Thứ Hai tuần 1 mùa vọng.
"Nhiều người từ phương đông và phương tây sẽ đến trong nước trời".
Lời Chúa: Mt 8, 5-11
Khi ấy, Chúa Giêsu vào thành Capharnaum, thì có một viên đại đội trưởng đến thưa Chúa rằng: "Lạy Thầy, thằng nhỏ nhà tôi đau nằm ở nhà, nó bị tê liệt và đau đớn lắm!" Chúa Giêsu phán bảo ông rằng: "Tôi sẽ đến chữa nó". Nhưng viên đại đội trưởng thưa Người rằng: "Lạy Thầy, tôi không đáng được Thầy vào dưới mái nhà tôi, nhưng xin Thầy chỉ phán một lời, thì thằng nhỏ của tôi sẽ lành mạnh. Vì chưng, cũng như tôi chỉ là người ở dưới quyền, nhưng tôi cũng có những người lính thuộc hạ, tôi bảo người này đi thì anh đi; tôi bảo người kia đến thì anh đến; tôi bảo gia nhân làm cái này thì nó làm!"
Nghe vậy, Chúa Giêsu ngạc nhiên và nói với những kẻ theo Người: "Quả thật, Ta bảo các ngươi, Ta không thấy một lòng tin mạnh mẽ như vậy trong Israel. Ta cũng nói cho các ngươi biết rằng: nhiều người từ phương đông và phương tây sẽ đến dự tiệc cùng Abraham, Isaac và Giacóp trong nước trời. Còn con cái trong nước sẽ bị vứt vào nơi tối tăm bên ngoài, ở đó sẽ phải khóc lóc nghiến răng".
Suy Niệm 1: Từ phương Đông phương Tây
Suy Niệm
Tín đồ Do thái giáo có tiếng về sống đức hy vọng.
Họ đã hy vọng và vẫn còn hy vọng Đấng Mêsia sẽ đến để đem ơn cứu độ.
Họ đã chờ và vẫn chờ từ bao ngàn năm nay.
Còn Kitô hữu chúng ta có tiếng về sống đức ái.
Tuy nhiên, tự bản chất Kitô giáo vẫn là tôn giáo của đức hy vọng.
Chúng ta tin Đấng Mêsia là Đức Giêsu đã đến rồi.
Ngài đến đem ơn cứu độ không phải cho riêng dân Israel,
nhưng cho mọi dân mọi nước trên toàn thế giới.
Nhưng Kitô hữu vẫn còn sống trong chờ đợi và hy vọng.
Chúng ta mong ngày trở lại trong vinh quang của Chúa Giêsu,
cũng là ngày thế giới này đi đến chỗ tận cùng, để sang một trang mới.
MARANA THA, lạy Chúa Giêsu, xin ngự đến (1 Cr 6, 22; Kh 22, 20).
đó là lời nguyện của các Kitô hữu trong Giáo Hội buổi sơ khai.
Đó cũng là lời nguyện khẩn thiết của chúng ta, đặc biệt trong Mùa Vọng.
Ngày quang lâm là ngày tận thế đáng sợ,
khi Chúa Giêsu trở lại xét xử kẻ sống và kẻ chết.
Nhưng đó cũng là ngày hội vui lớn nhất của nhân loại,
ngày mà niềm hy vọng của chúng ta được thành tựu viên mãn.
Ngày ấy “từ phương đông phương tây, nhiều người sẽ đến dự tiệc
cùng các tổ phụ Ápraham, Ixaác và Giacóp trong Nước Trời” (c. 11).
Đức Giêsu ngỡ ngàng khi thấy niềm tin lớn lao của viên đại đội trưởng.
Ông thuộc dân ngoại mà lại có lòng tin lớn hơn các người Israel khác (c. 10).
Ông tin Đức Giêsu có thể chữa lành cho người đầy tớ yêu quý của ông.
Không cần Ngài đến nhà, chỉ cần một lời nói của Ngài thôi cũng đủ (c. 8).
Lòng tin mạnh mẽ và khiêm tốn của ông đã chinh phục Đức Giêsu.
Lời của viên sĩ quan dân ngoại đã trở nên lời ta đọc trước khi rước lễ.
“Lạy Chúa, con chẳng đáng Chúa ngự vào nhà con,
nhưng xin Chúa phán một lời, thì linh hồn con sẽ lành mạnh.”
Đầy tớ của viên đại đội trưởng đã được chữa lành,
nhưng điều quan trọng hơn là chuyện ông có hy vọng được dự tiệc.
Đây là bữa tiệc cánh chung, bữa tiệc trong Nước Trời (x. Is 25, 6-8).
Một người dân ngoại được ngồi dự tiệc bên các tổ phụ Do thái.
Đây là điều hẳn làm cho nhiều người Do thái phải ngạc nhiên.
Mà không phải chỉ có viên đại đội trưởng,
có nhiều người từ tứ phương thiên hạ cũng được mời (c. 11).
Nước Trời như một bữa tiệc vui và thịnh soạn do Thiên Chúa thết đãi,
trong đó mọi dân tộc khác nhau cùng đến để chia sẻ và hiệp thông.
Mọi đau buồn, mọi cách ngăn đều bị xóa bỏ.
Màu tím là màu của phụng vụ Mùa Vọng,
nhưng đây không phải là màu buồn.
Mùa Vọng nhắc chúng ta về niềm hy vọng rất xanh tươi
mà Chúa Giêsu đã mang lại cách đây hai ngàn năm
và chúng ta có bổn phận vun đắp cho thành tựu.
Làm sao để ơn cứu độ của Ngài được mọi người trên thế giới nhận biết?
Làm sao để dân ngoại được ơn đức tin và ơn chữa lành như viên sĩ quan?
Làm sao để chẳng ai vắng mặt trong bữa đại tiệc của Nước Trời?
Mùa Vọng đưa ta về thế giới bao la của châu Á, với 3% người công giáo.
Nếu ngày mai tận thế, Chúa sẽ hỏi ta 97% kia đâu.
Cầu nguyện:
Lạy Cha,
Cha muốn cho mọi người được cứu độ
và nhận biết chân lý,
chân lý mà Cha đã bày tỏ nơi Đức Giêsu, Con Cha.
Xin Cha nhìn đến hàng tỉ người
chưa nhận biết Đức Giêsu,
họ cũng là những người đã được cứu chuộc.
Xin Cha thôi thúc nơi chúng con
khát vọng truyền giáo,
khát vọng muốn chia sẻ niềm tin và hạnh phúc,
niềm vui và bình an của mình cho tha nhân,
và khát vọng muốn giới thiệu Đức Giêsu cho thế giới.
Chúng con thấy mình nhỏ bé và bất lực
trước sứ mạng đi đến tận cùng trái đất
để loan báo Tin Mừng.
Chúng con chỉ xin đến
với những người bạn gần bên,
giúp họ quen biết Đức Giêsu và tin vào Ngài,
qua đời sống yêu thương cụ thể của chúng con.
Chúng con cũng cầu nguyện
cho tất cả những ai đang xả thân lo việc truyền giáo.
Xin Cha cho những cố gắng của chúng con
sinh nhiều hoa trái. Amen.
Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.
Suy Niệm 2: Xin Ngài Chỉ Phán Một Lời
Trong quân đội Roma, danh từ "bách quan" hay "đại đội trưởng" dùng để chỉ những người có một trăm tên lính trong tay. Nếu ở chốn đế đô, họ chẳng là gì thì tại các vùng thuộc địa họ là những viên chức đầy uy quyền góp phần cai trị hà khắc của đế quốc. Có thể gọi họ là chất xúc tác và là thước đo lòng căm thù đế quốc của người Do Thái. Ðối với đế quốc cai trị, họ là những người trực tiếp áp đặt chính sách lên dân chúng.
Luật Do Thái đã khắt khe trong việc giao tế với dân ngoại thì lại càng khắt khe hơn đối với những người đang giày xéo lên mảnh đất Thánh của Giavê Thiên Chúa. Người Do Thái sẽ không bước vào nhà dân ngoại vì đó là những nơi không thanh sạch. Sách Midna đã viết: "Mọi nơi cư ngụ của dân ngoại đều là chỗ không thanh sạch", thế mà Chúa Giêsu lại không ngần ngại đi đến nhà viên bách quan để chữa bệnh cho gia nhân của ông. Chúa Giêsu có ý gì khi hành động như vậy? Nếu luật lệ Do Thái khắt khe với dân ngoại mà Chúa Giêsu và các tông đồ lại nghiêng về phía họ thì hẳn việc làm của Chúa Giêsu và các tông đồ phải mang một ý nghĩa thiết thực trong cuộc sống.
Riêng về các viên bách quan, Kinh Thánh Tân Ước đã không ít lần lên tiếng khen ngợi hành vi của các viên bách quan như lúc Chúa Giêsu bị chết treo nhục nhã trên Thập Giá, một viên bách quan đã tuyên xưng Ngài là Con Thiên Chúa. Một viên bách quan khác đã cứu tông đồ Phaolô thoát khỏi hình phạt đánh đòn, và một viên bách quan khác nữa đã giúp Phaolô thoát khỏi âm mưu giết hại của người Do Thái. Tuy nhiên nổi bật hơn hết là viên bách quan được nói đến trong bài đọc Tin Mừng hôm nay. Nơi ông đã hội tụ hai yếu tố căn bản mà mỗi người trong chúng ta cần phải có để khiêm nhượng trước mặt Chúa và bác ái với anh em. Một gia nhân hay đúng hơn một tên nô lệ chẳng là gì trước mặt viên bách quan, ông có thể sử dụng như một món đồ vật, không dùng thì quăng đi cần gì phải bận tâm. Thế mà ở đây ông lại quan tâm đến tên gia nhân cách đặc biệt. Ngoài ra theo đoạn Tin Mừng song song của Luca, ông còn là người giúp đỡ cho Hội Ðường Do Thái.
Lòng vị tha đã khiến viên bách quan vừa có uy quyền, vừa được mộ mến. Tuy nhiên dù là gì đi nữa, trước mặt Thiên Chúa và trước mặt Chúa Giêsu, ông vẫn phải giữ một thái độ hoàn toàn khiêm nhu: "Lạy Thầy, tôi không xứng đáng để được Thầy đến nhà". Ông không chỉ khiêm nhu nhưng lại đầy tin tưởng: "Xin Thầy hãy phán một lời thì gia nhân của tôi được lành mạnh".
Lời cầu khiêm nhu này đã trở thành lời kinh hằng ngày được tín hữu chuyên đọc, và niềm tin của viên bách quan khai mở một kỷ nguyên mới cho lịch sử ơn cứu độ: "Nhiều người từ Ðông chí Tây sẽ đến dự tiệc với Abraham, Isaac và Jacob, còn con cái trong nhà sẽ bị loại ra ngoài". Chúa Giêsu, Ngài đến để cứu chữa hết mọi người, chưa cần viên bách quan tuyên xưng lòng tin, Ngài đã nói lên ý định của Ngài: "Tôi sẽ đến chữa nó".
Luật Do Thái ngăn cấm bước vào nhà dân ngoại thì Chúa Giêsu vượt ra ngoài các cấm đoán của lề luật, vì Vương Quốc của Ngài không xây dựng trên nền tảng các luật cứng nhắc ấy nhưng trên thực hành niềm tin. Ngài cũng không đến để hủy bỏ lề luật nhưng để kiện toàn. Lề luật bây giờ phải được thể hiện trọn vẹn trong cuộc sống.
Viên bách quan không có các nghi thức để tuân giữ lề luật như: không rửa tay trước khi dùng bữa, không đến Hội Ðường vào ngày Sabat. Nhưng trước sự hiện diện của Chúa, ông tỏ một niềm kính sợ, trước tha nhân ông hết lòng yêu mến. Ông trở thành tiêu biểu cho các công dân Nước Trời. Chúa Giêsu đã khen ngợi và đã đón nhận ông vào nước của Ngài.
Chúa Giêsu nói với những kẻ theo Ngài lúc đó cũng như đối với chúng ta hôm nay: "Còn con cái trong nhà sẽ bị loại ra ngoài". Không phải được mang tước hiệu con cái là bảo đảm được dự phần vào Nước Thiên Chúa, nhưng phải là kẻ biết thực hành niềm tin. Tước hiệu Kitô hữu nếu không được nuôi dưỡng bằng sức sống của niềm tin thì chỉ là những bản án được công bố trước thời điểm mà thôi.
Bước vào Mùa Vọng, cùng với Giáo Hội với ý hướng chờ ngày Chúa đến, ước mong rằng mỗi người trong chúng ta sẽ nhìn vào niềm tin của viên bách quan làm tiêu chuẩn sống cho mình. Mỗi người chúng ta hãy biết khiêm nhu trước Thiên Chúa và biết yêu mến anh em thì hy vong chúng ta sẽ được Thiên Chúa hài lòng đón nhận trong bàn tiệc Nước Ngài.
Suy Niệm 3: Mùa của đức cậy và đức tin
Khi Đức Giêsu vào thành Ca-phác-na-um, có một viên đại đội trưởng đến gặp Người và nài xin: “Thưa Ngài, tên đầy tớ của tôi bị tê bại nằm liệt ở nhà, đau đớn lắm”. Người nói: “Chính tôi sẽ đến chữa nó”. Viên đại đội trưởng đáp: “Thưa Ngài, tôi chẳng đáng Ngài vào nhà tôi, nhưng xin Ngài chỉ nói một lời là đầy tớ tôi được khỏi bệnh (Mt. 8, 5-8).
Điều gì đã thúc đẩy vị sĩ quan Rô-ma ra khỏi nhà từ sáng sớm? Thưa, ông hy vọng rằng ông ra đi ông sẽ gặp được điều tốt hơn là cứ luẩn quẩn trong nhà. Dù ông là một người đầy quyền thế, biết chỉ đạo mọi việc, nhưng cứ ở nhà, ông sẽ chẳng có thể làm gì để cứu chữa đầy tớ đang đau liệt. Ông phải đến với Đức Giêsu.
Ngày hôm nay, bạn cần phải ra khỏi con người bạn để khởi hành vào mùa vọng; mùa sẽ đưa bạn đầy tràn hy vọng đến với Chúa chúng ta. Bạn đã sẵn sàng chưa?
Niềm hy vọng tăng cao nhờ khát vọng mạnh, nhờ nhu cầu khẩn thiết. Niềm hy vọng của bạn hôm nay là gì? Khát mong của viên sĩ quan là: “Đầy tớ của tôi bị tê bại nằm liệt ở nhà tôi, đau đớn lắm”. Còn bạn, bạn có thể đồng cảm với nỗi đau đớn đó không?
Bạn đồng cảm rất dễ với chồng bạn, với vợ bạn, với con bạn, với ông bà cha mẹ, họ hàng và bạn bè của bạn. Bạn cần đồng cảm xa hơn nữa. Viên sĩ quan đã đồng cảm với những tên đầy tớ: một sự đồng cảm với những kẻ hèn mọn. Còn bạn, bạn có thể đồng cảm với bao nhiêu nỗi xót xa của những kẻ đi làm thuê, làm mướn, những kẻ quét đường, đổ rác đi qua nhà bạn mỗi sáng thứ hai không? … Đó là những tôi tớ của bạn, của cộng đồng, của xã hội.
Hôm nay bắt đầu mùa vọng, bạn cầu nguyện cho ai? Bạn hy vọng vị nào đến làm gì cho họ? Thật quan trọng khi bạn biết liệt kê ra những nhu cầu đó để khêu gợi cho mình có những niềm hy vọng, niềm cậy trông giúp bạn có đức cậy.
Hôm nay, bắt đầu mùa vọng, còn một việc nữa cần phân tích, đó là đức tin của chúng ta. Đức Giêsu nói với chúng ta: “Chính tôi sẽ đến cứu chữa nó”. Vị sĩ quan thưa lại: “Lạy ngài, tôi không đáng Ngài vào nhà tôi, nhưng xin Ngài chỉ nói một lời là đầy tớ tôi được khỏi bệnh …”. Chúng ta có thể tin được như thế không? Bao giờ chúng ta mới có được đức tin như thế?
Chúng ta có tin Đức Giêsu có thể đổi mới tâm hồn chúng ta được không? Biết bao nhiêu tôi tớ trên trái đất này đang đau khổ cực độ. Chúng ta có tin Ngài đến cứu chữa họ không?
Bắt đầu mùa vọng, chính là để giúp chúng ta cậy trông và tin tưởng. Và cử hành Thánh lễ chính là để giúp chúng ta tuyên xưng Đức Giêsu đến thực hiện công trình cứu độ.
C.G
Suy Niệm 4: CHÚA ƠI, XIN VỀ VỚI CON ĐI (Mt 8,5-11)
Trong lớp Giáo lý Dự tòng, có một bà năm nay đã gần 80 tuổi xin theo học. Bà góa chồng đã 7 năm. Từ ngày chồng bà chết, nhiều lần bà muốn theo đạo, nhưng vì nhiều lý do khách quan, bà không thực hiện được tâm nguyện của mình.
Đến nay, thuận lợi, bà xin học đạo để được gia nhập Giáo Hội. Trước khi ban Bí tích Rửa Tội cho bà, cha xứ có hỏi: “Bà có ý định theo đạo lâu chưa?”; Bà trả lời: “Khoảng 7 năm”; Cha xứ hỏi tiếp: “Thế bà muốn theo Chúa, nhưng bà có cầu nguyện với Chúa bao giờ không?” Bà nói: “Thưa có”; “Bà cầu nguyện thế nào”; “Thưa Cha, con cầu nguyện rằng: ‘Chúa ơi, xin Chúa về với con đi!’”. Cha xứ tỏ vẻ thán phục niềm tin chân thành và đơn sơ của bà, và ngài đã sẵn lòng Rửa Tội cho bà để bà được gia nhập Giáo Hội.
Câu chuyện của bà cụ rất trùng hợp với một nhân vật cũng khá đặc biệt trong bài Tin Mừng hôm nay, đó là viên sĩ quan, người dân ngoại. Ông là một người ngoại đạo, tức không thuộc về Dothái giáo, nhưng tâm hồn lại có đạo hơn ai hết bởi sự chân thành, đơn sơ nhưng mãnh liệt nơi ông. Vì thế, ông đã được thúc đẩy từ bên trong, nên ông nhận ra Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế, trong khi những người Dothái lại không nhận ra!
Khi nhận ra Đức Giêsu là Đấng Thiên Sai, ông đã đặt niềm tin tuyệt đối nơi Ngài, vì thế, Đức Giêsu đã lên tiếng khen ngợi ông: "Quả thật, Ta bảo các ngươi, Ta không thấy một lòng tin mạnh mẽ như vậy trong Israel”. Ơn thánh của Chúa đã thực sự bén rễ sâu trong tâm hồn người dân ngoại này, vì ông khiêm tốn và sẵn sàng mở lòng để cho ơn thánh của Chúa được tác sinh nơi ông.
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mặc khải về ơn cứu độ phổ quát của Thiên Chúa được dành cho hết mọi người. Vì thế, chúng ta không cất giấu hay để ơn Chúa vào nơi an toàn, mà phải vươn ra đến với hết mọi người, mọi nơi, nhất là những anh chị em chưa nhận biết Chúa.
Cần tránh lối suy nghĩ từ lâu: chỉ những người Công Giáo mới được ơn cứu độ! Những người ngoài Giáo Hội không xứng đáng để đón nhận hồng ân cứu chuộc của Thiên Chúa. Tránh sự kỳ thị, phe phái, tôn giáo, văn hóa xã hội, địa vị, nghề nghiệp..., để nhìn nhận cái hay, cái phải, cái tốt của tha nhân mà noi theo, học hỏi, nếu điều đó phù hợp với đạo lý Tin Mừng. Tránh thái độ hẹp hòi, cục bộ, mặc cảm, yên trí đến bất công, khiến chúng ta đi sai đường lối cứu độ của Thiên Chúa và xa cách tha nhân.
Bước vào Mùa Vọng, mỗi người chúng ta cùng nhau nhìn lại cuộc sống, cách cư xử của mình với anh chị em xung quanh: đã có lần nào vì hẹp hòi mà ta ngăn cản ơn Chúa đến với người khác không? Hay nhiều khi chúng ta không dám rời bỏ chốn an thân, an cư để đến với những người đang cần sự giúp đỡ của chúng ta?
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con được yêu mến Chúa, tin tưởng vào Chúa, sống khiêm tốn, quảng đại với tha nhân. Amen.
Ngọc Biển, SSP
SUY NIỆM:
1. Lời ông đại đội trưởng và phụng vụ Thánh Thể
Khi Đức Giê-su vào thành Ca-phác-na-um, có một viên đại đội trưởng đến gặp Người và nài xin Người chữa bệnh cho người đầy tớ của ông, và Người đáp : « Chính tôi sẽ đến chữa nó ». Nhưng viên đại đội trưởng thưa lại :
Thưa Ngài, tôi chẳng đáng Ngài vào nhà tôi,
nhưng xin Ngài chỉ nói một lời
là đầy tớ tôi được khỏi bệnh. (c. 8)
Như tất cả chúng ta đều nhận ra, lời này được Giáo Hội đưa vào trong phụng vụ Thánh Thể: “Lạy Chúa, con chẳng đáng Chúa ngự vào nhà con, nhưng xin Chúa phán một lời thì linh hồn con sẽ lành mạnh”. So sánh hai lời nói này, chúng ta nhận ra có một vài khác biệt:
2. Lời người và Lời Chúa
Tuy nhiên, trong cả hai trường hợp, có một điểm chung là lòng tin, lòng tin vào sức mạnh của Lời Chúa, như chính Đức Giê-su xác nhận :
Tôi bảo thật các ông:
tôi không thấy một người Ít-ra-en nào
có lòng tin như thế. (c. 10)
Lòng tin vào sức mạnh của lời Đức Giê-su nơi viên đại đội trưởng thật đơn sơ, nhưng thật vững chắc và rất hợp lí. Bởi vì, ông khởi đi từ kinh nghiệm của chính mình, đó là lời của ông cũng có sức mạnh:
Tôi bảo người này: “Đi!”, là nó đi, bảo người kia: “Đến!”, là nó đến, và bảo người nô lệ của tôi: “Làm cái này!”, là nó làm. (c. 9)
Chúng ta thường đối lập lời nói với việc làm, và trong tương quan này, lời nói thường bị hạ thấp. Điều này đúng, khi lời nói chỉ được hiểu và được sống ở mức độ « phương tiện bên ngoài », không đúng với bản chất đích thật của lời nói. Tuy nhiên, ở đây, chúng ta chứng kiến sức mạnh của lời nói : lời nói không những không kém hơn hành động, nhưng còn tạo ra hành động. Để diễn tả tương quan và để tạo ra hiệu quả, lời nói cũng như hành động có những mức độ sức mạnh khác nhau. Trong trường hợp của viên đại đội trưởng, chúng ta thấy lời của ông có sức mạnh làm cho chuyển động, làm cho thực hiện và sinh hoa kết quả.
Trong tương quan với nhau, và nhất là trong cộng đoàn, chúng ta đều có kinh nghiệm này: không chỉ lời của bề trên có sức mạnh, mà lời của mọi người đều có sức mạnh: sức mạnh tạo ra sự sống và làm cho sự sống lớn lên, sức mạnh an ủi và chữa lành tâm hồn khi nói những lời đón nhận, cảm thông và tha thứ, sức mạnh tạo ra sự hiệp nhất; và sức mạnh của lời nói cũng có thể làm thui chột sự sống và có thể giết chết. Sách Huấn ca nói: « Có nhiều người ngã gục vì lưỡi kiếm, nhưng làm sao sánh được với những kẻ gục ngã vì lưỡi người? » (Hc 28, 18). Như thế, lời con người có sức mạnh làm cho sự sống lớn lên, hay giết chết sự sống. Và nếu lời người có sức mạnh ghê gớm như thế, Lời Chúa còn có sức mạnh lớn hơn biết bao : Lời Chúa là Lời hằng sống, sáng tạo và ban sự sống ; như chính Đức Chúa nói trong sách Isaia:
Cũng như mưa với tuyết sa xuống từ trời,
không trở về với trời nếu chưa thấm xuống đất,
chưa làm cho đất phì nhiêu và đâm chồi nẩy lộc,
cho kẻ gieo có hạt giống, cho người đói có bánh ăn.
Thì lời ta cũng vậy, một khi xuất phát từ miệng ta,
sẽ không trở về với ta nếu chưa đạt kết quả,
chưa thực hiện ý muốn của ta,
chưa chu toàn sứ mạng ta giao phó (Is 55, 10-11)
Xin cho lời của chúng ta được “sinh ra” theo khuôn mẫu của Lời Chúa, nghĩa là đến từ Lời Chúa, cưu mang Lời Chúa và diễn tả Lời Ban Sự Sống của Chúa. Và nơi Đức Giê-su, Đức Chúa không chỉ ban lời, nhưng ban chính Ngôi Lời của Người: “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời, Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa và Ngôi Lời là Thiên Chúa… Nhờ Ngôi Lời vạn vật được tạo thành” (Ga 1, 1-2). Ngang qua mầu nhiệm Nhập Thể được hoàn tất với mầu nhiệm Vượt Qua, Ngôi Lời đã thực hiện trọn vẹn ý muốn của Chúa Cha, đã chu toàn hoàn hảo sứ mạng Chúa Cha trao phó, vì thế, tất yếu sinh hoa kết quả dư tràn, là sự sống mới cho chúng ta hôm nay và mãi mãi.
3. Lời giao ước
Chúng ta đọc lời tuyên khấn trước mặt Thiên Chúa (và cũng tương tự như vậy, với lời giao ước hôn nhân), với sự hiện diện của Giáo Hội ngang qua cộng đoàn phụng vụ, thế là suốt đời chúng ta sống theo lời đó. Chúa cũng cam kết với chúng ta và cam kết trước chúng ta, ngang qua công trình sáng tạo và nhất là công trình cứu độ bởi Đức Giê-su Ki-tô Ngôi Lời nhập thể. Và Ngài sẽ trung tín đến cùng; đơn giản là vì Lời của Ngài và Ngôi vị của Ngài là một. Xin cho Lời Chúa cư ngụ trong lời của chúng ta. Lời Chúa cũng là chân lí, vì một khi Ngài nói là “đúng” mãi mãi. Xin cho lời của chúng ta nói với nhau và nói với Chúa, cũng là sự sống và là chân lí. Bởi vì chúng ta là hình ảnh của Thiên Chúa.
* * *
Xin cho chúng ta cảm nghiệm và xác tín Lời Chúa là lời ban sự sống và tái tạo sự sống: sự sống của từng người chúng ta và sự sống của cộng đoàn. Bởi vì, chúng ta sống không chỉ bằng việc thỏa mãn những nhu cầu vật chất và thể lí, nhưng còn sống bằng tương quan, nghĩa là « lời » nữa : lời đến từ và hướng đến tương quan tình yêu, hiệp nhất, bao dung, đón nhận, tha thứ, cảm thông… Không có những tương quan này, chúng ta không thể sống được, hay sự sống của chúng ta sẽ trở nên chết chóc, nghĩa là sự chết sẽ hiện diện ngay trong lòng sự sống.
Lời Chúa không chỉ tạo ra sự vật, nhưng còn có sức mạnh tạo ra những « tương quan sự sống » giữa chúng ta. Xin cho lời nói chúng ta trao cho nhau mỗi ngày, thay vì tạo ra « tương quan sự chết », cũng là lời tạo ra « tương quan sự sống » theo khuôn mẫu của Lời Chúa.
Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc
Monday (December 2): “Many will sit at table in the kingdom of heaven”
Gospel Reading: Matthew 8:5-11 5 As he entered Capernaum, a centurion came forward to him, begging him 6 and saying, “Lord, my servant is lying paralyzed at home, in terrible distress.” 7 And he said to him, “I will come and heal him.” 8 But the centurion answered him, “Lord, I am not worthy to have you come under my roof; but only say the word, and my servant will be healed. 9 For I am a man under authority, with soldiers under me; and I say to one, `Go,’ and he goes, and to another, `Come,’ and he comes, and to my slave, `Do this,’ and he does it.” 10 When Jesus heard him, he marveled, and said to those who followed him, “Truly, I say to you, not even in Israel have I found such faith. 11 I tell you, many will come from east and west and sit at table with Abraham, Isaac, and Jacob in the kingdom of heaven. |
Thứ Hai 2-12 Nhiều người sẽ đến dự tiệc trong nước Thiên Chúa
Mt 8,5-11 5 Khi Đức Giê-su vào thành Ca-phác-na-um, có một viên đại đội trưởng đến gặp Người và nài xin:6 “Thưa Ngài, tên đầy tớ của tôi bị tê bại nằm liệt ở nhà, đau đớn lắm.”7 Người nói: “Chính tôi sẽ đến chữa nó.” Viên đại đội trưởng đáp:8 “Thưa Ngài, tôi chẳng đáng Ngài vào nhà tôi, nhưng xin Ngài chỉ nói một lời là đầy tớ tôi được khỏi bệnh.9 Vì tôi đây, tuy dưới quyền kẻ khác, tôi cũng có lính tráng dưới quyền tôi. Tôi bảo người này: “Đi! “, là nó đi, bảo người kia: “Đến! “, là nó đến, và bảo người nô lệ của tôi: “Làm cái này! “, là nó làm.”10 Nghe vậy, Đức Giê-su ngạc nhiên và nói với những kẻ theo Người rằng: “Tôi bảo thật các ông: tôi không thấy một người Ít-ra-en nào có lòng tin như thế.11 Tôi nói cho các ông hay: Từ phương đông phương tây, nhiều người sẽ đến dự tiệc cùng các tổ phụ Áp-ra-ham, I-xa-ác và Gia-cóp trong Nước Trời. |
Meditation:
Are you ready to feast at the Lord’s banquet table? God’s gracious invitation extends to all – Jew and Gentile alike – who will turn to him with faith and obedience. Jesus used many images or pictures to convey what the kingdom of God is like. One such image is a great banquet feast given at the King’s table (Matthew 8:11 and Luke 13:29). Jesus promised that everyone who believed in him would come and feast at the heavenly banquet table of his Father. Jesus told this parable in response to the dramatic request made by a Roman centurion, a person despised by many because he was an outsider, not one of the “chosen ones” of Israel. In Jesus’ time the Jews hated the Romans because they represented everything they stood against – including foreign domination and pagan beliefs and practices.
The power to command with trust and respect Why did Jesus not only warmly receive a Roman centurion but praise him as a model of faith and confidence in God? In the Roman world the position of centurion was very important. He was an officer in charge of a hundred soldiers. In a certain sense, he was the backbone of the Roman army, the cement which held the army together. Polybius, an ancient writer, describes what a centurion should be: “They must not be so much venturesome seekers after danger as men who can command, steady in action, and reliable; they ought not to be over-anxious to rush into the fight, but when hard pressed, they must be ready to hold their ground, and die at their posts.” Faith in Jesus’ authority and power to heal The centurion who approached Jesus was not only courageous, but faith-filled as well. He risked the ridicule of his cronies as well as mockery from the Jews by seeking help from a traveling preacher from Galilee. Nonetheless, the centurion approached Jesus with great confidence and humility. He was an extraordinary man because he loved his slave. In the Roman world slaves were treated like animals – something to be used for work and pleasure and for bartering and trade. This centurion was a man of great compassion and extraordinary faith. He wanted Jesus to heal his beloved slave. Jesus commends him for his faith and immediately grants him his request. Are you willing to suffer ridicule in the practice of your faith? And when you need help, do you approach the Lord Jesus with expectant faith?
Christ comes to establish God’s kingdom of peace where all peoples can feast at his table The prophet Isaiah foretold a time of restoration for the holy city Jerusalem and for its remnants (see Isaiah 4:2-6) and also a time of universal peace when all nations would come to Jerusalem to “the mountain of the Lord and to the house of the God of Jacob” and “beat their swords into plowshares” (Isaiah 2:2-4). Jesus fulfills this prophecy first by restoring both Jew and Gentile to friendship with God through the victory he won for us on the cross. When he comes again he will fully establish his universal rule of peace and righteousness (moral goodness) and unite all things in himself (Ephesians 1:10). His promise extends to all generations who believe in him that we, too, might feast at the heavenly banquet table with the patriarchs of the Old Covenant (Abraham, Isaac, and Jacob) who believed but did not yet see the promised Messiah. Do you believe in God’s promises and do you seek his kingdom first in your life? The season of Advent reminds us that the Lord Jesus wants us to actively seek him and the coming of his kingdom in our lives. The Lord will surely reward those who seek his will for their lives. We can approach the Lord Jesus with expectant faith, like the centurion in today’s Gospel reading (Matthew 8:5-11), knowing that he will show us his mercy and give us his help.
“Lord Jesus, you feed us daily with your life-giving word and you sustain us on our journey to our true homeland with you and the Father in heaven. May I never lose hope in your promises nor lag in zeal for your kingdom of righteousness and peace.” |
Suy niệm:
Bạn có sẵn sàng đến dự bàn tiệc của Chúa không? Lời mời gọi tốt lành của Thiên Chúa dành cho tất cả mọi người – Dothái cũng như dân ngoại – những kẻ quay về Người với lòng tin và sự vâng phục. Ðức Giêsu sử dụng nhiều hình ảnh để diễn tả vương quốc Thiên Chúa giống như cái gì. Một hình ảnh như thế là bữa tiệc lớn của nhà Vua (Mt 8,11 và Lc 13,29). Ðức Giêsu hứa rằng những ai tin vào Người sẽ đến dự bàn tiệc nước trời của Cha Người. Ðức Giêsu nói dụ ngôn này để trả lời cho lời thỉnh cầu tha thiết của viên sĩ quan La mã, một người bị nhiều người khinh miệt, bởi vì ông ta không phải là người Dothái, là dân ngoại, không phải là một trong số “những người được chọn” của Israel. Trong thời Ðức Giêsu, người Dothái rất ghét người Rôma, bởi vì họ đại diện cho những gì mà người Dothái chống lại – bao gồm sự thống trị ngoại bang, những niềm tin và sự thực hành ngoại giáo. Quyền ra lệnh với lòng tin tưởng và tôn trọng Tại sao Ðức Giêsu không chỉ đón nhận viên sĩ quan La mã cách thân thiện, mà còn khen ngợi ông như một mẫu gương đức tin và lòng trông cậy vào Thiên Chúa? Trong thế giới La mã, vai trò người lính rất quan trọng. Ông là một viên sĩ quan cai quản cả trăm quân lính. Trong một ý nghĩa nào đó, ông là cột trụ của quân đội Rôma, là chất keo gắn chặt đội quân lại với nhau. Polybius, một tác giả thời cổ mô tả về đội quân La mã như sau: “Họ không phải là những người liều lĩnh đi tìm sự nguy hiểm, ngay cả khi họ có thể ra lệnh, kiên vững trong hành động, và nắm chắc. Họ không thèm khát chiến đấu, nhưng khi vào thế bắt buộc, họ sẵn sàng quyết tâm gìn giữ mảnh đất của mình, và chết đi vì nhiệm vụ”.
Tin vào quyền năng chữa lành của Đức Giêsu Viên sĩ quan đến gần Ðức Giêsu không chỉ với lòng can đảm mà còn có lòng tin tràn đầy. Ông dám chịu sự chế nhạo của bạn bè đồng nghiệp cũng như sự mỉa mai từ người Dothái qua việc tìm kiếm sự giúp đỡ của một thầy giảng lưu động ở Galilê. Tuy nhiên, viên sĩ quan đã đến với Ðức Giêsu với lòng tự tin và khiêm nhường. Ông là một người đặc biệt bởi vì ông yêu mến người nô lệ của mình. Trong thế giới Rôma, người ta coi những người nô lệ như súc vật – một cái gì đó được dùng để làm việc và giải trí hay để trao đổi buôn bán. Viên sĩ quan La mã là người có lòng trắc ẩn và một niềm tin lạ thường. Ông muốn Ðức Giêsu chữa lành người tôi tớ yêu dấu của mình. Ðức Giêsu khen ngợi lòng tin của ông ấy và lập tức ban cho ông điều thỉnh cầu. Bạn có sẵn sàng chịu sự nhạo báng trong sự thực hành đức tin của mình không? Khi bạn cần giúp đỡ, bạn có đến gần Ðức Giêsu với lòng tin kiên vững không? Đức Kitô đến để thiết lập vương quốc bình an của Thiên Chúa nơi mọi người có thể dự tiệc Ngôn sứ Isaia đã tiên báo thời gian phục hồi cho thành thánh Giêrusalem và dân chúng (Is 4,2-6) và cho hòa bình của toàn thể thế giới, khi mọi quốc gia sẽ đến “núi Chúa và nhà Thiên Chúa của Giacóp” và “đánh các gươm giáo thành lưỡi cày” (Is 2,2-4). Ðức Giêsu đã hoàn thành lời tiên báo này, trước hết bằng việc phục hồi tình bằng hữu cho người Dothái lẫn dân ngoại với Thiên Chúa, qua sự chiến thắng của Người dành cho chúng ta trên thập giá. Khi Người trở lại một lần nữa, Người sẽ thiết lập trọn vẹn quyền cai trị phổ quát của sự bình an và công chính và sự hiệp nhất tất cả mọi sự trong chính Người (Ep 1,10). Lời hứa của Người trải dài mọi thế hệ, những ai tin tưởng vào Người, cả chúng ta nữa, có thể vào dự tiệc trên trời với các tổ phụ thời Cựu ước, những người đã tin tưởng nhưng chưa được nhìn thấy Đấng Mêsia đã được Chúa hứa.
Bạn có tin vào các lời hứa của Thiên Chúa và bạn có tìm kiếm vương quốc của Người trước hết trong cuộc đời mình không? Mùa Vọng nhắc nhở chúng ta rằng Ðức Chúa muốn chúng ta tìm kiếm Người và vương quốc sắp đến của Người cách tích cực trong cuộc đời chúng ta. Ðức Chúa chắc chắn sẽ ban thưởng cho những ai tìm kiếm ý Người cho cuộc đời mình. Chúng ta có thể đến gần Chúa Giêsu với lòng tin kiên vững, giống như viên sĩ quan trong bài Tin mừng hôm nay, biết rõ ràng rằng Người sẽ bày tỏ cho chúng ta lòng thương xót và sự trợ giúp của Người cho chúng ta. Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa nuôi dưỡng chúng con hằng ngày với Lời ban sự sống của Chúa, và gìn giữ chúng con trong cuộc hành trình đến với quê hương đích thực với Chúa và với Cha trên Trời. Chớ gì con không bao giờ mất đi lòng trông cậy vào những lời hứa của Chúa, hay thờ ơ trong sự nhiệt thành đối với vương quốc công chính và bình an của Chúa. |
Tác giả: Don Schwager
(http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/)
Bro. Paul Thanh Vu – chuyển ngữ
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn