Thứ Ba tuần 34 thường niên.

Thứ hai - 25/11/2019 06:54

Thứ Ba tuần 34 thường niên.

"Không còn hòn đá nào nằm trên hòn đá nào".

Lời Chúa: Lc 21, 5-11

Khi ấy, có mấy người trầm trồ về đền thờ được trang hoàng bằng đá tốt và những lễ vật quý, nên Chúa Giêsu phán rằng: "Những gì các con nhìn ngắm đây, sau này sẽ đến ngày không còn hòn đá nào nằm trên hòn đá nào mà chẳng bị tàn phá". Bấy giờ các ông hỏi Người rằng: "Thưa Thầy, bao giờ những sự ấy sẽ xảy ra, và cứ dấu nào mà biết những sự đó sắp xảy đến?" Người phán: "Các con hãy ý tứ kẻo bị người ta lừa dối: vì chưng, sẽ có nhiều kẻ mạo danh Thầy đến mà tự xưng rằng: "Chính ta đây và thời gian đã gần đến", các con chớ đi theo chúng. Khi các con nghe nói có chiến tranh loạn lạc, các con đừng sợ: vì những sự ấy phải đến trước đã, nhưng chưa phải là hết đời ngay đâu".

Bấy giờ Người phán cùng các ông ấy rằng: "Dân này sẽ nổi dậy chống lại dân kia, và nước này sẽ chống với nước nọ. Sẽ có những cuộc động đất lớn mọi nơi, sẽ có ôn dịch đói khát, những hiện tượng kinh khủng từ trên trời và những điềm lạ cả thể".

 

 

 

Suy Niệm 1: Anh em làm chứng cho Thầy

Suy niệm:                                           

Trong số 117 vị Tử Ðạo Việt Nam, được phong thánh năm 1988,

có một phụ nữ duy nhất, mẹ của 6 người con.

Ðó là bà Anê Lê Thị Thành, còn gọi là bà Ðê.

Trước khi là một anh hùng tử đạo,

bà đã là một người mẹ hiền gương mẫu.

“Thân mẫu chúng tôi rất chăm lo việc giáo dục các con.

Chính người dạy chúng tôi đọc chữ và học giáo lý,

sau lại dạy cách dự thánh lễ và xưng tội rước lễ.”

Ðó là lời khai của cô con gái út trước giáo quyền.

Nhà bà Ðê là nơi các linh mục trú ẩn.

Buổi sáng lễ Phục Sinh năm 1861,

quan Tổng Ðốc Nam Ðịnh cho quân bao vây làng của bà.

Bà Ðê bị bắt lúc đã 60 tuổi.

Bà bị đánh đập tra tấn, bị ép phải chối đạo,

bị lôi qua Thánh Giá, bị bỏ rắn độc vào người.

Khi con gái đến thăm bà trong nhà giam,

đau đớn vì thấy quần áo mẹ loang đầy vết máu,

bà đã an ủi con với một niềm lạc quan lạ lùng:

“Con đừng khóc, mẹ mặc áo hoa hồng đấy,

mẹ vui lòng chịu khổ vì Chúa Giêsu, sao con lại khóc?”

Sau ba tháng chịu đủ mọi cực hình,

người phụ nữ ấy đã hiến đời mình cho Chúa.

Cuộc đời của vị thánh nữ tiên khởi của Việt Nam

là một sức nâng đỡ lớn cho chúng ta.

Thiên Chúa đã làm điều phi thường

nơi một người phụ nữ già nua, yếu đuối.

Quan “Hùm Xám” tỉnh Nam Ðịnh cũng phải bó tay

trước sự yếu đuối kiên vững của bà.

Khôn ngoan và đơn sơ, can đảm chịu đau khổ,

bà thánh Ðê đã phó mặc cho Chúa đời mình.

Bà chẳng lo phải nói gì, phải làm gì trước tòa án,

vì sức mạnh của Thánh Thần ở với bà.

Hội Thánh thời nào cũng cần những người dám sống vì đức tin,

dám làm chứng cho Chúa trước mặt người đời.

Sống đức tin là một loại tử đạo không đổ máu,

không đòi hy sinh mạng sống,

nhưng lại đòi hy sinh cả tương lai vững vàng ổn định.

Mỗi ngày, chúng ta thường bị đặt trước những chọn lựa,

trước thập giá của Ðức Giêsu,

y hệt như các vị tử đạo ngày xưa.

Có khi chúng ta đã bước qua thập giá, khi chọn mình,

đã chối Chúa bằng chính cuộc sống.

Càng có tự do, ta lại càng dễ sa sút đức tin.

Tiền bạc, tiện nghi, khoái lạc vẫn là những thụ tạo

gây ra những cuộc bách hại êm ả và khủng khiếp

mà cuối cùng chúng ta cũng phải đối diện.

Ước gì chúng ta không để mất đức tin

được mua bằng giá máu của bao vị tử đạo,

và ước gì chúng ta không ngừng chuyển giao đức tin ấy

cho hơn 80 triệu đồng bào trên quê hương.

 

Cầu nguyện:

Lạy các thánh tử đạo Việt Nam,

các ngài đã dám sống đến cùng ơn gọi kitô hữu

trong một hoàn cảnh khó khăn nguy hiểm.

Sự hy sinh của các ngài

cho thấy tình yêu mạnh hơn sự chết

và chết là cửa mở vào cõi sống bất diệt.

Dù mang phận người yếu đuối,

nhưng nhờ ơn Chúa đỡ nâng,

các ngài đã chiến thắng khải hoàn.

Xin cầu cho chúng con là con cháu các ngài

biết can trường sống đức tin của bậc cha anh

trong một thế giới vắng bóng Thiên Chúa,

biết nhiệt thành làm chứng về tình yêu

bằng một đời hiến thân phục vụ.

Ước gì ngọn lửa đức tin

mà các ngài đã thắp lên

bằng cuộc sống và cái chết,

được bừng tỏa trên Tổ quốc Việt Nam.

Ước gì máu thắm của các ngài

thấm vào mảnh đất quê hương

để công cuộc truyền giáo sinh nhiều hoa trái. Amen.

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

 

Suy Niệm 2: Thời gian chuyển tiếp

Ðối với người Do thái, Ðền thờ Giêrusalem là biểu tượng cho niềm vui và hãnh diện, và là nơi Thiên Chúa ngự, là nhà cầu nguyện cho mọi dân tộc, là nơi hằng năm muôn dân tuôn về đó để mừng lễ. Ðền thờ được xây bằng đá quí, sừng sững trên ngọn đồi này vẫn được xem là nơi nương tựa vững chắc có thể đương đầu với thời gian. Thế mà Chúa Giêsu lại tuyên bố sẽ có ngày nó bị tàn phá, không còn tảng đá nào trên tảng đá nào.

Về thời điểm các sự việc đó xảy ra, dưới ngòi bút của thánh Luca, câu trả lời của Chúa Giêsu không chỉ riêng cho Giêrusalem mà còn bao gồm cả chiều kích lịch sử cứu độ: cũng như Ðền thờ Giêrusalem, thế giới này dù có vững vàng đến đâu, thì một ngày nào đó cũng sẽ tàn lụi. Trong khoảng thời gian trước ngày Chúa trở lại sẽ có nhiều tai ương khốn khó. Hình ảnh các biến cố thiên nhiên, như động đất, hạn hán, mất mùa, ôn dịch; những hiện tượng kinh khủng và điềm lạ trên trời, hay hình ảnh chiến tranh, loạn lạc, là những yếu tố trong lối hành văn được các Tiên tri sử dụng để báo trước về ngày chung thẩm của Thiên Chúa. Tuy nhiên, các biến cố đó không phải chỉ là những hình ảnh, mà là sự thật; chúng cũng tác dụng như một nhắc nhở con người ý thức bản chất thụ tạo yếu đuối và mỏng dòn của mình, đồng thời soi sáng cho con người biết chiều kích về ơn gọi siêu việt của mình là sống như con cái Thiên Chúa và trung thành thực hiện ơn gọi đó, trong khi chờ đợi ngày Chúa lại đến.

Xin Chúa cho chúng ta luôn biết tin tưởng vào tình thương bao la của Chúa. Xin cho chúng ta hằng gắn bó với Chúa và sống hết tình con thảo từng giây phút đời sống chúng ta.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 3: Ngôn ngữ khải huyền

Trong thời điểm tuần lễ cuối cùng của năm Phụng Vụ, Giáo Hội mời gọi con cái mình suy niệm những đoạn Kinh Thánh trình bày chủ đề cánh chung trong một ngôn ngữ riêng biệt, gọi là ngôn ngữ Khải huyền. Ðoạn Phúc Âm hôm nay là đoạn mở đầu cho những lời dạy của Chúa Giêsu về cánh chung và về việc Chúa sẽ trở lại trong vinh quang. Những người nghe Chúa Giêsu giảng dạy về biến cố này thì xem ra như muốn biết rõ về thời gian, lúc biến cố xảy ra. Nhưng trong lời giảng dạy của Chúa Giêsu, Ngài xem ra nhấn mạnh nhiều hơn đến thái độ sống của những đồ đệ của Chúa: phải sống thế nào để có thể đón Chúa ngự đến vào lúc kết thúc lịch sử nhân loại và vũ trụ.

Ngôn ngữ được Chúa Giêsu dùng ở đây là ngôn ngữ Khải huyền, một lối diễn tả đặc biệt thường được dùng trong Kinh Thánh Cựu Ước và Tân Ước. Ngôn ngữ Hy Lạp và tiếng Việt dịch ra là Khải huyền, có nghĩa là mạc khải, mạc khải điều huyền nhiệm. Mọi chi tiết, mọi sự cố diễn ra và được mô tả trong ngôn ngữ Khải huyền đều không nên được chúng ta hiểu theo nghĩa đen, nhưng là một biểu tượng, một hình bóng cho một ý tưởng nào đó. Những biến cố, những tai ương được dùng trong ngôn ngữ Khải huyền muốn nói lên cho chúng ta biết vũ trụ, thế giới chúng ta đang sống không tồn tại đời đời mãi mãi, nhưng sẽ đi đến một lúc kết thúc và cuộc đời mỗi người chúng ta cũng như toàn thể nhân loại cũng sẽ đến lúc kết thúc, và giây phút kết thúc cuối cùng đó, là giây phút Thiên Chúa thực hiện ơn cứu rỗi cho con người, nhờ qua Chúa Giêsu Kitô. Mục tiêu của ngôn ngữ Khải huyền không phải là để làm cho người ta lo sợ, lo sợ tận thế, lo sợ cái chết, nhưng như là một lời kêu gọi, một lời thức tỉnh, thôi thúc người ta hãy sống tỉnh thức một cách tích cực để lãnh nhận ơn cứu rỗi của Chúa. Ðó là những lời của niềm hy vọng. Hy vọng một cuộc biến đổi hoàn toàn và đầy vinh quang của con người cũng như của thế giới. Một niềm hy vọng về trời mới và đất mới, nơi công bằng và hòa bình của Thiên Chúa ngự trị. Tuy nhiên, trong khi chờ đợi giây phút Chúa ngự đến trong vinh quang, mỗi người đồ đệ Chúa cần sống giây phút hiện tại một cách can đảm, kiên trì giữa những thử thách xảy đến, và nhất là cần sống gắn bó mạnh mẽ, kết hiệp mật thiết với Chúa để vượt thắng được những cám dỗ chối bỏ Chúa mà chạy theo những vị tiên tri giả, những chúa kitô giả, những kẻ tự phụ muốn thay thế chỗ của Chúa nơi tâm hồn con người, những kẻ mạo danh Chúa để lường gạt và hưởng lợi. Mỗi người chúng ta cần trưởng thành mỗi ngày một hơn trong đức tin, đức cậy và đức mến, để có thể khám phá ra Chúa đang ngự đến hàng ngày trong mọi biến cố lớn nhỏ, để cứu rỗi chúng ta vì Ngày yêu thương chúng ta.

Lạy Chúa, chúng con chúc tụng Chúa là chủ của vũ trụ và lịch sử, vì Chúa hiện diện trong chúng con và trong thế giới, trong những nỗi lo âu cũng như những nỗi vui mừng và hy vọng của chúng con. Xin thương giúp chúng con biết chăm chú, biết lắng nghe lời Chúa dạy và khám phá Chúa hiện vẫn đang ở với chúng con mỗi ngày mỗi lúc nơi người anh chị em đang cần được giúp đỡ, cần được yêu thương.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 4: Đền thờ sụp đổ

Nhân có mấy người nói về đền thờ được trang hoàng bằng những viên đá đẹp và những đồ dâng cúng, Đức Giêsu bảo: “Những gì anh em đang chiêm ngưỡng đó sẽ có ngày bị tàn phá hết, không còn tảng đá nào trên tảng đá nào.” (Lc. 21, 5-6)

Đoạn Tin mừng này khá phức tạp: hai phần không liên hệ với nhau. Trong đoạn đầu, Đức Giêsu loan báo sự tàn phá đền thờ Giê-ru-sa-lem. Trong đoạn hai, người ta đặt câu hỏi mong Người trả lời: “Bao giờ xảy ra và có điềm gì báo trước?”. Nhưng Người không trả lời như họ mong muốn, Người lại nói đến những điềm báo về ngày tận thế. Chúng ta nhận xét vài điều liên hệ tới đền thờ sụp đổ.

Hai kiểu giải thích:

Tại sao đền thờ Giê-ru-sa-lem bị tàn phá? Tại sao Đức Giêsu nói tiên tri “sẽ không còn tảng đá nào trên tảng đá nào” của lâu đài tráng lệ này được người Do thái tôn kính?

Đức Giêsu đã giải thích hai lần về vấn đề này. Trong Luca đoạn 19, 44 Người coi biến cố này là một hình phạt đổ xuống dân thành vì họ không nhận ra Đấng Thiên sai Cứu thế của Thiên Chúa. Lần thứ hai, trong Tin mừng theo thánh Gio-an đoạn 2, 19-22 giải thích sâu sắc hơn ẩn chứa một chút mầu nhiệm: “Hãy phá đền thờ này, và trong ba ngày, Tôi sẽ xây dựng lại”. Đức Giêsu muốn cho hiểu rằng: Đã đến thời Thiên Chúa ngự ở khắp mọi nơi và tỏ mình ra không chỉ ở đền thờ. Người quả quyết rằng đền thờ phải biến đi để Ngài hiện rõ ràng trước hết và trên hết trong chính Con Người của Con Thiên Chúa. Nói cách khác, Đức Giêsu phục sinh là đền thờ, đền thờ mới và duy nhất. Ngày phục sinh là ngày đền thờ Giê-ru-sa-lem suy tàn đi, biến đi.

Con người là đền thờ Thiên Chúa.

Thánh tông đồ Phao-lô đã bổ túc tư tưởng của Đức Giêsu khi giải thích: Mỗi Kitô hữu và toàn bộ mọi Kitô hữu hình thành Giáo hội, là đền thờ mới để Thiên Chúa ngự. Chúng ta có thể nói mà không nghịch lại với tư tưởng của thánh Phao-lô rằng: Thực sự chính trong con tim của bất cứ người nào đều là nơi Thiên Chúa ngự.

Nếu quả thật như vậy, chính trong con tim mỗi người phải đi tìm Thiên Chúa trước hết. Ai không gặp được Thiên Chúa ở với mọi người thì họ không gặp được Ngài bao giờ.

R.C

 

Suy Niệm 5: NGÀY PHÂN BIỆT... (Lc 21, 5- l1)

Một công trình hoành tráng, nguy nga, hùng vĩ được xây dựng lên để thách đố với thời gian, khẳng định với thời đại, đó chính là thành thánh Giêrusalem. Quả thật, đây là công trình thế kỷ; là niềm tự hào, hãnh diện của người Dothái... Tuy nhiên, công trình này rồi cũng như hoa kia sớm nở tối tàn mà thôi. Dù nguy nga, đồ sộ cỡ nào thì trước mặt Chúa cũng chỉ là phù vân!

Quả thật, sự kiện năm 70 sau Chúa Giáng Sinh, quân đội Rôma đã phá đổ tan tành, không còn hòn đá nào chồng lên hòn đá nào, và nó đã thành biển lửa và máu. Ngày nay, người ta chỉ còn biết đến nó như là một sự kiện của lịch sử hay như một  kỷ niệm buồn tủi với nước mắt...

Hình ảnh thành thánh Giêrusalem bị tàn phá là tiền đề để giúp cho chúng ta cảm thấy trước sự kinh hoàng, ghê rợn trong ngày chung cuộc của con người và thế giới. Ngày đó đến với các điềm báo trước như: hạn hán, mất mùa, bệnh dịch, những điềm lạ xuất hiện trên trời như: kinh thiên, động địa, hay chiến tranh tàn phá và loạn lạc... Ngày đó là ngày phán xét, ngày phân biệt tốt và xấu; thiện và ác; chiên và dê; lúa và cỏ lùng; cá tốt và cá xấu...

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hướng về Nước Trời như một điểm đến của chúng ta. Cần nhạy bén với các dấu chỉ thời đại, hầu thay đổi cuộc sống để trở nên tốt hơn. Cần tránh cho xa những điều bất chính và mặc lấy thái độ của những người sống trong ân sủng. Suy nghĩ, hành động tốt để ngày Chúa đến với chúng ta là một ngày tràn ngập vui mừng. Chớ dại mà bám víu vào những thứ tưởng chừng sẽ tồn tại trong cuộc sống như: vật chất, chức quyền, danh vọng; hay những thú ăn chơi, đàn điếm, cờ bạc mà quên đi mục đích tối hậu của mình.

Chỉ có Lời Chúa là tồn tại và là Lời Hằng Sống có sức biến đổi cũng như cứu vãn chúng ta khi chúng ta lắng nghe và thực hành mà thôi.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết tỉnh thức và sẵn sàng, vì không biết ngày nào, giờ nào Chúa đến. Xin ban ơn cứu độ cho chúng con. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

SUY NIỆM

1. Mọi sự sẽ qua đi

Khi nghe một số người ca ngợi vẻ đẹp của Đền Thờ Giê-ru-sa-lem một cách tự phát, cũng như chúng ta vẫn thốt lên những lời như thế, khi tham quan những công trình kiến trúc vừa lớn vừa đẹp, Đức Giê-su nói với các môn đệ :

Những gì anh em đang chiêm ngưỡng đó
sẽ có ngày bị tàn phá hết,
không còn tảng đá nào trên tảng đá nào
.  (c. 6)

Lời nói này của Đức Giê-su không chỉ báo trước biến cố lịch sử Đền Thờ sẽ bị phá hủy bởi người La Mã vào năm 70, nhưng dưới ánh sáng của những gì Người nói sau đó, để trả lời cho câu hỏi của các môn đệ : « Thưa Thầy, vậy bao giờ các sự việc đó sẽ xảy ra, và khi sắp xảy ra, thì có điềm gì báo trước? » (c. 7), chúng ta được mời gọi hiểu lời loan báo này của Đức Giê-su ở mức độ cánh chung : vào thời cánh chung, nghĩa là thời điểm tận cùng của thời gian, tất yếu sẽ đến, vì chúng ta đang ở trong thời gian có thủy có chung, nghĩa là mọi sự sẽ qua đi.

Như thế, lời của Đức Giê-su : « Sẽ không còn tảng đá nào trên tảng đá nào », vừa đụng chạm đến bản chất của mọi sự và vừa đụng chạm tới thời điểm tận cùng của chúng. Đồng thời, lời nói này của Người mời gọi chúng ta quy hướng về, gắn bó với, cảm nếm và chiêm ngưỡng điều sẽ không bao giờ qua đi. Điều sẽ không bao giờ qua đi, đó chính là Lời Chúa, như chính Người sẽ nói, trong bài Tin Mừng của thứ sáu sắp tới, là ngày cuối của tuần cuối trong mùa Thường Niên :

Trời đất sẽ qua đi, nhưng những lời Thầy nói sẽ chẳng qua đâu. (Lc 21, 33)

Lời Chúa không qua đi, vì thế cũng sẽ làm cho chúng ta không qua đi, nhưng qui tụ chúng ta, những người còn sống cũng như những người đã qua đời, bên Chúa và bên nhau mãi mãi trong Nước của Thiên Chúa.

 2. Loạn lạc, thiên tai và bách hại

a. Loạn lạc và thiên tai

Vào thời cánh chung, mọi sự sẽ qua đi vì chiến tranh loạn lạc : « Dân này sẽ nổi dậy chống dân kia, nước này chống nước nọ », và vì thiên tai : « Sẽ có những trận động đất lớn, và nhiều nơi sẽ có ôn dịch và đói kém; sẽ có những hiện tượng kinh khủng và điềm lạ lớn lao từ trời xuất hiện ».

Tuy nhiên, chẳng cần phải đợi đến thời cánh chung, để cho mọi sự chúng ta đang nhìn thấy và chiêm ngưỡng, mọi sự chúng ta có và mọi sự chúng ta là sẽ qua đi. Bởi lẽ mọi sự đang qua đi và qua đi rất nhanh. Mọi sự đang qua đi hôm nay, đó không chỉ là vì do bản chất của chúng, nhưng còn là vì những nguyên nhân bên ngoài nữa, đó là thiên tai do trời đất và chiến tranh do con người.

Thật vậy, trong những năm vừa qua, và cả trong những ngày này ở Việt Nam và ở một số nơi trên thế giới, chúng ta như chứng kiến những dấu chỉ loan báo thời điểm tận cùng: núi lửa hoạt động, những đợt sóng thần, những cơn động đất, nước từ trời trút xuống, nước từ sông biển dâng lên, gió bão hung hãn… Và những gì xảy ra trong thiên nhiên hoàn toàn khớp với những gì con người đang làm cho con người: đó là khủng bố, đó là bạo động, đó là giết hại mầm sống và chính sự sống nhân linh từ trong giai đoạn hình thành kì diệu nhất, tham lam, gian dối, đó là làm thiệt hại và hãm hại người khác, đó là dò xét và lên án, đó là cấm cản giam hãm, đó là áp đặt bằng quyền bính bất chấp ngôi vị, đó là nghi ngờ, không tin tưởng và thiếu tôn trọng người khác.

Xét cho cùng, như ai trong chúng ta cũng có kinh nghiệm, những thái độ và cách hành xử như thế, cho dù là nhân danh sự sống, nhân danh lợi ích của tập thể, nhưng thực ra là phá hủy sự sống một cách nghiêm trọng nhất, bởi lẽ đó là cách hành xử của chính Sự Dữ. Như thế, lời của Đức Giê-su : « Sẽ không còn tảng đá nào trên tảng đá nào » không chỉ đụng chạm đến bản chất của mọi sự, nhưng còn mặc khải về hoàn cảnh hiện thực của mọi sự.

Nhưng đó chính là hành trình Vượt Qua của thế giới sáng tạo và của lịch sử loài người : để đi vào sáng tạo mới và đi vào vĩnh cửu, mọi sự  phải tan biến đi. Cũng tương tự hành trình Vượt Qua của Đức Giê-su và của mỗi người chúng ta : phải băng qua sự chết để phục sinh, nghĩa là đi vào sự sống viên mãn và vĩnh hằng. Và chúng ta được mời gọi sống hành trình Vượt Qua của chúng ta mỗi ngày, như lời Thánh Vịnh diễn tả :

Con nằm xuống và con thiếp ngủ,
rồi thức dậy vì Chúa đỡ nâng con. 
(Tv 3, 6)

b. Bách hại

Đức Giê-su còn nói, trong bài Tin Mừng của Thánh Lễ hôm nay, về sự bách hại mà người môn đệ sẽ phải gánh chịu vì danh của Người, trong bối cảnh của ngày Cánh Chung. Tuy nhiên, lịch sử Giáo Hội cho thấy và kinh nghiệm sống của chúng ta cũng cho thấy như thế, đó là sự bách hại có thể xảy ra bất cứ lúc nào và bất cứ ở đâu. Chính vì thế, trong Tin Mừng theo thánh Mát-thêu, Đức Giê-su nói về sự bách hại, với cùng những từ ngữ mà chúng ta vừa nghe trong bài Tin Mừng theo thánh Luca, khi Người sai các môn đệ đi rao giảng Tin Mừng (x. Mt 10, 17-22).

Như thế, mặc khải mà Đức Giê-su mang lại cho chúng ta trong bài Tin Mừng hôm nay thật lớn lao: sự bách hại mà người môn đệ phải gánh chịu vì danh Người ở mọi thời, và chúng ta có thể hiểu rộng hơn, những khó khăn bên ngoài cũng như bên trong mà chúng ta phải đối diện hầu như hàng ngày, khi cố gắng sống vì Danh Đức Giê-su, vì tình yêu chúng ta dành cho Người, vì Tin Mừng của Người, tất cả những bách hại và khó khăn đời thường đó, có tầm mức cánh chung. Có tầm mức cánh chung, nghĩa là đó là lúc Nước Thiên Chúa ngự đến, là thời điểm mà mọi sự được hoàn tất để đi vào trong sự sống mới và sáng tạo mới, theo khuôn mẫu của mầu nhiệm Vượt Qua. Thật vậy, chính lúc Đức Giê-su bị bách hại đến chết, là lúc “mọi sự được hoàn tất”, và Ngài đi vào cõi hằng sống của Thiên Chúa Cha, bởi sức mạnh của Thánh Thần.

Sống theo Tin Mừng vì Danh Đức Giê-su, vì tình yêu chúng ta dành cho Người, chúng ta sẽ bị “người ta” bách hại, hay gây khó khăn. Điều này dễ hiểu và chúng ta sẵn sàng đón nhận. Nhưng điều khó hiểu và khó chấp nhận, khi Đức Giê-su nói tới sự bách hại đến từ chính những người thân yêu của chúng ta: “Anh em sẽ bị chính cha mẹ, anh chị em, bà con và bạn hữu bắt nộp. Họ sẽ giết một số người trong anh em”.

Khi Đức Giê-su sai các môn đệ đi rao giảng Tin Mừng, Người nói: “Thầy sai anh em đi đi như chiên vào giữa bầy sói”. Như thế, sự chống đối, thậm chí bách hại, là tất yếu; như hình ảnh “chiên và sói” gợi ra: một bên là hiền lành và một bên là bạo lực, muốn hủy diệt. “Người đời” đã bách hại Thầy và “người đời” tiếp tục bách hại Thầy nơi các môn đệ, bởi vì Thầy là “Chiên lành”, “Sự Thiện”, “Thiên Tính”, “Ánh Sáng”, “Sự Sống, “Sự Thật”. Vì thế, một cách tương ứng, kẻ bách hại không phải là những con người cụ thể, nhưng là “Sói Dữ”, “Sự Dữ”, “Thú Tính”, “Gian Dối”, “Bóng Tối”, “Sự Chết” hành động nơi những con người cụ thể. Thế mà, Sự Dữ và những gì thuộc về Sự Dữ có mặt ở khắp nơi và nơi mọi người, có nơi chính các môn đệ, và có ở nơi chúng ta nữa! Vì thế, sự chống đối của Sự Dữ có thể bùng lên từ những nơi và những người thiết thân nhất: “Anh sẽ nộp em, em sẽ nộp anh cho người ta giết; cha sẽ nộp con, con cái sẽ đứng lên chống lại cha mẹ và làm cho cha mẹ phải chết.” “Sói Dữ” không phải là con người, nhưng là thú tính hiện diện và chi phối con người chống lại “Chiên Lành”.

3. “Một sợi tóc trên đầu anh em cũng không bị mất đâu”

Nhưng lời loan báo của Đức Giê-su về sự bách hại thậm chí giết hại, lại chứa đựng Sự Sống của Thiên Chúa và hướng đến Sự Sống viên mãn của Người, theo khuôn mẫu của “Hạt Lúa Mì”, nghĩa là của mầu nhiệm Vượt Qua. Thật vậy, bách hại, nhưng lại là cơ hội “để làm chứng cho Thầy”; và bởi vì đây là chứng từ tận cùng, nghĩa là “chứng từ hi sinh sự sống”, như Đức Ki-tô trong cuộc Thương Khó, người môn đệ được dẫn vào kinh nghiệm “thần nhiệm”, như thánh Phaolô đã kinh nghiệm: “Tôi sống, nhưng không phải tôi sống, nhưng Đức Ki-tô phục sinh sống trong tôi” (Gl 2, 20).

*  *  *

Xin cho chúng ta, mỗi khi gặp khó khăn vì Danh Đức Giê-su và vì Tin Mừng của Người, cảm nghiệm được niềm vui sâu xa, vì mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Ki-tô được tái hiện lại nơi cuộc đời của chúng ta, vì được trở nên giống như Người, vì được trở nên một với Người, vì được Người nâng đỡ và chăm sóc cách đặc biệt, như Người nói trong bài Tin Mừng của ngày mai: “Chính Thầy sẽ cho anh em nói thật khôn ngoan…”, và

Một sợi tóc trên đầu anh em cũng không bị mất đâu! (c. 18)

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
 

Hãy chú ý lắng nghe để anh em không bị lầm lạc – SN Song ngữ ngày 26.11.2019

Tuesday (November 26): “Take heed that you are not led astray”

 

Scripture: Luke 21:5-19

5 And as some spoke of the temple, how it was adorned with noble stones and offerings, he said, 6 “As for these things which you see, the days will come when there shall not be left here one stone upon another that will not be thrown down.” 7 And they asked him, “Teacher, when will this be, and what will be the sign when this is about to take place?” 8 And he said, “Take heed that you are not led astray; for many will come in my name, saying, `I am he!’ and, `The time is at hand!’ Do not go after them. 9 And when you hear of wars and tumults, do not be terrified; for this must first take place, but the end will not be at once.” 10 Then he said to them, “Nation will rise against nation, and kingdom against kingdom; 11 there will be great earthquakes, and in various places famines and pestilences; and there will be terrors and great signs from heaven.12 But before all this they will lay their hands on you and persecute you, delivering you up to the synagogues and prisons, and you will be brought before kings and governors for my name’s sake. 13 This will be a time for you to bear testimony. 14 Settle it therefore in your minds, not to meditate beforehand how to answer; 15 for I will give you a mouth and wisdom, which none of your adversaries will be able to withstand or contradict. 16 You will be delivered up even by parents and brothers and kinsmen and friends, and some of you they will put to death; 17 you will be hated by all for my name’s sake. 18 But not a hair of your head will perish.19 By your endurance you will gain your lives.

Thứ Ba    26-11             Hãy chú ý lắng nghe để anh em không bị lầm lạc

 

Lc 21,5-19

5 Nhân có mấy người nói về Đền Thờ được trang hoàng bằng những viên đá đẹp và những đồ dâng cúng, Đức Giê-su bảo:6 “Những gì anh em đang chiêm ngưỡng đó sẽ có ngày bị tàn phá hết, không còn tảng đá nào trên tảng đá nào.”7 Họ hỏi Người: “Thưa Thầy, vậy bao giờ các sự việc đó sẽ xảy ra, và khi sắp xảy ra, thì có điềm gì báo trước? “8 Đức Giê-su đáp: “Anh em hãy coi chừng kẻo bị lừa gạt, vì sẽ có nhiều người mạo danh Thầy đến nói rằng: “Chính ta đây”, và: “Thời kỳ đã đến gần”; anh em chớ có theo họ.9 Khi anh em nghe có chiến tranh, loạn lạc, thì đừng sợ hãi. Vì những việc đó phải xảy ra trước, nhưng chưa phải là chung cục ngay đâu”.10 Rồi Người nói tiếp: “Dân này sẽ nổi dậy chống dân kia, nước này chống nước nọ.11 Sẽ có những trận động đất lớn, và nhiều nơi sẽ có ôn dịch và đói kém; sẽ có những hiện tượng kinh khủng và điềm lạ lớn lao từ trời xuất hiện.12 “Nhưng trước khi tất cả các sự ấy xảy ra, thì người ta sẽ tra tay bắt và ngược đãi anh em, nộp anh em cho các hội đường và bỏ tù, điệu anh em đến trước mặt vua chúa quan quyền vì danh Thầy.13 Đó sẽ là cơ hội để anh em làm chứng cho Thầy.14 Vậy anh em hãy ghi lòng tạc dạ điều này, là anh em đừng lo nghĩ phải bào chữa cách nào.15 Vì chính Thầy sẽ cho anh em ăn nói thật khôn ngoan, khiến tất cả địch thủ của anh em không tài nào chống chọi hay cãi lại được.16 Anh em sẽ bị chính cha mẹ, anh chị em, bà con và bạn hữu bắt nộp. Họ sẽ giết một số người trong anh em.17 Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét.18 Nhưng dù một sợi tóc trên đầu anh em cũng không bị mất đâu.19 Có kiên trì, anh em mới giữ được mạng sống mình.

Meditation:

 

How would you respond if someone prophesied that your home, land, or place of worship would be destroyed? Jesus foretold many signs that would shake peoples and nations. The signs which God uses are meant to point us to a higher spiritual truth and reality of his kingdom which does not perish or fade away, but endures for all eternity. God works through many events and signs to purify and renew us in hope and to help us set our hearts more firmly on him and him alone.

First signs of the end times

To the great consternation of the Jews, Jesus prophesied the destruction of their great temple at Jerusalem. The Jewish people took great pride in their temple, a marvel of the ancient world. The foretelling of this destruction was a dire warning of spiritual judgment in itself. They asked Jesus for a sign that would indicate when this disastrous event would occur. Jesus admonished them to not look for signs that would indicate the exact timing of impending destruction, but rather to pray for God’s intervention of grace and mercy. 

Jesus said there would be many signs of impending conflicts and disasters – such as wars, famines, diseases, tidal waves, and earthquakes – which would precede the struggles of the last days when God’s anointed King would return to usher in the full reign of God over the earth. In that day when the Lord returns there will be a final judgement of the living and the dead when the secrets of every heart will be brought to light (Luke 12:2-3; Romans 2:16).

Jesus foretells the destruction of the Temple at Jerusalem 

Jesus’ prophecy of the destruction of the temple at Jerusalem was a two-edged sword, because it pointed not only to God’s judgment, but also to his saving action and mercy. Jesus foretold the destruction of Jerusalem and the dire consequences for all who would reject him and his saving message. While the destruction of Jerusalem’s temple was determined (it was razed by the Romans in 70 A.D.), there remained for its inhabitants a narrow open door leading to deliverance. Jesus said: “I am the door; whoever enters by me will be saved” (John 10:9).  Jesus willingly set his face toward Jerusalem, knowing that he would meet betrayal, rejection, and death on a cross. His death on the cross, however, brought about true freedom, peace, and victory over the powers of sin, evil, and death – not only for the inhabitants of Jerusalem, but for all – both Jew and Gentile alike – who would accept Jesus as their Lord and Savior. Do you know the peace and security of a life submitted to the lordship of Jesus Christ?

We need to recognize the signs of God’s judgment, mercy, and grace to save us

Sometimes we don’t recognize the moral crisis and spiritual conflict of the age in which we live, until something “shakes us up” to the reality of this present condition. God reminds us that a future judgment and outcome awaits every individual who has lived on this earth. The reward for doing what is right and pleasing to God and the penalty for sinful rebellion and rejection of God are not always experienced in this present life – but they are sure to come in the day of final judgment. 

 

 

The Lord Jesus tells us that there will be trials, suffering, and persecution in this present age until he comes again at the end of the world. God intends our anticipation of his final judgment to be a powerful deterrent to unfaithfulness and wrongdoing. God extends grace and mercy to all who will heed his call and his warning. Do not pass up, even for one day, God’s invitation of grace and mercy to seek first his kingdom of righteousness and peace. This day may be your only chance before that final day comes.

 

“Lord Jesus, your grace and mercy abounds even in the midst of trials and difficulties. Help me to seek your kingdom first and to reject whatever would hinder me from pursuing your way of peace, righteousness, and holiness. Fill me with the joy and hope of your everlasting kingdom.”

 

 

 

Suy niệm:

 

Bạn sẽ phản ứng thế nào nếu ai đó nói tiên tri rằng nhà thờ hay nơi thờ phượng của bạn sẽ bị phá hủy? Đức Giêsu đã tiên báo nhiều dấu hiệu sẽ làm cho nhiều dân nước phải sợ hãi. Các dấu chỉ mà Thiên Chúa sử dụng có ý chỉ cho chúng ta hướng tới một sự thật và thực tại linh thiêng cao cả hơn là vương quốc của Người sẽ không bị phá huỷ hay tan biến, nhưng tồn tại mãi mãi. Thiên Chúa hành động qua nhiều sự kiện và dấu chỉ để thanh tẩy và canh tân chúng ta trong hy vọng và giúp chúng ta giữ lòng vững vàng nơi Người hơn và chỉ một mình Người mà thôi.

Các dấu chỉ đầu tiên về ngày tận thế

Điều làm cho người Dothái phải kinh hoàng là Đức Giêsu đã tiên báo sự hủy diệt đền thờ Giêrusalem của họ. Người Dothái rất tự hào về đền thờ của họ, một kỳ công của thế giới cổ xưa. Lời tiên báo về sự hủy diệt này là sự phán xét kinh khủng tự bản chất. Họ đòi hỏi Đức Giêsu một dấu chỉ sẽ cho biết khi điều này sẽ xảy ra. Đức Giêsu khiển trách họ không nên tìm kiếm những dấu chỉ sẽ cho biết chính xác thời gian của sự phá huỷ sắp đến, nhưng tốt hơn là hãy cầu xin cho sự can thiệp ơn sủng và thương xót của Thiên Chúa.

Đức Giêsu nói sẽ có nhiều dấu chỉ về những khủng hoảng và tai hoạ sắp xảy đến như chiến tranh, đói kém, bệnh tật, sóng thần, và động đất, sẽ đi trước những cuộc chiến về ngày tận thế, khi Đức Vua được xức dầu của Thiên Chúa sẽ trở lại để mở ra triều đại trọn vẹn của Thiên Chúa trên trái đất. Vào ngày đó, khi Đức Chúa trở lại sẽ có cuộc phán xét cuối cùng cho người sống và kẻ chết, khi mọi bí mật của lòng mỗi người sẽ bị đưa ra ánh sáng (Lc 12,2-3; Rm 2,16).

 

Đức Giêsu tiên báo sự phá hủy của đền thờ ở Giêrusalem

Lời tiên báo về sự phá huỷ đền thờ Giêrusalem của Đức Giêsu là con dao hai lưỡi, bởi vì nó không chỉ nói tới sự phán xét của Chúa, mà còn nói tới hành động giải thoát và lòng thương xót của Người. Đức Giêsu tiên báo sự phá hủy của thành Giêrusalem và những kết quả khủng khiếp cho tất cả những ai từ chối Người và sứ điệp cứu độ của Người. Thời gian sự phá hủy đền thờ Giêrusalem được xác định (nó bị quân Rôma san bằng vào năm 70 A.D.), ở đó người dân trong thành chỉ có một cái cửa hẹp mở ra dẫn tới sự giải thoát. Đức Giêsu nói rằng: “Ta là cửa, ai qua Ta mà vào sẽ được cứu” (Ga 10,9). Đức Giêsu sẵn sàng tiến về Giêrusalem, với ý thức Người sẽ đối đầu với sự phản bội, chống đối, và cái chết trên thập giá. Tuy nhiên, cái chết của Người trên thập giá mang lại chiến thắng và ơn cứu độ, không chỉ cho những người ở Giêrusalem, nhưng cho tất cả mọi người – Dothái và dân ngoại – những người tiếp nhận Đức Giêsu như Chúa và Đấng cứu chuộc của họ. Bạn có biết sự bình an và bảo đảm của cuộc đời quy phục vương quyền của Đức Giêsu Kitô không?

 

Chúng ta cần nhận ra các dấu chỉ phán xét, thương xót, và ơn sủng của TC để cứu chúng ta

Đôi khi chúng ta thường không nhận ra sự khủng hoảng luân lý và sự mâu thuẫn thiêng liêng của thời đại chúng ta đang sống, cho tới khi điều gì đó “đánh động chúng ta” đến với thực tại của điều kiện hiện tại của mình. Thiên Chúa nhắc nhở chúng ta rằng sự phán xét và hệ quả ở tương lai đang chờ đợi mỗi người đang sống trên trái đất này. Phần thưởng cho việc thực hiện những gì đúng đắn và làm vui lòng Thiên Chúa và hình phạt cho sự nỗi loạn tội lỗi và khước từ Thiên Chúa không phải lúc nào cũng được cảm nghiệm trong cuộc sống này; nhưng chúng chắc chắn sẽ đến trong ngày phán xét cuối cùng của Thiên Chúa.

Chúa Giêsu nói với chúng ta rằng sẽ có sự ngược đãi, đau khổ, và bách hại trong thời đại này, cho tới khi Người lại đến vào ngày tận thế. Thiên Chúa muốn cho chúng ta lường trước về sự phán xét cuối cùng của Người để trở nên sự ngăn chận quyết liệt về sự bất trung và sai trái. Thiên Chúa ban phát ơn sủng và lòng thương xót cho tất cả những ai lắng nghe tiếng mời gọi và cảnh báo của Người. Đừng để qua đi, thậm chí 1 ngày, lời mời gọi ơn sủng và thương xót của Thiên Chúa để tìm kiếm nước công chính và bình an của Người trước hết. Ngày này có thể là cơ hội duy nhất của bạn trước khi ngày tận thế đến.

Lạy Chúa Giêsu, ơn sủng và lòng thương xót của Chúa tràn đầy giữa những khó khăn. Xin giúp con tìm kiếm vương quốc của Chúa trên hết và khước từ mọi thứ ngăn cản con khỏi chạy theo đường lối công chính và thánh thiện của Chúa. Xin lấp đầy lòng con niềm vui và hy vọng về vương quốc vĩnh cửu của Chúa.

Tác giả: Don Schwager
(http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/)
Bro. Paul Thanh Vu – chuyển ngữ

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây