CÁC TỔNG LÃNH THIÊN THẦN MI-CA-EN, GÁP-RI-EN, RA-PHA-EN. Lễ kính.
"Các ngươi sẽ thấy các thiên thần Chúa lên xuống trên Con Người".
* Chúng ta mừng các vị tổng lãnh thiên thần, nhưng đồng thời cũng mừng tất cả các thiên sứ được nhắc tới từ sách Sáng Thế cho tới sách Khải Huyền. Các vị hiện diện cách vô hình để hướng dẫn dòng lịch sử cứu độ.
Tuy các vị là những sứ giả của Chúa, có nhiệm vụ bộc lộ cho con người biết các kế hoạch của Chúa và mang tới lệnh Người truyền, nhưng trước hết các vị là cộng đoàn đông đảo những vị thờ lạy Thiên Chúa hằng sống.
Lời Chúa: Ga 1, 47-51
Khi ấy, Chúa Giêsu thấy Nathanael đi tới Mình, thì nói về ông rằng: "Ðây thật là người Israel, nơi ông không có gì gian dối". Nathanaen đáp: "Sao Ngài biết tôi?" Chúa Giêsu trả lời rằng: "Trước khi Philipphê gọi ngươi, lúc ngươi còn ở dưới cây vả, thì Ta đã thấy ngươi". Nathanael thưa lại rằng: "Lạy Thầy, Thầy là Con Thiên Chúa, là Vua Israel".
Chúa Giêsu trả lời: "Vì Ta đã nói với ngươi rằng: Ta đã thấy ngươi dưới cây vả, nên ngươi tin. Ngươi sẽ thấy việc cao trọng hơn thế nữa".
Và Người nói với ông: "Thật, Ta nói thật với các ngươi, các ngươi sẽ thấy trời mở ra, và các thiên thần Chúa lên xuống trên Con Người".
SUY NIỆM 1: Các thiên thần của Thiên Chúa
(Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.)
Trong kinh Tin Kính, chúng ta tuyên xưng niềm tin vào Thiên Chúa,
Đấng dựng nên muôn vật hữu hình cùng vô hình.
Các thụ tạo vô hình ở đây chính là chư vị thiên thần.
Chư vị này sống gần bên Thiên Chúa để phục vụ Ngài và nhân loại.
Hơn nữa, các thiên thần là những người đã phục vụ Đức Giêsu Kitô,
từ khi Ngài chào đời đến khi Ngài quang lâm.
Sứ thần Gabrien được Thiên Chúa sai đến với trinh nữ Maria
để loan báo về sự hạ sinh của Đấng Cứu Độ (Lc 1, 26).
Ta nghe tiếng ngợi khen của muôn vàn thiên binh cùng với sứ thần
trong đêm Con Thiên Chúa giáng sinh trên trái đất (Lc 2, 13).
Ta cũng thấy các thiên thần hiện ra để phục vụ Đức Giêsu (Mt 4, 11),
sau khi Ngài chiến thắng những cám dỗ của quỷ dữ nơi hoang địa.
Khi Đức Giêsu bị xao xuyến trước cái chết sắp đến,
một thiên thần từ trời đã đến tăng sức cho Ngài (Lc 22, 43).
Ngài đã không tránh né cái chết
bằng cách xin Cha cấp cho mình mười hai đạo binh thiên thần (Mt 26, 53).
Tin Vui Phục sinh được loan báo bởi các thiên thần từ mộ trống (Lc 24, 6).
Vào ngày tận thế, các thiên thần của Đức Giêsu sẽ đi theo Ngài
khi Ngài trở lại trong vinh quang để phán xét cả thế giới (Mt 16, 27).
Đức Giêsu nay ngự bên hữu Thiên Chúa trên trời,
trổi vượt trên các thiên thần và được các thiên thần thờ lạy (Dt 1, 4. 6).
Câu cuối của bài Tin Mừng hôm nay
cũng nói đến tương quan giữa Đức Giêsu và các thiên thần.
Trong lần gặp gỡ với Nathanaen và các bạn của ông
Đức Giêsu đã long trọng hứa là họ sẽ thấy trời rộng mở,
và “các thiên thần lên lên xuống xuống trên Con Người” (c. 51).
Trong một giấc mộng, Giacóp đã chiêm bao thấy
“một chiếc thang dựng dưới đất, đầu thang chạm tới trời,
trên đó có các thiên thần của Thiên Chúa lên lên xuống xuống” (St 28, 12).
Đức Giêsu nhận mình chính là chiếc thang đó,
là Đấng Trung Gian nối đất với trời,
nối Thiên Chúa với nhân loại.
Các thiên thần cũng phải qua Ngài mà đến phục vụ con người.
Các thiên thần cũng là những đấng trung gian được sai đi,
nhưng họ phải qua Đấng Trung Gian duy nhất và đích thực,
vì Đấng đó vừa trọn vẹn là người, vừa trọn vẹn là Thiên Chúa.
Lên lên xuống xuống trên thang Giêsu là việc của các thiên thần.
Lên với Thiên Chúa để dâng cho Ngài nỗi thống khổ của nhân loại.
Xuống với nhân loại để mang cho họ ân lộc và sứ điệp từ trời.
Thiên thần vừa gần với con người, vừa gần với Thiên Chúa,
vừa tựa trên đất, vừa đụng tới trời,
nên kéo trời xuống đất và đưa đất lên trời.
Xin được quyền năng của Sứ thần Micae: Ai bằng Thiên Chúa.
Xin được sức mạnh của Sứ thần Gabrien: Thiên Chúa hùng dũng.
Xin được ơn lành mạnh của Sứ thần Raphaen: Thiên Chúa chữa lành.
Kitô hữu là người hạnh phúc vì biết mình được nâng đỡ chở che.
Cầu nguyện:
Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi là Đấng con tôn thờ,
xin giúp con quên mình hoàn toàn
để ở lại trong Chúa, lặng lẽ và an bình
như thể hồn con đã sống trong vĩnh cửu.
Lạy Đấng thường hằng bất biến,
mong sao không gì có thể khuấy động
sự bình an của con, hay làm cho con ra khỏi Chúa;
nhưng ước chi mỗi phút lại đưa con
tiến xa hơn vào chiều sâu của mầu nhiệm Chúa !
Xin làm cho hồn con bình an thanh thản,
xin biến hồn con thành chốn trời cao,
thành nơi cư ngụ dấu yêu của Chúa,
nơi Chúa nghỉ ngơi.
Ước chi con không bao giờ để Chúa ở đó một mình
nhưng con luôn có mặt, với trọn cả con người,
với thái độ nhạy bén trong đức tin, cung kính tôn thờ
và phó mình cho Chúa sáng tạo.
(Lời nguyện của chân phước Elisabeth de Trinité)
SUY NIỆM 2: Bước vào Nước Trời
Bài trình thuật Phúc Âm theo thánh Gioan hôm nay diễn tả sự kiện tông đồ Philipphê muốn thuyết phục người bạn của mình là Nathanaen rằng ông đã tìm thấy Ðấng cứu thế mà Lề Luật và các ngôn sứ đã tiên đoán trước, đó là Chúa Giêsu thành Nazareth, con ông Giuse. Nhưng Nathanaen là người công chính và có lòng tôn kính Thiên Chúa, và cũng như nhiều người Do Thái thời đó ông đang trông chờ Ðấng cứu thế đến. Chính lòng khao khát được trông thấy Ðấng cứu thế đã thúc đẩy ông nghe theo lời của Philipphê mà tới gặp Chúa Giêsu. Ông gặp và tuyên xưng đức tin vào Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa vì Ngài đã nhìn thấu được những khát vọng sâu xa trong tâm hồn của ông, đó là lòng ao ước được nhận biết Thiên Chúa và được hiệp thông với Ngài trong sự vinh hiển muôn đời.
Chúa Giêsu đã ban cho Nathanaen một niềm tin mới vào Ðấng cứu thế mà dân tộc Do Thái đã chờ đợi từ lâu là Ngài chính là chiếc thang nối kết giữa Nước Trời với trần gian, như Thiên Chúa đã mở rộng cánh cửa cho tổ phụ Giacóp để đưa ông và dân tộc Do Thái vào Nước Trời với Thiên Chúa hằng sống. Chúa Giêsu cũng mạc khải cho Nathanaen thấy rằng Ngài chính là Ðấng sẽ phải đến để hoàn tất các lời hứa của Thiên Chúa cho tổ phụ Giacóp.
Qua mầu nhiệm nhập thể, Con Một Thiên Chúa đã mặc lấy xác phàm cho sự cứu rỗi của nhân loại và thông qua sự cứu rỗi và mầu nhiệm Phục Sinh đã mở rộng con đường cho tất cả nhân loại bước vào một mối liên hệ mới là trở nên các con cái của Ngài. Con Một Thiên Chúa đã mở rộng con đường cho nhân loại đi vào Nước Trời cũng như mang Nưới Trời vào thế gian và vào trong đời sống mỗi ngày của chúng ta, điều đó có nghĩa là Nước Trời hiện diện ở những ai đi tìm kiếm và thực hiện thánh ý của Thiên Chúa.
Mười hai môn đệ ở kề cận với Chúa Giêsu để được dịp chứng kiến sự kiện Chúa Cha tác động và ngự trên Chúa Con. Sự kết hợp được biểu lộ một cách trọn vẹn nhất qua mầu nhiệm khổ nạn của Chúa Giêsu. Chính vào giây phút Ngài được nâng lên trên thập giá để bước vào sự vinh hiển muôn đời của Chúa Cha, tất cả chúng ta cũng được gọi để dự phần vào sự mạc khải này và mỗi lần chúng ta cử hành mầu nhiệm hy tế là chúng ta sống lại mầu nhiệm khổ nạn và phục sinh của Chúa Giêsu, là vị thượng tế và là con chiên hiến tế trong giao ước mới giữa Chúa Cha và nhân loại.
Lạy Chúa Cha trên trời,
Qua Con Một của Ngài là Chúa Giêsu, Cha đã chỉ đường cho chúng con bước vào Nước Trời như chính Cha đã mạc khải cho các tổ phụ và các tông đồ. Xin Cha cũng tỏ lộ Cha cho tất cả chúng con để chúng con biết làm sáng Danh Cha qua cuộc sống chứng tá hằng ngày. Xin cho chúng con luôn tìm thấy niềm hân hoan trong sự hiện diện của Cha để tận hưởng niềm hạnh phúc và sự sống muôn đời nơi Nước Trời.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
SUY NIỆM 3: Các Tổng Lãnh Thiên Thần – Cộng Đồng Siêu Việt
Nathanael ngạc nhiên khi thấy Đức Giê-su biết rõ ông dù hai người chưa gặp nhau bao giờ, thế mà lần thứ nhất thấy ông, Người đã thấu suốt mọi bí ẩn trong tâm tư ông: “Lòng dạ ông không có gì gian dối”.
“Tôi đã thấy anh rồi”
Chúng ta ở với Đức Giê-su Ki-tô nhiều hơn chúng ta tưởng. Trong những cơn gian nan khốn khó suốt trên đường đời, Đức Giê-su luôn nhìn chúng ta, theo dõi chúng ta. Nathanael, trong ông: “không có gì gian dối”. Ông đã nhận được ơn mặc khải về tình yêu của Chúa đang hoạt động trong ông. “Tôi đã thấy anh trước rồi” nhưng “Anh sẽ còn thấy những điều lớn lao hơn thế nữa”... Ông đã tin và được hứa cho thấy rõ ràng, sáng suốt một viễn tượng mới về các thực thể với muôn vật. Và “Anh sẽ thấy trời mở rộng”. Đức Giê-su đã đến: và từ nay trời với đất được hiệp thông với nhau. “Thiên Thần của Thiên Chúa lên lên xuống xuống trên con người”
Những sứ giả của Thiên Chúa
Ngày nay chúng ta không còn quen nhiều với các Thiên Thần nữa , ngay cả tên các Tổng Lãnh Thiên Thần Mi-ca-e, Gabriel và Raphael. Chúng ta nhưng hơn cả là Thiên Thần Gabriel trong việc truyền tin: Ngài đã được sai đến với Đức Ma-ri-a để báo tin đầy ơn phúc cho Đức Ma-ri-a, theo Kinh Thánh, các Thiên Thần được dựng lên để chầu chung quanh Thiên Chúa và đưa lời Chúa. Các Thiên Thần còn hướng dẫn chúng ta ngợi khen Thiên Chúa và vâng lời Thiên Chúa, Đấng tạo thành chúng ta, các Ngài can ngăn chúng ta khỏi co dúm, cuộn mình lại trong chiều kích thấp hèn hư nát của tạo vật, nhắc nhở chúng ta thuộc một cộng đồng siêu việt cao cả, hoàn toàn hướng lên Đức Ki-tô, trong ngôi vị của Con Người là đường dẫn lên Thiên Chúa, đang mở ra trước mắt chúng ta một trời mới, đất mới lớn lao vô cùng: chúng ta có biết lắng nghe tiếng các thiên thần tuyên dương ca tụng Thiên Chúa không?
Một liên kết mới giữa chúng ta và Thiên Chúa, phúc cho ai thấy và sống trong tình liên kết đó.
Tôi yêu chuộng một thứ vũ trụ đông đảo các Thiên Thần hơn cả cái vũ trụ trống rỗng và lạnh ngắt đang ở trước mắt chúng ta. Các Thiên Thần sống hòa hợp với Thiên Chúa tuyệt vời hơn là loài người được Đức Ki-tô đưa về sống với Thiên Chúa.
J.M
SUY NIỆM 4: Các Tổng Lãnh Thiên Thần Micae - Gabriel - Raphael
Hôm nay Giáo Hội mừng kính tổng lãnh các Thiên Thần Micae, Gabriel và Raphael, đây là tên tuổi của ba vị Thiên Thần đã được Kinh Thánh nhắc đến nhiều lần, và khi nói đến các Thiên Thần là nói đến vô số. Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu xác quyết với các môn đệ của Ngài về sự hiện hữu của các Thiên Thần, đây chính là mầu nhiệm gắn liền với những mầu nhiệm của Thiên Chúa. Khi tự tỏ bày cho loài người, Thiên Chúa cũng một trật mạc khải cho chúng ta về thế giới của các Thiên Thần.
Một trong những dấu chỉ thời đại mang nhiều ý nghĩa, là hiện nay tại những nước văn minh như Hoa Kỳ, sách vở liên quan đến các thiên thần được xếp vào một trong những loại bán chạy nhất, ngày càng có nhiều người tin tưởng vào sự hiện diện chở che của thiên thần trong cuộc sống của họ.
Vào tháng 12 năm 1993, một cuộc thăm dò được tờ báo Time và đài truyền hình thực hiện, cho thấy rằng có đến 69% người dân Mỹ tin sự hiện hữu của các Thiên Thần. Một cuộc thăm dò khác được thực hiện trước đó cũng tìm thấy rằng, 75% dân Mỹ tin có thiên thần.
Ðầu thập niên 1970, một nhà giảng thuyết nổi tiếng của Hoa Kỳ được tạp chí Time cho vào danh sách một trong 20,000 những tư tưởng nổi bật nhất của thế kỷ XX đã viết một cuốn sách có tựa đề: "Các Thiên Thần và Nhân Viên Mật Vụ của Thiên Chúa". Trong cuốn sách được xem là bán chạy nhất này, tác giả đã viết: "Các Thiên Thần là một chủ đề mang lại niềm an ủi và phấn khởi lớn lao cho những người tin Chúa, đồng thời cũng là một thách đố để cho những người không tin phải tin".
Thật thế, nếu Thiên Chúa mạc khải cho chúng ta sự hiện hữu và hoạt động của các thiên thần, hẳn Ngài cũng muốn cho chúng ta cảm nghiệm hơn về mầu nhiệm tình yêu của Ngài. Dù chúng ta có thấy các thiên thần hay không, dù các ngài có đến với chúng ta như thần linh hay dưới hình bóng người phàm, thì lời cầu xin của chúng ta luôn được đáp trả. Thiên Chúa hằng can thiệp vào cuộc sống của chúng ta cách diệu kỳ, niềm tin nơi sự hiện diện và hoạt động của các thiên thần luôn nhắc nhở chúng ta điều đó. Quả thật, cuộc sống của chúng ta được dệt bằng phép lạ từ giây phút đầu tiên được tạo thành trong lòng mẹ cho đến lúc chào đời rồi lớn lên, mỗi một nhịp đập của trái tim, mỗi một hơi thở của chúng ta không là phép lạ sao?
Với mỗi người Chúa âu yếm nói: "Ta đã gọi con bằng tên con, con thuộc về Ta". Chúa Giêsu đã có lý khi mời gọi chúng ta nên giống như trẻ thơ, bởi vì trẻ thơ không ngừng ngây ngất trước những điều kỳ diệu và những phép lạ của cuộc sống. Người lớn thì trái lại thường bị cuốn xoáy trong dòng đời nên dễ đánh mất khả năng chiêm ngắm trước những điều kỳ diệu và các phép lạ của cuộc sống.
Thiên Chúa yêu thương mỗi người, Thiên Chúa không ngừng bao bọc che chở chúng ta bằng sự hiện diện của vô số các thiên thần. Ðó phải là niềm tin hôm nay khi mừng kính các thiên thần Micae, Gabriel và Raphael, Giáo Hội muốn mời gọi chúng ta hâm nóng lại. Thiên Chúa đã ban cho cuộc sống chúng ta như một phép lạ, nhờ các sứ thần của Ngài, Ngài hướng dẫn và che chở chúng ta trong từng đường đi nước bước của chúng ta.
Nguyện xin các thiên thần nhất là thiên thần bản mệnh của mỗi người luôn nhắc nhở ta, để ta luôn tiến bước trong tin yêu và hy vọng nơi Thiên Chúa là tình yêu.
(Trích trong ‘Sống Tin Mừng’ – R. Veritas)
SUY NIỆM 5: Các Tổng Lãnh Thiên Thần Michael, Raphael, Gabriel
Tên các TLTT đều có tiếp vĩ ngữ “el”: Michael (Việt ngữ là Micael), Raphael, Gabriel. “El” nghĩa là “trong Thiên Chúa” còn Angel là Thiên thần. Tổng lãnh Thiên thần có thể xuất hiện cùng lúc ở nhiều nơi.
Trong các Tổng lãnh Thiên thần có 3 vị “nổi tiếng” là Micael, Raphael, và Gabriel được mô tả trong Kinh thánh. Có thể nhiều người chưa biết rằng TLTT Micael còn được gọi là Beshter, Mika'il và Sabbathiel; TLTT Raphael còn được gọi là Labbiel; TLTT Gabriel còn được gọi là Abruel, Jibril, Jiburili và Serafili. Thế kỷ VIII, Kitô giáo đã biết tôn sùng các Thiên thần.
1. MICHAEL (chúng ta quen gọi là Micae) nghĩa là “Người Giống Thiên Chúa” hoặc “Giống Như Thiên Chúa”.
Micael là Thiên thần đầu tiên được Thiên Chúa tạo dựng, là vị trưởng trong các TLTT, có nhiệm vụ bảo vệ, khuyến khích, về sức mạnh, sự thật và chính trực. TLTT Micael bảo vệ chúng ta về thể lý, tâm lý và tình cảm. Ngài cũng giám sát mục đích sống của chúng ta. Chức năng chính của ngài là loại bỏ những điều xấu. TLTT Micael cầm gươm lửa để bảo vệ chúng ta khỏi Satan và những điều tiêu cực.
Khi có ngài ở bên, bạn có thể thấy lấp lánh ánh sáng xanh hoặc đỏ. Hãy cầu xin TLTT Micael nếu bạn thấy mình bị tấn công về tâm lý hoặc thiếu can đảm giữ lời hứa, thiếu động lực, thiếu lòng tin, thiếu can đảm, mất phương hướng, thiếu nghị lực, thiếu sức sống, thiếu tự tin, và cảm thấy bất xứng. TLTT Micael giúp chúng ta nhận biết mục đích sống và giúp bảo vệ.
Micael đã chiến thắng Satan (thiên thần sa ngã Luxiphe) ở trong Vườn Địa Đàng, dạy cho Adam cách gieo trồng và chăm sóc gia đình, nói với Môsê trên Núi Sinai, và năm 1950 ngài được tôn vinh là Thánh Micael, “bổn mạng của cảnh sát”, vì ngài giúp can đảm và anh dũng. Ngài cũng có “bí quyết lạ” về sửa các thiết bị điện và máy móc, kể cả máy tính và xe cộ. Nếu xe bị hư, hãy cầu xin TLTT Micael!
Ngài giúp chúng ta hành động theo sự thật mà không thỏa hiệp với tính lim chính và giúp chúng ta tìm ra bản chất và vẫn là chính mình. Ngài hay giúp đỡ nên khi gặp khó khăn trong công việc, khi bị chứng nghiện nào đó, khi bị bệnh, khi đau khổ, hoặc gặp ác mộng, hãy cầu xin TLTT Micael!
2. RAPHAEL nghĩa là “Sức Mạnh Chữa Lành của Thiên Chúa” hoặc “Thiên Chúa Chữa Lành”.
Chữ Rapha trong tiếng Do Thái nghĩa là “bác sĩ” hoặc “người chữa lành”. TLTT Raphael giúp chúng ta mau lành bệnh về thể lý và tinh thần nếu chúng ta cầu xin ngài. Kinh thánh kể chuyện ông Abraham khỏi đau sau khi ông chịu phép cắt bì. Bạn cũng có thể cầu xin TLTT Raphael thay cho người khác.
TLTT Raphael là người dễ gần gũi và vui vẻ nhất trong các Thiên thần. Ngài thường được vẽ là người vui vẻ nói chuyện với người khác. Ngài rất ngọt ngào, yêu thương, tử tế và hiền từ, khi bạn thấy những tia sáng xanh là ngài đang ở gần bạn.
Ngài thường hoạt động với TLTT Micael để trừ các thực thể xấu và luôn “hộ tống” mọi người ở khắp nơi.
Là người chữa lành, TLTT Raphael là “bổn mạng của các du khách” vì ngài đã giúp ông Tôbia trong các hành trình. Hãy cầu xin TLTT Raphael khi bạn đi du lịch hoặc đi đây đi đó để được bình an trong chuyến đi. Ngoài ra, ngài còn giúp việc chuyên chở, cư trú và đồ đạc an toàn. Ngài cũng nâng đỡ các chuyến hành trình tâm linh, giúp tìm kiếm chân lý và hướng dẫn.
TLTT Raphael dạy ông Tôbia cách làm hương liệu và dầu thơm bằng cá và đã chữa khỏi mù cho người cha của ông Tôbia. Ngài được cầu xin giúp các y bác sĩ, các thầy thuốc, các nhà trị liệu và các bác sĩ phẫu thuật. Hãy cầu xin ngài nếu bạn là sinh viên trường y hoặc đang học chữa bệnh và xin ngài giúp bạn học tập tốt. Ngài không chỉ giúp chữa lành về thể lý và tâm lý, mà ngài còn chữa lành các vết thương lòng từ quá khứ.
Trong các lĩnh vực khác, TLTT Raphael còn giúp tìm lại những thứ bị thất lạc, giúp cai nghiện, giúp sáng suốt, tạo tình đoàn kết. Hãy cầu xin TLTT Raphael!
3. GABRIEL nghĩa là “Sức Mạnh của Thiên Chúa” hoặc “Thiên Chúa là Sức Mạnh của Tôi”.
Chỉ có TLTT Gabriel được mô tả là nữ giới trong nghệ thuật và văn chương, ngài là “sứ giả” và là một trong các TLTT có tên trong truyền thống Do Thái, được coi là một trong hai Thiên thần cao cấp theo truyền thuyết Do Thái giáo và Hồi giáo. Ngoài TLTT Micael, TLTT Gabriel là Thiên thần duy nhất được nhắc đến trong Cựu ước. Ngài là TLTT quyền thế và mạnh mẽ, những ai kêu cầu ngài sẽ cảm thấy muốn hành động và sẽ có kết quả tốt.
TLTT Gabriel là người đã truyền sứ điệp cho Thánh Êlidabét và Đức Mẹ Maria về việc thụ thai và sinh con, là Thánh Gioan Tẩy giả và Chúa Giêsu thành Nadarét. Nếu bạn sắp lập gia đình, hãy cầu xin TLTT Gabriel giúp bạn trong việc thụ thai, sinh sản và dạy dỗ con cái.
TLTT Gabriel có thể giúp chúng ta về nghệ thuật và giao tiếp. Ngài sẽ hành động như một huấn luyện viên, gợi cảm hứng và kích thích các nghệ sĩ, các nhà báo và những người làm việc về truyền thông, ngài giúp hành động một cách can đảm và mau mắn.
Ngài cũng giúp chúng ta nhận biết ơn gọi đích thực của mình. Hãy cầu xin ngài hướng dẫn nếu bạn đi không đúng đường tâm linh, nếu bạn muốn hiểu cuộc sống và mục đích sống. Nếu bạn dự định chuyển nhà, mua bán công to việc lớn hoặc muốn đổi nghề, hãy cầu xin TLTT Gabriel!
Cũng hãy cầu xin ngài nếu cơ thể bạn bị ngộ độc hoặc đầu óc nghĩ về những chuyện xấu, ngài sẽ giúp bạn thanh tẩy hồn xác. Các phụ nữ bị hãm hiếp hoặc bị quấy rối tình dục, rồi cảm thấy mình ô uế, bị dằn vặt, hãy cầu xin TLTT Gabriel!
Trầm Thiên Thu (chuyển ngữ từ AngelFocus.com)
SUY NIỆM 6: NHẬN RA THIÊN CHÚA
(5 phút suy niệm)
“Thật, tôi bảo thật các anh, các anh sẽ thấy trời rộng mở, và các thiên thần của Thiên Chúa lên lên xuống xuống trên Con Người.” (Ga 1,51)
Suy niệm: Giáo huấn của Giáo Hội dạy rằng có một thế giới thần thiêng trong đó gồm có thần lành thần dữ là thiên thần và ma quỷ ảnh hưởng đến thế giới chúng ta. Thiên thần là sứ giả, là những thần linh phục vụ Thiên Chúa. Thánh Kinh chỉ nêu tên ba vị Tổng lãnh thiên thần là Mi-ca-en, Gáp-ri-en và Ra-pha-en với ý nghĩa:
Mi-ca-en là “Ai bằng Thiên Chúa”.
Gáp-ri-en là “Uy lực của Thiên Chúa”
Ra-pha-en là “ Thiên Chúa cứu giúp”
Mi-ca-en là Đấng bảo trợ đặc biệt Hội Thánh, Gáp-ri-en là sứ giả được sai đến với Đức Maria và Ra-pha-en là vị tổng lãnh hầu cận Thiên Chúa.
Mời Bạn: Mi-ca-en giục chúng ta lòng tin Thiên Chúa là Chúa duy nhất để nhờ đó chúng ta biết quy hướng mọi sự về Chúa. Ga-bri-en giục chúng ta có lòng trông cậy vào Thiên Chúa quyền năng để nhờ đó chúng ta biết lệ thuộc vào Chúa trong mọi sự. Ra-pha-en giục chúng ta có lòng mến Chúa nhờ đó chúng ta gắn bó với Chúa trong mọi việc.
Sống Lời Chúa: Theo gương và lời chỉ dẫn của các vị tổng lãnh thiên thần, tôi chỉ tin vào một mình Thiên Chúa vì không ai bằng Ngài. Tôi luôn cậy trông vào Chúa, dù khó khăn thử thách đến đâu cũng không ngã lòng vì Chúa có uy lực vô biên có thể giúp bạn vượt qua bất cứ mọi khó khăn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa không bao giờ thất vọng về chúng con, vì thế xin cho chúng con cũng không bao giờ thất vọng về chính mình, nhưng luôn tin tưởng vào tình yêu của Chúa.
SUY NIỆM 7: CÁC THIÊN THẦN VỚI THÁNH THỂ
“Thật, tôi bảo thật các anh, các anh sẽ thấy trời rộng mở, và các thiên thần của Thiên Chúa lên lên xuống xuống trên Con Người.” (Ga 1,51)
Suy niệm: Mừng lễ các tổng lãnh thiên thần là dịp để suy niệm về vai trò của các ngài trong phụng vụ, cách riêng trong thánh lễ. Khi Giáo Hội cử hành thánh lễ, không chỉ loài người chúng ta mà cả triều thần thiên quốc cùng tham dự vào hiến tế này: “Vì thế, hiệp với toàn thể thiên thần và các thánh, chúng con không ngừng hát bài ca chúc tụng Chúa…” (Lời cuối các kinh tiền tụng).
Ngay đầu lễ, chúng ta xin các thiên thần chuyển cầu cho chúng ta: “Vì vậy, tôi xin… các thiên thần… khẩn cầu cho tôi trước tòa Thiên Chúa…” (Kinh Tôi Thú Nhận). Các thiên thần đem của lễ chúng ta dâng “lên bàn thờ thiên quốc, trước tôn nhan uy linh cao cả Chúa…” (Kinh nguyện tạ ơn II). Khi rước lễ, ta được lãnh nhận “bánh của các thiên thần”.
Mời Bạn: Hiến tế Thánh Thể cao cả, vì là cử hành của toàn thể Giáo Hội nơi trần thế cũng như trên thiên quốc và cả trong luyện ngục. Nếu bạn ý thức điều đó, hẳn là bạn sẽ phấn khởi khi tham dự thánh lễ, bởi vì mình chẳng là gì, thế mà được mời “đến dự tiệc vui, dự đại hội giữa các con đầu lòng của Thiên Chúa” (Dt 12,23).
Chia sẻ với người thân và bè bạn về sự cao cả của Thánh lễ, và cùng rủ nhau đến tham dự thánh lễ.
Sống Lời Chúa: Khi thánh lễ bắt đầu, đặc biệt hôm nay, bạn hãy dành ít phút cầu nguyện với các thiên thần, xin các ngài giúp bạn dọn lòng tham dự thánh lễ tốt đẹp.
Cầu nguyện: “Lạy Chúa, giữa chư vị thiên thần, này con xin đàn ca kính Chúa; hướng về đền thánh, con phủ phục tôn thờ.” (Tv 137)
SUY NIỆM 8: Các thiên thần của Thiên Chúa
Đoạn Tin Mừng này nằm trong bối cảnh các môn đệ bước theo Chúa (Ga 1, 35-51), cách đặc biệt Philipphê và Natanaen. Có những điểm khác biệt với các Tin Mừng Nhất Lãm: sự kiện không xảy ra tại sông Giođan nơi Gioan làm phép rửa, nhưng xảy ra khi Chúa Giêsu trên đường đi Galilê. Chúa Giêsu đang trong cuộc đời công khai, và Ngài quy tụ các môn đệ lại để ở lại với Ngài, cùng chia sẻ cuộc sống và sứ mệnh của Ngài.
Natanaen (theo truyền thống là Bartôlômêô) là môn đệ thứ tư được Chúa Giêsu gọi. Khi Philipphê nói với Natanaen rằng Đức Giêsu chính là Đấng Messia, Natanaen tỏ vẻ hoài nghi, bởi vì theo ông, Đấng Messia không thể xuất thân từ một nơi mà Thánh Kinh không bao giờ nói tới như Nadarét. Nhưng khi được Philiphê nói "hãy đến mà xem", thì Natanaen sẵn sàng gặp Chúa, đó là dấu chỉ của sự tìm kiếm chân thành và ước muốn đón nhận Chân Lý.
Thấy Natanaen mở rộng cõi lòng đến với mình một cách sẵn sàng, Chúa Giêsu đến và nói về ông như một người Israel chân chính. Natanaen ngạc nhiên: "Sao Thầy lại biết tôi?" Chúa Giêsu biết Natanaen bởi vì Ngài biết chúng ta từng người một và biết tận sâu thẳm tâm hồn chúng ta. "Trước khi Philipphê gọi ngươi, lúc ngươi còn ở dưới cây vả, thì Ta đã thấy ngươi". Natanaen có thể là một nhà thông luật, am hiểu Kinh Thánh; đó là hình ảnh của người yêu mến Lời Chúa, ngồi dưới gốc cây suy niệm Thánh Kinh để biết về Đấng Messia. Người môn đệ cũng được Chúa nhìn bằng một cặp mắt yêu thương và dần dần họ sẽ cảm nghiệm tình yêu này cách mạnh mẽ.
Lời của Chúa Giêsu khiến Natanaen xúc động đến nỗi ông thốt lên: "Lạy Thầy, Thầy là Con Thiên Chúa, là Vua Israel". Natanaen tuyên xưng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, tước hiệu nói đến thần tính của Chúa Giêsu. Chỉ một cuộc gặp gỡ với Chúa đã biến đổi Natanaen. Một khi cảm nghiệm được tình yêu của Chúa Giêsu, người môn đệ sẽ biết Ngài một cách sâu xa hơn; và khi biết Ngài một cách sâu xa thì sẽ yêu mến Ngài cách mãnh liệt hơn.
Mỗi người chúng ta cũng được kêu mời khám phá hành trình đức tin của mình: được Chúa Giêsu kêu gọi, các môn đệ đáp trả, trong một kinh nghiệm cá nhân với Ngài, và sau cùng niềm tin vào Chúa Giêsu, Đấng là lý lẽ và là vinh quang của người môn đệ.
Cuối đoạn Tin Mừng hôm nay, chúng ta thấy có hình ảnh liên hệ đến các vị tổng lãnh Thiên Thần chúng ta mừng kính hôm nay: "các thiên thần Chúa lên xuống trên Con Người".
Hình ảnh này liên hệ đền tổ phụ Giacóp xưa, khi ra khỏi Bơ-e Se-va và đi về Kha-ran, "đến một nơi kia và nghỉ đêm tại đó vì mặt trời đã lặn. Cậu lấy một hòn đá ở nơi đó để gối đầu và nằm ngủ ở đó. Cậu chiêm bao thấy một chiếc thang dựng dưới đất, đầu thang chạm tới trời, trên đó có các sứ thần của Thiên Chúa lên lên xuống xuống" (St 28, 10-12). Thiên Chúa dựng nên các thiên thần để chầu chực hầu hạ Đức Chúa Trời, giúp đỡ loài người và gìn giữ vũ trụ. Micae có nghĩa là ai bằng Thiên Chúa, được sai đi để gìn giữ và bảo vệ các tín hữu, như câu chuyện trong sách khải huyề; Raphael có nghĩa là thầy thuốc của Thiên Chúa được sai để giúp đỡ con người như câu chuyện trong sách Tôbia, và Gabriel có nghĩa là sức mạnh của Thiên Chúa được sai đi truyền tin cho Đức Trinh Nữ Maria.
Các thiên thần nêu gương cho chúng ta: trung thành với Chúa, phụng sự Chúa và chăm sóc con người. Người môn đệ sẽ được Thiên Chúa tỏ lộ vinh quang, mặc khải cho những mầu nhiệm cao cả. Đây là niềm hy vọng của chúng ta. Chúa Giêsu hứa cho Nathanaen sẽ “được thấy những điều cao trọng hơn thế nữa”, thấy vinh quang của Thiên Chúa, thấy tầng trời mở ra và "các thiên thần Chúa lên xuống trên Con Người". Trời đất giao duyên: Chúa Giêsu là cầu nối giữa trời và đất, giữa Thiên Chúa và loài người, là Đấng mặc khải Thiên Chúa tình yêu và giàu lòng thương xót cho nhân loại.
Fx. Đình Phước SDB
SUY NIỆM 9: CÁC TỔNG LÃNH THIÊN THẦN MICAE, RAPHAEL VÀ GRABRIEL
(tgpsaigon.net)
Theo Sách Thánh thì Thiên Chúa đã dựng nên rất đông các tạo vật thiêng liêng vô hình, và các thánh tiến sĩ thì nói có lẽ các thần này được dựng nên trong ngày thứ nhất khi bắt đầu công việc tạo dựng.
Thiên Chúa dựng nên các thiên thần để chầu chực hầu hạ Đức Chúa Trời, giúp đỡ loài người và gìn giữ vũ trụ.
Theo như các lần các ngài xuất hiện, hiện ra, ta thấy các ngài là những vị thiêng liêng, tốt lành, quyền phép, mạnh mẽ và mau lẹ. Các ngài cũng đã từng trải qua cuộc thử thách. Trong cuộc thử thách này có một số đông đã tỏ ra không chịu thần phục Thiên Chúa. Đứng đầu là Luciphe nên đã bị Thiên Chúa loại bỏ.
MICAE
Theo sách Khải huyền của thánh Gioan thì khi ấy trên trời có một cuộc đại chiến. Một bên do Đức Micae lãnh đạo, bên kia là do Luciphe. Micae là thiên thần dũng mãnh. Với khẩu hiệu: "AI BẰNG THIÊN CHÚA", ngài đã anh dũng đẩy lui bè lũ Luciphe. Khẩu hiệu này đã trở thành tên của ngài (MICAE).
Hôm nay Giáo hội mừng kính thánh Micae, vị thủ lãnh các thiên thần lành trên trời và còn là bổn mạng của Giáo hội dưới thế. Chính Ngài đã nhiều lần hiện xuống trần gian với nhiều nhiệm vụ khác nhau để thực hiện sứ mạng cao cả của Ngài.
Chúng ta hãy bắt chước Ngài: luôn trung thành với Chúa. Mỗi khi chúng ta bị thế gian xác thịt cám dỗ muốn xa lìa Chúa, chúng ta hãy lập lại lời của Ngài: Ai bằng Thiên Chúa? Vâng! Chẳng ai bằng Thiên Chúa cả. Tiền bạc, vui sướng xác thịt, chức quyền không có gì sánh được với Thiên Chúa cả.
Không có một ai, một vật nào được phép đứng ngang hàng với Thiên Chúa của chúng ta. Chỉ có Thiên Chúa mới là Đấng tốt lành, thánh thiện, mạnh mẽ phép tắc vô cùng. Người nhân từ vô biên, hiểu biết mọi sự, làm được mọi sự. Ngài là cội rễ mọi sự, là cùng đích của mọi loài. Không ai bằng Thiên Chúa.
RAPHAEL
Raphael xuất hiện ở trong Cựu Ước. Cựu Ước nói về Raphael như thế này:
"Ông Tobia người Do thái thuộc chi họ Neptali bị bắt làm tôi mọi bên nước Assyria vì dân Do thái bị bại trận. Thời gian ở đất khách quê người Tobia luôn giữ lòng trung thành làm tôi Chúa. Ông bị tai nạn làm cho đôi mắt bị mù hoàn toàn. Gia đình ông túng đói quá không có cách nào xoay trở. Lúc đó ông nhớ đến món tiền trước kia ông đã cho nhà Gabelo mượn. Ông sai người con của ông cũng có tên là Tobia - Để khỏi lầm lẫn sau này người ta gọi là Tobia-con đến nhà Gabelo để xin lại món tiền đã cho vay. Tobia-con sẵn sàng vâng lời nhưng Tobia-con không biết đường đi. Tổng lãnh Grabriel đã hiện ra dưới hình dạng một người thanh niên để đẫn đường. Dọc đàng Raphael cứu Tobia-con khỏi bị cá nuốt. Tới nơi Grabriel còn giúp cho Tobia-con cưới được vợ là Sara và đồng thời còn đòi nợ giùm Tobia.
Công việc xong, Tobia-con cùng với vợ trở về nhà. Raphael bảo cho Tobia-con lấy mật cá mà xức vào mắt cho Tobia cha. Tobia cha được khỏi mù. mắt được sáng trở lại, cha con Tobia hết sức vui mừng. Đứng trước những ơn mà cả nhà vừa mới được: đòi được nợ, cưới được vợ, lại khỏi bị mù cha con ông Tobia muốn lấy phân nửa số tiền đòi được để gọi là đền ơn đáp nghĩa đối với người thanh niên đã tận tình giup đỡ gia đình mình. Khi ấy "người thanh niên" tốt lành đó mới tỏ ra cho cha con Tobia biết mình là thiên thần của Thiên Chúa đã được sai đến để giúp đỡ gia đình ông. Nói xong điều đó thiên thần liền biến đi.
Câu truyện của cha con Tobia cho chúng ta thấy Thiên Chúa hằng yêu thương chăm sóc những kẻ kính sợ Người. Raphael có nghĩa là "THẦY THUỐC CỦA THIÊN CHÚA"
GRABRIEL
Tên Grabriel có nghĩa là "SỨC MẠNH CỦA THIÊN CHÚA".
Chính đức Grabriel đã hiện ra với tiên tri Đaniel để cho Đaniel biết Đấng Cứu Thế sẽ sinh ra.
Chính đức Grabriel đã hiện ra với Giacaria báo tin cho ông biết ông sẽ sinh được một người con trai và đặt tên là Gioan.
Luca ghi lại quang cảnh cảm động này như sau: "Khi ấy ông đã trúng thăm được vào dâng hương trong đền thờ của Đức Chúa. Sứ thần của Chúa hiện ra với ông... thấy vậy ông bối rối. Sự sợ hãi ập xuống trên ông. Những sứ thần bảo ông: "Này ông Giacaria, đừng sợ vì Thiên Chúa đã nhận lời ông cầu xin. Bà Elizabeth vợ của ông sẽ sinh cho ông một đứa con trai và ông phải đặt tên cho con là Gioan"
Ông thưa lại: "Dựa vào đâu mà tôi biết được điêu ấy? Vì tôi đã già và bà nhà tôi cũng đã lớn tuổi.?
Sứ thần đáp lại:" Tôi là Grabriel, hằng đứng chầu trước mặt Thiên Chúa. Tôi được sai đến với ông và loan báo Tin vui đó cho ông. Và này đây ông sẽ bị câm không nói được cho đến ngày các điều ấy xảy ra, bởi vì ông đã không chịu tin lời tôi là những lời sẽ được ứng nghiệm đúng thời đúng buổi. (Lc 1,1-20) v.v... Và sau đó mọi việc xẩy ra như thế nào thì chúng ta đều đã được biết.
Rồi cũng theo Tin Mừng của Luca, sau sáu tháng, sứ thần Grabriel còn được Thiên Chúa gửi đến trần gian với một sứ mạng còn cao trọng hơn nhiều: Đó là sứ mạng truyền tin cho Đức Maria. Nếu Giacaria đã ngỡ ngàng thì Đức Mẹ còn ngỡ ngàng hơn. Việc của Giacaria với bà Elizabeth chỉ là việc giữa con người với con người. Còn việc của Đức Maria là việc của Thiên Chúa: "Thánh thần sẽ ngự xuống trên bà và quyền năng đấng tối cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế người con do bà sinh ra sẽ là thánh và được gọi là con Thiên Chúa"(Lc 1,35)
Sau tiếng Xin vâng của Đức Mẹ cả vũ trụ đều phải nhảy mừng. Thi sĩ Hàn mặc Tử khi nghĩ đến biến cố này thôi cũng đã phải run rảy mà thốt lên như thế này:
"Hỡi sứ thần Thiên Chúa Grabriel.
Khi người xuống truyền tin cho thánh nữ
Người có nghe xôn xao muôn tinh tú
Người có nghe náo động cả muôn loài?"
Chúng ta hãy cám ơn Chúa vì Chúa đã thực hiện những việc lạ lùng trước mắt chúng ta.
SUY NIỆM 10: TỔNG LÃNH THIÊN THẦN MICAE, RAPHAEL VÀ GRABRIEL
Giáo huấn của Giáo hội về thế giới thần thiêng rất giản dị và không thay đổi, là có một thế giới như vậy, trong đó gồm có cả thần lành và thần dữ và ảnh hưởng đến thế giới chúng ta. Trong kinh Tin Kính, chúng ta vẫn tuyên xưng rằng việc tạo dựng được thể hiện gồm có "muôn vật hữu hình và vô hình".
Còn về ảnh hửơng của thế giới vô hình, của các thần thiêng đối với chúng ta, chỉ cần nhớ lại biến cố cám dỗ Eva tại vườn địa đàng và biến cố truyền tin cho Đức Mẹ. Trong lịch sử như Thánh Kinh trình bày, thế giới thần thiêng được tỏ lộ trong bối cảnh những thiên thể đến thế giới này để thi hành thánh ý Thiên Chúa hay để truyền đạt lời Chúa cho loài người. Thiên thần theo nguyên ngữ là sứ giả. Thánh Grêgôriô thu nhặt nhiều đoạn khác nhau để xếp các thiên thần thành 9 phẩm.
Riêng phẩm tổng lãnh được 1Tx 4,16 nhắc đến. Nhưng Thánh Kinh chỉ nêu tên 3 vị tổng lãnh là: Micae, Gabriel, và Raphael mà thôi. Nhắc đến tên các ngài, chúng ta cũng cần phải ghi nhớ lời dặn dò của thánh Grêgôriô Cả: "tên các thiên thần là danh xưng chỉ các chức phận chứ không chỉ bản tính". Micae để có nghĩa là "ai bằng Thiên Chúa". Gabriel có nghĩa là "uy lực của Thiên Chúa". Raphel có nghĩa là "thầy thuốc của Thiên Chúa". Lần dở lại Thánh Kinh, chúng ta sẽ thấy rõ phận vụ mỗi đấng thực hiện và dĩ nhiên các phận vụ ấy liên quan đặc biệt đối với loài người chúng ta.
Người Do thái vẫn coi tổng lãnh thiên thần Micae là đấng bảo trợ đặc biệt. Trong Kitô giáo, ngài cũng là đấng bảo trợ đặc biệt Giáo Hội. Chúng ta coi ngài là đấng thống soái đạo binh trên trời, dựa theo lời kể của thánh Gioan: "Một cuộc chiến dữ dội xảy ra trên trời, tổng lãnh thiên thần Micae cùng với các đồng bạn giao chiến cùng con rồng, con rồng và các đồng đảng chống lại mãnh liệt. Song chúng không sao thắng nổi và chúng mất địa vị trên trời. Con rồng lớn tức là con rắn xưa kia, thường gọi là ma quỉ hay là Satan. Kẻ lừa dối thiên hạ, bị quăng xuống đất cùng với đồng đảng của nó" (Kh 12,7-9).
Tổng lãnh thiên thần Gabriel được sai đến với Đức Trinh Nữ Maria ở Nazareth để nói rõ cho Mẹ biết định mệnh của mẹ (Lc 1,23). Ngài cũng đến với Zacaria để nói cho biết việc sinh hạ của Gioan Tẩy giả (Lc 1,11-19). Chính Ngài đã tiên báo cho Daniel biết việc Đấng Thiên Sai đến (Dn 9,21) . Nay ngài được nhận làm đấng bảo trợ của nhân viên bưu điện và điện thoại.
Tổng lãnh thiên thần Raphael là một trong bảy vị tổng lãnh hầu cận trước nhan Thiên Chúa. Ngài đã thực hiện phận vụ này trong câu chuyện Tobia sau khi ngài giữ gìn trẻ Tobia trong một cuộc hành trình xa và khi được chữa lành cho Tobia cha được sáng mắt. Trong Tân ước, tổng lãnh thiên thần Raphael được đồng hoá với vị thiên thần đã khuấy nước trong hồ gần Giêrusalem và lại xuống hồ trước tiên khi nước mới sủi lên, thì bất cứ mắc bệnh tật gì đều được khỏi cả (Ga 5,1-4).
Lm. Phaolô Phạm Quốc Tuý
SUY NIỆM 11: Tổng lãnh Thiên Thần của Thiên Chúa
Trong bức tranh vẽ trên trần nhà, tường vách thánh đường kính các Thiên Thần ở Palermo có hình cùng tên và chức vị của bảy vị Tổng lãnh Thiên Thần:
1. Michael - Victoriosus - Người chiến thắng
2. Gabriel – Nuntius - Sứ gỉa
3. Raphael – Medicus - Thầy thuốc
4. Uriel – Fortis Socius – Người đồng hành mạnh mẽ
5. Jehudiel – Remunerator - Người làm ơn
6. Barachiel – Adjutor - Người trợ giúp
7. Sealthiel – Oarator - Người bầu cử
Tổng lãnh Thiên Thần Michael
Tổng lãnh Thiên Thần Michael đứng đầu bảy vị Tổng lãnh Thiên Thần của Thiên Chúa. Tiên Tri Daniel đã diễn tả Tổng lãnh Thiên Thần Michael đứng về phía Thiên Chúa: “Thời đó, Michael là đấng vẫn thường che chở dân người.” ( Daniel 12,1).
Tổng lãnh Thiên Thần Michael được xưng tụng với danh xưng bằng tiếng Latinh: Quis ut Deus? – Ai bằng Thiên Chúa?.
Theo tương truyền:
-Thiên Thần Michael được liệt vào hàng Thiên Thần quân đội chiến đấu đã đánh thắng Thiên Thần quỉ dữ Lucifer.
-Thiên Thần Michael đã vâng lệnh Thiên Chúa cầm gươm đuổi Ông Bà nguyên tổ Adong-Evà ra khỏi vườn địa đàng, sau khi Ông bà phạm tội bất phục tùng Thiên Chúa.
- Thiên Thần Michael cũng là vị Thiên Thần thổi kèn Posaune đánh thức gọi những người đã qua đời sống lại ra khỏi mồ.
Tổng lãnh Thiên Thần Michael là vị Thiên Thần có sức mạnh khả năng đi đến quyết định dứt khoát lại mang chiến thắng cho Thiên Chúa, khi giết chết con rồng mãng xà ma qủi, như sách Kinh Thánh thuật lại: “Bấy giờ, có giao chiến trên trời: thiên thần Mi-ca-en và các thiên thần của người giao chiến với Con Mãng Xà. Con Mãng Xà cùng các thiên thần của nó cũng giao chiến. Nhưng nó không đủ sức thắng được, và cả bọn không còn chỗ trên trời nữa. Con Mãng Xà bị tống ra, đó là Con Rắn xưa, mà người ta gọi là ma quỷ hay Xa-tan, tên chuyên mê hoặc toàn thể thiên hạ; nó bị tống xuống đất, và các thiên thần của nó cũng bị tống xuống với nó. ” (Khải Huyền 12, 7-9).
Tổng lãnh Thiên Thần Michael, theo vâng mệnh Thiên Chúa, đã quyết định lằn ranh giữa Trời và hỏa ngục. Vì thế, Vị Tổng lãnh Thiên Thần Michael được chọn là quan thầy bầu cử cho những người trong giờ phút cơn hấp hối.
Tổng lãnh Thiên Thần Gabriel
Tên Gabri-El có ý nghĩa “sức mạnh của Thiên Chúa“. Là Vị sứ gỉa của Thiên Chúa được sai đến báo tin cho thiếu nữ Maria ở làng Nazarethê, Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa sẽ đầu thai làm người trong cung lòng Maria: “Sức mạnh của Thiên Chúa, Đấng Toàn Năng sẽ phủ rợp bóng trên chị…” (Lc 1,26/38).
Khi hiện ra với Ngôn sứ Dacharia trong đền thờ, vị Tổng lãnh Thiên Thần đã nói: “Tôi là Gabriel, hằng đứng chầu trước mặt Thiên Chúa, tôi được sai đến nói với ông và loan báo tin mừng ấy cho ông.” (Lc 1,19).
Hằng ngày trong đời sống đức tin của Hội Thánh, vào lúc 12.00 giờ trưa chuông thánh đường đổ hồi, kinh tuyền tin được xướng đọc lên. Như vào mỗi ngày Chúa Nhật lúc 12.00 giờ trưa, Đức Thánh Cha từ trên cửa sổ văn phòng làm việc cùng đọc kinh truyền tin với mọi người Gíao dân đứng tụ tập ở quảng trường Thánh Phero bên Vatican.
Tiếng chuông lúc 12.00 trưa và Kinh Truyền tin nhắc nhớ đến Tổng lãnh Thiên Thần Gabri-El, là Sứ Gỉa của Thiên Chúa mang loan báo tin vui Chúa Giêsu Con Thiên Chúa xuống trần gian làm người.
Tổng lãnh Thiên Thần Rafael
Tên Rafael mang ý nghĩa „ Thiên Chúa chữa lành“. Trong Kinh Thánh sách Tobia thuật lại Thiên Thần Rafael vâng mệnh Thiên Chúa chữa lành bệnh mắt cho Tobia:
“Ngay lúc ấy, lời cầu xin của hai người là Tô-bít và Xa-ra đã được đoái nghe trước nhan vinh hiển của Thiên Chúa. Và thiên sứ Ra-pha-en được sai đến chữa lành cho cả hai. Ông Tô-bít thì được khỏi các vết sẹo trắng ở mắt, để ông được ngắm nhìn tận mắt ánh sáng của Thiên Chúa.” (Tobia 3, 16)
Thiên Thần Rafael luôn hằng đồng hành che chở Tobia trên đường đi. (Tobia 6, 10)
Tổng lãnh Thiên Thần Rafael trở thành bổn mạng phù hộ cho con người đi xa du lịch
Ông Bà Cha Mẹ nào ngay từ lúc con cháu còn nhỏ thơ bé cũng đều to nhỏ âm thầm cầu xin với các Thiên Thần phù hộ cho đời sống thể xác lẫn tinh thần của chúng. Bằng an hồn xác là nhu cầu căn bản rất cần thiết cho đời sống.
Sống lòng bác ái giúp đỡ nhau, kính trọng sự sống, điều chân thật lẽ phải luôn là nhu cầu làm nên khung nền kiến tạo đường đời sống tình liên đới con người với nhau trong xã hội.
Sống thể hiện một đời sống trong tương quan tình liên đới với Đấng là nguồn đời sống, nguồn tình yêu và ơn tha thứ, luôn là nhu cầu khát vọng của tinh thần con người ở đời.
Nhu cầu tinh thần này không chỉ là nhu cầu thiêng liêng đạo giáo, nhưng đó là nhu cầu đời sống văn hóa của con người ở vào mọi thời đại. Nhu cầu tinh thần văn hóa này cùng với những nhu cầu khác cho sự sống thể xác giúp đời sống có đầy đủ ý nghĩa, triển nở cùng mang đến niềm vui hạnh phúc.
Các Thiên Thần của Thiên Chúa là Sứ gỉa được Thiên Chúa gửi sai đến cùng đồng hành trợ giúp con người trong mọi hoàn cảnh đời sống thể hiện tình lòng thương xót bác ái vị tha.
Với người tín hữu Chúa Giêsu Kitô, Thiên Chúa là Đấng của sự chân thật, sự tốt lành thiện hảo, là Thiên Chúa của lòng khoan dung tha thứ qua Thánh Gía Chúa Giêsu Kitô.
Lòng tin vào Thiên Thần vượt qúa khỏi sự suy hiểu cùng thắc mắc của trí khôn con người. Thắc mắc thuộc về đời sống con người. Và thắc mắc giúp con người tỉnh thức thêm ra.
Lm. Đaminh Nguyễn ngọc Long
SUY NIỆM
Cùng với toàn thể Giáo Hội, chúng ta cử hành Lễ Kính các Tổng Lãnh Thiên Thần: Mi-ca-en, Gáp-ri-en và Ra-pha-en. Như Lời Chúa trong bài Tin Mừng của ngày lễ hôm nay mặc khải về các thiên thần, xin cho chúng ta nhận ra cách sâu xa sự hiện diện và hoạt động mạnh mẽ của các ngài trong thế giới, trong Giáo Hội và trong cuộc đời của mỗi người chúng ta, nhờ Đức Ki-tô, với Đức Ki-tô và trong Đức Ki-tô.
Chúng ta cũng cùng cầu nguyện cho tất cả những anh chị em mang Thánh Hiệu là các Tổng Lãnh Thiên Thần.
1. Các Tổng Lãnh Thiên Thần Mi-ca-en, Gáp-ri-en và Ra-pha-en
Trong tên của ba vị Tổng Lãnh Thiên Thần Mi-ca-en, Gáp-ri-en, Ra-pha-en, mà chúng ta mừng kính hôm nay, đều có âm cuối là “en”; trong tiếng Do Thái, là El và có nghĩa là Thiên Chúa. Đôi khi chúng ta còn gọi tên của vị thứ nhất là Tổng Lãnh Thiên Thần Micae, nhưng nên sửa lại là “Mi-ca-en”, theo cách gọi của sách Lễ Roma. Lý do, đơn giản là vì vần “en”, trong tên gọi Mi-ca-en có nghĩa là Thiên Chúa.
Tổng lãnh thiên thần Mi-ca-en. Tên gọi “Mi-ca-en”, trong tiếng Do Thái có nghĩa “Ai giống như Thiên Chúa”. Vì thế, sứ mạng của ngài là chiến đấu chống lại Satan, kẻ có tham vọng muốn trở nên như Thiên Chúa, và xúi dục con người chúng ta cũng ham muốn thiên tính như nó (x. St 3); và vì thế Satan tranh dành quyền ảnh hưởng của Thiên Chúa trên loài người chúng ta.
Sách Khải Huyền tường thuật cuộc chiến thắng khải hoàn của ngài và của các thiên thần trong cuộc chiến đấu chống lại Satan (x. Kh 12, 7-12a). Chính vì thế, ảnh tượng của ngài luôn là vị tổng lãnh Thiên Thần uy dũng, tay cầm gươm, chân đạp đầu Satan, hay con rắn, vốn là hình ảnh của Satan.
Tổng lãnh thiên thần Gáp-ri-en. Tên gọi “Gáp-ri-en” trong tiếng Do Thái, có nghĩa là “sức mạnh của Thiên Chúa”. Ngài được chúng ta biết đến nhiều nhất, vì chính ngài, với tư cách là sứ giả của Thiên Chúa, truyền đạt sứ điệp trọng đại của Thiên Chúa dành cho Đức Mẹ.
Giống như vị đại sứ thay mặt cho vị Quốc Trường, Tổng Lãnh Thiên Thần Gáp-ri-en thay mặt Thiên Chúa để truyền đạt sứ điệp thần linh cho loài người và cho mỗi người chúng ta với tất cả uy quyền của Thiên Chúa.
Tổng lãnh Thiên Thần Ra-pha-en. tên gọi “Ra-pha-en”, trong tiếng Do Thái, có nghĩa là “Thiên Chúa chữa lành”. Ngài được biết đến ít nhất, vì chỉ được nêu đích danh trong sách Tobia 12, 15, bản dịch Hi-lạp. Và bởi vì, ngài có sứ vụ, thay mặt Thiên Chúa, chữa lành tất các bệnh hoạn tật nguyền của loài người chúng ta, nên truyền thống của Giáo Hội, khi đọc đoạn Tin Mừng sau đây: “Thỉnh thoảng có thiên thần Chúa xuống khuấy nước lên; khi nước khuấy lên, ai xuống trước, thì dù mắc bệnh gì đi nữa, cũng được khỏi” (Ga 5, 1-4), thì nhận biết, đó là Tổng Lãnh Thiên Thần Ra-pha-en.
2. “Các thiên thần của Thiên Chúa lên lên xuống xuống trên Con Người”
Tìm hiểu một chút ý nghĩa của tên gọi, và nhất là sứ vụ của các vị Tổng Lãnh Thiên Thần, sẽ giúp chúng ta hiểu ra được và hiểu sâu xa hình ảnh bí ẩn mà Đức Giê-su nói với tông đồ Nathanaen (có nghĩa Lộc Thiên, Ân Huệ của Thiên Chúa), trong bài Tin Mừng của ngày lễ hôm nay:
Thật, tôi bảo thật các anh, các anh sẽ thấy trời rộng mở, và các thiên thần của Thiên Chúa lên lên xuống xuống trên Con Người. (c. 51)
Các Tin Mừng đã không thuật lại biến cố này, bởi vì rốt cuộc chẳng ai nhìn thấy được, nhưng tất cả các Tin Mừng đều kể về hoa trái của biến cố kì lạ: “Trời rộng mở, và các thiên thần của Thiên Chúa lên lên xuống xuống trên Con Người”. Đó là tất cả những gì các Tổng lãnh Thiên Thần làm, giờ đây được chuyển giao cho Đức Giê-su:
3. Mầu nhiệm Thập Giá
Trong suốt thời gian thi hành sứ vụ, Đức Giê-su trừ quỉ, nói lời Thiên Chúa và chữa lành. Nhưng Ngài trừ quỉ, nói Lời Thiên Chúa và chữa lành một cách trọn vẹn và một cách tuyệt đối, khi Ngài để cho mình bị đóng đinh trên Thập Giá. Bởi vì với Thập Giá, Đức Ki-tô chiến thắng hoàn toàn Ma Quỉ và nọc độc của nó, là Sự Chết; bởi vì Thánh Giá Đức Ki-tô nói với chúng ta cách rõ ràng nhất Lời Thiên Chúa, đó là Lời yêu thương và tha thứ; và Thánh Giá Đức Ki-tô chữa lành hoàn toàn mọi bệnh hoạn tật nguyền liên quan đến tội và sự dữ trong tâm hồn chúng ta.
Giống như khi Ngài chiến thắng Satan trong sa mạc, các thiên thần đến hầu hạ ngài (x. Mt 4, 11), khi mọi sự được hoàn tất trên Thập Giá, các tổng lãnh Thiên Thần và toàn thể các Thiên Thần “lên lên xuống xuống” trên Đức Ki-tô chịu đóng đinh.
Xin Chúa cho chúng ta nhận ra và cảm nếm điều kì diệu này, khi nhìn lên “Đấng họ đâm thâu” (x. Ga 19, 37).
Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc
Tuesday (September 29): “Jesus’ face was set toward Jerusalem”
Scripture: Luke 9:51-56 51 When the days drew near for him to be received up, he set his face to go to Jerusalem. 52 And he sent messengers ahead of him, who went and entered a village of the Samaritans, to make ready for him; 53 but the people would not receive him, because his face was set toward Jerusalem. 54 And when his disciples James and John saw it, they said, “Lord, do you want us to bid fire come down from heaven and consume them?” 55 But he turned and rebuked them. 56 And they went on to another village. |
Thứ Ba 29-9 Đức Giêsu hướng về thành Giêrusalem
Lc 9,51-56 51 Khi đã tới ngày Đức Giê-su được rước lên trời, Người nhất quyết đi lên Giê-ru-sa-lem.52 Người sai mấy sứ giả đi trước. Họ lên đường và vào một làng người Sa-ma-ri để chuẩn bị cho Người đến.53 Nhưng dân làng không đón tiếp Người, vì Người đang đi về hướng Giê-ru-sa-lem.54 Thấy thế, hai môn đệ Người là ông Gia-cô-bê và ông Gio-an nói rằng: “Thưa Thầy, Thầy có muốn chúng con khiến lửa từ trời xuống thiêu hủy chúng nó không? “55 Nhưng Đức Giê-su quay lại quở mắng các ông.56 Rồi Thầy trò đi sang làng khác. |
Meditation:
Are you surprised to see two of Jesus’ disciples praying for the destruction of a Samaritan village? The Jews and Samaritans had been divided for centuries. Jewish pilgrims who passed through Samaritan territory were often treated badly and even assaulted. Jesus did the unthinkable for a Jew. He not only decided to travel through Samaritan territory at personal risk, but he also asked for hospitality in one of their villages! Jesus faced rejection and abuse in order to reconcile us with God and one another Jesus’ offer of friendship was rebuffed. Is there any wonder that the disciples were indignant and felt justified in wanting to see retribution done to this village? Wouldn’t you respond the same way? Jesus, however, rebukes his disciples for their lack of toleration. Jesus had “set his face toward Jerusalem” to die on a cross that Jew, Samaritan and Gentile might be reconciled with God and be united as one people in Christ. Jesus seeks our highest good – friend and enemy alike Tolerance is a much needed virtue today. But aren’t we often tolerant for the wrong thing or for the wrong motive? Christian love seeks the highest good of both one’s neighbor and one’s enemy. When Abraham Lincoln was criticized for his courtesy and tolerance towards his enemies during the American Civil War, he responded: “Do I not destroy my enemies when I make them my friends?” How do you treat those who cross you and cause you trouble? Do you seek their good rather than their harm? “Lord Jesus, you are gracious, merciful, and kind. Set me free from my prejudice and intolerance towards those I find disagreeable, and widen my heart to love and to do good even to those who wish me harm or evil.” |
Suy niệm:
Bạn có ngạc nhiên khi thấy 2 môn đệ Đức Giêsu cầu xin cho lửa từ trời xuống đốt thành Samaritan không? Người Do thái và người Samaritan đã đối lập với nhau trong nhiều thế kỷ. Những người lữ khách Do thái đi ngang qua phần đất Samaritan thường bị tấn công và đối xử tồi tệ. Đức Giêsu đã làm một điều khó hiểu đối với người Do thái. Người không chỉ quyết định đi qua phần đất Samaritan cho dù bị đe dọa đến tính mạng, mà còn xin họ giúp đỡ lưu trú trong thành của họ nữa! Đức Giêsu đối đầu với với sự loại trừ và sỉ nhục để giao hòa chúng ta với Thiên Chúa và với nhau Lời đề nghị về tình bằng hữu của Đức Giêsu bị khước từ. Thế thì có ai lại thắc mắc khi các môn đệ Đức Giêsu phẫn nộ và cảm thấy có lý do chính đáng trong việc muốn thấy sự trừng phạt cho thành đó sao? Không phải bạn cũng có sự ứng trả như thế sao? Tuy nhiên, Đức Giêsu lại khiển trách các môn đệ vì sự thiếu khoan dung của họ. Đức Giêsu đã “quyết định đi về Giêrusalem” để chết trên thập giá, để người Do thái, Samaritan, và dân ngoại được hòa giải với Thiên Chúa và hiệp nhất với nhau trong Đức Kitô. Đức Giêsu tìm kiếm sự thiện hảo cao nhất của chúng ta – bạn hữu và kẻ thù giống như nhau Sự khoan dung là một nhân đức rất cần thiết hôm nay. Thế nhưng chẳng phải chúng ta thường tha thứ cho điều sai trái hay động cơ sai trái đó sao? Tình yêu thương của người tín hữu tìm kiếm lợi ích cao nhất cho người thân quen cũng như kẻ thù của mình. Khi tổng thống Abraham Lincoln bị chỉ trích vì sự tử tế và khoan dung của ông đối với những kẻ thù trong suốt thời kỳ nội chiến nước Mỹ, ông đã trả lời: “Chẳng phải tôi đã tiêu diệt các kẻ thù của tôi khi tôi làm bạn với họ đó sao?” Bạn đối xử thế nào với những ai cản trở và gây phiền phức cho bạn? Bạn có tìm điều tốt hơn điều xấu cho họ không? Lạy Chúa Giêsu, Chúa khoan dung, thương xót, và quảng đại. Xin giải thoát con khỏi mọi thành kiến và khắt khe đối với những ai con không vừa ý, và xin Chúa mở rộng lòng con để con biết yêu thương và làm điều tốt lành, thậm chí cho cả những người muốn làm hại con. |
Tác giả: Don Schwager
(http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/)
Bro. Paul Thanh Vu – chuyển ngữ
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn