốt sắng để tích cực và hiệu lực xây dựng hạnh phú Nước Trời ngay từ đời này cho vinh quang Thiên Chúa và hạnh phúc muôn người.

 

38. Khuôn mặt ngời sáng

(Thiên Phúc)

Một vị ẩn sĩ nọ suy niệm và chay tịnh đến độ suốt ngày không động đến thức ăn, ai ai cũng thấy có một ngôi sao xuất hiện giữa ban ngày, đó là dấu hiệu trời cao chấp nhận lễ hy sinh của ông.

Ngày nọ, vị ẩn sĩ quyết định leo lên núi cao. Ông muốn vươn lên cao hơn trong sự khổ chế. Vừa lúc ông đang leo núi, thì một cô bé trong làng chạy tới xin đi theo. Không thể từ chối được, vị ẩn sĩ đành để cho cô bé đi cùng. Họ ra đi khi mặt trời vừa lên. Nhưng không mấy chốc, ánh nắng mỗi lúc một chói chang, cả vị ẩn sĩ lẫn cô bé đều cảm thấy khát nước. Vị ẩn sĩ vẫn cố gắng khắc phục cơn khát của mình, nhưng ông lại giục cô bé hãy uống nước. Cuối cùng, không ai chạm đến nước. Vị ẩn sĩ không uống nước vì lời thề của mình, còn cô gái không nỡ uống một mình.

Họ càng đi, cơn khát càng dằn vặt. Đến một lúc vị ẩn sĩ không nỡ nhẫn tâm nhìn thấy cô bé phải quằn quại trong cơn khát. Ông đàng lỗi lời thề. Ông cầm lấy nước đưa lên miệng và cô bé cũng mỉn cười uống nước với ông.

Sau khi đã uống nước, vị ẩn sĩ không dám nhìn lên trời cao nữa. Ông cứ đinh ninh rằng vì sao hiện ra mỗi ngày như một chứng giám cho sự khổ chế của ông, giờ đây có lẽ đã biến mất. Thế nhưng, khi ông ngước mắt nhìn lên đỉnh núi. Ngạc nhiên biết chừng nào, hai vì sao đang chiếu sáng như mỉm cười với ông.

***

Sau khi đã chay tịnh nhiều ngày và chấp nhận vươn lên cao trong sự khổ chết, vị ẩn sĩ đã được trời cao chứng giám bừng cách cho một vì sao ngời sáng giữa ban ngày.

Đức Giêsu sau khi chấp nhận cuộc khổ nạn, quyết tâm thi hành thánh ý Chúa, liền được “biến hình đổi dạng” trên núi cao. “Dung nhan Người chói lọi như mặt trời, và y phục Người trở nên trắng tinh như ánh sáng” (Mt 17,2). Người còn được Chúa Cha chứng giám cho việc Người chấp nhận khổ giá vì yêu Cha và vì yêu nhân loại tội lỗi, bằng một lời ngợi khen long trọng: “Đây là con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người” (Mt 17,5).

Đức Giêsu biến hình sáng láng trước mặt ba môn đệ thân tín, là để các ông cảm nghiệm trước vinh quang Phục Sinh của Người. Cũng là để dọn lòng trí các ông dễ dàng đón nhận cuộc khổ nạn và cái chết thương đau của Người trên thập giá sau này. Vì qua đau khổ mới tới vinh quang. Có khổ nhục chiều thứ Sáu Tuần Thánh, mới rạng rỡ sáng Chúa nhật Phục Sinh.

Người Kitô hữu chỉ có thể biến hình đổi dạng khi họ sẵn lòng cùng với thánh giá lên đồi Canvê với Đức Ktiô.

Người Kitô hữu chỉ có thể bừng sáng rạng ngời khi họ dám hy sinh bản thân để hiến dâng cho Thiên Chúa và tha nhân bằng một tình yêu trao ban vô vị lợi.

Chúng ta sẽ nhận ra khuôn mặt ngời sáng của Đức Kitô khi chúng ta đón nhận khuôn mặt đau khổ của anh em.

Chúng ta sẽ minh họa được khuôn mặt sáng láng của Đức Kitô khi chúng ta luôn mang khuôn mặt vui tươi, an bình và hạnh phúc.

Người tín hữu thưởng nếm vinh quang Tabo chẳng bao nhiêu, nhưng đón nhận gian nan Núi Sọ lại rất nhiều. Tuy thế họ vẫn vui tươi và thanh thản, an bình và hạnh phúc? Phải chăng họ đã cảm nghiệm được khuôn mặt người sáng của Đức Kitô trong cuộc đời mình. Như người lực sĩ điền kinh nhắm chiếc huy chương vàng mà gắng sức về đích để giành phần thắng, thì người tín hữu Kitô cũng phấn đấu vượt qua những chặng đường thánh giá cuộc đời, để đạt được phần thương vô giá là vinh quang Phục Sinh rạng ngời.

Hãy sám hối và canh tân. Sám hối – Canh Tân là bỏ đi con người tự mãn tự kiêu để mặc vào con người nhu mì khiêm tốn, là tháo gỡ khuôn mặt u mê tội lỗi để nhận lại khuôn mặt ngời sáng thánh thiện, là tẩy chay tâm địa ích kỷ để đón nhận tinh thần phục vụ yêu thương.

Nước mắt sám hối khép lại quá khứ để mở cửa tương lai. Nước mắt Sám hối luôn tẩy sạch tội lỗi. Nước mắt Sám hối bao giờ cũng có giá trị trong sự tha thứ.

Canh tân là lao mình về phía trước, trong niềm vui đổi mới. Lúc đó, chúng ta không cần đi tìm mùa xuân, vì chính chúng ta đang làm nên mùa xuân cho cuộc đời.

***

Lạy Chúa, xin cho những lần chúng con gặp Chúa trong cầu nguyện, trong mỗi thánh lễ, là mỗi lần khuôn mặt chúng con lại được bừng sáng lên nièm an vui, hạnh phúc.

Ước gì người ta nhận ra được khuôn mặt người sáng, dịu dàng và yêu thương của Chúa trong nét mặt hân hoan, khả ái của chúng con. Amen.

 

39. Chúa biến hình

Tại sao Chúa Giêsu chỉ mang có ba môn đệ thân tín lên đỉnh Taborê?

Ngay từ đầu đoạn Tin Mừng, thánh Matthêu đã ghi rõ: Chúa Giêsu đem ông Phêrô cùng hai anh em ông Giacôbê và Gioan đi riêng với mình. Đồng thời trong Phúc Âm chúng ta cũng thấy không thiếu gì những trường hợp chỉ có ba ông này được chứng kiến một số hành động của Chúa Giêsu. Ngoài việc làm chứng nhân cho cuộc biến hình, các ông còn được độc quyền đi theo Ngài trong những giây phút hấp hối cuối cùng nơi vườn cây dầu. Độc quyền chứng kiến việc Chúa Giêsu làm cho con gái ông Giairô sống lại. Các ông cũng là những người đã hỏi riêng Chúa Giêsu về những dấu hiệu báo trước ngày sụp đổ của đền thờ.

Có thể nói: Phêrô, Giacôbê và Gioan tượng trưng cho hàng ngũ lãnh đạo trong Gháo Hội. Việc Chúa Giêsu đem những người có nhiệm vụ lãnh đạo Giáo Hội để các ông chứng kiến cho sự biến hình không phải là không có ý nghĩa cho sự sinh hoạt của Giáo Hội ngày hôm nay.

Như chúng ta đã biến vấn đề quyền hành là vấn đề then chốt trong Giáo Hội bởi vì chính Ngài đã xác quyết trước mặt Philatô:

- Nếu từ trên chẳng ban cho ông, thì ông chẳng có quyền hành gì trên tôi.

Thế nhưng quan niệm về quyền hành của Chúa Giêsu hoàn toàn khác biệt với quan niệm về quyền hành của thế gian. Bởi vì theo Ngài, quyền hành là để phục vụ chứ không phải là để hống hách, chèn ép và hưởng thụ:

- Thủ lãnh các dân ngoại thì cai trị và chuyên chế, còn giữa các ngươi thì không được như vậy, ai muốn làm lớn thì hãy trở nên rốt hết và trở nên đầy tớ cho mọi người.

Chính Ngài, trong bữa tiệc ly cũng đã nói với các môn đệ:

- Mặc dầu các con gọi Ta là Thầy và là Chúa thì phải lắm. Nhưng nếu Ta là Thầy và là Chúa mà còn quỳ gối rửa chân cho các con, thì các con cũng phải rửa chân cho nhau.

Cũng trong chiều hướng đó mà các vị Giáo hoàng vốn tự xưng mình là “servus servorum”, đầy tớ của các đầy tớ. Ba vị cột trụ của Giáo Hội được chứng kiến việc Chúa biến hình, không phải là để các ông được hưởng một kinh nghiệm lý thú như Phêrô đã tưởng: Lạy Thầy, chúng con ở đây thì thật là hay quá, nhưng là để các ông sau này biết vận dụng quyền hành theo một ý nghĩa mới mà Ngài đã đề ra đó là phục vụ.

Còn chúng ta thì sao? Liệu chúng ta đã đổi mới quan niệm của chúng ta theo quan niệm của Chúa Giêsu hay chưa? Liệu chúng ta đã đổi mới cái nhìn của chúng ta theo cái nhìn của Chúa Giêsu hay chưa? Có nghĩa là chúng ta đã thực thi giới luật yêu thương, đã sống tinh thần phục vụ, đã có được những hành động bác ái an ủi, khích lệ và giúp đỡ những người chung quanh hay chưa?

Bởi vì trong ngày sau hết chúng ta sẽ không bị xét xử về địa vị xã hội, mà sẽ bị xét xử về những hành động bác ái yêu thương mà chúng ta đã làm hay không làm cho những người chung quanh. Có như vậy chúng ta mới xứng đáng được tham dự vào cuộc biến hình vinh quang trong ngày sau hết.

 

Hãy nghe lời con yêu dấu của Ta! – SN Song ngữ lễ Chúa Hiển Dung

 

Wednesday (August 5): Listen to my beloved Son

Gospel Reading:  Mark 9:2-10

2 Six days later, Jesus took with him Peter and James and John, and led them up a high mountain apart, by themselves. And he was transfigured before them, 3 and his clothes became dazzling white, such as no one on earth could bleach them. 4 And there appeared to them Elijah with Moses, who were talking with Jesus. 5 Then Peter said to Jesus, “Rabbi, it is good for us to be here; let us make three dwellings, one for you, one for Moses, and one for Elijah.” 6 He did not know what to say, for they were terrified. 7 Then a cloud overshadowed them, and from the cloud there came a voice, “This is my Son, the Beloved; listen to him!” 8 Suddenly when they looked around, they saw no one with them any more, but only Jesus. 9 As they were coming down the mountain, he ordered them to tell no one about what they had seen, until after the Son of Man had risen from the dead. 10 So they kept the matter to themselves, questioning what this rising from the dead could mean.

Thứ Tư    5-8                Hãy nghe lời con yêu dấu của Ta!

 

 Mc 9,2-10

 2 Sáu ngày sau, Đức Giê-su đem các ông Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an đi theo mình. Người đưa các ông đi riêng ra một chỗ, chỉ mình các ông thôi, tới một ngọn núi cao. Rồi Người biến đổi hình dạng trước mắt các ông.3 Y phục Người trở nên rực rỡ, trắng tinh, không có thợ nào ở trần gian giặt trắng được như vậy.4 Và ba môn đệ thấy ông Ê-li-a cùng ông Mô-sê hiện ra đàm đạo với Đức Giê-su.5 Bấy giờ, ông Phê-rô thưa với Đức Giê-su rằng: “Thưa Thầy, chúng con ở đây, thật là hay! Chúng con xin dựng ba cái lều, một cho Thầy, một cho ông Mô-sê, và một cho ông Ê-li-a.”6 Thực ra, ông không biết phải nói gì, vì các ông kinh hoàng.7 Bỗng có một đám mây bao phủ các ông. Và từ đám mây, có tiếng phán rằng: “Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người.”8 Các ông chợt nhìn quanh, thì không thấy ai nữa, chỉ còn Đức Giê-su với các ông mà thôi.9 Ở trên núi xuống, Đức Giê-su truyền cho các ông không được kể lại cho ai nghe những điều vừa thấy, trước khi Con Người từ cõi chết sống lại.10 Các ông tuân lệnh đó, nhưng vẫn bàn hỏi nhau xem câu “từ cõi chết sống lại” nghĩa là gì.

Meditation: 

Are you prepared to see the glory of the Lord and to share in his glory as well? The Lord Jesus is eager to share his glory with us! We get a glimpse of this when some of the disciples see Jesus transfigured in glory on a high mountain. [In many churches of the east and west this event is celebrated as a major feast on August 6.] Jesus often went to a lonely place to pray – to seek solitude and sanctuary away from the crowds. But on this occasion, Jesus’ face became radiant like the sun and his clothing became dazzling white (Matthew 17: 2 and Luke 9:29).

 

 

This vision of radiant light and glory is prefigured in the prophecy of Daniel. In chapter 7 of the Book of Daniel in the Old Testament we see a vision of the “Son of Man who came with the clouds of heaven” and was presented before the royal court of heaven and the “Ancient of Days” who is clothed in a radiant garment “white as snow” (Daniel 7:9,13). The prophet Daniel foretold that God would send his Anointed One, the Son of Man who would come on the clouds of heaven to bring God’s reign of glory and righteousness on the earth (see Daniel 7:13-15). Daniel’s vision describes a royal investiture of a human king before God’s throne. The Son of Man is a Messianic title for God’s anointed King, the Lord Jesus Christ. The New Testament word for “Messiah” is “Christ” which literally means the “Anointed One” or the “Anointed King”. God sent us his Son not to establish an earthly kingdom but to bring us into his heavenly kingdom – a kingdom ruled by truth, justice, peace, and holiness. The kingdom of God is the central theme of Jesus’ mission. It’s the core of his Gospel message.

 

 

 

The Lord Jesus came to fulfil all that Moses and the prophets spoke

 Jesus on three occasions told his disciples that he would undergo suffering and death on a cross to fulfil the mission the Father gave him. As the time draws near for Jesus’ ultimate sacrifice on the cross, he takes three of his beloved disciples to the top of a high mountain. Just as Moses and Elijah were led to the mountain of God to discern their ultimate call and mission, so Jesus now appears with Moses and Elijah on the highest mountain overlooking the summit of the promised land. Matthew’s Gospel tells us that Jesus was transfigured before them, and his face shone like the sun, and his garments became white as light (Matthew 17:2).

Jesus reveals his glory to the apostles and to us

Why did Jesus appear in dazzling light with Moses and Elijah? The book of Exodus tells us that when Moses had met with God on Mount Sinai the skin of his face shone because he had been talking with God (Exodus 34:29). Paul the Apostle wrote that the Israelites could not look at Moses’ face because of its brightness (2 Corinthians 3:7). After Elijah, the greatest of the prophets had destroyed all the priests and idols of Baal in the land, he took refuge on the mountain of God at Sinai. There God showed Elijah his glory in great thunder, whirlwind, and fire, and then spoke with him in a still quiet voice. God questioned Elijah, “What are you doing here?” And then directed him to go and fulfil the mission given him by God. Jesus, likewise, appears in glory with Moses and Elijah, as if to confirm with them that he, too, is ready to fulfil the mission which the Father has sent him to accomplish.

 

Jesus went to the mountain knowing full well what awaited him in Jerusalem – betrayal, rejection, and crucifixion. Jesus very likely discussed this momentous decision to go to the cross with Moses and Elijah. God the Father also spoke with Jesus and gave his approval: This is my beloved Son; listen to him. The Father glorified his son because he was faithful and willing to obey him in everything. The cloud which overshadowed Jesus and his apostles fulfilled the dream of the Jews that when the Messiah came to the cloud of God’s presence would fill the temple again (see Exodus 16:10, 19:9, 33:9; 1 Kings 8:10; 2 Maccabees 2:8).

Christ’s way to glory

The Lord Jesus not only wants us to see his glory – he wants to share this glory with us. And Jesus shows us the way to the Father’s glory – follow me – obey my words. Take the path I have chosen for you and you will receive the blessing of my Father’s kingdom – your name, too, will be written in heaven. Jesus fulfilled his mission on Calvary where he died for our sins so that Paradise and everlasting life would be restored to us. He embraced the cross to win a crown of glory – a crown that awaits each one of us, if we, too, will follow in his footsteps.

 

 

Origen (185-254 AD), a noted early church bible scholar and teacher, explains the significance of Jesus’ transfiguration for our own lives:

 

“Do you wish to see the transfiguration of Jesus? Behold with me the Jesus of the Gospels. Let him be simply apprehended. There he is beheld both “according to the flesh” and at the same time in his true divinity. He is beheld in the form of God according to our capacity for knowledge. This is how he was beheld by those who went up upon the lofty mountain to be apart with him. Meanwhile, those who do not go up the mountain can still behold his works and hear his words, which are uplifting. It is before those who go up that Jesus is transfigured, and not to those below. When he is transfigured, his face shines as the sun, that he may be manifested to the children of light, who have put off the works of darkness and put on the armour of light. They are no longer the children of darkness or night but have become the children of the day. They walk honestly as in the day. Being manifested, he will shine to them not simply as the sun but as he is demonstrated to be, the sun of righteousness.” (Commentary on Matthew)

 

 

Luke’s Gospel tells us that while Jesus was transfigured, Peter, James, and John were asleep (Luke 9:32)! Upon awakening, they discovered Jesus in glory along with Moses and Elijah. How much do we miss God’s glory and action because we are asleep spiritually? There are many things which can keep our minds asleep to the things of God: Mental lethargy and the “unexamined life” can keep us from thinking things through and facing our doubts and questions. The life of ease can also hinder us from considering the challenging or disturbing demands of Christ. Prejudice can make us blind to something new the Lord may have for us. Even sorrow can be a block until we can see past it to the glory of God.

 

 

 

 

We are partakers of his glory 

Are you spiritually awake? Peter, James, and John were privileged witnesses of the glory of Christ. We, too, as disciples of Jesus Christ are called to be witnesses of his glory. We all, with unveiled face, beholding the glory of the Lord, are being changed into his likeness from one degree of glory to another; for this comes from the Lord who is the Spirit (2 Corinthians 3:18). The Lord wants to reveal his glory to us, his beloved disciples. Do you seek his presence with faith and reverence?

 

 

 

“Lord Jesus, keep me always alert to you, to your word, your action, and your constant presence in my life. Let me see your glory.”

Suy niệm:

 

Bạn có sẵn sàng nhìn thấy vinh quang của Chúa và chia sẻ vinh quang của Người chưa? Chúa Giêsu mong muốn chia sẻ vinh quang của Người với chúng ta! Chúng ta có một cái nhìn thoáng qua về điều này khi các môn đệ nhìn thấy Đức Giêsu biến hình trong vinh quang trên núi cao (Trong nhiều giáo hội Đông phương và Tây phương, biến cố này được mừng kính như lễ trọng vào ngày 6 tháng 8). Đức Giêsu thường đến nơi hoang vắng để cầu nguyện – tìm nơi tĩnh mịch và thánh thiêng xa cách đám đông. Nhưng vào dịp này, khuôn mặt của Đức Giêsu trở nên sáng chói như mặt trời và y phục của Người trở nên trắng và rực rỡ (Mt 17,2 và Lc 9,29).

Thị kiến ánh sáng rực rỡ và vinh quang này được tiên báo trong lời tiên tri của ngôn sứ Đanien. Trong chương 7 sách Đanien trong Cựu ước, chúng ta thấy thị kiến về “Con Người, Đấng đến với đám mây từ trời” và hiện diện trước triều thần thiên quốc và “Đấng Lão Thành”, Đấng trang phục trong chiếc áo sáng rực “trắng như tuyết” (Đn 7,9.13). Ngôn sứ Đanien đã tiên báo rằng Thiên Chúa sẽ sai Đấng được xức dầu, Con Người sẽ đến trên đám mây trời để đem lại vương quốc vinh quang và công chính của Thiên Chúa trên trái đất (Đn 7,13-15). Thị kiến của Đanien mô tả lễ phong chức của vua nhân loại trước ngai tòa Thiên Chúa. Con Người là danh xưng Mêsia cho Vua được xức dầu của Thiên Chúa, là Chúa Giêsu Kitô. Từ ngữ Tân ước cho “Đấng Mêsia” là “Đức Kitô”, nghĩa là “Đấng được xức dầu” hay “Vua được xức dầu”. Thiên Chúa gởi đến cho chúng ta Con của Người không phải để thiết lập một vương quốc trần thế, nhưng đưa chúng ta vào Thiên quốc của Người – vương quốc của sự thật, công bình, bình an, và thánh thiện. Vương quốc Thiên Chúa là chủ đề chính của sứ mạng Đức Giêsu. Nó là cốt lõi sứ điệp Tin mừng của Người.

Chúa Giêsu đến để hoàn thành tất cả những gì Môisen và các ngôn sứ đã nói   

 Vào 3 dịp, Đức Giêsu đã nói với các môn đệ rằng Người sẽ chịu đau khổ và chết trên thập giá để hoàn thành sứ mạng mà Cha đã trao phó. Khi gần tới thời gian cho sự hy sinh cuối cùng của Đức Giêsu trên thập giá, Người đem ba môn đệ yêu dấu lên đỉnh núi cao. Giống như Môisen và Êlia được dẫn lên núi Chúa để nhận thức ơn gọi và sứ mạng cuối cùng của mình, Đức Giêsu giờ đây cũng cùng với Môisen và Êlia trên núi cao nhất để nhìn xem miền đất hứa. Tin mừng Matthew nói với chúng ta rằng Đức Giêsu biến đổi trước mắt họ, và mặt Người sáng chói như mặt trời, áo Người trắng như ánh sáng (Mâu thuẫn 17,2).

Đức Giêsu mặc khải vinh quang cho các tông đồ và cho chúng ta

Tại sao Đức Giêsu xuất hiện trong ánh sáng rực rỡ với Môisen và Êlia? Sách Xuất hành nói với chúng ta rằng khi Môisen gặp Thiên Chúa trên núi Sinai thì da mặt ông chiếu sáng, bởi vì ông được nói chuyện với Thiên Chúa (Xh 34,29). Thánh Phaolô nói rằng dân Israel không thể nhìn vào mặt ông Môisen, bởi vì ánh sáng của nó (2Cr 3,7). Sau khi Êlia, vị ngôn sứ cao trọng nhất, đã tiêu diệt tất cả các thầy sải và thần tượng của Baan, ông đã chạy trốn trên núi của Thiên Chúa ở Sinai. Nơi đó Thiên Chúa đã tỏ cho Êlia thấy vinh quang của Người trong sấm chớp, gió lốc, và lửa, rồi nói với ông bằng giọng nói nhẹ nhàng. Thiên Chúa hỏi Êlia “Ngươi làm gì ở đây?” Và rồi sai ông đi để hoàn thành sứ mạng mà Thiên Chúa đã trao phó cho ông. Đức Giêsu cũng giống như vậy, hiện ra trong vinh quang với Môisen và Êlia, như thể để xác nhận với họ rằng Người cũng sẵn sàng để hoàn thành sứ mạng mà Cha đã sai Người đến để hoàn tất.

Đức Giêsu lên núi và biết rõ những gì đang chờ đợi Người ở Giêrusalem – sự phản bội, chống đối, và đóng đinh của Người. Đức Giêsu dường như thảo luận quyết định đi tới thập giá quan trọng này với Môisen và Êlia. Chúa Cha cũng nói với Đức Giêsu với sự chứng nhận: Đây là con yêu dấu của Ta, hãy vâng nghe lời Người. Chúa Cha đã tôn dương Con vì Người đã vâng phục. Đám mây che phủ Đức Giêsu và các tông đồ đã thực hiện giấc mơ của người Dothái rằng khi Đấng Mêsia đến, đám mây của sự hiện diện của Chúa sẽ bao phủ đền thờ một lần nữa (Xh 16,10; 19,9; 33,9; 1V 8,10; 2Mcb 2,8).

Con đường tới vinh quang của Đức Kitô  

Chúa Giêsu không chỉ muốn chúng ta nhìn thấy vinh quang của Người – mà còn muốn chia sẻ vinh quang này với chúng ta. Và Đức Giêsu tỏ cho chúng ta con đường tới vinh quang của Cha: hãy theo Ta – vâng phục lời Ta. Hãy theo con đường Ta đã chọn cho con và con sẽ nhận được phúc Thiên đàng của Cha – tên con cũng sẽ được ghi trên trời. Đức Giêsu đã hoàn thành sứ mạng của mình trên đồi Canvê, nơi Người đã chết cho tội lỗi chúng ta để Thiên đàng và sự sống vĩnh cửu được trả lại cho chúng ta. Người đón lấy thập giá để dành lấy triều thiên vinh quang – triều thiên đang chờ đợi mỗi người chúng ta, nếu chúng ta cũng đi theo bước chân Người đã đi.

Ôrigênê thành Alexandria (185-254 AD), nhà chú giải và thầy dạy Kinh thánh giải thích ý nghĩa của sự biến hình của Đức Giêsu có thể thay đổi đời sống chúng ta như thế nào:

“Bạn có muốn nhìn thấy sự biến hình của Đức Giêsu không? Hãy nhìn với tôi Đức Giêsu của các Tin mừng. Hãy hiểu biết Người cách đơn giản. Nơi đó Người được nhìn thấy vừa “theo tính xác phàm” và đồng thời vừa theo thần tính đích thật. Người được nhìn thấy trong hình dạng của Thiên Chúa theo khả năng hiểu biết của chúng ta. Đây là cách thức Người được nhìn thấy bởi những ai lên núi cao cùng với Người. Trong khi những người không lên núi vẫn có thể nhìn thấy các việc làm của Người, nghe lời Người nói, đang được nâng cao. Đó là cho những người đi lên trước đó mà Chúa Giêsu được biến hình, chứ không phải cho những người dưới đây. Khi Người biến hình, mặt Người cũng chiếu sáng như mặt trời, đến nỗi Người có thể được biểu lộ cho con cái sự sáng, những người từ bỏ những công việc của bóng tối, và mang lấy áo giáp sự sáng. Họ không còn là con cái của bóng tối hay đêm đen nữa, nhưng trở nên con cái ban ngày. Họ mạnh dạn bước đi như giữa ban ngày. Rõ ràng, Người sẽ chiếu sáng trên họ không chỉ đơn giản như mặt trời, nhưng như sự biểu lộ của mặt trời công chính” (chú giải Tin mừng Matthew).

Tin mừng Luca kể lại cho chúng ta rằng khi Đức Giêsu biến hình, Phêrô, Giacôbê, và Gioan đang ngủ (Lc 9,32)! Khi thức dậy, họ thấy Đức Giêsu trong vinh quang với Môisen và Êlia. Biết bao lần chúng ta đã bỏ qua sự vinh quang và hành động của Chúa, bởi vì linh hồn chúng ta đang ngủ? Có nhiều thứ có thể làm cho tâm trí chúng ta mê ngủ trước những việc của Thiên Chúa: tính thờ ơ của tinh thần, và “cuộc đời không kiểm điểm” có thể ngăn cản chúng ta không suy nghĩ đến các việc một cách thấu đáo, khi đứng trước những hoài nghi và vấn nạn. Cuộc sống dễ dãi cũng có thể  ngăn cản chúng ta không suy nghĩ tới những lệnh truyền đòi hỏi hay khó chịu của Đức Kitô. Thành kiến có thể làm cho chúng ta mù quáng trước những điều mới mẽ mà Chúa muốn cho chúng ta biết. Thậm chí đau khổ có thể là chướng ngại vật cho tới khi chúng ta nhìn thấy vinh quang Thiên Chúa đàng sau nó.

Chúng ta là những người chia sẻ vinh quang của Người

Tâm hồn bạn có tỉnh thức không? Phêrô, Giacôbê, và Gioan đã được diễm phúc chứng kiến vinh quang của Đức Kitô. Chúng ta, các môn đệ của Đức Kitô, cũng được mời gọi làm chứng cho vinh quang của Người. Như vậy, tất cả chúng ta được biến đổi nên giống cũng một hình ảnh đó, ngày càng trở nên rực rỡ hơn, như do bởi tác động của Chúa là Thần Khí (2Cor 3: 18). Chúa muốn tỏ lộ vinh quang của Người cho chúng ta, là các môn đệ yêu dấu của Người. Bạn có tìm kiếm sự hiện diện của Chúa với lòng tin và lòng sốt mến không?

Lạy Chúa Giêsu, xin giúp con luôn tỉnh thức với Chúa, với lời Chúa, với hành động của Chúa, và với sự hiện diện hằng ngày của Chúa trong cuộc đời con. Xin Chúa cho con được thấy vinh quang của Người.

 

Tác giả: Don Schwager
(http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/)
Bro. Paul Thanh Vu – chuyển ngữ

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây