Thứ Năm đầu tháng, tuần 9 thường niên.
"Thiên Chúa của ngươi là Thiên Chúa duy nhất và ngươi hãy kính mến Người".
Lời Chúa: Mc 12, 28b-34
Khi ấy, có người trong nhóm Luật sĩ tiến đến Chúa Giêsu và hỏi Người rằng: "Trong các giới răn, điều nào trọng nhất?"
Chúa Giêsu đáp: "Giới răn trọng nhất chính là: "Hỡi Israel, hãy nghe đây: Thiên Chúa, Chúa chúng ta, là Chúa duy nhất, và ngươi hãy yêu mến Chúa, Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức ngươi". Còn đây là giới răn thứ hai: "Ngươi hãy yêu mến tha nhân như chính mình ngươi". Không có giới răn nào trọng hơn hai giới răn đó".
Luật sĩ thưa Người: "Thưa Thầy, đúng lắm! Thầy dạy phải lẽ khi nói Thiên Chúa là Chúa duy nhất, và ngoài Người, chẳng có Chúa nào khác. Yêu mến Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức mình, và yêu tha nhân như chính mình thì hơn mọi lễ vật toàn thiêu và mọi lễ vật hy sinh".
Thấy người ấy tỏ ý kiến khôn ngoan, Chúa Giêsu bảo: "Ông không còn xa Nước Thiên Chúa bao nhiêu". Và không ai dám hỏi Người thêm điều gì nữa.
Suy Niệm 1: Hai điều răn
Suy niệm :
Trong những ngày cuối tại Giêrusalem,
Đức Giêsu bị kéo vào những cuộc tranh luận với nhiều nhóm
về quyền, về chuyện nộp thuế, về sự sống lại (Mc 11, 27- 12, 27).
Ít có một cuộc đối thoại đúng nghĩa khi người ta chỉ muốn giăng bẫy,
và không thực sự muốn kiếm tìm chân lý.
Chính vì thế bài Tin Mừng hôm nay là một bất ngờ thú vị.
Một kinh sư nghe Đức Giêsu trả lời các đối thủ của mình
thì ông có cảm tình và muốn hỏi Ngài câu hỏi mà ông bận tâm.
“Thưa Thầy, trong mọi điều răn, điều răn nào đứng đầu ?” (c. 28).
Đức Giêsu thấy thiện tâm của ông, và Ngài đã trả lời nghiêm túc.
Ông kinh sư như reo lên khi nghe câu trả lời của Ngài.
“Thưa Thầy hay lắm, Thầy nói rất đúng.”
Câu trả lời của Đức Giêsu chạm đến điều dường như đã có nơi ông.
Ông thích thú lặp lại những lời Ngài đã nói (cc. 32-33).
Theo ông, những điều răn đó còn quý hơn hy lễ và lễ toàn thiêu (c. 33).
Đức Giêsu vui sướng khi đứng trước một vị kinh sư khôn ngoan và cởi mở.
Ngài nói với ông một câu mà chúng ta thèm muốn :
“Ông không còn xa Nước Thiên Chúa đâu!” (c. 34).
Vị kinh sư hỏi Đức Giêsu về một điều răn đứng đầu.
Ngài đã trả lời tới hai điều răn (c. 31).
Hai điều răn này gắn kết với nhau chặt chẽ, nhưng vẫn là hai.
Cả hai đều đòi hỏi một thái độ, một chọn lựa diễn tả qua động từ “yêu”.
Yêu Thiên Chúa bằng tất cả con người mình
bằng trọn cả trái tim, linh hồn, trí khôn và sức lực,
và yêu tha nhân như yêu chính mình (cc. 29-31).
Tình yêu đối với tha nhân không thay thế được tình yêu đối với Thiên Chúa.
Tình yêu đối với Thiên Chúa như thanh dọc của thập giá
đỡ lấy thanh ngang là tình yêu tha nhân.
Sống trọn tình yêu là chấp nhận cả hai thanh gỗ làm nên cây thập giá.
Nếu lễ toàn thiêu đòi đốt hoàn toàn lễ vật, và hy lễ đòi giết chết con vật,
thì tình yêu đối với Chúa và tha nhân
cũng đòi thiêu rụi và giết chết cái tôi kiêu ngạo, ích kỷ của mình.
Chẳng thể nào yêu mà đòi giữ nguyên cái tôi khép kín.
Người Kitô hữu hôm nay cũng có thể hỏi Chúa câu hỏi tương tự :
Điều răn nào quan trọng hơn cả chi phối mọi lề luật trong Giáo Hội?
Chúa cũng sẽ giữ nguyên câu trả lời như ngày xưa.
Ngài vẫn tóm mọi điều răn và giới răn trong một động từ đơn giản: yêu.
Xin để tình yêu chiếm lấy trái tim của tôi, chi phối mọi chọn lựa,
và biến đời tôi thành tình yêu.
Cầu nguyện :
Lạy Chúa Giêsu, Tình Yêu của con,
nếu Hội Thánh được ví như một thân thể
gồm nhiều chi thể khác nhau,
thì hẳn Hội Thánh không thể thiếu
một chi thể cần thiết nhất và cao quý nhất.
Đó là Trái Tim, một Trái Tim bừng cháy tình yêu.
Chính tình yêu làm cho Hội Thánh hoạt động.
Nếu trái tim Hội Thánh vắng bóng tình yêu,
thì các tông đồ sẽ ngừng rao giảng,
các vị tử đạo sẽ chẳng chịu đổ máu mình...
Lạy Chúa Giêsu,
cuối cùng con đã tìm thấy ơn gọi của con,
ơn gọi của con chính là tình yêu.
Con đã tìm thấy
chỗ đứng của con trong Hội Thánh :
nơi Trái tim Hội Thánh, con sẽ là tình yêu,
và như thế con sẽ là tất cả,
vì tình yêu bao trùm mọi ơn gọi trong Hội Thánh.
Lạy Chúa, với chỗ đứng Chúa ban cho con,
mọi ước mơ của con được thực hiện. Amen.
(dựa theo lời của thánh Têrêxa)
Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.
Suy Niệm 2: Mối quan tâm hàng đầu
Văn hào Léon Tolstoi có kể câu chuyện như sau:
Hai người đàn ông nọ quyết tâm hành hương về Yêrusalem để dự Ðại lễ Phục Sinh ở đó. Một người đặt mối quan tâm hàng đầu là đích điểm của cuộc hành trình, vì thế ông cương quyết không dừng lại bất cứ nơi đâu, và trong suốt cuộc hành trình, tâm trí ông chỉ nghĩ đến thành thánh. Còn người thứ hai, trên mọi nẻo đường, nhìn thấy nhiều người cần được giúp đỡ và ông đã tốn nhiều tiền bạc và thời giờ, đến nỗi ông không đến được đích điểm như đã dự định; thế nhưng, một cái gì đó từ Thiên Chúa đến với tâm hồn ông mà người hành hương kia không nhận được, cũng như một cái gì đó từ Thiên Chúa qua đôi tay ông, ảnh hưởng cuộc đời của nhiều người mà người kia không có được qua những nghi lễ ông tham dự tại thành thánh kéo dài suốt mùa Phục Sinh.
Mối quan tâm hàng đầu là một danh từ thời đại. Nhà nước đặt mối quan tâm hàng đầu vào chính sách kinh tế; một học sinh đặt mối quan tâm hàng đầu vào đèn sách để thi đậu vào đại học... Ðâu là mối quan tâm hàng đầu của tôi, đó là câu hỏi hợp lý có thể áp dụng vào mọi sinh hoạt cuộc sống, nhưng thiết nghĩ quan trọng hơn cả là câu hỏi: Ðâu là mối quan tâm hàng đầu của tôi đối với cuộc sống của một người Kitô hữu?
Ðó cũng là vấn nạn mà một luật sĩ đặt ra cho Chúa trong Tin Mừng hôm nay, khi ông ta hỏi: "Thưa Thầy, trong các giới răn, giới răn nào đứng hàng đầu?" Câu trả lời của Chúa Giêsu rất rõ ràng và đơn sơ, giới răn đứng đầu, mối quan tâm hàng đầu của người Kitô hữu chính là tình yêu.
Nếu tình cờ chúng ta được một người nào đó đặt câu hỏi như trên, liệu chúng ta sẽ trả lời như thế nào? Chúng ta có phát biểu được câu trả lời tuyệt diệu, nghe êm tai và nêu bật giá trị cao đẹp của con người chúng ta không? Và thành thật với lương tâm, liệu câu trả lời đó có phản ánh chính cuộc sống chúng ta không, bởi lẽ khi cho một câu trả lời đúng, chúng ta có thể lừa dối người khác và tự lừa dối mình? Thành thật với lòng mình có lẽ nhiều người trong chúng ta sẽ phải ngạc nhiên khi khám phá ra rằng cho đến nay mối quan tâm hàng đầu của chúng ta là tiền bạc, sức khỏe, danh vọng.
Như vậy, điều trước tiên chúng ta phải làm để hoán cải và canh tân là thành thật thú nhận rằng cho đến nay chúng ta đã đặt sai mối quan tâm hàng đầu của cuộc sống, kể cả mối quan tâm hàng đầu trong cách thức chúng ta biểu lộ niềm tin qua việc đọc kinh, dự lễ, bởi vì những cách thức này thường được sử dụng như những phương thế giúp chúng ta giữ đạo, chứ không dẫn chúng ta đi xa hơn trong việc sống đạo, nhất là giúp chúng ta tìm gặp được Thiên Chúa và tha nhân.
Ước gì Lời Chúa hôm nay giúp chúng ta đổi hướng cuộc sống và đặt lại bậc thang giá trị của mối quan tâm hàng đầu của chúng ta. Xin cho tình yêu mến là nguồn mạch và sức mạnh để chúng ta thực sự gặp gỡ Thiên Chúa và yêu thương tha nhân như chính mình.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Suy Niệm 3: Giới luật yêu thương
Đức Giêsu trả lời: “Điều răn đứng đầu là: nghe đây, hỡi Ít-ra-en, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi. Điều răn thứ hai là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Chẳng có điều răn nào khác lớn hơn các điều răn đó.” (Mc. 12, 29-31)
Chương mười hai Phúc âm thánh Maccô giống như cái thời gian một diễn giả khi thuyết trình xong dành cho thính giả đặt câu hỏi vậy. Có bao nhiêu quan điểm, có bấy nhiêu người đặt ra vấn đề; những bận tâm lo lắng của những người đặt câu hỏi thì đa dạng, còn quan niệm của Chúa lúc nào cũng vậy. Ông kinh sư vì muốn biết điều răn đứng đầu, nên khiến Chúa phải lặp đi lặp lại như một điệp khúc bằng tất cả đời sống cũng như trong lơì giảng dạy, lời “hãy yêu thương”.
Người ta thường nói sai rằng Chúa Giêsu là người đầu tiên dạy yêu mến người thân cận trái ngược với những người Do thái vốn dạy phải kính sợ Thiên Chúa và giữ đức công bình. Luật Cựu ước cũng là luật của tình yêu, bằng chứng là ở đây Chúa Giêsu trưng dẫn hai câu trong sách Nhị Luật. Nét đặc sắc của sứ điệp Kitô giáo là tình yêu đối với người thân cận là bí tích tình yêu của Thiên Chúa. Xưa nếu có vài người giải thích Luật cho rằng điều răn dạy yêu mến người thân cận chỉ giới hạn vào những người Ít-ra-en mà thôi, thì đa số vẫn chủ trương một tình yêu phổ quát. Ở đây cũng như ở bất cứ nơi nào, Chúa Giêsu không phá hủy Luật, Người làm cho Luật nên hoàn hảo.
Yêu thương những người không đáng yêu
Khác với con người, Thiên Chúa không trông mong gì chúng ta là những người dễ thương. Tình yêu của Chúa là tình yêu tạo nên tính dễ thương, và đó hẳn là điều Chúa muốn diễn tả khi dạy ta yêu thương những kẻ thù địch của ta.
Ta không yêu mến anh em ta như yêu những trái táo. Tình yêu Kitô giáo không phải là bộ phận rung làm cho trái tim hay thân xác ta rung động lên trước người hay vật nào đó hấp dẫn ta. Thứ tình yêu bản năng này chẳng có gì là phong phú, bởi lẽ đó không phải là tình yêu tự do.
Người ta sẽ nhận ra bạn yêu mến anh em bạn thực bằng một tình yêu phổ quát khi tình yêu ấy sẽ là tình yêu nhưng không, chẳng màng biết ơn, khi những người được yêu mến đó sẽ không phải là những kẻ dễ thương. Chúa Giêsu đã hiến mạng sống Người vì ta, đang khi ta là những tội nhân, giáo huấn của Chúa là thế đó. Yêu mến người khác dựa trên nền tảng là vẻ hấp dẫn, chẳng cần phải có điều răn, nhưng đúng là cần phải có Mạc khải của Chúa để ta nhận ra tình yêu nhưng không của Chúa đối với ta và Thần khí của Người ở trong ta để thực hiện tình yêu ấy.
Suy Niệm 4: MỐI QUAN TÂM HÀNG ĐẦU CỦA TÔI LÀ GÌ? (Mc 12,28-34)
Ngày nay, người ta thường hay nghe những lời lẽ như: sản phẩm này là tốt nhất; con người này là tốt nhất! Vậy mối quan tâm hàng đầu của bạn là gì...? Nói cách khác, với tư cách là người Công Giáo, mối quan tâm hàng đầu của đời sống Kitô hữu là gì?.
Đây chính là sự quan tâm và một vấn nạn mà người Luật Sĩ đã đặt ra cho Đức Giêsu trong hành trình đi tìm chân lý của ông.
Tin Mừng thuật lại: có một Luật Sĩ đến hỏi Đức Giêsu: “Thưa thầy, trong các giới răn, giới răn nào đứng hàng đầu?”. Đức Giêsu đã thấy được lòng tốt và nhất là sự khao khát của ông ta, nên Ngài đã mạc khải cho ông Luật Sĩ này ngay tức khắc khi nói cho ông biết về giới luật quan trọng nhất chính là: yêu mến Thiên Chúa trên hết và yêu thương người thân cận như chính mình.
Phản ứng của Luật Sĩ này là hết sức thán phục những lời dạy khôn ngoan của Đức Giêsu. Thật vậy, vì lòng chân thành đi tìm kiếm chân lý, lẽ sống, nên Đức Giêsu đã khen ngợi ông và nói cho ông biết: ông không còn xa Nước Thiên Chúa.
Trong cuộc sống, nhiều khi chúng ta bị kinh tế thị trường làm cho đời sống đức tin bị trao đảo. Nhiều khi chúng ta đặt bậc thang giá trị của mình dựa trên tiền bạc, chức quyền, danh vọng... Vì thế, đã biết bao lần chúng ta rơi vào tình trạng lập lờ, bắt cá hai tay, chỉ còn biết cái lợi trước mắt mà không hề nghĩ đến cuộc sống đời sau. Giới răn mến Chúa, yêu người là cái gì đó không được chúng ta quan tâm nếu không muốn nói là coi thường!
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay cật vấn lương tâm chúng ta về những chọn lựa bấy lâu nay! Đồng thời, mời gọi chúng ta hãy yêu mến và trung thành giữ Luật Chúa thì chúng ta sẽ được hạnh phúc. Mặt khác, khi giữ luật Chúa, chúng ta có một cuộc sống bình an, thanh thản và luôn biết yêu thương, tôn trọng nhau để cùng nhau xây dựng Nước Chúa.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết đặt lại bậc thang giá trị của cuộc đời, luôn biết tìm ý Chúa và giữ giới răn Chúa cho trọn. Amen.
Ngọc Biển SSP
Sứ điệp: Chúa Giêsu đã liên kết luật mến Chúa và yêu người thành một giới răn duy nhất. Ngài kêu mời ta thực hành luật yêu thương ấy như một dấu hiệu đặc biệt của người con Thiên Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, có những lúc con đã lầm. Con lầm tưởng rằng làm thật nhiều các việc đạo đức là quan trọng nhất. Con lầm tưởng rằng hy sinh là quan trọng nhất, chu toàn lề luật là quan trọng nhất. Con cảm tạ Chúa, vì Chúa giúp con nhận ra tình yêu mới là quan trọng nhất.
Lạy Chúa, trước hết yêu mến Chúa phải trở thành căn bản của cuộc sống con. Vì yêu mến Chúa, con sống và làm việc. Vì yêu mến Chúa, con chu toàn những điều luật dạy. Vì yêu mến Chúa, con tham dự các nghi lễ, đọc kinh cầu nguyện. Vì yêu mến Chúa, con cũng yêu thương anh em con.
Lạy Chúa, yêu thương người khác cũng trở thành điểm sáng cho cuộc đời con. Một đốm sáng leo lét trong đêm tối, mỗi người có thể nhìn thấy. Một hành động yêu thương của con, dù âm thầm nhỏ bé, cũng sẽ sáng lên trong xã hội loài người. Con biết điều ấy, nhưng lạy Chúa, thực hành yêu thương như Chúa dạy đòi phải hy sinh thật nhiều. Xin tình yêu Chúa đong đầy trái tim con, để con đủ quảng đại cho đi lòng tha thứ. Xin tình yêu Chúa thắp sáng trái tim con, để con làm sáng lên những trái tim khác, khi cùng nhau sống bác ái yêu thương.
Lạy Chúa, cuộc sống con có vô vàn điều cần thực hiện, nhưng con xác tín rằng, điều quan trọng nhất là biết sống yêu thương: yêu Chúa và thương người. Xin dạy con sống được nét độc đáo ấy để con thực sự trở thành người con Chúa. Amen.
Ghi nhớ : “Thiên Chúa của ngươi là Thiên Chúa duy nhất và ngươi hãy kính mến Người”.
A. Phân tích (Hạt giống...)
1. Đến lượt các luật sỹ tấn công Chúa Giêsu: “Trong các giới răn, giới răn nào là trọng nhất ?” Đối với họ đây là một câu hỏi hóc búa, vì Cựu Ước ghi rất nhiều giới luật nhưng không cho biết giới luật nào trọng hơn giới luật nào. Nguyên việc thuộc hết các giới luật đã là chuyện rất khó, huống chi đánh giá và so sánh các luật đó.
2. Nhưng Chúa Giêsu trả lời rất gọn gàng và rõ ràng: 2 giới luật trọng nhất đó là hết lòng yêu mến Thiên Chúa và yêu thương tha nhân như chính mình.
B. Suy gẫm (...nẩy mầm)
1. Về giới răn thứ nhất, tôi thuộc lòng, nhưng tôi chưa giữ đúng. Tôi phải xem mình lại dựa trên từng chữ những lời Chúa nói: “Hãy yêu mến Thiên Chúa hết lòng… hết linh hồn… hết trí khôn… và hết sức lực…”
2. Và về giới răn thứ hai cũng thế: “Hãy yêu mến tha nhân như chính mình…”
3. “Ngươi phải yêu mến Thiên Chúa là Đức Chúa của ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi”. (Mc 12,30)
Chúa ơi, nhiều lần con đã tôn thờ sự sống trần gian hơn là tôn thờ một Chúa, Chúa của con. Xin cho con biết yêu mến Thiên Chúa và làm chứng cho Chúa trong mọi suy nghĩ, lời nói, việc làm của con. (Hosanna)
Điều răn trọng nhất (Mc 12,28-34)
Con người là sinh vật có xã hội tính, tức là có nhu cầu sống chung với nhau. Tuy nhiên, vì con người còn có tự do, nên để sống chung hoà thuận, mỗi quốc gia hay tập thể cần có luật qui định các bổn phận và trách nhiệm của mỗi người, để không ai đụng chạm và làm mất lòng người khác.
Nói về yêu người, chúng ta cũng đã nghe nói nhiều rồi, nhưng cũng chẳng bao giờ nói đủ, nghe đủ. Vì thế, chỉ xin nhắc lại một vài điều: Thứ nhất, yêu người là một trắc nghiệm không thể chối cãi được của tình yêu đối với Thiên Chúa, nghĩa là nếu chúng ta nói: chúng ta yêu Chúa lắm mà lại đối xử tệ với người khác, bất kể người đó là ai, chúng ta vẫn là người nói dối, và Chúa sẽ không nhận lòng yêu mến của chúng ta. Thánh Gioan nói: “Nếu ai nói tôi yêu mến Thiên Chúa mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối”.
Thứ hai, yêu người không phải chỉ là yêu thương theo tình cảm, bởi vì Chúa Giêsu đòi hỏi chúng ta phải yêu thương cả kẻ thù. Nếu chúng ta chỉ yêu thương những người yêu thương mình, quí mến mình, là chuyện bình thường, không cần gì phải nói.
Thứ ba, yêu người là sẵn sàng giúp đỡ họ bằng lời nói, thái độ, việc làm, tinh thần hay vật chất. Sau hết chúng ta hãy nhớ: tới ngày phán xét, chúng ta sẽ bị phán xét về tình yêu cụ thể này, tức tình yêu người, tình yêu thương anh em.
Một vị đạo sĩ kia kể rằng: ngày nọ, ông từ núi cao đầy băng tuyết đi xuống với một người Tây Tạng. Dọc đường ông gặp một người ngã quỵ trên băng tuyết, ông nói với người Tây Tạng đồng hành:
- Chúng ta mau lại kia giúp đỡ người gặp nạn đó!
Nhưng người Tây Tạng trả lời:
- Không ai bắt buộc chúng ta phải giúp đỡ kẻ khác, khi mà chính mạng sống của chính chúng ta cũng đang bị giá lạnh đe dọa.
Nhưng vị đạo sĩ trả lời:
- Dù chúng ta có phải chết vì lạnh đi nữa, thì chúng ta cũng chết vì đã giúp người khác, đó là điều vẫn tốt đẹp hơn.
Nói rồi vị đạo sĩ chạy lại vác người bị nạn lên vai và khệ nệ xuống núi, trong khi người Tây Tạng đã bỏ xuống trước từ nãy giờ. Đi được một quãng xa, vị đạo sĩ thấy người bạn đồng hành người Tây Tạng đang nằm dài trên tuyết bất động. Thì ra, anh ta mệt quá, ngồi nghỉ và bị lạnh cóng lúc nào không biết, còn vị đạo sĩ vì phải hết sức vác người bị nạn nên cơ thể nóng lên thêm, và do đó thoát chết lạnh.
Mẹ Têrêsa từng nói: “Hãy là hiện thân cho lòng nhân của Thượng Đế, bằng cách thể hiện trên nét mặt, trong ánh mắt, trong nụ cười và cả trong những lời chào nồng nhiệt của mình”.
Câu chuyện
Mẹ Têrêsa Calcutta kể: “Hôm ấy, một người lạ mặt đến nhà dòng, ông thấy một sơ vừa đem về một người hấp hối, nằm bên ống cống, mình mẩy dòi bọ rất hôi thối. Thế mà, sơ rất nương nhẹ nhặt từng con bọ với vẻ mặt vui tươi, thanh thản đầy thương mến...
Rồi người lạ đến gặp tôi nói: “Thưa mẹ, khi con đến đây với lòng đầy căm hờn của một người vô tín ngưỡng. Nhưng bây giờ con ra về với một tâm hồn hoàn toàn đổi mới. Con bắt đầu tin Chúa, bởi vì con đã chứng kiến tình yêu của Chúa được diễn tả một cách cụ thể qua hành động và qua cách Sơ ấy đối xử với người hấp hối bẩn thỉu kia. Bây giờ con tin thật Chúa là tình yêu. Không có tình yêu Chúa trong tâm hồn, không khi nào có đủ nghị lực để yêu tha nhân được”.
Suy niệm
Lệnh truyền yêu thương được khai mở trước đó trong cuộc đàm đạo giữa người kinh sư khôn ngoan và Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, trong mọi điều răn, điều răn nào đứng đầu ?”. Đức Giêsu trả lời: “… Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi… Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình” (Mc 12,30-31). Tóm lại, đó là mến Chúa, yêu người mà chúng ta đã được gieo vào tâm hồn mình khi bắt đầu có trí khôn qua các buổi học giáo lý.
Chuyện giới răn yêu thương là chuyện “xưa như trái đất” mà có lẽ chúng ta đều thuộc lòng quy tắc bất biến trong Công giáo về luật mến Chúa, yêu người và tâm trạng của chúng ta cũng hoàn toàn đồng ý như người thông luật: “Thưa Thầy, hay lắm, Thầy nói rất đúng. Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực, và yêu người thân cận như chính mình, là điều quý hơn mọi lễ toàn thiêu và hy lễ” (Mc 12,32-33). Chúa Giêsu khen ông trả lời khôn ngoan rồi nói: “Ông không còn xa nước Thiên Chúa đâu” (Mc 12,34). Tôi và bạn nắm vững quy luật của đạo Chúa, như người kinh sư “không xa nước Chúa đâu”. Có nghĩa là biết rõ, nhưng còn “hiểu và sống hay thực hành” thì tôi và bạn chưa thâm nhập trong tâm. Chính cái “hiểu và hành” là đưa chúng ta vào hiện diện trong nước Thiên Chúa.
Chúng ta thường hiểu cốt yếu của việc giữ đạo là tóm gọn trong việc đọc kinh, đi lễ, chịu các bí tích... Vì thế, đa số cố gắng thực hiện những điều ấy một cách toàn hảo. Nhưng thật ra, tất cả những việc đạo đức đó là phương tiện để giúp người Kitô hữu thực hiện được giới răn quan trọng nhất là “mến Chúa, yêu người”. Cái cốt yếu của Luật Chúa là hiểu và thực hành “mến Chúa, yêu người”. Chúng ta chưa để nguồn suối tình yêu chảy trong tim của mình, yêu Chúa quá ít và hời hợt, chỉ gói gọn trong nhà thờ.
Cuộc sống yêu Chúa phải đổi mới tận căn bằng suy ngẫm và hành động cụ thể: Mến Chúa với cả tâm hồn đơn sơ, chân thành thực thi các huấn lệnh của Người. Tất cả Lề Luật cô đọng trong một thái độ là yêu mến. Giữ luật nếu quên yêu mến có thể dẫn đến óc Lệ Luật như những biệt phái, kinh sư mà Đức Giêsu đã từng quở trách. Giữ Luật Chúa không phải vì sợ, không giữ tròn thì Người phạt, nhưng giữ Luật là để trở nên phương thế để bày tỏ tình yêu trong mọi tương quan giữa tôi, bạn và Thiên Chúa như Thánh Phaolô đã chia sẻ: “Yêu mến là chu toàn Lề Luật” (Rm 13,10). Yêu mến Chúa còn là sức mạnh để chúng ta sống và yên như Thánh vịnh đã kêu cầu: “Con yêu mến Ngài, lạy Chúa là sức mạnh của con” (Tv 18,2).
Yêu mến Chúa là cũng yêu thương con người vì Thiên Chúa đang sống trong con người. Chính Chúa Giêsu đã tự đồng hoá mình với những người bé nhỏ, người đói, người khát, người bị tù đày… (x. Mt 25,31-46). Ai cho kẻ đói ăn, kẻ khát uống, kẻ rách rưới ăn mặc, thăm viếng kẻ tù đày là làm cho chính Chúa. Như vậy, yêu người đòi hỏi chúng ta một thái độ đức tin, nhìn nhận Chúa đang hiện diện nơi tha nhân, nơi những người anh em. Thái độ đức tin vượt lên trên ác cảm, hằn thù, ghen ghét… đi bước xa hơn như sách Lêvi truyền dạy: “Ngươi không được trả thù, không được oán hận những người thuộc về dân ngươi. Ngươi phải yêu đồng loại như chính mình. Ta là Đức Chúa” (Lv 19,18). Thánh Gioan cũng nối kết rất tuyệt vời giữa mến Chúa, yêu người: “Ai bảo yêu mến Thiên Chúa mà lại ghét anh em mình là kẻ nói láo”. Xem ra đó là một tình yêu nhưng hai đối tượng. Vào ngày tận thế, chúng ta sẽ bị xét xử về tình yêu như Tin Mừng Matthêu nói về ngày phán xét (x. Mt 25,31-46).
Cái gì rồi cũng trôi qua. Cái gì rồi cũng phôi pha. Duy chỉ có tình yêu là tồn tại.
Ý lực sống
“Muốn biết thế nào là tình yêu thì phải biết sống cho kẻ khác. Sống cho kẻ khác tức là yêu” (Godwin).
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn