Thứ năm tuần 17 thường niên

Thứ tư - 29/07/2020 08:11

Thứ năm tuần 17 thường niên. – Thánh Phêrô Kim Ngôn, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh. Lễ nhớ.

"Người ta lựa cá tốt bỏ vào giỏ, còn cá xấu thì ném ra ngoài".

 

* Chào đời khoảng năm 380 ở miền I-mô-la, Ê-mi-li-a, cũng tại đó, người đã làm linh mục, rồi khoảng năm 424-431 được chọn làm giám mục Ra-ven-na.

Trong tư cách mục tử, người nuôi dưỡng đoàn chiên đặc biệt bằng những bài giảng uyên thâm. Chắc hẳn vì thế mà người được mệnh danh là Kim Ngôn. Khi giảng, người luôn tâm niệm rằng: “Phải giảng cho dân chúng bằng ngôn ngữ của dân chúng”. Người qua đời khoảng năm 450.

 

Lời Chúa: Mt 13, 47-53

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân chúng rằng: "Nước trời lại giống như lưới thả dưới biển, bắt được mọi thứ cá. Lưới đầy, người ta kéo lên bãi, rồi ngồi đó mà lựa chọn: cá tốt thì bỏ vào giỏ, còn cá xấu thì ném ra ngoài. Đến ngày tận thế cũng như vậy: các thiên thần sẽ đến mà tách biệt kẻ dữ ra khỏi người lành, rồi ném những kẻ dữ vào lò lửa: ở đó sẽ phải khóc lóc nghiến răng. Các ngươi có hiểu những điều đó không?" Họ thưa: "Có".

Người liền bảo họ: "Bởi thế, những thầy thông giáo am tường về Nước trời cũng giống như chủ nhà kia, hay lợi dụng những cái cũ, mới trong kho mình". Khi Chúa Giêsu phán các dụ ngôn đó xong, thì Người rời khỏi nơi ấy.

 

 

Suy Niệm 1: Cá tốt cho vào giỏ

Suy niệm :

Dụ ngôn chiếc lưới được coi là dụ ngôn cuối cùng

trong một chuỗi bảy dụ ngôn của chương 13 theo Tin Mừng Mátthêu.

Dụ ngôn này có nhiều điểm tương đồng với dụ ngôn lúa và cỏ lùng.

Cả hai đều nói đến sự tách biệt kẻ xấu và người tốt vào ngày tận thế,

và kẻ xấu sẽ bị Thiên Chúa luận phạt nghiêm minh (cc. 42. 50).

Đức Giêsu đã dùng những hình ảnh quen thuộc, gần gũi để nói về Nước Trời.

Có khi là hình ảnh nông nghiệp như dụ ngôn người gieo giống,

dụ ngôn lúa và cỏ lùng, hay dụ ngôn hạt cải.

Có khi là hình ảnh về chăn nuôi như dụ ngôn về người mục tử.

Có khi là hình ảnh về ngư nghiệp như trong dụ ngôn chiếc lưới.

Một số môn đệ của Ngài đã sống bằng nghề chài lưới ở hồ Galilê.

Thời xưa việc đánh cá ở hồ này cũng đơn giản như ở quê ta ngày nay.

Những ngư phủ đi trên những chiếc thuyền nhỏ.

Họ quăng lưới vào những nơi thấy dấu hiệu có cá đang đi.

Lưới với những hòn chì nặng sẽ chụp xuống đàn cá và họ chỉ cần kéo vào bờ.

Một chi tiết đáng chú ý ở đây là họ gom được mọi loại cá, cả tốt lẫn xấu.

Hình ảnh này gợi cho ta về việc mọi người, bất luận tốt xấu,

đều được mời gọi tham dự bàn tiệc Nước Trời (Mt 22, 9-10).

Trong Hội Thánh, cũng có sự pha trộn giữa người tốt, kẻ xấu,

như được ám chỉ trong dụ ngôn lúa và cỏ lùng.

Ở các tỉnh ven hồ Galilê, ta dễ thấy cảnh tượng các ngư phủ ngồi trên bờ,

gom cá đánh được trong ngày, giữ lại cá tốt, quăng đi cá xấu.

Chỉ khi lưới đầy, họ mới làm công việc lựa cá như vậy (c. 48).

Tương tự như trên, chỉ khi đến ngày tận thế, các thiên thần mới xuất hiện

để tách biệt kẻ xấu ra khỏi người công chính (c. 49).

Như thế tình trạng hiện nay của Hội Thánh vẫn là chưa hoàn hảo.

Không phải mọi Kitô hữu đều đã sống tinh thần Bài Giảng trên núi.

Có những Kitô hữu không sinh trái, vì hạt giống nhận được đã bị thui chột,

bởi thử thách gian nan hay mối lo toan vật chất (Mt 13, 18-22).

Có những Kitô hữu tuy vẫn kêu Đức Giêsu là Lạy Chúa ! (Mt 7, 21-23),

vẫn nhân danh Ngài mà nói tiên tri, trừ quỷ hay làm phép lạ,

nhưng lại không thi hành ý muốn của Cha trên trời và làm điều gian ác.

Có những Kitô hữu dự tiệc cưới mà không mặc áo cưới (Mt 22, 11-13).

Có những Kitô hữu là muối nhạt, đã trở thành vô dụng (Mt 5, 13).

Như thế gia nhập Hội Thánh không phải là một bảo đảm để được cứu độ.

Còn cần sống hoàn thiện như Cha trên trời (Mt 5, 48).

Thời nay chúng ta không thích nghĩ đến những chuyện bị coi là xa xôi,

như chuyện tận thế, chuyện Thiên Chúa phán xét và luận phạt.

Chúng ta thích sống yên ổn với một Thiên Chúa nhân hậu vô cùng,

đến độ có vẻ như hỏa ngục chỉ là chuyện viển vông để dọa con nít.

Nhưng dù sao cũng không tránh được ngày cỏ lùng bị tách khỏi lúa,

cá xấu bị tách khỏi cá tốt, kẻ bất lương bị tách khỏi người lành.

Cuối cùng Nước Trời sẽ không còn chút bóng dáng của sự dữ,

và Thiên Chúa sẽ là mọi sự cho mọi người (1 Cr 15, 28).

 

Cầu nguyện :

Lạy Chúa Giêsu,

xin thương nhìn đến Hội Thánh

là đàn chiên của Chúa.

Xin ban cho Hội Thánh

sự hiệp nhất và yêu thương,

để làm chứng cho Chúa

giữa một thế giới đầy chia rẽ.

Xin cho Hội Thánh

không ngừng lớn lên như hạt lúa.

Xin đừng để khó khăn làm chúng con chùn bước,

đừng để dễ dãi làm chúng con ngủ quên.

Ước gì Hội Thánh trở nên men

được vùi sâu trong khối bột loài người

để bột được dậy lên và trở nên tấm bánh.

Ước gì Hội Thánh thành cây to bóng rợp

để chim trời muôn phương rủ nhau đến làm tổ.

Xin cho Hội Thánh

trở nên bàn tiệc của mọi dân nước,

nơi mọi người được hưởng niềm vui và tự do.

Cuối cùng xin cho chúng con

biết xây dựng một Hội Thánh tuyệt vời,

nhưng vẫn chấp nhận cỏ lùng trong Hội Thánh.

Ước gì khi thấy Hội Thánh ở trần gian,

nhân loại nhận ra Nước Trời ở gần bên. Amen.

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

 

Suy Niệm 2: Thái Ðộ Bao Dung

Có một Bác sĩ nọ tìm đến với một vị Giám mục cao niên và tuyên bố: "Thưa Ðức Cha, con đến để thông báo cho Ðức Cha biết con đang nghĩ đến chuyện ra khỏi Giáo Hội, Ðức Cha nghĩ sao?".

Vị Giám mục yêu cầu ông cho biết một vài lý do khiến ông có ý định đó. Viên Bác sĩ nhìn thẳng vào mắt vị Giám mục và nói: "Thưa Ðức Cha, Ðức Cha nghĩ coi: Giáo Hội đã có mặt trên trần gian này 2,000 năm nay, thế mà con người có khá hơn không?".

Vị Giám mục bình tĩnh trả lời: "Bác sĩ nói thật chí lý, nhưng Bác sĩ hãy thử nghĩ lại: nước đã xuất hiện trên mặt đất này từ bao nhiêu triệu năm nay, vậy mà ngày nào Bác sĩ cũng như tôi, ai cũng phải rửa tay".

Nghe thế, viên Bác sĩ thinh lặng ra về, ông không còn nghĩ đến chuyện rời bỏ Giáo Hội nữa.

Với bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy có thái độ kiên nhẫn bao dung hơn đối với Giáo Hội của Ngài. Qua hình ảnh chiếc lưới thả xuống biển, kéo lên với đủ loại cá, trong đó người ta giữ lại những con cá tốt và ném đi những con cá xấu, Chúa Giêsu muốn nói với chúng ta rằng cuộc gặp gỡ giữa Thiên Chúa và con người chỉ được thực hiện trọn vẹn vào ngày cánh chung mà thôi, trong khi chờ đợi, thì người môn đệ của Ngài cần có thái độ kiên nhẫn, bao dung.

Giáo Hội là Thân Thể của Chúa Kitô. Tự bản chất, Giáo Hội là thánh thiện, như chúng ta vẫn tuyên xưng trong Kinh Tin Kính, nhưng Giáo Hội thánh thiện ấy lại gồm những con người tội lỗi. Ý thức cơ bản và quan trọng nhất của người Kitô hữu chính là luôn nhận biết mình là tội nhân, để từ đó kêu cầu lòng thương xót của Chúa và sự tha thứ của anh em. Thiếu ý thức ấy, người Kitô hữu sẽ rơi vào thái độ kiêu căng giả hình của những người Biệt phái bị Chúa Giêsu lên án gắt gao. Ðồng hành với nhân loại, mang đến cho nhân loại Tin Mừng cứu rỗi, cũng như Chúa Giêsu, Ðấng cứu độ, Giáo Hội chỉ có thể thực thi sứ mệnh của mình với thái độ kiên nhẫn, cảm thông, yêu thương, tha thứ mà thôi. Không ngôn ngữ nào hùng hồn hơn, không sứ điệp nào có tính thuyết phục hơn lòng nhân từ, sự khoan dung và tha thứ. Cái chết của Chúa Giêsu trên Thập giá là tuyệt đỉnh của hành động cứu rỗi của Ngài và lôi kéo mọi người lên với Ngài.

Luôn ý thức về thân phận tội lỗi yếu hèn của mình, không ngừng cảm thông với những thiếu sót bất toàn trong Giáo Hội, cố gắng thực thi lòng nhân từ bao dung với mọi người, đó là thách đố đang đặt ra cho người Kitô hữu chúng ta hơn bao giờ hết. Xin Chúa khơi dậy trong tâm hồn chúng ta lòng yêu mến Giáo Hội được thể hiện bằng những cử chỉ cảm thông bao dung, kiên nhẫn mỗi ngày.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 3: Tự do

“Nước Trời còn giống như chuyện một chiếc lưới thả xuống biển, gom được đủ thứ cá. Khi lưới đầy, người ta kéo lên bãi, rồi ngồi nhặt cá tốt cho vào giỏ, còn cá xấu thì vứt ra ngoài. Đến ngày tận thế, cũng sẽ xảy ra như vậy. Các Thiên Thần sẽ xuất hiện và tách biệt kẻ xấu ra khỏi hàng ngũ người công chính. Và quăng chúng vào lò lửa. Ở đó, chúng sẽ phải khóc lóc nghiến răng.” (Mt. 13, 47-50)

“Anh em có hiểu tất cả những điều ấy không?” Đó là loại câu hỏi chỉ có thể gây bối rối. Khi ta hiểu biết rồi, mà sau đó lại không hành động theo, thì người ta có quyền chất vấn ta. Nếu hiểu biết sao anh lại làm ngược lại điều anh biết? Anh không chữa mình được. Nếu không hiểu biết sao anh không nói ra điều đó? Vì thế hiểu biết là điều quan trọng, chính sự hiểu biết biện minh họăc kết án cho thái độ, hành vi của ta.

Tôi chọn lựa.

Giống như trong các dụ ngôn khác, ta phải lưu ý điều này là ttc không xét xử cũng chẳng kết án: Người nhìn thấy mọi sự, Người biết hết tất cả rồi, và theo thiển ý tôi, “đương nhiên” có sự tách biệt hạt giống tốt với cỏ lùng, thì phải chăng chính sự thể rõ ràng như vậy rồi trước khi ông chủ có ý kiến? Trong mớ cá đủ loại có cá tốt cá xấu. Nhưng không phải Thiên Chúa xét xử và phân loại; cỏ lùng và cây lúa chúng đã khác nhau và phân biệt nhau rồi. Cũng vậy đến ngày tận thế, kẻ xấu sẽ bị tách ra khỏi hàng ngũ những người công chính, thì cũng không phải là do Chúa lên án, là bởi vì chính hành động của con người đã biết sống tự do hay nô lệ cho một chúa tể nào đó mà họ sùng bái.

Chúa hỏi chúng ta: “Anh em có hiểu không?” Hiểu cho rõ để rồi lựa chọn và lựa sự thiện bằng tất cả lòng thành tâm, thiện chí và trung thành. Đó chính là ý nghĩa thực của đời ta!

Tôi hiểu biết.

Chúa kết thúc dụ ngộn với lời: “Bởi vậy, bất cứ kinh sư nào được học hỏi về Nước Trời thì cũng giống như chủ nhà kia lấy ra từ trong kho tàng của mình cả cái mới lẫn cái cũ” Cái cũ đó là chủ đề về vương quyền của Thiên Chúa, chủ đề lớn thống lĩng toàn bộ lịch sử của dân Ít-ra-en. Chúa Giêsu đã đến cùng với Tin Mừng của Người làm cho vương quyền của Thiên Chúa nên trọn, đó là cái mới.

Như vậy truyền thống vẫn luôn luôn được sống động, như thường phải được giải thích theo sự am hiểu sâu xa hơn để có thể đạt cái mới đích thực và việc thực hiện luôn được hoàn hảo hơn.

 

Suy Niệm 4: CHÚA YÊU HẾT MỌI NGƯỜI  (Mt 13, 47-53)

“Thiên Chúa là Tình yêu” (1 Ga 4, 8), vì thế, Ngài luôn yêu thương hết mọi người không phân biệt tốt xấu, giàu nghèo hay chức vị cao thấp.

Bản chất đó hôm nay được Đức Giêsu mặc khải qua dụ ngôn “chiếc lưới”.

Qua dụ ngôn này, Đức Giêsu muốn nói: chiếc lưới như là Nước Trời. Chụp xuống biển là hành động Lời Chúa được trao ban. Bắt được đủ mọi thứ cá chính là mọi người đều được Lời Chúa dạy dỗ. Cá tốt, là những người nghe và thực hành Lời Chúa. Cá xấu là những người không nghe, hay có nghe nhưng Lời Chúa không biến đổi được họ vì sự ích kỷ và kiêu ngạo. Tuy nhiên, cá tốt và cá xấu đều tồn tại! Chỉ khi chiếc lưới chụp xuống và được kéo lên, lúc ấy chúng mới bị phân biệt. Cá tốt thì cho vào giỏ. Cá xấu thì quăng ra ngoài.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy là cá tốt trong chiếc lưới của Ngài. Đồng thời cũng dạy ta bài học về sự kiên nhẫn và sẵn sàng yêu thương hết mọi người. Biết mở lòng để đón nhận sự bất toàn của anh chị em mình, hầu chờ cơ hội để Chúa và cả chúng ta cải hóa anh chị em.

Cuối cùng chúng ta cần xác định quyền xét xử là của Chúa và do Chúa. Bổn phận của chúng ta là tin tưởng, cậy trông vào lòng thương xót của Thiên Chúa.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con tin tưởng, phó thác nơi Chúa, cậy dựa vào ơn Chúa để can đảm biến đổi. Xin cho chúng con được trở thành cá tốt trong ngày sau hết để được Chúa cho vào giỏ của Chúa là Nước Trời. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

Huấn luyện cho Nước Trời – SN song ngữ 30.7.2020

Thursday (July 30):  Trained for the kingdom of heaven

Scripture:  Matthew 13:47-53

47 “Again, the kingdom of heaven is like a net which was thrown into the sea and gathered fish of every kind; 48 when it was full, men drew it ashore and sat down and sorted the good into vessels but threw away the bad. 49 So it will be at the close of the age. The angels will come out and separate the evil from the righteous, 50 and throw them into the furnace of fire; their men will weep and gnash their teeth. 51 “Have you understood all this?” They said to him, “Yes.” 52 And he said to them, “Therefore every scribe who has been trained for the kingdom of heaven is like a householder who brings out of his treasure what is new and what is old.” 53 And when Jesus had finished these parables, he went away from there.

Thứ Năm    30-7           Huấn luyện cho nước trời

 

Mt 13,47-53

47 “Nước Trời lại còn giống như chuyện chiếc lưới thả xuống biển, gom được đủ thứ cá.48 Khi lưới đầy, người ta kéo lên bãi, rồi ngồi nhặt cá tốt cho vào giỏ, còn cá xấu thì vứt ra ngoài.49 Đến ngày tận thế, cũng sẽ xảy ra như vậy. Các thiên thần sẽ xuất hiện và tách biệt kẻ xấu ra khỏi hàng ngũ người công chính,50 rồi quăng chúng vào lò lửa. Ở đó, chúng sẽ phải khóc lóc nghiến răng.51 “Anh em có hiểu tất cả những điều ấy không? ” Họ đáp: “Thưa hiểu.”52 Người bảo họ: “Bởi vậy, bất cứ kinh sư nào đã được học hỏi về Nước Trời, thì cũng giống như chủ nhà kia lấy ra từ trong kho tàng của mình cả cái mới lẫn cái cũ.”53 Khi Đức Giê-su kể các dụ ngôn ấy xong, Người đi khỏi nơi đó.

Meditation: 

What can a story of a dragnet and a great catch of fish tell us about God’s kingdom? The two most common ways of fishing in Jesus’ time was with a casting-net (or hand-net) which was thrown from the shore and the drag-net or trawl which was let down or cast into the waters from a boat. As the boat moved through the waters the dragnet was drawn into the shape of a great cone which indiscriminately took in all kinds of fish and flotsam and jetsam swept in its path. It usually took several men to haul such a net to shore.

Reward and judgment at the end of the age 

What is Jesus’ point here? Just as a drag-net catches every kind of fish in the sea, so the church acts as God’s instrument for gathering in all who will come. Just as the drag-net does not or cannot discriminate, so the church does not discriminate between the good and the bad, the useless and the useful. God’s kingdom is open to all who will accept and believe. But there will come a time of separation, at the close of the age when the Lord Jesus returns again and sends out his angels who will separate the good and the bad and then send them to their respective destinations. Our duty in this present age is to gather in all who want to become citizens of God’s kingdom here on earth as well as in heaven above.

The Lord Jesus, when he comes again at the end of this age, will give to those who believed in him and his way of truth and righteousness a glorified resurrected body and a home in his everlasting kingdom. But for those who refused to follow the Lord Jesus and his merciful word of truth and righteousness, their destiny will be total separation and loss of joy and happiness with God and his community of redeemed men and women. The Lord Jesus freely offers the treasure of abundant life and everlasting joy to all who believe in him and accept him as their Lord and Savior. Do you yearn for total peace, joy, and union with God in his everlasting kingdom?

Trained for the kingdom of heaven 

What is the point of Jesus’ parable about a “scribe who has been trained for the kingdom of heaven” (Matthew 13:52)? Jewish scribes were especially devoted to the study and practice of the Word of God entrusted to Moses (the first five books of the Bible) and in instructing others in how to live according to God’s commandments and way of holiness. In the Old Testament Ezra was called “the ready scribe of the law of the God of heaven” (Book of Ezra 7:6,21). He received this title because he “had prepared his heart to seek the law of the LORD, and to do it, and to teach in Israel statutes and judgments” (Ezra 7:10). Ezra’s heart was set on the kingdom of heaven because he revered God’s word and he taught others through example and instruction to love and obey God’s word.

The old and new treasure of God’s word 

Why does Jesus compare a “trained scribe” with a “householder who brings out of his treasure what is new and what is old” (Matthew 13:52)? Some people love to store up old prized possessions along with their newly acquired prizes. Others are eager to get rid of the old to make room for the new. So why does Jesus seem to emphasize keeping the old along with the new? Why not replace the old, especially if the new seems to be better or more useful? Wouldn’t a person want to throw away an old pair of shoes and replace them with a new pair – especially if the old pair became well-worn or torn beyond repair? But, who in his right mind would throw away an old precious jewel or some old gold coins simply because they were ancient and maybe tarnished a bit? Precious gems and gold do not lose their value with age! Like choice vintage wine they increase in value. 

Jesus’ parable of the “old” and the “new” certainly points to the “older covenants” which God made with his covenanted people of the Old Testament, beginning with Abraham, Isaac, and Jacob, and with Moses on Mount Sinai, and with King David – the precursor of the Messiah (Psalm 89:3 and Psalm 110:1). Jesus’ parable also points to the “new covenant” which he came to establish through the shedding of his blood on the cross and the anointing of his Holy Spirit who seals the new covenant on the day of Pentecost. Jesus did not come to abolish the Old Covenant but to fulfil it. The Lord calls us to treasure all of his word – all of his commandments, promises, precepts, and teaching (Psalm 119:14,72,127,162). Do you promise to keep all of God’s commands? The Lord gives strength, blessing, and joy to those who treasure all of his words.

 

We would be impoverished today if we only possessed the treasures of the word of God in the “Old Testament” Scriptures or if we only knew the treasures of the “New Testament” Scriptures. Both the Old and New Testament Scriptures are given by the same eternal Father, inspired by the same eternal Holy Spirit, and fulfilled by the same eternal Word, the Lord Jesus Christ, who was with the Father from the beginning and who was sent from heaven to take on human flesh for our salvation (John 1:1-3,14).

Unity of the Old and New Testaments 

There is a profound unity between the Old and New Testaments. Both are divinely inspired by one and the same Spirit (2 Timothy 3:16). The Old Testament prepares for the New and the New Testament fulfils the Old – the two shed light on each other. The Old Testament prepared the way for the coming of Jesus Christ as the redeemer of all who would be saved through his sacrifice on the cross. The New Testament lies hidden in the Old and the Old Testament is unveiled in the New. That is why Jesus interpreted the Old Testament Scriptures for his disciples and explained how he came to fulfil what was promised and foreshadowed in the Old (Luke 24:27). That is why we read the Old Testament in the light of Christ’s saving death and resurrection. Do you revere the word of God in the Scriptures – both old and new – and see their fulfilment in the Lord Jesus Christ?

“Lord Jesus, may your word take deep root in my heart and transform my way of thinking, discerning, and acting. May your Spirit open my ears to hear and understand the word of God in the Scriptures that I may revere and treasure both the Old and the New Testaments which God has prepared for all who desire to enter his kingdom of righteousness, peace, and joy. Help me to be a diligent student and faithful disciple of your word.”

Suy niệm:

 

Câu chuyện về kéo lưới và bắt được một mẻ cá lớn nói với chúng ta điều gì về vương quốc của Thiên Chúa? Vào thời Đức Giêsu, hai cách bắt cá phổ thông nhất là dùng chài lưới quăng từ trên bờ và lưới kéo hay lưới vét, từ trên thuyền thả xuống hay ném xuống nước. Khi con thuyền di chuyển trên nước và lưới được kéo theo hình nón, sẽ bắt hết mọi thứ cá, kể cả những thứ nổi trên nước hay chìm dưới nước trong khi kéo. Thông thường phải có vài người đàn ông kéo một cái lưới như thế vào bờ.

Phần thưởng và xét xử vào thời cuối

Quan điểm của Đức Giêsu ở đây là gì? Giống như mẻ lưới cá bắt mọi thứ cá trong biển, cũng vậy, Giáo hội hành động như khí cụ của Thiên Chúa cho việc quy tụ tất cả mọi người đến với nhau. Cũng như mẻ cá không hay không thể phân biệt, thì Giáo hội cũng không phân biệt giữa người tốt và người xấu, người vô dụng và người có ích. Nước Thiên Chúa mở ra cho tất cả mọi người biết đón nhận và tin tưởng. Nhưng sẽ có lúc đến thời gian phân tách, vào thời kết thúc thời gian, khi Chúa Giêsu trở lại và sai các thiên thần đến phân biệt người tốt và người xấu đến những nơi dành sẵn cho họ. Bổn phận của chúng ta trong thời đại hiện tại này là đến quy tụ tất cả mọi người muốn trở nên công dân nước Thiên Chúa ở đây trên trái đất cũng như trên Thiên đàng.

Vào thời sau hết, khi Chúa Giêsu lại đến sẽ ban cho những ai tin tưởng vào Người và đi theo đường lối sự thật và công chính của Người một thân xác phục sinh vinh quang và ngôi nhà trong vương quốc vĩnh cửu của Người. Nhưng đối với những ai khước từ đi theo Chúa Giêsu và lời thương xót chân thật và công chính của Người, số phận của họ sẽ hoàn toàn tách biệt và đánh mất niềm vui và hạnh phúc với Thiên Chúa và cộng đoàn những người đã được cứu chuộc. Chúa Giêsu sẵn sàng ban kho báu sự sống sung mãn và niềm vui vĩnh cửu cho tất cả những ai tin vào Người và đón nhận Người là Chúa và là Đấng cứu độ của họ. Bạn có khao khát sự bình an, hoan lạc, và sự kết hiệp với Thiên Chúa trong vương quốc vĩnh cửu của Người không?

Rèn luyện cho nước trời

Quan điểm dụ ngôn của Đức Giêsu về “người kinh sư đã học hỏi về nước trời là gì” (Mt 13,52)? Các kinh sư đặc biệt dành trọn việc nghiên cứu và thực hành về lời Chúa đã trao phó cho Môisen (5 quyển sách đầu của Kinh thánh- ngũ thư) và trong việc hướng dẫn người khác làm thế nào để sống phù hợp với nó. Trong Cựu ước, Ezra được gọi là “kinh sư có khuynh hướng về lề luật của Thiên Chúa trên trời” (Sách Ezra 7,6.21). Ông có danh hiệu này bởi vì ông “đã dọn lòng để tìm kiếm lề luật của Đức Chúa và thực hiện nó và giảng dạy trong các đạo luật và phán quyết của dân Israel” (Ezra 7,10). Tâm hồn của Ezra đã hướng về nước trời bởi vì ông đã tôn kính lời Chúa và ông giảng dạy cho người khác ngang qua gương mẫu và sự hướng dẫn để yêu mến và vâng phục lời Chúa.

Kho báu cũ và mới của lời Chúa

Tại sao Đức Giêsu so sánh người “kinh sư đã được học hỏi” với “người chủ nhà, người tận dụng trong kho tàng của mình những gì mới và cũ” (Mt 13,52)? Một số người thích tích luỹ những sở hữu cũ quý giá cùng với những chiến lợi phẩm mới đã đạt được. Những người khác thì nóng lòng muốn vứt bỏ cái cũ để dành chỗ cho cái mới. Thế thì tại sao Đức Giêsu xem ra nhấn mạnh đến việc giữ cái cũ lẫn cái mới? Tại sao lại không thay thế cái cũ, đặc biệt nếu cái mới xem ra tốt đẹp hơn hay hữu ích hơn? Chẳng phải người ta muốn vứt bỏ đôi giày cũ và thay thế bằng đôi giày mới – đặc biệt nếu đôi giày cũ trở thành sờn rách hay bung ra không thể sửa được đó sao? Thế nhưng, ai lại có suy nghĩ sẽ vứt bỏ viên ngọc quý giá hay những đồng tiền vàng cỗ đơn giản bởi vì chúng cũ xưa và có thể bẩn thỉu một chút? Những viên ngọc quý và vàng không mất đi giá trị của nó với thời gian! Cũng giống như sự chọn lựa rượu nho vì chúng có giá trị hơn.

Dụ ngôn của Đức Giêsu về “cái cũ” và “cái mới” chắc hẳn nhắm tới “các giao ước cũ hơn” mà Thiên Chúa đã lập với dân giao ước của Người vào thời Cựu ước, bắt đầu từ Abraham, Isaac, Giacóp, với Môisen trên núi Sinai, với vua Đavít, vị tiền thân của Đấng Mêsia (Tv 89,3 và 110,1). Dụ ngôn của Đức Giêsu cũng nhắm tới “giao ước mới” mà Người đã đến để thiết lập ngang qua việc đổ máu mình ra trên thập giá và việc ban phát Thánh Thần của Người, Đấng đóng ấn giao ước mới vào ngày lễ Ngũ Tuần. Đức Giêsu đã không đến để bác bỏ Giao ước Cũ nhưng để hoàn thành nó. Đức Chúa kêu gọi chúng ta quý trọng tất cả lời Người – tất cả các điều răn, các lời hứa, các lề luật, và giáo huấn của Người (Tv 119,14.72.127.162). Bạn có hứa tuân giữ tất cả các điều răn của Thiên Chúa không? Đức Chúa ban sức mạnh, phúc lành, và niềm vui cho những ai quý trọng tất cả lời Người.

Ngày nay, chúng ta sẽ bị nghèo nàn nếu chúng ta chỉ độc chiếm những kho tàng của lời Chúa trong Kinh thánh “Cựu ước” hay nếu chúng ta chỉ biết những kho tàng của Kinh thánh “Tân ước”. Cả hai Kinh thánh Cựu ước và Tân ước được mặc khải bởi cùng Chúa Cha hằng hữu, được tác động bởi cùng Thánh Thần, và được hoàn thành bởi cùng Ngôi Lời hằng hữu, Chúa Giêsu Kitô, Đấng ở cùng Chúa Cha từ nguyên thủy và là Đấng từ trời sai tới để mặc lấy xác phàm hầu cứu độ chúng ta (Ga 1,1-3.14).

Sự thống nhất của Cựu và Tân ước

Có sự kết hợp chặt chẽ giữa Cựu ước và Tân ước. Cả hai đều được linh hứng cách tuyệt diệu bởi cùng một Thần Khí (2 Tim 3,16). Cựu ước chuẩn bị cho Tân ước và Tân ước hoàn thành Cựu ước – cả hai chiếu sáng cho nhau. Cựu ước chuẩn bị con đường cho việc Đức Giêsu Kitô đến với tư cách là Đấng cứu chuộc của mọi người, những người sẽ được cứu độ ngang qua hy tế của Người trên thập giá. Tân ước ẩn giấu trong Cựu ước và Cựu ước được bộc lộ trong Tân ước. Đó là lý do tại sao Đức Giêsu đã giải thích Kinh thánh Cựu ước cho các môn đệ và giải thích làm thế nào Người đến để hoàn tất những gì được hứa hẹn và tiên báo trong Cựu ước (Lc 24,27). Đó là lý do tại sao chúng ta đọc Cựu ước trong ánh sáng của sự chết và phục sinh của Đức Kitô. Bạn có tôn kính lời Chúa trong Kinh thánh – cả hai Cựu ước và Tân ước – và nhận ra sự hoàn thành của chúng trong Chúa Giêsu Kitô không?          

Lạy Chúa Giêsu, chớ gì lời Chúa ăn rễ sâu trong lòng con và biến đổi cách thức suy nghĩ, nhận thức, và hành động của con. Xin Thần Khí Chúa mở tai con để lắng nghe và hiểu biết lời Chúa trong Kinh thánh để con có thể tôn kính và quý trọng cả hai Cựu ước lẫn Tân ước mà Thiên Chúa đã chuẩn bị cho tất cả những ai ao ước tiến vào vương quốc công chính, bình an, và vui sướng của Người. Xin giúp con trở nên người môn sinh chăm chỉ và trở nên người môn đệ trung thành với lời Chúa.

 

Tác giả: Don Schwager
(http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/)
Bro. Paul Thanh Vu – chuyển ngữ

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây