Thứ Hai tuần 27 thường niên.
"Ai là anh em của tôi?"
Lời Chúa: Lc 10, 25-37
Khi ấy, có một người thông luật đúng dậy hỏi thử Chúa Giêsu rằng: "Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời?" Người nói với ông: "Trong Lề luật đã chép như thế nào? Ông đọc thấy gì trong đó?" Ông trả lời: "Ngươi hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết sức và hết trí khôn ngươi, và hãy thương mến anh em như chính mình". Chúa Giêsu nói: "Ông trả lời đúng, hãy làm như vậy và ông sẽ được sống". Nhưng người đó muốn bào chữa mình, nên thưa cùng Chúa Giêsu rằng: "Nhưng ai là anh em của tôi?"
Chúa Giêsu nói tiếp: "Một người đi từ Giêrusalem xuống Giêricô, và rơi vào tay bọn cướp; chúng bóc lột người ấy, đánh nhừ tử rồi bỏ đi, để người ấy nửa sống nửa chết. Tình cờ một tư tế cũng đi qua đường đó, trông thấy nạn nhân, ông liền đi qua. Cũng vậy, một trợ tế khi đi đến đó, trông thấy nạn nhân, cũng đi qua. Nhưng một người xứ Samaria đi đường đến gần người ấy, trông thấy và động lòng thương. Người đó lại gần, băng bó những vết thương, xức dầu và rượu, rồi đỡ nạn nhân lên lừa của mình, đưa về quán trọ săn sóc. Hôm sau, lấy ra hai quan tiền, ông trao cho ông chủ quán mà bảo rằng: "Ông hãy săn sóc người ấy, và ngoài ra còn tốn phí hơn bao nhiêu, khi trở về tôi sẽ trả lại ông".
"Theo ông nghĩ, ai trong ba người đó là anh em của người bị rơi vào tay bọn cướp?"
Người thông luật trả lời: "Kẻ đã tỏ lòng thương xót với người ấy".
Và Chúa Giêsu bảo ông: "Ông cũng hãy đi và làm như vậy".
Suy Niệm 1: Hãy đi và làm như vậy
Suy niệm:
Trong Tin Mừng Mátthêu và Máccô (Mt 22, 36; Mc 12, 28)
vị luật sĩ đặt câu hỏi về điều răn nào là điều răn lớn nhất.
Còn theo Tin Mừng Luca, vị này lại hỏi Đức Giêsu
về việc phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp (c. 25).
Đức Giêsu nghĩ rằng câu trả lời đã có trong sách Luật, nên Ngài hỏi lại ông.
Ông này đã trích sách Đệ Nhị Luật 6,5 và sách Lêvi 19,18 để trả lời.
Động từ yêu mến diễn tả thái độ đối với Thiên Chúa và người thân cận:
"Hãy yêu mến Thiên Chúa với tất cả trái tim con, với tất cả linh hồn con,
với tất cả sức lực con và với tất cả trí khôn con,
và người thân cận như chính mình” (c. 27).
Đức Giêsu khen ông trả lời đúng và khích lệ ông (c. 28).
Như thế giữa Ngài và vị thầy Do thái giáo đã có sự nhất trí nào đó.
Tình yêu không phải là một đòi hỏi mới của Kitô giáo,
nhưng tình yêu đã là điều cốt yếu của Do thái giáo từ xưa.
Vấn đề là phải yêu Thiên Chúa với tất cả trái tim, linh hồn, sức lực và trí khôn.
Từ tất cả được lặp lại bốn lần để nói lên một đòi hỏi tận căn, trọn vẹn.
Nhưng Đức Giêsu còn phải trả lời câu hỏi: “Ai là người thân cận của tôi ?”
Ngài đã trả lời bằng một dụ ngôn nổi tiếng,
qua đó ngài mở rộng quan niệm truyền thống về người thân cận.
Một người từ Giêrusalem xuống Giêrikhô.
Anh phải vượt qua đoạn đường dài gần 25 cây số.
Đoạn đường này thời bấy giờ có nhiều trộm cướp.
Anh đã bị bọn cướp trấn lột, đánh nhừ tử và đặt nằm đó nửa sống nửa chết.
Nhìn vào tình cảnh bi đát của anh, có ai muốn thương giúp anh không?
Có ba người đi qua chỗ anh nằm, một là thầy tư tế, hai là thầy Lêvi.
Cả hai đều phản ứng như nhau: thấy và tránh qua bên kia mà đi (cc. 31-32).
Chúng ta không rõ tại sao họ làm thế.
Có thể vị tư tế sợ mình bị ô nhơ qua việc đụng chạm đến xác chết,
vì sách Lêvi (21, 1-3) cấm không được làm thế, trừ phi là xác bà con gần.
Một người Samari là nhân vật thứ ba đi ngang qua nạn nhân.
Hầu chắc nạn nhân này là một người Do Thái,
vì không có chi tiết nào cho thấy anh ta là dân ngoại cả.
Giữa dân Do Thái và dân Samari vốn có mối hiềm thù từ lâu.
Người Samari này cũng thấy nạn nhân như hai người trước,
nhưng đó không phải là cái nhìn lạnh lùng, vô cảm.
Anh thấy bằng trái tim mình, vì thế anh chạnh lòng thương (c. 33).
điều mà hai người trước không có.
Chính sự thúc đẩy của trái tim đã khiến anh làm một loạt hành động cụ thể:
lấy dầu và rượu đổ lên vết thương, băng bó, đặt nạn nhân trên lưng lừa,
đưa về quán trọ săn sóc, ở lại quán trọ nguyên ngày hôm ấy,
trả tiền cho chủ quán và hứa sẽ trở lại trả thêm nếu cần (cc. 34-35).
Lòng thương xót thật sự khiến anh chấp nhận mất công, mất của, mất giờ,
và có thể mất mạng nữa, vì có thể tên cướp vẫn còn núp đâu đây.
Khi giúp cho kẻ lâm nạn, dù biết đó là một người Do Thái kẻ thù của mình,
người Samari đã làm một phép lạ lớn.
Đó là biến mình trở thành người thân cận với anh ấy,
và biến anh ấy, kẻ thù của mình, trở thành người thân cận với mình.
Đây là phép lạ của tình thương phá vỡ và vượt qua mọi biên giới
của chủng tộc, tôn giáo và nhất là vượt qua những thù oán lâu đời.
Để trả lời câu hỏi của vị luật sĩ: ai là người thân cận của tôi ?
Đức Giêsu đặt câu hỏi ngược lại cho vị này: “Theo ông,
trong ba người, ai đã trở nên người thân cận với kẻ bị nạn ?” (c. 36).
Câu hỏi quá dễ, nhưng hàm chứa một điều mới mẻ sâu xa.
Trước khi giúp một người,
tôi không nên tự hỏi người này có thân cận với tôi không.
Chúng ta không chỉ giúp những người thân cận và loại trừ người khác.
Chúng ta giúp một người chỉ vì người đó đang cần chúng ta.
Giúp đỡ cụ thể là cách tạo ra người thân cận
Càng giúp nhiều, ta càng có nhiều người bạn thân.
Vị luật sĩ đã hỏi Đức Giêsu phải làm gì (c. 25).
Kể xong dụ ngôn, Đức Giêsu trả lời: Hãy đi và hãy làm như vậy (c. 37).
Đất nước chúng ta đã giàu lên đáng kể, nhưng vẫn không thiếu người nghèo,
nghèo sức khỏe, nghèo tri thức, nghèo vật chất tối thiểu, nghèo nhân phẩm…
Chúng ta cũng bị cám dỗ “tránh sang bên kia đường”,
thấy mà làm như không thấy những Ladarô nằm trước cửa.
Yêu những người nghèo như chính mình, yêu cả những ai đã làm khổ mình.
Đó là cách chúng ta rao giảng Tin Mừng cho quê hương Việt Nam hôm nay.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa,
lúc đầu chúng con chỉ muốn cầm tay nhau
để làm thành một vòng tròn khép kín.
Sau đó chúng con hiểu rằng
cần phải buông tay nhau
để nhận những người bạn mới,
để vòng tròn được mở rộng đến vô cùng
và trái tim được lớn lên mãi.
Lạy Chúa, chúng con biết rằng
cần phải nối vòng tay lớn
xuyên qua các đại dương và lục địa.
vòng tay người nối với người,
vòng tay con người nối với Tạo Hóa.
Chúng con thích Chúa
đứng chung một vòng tròn
với tất cả loài người chúng con,
nắm lấy tay chúng con
và đưa chúng con lên cao.
Ước gì việc Chúa giang tay trên thập giá
giúp chúng con biết cầm lấy tay nhau
và nhận nhau là anh em.
Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.
Suy Niệm 2: AI LÀ NGƯỜI THÂN CẬN CỦA TÔI
(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)
Tiên tri Gio-na và người Sa-ma-ri-ta-no nhân hậu là hai hình ảnh trái ngược. Gio-na là người Do thái, người có đạo, nhưng tâm địa hẹp hòi không muốn cứu dân thành Ni-ni-ve. Người Sa-ma-ri-ta-no nhân hậu là người ngoại đạo, nhưng tấm lòng bác ái bao la, quan tâm chăm sóc cho tha nhân. Gio-na là tiên tri, là người tin có linh hồn nhưng lại chẳng quan tâm cứu linh hồn dân thành Ni-ni-ve. Còn người Sa-ma-ri-ta-no nhân hậu tuy không có đức tin nhưng đã sẵn sàng cứu giúp dù chỉ là thân xác người lâm nạn. Gio-na là tiên tri của Chúa nhưng lại không vâng lệnh Chúa truyền. Người Sa-ma-ri-ta-nô nhân hậu không có đạo nhưng lại thực hành Lời Chúa. Và được Chúa đem làm gương mẫu cho những nhà lãnh đạo: “Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy”. Bên trong hai bài Sách Thánh còn những trái ngược lớn lao gây suy nghĩ. Gio-na là tiên tri thì trốn Chúa. Những người đi thuyền ngoại đạo lại muốn tìm thánh ý Chúa, muốn cầu nguyện cùng Chúa. Cũng vậy thầy tư tế và thầy Lê-vi trong đạo tránh qua một bên để khỏi giúp người bị nạn. Trong khi người ngoại đạo xứ Sa-ma-ri lại tỏ lòng nhân hậu cứu giúp nạn nhân (năm lẻ).
Và để trả lời cho câu hỏi: “Ai là người thân cận của tôi?”, Chúa Giêsu đã hỏi ngược lại: “Theo ông, ai là người thân cận của người bị nạn?”. Chúa Giêsu trả lời bằng một mệnh đề kép. Muốn có người thân cận, chính tôi phải thân cận với mọi người. Nói khác đi người thân cận không tự nhiên có nhưng tôi phải tạo ra. Tôi tạo ra người thân cận bằng tấm lòng nhân hậu, bằng thái độ quảng đại, bằng cử chỉ phục vụ. Như thế người thân cận là tất cả những ai cần sự giúp đỡ, cần sự quan tâm, là những ai đang lâm nạn, đang không thể tự lo cho mình, cả phần hồn lẫn phần xác.
Trong thư Ga-lát, thánh Phao-lô chê trách giáo dân Ga-lát đã mau chóng trở mặt lại giáo lý của Chúa. Lời chê trách đó có thể áp dụng cho Gio-na. Dù là tiên tri nhưng lại không tuân lời Chúa dạy. Lời đó cũng nhắm đến thầy tư tế và thầy Lê-vi vì đã không thực hành Lời Chúa. Lời thánh nhân chê trách cũng nói với chúng ta hôm nay, có đạo nhưng lại không tuân giữ Lời Chúa (năm chẵn).
Chúng ta có thể hỏi một câu hỏi khác. Ai là người thân cận của Chúa. Câu trả lời thật hiển nhiên. Nhưng khá cay đắng. Không phải vị tiên tri người đem Lời Chúa cho mọi người. Không phải thày tư tế và thày Lê-vi những người dâng của lễ trên bàn thờ, trước tôn nhan Chúa. Nhưng lại là người Sa-ma-ri-ta-nô, kẻ ngoại đạo. Hôm nay, chúng ta hãy tỉnh ngộ trở nên người thân cận của mọi người. Và người thân cận của Chúa. Như thế tôi mới “được sự sống đời đời làm gia nghiệp”.
Suy Niệm 3: Người Samaritanô Nhân Hậu
Một phóng viên nọ muốn biết cách đối xử với con người thế nào, ông đã giả vờ làm người bị thương nằm bên vệ đường cùng với chiếc xe bị hư của ông. Nhiều người đã đi qua..., cuối cùng có một người dừng xe lại xem xét và đến trạm gọi điện thoại cho cảnh sát. Người phóng viên đã cẩn thận ghi các số xe đã chạy qua, sau đó, ông đến tận nhà họ để phỏng vấn. Mỗi người đều nói lên lý do của mình, nhưng không ai nghĩ mình một ngày kia có thể rơi vào hoàn cảnh như thế: bàn tay của mình đưa ra để mong tìm được sự nâng đỡ của người khác mà không gặp được.
Người Samaritanô nhân hậu được nhắc đến trong Tin Mừng hôm nay là chính Chúa Giêsu. Dĩ nhiên, các tư tế, lêvi có lý do của họ: họ đã sống đúng luật, tuy nhiên luật đã giết chết lòng yêu thương của con người vì trọng mặt chữ mà thôi. Chúa Giêsu đã vượt qua luật lệ và hướng dẫn tâm hồn con người lên cao, đi vào chiều sâu của bác ái. Ngài đã đến với từng con người, Ngài không đứng xa nhìn con người đương đầu với những khó khăn thử thách trong cuộc sống. Như người Samaritanô nhân hậu, Ngài đến gần bên con người, Ngài nhìn họ với ánh mắt đầy trắc ẩn, cảm thông, Ngài cúi xuống băng bó các vết thương của họ và còn tình nguyện trả nợ cho họ bằng giá máu của Ngài khi chấp nhận chết trên Thập giá để cứu sống và đưa họ về quê trời.
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta noi theo gương mẫu của người Samaritanô nhân hậu là hình ảnh của chính Chúa. Chung quanh chúng ta còn biết bao nạn nhân, dưới nhiều hình thức, đang chờ bàn tay nâng đỡ của chúng ta. Nhưng thử hỏi chúng ta đã làm được gì? Có thể chúng ta không có tiền bạc, nhưng một lời nói, một nụ cười, một cử chỉ, một việc làm tốt cũng có sức xoa dịu và cảm thông với những nỗi khổ đau của đồng loại.
Nguyện xin Chúa kiện cường lòng bác ái của chúng ta, một lòng bác ái biết tìm đến, dừng lại và xoa dịu những nỗi khổ đau của người khác; một lòng bác ái vị tha, không bị lấm bẩn bởi bản tính ích kỷ trục lợi.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Suy Niệm 4: Biến Ðổi Tâm Hồn
Chủ đề chính của đoạn Phúc Âm trên đây là tình yêu thương đối với người lân cận và chủ đề được nhắc đến do bởi hai câu hỏi của luật sĩ: "Tôi phải làm sao để được sống đời đời?" và "Ai là người anh em tôi?"
Chúa Giêsu đã để cho chính luật sĩ phải trả lời cho câu hỏi thứ nhất: "Tôi phải làm gì để được sống đời đời?", và vị luật sĩ đã trả lời đúng trăm phần trăm, dựa trên chính lời Kinh Thánh mà ông đã biết nằm lòng. Và nếu đã biết rõ như vậy rồi thì đâu còn lý do gì để hỏi Chúa Giêsu nữa. Không cần phải luật sĩ mới trả lời cho câu hỏi này, mọi thành phần dân Chúa đều có thể trả lời. Vấn đề là nơi câu hỏi thứ hai: "Ai là người anh em tôi?" Sự hiểu biết thông thái của luật sĩ làm ông ta lúng túng vì hẳn thật vào thời Chúa Giêsu có nhiều trường phái luật sĩ khác nhau đã cố gắng trả lời cho câu hỏi này, nhưng chưa có câu trả lời nào thỏa đáng cả. Có trường phái cho rằng người lân cận mà luật Môisen buộc phải yêu thương là cha mẹ, bạn bè, người đồng hương. Như thế, nhà luật sĩ có lý do để hỏi Chúa Giêsu: "Ai là anh em tôi?", ông muốn biết những giới hạn của tình thương đối với anh chị em để rồi từ đó xác định những bổn phận cần phải tuân giữ. Chúa Giêsu trả lời bằng dụ ngôn người Samari nhân hậu để giúp cho luật sĩ biết là không có giới hạn nào cho tình thương đối với anh chị em và bất cứ ai cần trợ giúp thì người đó là anh chị em của mình. Kết thúc dụ ngôn, Chúa Giêsu đã đặt lại vấn đề như sau: "Ai trong số những kẻ qua đường là người anh em của kẻ bị cướp?", và dĩ nhiên luật sĩ cũng đã trả lời đúng: "Thưa là kẻ có lòng thương xót người ấy".
Giải quyết vấn đề trên bình diện tri thức hiểu biết xem ra rất dễ, chỉ cần một chút hướng dẫn như Chúa Giêsu đã làm trong dụ ngôn thì ta có thể biết được câu trả lời cho vấn đề, nhưng để vào nước Chúa không phải chỉ có biết mà thôi, cũng không phải chỉ nói Lạy Chúa, Lạy Chúa mà thôi, nhưng còn phải thực hành, phải làm nữa, phải thực hiện lời dạy của Chúa và phải làm ngay không được chần chờ.
"Hãy đi và làm như vậy!" xem ra Chúa Giêsu không muốn vị luật sĩ ở lại để tranh luận lý thuyết với Chúa mãi mãi mà hãy dấn thân hành động, vì thế liền sau câu trả lời thứ hai của vị luật sĩ, Chúa Giêsu khuyến khích ngay: "Hãy đi và làm như vậy!"
Khi phải hành động giúp đỡ anh chị em, chúng ta thường hay có thái độ chần chờ, tìm sự chân thành lý do để tránh né để khỏi phải cho đi, để khỏi phải làm ngay công việc bác ái phải làm. Vì thế, vấn đề là luôn luôn phải sẵn sàng phục vụ, vấn đề bắt đầu từ tâm hồn của chúng ta trước, vì phải có tâm hồn yêu thương, cần canh tân chính mình trước. Chúng ta đã thấy Chúa Giêsu đã đổi lại viễn tượng, đã đổi lại câu hỏi của luật sĩ, câu hỏi không còn là: "Ai là anh em ta?" nhưng là: "Ai là anh em của người bị nạn?"
Khi tâm hồn chúng ta đã được biến đổi rồi, đã có đầy tình yêu Chúa rồi thì chúng ta sẽ dễ dàng chu toàn mệnh lệnh yêu thương của Chúa hơn, sẽ yêu thương như Chúa, yêu thương không giới hạn, không tính toán, yêu thương cả đến hy sinh mạng sống mình. Không có tình yêu này to lớn hơn tình yêu của kẻ hiến mạng sống mình cho người mình thương. Vấn đề không phải là biết: "Ai là anh em của tôi?" nhưng vấn đề là biến đổi tâm hồn chúng ta để chúng ta trở thành người lân cận, người anh em của tất cả những anh chị em chung quanh chúng ta.
Lạy Chúa, xin giúp con canh tân chính tâm hồn mình trước và giúp con trở thành người lân cận của tất cả mọi người, mọi nơi và mọi lúc.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Suy Niệm 5: Ai là người thân cận của tôi?
Và này có người thông luật kia đứng lên hỏi Đức Giêsu để thử Người rằng: “Thưa Thầy tôi phải làm gì để được sự sồng đời đời làm gia nghiệp?”Người đáp: “Trong luật đã viết gì? ông đọc thế nào? Ông ấy thưa: “ngươi hãy yêu mến Đức Chúa,Thiên Chúa của ngươi, và người thân cận như chính mình.” (Lc.10, 25-27)
Đây là vấn đề chính luôn luôn được đặt ra qua các thời đại: Ai là người thân cận của tôi? Chính ở điều này, Đức Kitô đã hoàn thành một cuộc cách mạng vĩ đại. Người sắp cho ông luật sĩ một bài học sáng giá về bác ái qua một dụ ngôn rất ý nghĩa và rõ nét.
Ông đã hỏi Ngài: “Ai là người thân cận của tôi? ”Đức Kitô đã giải đáp vấn đề cho chúng ta biết cách thực hiện ai là người thân cận của chúng ta. Trong những người chung quanh tôi, những người tôi gặp, ai là anh chị em tôi? Đức Kitô nói: “Một người nào đó đi từ Giê-ru-sa-lem xuống Giêricô, dọc đường bị rơi vào tay kẻ cướp. Chúng lột sạch và đánh nhừ tử người ấy rồi bỏ đi, để mặc người ấy nửa sống nửa chết bên lề đường. Tình cờ có thầy tư tế cũng đi xuống con đường ấy. Trông thấy người này, ông tránh qua bên kia mà đi! cũng thế, một thầy lê-vi đi tới chỗ ấy, cũng thấy, bỏ tránh qua bên kia mà đi! nhưng một người Samari đi đường, tới ngang chỗ người ấy, cũng thấy và chạnh lòng thương, ông lại gần lấy dầu rượu băng bó vết thương người ấy, đặt lên lừa, đưa về quán trọ mà săn sóc, lấy tiền nhờ chủ quán cứu chữa bệnh nhân!
Một người Samari nào đó chẳng quen biết, thuộc dân tộc ly giáo với Do-thái, họ không thờ Thiên Chúa ở Giê-ru-sa-lem nhưng ở núi Garidim! Thế mà ông đã lo chăm sóc cho một người cùng khổ hoạn nạn cướp bóc đánh đập và gánh lấy trách nhiệm cứu chữa. Ông không cần biết đó là ai, dân mình hay dân khác, bạn hay thù! không kể đến tốn phí bao nhiêu! ông chỉ thấy đó là một người cần giúp đỡ. Bác ái không từ bỏ một ai trong bất cứ một hoàn cảnh nào, nơi nào, thuộc hạng nào! bác ái có mặt mọi nơi, nơi nào có khổ sở cần xoa dịu giúp đỡ là có bàn tay êm ái nâng đỡ, có lòng tận lực chi trả, có lời an ủi âm thầm tâm sự, thông cảm mọi cảnh éo le, chia sẻ mọi cuộc sống ngoài lề xã hội, băng bó những xung đột, âu yếm những người bị bỏ rơi, hy vọng làm sáng lên những nơi đen tối, chia vui cho những nơi bị xáo trộn, bất ổn.
Bác ái hiện diện khắp nơi, nơi nào có tiếng nhân loại kêu cùng khổ là có con tim đến tiếp cứu, đến biến đổi nó lên tươi sáng. Bác ái hiện diện trên mọi trận tuyến, bạn cũng như thù, tương trợ lẫn nhau trong khắp thế giới. Lúc đó và chỉ như thế, chúng ta mới là anh chị em thân cận với nhau.
GF
Suy Niệm 6: YÊU LÀ BIẾT HY SINH CHO NGƯỜI MÌNH YÊU (Lc 10, 25-37)
Xem lại CN 15 TN C, CN 30 TN A, CN 31 TN B, thứ Ba tuần 1 MV, thứ Sáu tuần 3 MC, thứ Năm tuần 9 TN và thứ Sáu tuần 20 TN
Bài hát: “Qua cầu gió bay” có lẽ nhiều người trong chúng ta đều đã quen thuộc, hoặc đôi khi còn thuộc lòng! Bài hát này diễn tả tình yêu của hai người: khi yêu nhau, họ trao tặng cho nhau tất cả, ngay kể cả cái áo, cái nhẫn và chiếc nón là những thứ gắn liền với bản thân của con người, nhưng một khi đã yêu thì sẵn sàng trao tặng, miễn sao người mình yêu được vui và hạnh phúc...
Bài Tin Mừng hôm nay, qua hình ảnh người Samaritanô nhân hậu, Đức Giêsu cũng dạy cho người thông luật một bài học của tình yêu. Tình yêu đó là một tình yêu biết cho đi, hy sinh và chấp nhận gian khó vì người mình yêu.
Khởi đi từ việc người thông luật đến hỏi Đức Giêsu: "Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời?"; và: “Ai là anh em của tôi?”. Đức Giêsu đã giúp ông xác tín nguyên lý của sự sống đời đời là yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự và yêu người thân cận như chính mình.
Tuy nhiên, Đức Giêsu còn muốn ông đi xa hơn nữa trên lộ trình tình yêu đó khi kể cho ông nghe dụ ngôn người Samaritanô nhân hậu.
Hình ảnh của người Samaritanô nhân hậu đối đãi với nạn nhân như: dừng lại, băng bó vết thương, xức dầu và rượu, đỡ nạn nhân lên lừa của mình, đưa về quán trọ, thuê người chủ quán trọ săn sóc cho nạn nhân ... tất cả những nghĩa cử đó cho thấy người Samaritanô đã vì yêu mà chấp nhận tất cả, chịu đựng tất cả, cho đi tất cả... ngang qua hành vi của người Samaritanô, Đức Giêsu muốn giới thiệu cho người thông luật biết: những người đau khổ chính là anh em của ông.
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta: hãy đi và làm như người Samaritanô nhân hậu, làm tất cả và cho đi tất cả vì người mình yêu.
Có lẽ chúng ta sẽ thắc mắc là nhiều khi tôi nghèo quá, nên khó có thể có gì để thể hiện tình yêu như người Samaritanô với người thân cận. Tuy nhiên, chúng ta sẽ không nghèo đến độ không thể không có gì để cho!
Có thể tôi nghèo về vật chất, nhưng tôi giàu về tấm lòng, giàu về tình yêu. Tôi không có hiện vật để trao tặng, nhưng tôi có nụ cười, thời giờ, niềm an ủi, sự cảm thông và tinh thần liên đới... Đây chính là món quà cao quý hơn cả bạc vàng.
Mong sao mỗi chúng ta hiểu rằng: chỉ có tình yêu là không thể chết, và cho đi là còn mãi.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết yêu mến Thiên Chúa tha thiết và yêu tha nhân như chính mình. Đồng thời xin cho chúng con biết sống tinh thần liên đới trong một thế giới quá nhiều bất công và vô cảm. Amen.
Ngọc Biển SSP
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn