Thứ năm tuần 33 thường niên – Đức Mẹ dâng mình trong đền thờ. Lễ nhớ.
"Người giơ tay trên các môn đệ mà nói: Đây là mẹ Ta và là anh em Ta".
* Vượt lên trên những câu chuyện cổ kính thuật lại việc Đức Trinh Nữ Maria dâng mình vào Đền Thờ, Hội Thánh Đông Phương và Tây Phương ngày nay đều kính nhớ biến cố Đức Trinh Nữ Vô Nhiễm Nguyên Tội dâng mình cho Chúa từ lúc còn ấu thơ. Mọi Kitô hữu có thể nhận thấy nơi Đức Maria “đầy ân sủng” gương mẫu cho đời sống hiến dâng.
Lời Chúa: Mt 12, 46-50
Khi ấy, Chúa Giêsu còn đang nói với dân chúng, thì mẹ Người và anh em Người đứng ngoài tìm cách nói chuyện với Người. Có kẻ thưa rằng: "Kìa, mẹ Ngài và anh em Ngài đang đứng tìm Ngài ngoài kia". Nhưng Người trả lời kẻ ấy rằng: "Ai là mẹ Ta, ai là anh em Ta?"
Rồi Người giơ tay chỉ các môn đệ mà nói: "Đây là mẹ Ta và là anh em Ta, vì hễ ai làm theo ý Cha Ta trên trời, thì người ấy là anh em, chị em và là mẹ Ta vậy".
SUY NIỆM 1: Đức Mẹ Dâng Mình
Tại hầu hết các nhà thờ ở Liên Xô mà tôi đã viếng thăm đều có những bức họa lớn hoặc nhỏ, rất đẹp về cảnh Đức Mẹ dâng mình vào đền thờ. Ở góc cao nhất của bức họa là cửa đền thờ Giêrusalem diễn tả cửa Trời. Thầy thượng tế mặc phẩm phục đứng đó nhìn xuống một cô bé 3 tuổi, đang lanh lẹn và đẹp đẽ leo hết 36 bậc thang đi vào Đền Thánh, trước sự ngưỡng mộ của hàng ngàn trinh nữ cầm đèn cháy sáng đứng hai bên. Cô bé ba tuổi đó chính là Maria, lanh lẹn tiến vào nhà Chúa, không thèm ngoái cổ lại nhìn thế gian, từ giã họ hàng…
Các nhà thờ chính thống cũng như Công giáo ở Đông Phương đều đề cao việc Đức Mẹ dâng mình và mừng lễ này hết sức long trọng và hân hoan, không biết từ những ngày xa xôi nào. Chỉ biết đến thế kỷ VI, đòan đại biểu của Giáo Hội La Mã qua thăm Đông Phương thấy vẻ đẹp của các bức họa và các cuộc lễ này đẹp đẽ phấn khởi như vậy, mới trở về quảng bá việc mừng lễ Đức Mẹ Dâng Mình cho đến ngày nay.
Như vậy, lễ này phát xuất từ Đông Phương, miền truyền giáo của thánh Gioan tông đồ và có thể là nơi xuất phát lòng tôn sùng Đức Mẹ sâu sắc hơn cả. Dĩ nhiên, câu truyện Đức Mẹ dâng mình vào đền thờ không được viết trong Thánh Kinh. Phải đọc nó trong các sách bình dân không có phép của giáo quyền. Nghĩa là không có gì chắc chắn Đức Maria đã dâng mình vào đền thờ khi lên ba. Nhưng cuộc đời của Đức Mẹ là cả một lễ dâng mình kéo dài mà đỉnh cao như chúng ta sẽ nói là ở đồi Sọ, gần thập giá Đức Giêsu.
Maria sinh ra được giáo dục trong lòng đạo đức của Dân được tuyển chọn. Lớn lên, một trong những câu truyện đầu tiên cô được nghe và phải thuộc lòng, chính là câu truyện về cuộc đời của Abraham tổ phụ dân Chúa. Và Thánh Kinh kể Abraham là con người có đức tin, tin một mình Đức Chúa, tin hoàn toàn vào Lời Hứa và sự dẫn dắt của Người. Vì Đức Chúa, để gắn bó với Người, ông bỏ quê hương, bỏ gia tộc, bỏ mọi sự, đi theo Chúa. Không phải ông không mơ ước điều nọ điều kia. Ông đi theo Chúa vì Chúa hứa cho ông một giang sơn, một dòng dõi, một đời sống hạnh phúc bất tận. Dần dần ông thấy mình được những điều đó. Đặc biệt đến tuổi 100, ông đã được Chúa ban đứa con nối dòng là Isaac. Chúng ta cứ thử nghĩ xem Isaac đối với ông quí như thế nào. Đó là sự sống của ông, sự sống sẽ được nối dài trong bao ngàn thế hệ… Thế mà Chúa lại đòi ông đi sát tế Isaac. Lòng đau như cắt, ông xin vâng, dẫn Isaac lên tế đàn…
Câu truyện đó làm sao không làm cho Maria say mê sung sướng. Là thiếu nữ Sion tuyệt vời, là tiêu biểu của dòng giống được tuyển chọn, Maria phải yêu nước, yêu dân tộc mình, yêu tổ phụ của dân và do đó phải thích và thuộc những gì Kinh Thánh viết về Abraham. Hơn nữa, là một tác phẩm kỳ công của Thiên Chúa, câu truyện Abraham tin Chúa, yêu Chúa đến nỗi sẵn lòng hy sinh tất cả để tỏ lòng tin, cậy, mến, phải thu hút tình yêu của Maria. Maria muốn bắt chước tổ phụ của dòng dõi mình. Maria dâng trọn đời mình cho Chúa.
Chúng ta khẳng định được như vậy vì tất cả các nét mà các sách Tin Mừng vẽ lại cho chúng ta thấy tâm hồn của Maria. Chúng ta biết câu truyện Truyền tin. Maria dâng mình phó thác cho Thiên Chúa quyết liệt thế nào trong hai tiếng Xin Vâng khiêm nhường. Cũng vì chỉ muốn đi theo Chúa, phục vụ Chúa, mà nghe tin Chúa làm việc lạ nơi bà chị họ Êlisabét, Maria đã tất tưởi lên đường, hạnh phúc nhảy các đồi cao, đến nhìn công việc của Chúa. Và tại đây, như bài Tin Mừng cho thấy, tâm hồn của Maria đã dạt dào cởi mở trong bài kinh Magnificat. Cứ đọc bài ca ấy đi, ai không thấy ngay một tâm hồn đẹp đẽ nhưng dâng hiến hoàn toàn cho công việc của Thiên Chúa. Lòng dâng hiến trọn vẹn sẽ đưa Maria không một phút nào không mật thiết kết hiệp với Đức Giêsu, đặc biệt trên con đường thập giá. Và khi Phêrô và các môn đệ to mồm nhất, bỏ Chúa đau đớn và trơ trọi trên thập giá, Mẹ Maria dũng cảm có mặt ở đó, để các vết thương trên thân thể Con trở thành những nhát gươm đâm nát trái tim Mẹ. Con dâng mình đau đớn thế nào cho Chúa Cha, Mẹ cũng dâng khổ đau dữ dằn như thế, để cùng Con đổ Máu đền tội cho trần gian và ban Nước ân sủng Thánh Thần cho mọi tín hữu. Đức tin cho chúng ta biết lễ dâng của Chúa và của Đức Mẹ tại đồi Sọ có giá trị như thế nào. Thánh Phaolô nói rõ trong bài thư hôm nay. Chúng ta vẫn tin như vậy. Tôi không cần nói thêm.
Tôi chỉ muốn nói điều này: Ơn Cứu độ, Sự sống của Hội Thánh phát xuất từ lễ dâng trên núi Sọ. Đó là lễ dâng của Chúa Giêsu và của Đức Mẹ. Lễ dâng đó trọn vẹn vì đã chảy cho đến giọt máu cuối cùng… Nhưng đã khởi sự và đi con đường thập giá hy sinh lâu rồi. Cũng như thư Hi- bá viết: Khi vào thế gian, Đức Kitô đã nói với Đức Chúa Cha: Này Con xin đến để làm theo ý Cha; thì khi cho chúng ta gặp Đức Mẹ lần đầu tiên, sách Tin Mừng cũng kể: Người nói hai chữ “Xin Vâng” để suốt đời sống theo ý Chúa.
Cha của chúng ta là Đức Giêsu, Mẹ của chúng ta là Đức Maria. Cả hai đã suốt đời Xin Vâng ý Cha Trên Trời nên mới có dòng dõi là nghĩa tử. Đó là Adong và Evà mới của nhân loại mới được cứu độ, thay cho Adong và Evà cũ đã đưa loài người vào con đường tội lỗi lầm than vì bất tuân, vì không dâng hiến nhưng muốn sống cho mình.
Cha mẹ của chúng ta như vậy, chúng ta sẽ thế nào? Anh em Linh mục thân mến, chúng ta hãy nhìn vào Đức Mẹ trong lễ dâng mình hôm nay, để dâng lại ý chí của chúng ta trong ngày chịu chức, là vâng phục Giám mục để thực sự là tông đồ, tức là được sai đi như Chúa Con được Chúa Cha sai xuống trần gian thi hành chương trình cứu độ thương xót của Người.
Anh chị em nam nữ tu sĩ, hôm nay hãy cùng chúng tôi dâng mình lại theo gương mẫu Đức Maria, dâng trọn vẹn để sống mật thiết với Chúa Giêsu và công cuộc Cứu thế của Người.
Anh chị em giáo dân hãy hợp lòng với tất cả các bậc tu trì chúng tôi để cùng dâng linh hồn và thân xác, đời sống và gia đình cho Chúa, cho Đức Mẹ để xứng đáng là tín hữu, tức là có đức tin trung tín.
Và như vậy, tất cả chúng ta, sau khi dâng mình hiệp với của lễ dâng trên bàn thờ, để gắn bó với tâm tình hiến dâng của Chúa và Đức Mẹ, và sau khi mang tinh thần hiến dâng trọn vẹn ở nơi mình, chúng ta trước khi ra về sẽ dâng Giáo phận, các Giáo xứ, các Cộng đoàn, các gia đình và hết thảy mọi người cho Chúa trong đà dâng mình trọn vẹn, tuyệt diệu của Đức Maria Mẹ chúng ta trong thánh lễ hôm nay.
Chúng ta cùng nhau đứng lên bắt đầu thái độ hiến dâng trong các lời nguyện cầu sau đây cho mọi thành phần dân Chúa và xã hội.
(ĐGM. Bart. Nguyễn Sơn Lâm)
SUY NIỆM 2: Đức Mẹ dâng mình trong đền thờ
(Bài Suy Gẫm số 191 của Thánh Gioan La San)
“Tôn nương hỡi, xin hãy nghe nào,
đưa mắt nhìn và hãy lắng tai,
quên dân tộc, quên đi nhà thân phụ.
Sắc nước hương trời, Quân Vương sủng ái”
(Tv 44, 10-11)
Điểm 1. Đức Maria dâng mình trọn vẹn cho Thiên Chúa.
Không phải vô duyên vô cớ mà Hội Thánh tôn vinh sự kiện Đức Trinh Nữ rất thánh dâng mình trong Đền thờ bằng một ngày lễ. Bởi vì chính trong ngày nầy mà Đức Trinh Nữ đã dâng mình cho Thiên Chúa, để hoàn toàn thuộc về Người suốt đời, ngõ hầu không chỉ xa lánh sự đồi trụy của thế gian, Trinh Nữ còn loại bỏ khỏi tâm trí người mọi lo toan với những tư tưởng vô ích của thế gian, và loại khỏi lòng người cảm tình đối với tạo vật, vì lòng người được dựng nên chỉ để yêu Chúa và dâng trọn cho Chúa mà thôi. Vì thế, trong ngày thánh nầy, được Thiên Chúa ban cho không những ân sủng mà còn cả trí hiểu biết, cho nên dù tuổi còn rất trẻ, Trinh Nữ đã khấn sống khiết tịnh suốt đời, theo niềm tin truyền thống dựa trên tường trình của một tác giả đạo đức thời xưa. Theo lời thánh Gioan Damascène, (Trinh Nữ đã khấn như thế) để gìn giữ linh hồn mình trong sự thanh khiết, một khi thân xác người thoát khỏi mọi lạc thú của đời sống nầy.
Anh Em đã dâng mình cho Chúa khi Anh Em xa lìa thế gian, để sống trong cộng đoàn nầy bằng cách hoàn toàn thoát ra khỏi tất cả những gì, trong thế gian, có thể làm thoả mãn các giác quan Anh Em, và chọn nơi nầy làm nhà của Anh Em. Anh Em phải xem ngày nầy như là ngày hạnh phúc của Anh Em bắt đầu trên mặt đất, để một ngày kia được thành toàn trên Trời. Nhưng Anh Em đã dâng mình cho Chúa không phải chỉ tạm thời mà thôi. Bởi lẽ Anh Em đã dâng linh hồn Anh Em cho Chúa, mà linh hồn Anh Em thì sẽ sống đời đời, vì vậy sự dâng hiến của Anh Em cũng phải đời đời. Mà nếu Anh Em đã bắt đầu dâng mình trên trái đất nầy rồi, thì sự dâng hiến nầy phải như thể một cuộc tập huấn cho việc mà Anh Em sẽ làm đời đời trên Thiên đàng.
Điểm 2. Cuộc sống của Đức Maria trong Đền thờ.
Đức Trinh Nữ rất thánh đã hiến mình hoàn toàn cho Thiên Chúa một cách dứt khoát trong ngày thánh nầy. Cha mẹ người tháp tùng người trong hành động thánh thiện nầy, đã để người ở lại trong Đền thờ hầu được dưỡng dục tại đó với các trinh nữ khác, và chú tâm thực hành mọi nhân đức. Vì Thiên Chúa muốn một ngày kia Đức Maria sẽ trở thành đền thờ cho Thiên tính của Người, nên Người đã thực hiện nơi Trinh Nữ một điều cao trọng, ngay từ tuổi thơ ấu, bằng sự tuyệt đỉnh của ân sủng để tôn vinh Trinh Nữ. Điều Thiên Chúa làm thật là chính đáng. Vì thế, theo lời một tác giả đạo đức, trong Đền thờ Trinh Nữ luôn tận tụy phục vụ Thiên Chúa, tập luyện chay tịnh và cầu nguyện ngày đêm. Chính bằng cách nầy mà Trinh Nữ vẹn toàn thanh khiết nầy đã sống cách thánh thiện trong suốt thời gian người đã trải qua trong Đền thờ.
Anh Em được hạnh phúc sống trong nhà Thiên Chúa mà Anh Em đã dấn thân phụng sự. Anh Em phải: 1) tích lũy đầy tràn ân sủng nhờ linh thao thánh là nguyện gẫm; 2) ra sức thực hành các nhân đức thích hợp nhất với bậc sống của Anh Em. Chính bằng những phương tiện nầy mà Anh Em có khả năng chu toàn bổn phận của Anh Em. Bởi vì Anh Em chỉ có thể làm tròn bổn phận mà Thiên Chúa đòi hỏi nơi Anh Em trong mức độ Anh Em trở nên trung tín và chuyên cần nguyện gẫm. Chính nhờ nguyện gẫm mà “Thần Khí sẽ ngự đến và dẫn Anh Em đến sự thật toàn vẹn”, như Đức Giêsu Kitô đã dạy các tông đồ của Người, những chân lý của Giáo lý và những châm ngôn Kitô giáo, mà Anh Em phải biết và thực hành cách thật trọn hảo, vì Anh Em có bổn phận truyền lại cho người khác.
Điểm 3. Bằng sự thánh thiện của mình, Đức Maria chuẩn bị trở thành Mẹ Thiên Chúa.
Kết quả của việc Đức Trinh Nữ rất thánh ở trong Đền thờ là sự biến đổi lòng Trinh Nữ thành một đền thánh. Đó là lời mà Hội Thánh đã dùng để ca ngợi Trinh Nữ trong ngày thánh nầy, rằng Trinh Nữ là đền thờ của Chúa và là thánh điện của Chúa Thánh Thần. Vì lẽ ấy, Trinh Nữ là thọ tạo duy nhất đẹp lòng Thiên Chúa một cách tuyệt hảo và cao quý đến nỗi sẽ không có một thọ tạo nào khác giống như Trinh Nữ. Vì Trinh Nữ chính là thiếu nữ mà Đức Chúa, theo lời sách Sáng Thế (3,15), đã chuẩn bị cho con của Người, và vì theo lời một ngôn sứ, “ngày của Đức Chúa đến gần” (x. Ed 12,23) nên Người đã chuẩn bị Trinh Nữ trước, biến Trinh Nữ thành một lễ phẩm thánh thiện được thánh hiến cho Người. Vì vậy mà, theo sách Khải Huyền, Trinh Nữ “trốn vào sa mạc” (Kh 12,6), nghĩa là vào trong Đền thờ, là nơi cách ly khỏi những liên hệ với con người, nơi mà Trinh Nữ tìm được sự tĩnh mịch mà Thiên Chúa đã định cho Trinh Nữ. Vì Con Thiên Chúa phải chọn Trinh Nữ làm nơi lưu ngụ cho mình, thì việc Trinh Nữ không chuyện vãn với người phàm ngoài đời là điều rất hợp lý; mọi cuộc chuyện vãn đều ở trong Đền thờ của Đức Chúa; thậm chí Trinh Nữ thường chuyện vãn với các Thiên Thần hơn là với các bạn đồng môn của mình, để trở nên xứng đáng được một thiên sứ của Thiên Chúa bái chào.
Hôm nay Anh Em hãy tôn vinh Đức Trinh Nữ rất thánh như là Nhà Tạm và Đền thờ sống mà chính Thiên Chúa đã xây dựng cho Người, và tự tay Thiên Chúa tô điểm. Anh Em hãy nguyện xin Trinh Nữ cầu thay nguyện giúp cho Anh Em được hồng ân là linh hồn Anh Em được trang điểm xinh đẹp, và sẵn sàng đón nhận Lời Chúa để truyền đạt lại cho người khác, đến nỗi Anh Em trở thành những nhà tạm của Ngôi Lời Thiên Chúa, nhờ lời Trinh Nữ chuyển cầu.
Bó hoa thiêng liêng:
“Cuộc đời Đức Maria có thể làm gương mẫu cho mọi người” (Thánh Amrôsiô)
SUY NIỆM 3: Vâng ý Cha dưới đất cũng như trên trời
William Barlay, một học giả Kinh Thánh nổi tiếng người Anh đề nghị sửa một dấu trong Kinh "Lạy Cha" như sau: Giữa những câu "chúng con nguyện danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến" và câu "ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời" thay vì dấu phết hay dấu chấm phết nên dùng dấu hai chấm, để nêu bật ý nghĩa: Nếu chúng ta vâng theo ý Chúa dưới đất ý Chúa được vâng phục trên trời thì chúng ta sẽ làm cho: danh Chúa cả sáng và Nước Chúa được thống trị mọi nơi.
Ðề nghị trên nhằm mục đích nhấn mạnh sứ mệnh xây dựng Nước Trời giữa lòng xã hội trần thế bằng cách hoàn toàn vâng theo ý Chúa của các tín hữu Kitô.
Bởi lẽ đây là một trong những nội dung quan trọng nhất của sứ điệp Chúa Giêsu rao giảng và cũng là mẫu gương nổi bật nhất trong cuộc đời của Ngài.
"Ai vâng theo ý Cha Ta ở trên trời thì kẻ ấy là anh em Ta, là chị em Ta và là Mẹ Ta".
Tuyên bố câu này, Chúa Giêsu không có ý khước từ mối dây liên lạc và tình mẫu tử giữa Ngài với Ðức Maria. Nhưng Ngài muốn nêu bật một thực tại: Ðức Maria đã trở nên Mẹ Ngài qua câu trả lời: "Này tôi là nữ tỳ của Thiên Chúa, tôi xin vâng như lời sứ thần truyền" và trong suốt cuộc đời, Ðức Maria đã trung tín giữ trọn lời thưa xin vâng này đến giây phút đứng dưới chân thập giá.
Mừng Lễ Ðức Mẹ dâng mình vào đền thánh, không gì chúng ta có thể làm đẹp lòng Mẹ hơn là học cùng Mẹ để bập bẹ thưa: "Xin vâng!".
(Trích trong ‘Lẽ Sống’ – R. Veritas)
SUY NIỆM 4: Đức Mẹ dâng mình trong đền thờ
Mẹ Maria đã thực hiện tập tục, truyền thống của người Do Thái là dâng hiến tuổi thơ mình cho Thiên Chúa Giavê trong đền thánh. Đây là tục lệ của người Do Thái là bất cứ trẻ nhỏ nào cũng được dâng vào đền thánh để được thánh hiến và sau đó sẽ ở lại đền thờ một thời gian để giúp việc và phục vụ các vị chủ tế. Mẹ Maria đã tuân theo truyền thống của người Do Thái.
Một con người được dâng hiến cho Thiên Chúa Giavê
Mẹ Maria đã được thánh Gioankim và thánh Anna đem dâng cho Thiên Chúa trong đền thánh Giêrusalem, để cuộc đời của Người được thánh hiến. Chính giây phút cha mẹ của Đức Trinh Nữ Maria đem con mình là Maria vào đền thánh Giêrusalem để được Thiên Chúa thánh hiến. Maria đã hoàn toàn thuộc trọn về Chúa. Mẹ đã được Thiên chúa chuẩn bị để lãnh nhận sứ mạng hết sức cao cả là trở thành Mẹ Đức Giêsu Kitô. Giây phút ấy trở thành hồng phúc vì chính Thiên Chúa đã biến cuộc đời của mẹ trở nên tinh ròng, vẹn tuyền khiến cung lòng của mẹ là đền thờ cho Đức Giêsu Kitô ngự trị. Nơi đền thánh Giêrusalem, mẹ Maria đã thực hành biết bao hy sinh, biết bao cố gắng, biết bao gian khổ với một tâm hồn quảng đại, với con tim nhạy cảm, với con mắt yêu thương. Một quá trình xuyên suốt sống trong đền thánh, mẹ Maria đã thực hành biết bao nhiêu nhân đức, những nhân đức anh hùng trổi vượt nhất đã biến mẹ nên con người hoàn hảo nhất để dọn đường, dọn chức vụ mẹ Thiên Chúa của Đức trinh nữ Maria. Mẹ âm thầm cầu nguyện, kết hiệp với Chúa, làm việc nội trợ, chân tay, rồi cầu nguyện, suy gẫm lời Chúa. Đó là chương trình sống của mẹ trong ngày. Sự hy sinh, từ bỏ, kiên nhẫn đã thanh luyện mẹ và nhờ được thanh luyện mẹ trở nên ngôi đền thiêng liêng, xứng đáng cho con một Thiên Chúa là Đức Giêsu Kitô đến cư ngụ.
Dâng hiến Mẹ vào đền thánh là mở đầu nhân đức tinh khiết của đời tận hiến
Mẹ Maria được dâng hiến trong đền thánh là bước đầu khai mở cuộc đời tận hiến, dẫn tới đức khiết tịnh Kitô giáo. Mẹ Maria đã biến cuộc đời mình, đã biến cái tinh hoa cao quí nhất của cuộc đời mình làm cái phúc. Chính cái phúc là con đường hướng mẹ Maria tới việc vâng phục ý Thiên Chúa. Mẹ chấp nhận tất cả với tâm hồn rộng mở, tâm hồn quảng đại, quả cảm. Mẹ là mẫu gương tuyệt vời để nhiều người noi theo. Tình yêu của mẹ đã biến đổi cái nhìn của con người. Nhờ tình yêu thanh luyện của mẹ đã có nhiều trinh nữ hiến trọn cuộc đời mình cho Thiên chúa trong cuộc đời tận hiến. Chính tình yêu mẫu tử của mẹ đã xóa nhòa mọi nỗi cay đắng khổ đau, để muôn đời mẹ vẫn là mẫu gương sáng chói, là Đấng bảo trợ nhiệt thành và là Đấng hướng dẫn con người, Đấng soi chiếu mọi người trên con đường tận hiến.
Lạy Mẹ Maria, xin giúp chúng con nhận ra con người chúng con để chúng con chỉ có một điều là hiến trọn thân cho Thiên Chúa.
(Lm. Giuse Nguyễn Hưng Lợi)
SUY NIỆM 5: Đức Mẹ dâng mình vào đền thánh
1. Cuộc đời có định hướng và hướng về Thiên Chúa của Đức Maria
Theo truyền thống của Giáo Hội, khi còn thanh xuân, Đức Ma-ri-a đã có ý hướng dâng trọn cả cuộc đời mình để phụng sự Thiên Chúa đặc biệt trong bậc sống độc thân và đồng trinh. Nghĩa là Mẹ muốn dâng trọn cả hồn và xác cho Thiên Chúa, để hoàn toàn tự do hầu tuân hành thánh ý Chúa một cách trọn vẹn. Mẹ muốn trở nên dụng cụ ngoan ngùy trong tay Thiên Chúa, để Ngài muốn sử dụng mình thế nào tùy ý Ngài. Như thế Mẹ Ma-ri-a đã chọn Thiên Chúa làm lẽ sống, làm chủ cuộc đời mình, dâng trọn tình yêu và trái tim cho Ngài. Chính trong ý hướng đó, Thiên Chúa chọn Mẹ làm Mẹ Đấng Cứu Thế.
2. Cuộc đời người Ki-tô hữu cũng cần được định hướng và hướng về Thiên Chúa
Một người ra khỏi nhà mà không định hướng mình đi đâu, thì sẽ chẳng đi đến đâu. Một con thuyền không có định hướng sẽ bị sóng gió đưa đẩy và cuối cùng có thể bị nước cuốn chìm. Cũng vậy, muốn nên thánh hay muốn trở nên một Ki-tô hữu đúng nghĩa, người Ki-tô hữu cũng cần định hướng rõ rệt cuộc đời mình. Người Ki-tô hữu đích thực phải là người thuộc về Đức Ki-tô, hay thuộc về Thiên Chúa, nói khác đi, phải là người của Đức Ki-tô hay của Thiên Chúa. Vì thế, họ cần xác định điều đó một lần dứt khoát cho cả cuộc đời mình. Nghĩa là họ cần dâng lại trọn cuộc đời mình cho Thiên Chúa hay Đức Ki-tô, để từ đó về sau, họ thuộc trọn về Chúa, và chỉ làm những gì Chúa muốn. Một cuộc đời như thế chắc chắn sẽ hạnh phúc, không chỉ đời sau mà ngay cuộc đời này, bất chấp hoàn cảnh bên ngoài dễ dàng hay khó khăn.
3. Người Ki-tô hữu là người thực thi thánh ý Thiên Chúa
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu đã xác định người thân của mình là người thế nào: “Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi? (…) Phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi”. Nói cách khác, đó cũng là định nghĩa chính xác nhất của người Ki-tô hữu, của người môn đệ Đức Giêsu. Đức Giêsu không hề định nghĩa người thân của mình, môn đệ của mình, người theo mình, hay người Ki-tô hữu là người đã được rửa tội, hay được ghi danh là người Công giáo, hay có tên trong danh sách thành viên một xứ đạo. Theo Ngài, người Ki-tô hữu đích thực là người biết quan tâm thực hành ý muốn của Thiên Chúa. Ngược lại, nếu không quan tâm đến việc thi hành ý muốn của Ngài, thì dù ta có mang danh là Ki-tô hữu, ta cũng chỉ là thứ Ki-tô hữu “hữu danh vô thực” mà thôi.
4. Hãy dâng mình cho Thiên Chúa từ tuổi thanh xuân
Nếu có ai tặng cho bạn một bông hồng thật đẹp nhưng đã đến lúc héo tàn, bạn sẽ không muốn nhận, hoặc nhận mà không vui. Bạn sẽ có cảm tưởng: người tặng bạn bông hồng ấy coi thường bạn lắm. Cũng vậy, nếu bạn dành tuổi thanh xuân để hưởng thụ cuộc đời, và chỉ dành cho Thiên Chúa phần còn lại của cuộc đời là tuổi già, thì bạn đã đối xử với Thiên Chúa chẳng khác gì người tặng bạn bông hồng đã héo tàn!
Nhân ngày Đức Mẹ dâng mình vào đền thờ, bạn cũng hãy bắt chước Mẹ dâng mình cho Thiên Chúa, để toàn cuộc đời bạn chỉ lo thi hành thánh ý Thiên Chúa mà thôi. Đó là cách bạn làm cho cuộc đời bạn nên tốt đẹp cả đời này lẫn đời sau.
JNK
SUY NIỆM 6: Đức Mẹ dâng mình trong đền thờ
(ĐGM. Giuse Vũ Duy Thống-Bài giảng dịp Hành hương Đức Mẹ Tàpao 13/11/2013)
Dù không được Phúc Âm nhắc đến, nhưng theo truyền thuyết (Tiền Phúc Âm của thánh Giacôbê), từ khi ba tuổi, Đức Mẹ đã được gia đình đưa lên đền thánh để dâng mình cho Thiên Chúa và đã lưu lại đó cho tới lúc trọn tuổi mười hai. Đây là một thói quen đáng kính của các gia đình đạo hạnh và cũng là biến cố đáng ghi nhận trong đời Đức Trinh Nữ Maria. Chả thế mà trong lịch phụng vụ của Giáo Hội đông phương, đã thấy xuất hiện lễ Đức Mẹ Dâng Mình từ thế kỷ VII, và tiếp theo là phụng vụ của Giáo Hội tây phương từ thế kỷ IX. Chính các Đức Giáo Hoàng Sixtô IV năm 1472 và Sixtô V năm 1585 đã cổ võ mừng kính lễ này cách đặc biệt và gần đây, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã xem lễ Đức Mẹ Dâng Mình là một trong những lễ tuyệt diệu và coi đó như hình mẫu của đời dâng hiến. Trong niềm hân hoan, chúng ta nhận diện ý nghĩa biến cố dâng mình trong đời Đức Mẹ.
1. Dâng mình là tìm gặp Thiên Chúa
Theo nhãn giới sách tiên tri Dacaria trong bài đọc một, khi dân Do thái trở về sau cuộc lưu đày, thì đền thờ Giêrusalem không chỉ là không gian biểu thị sự hiện diện của Thiên Chúa ở giữa dân, mà còn là nơi chốn diễn ra cuộc gặp gỡ của Thiên Chúa với mọi tâm hồn đạo đức. Đền thờ không dừng lại trong vai trò là nơi thánh dành cho việc phụng tự, nhưng đã mở ra một tầm vóc mới là địa chỉ của việc tiếp cận. Chính với đền thờ người ta nghiệm rõ hơn phẩm tính của Thiên Chúa là “Đấng vui thích ở giữa dân”, và cũng hiểu thực hơn lý do tại sao dân lại “rộn rã vui mừng khi nghe người người rủ nhau lên đền thờ Chúa”. Thì ra, đền thờ là không gian thánh thiêng đã được Thiên Chúa chọn lựa như nơi hẹn hò cứu độ dành cho con dân của Người. Và vì thế, lên đền thờ Chúa đã vượt quá một nhiệm vụ tôn giáo, dù được quy định bởi luật lệ hẳn hòi, để trở thành một giai đoạn vinh dự đời người và niềm tự hào cho cả dân tộc.
Khi Đức Maria ở tuổi lên ba được cha mẹ là ông Gioakim và bà Anna dẫn lên đền thánh Giêrusalem để dâng mình cho Chúa, thì về mặt tự nhiên chắc chắn chỉ là việc chu toàn phận vụ đạo đức theo thói quen tôn giáo. Ba tuổi cứ bình thường chưa phải là tuổi đã khôn, nếu không muốn nói là còn ngây thơ đơn sơ dại khờ. Nhưng về mặt quan phòng còn có ý nghĩa lớn lao hơn, đây là một việc tuyệt diệu Đức Mẹ thực hiện trong tuổi thơ đời mình nhằm gặp gỡ Thiên Chúa. Tất nhiên Thiên Chúa là Cha phép tắc vô cùng dựng nên trời đất, có mặt ở khắp nơi, không nơi nào dù là đạo hay đời mà không có sự hiện diện của Người, nhưng có một nơi Người chắc chắn hiện diện thường xuyên, đó là nhà của Người chính là đền thờ. Vì thế, biến cố lên đền đã sớm mang lấy ý nghĩa tích cực và đích thực: Đức Mẹ dâng mình vào nhà của Chúa là để được thường xuyên gặp gỡ Chúa và hạnh phúc sống dưới mái nhà và dưới ánh nhìn trìu mến của Chúa.
2. Dâng mình là tìm biết và làm theo thánh ý
Theo nhãn giới của bài Phúc Âm trích đọc, khi Chúa Giêsu chỉ các môn đệ và giới thiệu “Mẹ và anh em Ta là những kẻ làm theo thánh ý”, chính là lúc Người khai mở một gia đình mới, không dựa trên huyết thống, cũng không giới hạn nơi các thành viên một dòng họ hoặc dừng lại trong một chi tộc, ngôn ngữ, mà bao gồm tất cả mọi người, miễn là biết nhận biết và thực thi thánh ý. Nếu toàn bộ lời giảng của Chúa Giêsu được gọi là Tin Mừng thì lời giới thiệu “Mẹ và anh em” này phải được xem như một khía cạnh reo vui hiện thực nhất của Tin Mừng ấy. Ai cũng có khả năng trở thành người nhà của Chúa Giêsu, ai cũng có điều kiện để hội nhập vào trong gia đình thánh, và ai cũng có thể trở nên anh chị em gần gũi với Người. Chúa Con đã xuống thế làm người theo ý Chúa Cha, và đã chịu khổ nạn vì tội lỗi nhân loại cũng để vuông tròn thánh ý. Những ai hôm nay làm theo thánh ý như Chúa Giêsu, họ cũng đang trở thành anh em của Người.
Người ta không biết chính xác những việc cụ thể Đức Mẹ đã làm trong suốt tuổi thơ lưu lại đền thánh, có thể là việc trực tiếp như câu kinh tiếng hát sớm tối phượng thờ, cũng có thể là việc gián tiếp như phục vụ dọn dẹp trang hoàng đền thánh, và chắc không thiếu những việc không tên theo yêu cầu của các chức sắc tôn giáo hay theo nhu cầu của nghi lễ hằng ngày. Ăn cơm Chúa múa tối ngày. Ở trong nhà Chúa thì phải làm việc của Chúa, đương nhiên, nhưng chắc chắn có một việc mà Đức Mẹ hằng ngày vẫn canh cánh “trí suy, miệng nói, mình làm”, đó là để tâm đi tìm thánh ý và một khi đã biết thì nỗ lực thực thi. Chúa muốn Mẹ làm gì? Ý Chúa về đời Mẹ ra sao? Lễ dâng nào từng ngày cho Chúa? Tuổi thơ bé gái khác có thể vô tư với trò chơi đồ hàng hay gương lược, nhưng tuổi thơ Đức Maria nơi đền thánh lại là đánh chuyền với thánh ý và đánh chắt với việc làm cho thánh ý được thể hiện trong cả đời mình.
3. Dâng mình còn là tìm hun đúc cho sứ mệnh tương lai
Mới đây, dịp cô bé Phương Mỹ Chi trúng giải “Á quân giọng hát Việt nhí 2013” với hợp đồng trình diễn đó đây, báo chí đã coi đó như là “gặt lúa non” và cảnh báo cho biết bí quyết thành công bền lâu dưới ánh đèn sân khấu tỷ lệ thuận với những khổ luyện miệt mài trong bóng tối hậu trường. Một tác giả đạo đức phác vẽ kết quả của mỗi công trình thiêng liêng bằng một công thức ấn tượng là “50% ơn Chúa và 50% nỗ lực con người”. Theo quan điểm này, biến cố Đức Mẹ dâng mình và sống âm thầm trong đền thờ chính là thời gian Mẹ tận hiến cho một điều cao cả hơn và trọng đại hơn; có thể hình dung như giai đoạn chuẩn bị với những kỹ năng và hành trang cần thiết, để sẵn sàng đón nhận nhiệm vụ sẽ được Thiên Chúa trao gửi trong tương lai. Ngày đến đền thờ Mẹ còn là cô bé lớp chồi, nhưng ngày rời đền thờ Mẹ đã thành thiếu nữ Sion đẹp xinh không chỉ “nhất tóc, nhì da, thứ ba là dáng”, mà còn sực nức thơm hương nhân đức.
Chỉ cần nhìn vào biến cố Truyền Tin khi Đức Maria vâng theo ý Chúa, người ta cũng thấy đầy đủ những yếu tố cho phép hiểu rằng việc dâng mình của Mẹ trong đền thờ không đơn thuần là việc đạo đức, mà còn là công trình quan phòng nhằm chuẩn bị xa gần cho mùa cứu rỗi. Từ thái độ bối rối khi nghe lời sứ thần đề nghị biểu lộ sự ý thức của Mẹ, đến câu hỏi xin sứ thần giải thích cho thấy Mẹ hoàn toàn tự do, và đến khi đáp tiếng “xin vâng” thì Mẹ đã thể hiện lễ dâng đời mình bằng cả trách nhiệm cao độ. Ngày nay, ở lứa tuổi mầm chồi, các phụ huynh đã chẳng lo cho con em mình vào những trường tốt, mong có được căn bản làm người và kiến thức cần thiết cho lớp học cao hơn đó sao? Tương tự như thế, Đức Mẹ dâng mình lúc tuổi còn thơ cũng là rèn luyện cho nghĩa vụ là “tôi tá” và cho sứ vụ làm “Mẹ Đấng Cứu Thế” sau này.
Tóm lại, tìm gặp Thiên Chúa, tìm theo thánh ý Người và tìm hun đúc cho sứ mệnh tương lai chính là ý nghĩa của biến cố Đức Mẹ dâng mình. Sống lại tâm tình ấy, ta hãy nỗ lực sống đẹp cuộc đời hiện tại như lễ dâng tạ ơn và cũng như lễ dâng tạ tội. Xin nhờ lời chuyển cầu của Đức Mẹ cho lễ dâng đời ta được thanh tẩy và thánh hóa, mong đẹp lòng Thiên Chúa nhiều hơn. Nếu Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã xếp dáng dấp trinh nữ hiến dâng sau khi nêu lên ba dáng dấp lắng nghe, cầu nguyện và hạ sinh của Đức Maria, thì chỉ muốn khắc họa cho thấy việc dâng mình là nền tảng giúp Đức Mẹ có được động thái tương hợp trong nhịp sống thánh hiến. Xin cho những người sống đời thánh hiến gặp được nơi Đức Mẹ mẫu gương tích cực và xin Đức Mẹ cũng giúp ơn cần thiết để mọi người gặp được bình an với lễ dâng cuộc sống còn lắm khó khăn.
SUY NIỆM 7: Đức Mẹ dâng mình trong đền thờ-Mẫu gương thi hành ý Chúa
“Phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi.” (Mt 12,50)
Suy niệm:
Lễ Đức Mẹ dâng mình hôm nay nhắc lại cho chúng ta mẫu gương quyết tâm thi hành thánh ý Thiên Chúa của cha mẹ Đức Maria. Ông Gioakim và bà Anna không mong muốn gì hơn là sau này đứa con của hai ông bà sẽ thuộc trọn về Chúa, được dành riêng để làm những gì Chúa muốn. Chúa đã không phụ lòng hai ông bà: Ngài đã chọn Đức Maria làm Mẹ Đấng Cứu thế. Mẹ đã trở nên người nhà của Thiên Chúa nhờ biết làm theo ý Chúa với niềm tín thác vô điều kiện. Mẹ là Mẹ Chúa Giêsu theo huyết nhục, đồng thời Mẹ cũng chứng tỏ cách xuất sắc vai trò là người nhà của Thiên Chúa khi vâng theo những gì mà sứ thần đã truyền lại cho ngài, để rồi Mẹ được Chúa khen ngợi cách tế nhị trong bài Tin Mừng hôm nay.
Mời bạn:
Đức Maria xứng đáng nêu gương cho ta về đời sống đức tin. Trong Năm Đức Tin này đời sống của Mẹ phải là điểm sáng để soi rọi con đường đức tin mà mỗi người đang đi. Tin không chỉ là nghe Lời Chúa dạy, mà còn biết làm theo những điều Chúa muốn.
Chia sẻ:
Kinh nghiệm cho biết khi nào ta thực hành điều Chúa dạy, khi ấy ta gần gũi Chúa hơn bao giờ hết. Bạn có thấy điều đó không?
Sống Lời Chúa:
Mỗi ngày ta dâng mình cho Chúa khi thức dậy. Dâng mình không chỉ là xin được bình an, mà còn xin cho mình biết vâng theo ý Chúa nữa trong suốt ngày sống của mình.
Cầu nguyện:
Lạy Mẹ Maria, xin cho chúng con biết noi theo mẫu gương của Mẹ, đó là biết làm theo lời Chúa dạy để chúng con được trở nên con cái của Mẹ và là người nhà của Chúa. Amen.
SUY NIỆM 8: Sống Trọn Vẹn Cho Thiên Chúa
Tin Mừng không ghi lại thời thơ ấu của Mẹ Maria. Tuy nhiên, theo truyền thống Do thái giáo khi lập gia đình nhiều trinh nữ đã trải qua một thời gian sống và phục vụ trong đền thờ. Mẹ Maria hẳn đã trải qua một thời gian như thế trong đền thờ. Thời gian này lại càng cần thiết hơn đối với người đã được Thiên Chúa tuyển chọn làm Mẹ Thiên Chúa.
Theo thánh Giêrônimô chương trình một ngày sống trong đền thờ của Mẹ Maria diễn ra như sau: từ hừng đông đến 9 giờ sáng Mẹ cầu nguyện. Từ 9 giờ sáng đến 3 giờ chiều Mẹ cầu nguyện làm việc và sau đó Mẹ đọc Thánh Vịnh, suy niệm Kinh Thánh và cầu nguyện.
Thời gian Mẹ sống trong đền thờ Giêrusalem đã được xem như là hình bóng của việc sống độc thân vì Nước Trời mà Chúa Giêsu đã thiết lập. Giáo Hội năng nhìn lên Mẹ Maria như mẫu mực và là Đấng bảo vệ đời sống độc thân vì Nước Trời.
Sự hiện diện của những người sống độc thân vì Nước Trời là một dấu chỉ của cuộc sống mai hậu. Đó là điều mà Giáo Hội muốn nhắc nhở chúng ta trong bài Tin Mừng hôm nay.
Cuộc tranh luận giữa Chúa Giêsu và những người Sađốc chung quanh vấn đề sự sống linh hồn. Một người đàn bà trước khi chết làm vợ cho bảy người anh em. Vậy khi chết sẽ là vợ của ai? Nhóm Sađốc tưởng có thể trưng dẫn sự kiện trên đây để có thể bác bỏ được sự phục sinh và cuộc sống mai hậu, nhưng Chúa khẳng định: “Con cái đời này dựng vợ gả chồng. Nhưng ai được xét là đáng được hưởng phúc đời sau và sống lại từ cõi chết thì không cưới vợ gả chồng nữa. Vì họ không thể chết nữa”.
Do vậy, sự lấy chồng sinh con đẻ cái là một thể hiện của chính thân phận hay chết của con người. Khi cuộc sống tạm bợ trần gian đã trôi qua thì con người chẳng phải dựng vợ gả chồng và không phải sống một cuộc sống gia đình nữa.
Chúa Giêsu không bao giờ chối bỏ cuộc sống gia đình, bởi vì Người đã sinh ra và lớn lên trong một gia đình, nhưng sứ mệnh của Ngài rộng rãi hơn khuôn khổ của một gia đình. Ngài đã chọn cuộc sống độc thân và sống kiếp sống không nhà không cửa, không gia đình để thiết lập một gia đình rộng rãi lớn hơn. Một gia đình không xây dựng trên máu mủ, ruột thịt, nhưng được xây dựng trên một niềm tin duy nhất là cuộc sống mai hậu và trường sinh.
Kỷ niệm những năm tháng Mẹ Maria Dâng Mình trong đền thờ để sống trọn vẹn cho Thiên Chúa và chuẩn bị vào chức phận làm Mẹ Người. Chúng ta được mời gọi để củng cố niềm xác tín của chúng ta về cùng đích của cuộc sống.
Mẹ là Mẹ của Chúa Giêsu, Mẹ cũng là Mẹ của mỗi người chúng ta. Mẹ là Mẹ của mỗi người chúng ta bằng một mẫu tính vượt trên mẫu tính liên hệ máu mủ ruột thịt, và như thế chỉ có Mẹ mới có thể dẫn chúng ta vào gia đình vĩnh cửu của Thiên Chúa.
Nguyện xin Mẹ Maria dẫn đường chỉ lối để xuyên qua mọi thực tại trần thế, hầu giúp chúng ta luôn hướng về quê hương Thiên Quốc để cùng Mẹ ca tụng, ngợi khen tôn vinh Thiên Chúa muôn đời. Amen.
Theo truyền thuyết, thánh Joakim và Anna, cùng với một vài thân nhân tháp tùng, đã đưa ái nữ Maria, lúc lên 3 tuổi, tới đền thờ Jêrusalem dâng hiến lên Thiên Chúa như đã khấn nguyện. Các ngài dâng lên Thiên Chúa lời cầu nguyện nồng nàn, và thánh Nhi, với lòng khiêm tốn thẳm sâu, bái lạy, tôn thờ, và dâng hiến chính mình lên Thiên Chúa.
Sau khi cầu nguyện, các ngài trỗi dậy đến gặp thầy cả thượng phẩm. Cha mẹ ký thác con yêu dấu trong tay thượng phẩm và rồi đưa thánh Nhi Maria tới một nơi trong khuôn viên đền thờ, nơi đây nhiều thiếu nữ đầu lòng thuộc hoàng tộc và dòng tư tế Lêvi cư ngụ, để dưỡng dục trong yên tịnh theo lối sống đức hạnh hàng ngày, cho tới khi đủ tuổi sống đời trưởng thành. Đức Maria được tràn đầy ánh sáng và sức mạnh siêu nhiên, làm cho toàn bích và quân bình các bản năng theo những mầu nhiệm lúc ấy được tỏ rõ cho Người. Do ý định của Chúa Cha từ trước, Mẹ được đặc ân vượt trên ân huệ của hết mọi thụ tạo.
Do tác động của Chúa Thánh Thần trên song thân và trên Đức Maria, Mẹ mau mắn hiến dâng đời mình và nung nấu một khát vọng mến yêu Thiên Chúa thiết tha từ ngày tự biến mình làm lễ vật trịnh trọng và hiệu nghiệm cho Thiên Chúa. Như nhiều người mộ mến khác, Mẹ ước ao được sống vào thời kỳ Chúa Cứu Thế sinh xuống trần gian, để ước ao được làm nữ tì cho người được diễm phúc làm mẹ Chúa. Vì lòng khiêm hạ mà Mẹ đã được ưu tuyển làm Mẹ sinh con Thiên Chúa.
Trong tông huấn Marialis Cultus, Đức Phaolô VI ghi nhận rằng lễ kính Đức Mẹ Dâng Mình trong đền thánh chứa đựng gương mẫu rất cao đẹp.
Tin Mừng hôm nay, hẳn nhiên Chúa Giêsu muốn nói tới Đức Maria, người đã quyết tâm, với một tình yêu mến bao la, hiến dâng cho Thiên Chúa trọn tâm tình và ý hướng cho đến trọn đời. Chúa Giêsu không có ý phủ nhận liên lệ giữa Ngài và Đức Maria mà Ngài muốn nói tới mối liên hệ khác, cao trọng hơn, đó là việc qui hướng về Thiên Chúa, Cha trên trời. Nếu liên hệ máu huyết được coi là duy nhất thì làm sao chúng ta tới gần được Đức Kitô. Gia đình của Thiên Chúa là gia đình nhân loại ở đó mọi người là anh em vì, như lời Đức Giêsu, vì cùng “thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời” (Mat 12: 50).
Chúng ta hãy hợp lời cùng Thánh Anphongso Ligouri:
Lạy Mẹ thương xót, xin đem quyền can thiệp vạn năng mà cứu con hèn yếu. Xin cầu cùng Chúa Giêsu ban cho con được bền tâm và nghị lực trung thành cùng Mẹ đến chết, để sau khi đã phụng sự luôn ở đời này, con được phúc ngợi khen Mẹ đời đời trên thiên đàng.
SUY NIỆM 9: Đức Mẹ dâng mình trong đền thờ
(Lm. Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT )
Mẹ Maria đã thực hiện tập tục, truyền thống của người Do Thái là dâng hiến tuổi thơ mình cho Thiên Chúa Giavê trong đền thánh. Ðây là tục lệ của người Do Thái là bất cứ trẻ nhỏ nào cũng được dâng vào đền thánh để được thánh hiến và sau đó sẽ ở lại đền thờ một thời gian để giúp việc và phục vụ các vị chủ tế. Mẹ Maria đã tuân theo truyền thống của người Do Thái.
MỘT CON NGƯỜI ÐƯỢC DÂNG HIẾN CHO THIÊN CHÚA GIAVÊ
Mẹ Maria đã được thánh Gioakim và thánh Anna đem dâng cho Thiên Chúa trong đền thánh Giêrusalem, để cuộc đời của Người được thánh hiến. Chính giây phút cha mẹ của Ðức Trinh Nữ Maria đem con mình là Maria vào đền thánh Giêrusalem để được Thiên Chúa thánh hiến. Maria đã hoàn toàn thuộc trọn về Chúa. Mẹ đã được Thiên chúa chuẩn bị để lãnh nhận sứ mạng hết sức cao cả là trở thành Mẹ Ðức Giêsu Kitô. Giây phút ấy trở thành hồng phúc vì chính Thiên Chúa đã biến cuộc đời của mẹ trở nên tinh ròng, vẹn tuyền khiến cung lòng của mẹ là đền thờ cho Ðức Giêsu Kitô ngự trị. Nơi đền thánh Giêrusalem, mẹ Maria đã thực hành biết bao hy sinh, biết bao cố gắng, biết bao gian khổ với một tâm hồn quảng đại, với con tim nhạy cảm, với con mắt yêu thương. Một quá trình xuyên suốt sống trong đền thánh, mẹ Maria đã thực hành biết bao nhiêu nhân đức, những nhân đức anh hùng trổi vượt nhất đã biến mẹ nên con người hoàn hảo nhất để dọn đường, dọn chức vụ mẹ Thiên Chúa của Ðức trinh nữ Maria. Mẹ âm thầm cầu nguyện, kết hiệp với Chúa, làm việc nội trợ, chân tay, rồi cầu nguyện, suy gẫm lời Chúa. Ðó là chương trình sống của mẹ trong ngày. Sự hy sinh, từ bỏ, kiên nhẫn đã thanh luyện mẹ và nhờ được thanh luyện mẹ trở nên ngôi đền thiêng liêng, xứng đáng cho con một Thiên Chúa là Ðức Giêsu Kitô đến cư ngụ.
DÂNG HIẾN MẸ VÀO ÐỀN THÁNH LÀ MỞ ÐẦU NHÂN ÐỨC TINH KHIẾT CỦA ÐỜI TẬN HIẾN
Mẹ Maria được dâng hiến trong đền thánh là bước đầu khai mở cuộc đời tận hiến, dẫn tới đức khiết tịnh Kitô giáo. Mẹ Maria đã biến cuộc đời mình, đã biến cái tinh hoa cao quí nhất của cuộc đời mình làm cái phúc. Chính cái phúc là con đường hướng mẹ Maria tới việc vâng phục ý Thiên Chúa. Mẹ chấp nhận tất cả với tâm hồn rộng mở, tâm hồn quảng đại, quả cảm. Mẹ là mẫu gương tuyệt vời để nhiều người noi theo. Tình yêu của mẹ đã biến đổi cái nhìn của con người. Nhờ tình yêu thanh luyện của mẹ đã có nhiều trinh nữ hiến trọn cuộc đời mình cho Thiên chúa trong cuộc đời tận hiến. Chính tình yêu mẫu tử của mẹ đã xóa nhòa mọi nỗi cay đắng khổ đau, để muôn đời mẹ vẫn là mẫu gương sáng chói, là Ðấng bảo trợ nhiệt thành và là Ðấng hướng dẫn con người, Ðấng soi chiếu mọi người trên con đường tận hiến.
Lạy mẹ Maria, xin giúp chúng con nhận ra con người chúng con để chúng con chỉ có một điều là hiến trọn thân cho Thiên Chúa.
SUY NIỆM 10: Đức Mẹ dâng mình trong đền thờ
(ĐTC Benedicto XVI)
Thứ Ba, ngày 21 tháng 11 năm 2006, lễ Ðức Mẹ Dâng Mình vào Ðền Thánh là ngày dành cho các ơn gọi đan viện tu kín. Vì thế, trong bài huấn đức trước khi xướng kinh Truyền Tin vào trưa chúa nhật, 19 tháng 11 năm 2006, ÐTC đã nhắc đến ngày Cầu Nguyện này:
Anh chị em thân mến,
Ngày 21 tháng 11, nhân dịp lễ phụng vụ kính nhớ biến cố Mẹ Maria rất thánh dâng mình vào Ðền Thánh, chúng ta sẽ cử hành Ngày Pro Orantibus, tức ngày dành cho những cộng đoàn đan viện, tức các dòng tu kín. Ðây là dịp hết sức thuận tiện để dâng lời cảm tạ Chúa vì hồng ân biết bao người, --- trong các đan viện và các nơi ẩn tu, --- (vì hồng ân biết bao người) tận hiến chính mình hoàn toàn cho Thiên Chúa trong việc cầu nguyện, trong thinh lặng và trong nếp sống ẩn khuất. Có người thắc mắc về ý nghĩa và về giá trị của của đời tận hiến như thế trong thời đại chúng ta, một thời đại có rất nhiều hoàn cảnh khẩn thiết về nghèo đói và về những nhu cầu, cần được đương đầu giải quyết! Tại sao "giam kín mình" luôn mãi trong bốn bức tuờng của đan viện, và như thế không đem tài năng và kinh nghiệm của mình ra giúp ích cho kẻ khác? Lời cầu nguyện của những kẻ tận hiến như thế, có hiệu quả gì để giúp giải quyết biết bao vấn đề cụ thể đang tiếp tục gây khổ cho nhân loại, hay không?
Thật sự, cả trong ngày hôm nay nữa, còn có nhiều người từ bỏ nghề nghiệp chuyên môn và với nhiều hứa hẹn cho tương lai, để ôm lấy cuộc sống khắc khổ của đan viện kín, làm cho nhiều bạn thân và những kẻ quen biết, phải ngạc nhiên. Thử hỏi điều gì thôi thúc họ thực hiện bước quyết liệt dấn thân như thế, nếu không phải vì họ đã hiểu, -- như Phúc âm dạy, -- rằng: Nước Trời là một "kho tàng" quý giá đáng từ bỏ tất cả để có được kho tàng này (x. Mt 13,44), hay sao? Thật vậy, những anh chị em tận hiến tu dòng kín của chúng ta âm thầm làm chứng rằng giữa những biến cố xảy ra trong cuộc sống hằng ngày, --- và đôi khi là những biến cố gây xáo trộn --- thì sự nâng đỡ duy nhất không bao giờ thay đổi là Thiên Chúa, Ðá Tảng không lay chuyển cho lòng trung thành và tình yêu thương. "Todo se pasa, Dios no se muda" "Mọi sự đều qua đi, chỉ mình Thiên Chúa không thay đổi", vị thầy vĩ đại của đời sống thiêng liêng, Thánh Nữ Têrêsa Avila, đã viết như thế trong một tập sách nổi tiếng của ngài. Ðối với niềm khao khát mà nhiều người cảm thấy, khi muốn bước ra khỏi cảnh sống thường nhật tại các khu đông cư dân nơi các thành thị, để tìm cho mình một khoảng rộng để sống thinh lặng và suy niệm, thì những đan viện của đời chiêm niệm trở thành những "ốc đảo" trong đó con người, như là khách lữ hành trên trần gian này, có thể đến múc lấy cách tốt đẹp nhất nguồn mạch Chúa Thánh Thần và làm cho mình được dịu cơn khát trong cuộc hành trình. Những đan viện đó, bên ngoài xem ra không có ích lợi gì, lại là những nơi rất cần thiết, giống như những "buồng phổi" cây xanh của một đô thị: những "khoảng cây xanh" -- (những công viên cây xanh) -- như thế làm ích cho tất cả mọi người, kể cả cho những ai không đến tìm sự ngơi nghỉ nơi đó, hoặc không biết đến sự hiện hữu của những nơi đó!
Anh chị em thân mến, chúng ta hãy cảm tạ Chúa, vì đã quan phòng xếp đặt cho có những cộng đoàn đan viện tu kín như thế, nam cũng như nữ. Chúng ta đừng để cho những cộng đoàn đan viện tu kín này bị thiếu sự nâng đỡ thiêng liêng và cả vật chất của chúng ta, ngõ hầu các cộng đoàn này có thể chu toàn sứ mạng của mình, sứ mạng duy trì luôn sống động trong Giáo Hội sự chờ đợi sốt sắng ngày Chúa Kitô trở lại. Chúng ta hãy xin Mẹ Maria khẩn cầu cùng Chúa cho ý chỉ vừa nói; trong Giáo Hội, Mẹ là đấng nối kết nơi chính mình cả hai ơn gọi: ơn gọi sống đời trinh khiết và ơn gọi sống đời gia đình, ơn gọi sống chiêm niệm và ơn gọi sống hoạt động.
SUY NIỆM 11: Nguồn gốc Lễ Đức Mẹ dâng mình trong Đền thờ
(Lm Thêôphilê)
Lễ Đức Mẹ dâng mình trong Đền thờ bắt nguồn từ bên Giáo Hội Đông phương, tưởng niệm ngày thánh hiến thánh đường Đức Maria ngày 21 tháng 11 năm 543 tại Giêrusalem. Đông phương coi biến cố thánh hiến này như cuộc đi vô “Đền thờ của Đức Rất Thánh Mẹ Thiên Chúa”. Họ mừng lễ trong vòng sáu ngày từ ngày 20 đến ngày 25 tháng 11, và dựa vào Ngụy thư Tiền Tin Mừng theo thánh Giacôbê được soạn vào giữa thế kỷ thứ II. Trong đó, tác giả kể lại câu chuyện Đức Trinh nữ lúc còn nhỏ đã được dâng hiến vào Đền thờ và ở lại đó cho đến 12 tuổi : “Thầy tư tế đón tiếp con trẻ và chúc phúc như sau: Thiên Chúa đã chúc tụng danh của con trong mọi thế hệ... Thiên Chúa ban cho con trẻ ân sủng của Người, và nó nhảy mừng, và mọi người trong nhà Ítraen yêu mến con trẻ...”.
Lễ này được cử hành bên Tây phương từ thế kỷ thứ IX tại các đan viện bên Ý, rồi sau đó lan tràn tới bên Anh. Vào năm 1373, Đức Giáo Hoàng Grégoire XI sống tại thành Avignon (Pháp) bắt đầu cho cử hành lễ Đức Mẹ dâng mình trong Đền thờ. Đây cũng là do công lao của một hiệp sĩ, Philippe de Mézièrès, sau thời gian sống bên Đông phương đã về phổ biến lễ này bên Tây phương với hy vọng tìm nối kết lại với anh em Hy lạp và Đức Giáo Hoàng Sixte IV ghi vào lịch phụng vụ vào năm 1472.
Suy niệm:
Bài Tin Mừng hôm nay có thể làm chúng ta bị sốc.
Đức Giêsu đang giảng cho một đám người khá đông.
Chắc là họ đứng chen chúc nhau đến nỗi khó lòng đến gần Ngài được.
Chính vào lúc này thì mẹ và anh em Ngài đến, không rõ lý do.
Họ muốn nói chuyện với Đức Giêsu, nhưng đành phải đứng ở ngoài.
Có người vào báo cho Ngài về chuyện đó.
Chúng ta tưởng Ngài sẽ ngưng ngay bài giảng để ra gặp mẹ và anh em.
Một giọt máu đào hơn ao nước lã.
Mẹ Ngài hẳn đã phải đi một đoạn đường xa để đến gặp con trò chuyện.
Nhưng lạ thay Đức Giêsu vẫn tiếp tục giảng.
Ngài vẫn tiếp tục nói chuyện với đám đông đang nghe Ngài,
thay vì đi ra nói chuyện với mẹ.
Sự quan tâm của Ngài nhắm vào những người ở trong đây,
hơn những người đứng ở ngoài kia.
Sau đó Ngài lại đặt những câu hỏi vừa dễ lại vừa lạ:
“Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi?” (c. 48).
Dĩ nhiên đó là những người đang đứng ngoài kia,
đang chờ được gặp mặt và nói chuyện với Ngài.
Nhưng đó không phải là đáp án của Đức Giêsu.
Chính Ngài cho ta đáp án bằng cách giơ tay chỉ các môn đệ mà nói:
“Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi” (c. 49).
Có một gia đình máu mủ đậm đà đứng ở ngoài kia,
và một gia đình mới rất thân thương đứng ở trong này.
Đức Giêsu không coi thường tình mẫu tử hay tình họ hàng ruột thịt.
Điều Ngài muốn nhấn mạnh ở đây là chuyện Ngài có một gia đình mới.
Các môn đệ của Ngài thuộc về gia đình này.
Họ là mẹ, là anh chị em của Ngài, vì họ thi hành Ý muốn của Cha Ngài.
Chính Đức Giêsu là người Con luôn thi hành Ý muốn của Cha.
Ai thi hành Ý Cha trên trời cũng trở nên gần gũi với người Con (c. 50).
Chúng ta có họ với Đức Giêsu và làm nên một gia đình bao la rộng lớn.
Bỗng nhiên chúng ta thấy mình gần Cha, gần Giêsu và gần nhau.
Nước Trời bắt đầu đến khi hơn hai tỉ kitô hữu
nhận ra là mình cùng muốn làm trọn Ý Cha,
cùng gắn bó keo sơn với Giêsu và cùng coi nhau là anh chị em (Mt 23, 8).
Đức Giêsu có nhiều anh chị em trong gia đình của Ngài.
Các phụ nữ thật là chị em của Ngài, dù xã hội Ngài trọng nam khinh nữ.
Đức Giêsu cũng không chỉ có một người mẹ tên là Maria.
Bất cứ ai sống theo ý Cha trên trời trong niềm vâng phục phó thác,
bất cứ ai sinh Đức Giêsu ra cho môi trường sống của mình,
bất cứ ai làm cho Ngài lớn lên trong trái tim nhân loại,
người ấy là mẹ Đức Giêsu.
Trong gia đình mới là Giáo Hội của Đức Giêsu,
Maria đã là Mẹ Đức Giêsu theo ý nghĩa tuyệt vời nhất.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
xin thương nhìn đến Hội Thánh
là đàn chiên của Chúa.
Xin ban cho Hội Thánh
sự hiệp nhất và yêu thương,
để làm chứng cho Chúa
giữa một thế giới đầy chia rẽ.
Xin cho Hội Thánh
không ngừng lớn lên như hạt lúa.
Xin đừng để khó khăn làm chúng con chùn bước,
đừng để dễ dãi làm chúng con ngủ quên.
Ước gì Hội Thánh trở nên men
được vùi sâu trong khối bột loài người
để bột được dậy lên và trở nên tấm bánh.
Ước gì Hội Thánh thành cây to bóng rợp
để chim trời muôn phương rủ nhau đến làm tổ.
Xin cho Hội Thánh
trở nên bàn tiệc của mọi dân nước,
nơi mọi người được hưởng niềm vui và tự do.
Cuối cùng xin cho chúng con
biết xây dựng một Hội Thánh tuyệt vời,
nhưng vẫn chấp nhận cỏ lùng trong Hội Thánh.
Ước gì khi thấy Hội Thánh ở trần gian,
nhân loại nhận ra Nước Trời ở gần bên. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn