Thứ Bảy tuần 27 thường niên.

Thứ sáu - 09/10/2020 08:07

Thứ Bảy tuần 27 thường niên.

"Phúc cho dạ đã cưu mang Thầy".

 

Lời Chúa: Lc 11, 27-28

Khi ấy, Chúa Giêsu đang giảng cho dân chúng, thì từ giữa đám dân chúng, có một phụ nữ cất tiếng nói rằng: "Phúc cho dạ đã cưu mang Thầy và vú đã cho Thầy bú!"

Nhưng Người phán rằng: "Những ai nghe và giữ lời Thiên Chúa thì có phúc hơn".

 

 

Suy Niệm 1: Phúc thay lòng dạ

Suy niệm:

Thánh Luca hẳn đã dựa vào một nguồn tài liệu riêng

để viết nên đoạn Tin Mừng rất ngắn này.

Khung cảnh có vẻ diễn ra ở ngoài trời, có đám đông dân chúng.

Đức Giêsu đang giảng dạy, còn dân chúng thì nghe.

Bất ngờ có một phụ nữ cất cao giọng mà nói với Ngài rằng:

“Phúc cho lòng dạ đã cưu mang Thầy, và vú đã cho Thầy bú mớm.”

Đây là một lời ca ngợi thân mẫu của Thầy Giêsu.

Người phụ nữ chắc đã rất tâm đắc với những lời Thầy giảng,

nên từ lòng ngưỡng mộ đối với Thầy,

bà đã bật lên lời ngợi khen đối với người mẹ của Thầy.

Bà không ngại nói đến những nét đặc trưng và kín đáo của một người mẹ,

những gì nơi thân xác mẹ cần cho sự sống của con.

Lòng dạ của thân mẫu Thầy đã cưu mang Thầy chín tháng.

Chín tháng đủ để một thai nhi cứng cáp mà nhìn thấy ánh mặt trời.

Chín tháng ấp ủ, mẹ và con gần gũi nhau như là một.

“Và vú đã cho Thầy bú mớm.”

Không phải chỉ chín tháng cưu mang, mà còn ba năm bú mớm.

Mẹ nuôi con bằng chính dòng sữa của mình, sự sống của mình.

để con được lớn lên, có thể đứng đây mà giảng thuyết.

Rõ ràng thân xác mẹ là cái nôi ru cho con lớn lên.

Mẹ vừa lo sinh, vừa lo dưỡng.

Lời khen ngợi của người phụ nữ vang ra cả đám đông.

Khen mẹ chính là khen con một cách gián tiếp.

Phải là một người mẹ tuyệt vời

mới sinh được một người con tuyệt vời đến thế!

Maria có phúc vì Mẹ được chọn để sinh dưỡng Đấng cứu độ.

Bà Êlisabét đã từng lớn tiếng kêu lên mối phúc này (Lc 1, 42) :

“Em có phúc hơn mọi phụ nữ, và phúc cho hoa trái của bụng dạ em.”

Như thế Mẹ có phúc vì Con có phúc.

Đức Giêsu không phản đối hay phủ nhận câu nói của người phụ nữ

đang đứng nghe giảng cùng với đám đông.

Ngài chỉ muốn điều chỉnh cho hợp với bầu khí hiện tại,

khi những người trong đám đông đang ở tư thế lắng nghe.

“Phúc cho những ai lắng nghe và giữ lời của Thiên Chúa.”

Một mối phúc mới tưởng như không liên hệ gì với mối phúc trước,

kỳ thực đó là điều Mẹ Maria đã sống từ lâu.

Ai lắng nghe tiếng Chúa bằng Mẹ? Ai giữ lời Chúa bằng Mẹ?

Trước khi cưu mang Ngôi Lời nơi thân xác,

Mẹ Maria đã đón lấy Lời Chúa vào cuộc đời mình.

Đám đông đang lắng nghe lời Thầy Giêsu.

Họ cần tuân giữ lời đó nữa mới được hưởng mối phúc thật sự.

Chúng ta không được ban mối phúc sinh dưỡng Đức Giêsu như Mẹ,

nhưng vẫn được chia sẻ mối phúc nghe và giữ lời Chúa của đám đông.

 

Cầu nguyện:

Lạy Mẹ Maria,

khi đọc Phúc Âm,

lúc nào chúng con cũng thấy Mẹ lên đường.

Mẹ đi giúp bà Isave, rồi đi Bêlem sinh Đức Giêsu.

Mẹ đưa con đi trốn, rồi dâng Con trong đền thờ.

Mẹ tìm con bị lạc và đi dự tiệc cưới ở Cana.

Mẹ đi thăm Đức Giêsu khi Ngài đang rao giảng.

Và cuối cùng Mẹ đã theo Ngài đến tận Núi Sọ.

Mẹ lên đường để đáp lại một tiếng gọi

âm thầm hay rõ ràng, từ ngoài hay từ trong,

từ con người hay từ Thiên Chúa.

Chúng con thấy Mẹ luôn đi với Đức Giêsu

trong mọi bước đường của cuộc sống.

Chẳng phải con đường nào cũng là thảm hoa.

Có những con đường đầy máu và nước mắt.

Xin Mẹ dạy chúng con

đừng sợ lên đường mỗi ngày,

đừng sợ đáp lại những tiếng gọi mới của Chúa

dù phải chấp nhận đoạn tuyệt chia ly.

Xin giữ chúng con luôn đi trên Đường-Giêsu

để chúng con trở thành nẻo đường khiêm hạ

đưa con người hôm nay đến gặp gỡ Thiên Chúa.

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

 

Suy Niệm 2: PHÚC THẬT

(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Người phụ nữ ngợi khen Đức Mẹ cũng nói “Phúc thay”. Chúa Giê-su cũng nói “Phúc thay”. Nhưng ở chiều kích và mức độ khác nhau. Người phụ nữ nói về hạnh phúc được làm mẹ. Chúa Giê-su nói về hạnh phúc được làm con. Ai sinh ra thì làm mẹ. Ai tuân giữ thì làm con. Người phụ nữ nói về người mẹ dưới thế. Chúa Giê-su nói về người con của Cha trên trời. Sinh ra theo xác thịt sẽ trở thành mẹ theo cách nhìn trần gian. Tuân giữ lời Cha trên trời sẽ trở thành con của Cha trên trời. Người phụ nữ nói về hữu hạn. Chúa Giê-su nói về vô hạn. Con chỉ có một mẹ. Nhưng Cha thì có vô số con cái. Người phụ nữ nói về liên hệ huyết thống. Chúa Giê-su nói về liên hệ thiêng liêng. Liên hệ huyết thống xác thịt thì chật hẹp, giới hạn. Liên hệ thiêng liêng thì bao la mênh mông vô hạn. Người phụ nữ nói về liên hệ bề mặt. Chúa Giê-su nói về liên hệ chiều sâu. Sinh ra là liên hệ bề mặt. Nhưng nghe và tuân giữ tạo nên một liên hệ gắn bó sâu xa hơn nhiều. Thành ra lời “Phúc thay” của người phụ nữ chỉ ở phương diện trần gian chóng qua. Lời “Phúc thay” của Chúa Giê-su mới thật cao cả, sâu xa và vĩnh cửu. Đó là “Phúc Thật”. Đức Mẹ ứng nghiệm cả ở hai chiều kích. Người phụ nữ thực sự muốn ca ngợi Đức Mẹ. Nhưng chưa xứng tầm. Chúa Giê-su phải sửa chữa lại. Vừa nâng Đức Mẹ lên xứng tầm. Vừa mở rộng tới muôn người. Để ai nghe và tuân giữ Lời Chúa cũng sẽ được hạnh phúc như Đức Mẹ.

Đó chính là điều thư Ga-lát khẳng định. Khi lắng nghe và tuân giữ Lời Chúa ta có đức tin. “Nhờ đức tin, tất cả anh em đều là con cái Thiên Chúa trong Đức Giê-su Ki-tô”. Chúng ta trở thành con vì “bất cứ ai trong anh em được thành tẩy để thuộc về Đức Ki-tô, đều mặc lấy Đức Ki-tô”. Là con chúng ta sẽ đồng thừa tự với Chúa Giê-su. Được hưởng gia tài vinh quang thiên quốc. Đó là phúc thật của chúng ta. (năm chẵn).

Điều đó không những ứng nghiệm cho mọi cá nhân. Mà còn cho mọi đất nước, mọi dân tộc. Rồi sẽ đến những ngày của Chúa. Ngày ấy trở nên cuộc phán xét khủng khiếp cho những dân tộc không nghe và không tuân giữ Lời Chúa. Họ sẽ bị kết án. Bị tàn lụi; “Ai cập sẽ nên chốn hoang tàn. Ê-đôm sẽ trở thành sa mạc hoang vu, vì chúng đã dung bạo lực sát hại con cái Giu-đa; chúng đã đổ máu người vô tội trên đất của họ”. Còn những ai nghe và tuân giữ Lời Chúa sẽ trở thành Dân của Chúa. Sẽ được hưởng hạnh phúc. “Giê-ru-sa-lem sẽ là nơi thánh, người ngoại quốc sẽ chẳng còn qua đó nữa. Ngày ấy, núi non sẽ tiết ra nước nho, đồi nương sẽ chảy sữa tràn trề, từ mọi khe suối Giu-đa, nước sẽ tuôn trào cuồn cuộn”. Họ trở thành con cái Chúa. Trở thành một dân tộc. Đó là phúc thật (năm lẻ).

 

Suy Niệm 3: Cưu Mang Lời Chúa

Chúa Giêsu đã đến để đem Tin Mừng cứu độ cho nhân loại. Nơi nào Ngài đặt chân đến, thì nơi đó Vương quyền và Nước Thiên Chúa xuất hiện.

Nhận thấy quyền năng và sự khôn ngoan nơi các phép lạ cũng như lời nói và việc làm của Chúa Giêsu, một người phụ nữ trong đám đông không thể cầm mình được. Bà đã lên tiếng ca ngợi Chúa Giêsu cách gián tiếp bằng cách ca ngợi người mẹ đã cưu mang Ngài: "Hạnh phúc thay bà mẹ đã cưu mang và cho Thầy bú mớm". Nhưng Chúa Giêsu đáp lại: "Ðúng hơn phải nói rằng: "Hạnh phúc thay kẻ lắng nghe và giữ Lời Thiên Chúa".

Chúa Giêsu không có ý phủ nhận vai trò của Mẹ Maria trong việc cưu mang, sinh hạ và nuôi dưỡng Ngài; nhưng qua những lời trên đây, Ngài mạc khải mối tương quan sâu xa giữa Ngài và Mẹ Maria; mối tương quan ấy không chỉ dừng lại ở huyết nhục, nhưng hơn ai hết, Mẹ là người đã triệt để lắng nghe và giữ Lời Thiên Chúa: cả cuộc đời Mẹ, từ biến cố Truyền tin cho đến khi đứng dưới chân Thập giá, Mẹ đã đón nhận Lời Chúa, qua tiếng Xin Vâng.

Một đời sống đạo đức gương mẫu vẫn luôn là một hấp lực và tác động người khác hơn cả những gì được viết trong sách vở. Mẹ Maria đã nêu gương cho chúng ta trong việc lắng nghe và thực thi Lời Chúa. Ðó là mối phúc mà ai trong chúng ta cũng có thể đạt được. Ước gì chúng ta tìm được hạnh phúc trong việc cưu mang Lời Chúa: cưu mang bằng cách lắng nghe, đón nhận và tuân giữ, để rồi một khi Lời Chúa đã trở thành sức sống, chúng ta có thể đem sự sống đó đến cho những người xung quanh.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 4: Lắng Nghe Và Sống Thực Hành Lời Chúa

"Phúc cho những ai lắng nghe lời Chúa và đem ra thực hành".

Chúng ta gặp thấy nơi đây một mối phúc khác nữa, ngoài tám mối phúc đã được Chúa Giêsu công bố trong bài giảng trên núi, và chúng ta có thể gọi mối phúc được nhắc đến nơi đây là mối phúc "lắng nghe Lời Chúa và sống thực hành Lời Chúa". Ðây là lời chúc phúc Chúa Giêsu nói không những cho Mẹ Maria mà còn cho tất cả mọi người. Ðáp lại lời của người nữ, đám đông dân chúng chúc tụng Mẹ Maria vì lý do tự nhiên phàm trần là cưu mang và nuôi dưỡng Chúa Giêsu: "Phúc thay người mẹ đã cưu mang và cho Thầy bú mớm", thì Chúa Giêsu mạc khải lý do sâu xa hơn: mối phúc được xây dựng trên nền tảng siêu nhiên là lắng nghe lời Chúa và đem ra thực hành. Khi trả lời như vậy, Chúa Giêsu không phải là không muốn làm vinh danh Mẹ Maria nhưng Chúa muốn nêu chỉ cho dân chúng thời đó biết và cho chúng ta hôm nay thấy rõ nền tảng của mối phúc mà Mẹ Maria đang vui hưởng, đó là lắng nghe lời Chúa và đem ra thực hành.

Hơn ai hết, Mẹ Maria là kẻ đầu tiên đã lắng nghe lời Chúa và đem ra thực hành khi Mẹ thưa: "Vâng, này tôi đây là nữ tỳ của Thiên Chúa, xin hãy thực hiện nơi tôi điều Ngài truyền". Lời thưa "Xin vâng" của Mẹ Maria khai mở một thế giới mới của ơn cứu rỗi và của sự sống mới. Mẹ đã trở nên gương mẫu cho mọi người Kitô để lắng nghe và thực hành lời Chúa dạy, và mối phúc lắng nghe lời Chúa và sống thực hành cũng được mở ra cho tất cả mọi người thuộc mọi thời đại.

Mọi người, mọi thời đại, đều có thể hưởng được mối phúc thật khi họ biết khiêm tốn lắng nghe lời Chúa và đem ra thực hành. Mối phúc lời Chúa này không phải là độc quyền Mẹ Maria, nhưng Mẹ đã đi trước nêu gương và muốn cho chúng ta sống như Mẹ đã sống. Nơi tiệc cưới Cana, Mẹ đã nói với các gia nhân hãy làm theo lời Chúa Giêsu truyền. Và hành động vâng phục của họ đối với lệnh Mẹ Maria "hãy làm theo lời Ngài truyền", hành động đó đã dọn sẵn mọi sự để Chúa làm phép lạ mang đến niềm vui cho những người chung quanh.

Lạy Cha.

Nhờ qua Mẹ Maria, Mẹ Chúa Giêsu, chúng con xin chúc tụng Cha vì đã trao ban cho chúng con một mẫu gương lắng nghe lời Chúa và sống thực hành. Xin Cha giúp chúng con noi gương Mẹ Maria sống trọn vẹn lời thưa: "Này con là tôi tớ Chúa, xin vâng theo như lời Ngài truyền, chúng con nguyện Danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến, vâng Ý Cha dưới đất cũng như trên trời".

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 5: Lời Chúa hơn mối dây ruột thịt

Khi Đức Giêsu đang giảng dạy, thì giữa đám đông có mộtng phụ nữ lên tiếng thưa với Người: “Phúc thay người mẹ đã cưu mang và cho Thầy bú mớm!”Nhưng Người đáp lại: Đúng hơn phải nói rằng: Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa.” (Lc. 11, 27-28)

Một lần nữa, Đức Kitô thiết lập những ưu tiên. Người không đối lập lời Chúa với những mối dây liên hệ ruột thịt. Người dạy lời Chúa phải vượt lên trên liên hệ ruột thịt. Này, một phụ nữ vô danh được Người cho một bài học. Chị đã không thể kìm hãm được sự cảm phục tinh tế của chị đối vời Người, nên chị đã thốt lên những lời, không dám trực tiếp nói với Người như lòng chị muốn tung hô: “Lạy Thầy, Thầy thật sáng chói vinh hiển, không ai nói được như vậy. Không ai có kiến thức, có lòng nhân hậu, có tình yêu cao quý là lùng như Thầy”. Chị chỉ gián tiếp theo bản năng phụ nữ ca ngợi Mẹ Đức Giêsu, Ngài đã sinh cho thế gian một người con số một, một người Thầy độc đáo!: “Phúc thay người mẹ đã cưu mang và cho Thầy bú mớm”.

Nhưng Đức Kitô đã đáp lại đối ứng từng chữ từng chữ như câu đối: “Phúc hơn kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Chúa”.

Đức Kitô không chê bỏ dây ruột thịt đã kết hợp Người với Mẹ Maria. Người biết phải cần đến bản tính nhân loại của Mẹ Người, nhờ đó, Người cứu độ loài người. Nhưng Người muốn cho chị này hiểu về hạnh phúc thật trước mặt Thiên Chúa, không hệ ở con ruột thịt dù nó có trong sáng cao thượng. Cũng thế, Chúa không đánh giá chúng ta theo phẩm chất trí thức dù có chói sáng, theo địa vị trong Giáo Hội, theo chức vụ lãnh nhận và theo vinh quang rạng rỡ của ta.

Đối với Người, chúng ta có giá trị nhờ chúng ta có biết lắng nghe lời Chúa, biết hăng say lãnh nhận sứ điệp của Người với lòng yêu mến chân thành, biết quảng đại thực thi lời Chúa hằng ngày, biết sốt sắng làm cho mọi người cảm nhận lời Chúa, biết trung thành tuân giữ lời Chúa dù gặp những lúc gian lao khó khăn cũng như những lúc được vui mừng thuận lợi. Chúng ta có giá trị nhờ ở thiện chí vững chắc và không ngừng bước theo con đường thánh giá của Chúa luôn luôn mở ra trước mắt của chúng ta ánh sáng phục sinh cho ta ở đời này cũng như ở trời cao. Chúng ta có giá trị nhờ thực thi bác ái với người thân cận, nhờ ở hiến thân phục vụ những đại nghĩa công chính, phục vụ người nghèo và người cùng khổ thuộc mọi giới.

Đó là hạnh phúc thật, không còn ở đâu nữa.

GF

 

Suy Niệm 6: HẠNH PHÚC THẬT Ở ĐÂU? (Lc 11, 27-28)

Xem CN 10 TN B (Mc 3,20-35)

Trong cuộc sống, không ai là người lại không muốn cho mình được hạnh phúc! Người thì cho rằng: vợ đẹp con khôn là hạnh phúc; người khác lại nghĩ có được nhà lầu xe hơi mới là hạnh phúc; lại có người nghĩ mình phải phấn đấu để được giữ chức nọ việc kia thì sẽ hạnh phúc, nhưng có người lại chỉ hy vọng rất đơn giản là làm sao có cơm ba bữa, quần áo mặc cả ngày cũng là hạnh phúc lắm rồi!

Như vậy, mỗi người đều mong cho mình được hạnh phúc, tuy nhiên quan niệm về hạnh phúc thì lại khác nhau.

Hôm nay, Đức Giêsu cho chúng ta thấy: hạnh phúc của người Tín hữu Kitô chính là việc được đón nhận hồng ân đức tin. Có được đức tin là chúng ta được sống trong tình yêu của Thiên Chúa. Đây là những người hạnh phúc đích thực.

Vì thế, Đức Giêsu rất quan tâm đến mối liên hệ trong đức tin hơn là sự liên hệ tình cảm thuần túy.

Vì thế, khi thấy được những điều kỳ diệu Đức Giêsu làm và những lời giảng dạy tuyệt vời của Ngài, một người đã thốt lên lời khen ngợi, hay nói đúng hơn là lời chúc mừng Đức Maria là người đã sinh ra và nuôi dưỡng Ngài: "Phúc cho dạ đã cưu mang Thầy và vú đã cho Thầy bú!". Tuy nhiên, Đức Giêsu lại nói: "Những ai nghe và giữ lời Thiên Chúa thì có phúc hơn".

Khi nói như thế, Ngài không có ý hạ thấp vai trò của Đức Maria, nhưng một cách gián tiếp, Ngài đang đề cao Mẹ Maria hơn bao giờ hết, bởi vì trong số những người lắng nghe lời Thiên Chúa, hẳn Mẹ là người trung thành và trọn vẹn nhất. Vì thế, Đức Giêsu muốn đưa Đức Maria ra làm mẫu gương về việc lắng nghe Lời Chúa.

Lời Chúa hôm nay gióng lên một hồi chuông cảnh tỉnh mỗi người chúng ta, vì: ngày nay, trong cuộc sống có quá nhiều sự bon chen, con người phải chạy đua với chúng như trò chơi đuổi nhau của bọn trẻ. Họ phỏng chiếu hạnh phúc qua lăng kính của tiền, tài, tình, quyền... Còn đứng trước lời mời gọi của Chúa qua chính Lời Ngài thì hẳn chúng ta không muốn nghe, nói gì đến việc tuân giữ!

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi người: hãy xin Chúa ban đức tin cho ta, từ đức tin đó, chúng ta cộng tác với ơn Chúa để làm cho đức tin ngày càng lớn mạnh. Dấu hiệu của người có một đức tin trưởng thành là yêu mến và tuân giữ Lời Chúa, suy đi nghĩ lại và đem ra thực hành. Được như thế, chúng ta sẽ là những người hạnh phúc.

Lạy Chúa Giêsu, xin ban thêm đức tin cho chúng con. Xin cho chúng con được yêu mến và tuân giữ Lời Chúa cách trung thành như Mẹ Maria khi xưa. Amen.

Ngọc Biển SSP



 

SUY NIỆM

Hôm nay thứ bảy, chúng ta được mời gọi tiếp tục hướng về Đức Maria với lòng yêu mến, khởi đi từ lễ Đức Mẹ Mân Côi, mà chúng ta mừng kính trọng thể vào Chúa Nhật vừa qua.

Hơn nữa, Lời Chúa trong bài Tin Mừng hôm nay, cũng tôn vinh Đức Mẹ, khi kể lại lời của một người phụ nữ:

Phúc thay người mẹ
đã cưu mang và cho Thầy bú mớm. 
(c. 27)

Xin Mẹ cầu bầu cùng Chúa cho chúng ta, và để cho chúng ta cũng biết lắng nghe và đón nhận Ngôi Lời Thiên Chúa vào tâm hồn, vào cuộc đời, vào hướng đi và vào những lựa chọn của chúng ta; và xin Mẹ dạy chúng ta hiểu và sống tiếng “Xin Vâng” của Mẹ, mỗi ngày và suốt đời.

1. « Phúc thay người mẹ… »

Như chúng ta vừa nghe trong bài Tin Mừng, khi Đức Giê-su đang giảng dạy, thì giữa đám đông có một người phụ nữ lên tiếng thưa với Người : « Phúc thay người mẹ đã cưu mang và cho Thầy bú mớm ».

Trong cuộc sống, chúng ta vẫn thường nghe được những lời khen tặng bố mẹ tương tự, khi thấy một người con vừa ngoan vừa giỏi. Tất cả chúng ta đều sinh ra từ bố mẹ, ước gì cách sống của chúng ta khiến người khác phải khen tặng bố mẹ của chúng ta.

Và cách sống tốt nhất là cách sống phát xuất từ lòng biết ơn, giống như cách sống của chính Đức Giê-su: cả cuộc đời của Người là lời tạ ơn Chúa Cha; vì thế bí tích Thánh Thế mà Người đã thiết lập và chúng ta cử hành mỗi ngày, còn được gọi là bí tích Tạ Ơn.

 2. Mẹ và Con

Lời khen tặng rất đỗi đời thường của người phụ nữ, nhưng lại chất chứa cả một mầu nhiệm lớn lao. Đó là qua ơn huệ được cưu mang Đức Giê-su và cho Ngài bú mớm, Đức Mẹ sẽ mãi mãi gắn bó với Đức Giê-su, cả ở dưới đất lẫn ở trên trời. Giáo Hội xác tín rằng, nếu Đức Giê-su đã phục sinh và lên trời, thì Đức Maria cũng lên trời cùng với Đức Giê-su, con của Mẹ. Vì thế, bài Tin Mừng này được đọc trong ngày lễ vọng Đức Maria Hồn Xác Lên Trời.

Sự hiệp thông ân sủng giữa Mẹ và Con, và giữa Con và Mẹ, làm cho chúng ta được an ủi và hi vọng rất nhiều. Chúng ta hãy nhớ lại trong Tin Mừng có trường hợp, vì thương người Mẹ mà Chúa cứu người con; và hôm nay, khi Chúa cho Đức Maria hồn xác lên trời, chúng ta cũng xác tín rằng, vì thương người con, Chúa cũng sẽ cứu người mẹ. Như thế, Chúa cũng thương yêu, những người chúng ta thương yêu. Chính vì vậy, chúng ta được mời gọi luôn cầu nguyện cho nhau, cho những người còn sống, cũng như cho những người đã qua đời. Và, vì tất cả chúng ta đều có Đức Maria là Mẹ, chúng ta xác tín rằng, Mẹ Maria thương và chia sẻ ân phúc của Mẹ cho chúng ta. Và quả thực, như kinh nghiệm đức tin cho thấy, Mẹ vẫn luôn gần gũi và chia sẻ ân huệ cho chúng ta.

3. “Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa”

Phúc thay người mẹ
đã cưu mang và cho Thầy bú mớm. 
(c. 27)

Nhưng khi nghe mối phúc này, Đức Giê-su đáp lại:

Đúng hơn phải nói rằng:
“Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa”. 
(c. 28)

Nhưng người lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa một cách hoàn hảo, lại cũng chính là Đức Maria, Mẹ của chúng ta. Như vậy, Mẹ Maria có tới hai mối phúc: Phúc, vì Mẹ đã cưu mang Đức Giê-su; và phúc, vì Mẹ đã luôn lắng nghe và tuân giữ Lời Thiên Chúa.

Nếu với mối phúc thứ nhất, Mẹ là người duy nhất được hưởng, và Mẹ không thể chia sẻ cho chúng ta, Mẹ chỉ chia sẻ hoa trái là Đức Ki-tô, “Con lòng Mẹ được chúc phúc”, thì với mối phúc thứ hai của Mẹ, đó là phúc cho ai lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa, Mẹ có thể chia sẻ cho chúng ta cách trọn vẹn. Hơn nữa, chính Đức Giê-su đã xem trọng mối phúc này cách đặc biệt, khi nói: “Đúng hơn phải nói rằng…”. Quả thực, nếu chúng ta cũng lắng nghe và tuân giữ Lời Thiên Chúa, chúng ta sẽ trở thành người thân của Đức Giê-su, người con của Mẹ, và do đó, chúng ta trở thành người thân của nhau không phân biệt gia đình hay dân tộc, như chính Đức Giê-su đã nói: “Mẹ tôi và anh em tôi, chính là những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành” (Lc 8, 21). Hơn nữa, chính Người “đang giảng dạy” (c. 27a), nghĩa là Người nói Lời Thiên Chúa, và là chính Ngôi Lời Thiên Chúa.

Và như thế, Mẹ ở đâu chúng ta sẽ cùng nhau ở đó với Mẹ, tương tự như Đức Ki-tô ở đâu thì Mẹ cũng ở đó cùng với Người và anh chị em của Người.

Lm Giuse Nguyễn Văn-Lộc
 

Hãy lắng nghe lời Chúa và tuân giữ – SN song ngữ 10.10.2020

 

Saturday (October 10): “Hear the word of God and keep it”

 

Scripture: Luke 11:27-28

27 As he said this, a woman in the crowd raised her voice and said to him, “Blessed is the womb that bore you, and the breasts that you sucked!” 28 But he said, “Blessed rather are those who hear the word of God and keep it!”

Thứ Bảy     10-10                Hãy lắng nghe lời Chúa và tuân giữ

 

Lc 11,27-28

27 Khi Đức Giê-su đang giảng dạy, thì giữa đám đông có một người phụ nữ lên tiếng thưa với Người: “Phúc thay người mẹ đã cưu mang và cho Thầy bú mớm! “28 Nhưng Người đáp lại: “Đúng hơn phải nói rằng: Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa.”

Meditation: 

 

Who do you seek to favour and blessing? When an admirer wished to compliment Jesus by praising his mother, Jesus did not deny the truth of the blessing she pronounced. Her beatitude (which means “blessedness” or “happiness”) recalls Mary’s canticle: All generations will call me blessed (Luke 1:48). Jesus adds to her words by pointing to the source of all true blessedness or happiness – union with God in heart, mind, and will. 

We can hear God’s Word and believe it

Mary humbly submitted herself to the miraculous plan of God for the incarnation of his only begotten Son – the Word of God made flesh in her womb, by declaring: I am the handmaid of the Lord; let it be done to me according to your word (Luke 1:38). Mary heard the word spoken to her by the angel and she believed it.

On another occasion, Jesus remarked that whoever does the will of God is a friend of God and a member of his family – his sons and daughters who have been ransomed by the precious blood of Christ. (Luke 8:21). They are truly blessed because they know their God personally and they find joy in hearing and obeying his word.

Jesus unites us with our heavenly Father

Our goal in life, the very reason we were created in the first place, is for union with God. We were made for God and our hearts are restless until they rest in him. Lucian of Antioch (240-312), an early Christian theologian and martyr, once said that “a Christian’s only relatives are the saints.” Those who follow Jesus Christ and who seek the will of God enter into a new family, a family of “saints” here on earth and in heaven. Jesus changes the order of relationships and shows that true kinship is not just a matter of flesh and blood. Our adoption as sons and daughters of God transforms all our relationships and requires a new order of loyalty to God and his kingdom. Do you hunger for God and for his word?

 

 

13″Lord Jesus, my heart is restless until it rests in you. Help me to live in your presence and in the knowledge of your great love for me. May I seek to please you in all that I do, say, and think.”

Suy niệm:

 

Bạn tìm kiếm ai để yêu mến và khen ngợi? Khi một người ngưỡng mộ muốn ca ngợi Đức Giêsu bằng cách khen mẹ Người, Đức Giêsu đã không phủ nhận sự thật về lời ca ngợi đó. Lời ca ngợi của bà ta nhắc tới bài ca ngợi của Đức Maria: Muôn thế hệ sẽ khen rằng tôi diễm phúc (Lc 1,48). Đức Giêsu thêm vào lời bà ta bằng việc quy chiếu tới nguồn của mọi phúc lành – sự kết hợp với Chúa trong tâm hồn và lý trí.

 

Chúng ta có thể nghe Lời Chúa và tin tưởng

Mẹ Maria khiêm tốn suy phục trước kế hoạch kỳ diệu của Thiên Chúa về việc nhập thể của Con một của Người – Ngôi Lời đã mặc lấy xác phàm trong lòng mẹ, qua việc tuyên xưng rằng: Này tôi là tớ nữ của Chúa, xin thực hiện nơi tôi lời sứ thần truyền (Lc 1,38). Mẹ Maria đã lắng nghe lời thiên sứ nói với Mẹ và Mẹ đã tin.    

 

Vào một dịp khác, Đức Giêsu nhấn mạnh rằng bất kỳ ai thực hiện ý Chúa đều là bạn và là thành viên trong gia đình của Người – những người con trai con gái đã được chuộc lại bởi giá máu châu báu của Đức Kitô (Lc 8,21). Họ thật sự được chúc phúc, bởi vì họ biết Thiên Chúa của mình một cách trực tiếp và họ tìm thấy niềm vui trong việc lắng nghe và vâng giữ lời Người.

Đức Giêsu hiệp nhất chúng ta với Cha trên trời

Mục đích trong cuộc sống của chúng ta, lý do duy nhất mà chúng ta được dựng nên là để kết hiệp với Chúa. Chúng ta được tạo dựng cho Chúa và tâm hồn chúng ta luôn khắc khoải cho tới khi được nghỉ yên trong Người. Lucian thành Antioch (240-312), một vị tử đạo thời xưa nói rằng: “Bà con thân thuộc duy nhất của người tín hữu chính là các thánh.” Những ai bước theo Đức Giêsu Kitô và tìm kiếm thánh ý Người sẽ bước vào trong một gia đình mới, gia đình của “các thánh” ở dưới đất và ở trên trời. Đức Giêsu thay đổi trật tự những mối quan hệ và cho thấy rằng mối quan hệ thân thuộc thật sự không hệ tại ở vấn đề máu mủ. Những người con nghĩa tử của Chúa biến đổi tất cả những mối quan hệ của chúng ta và đòi hỏi một trật tự mới về lòng trung thành với Thiên Chúa và vương quốc của Người. Bạn có đói khát Thiên Chúa và lời của Người không?

Lạy Chúa Giêsu, lòng con luôn khắc khoải cho tới khi nghỉ yên trong Chúa. Xin Chúa giúp con sống trong sự hiện diện của Chúa và trong sự hiểu biết tình yêu lớn lao của Chúa dành cho con. Chớ gì con biết làm vui lòng Chúa trong tất cả những gì con làm, con nói, và con suy nghĩ.

Tác giả: Don Schwager
(http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/)
Bro. Paul Thanh Vu – chuyển ngữ

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây