Thứ bảy tuần 33 thường niên.
"Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng của kẻ sống".
Lời Chúa: Lc 20, 27-40
Khi ấy, có mấy người thuộc phái Sađốc, là những người chối không tin có sự sống lại, đến gần Chúa Giêsu hỏi Người rằng: "Thưa Thầy, Môsê đã viết cho chúng tôi: nếu ai có một người anh cưới vợ, rồi chết đi mà không có con, thì người em phải cưới người vợ đó để anh mình có kẻ nối dòng.
Vậy có bảy anh em: người thứ nhất cưới vợ, rồi chết mà không có con. Người kế tiếp cưới vợ goá đó, rồi cũng chết không con. Người thứ ba cũng cưới người vợ goá đó. Và tất cả bảy người đều cưới như vậy và đều chết mà không để lại người con nào. Sau cùng người thiếu phụ đó cũng chết. Vậy đến ngày sống lại, người đàn bà đó sẽ là vợ ai trong các người ấy, vì tất cả bảy người đều lấy người ấy làm vợ?"
Chúa Giêsu trả lời rằng: "Con cái đời này cưới vợ lấy chồng, song những ai sẽ xét đáng được dự phần đời sau và được sống lại từ cõi chết, thì sẽ không cưới vợ lấy chồng; họ sẽ không thể chết nữa, vì họ giống như thiên thần, họ là con cái Thiên Chúa: vì họ là con cái của sự sống lại. Về vấn đề kẻ chết sống lại, thì Môsê trong đoạn nói về Bụi gai, khi ông gọi Chúa là Thiên Chúa Abraham, Thiên Chúa Isaac, và Thiên Chúa Giacóp. Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, mà là của kẻ sống, vì mọi người đều sống cho Chúa".
Bấy giờ có mấy luật sĩ lên tiếng thưa Người rằng: "Lạy thầy, Thầy dậy đúng lắm". Và họ không dám hỏi Người điều gì nữa.
SUY NIỆM 1: Đời này, đời sau
Suy niệm:
Cuộc đời con người có vẻ như chấm dứt bằng cái chết.
Một triết gia Ðức bảo con người sinh ra để chết.
Cái chết là số phận của mỗi người,
nhưng nói chung ai cũng muốn sống.
Kitô giáo cho rằng con người sinh ra là để sống mãi.
Cái chết chỉ là cánh cửa mở vào cõi vĩnh hằng.
Một số tôn giáo tin rằng đời người có nhiều kiếp.
Kitô giáo chỉ nhận có một cuộc đời ta đang sống.
Chính cuộc đời duy nhất này
định đoạt số phận vĩnh cửu của ta.
Không có một cơ hội thứ hai để làm lại.
Chính vì thế phải sống hết mình cho đời này
để đáng hưởng hạnh phúc đời sau.
Ðời sau mãi mãi là một mầu nhiệm.
Chẳng ai chụp hình được thiên đàng hay hỏa ngục.
Người đã khuất cũng không trở lại để kể ta nghe.
Bởi thế, nhiều người không tin có đời sau.
Cả những tín hữu cũng bị cuốn hút bởi vật chất,
và sống như thể chỉ có đời này.
Ðời sau là chuyện ở đâu đó, hoàn toàn xa lạ.
Người thuộc phái Xađốc tin rằng sau cái chết
linh hồn con người vất vưởng như cái bóng nơi âm phủ.
Âm phủ là nơi tối tăm, buồn chán, thiếu sự sống.
Người Pharisêu lạc quan hơn, cho rằng
đời sau là sự kéo dài của đời này.
Người ta sống như trước, nhưng tràn trề hạnh phúc.
Ðức Giêsu vén mở cho ta phần nào bức màn đời sau.
Ðời sau khác hẳn đời này.
Người ta không cưới vợ lấy chồng, không cần con nối dõi,
nhưng sống như các thiên thần,
nghĩa là chỉ lo phụng sự và ca ngợi Thiên Chúa.
Ðời sau là nơi không còn bóng dáng của thần chết.
Người ta thoát khỏi quy luật thông thường của lẽ tử sinh.
Toàn bộ con người được sống lại: cả hồn lẫn xác.
Thân xác tuy đã tan thành tro bụi theo thời gian,
nhưng sẽ được biến đổi một cách kỳ diệu
để chung hưởng hạnh phúc với linh hồn.
Trong tháng cầu nguyện cho các tín hữu đã qua đời,
chúng ta nghĩ đến cái chết và đời sau.
Cái chết dạy tôi biết cách sống.
Ðời sau kéo tôi ra khỏi những hạnh phúc giả tạo,
và những nỗi khổ đau do mê lầm.
Tôi đang đi về đời sau
để gặp Ðấng mà tôi đã tin yêu suốt đời.
Tất cả cuộc hành trình đều phải hướng về nguồn cội.
Chúng ta đã được dựng nên cho Thiên Chúa,
và chúng ta còn khắc khoải mãi cho đến khi gặp được Ngài.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
khi ra thăm nghĩa địa,
khi vào viếng phòng hài cốt,
con hiểu rằng mình phải có lòng tin lớn lao
mới dám nghĩ một ngày nào đó
những thân xác hư hoại này sẽ sống lại.
Con người trở về bụi tro,
nhưng bụi tro sẽ trở lại làm người,
vì con người sinh ra là để bất tử như Thiên Chúa.
Lạy Chúa Giêsu,
trần gian này quá đẹp
khiến con mải mê, quên mình là lữ khách;
thiên đàng lại xa xôi, chẳng có chỗ trong con.
Con loay hoay vun vén cho đời sống cá nhân,
như thể con sẽ sống mãi trên mặt đất.
Xin khơi dậy nơi con
niềm khát khao những điều cao cả.
Xin đừng để con
mãn nguyện với những cái tầm thường.
Ước gì Chúa cho con nếm chút vị ngọt ngào của trời cao,
khi con quên mình
để sống cho anh em trên mặt đất. Amen.
Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.
Suy Niệm 2: Có sự sống lại
Sự sống, thân xác và tất cả những gì con người có được, đều là những món quà Thiên Chúa ban tặng, do đó, phải được bảo toàn và trân trọng. Chính cung cách sống và hành xử của con người trong cuộc sống hiện tại định đoạt số phận tương lai của họ: được cứu độ hay bị trầm luân đời đời. Bởi vì cuộc sống của con người không kết thúc với cái chết của thân xác trên trần gian này; sau khi chết, thân xác và linh hồn con người mới bắt đầu cuộc sống tràn đầy hạnh phúc, một cuộc sống phục sinh, một cuộc sống hoàn toàn biến đổi.
Ðó cũng là sự thật Chúa Giêsu khẳng định khi trả lời cho một số người thuộc nhóm Sađốc, như được ghi lại trong Tin Mừng hôm nay.
Vào thời Chúa Giêsu, giới lãnh đạo Do thái chia thành nhiều nhóm khác nhau. Liên quan đến sự sống lại, số người thuộc nhóm Biệt phái thì tin rằng cuộc sống sau khi chết cũng giống như cuộc sống trước đó trên trần gian này, nghĩa là con người cũng ăn uống, buôn bán, sống đời vợ chồng, nhưng chỉ có sung sướng mà thôi; tuy nhiên, một số khác thì tin rằng cuộc sống sau cái chết là cuộc sống hoàn toàn biến đổi. Còn nhóm Sađốc thì không tin vào cuộc sống đời sau: đối với họ, chết là hết; họ dựa trên luật Do thái buộc người em phải lấy chị dâu để đảm bảo cho anh mình có con nối dõi tông đường, nếu người anh chết mà chưa có con. Họ đặt ra trường hợp bảy anh em nhà kia cùng lấy một người đàn bà và hỏi Chúa Giêsu: khi sống lại, người đàn bà ấy sẽ là vợ của ai? Chúa Giêsu khẳng định cuộc sống phục sinh hoàn toàn được biến đổi và không giống cuộc sống trên trần gian này như một số người Biệt phái tưởng nghĩ; do đó, mọi tương quan giữa con người với nhau cũng sẽ được biến đổi và tan hòa trong tương quan tình yêu thương của Thiên Chúa, cũng như mang sắc thái và chiều kích của tình yêu ấy, vì thế, mọi cách diễn tả và biểu lộ trong các liên hệ cuộc sống trần gian khi đó không còn ý nghĩa nữa.
Chúa Giêsu quả quyết có sự sống lại, nhưng Ngài không giải thích sự việc sẽ xẩy ra thế nào và khi nào sẽ xẩy ra biến cố sống lại, vì điều đó không quan trọng cho ơn cứu rỗi. Chẳng những có lời quả quyết của Chúa, chúng ta còn có một sự kiện cụ thể khác, đó là sự phục sinh của Chúa Kitô, đó là câu trả lời duy nhất cho thắc mắc của con người về sự chết, về sự sống lại và sự sống đời đời.
Xin Chúa gìn giữ chúng ta trong niềm tin vào sự sống lại và kiên trì hy vọng vào cuộc sống vĩnh cửu mai sau.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Suy Niệm 3: Chân lý của đời sống đức tin
Vào cuối kinh Tin Kính, những đồ đệ của Chúa Giêsu tuyên xưng: "Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại. Tôi tin hằng sống vậy. Amen".
Sự sống lại và sự sống đời đời là chân lý quan trọng cho đời sống đức tin. Nếu không có sự sống lại và sự sống đời đời thì đức tin của chúng ta còn có ý nghĩa gì nữa, và công việc nhập thể cứu chuộc của Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, không còn ý nghĩa nữa. Ðây là chân lý quan trọng nhưng khó tin và có thể có trường hợp xảy ra như đã xảy ra vào thời Chúa Giêsu, và cả những kẻ có niềm tin cũng bị vấp phạm không tin vào sự thật này nữa bởi vì nó không thể nào giải thích cặn kẽ được. Bởi lý trí con người lập luận theo đường lối tự nhiên, con người có thể chất vấn Thiên Chúa như những người Sađốc ngày xưa đã chất vấn Chúa Giêsu.
Có thể nói chúng ta cám ơn những người Sađốc vì nhờ vào vấn nạn của họ, mà chúng ta có được lời xác định rõ ràng của Chúa Giêsu về sự sống lại. Những người theo phái Sađốc là những kẻ thuộc hàng quí tộc và tư tế. Danh gọi Sađốc phát sinh từ tên riêng của vị thượng tế trong đền thờ thời vua Salômôn. Bộ luật duy nhất mà những người thuộc phái Sađốc chấp nhận là bộ Tora của Môisen, được ghi lại trong năm cuốn sách đầu tiên của Kinh Thánh mà thôi. Trong bộ Ngũ Thư thời Môisen, sự thật về sự sống lại và về sự sống đời đời chưa được mạc khải rõ ràng. Mãi về sau, tức là vào thời của Maccabê và tiên tri Daniel, tức khoảng thứ kỷ thứ 2 trước Chúa giáng sinh, thì sự thật về sự sống lại mới được quả quyết rõ ràng. Một đàng thì chưa được mạc khải rõ ràng, và đàng khác lại có luật nối dòng của Môisen cho trường hợp cưới vợ của anh khi anh mình chết đi mà không có con, nên chúng ta không lạ gì khi thấy các nhà thông luật, trưởng giả và tư tế không tin có sự sống lại, đã dùng luật Môisen chống lại sự sống lại. Trong dòng lịch sử cũng không thiếu những người chối bỏ chân lý về sự sống lại. Vào thời đại của chúng ta hiện nay cũng vậy, cũng có những triết gia và đôi khi tệ hơn nữa, những thần học gia lại tuyên bố không tin hay ít ra là nghi ngờ sự thật về sự sống lại.
Trên bình diện này, mọi lý luận chỉ dựa trên công sức trí khôn con người, thì không thể nào dẫn dắt đến sự nhìn nhận niềm tin vào sự sống lại. Chúa Giêsu đã quả quyết mạnh mẽ về sự thật có sự sống lại, nhưng Ngài không giải thích cho biết sự việc sẽ xảy ra như thế nào và cũng không nói về thời gian khi nào sẽ xảy ra biến cố sống lại. Có thể là hai câu hỏi: như thế nào và vào lúc nào, là hai điều không quan trọng cho ơn cứu rỗi, nên Chúa Giêsu đã không giải thích, không mạc khải gì thêm. Không phải chỉ có lời quả quyết suông của Chúa Giêsu mà thôi, nhưng chúng ta còn có sự kiện cụ thể khác nữa, đó là chính sự sống lại của Chúa Giêsu Kitô. Chúa Kitô Phúc sinh là câu trả lời duy nhất cho thắc mắc của con người về cái chết, về sự sống lại và sự sống đời đời.
Xin Chúa gìn giữ chúng ta trong niềm tin này.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Suy Niệm 4: Kiếm cớ gây chuyện
Đức Giêsu đáp: “Con cái đời này cưới vợ lấy chồng, chứ những ai được xét là hưởng phúc đời sau và sống lại từ cõi chết, thì không cưới vợ lấy chồng. Quả thật, họ không thể chết nữa, vì được ngang hàng với các thiên thần. Họ là con cái Thiên Chúa vì là con cái sự sống lại.” (Lc. 20, 34-36)
Những thượng tế, luật sĩ và các thủ lãnh dân chúng tìm cách tiêu diệt Đức Giêsu. Trước tiên, họ phải làm Người mất tín nhiệm trước mặt dân chúng. Vì Đức Giêsu hay dậy dỗ trong đền thờ, đây là dịp thuận tiện để họ đặt hàng chuỗi câu hỏi nóng bỏng để Người trả lời đưa đến chỗ gây chia rẽ thính giả và làm Người mất tín nhiệm.
Câu hỏi cạm bẫy
Phái Sa-đu-sê đại diện giai cấp quý tộc và chính trị, họ xa cách dân chúng và chỉ dựa vào Ngũ kinh. Họ không tin sự sống lại do sách Đa-ni-en đề xướng ra. Cuộc tranh luận về vấn đề này khá gay gắt. Ba mươi năm sau Đức Giêsu, thánh Phao-lô đã dùng vấn đề sống lại làm tấm bình phong gây hỏa mù giữa biệt phái và Sa-đu-sê.
Đức Giêsu dạy về nước trời và sự khẩn thiết phải ăn năn trở về để được sống đời đời. Giáo huấn này mất giá trị nếu người ta chết là hết. Sa-đu-sê đặt vấn nạn có ý chế nhạo kẻ tin vào sự sống lại và họ hy vọng đánh bại giáo huấn của Đức Giêsu.
Đó chỉ là trái pháo tịt ngòi
Đức Giêsu luôn luôn từ chối lối trả lời theo khôn ngoan thế gian, nhưng Người đứng trên bình diện khác để trả lời. Câu chuyện của Sa-đu-sê đặt ra là giả tưởng, không có thật. Sự sống đời sau khi sống lại không như nhiều người Do thái tưởng là sự nối tiếp sự sống đời này. Nhưng, “những ai được xét là đáng hưởng phúc đời sau và sống lại từ cõi chết, thì không cưới vợ gả chồng, quả thật họ không thể chết nữa, vì họ được giống như thiên thần. Họ là con cái Thiên Chúa”.
Đức Giêsu còn trưng dẫn sách Ngũ kinh như ông Mô-sê đã gọi: “Đức Chúa là Thiên Chúa của tổ phụ Áp-ra-ham, Thiên Chúa của tổ phụ I-sa-ác, và Thiên Chúa của tổ phụ Gia-cóp, Ngài không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là Thiên Chúa của kẻ sống, vì đối với Ngài, tất cả đều đang sống”. Thiên Chúa là sự sống, Ngài ban và duy trì sự sống, ngay cả sau khi chết.
Kết luận thật rõ ràng để xác nhận có sự sống lại, vì ngay từ đầu cuộc sống công khai, Đức Giêsu đã lập đi lập lại: “Hãy trở về với Thiên Chúa và hãy ăn năn sám hối để Ngài ban cho anh em sự sống đời đời”.
RC
SUY NIỆM 5: SỐNG TRINH KHIẾT (Lc 20, 27-40)
Xem lại CN 25 TN C
Trong Tin Mừng, chúng ta thường thấy nhắc đến một số nhóm luôn đứng lên để chống đối Đức Giêsu, trong đó có nhóm Sađốc.
Hôm nay, chính nhóm Sađốc này đã đứng lên để bàn mưu tính kế nhằm hãm hại Đức Giêsu. Cái bẫy mà họ đưa ra chính là câu chuyện liên quan đến sự sống lại.
Vấn nạn mà họ đặt ra cho Đức Giêsu và yêu cầu Ngài trả lời là: theo luật Môsê, nếu người anh lấy vợ, khi chết đi mà chưa có con, thì người em phải lấy vợ của anh mình để có con nối dòng.
Vậy cả 7 anh em một nhà kia lấy vợ, nhưng khi chưa có con thì họ đã chết, sau cùng người đàn bà kia cũng chết.
Vấn đề đặt ra là: khi sống lại, người đàn bà kia sẽ là vợ của người nào trong 7 anh em đó?
Một câu hỏi xem ra hóc búa, hòng hy vọng Đức Giêsu sẽ bị mắc hợm. Tuy nhiên, Ngài đã trả lời rất thâm thúy rằng: “Con cái đời này thì dựng vợ gả chồng, còn những ai được xét là xứng đáng dự phần vào đời sau và được sống lại từ cõi chết thì sẽ không còn dựng vợ gả chồng nữa”.
Qua câu trả lời này, Đức Giêsu không những đã phá vỡ mưu đồ ác nhân của nhóm Sađốc, mà còn mặc khải cho họ một sứ điệp quan trọng trong cuộc sống mai hậu nữa, đó là: khi còn sống trên trần gian, thì chuyện lấy vợ gả chồng có mục đích lưu truyền nòi giống theo lệnh truyền của Chúa: “Hãy sinh sản đầy mặt đất”. Duy trì nòi giống là vì con người sẽ phải chết, nên cần phải có con nối dõi tông đường.
Nhưng cuộc sống trên Thiên Quốc mai hậu thì hoàn toàn khác, họ sẽ tồn tại mãi mãi trong sự sống muôn đời. Họ không cần phải đặt vấn đề duy trì nòi giống nữa, vì thế, họ không cần phải lấy vợ, gả chồng.
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy ý thức rằng: cuộc sống trên trần gian này chỉ là tạm bợ mà thôi. Cuộc sống trên Thiên Quốc mai ngày mới là vĩnh viễn. Vì thế, trong cuộc hiện nay, hãy chu toàn bổn phận của mình cách chính đáng. Tuy nhiên, cần phải hướng lòng về quê thật chính là Thiên Đàng, nơi đó là nơi tràn đấy ánh sáng và bình an.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho mỗi người chúng con ý thức rằng: quê hương chúng con ở trên trời. Vì thế, chúng con cần phải biết sống xứng đáng là con cái Chúa, để sau này được chung hưởng hạnh phúc Thiên Quốc với các thánh trên trời. Amen.
Ngọc Biển SSP
Saturday (November 23): “All live to him”
Scripture: Luke 20:27-40 27 There came to him some Sadducees, those who say that there is no resurrection, 28 and they asked him a question, saying, “Teacher, Moses wrote for us that if a man’s brother dies, having a wife but no children, the man must take the wife and raise up children for his brother. 29 Now there were seven brothers; the first took a wife, and died without children; 30 and the second 31 and the third took her, and likewise all seven left no children and died. 32 Afterward the woman also died. 33 In the resurrection, therefore, whose wife will the woman be? For the seven had her as wife.” 34 And Jesus said to them, “The sons of this age marry and are given in marriage; 35 but those who are accounted worthy to attain to that age and to the resurrection from the dead neither marry nor are given in marriage, 36 for they cannot die any more, because they are equal to angels and are sons of God, being sons of the resurrection. 37 But that the dead are raised, even Moses showed, in the passage about the bush, where he calls the Lord the God of Abraham and the God of Isaac and the God of Jacob. 38 Now he is not God of the dead, but of the living; for all live to him.” 39 And some of the scribes answered, “Teacher, you have spoken well.” 40 For they no longer dared to ask him any question. |
Thứ Bảy 23-11 Tất cả đều sống đối với Người
Lc 20,27-40 27 Có mấy người thuộc nhóm Xa-đốc đến gặp Đức Giê-su. Nhóm này chủ trương không có sự sống lại.28 Mấy người ấy hỏi Đức Giê-su: “Thưa Thầy, ông Mô-sê có viết cho chúng ta điều luật này: Nếu anh hay em của người nào chết đi, đã có vợ mà không có con, thì người ấy phải lấy nàng, để sinh con nối dòng cho anh hay em mình.29 Vậy nhà kia có bảy anh em trai. Người anh cả lấy vợ, nhưng chưa có con thì đã chết.30 Người thứ hai,31 rồi người thứ ba đã lấy người vợ goá ấy. Cứ như vậy, bảy anh em đều chết đi mà không để lại đứa con nào.32 Cuối cùng, người đàn bà ấy cũng chết.33 Vậy trong ngày sống lại, người đàn bà ấy sẽ là vợ ai, vì cả bảy đều đã lấy nàng làm vợ? “34 Đức Giê-su đáp: “Con cái đời này cưới vợ lấy chồng,35 chứ những ai được xét là đáng hưởng phúc đời sau và sống lại từ cõi chết, thì không cưới vợ cũng chẳng lấy chồng.36 Quả thật, họ không thể chết nữa, vì được ngang hàng với các thiên thần. Họ là con cái Thiên Chúa, vì là con cái sự sống lại.37 Còn về vấn đề kẻ chết trỗi dậy, thì chính ông Mô-sê cũng đã cho thấy trong đoạn văn nói về bụi gai, khi ông gọi Đức Chúa là Thiên Chúa của tổ phụ Áp-ra-ham,Thiên Chúa của tổ phụ I-xa-ác, và Thiên Chúa của tổ phụ Gia-cóp.38 Mà Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là Thiên Chúa của kẻ sống, vì đối với Người, tất cả đều đang sống.”39 Bấy giờ có mấy người thuộc nhóm kinh sư lên tiếng nói: “Thưa Thầy, Thầy nói hay lắm.”40 Thế là, họ không dám chất vấn Người điều gì nữa. |
Meditation:
Is your life earth-bound or heaven-bound? The Sadducees had one big problem – they could not conceive of heaven beyond what they could see with their naked eyes! Aren’t we often like them? We don’t recognize spiritual realities because we try to make heaven into an earthly image. The Sadducees came to Jesus with a test question to make the resurrection look ridiculous. The Sadducees, unlike the Pharisees, did not believe in immortality, nor in angels or evil spirits. Their religion was literally grounded in an earthly image of heaven. The Scriptures give witness – we will rise again to immortal life Jesus retorts by dealing with the fact of the resurrection. The scriptures give proof of it. In Exodus 3:6, when God manifests his presence to Moses in the burning bush, the Lord tells him that he is the God of Abraham, Isaac, and Jacob. He shows that the patriarchs who died hundreds of years previously were still alive in God. Jesus defeats their arguments by showing that God is a living God of a living people. God was the friend of Abraham, Isaac, and Jacob when they lived. That friendship could not cease with death. As Psalm 73:23-24 states: “I am continually with you; you hold my right hand. You guide me with your counsel, and afterward you will receive me to glory.” The ultimate proof of the resurrection is the Lord Jesus and his victory over death when he rose from the tomb. Before Jesus raised Lazarus from the dead, he exclaimed: “I am the resurrection and the life; he who believes in me, though he die, yet shall he live, and whoever lives and believes in me shall never die. Do you believe this?” (John 11:25). Jesus asks us the same question. Do you believe in the resurrection and in the promise of eternal life with God? Jesus came to restore Paradise and everlasting life for us The Holy Spirit reveals to us the eternal truths of God’s unending love and the life he desires to share with us for all eternity. Paul the Apostle, quoting from the prophet Isaiah (Isaiah 64:4; 65:17) states: “What no eye has seen, nor ear heard, nor the heart of man conceived, what God has prepared for those who love him,” God has revealed to us through the Spirit (1 Corinthians 2:9-10). The promise of paradise – heavenly bliss and unending life with an all-loving God – is beyond human reckoning. We have only begun to taste the first-fruits! Do you live now in the joy and hope of the life of the age to come? “May the Lord Jesus put his hands on our eyes also, for then we too shall begin to look not at what is seen but at what is not seen. May he open the eyes that are concerned not with the present but with what is yet to come, may he unseal the heart’s vision, that we may gaze on God in the Spirit, through the same Lord, Jesus Christ, whose glory and power will endure throughout the unending succession of ages.” (Prayer of Origen, 185-254 AD) |
Suy niệm:
Cuộc sống của bạn hướng về thế gian hay hướng về thượng giới? Người Sađốc có vấn đề lớn – họ không thể quan niệm về Thiên đàng bên ngoài những gì họ có thể nhìn thấy với đôi mắt trần của họ! Chẳng phải chúng ta cũng thường giống như họ sao? Chúng ta không nhận ra những thực tại thiêng liêng bởi vì chúng ta cố gắng tạo ra Thiên đàng theo hình ảnh trần thế. Người Sađốc đến dò hỏi Đức Giêsu với một câu hỏi để khiến việc sống lại xem như một điều lố bịch. Người Sađốc không giống như người Pharisêu, không tin sự bất tử, hay các thiên thần hay những thần dữ. Thật vậy, niềm tin của họ dựa trên một hình ảnh trần thế về Thiên đàng. Kinh thánh làm chứng – chúng ta sẽ trổi dậy cho sự sống vĩnh cửu Đức Giêsu trả miếng bằng việc xử lý với sự kiện sống lại. Kinh thánh làm chứng về điều đó. Trong sách Xuất hành 3,6 khi Thiên Chúa tỏ mình cho Môisen trong bụi gai bốc cháy, Thiên Chúa nói với ông rằng Người là Thiên Chúa của Abraham, Isaac, và Giacóp. Người bày tỏ rằng các tổ phụ, đã chết hằng trăm năm trước đó, vẫn sống trong Chúa. Đức Giêsu đánh bại những tranh cãi của họ bằng sự bày tỏ rằng Thiên Chúa là Thiên Chúa hằng sống của người sống. Thiên Chúa là bạn của Abraham, Isaac, và Giacóp khi họ còn sống. Tình bằng hữu đó không thể dừng lại với cái chết. Như Thánh vịnh 73,23-24 nói rằng: “Thật con ở với Chúa luôn, tay con Ngài nắm chẳng buông chẳng rời. Dắt dìu khuyên nhủ bao lời, một mai đưa tới rạng ngời quang vinh.”
Bằng chứng cơ bản của sự sống lại là Chúa Giêsu và sự chiến thắng của Người trên sự chết khi Người sống lại ra khỏi mồ. Trước khi Đức Giêsu cho Lagiarô sống lại từ cõi chết, Người tuyên bố: “Ta là sự sống lại và là sự sống; ai tin Ta, dù có chết, cũng sẽ sống, và ai sống mà tin Ta sẽ không bao giờ chết. Ngươi có tin điều này không?” (Ga 11,25). Đức Giêsu hỏi chúng ta cũng cùng một câu hỏi. Bạn có tin sự sống lại và lời hứa sự sống đời đời với Thiên Chúa không? Đức Giêsu đến để phục hồi hạnh phúc và sự sống vĩnh cửu cho chúng ta Chúa Thánh Thần mặc khải cho chúng ta những chân lý đời đời của tình yêu bất tận của Thiên Chúa và sự sống Người muốn chia sẻ với chúng ta trong cõi đời đời. Thánh Phaolô tông đồ, trích dẫn lời của ngôn sứ Isaia 64,4- 65,17 rằng: “Điều mắt chẳng hề thấy, tai chẳng hề nghe, lòng người không hề nghĩ tới, đó lại là điều Thiên Chúa đã dọn sẵn cho những ai yêu mến Người”, Thiên Chúa đã mặc khải với chúng ta nhờ Thần Khí (1Cor 2,9-10). Lời hứa Thiên đàng – hạnh phúc Thiên đàng và cuộc sống bất tận với Thiên Chúa luôn yêu thương – vượt quá sự hiểu biết của con người. Chúng ta mới chỉ bắt đầu nếm những hoa trái đầu mùa! Bạn có đang sống trong vui mừng và hy vọng của cuộc sống đời sau không? Chớ gì Đức Giêsu cũng đặt tay của Người trên cặp mắt chúng ta, để rồi chúng ta cũng sẽ bắt đầu không chỉ nhìn thấy những gì trông thấy, mà cả những gì không nhìn thấy. Chớ gì Chúa mở những đôi mắt liên quan không chỉ với đời này, nhưng với những gì ở đời sau. Chớ gì Chúa mở cái nhìn của tâm hồn, để chúng ta có thể nhìn ngắm Thiên Chúa trong Thần Khí, qua cùng một Thiên Chúa, Đức Giêsu Kitô, Đấng mà vinh quang và quyền lực của Người sẽ tồn tại qua muôn vàn thế hệ. (Lời cầu nguyện của giáo phụ Origen, 185-254 AD) |
Tác giả: Don Schwager
(http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/)
Bro. Paul Thanh Vu – chuyển ngữ
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn