Thứ Ba tuần 9 thường niên.

Thứ hai - 01/06/2020 07:28

Thứ Ba tuần 9 thường niên.

"Các ông hãy trả cho Cêsarê cái gì thuộc về Cêsarê, và trả cho Thiên Chúa cái gì thuộc về Thiên Chúa".

 

Lời Chúa: Mc. 12, 13-17

Khi ấy, người ta sai mấy người thuộc nhóm biệt phái và đảng Hêrôđê đến Chúa Giêsu để lập mưu bắt lỗi Người trong lời nói. Họ đến thưa Người rằng: "Thưa Thầy, chúng tôi biết Thầy là người chân thật không vị nể ai, vì Thầy chẳng xem diện mạo, một giảng dạy đường lối Thiên Chúa cách rất ngay thẳng. Vậy chúng tôi có nên nộp thuế cho Cêsarê không? Chúng tôi phải nộp hay là không?"

Nhưng Người biết họ giả hình, nên bảo rằng: "Sao các ông lại thử Ta? Hãy đưa Ta xem một đồng tiền". Họ đưa cho Người một đồng tiền và Người hỏi: "Hình và ký hiệu này là của ai?" Họ thưa: "Của Cêsarê".

Người liền bảo họ: "Vậy thì của Cêsarê, hãy trả cho Cêsarê; của Thiên Chúa, hãy trả cho Thiên Chúa". Và họ rất đỗi kinh ngạc về Người.

 

Suy Niệm 1: Của Thiên Chúa trả về Thiên Chúa

Suy niệm :

Nhóm Pharisêu và nhóm Hêrôđê không phải là hai nhóm hợp nhau.

Nhưng họ lại rất hợp nhất trong việc muốn trừ khử Đức Giêsu (Mc 3, 6).

Ngài đã từng nhắc các môn đệ đề phòng “men” của hai nhóm này (Mc 8, 15).

Trong bài Tin Mừng hôm nay, họ lại liên minh với nhau để giăng bẫy.

Trước khi đưa Đức Giêsu vào bẫy, họ đã lấy lòng bằng những lời ca ngợi.

Rồi cái bẫy được giăng ra, sắc như một con dao hai lưỡi.

“Có được phép nộp thuế cho Xêda hay không?” (c. 14).

Đã từng có những câu hỏi như thế.

“Có được phép chữa bệnh trong ngày sa bát không?” (Mt 12, 10).

“Có được phép rẫy vợ vì bất cứ lý do nào không?” (Mt 19, 3).

Được phép có nghĩa là không đi ngược với Luật Môsê.

Từ năm thứ sáu sau công nguyên,

khi Giuđê và Samari trở thành một tỉnh của đế quốc Rôma,

mỗi người dân Do thái phải nộp một thứ thuế thân cho những kẻ xâm lược.

Đã có những phong trào đứng lên chống lại thứ thuế này.

“Có được phép nộp thuế cho Xêda không?”

Nếu Đức Giêsu nói rõ là được phép nộp thì đụng đến lòng ái quốc của dân,

và cũng đụng đến nhóm Pharisêu là những người không chấp nhận

sự thống trị nhơ nhớp của ngoại bang trên phần đất của Thiên Chúa.

Nếu Ngài nói rõ là không được phép nộp thì Ngài sẽ gặp khó khăn với Rôma,

và sẽ đụng đến nhóm Hêrốt là nhóm lãnh đạo dựa dẫm vào thế của đế quốc.

Dĩ nhiên Đức Giêsu đã khôn ngoan không trực tiếp trả lời câu hỏi này.

Ngài không rơi vào bẫy, ngược lại, có thể nói, Ngài giăng một cái bẫy khác.

“Đem cho tôi một đồng bạc để tôi xem” (c. 15).

Đức Giêsu không mang trong mình thứ tiền này, dùng để nộp thuế cho Rôma.

Nhưng kẻ thù của Ngài thì mang, và đưa cho Ngài một đồng bạc.

Đồng bạc này mang hình của Xêda và mang dòng chữ:

“Tibêriô Xêda, con của Augúttô thần linh, Augúttô.”

Khi biết đó là đồng tiền bằng bạc của Xêda, Đức Giêsu đã nói:

“Những thứ của Xêda, hãy trả lại cho Xêda,

những thứ của Thiên Chúa, hãy trả lại cho Thiên Chúa” (c. 17).

Câu trả lời này đã làm họ sững sờ, không thể nào bắt bẻ được.

Đức Giêsu có vẻ không chống lại chuyện nộp thuế thân cho Xêda.

Nhưng Ngài quan tâm đến một chuyện quan trọng hơn nhiều.

Chuyện đối xử công bằng với Thiên Chúa.

Trả lại cho Thiên Chúa mọi sự thuộc về Thiên Chúa: đó là bổn phận.

Đồng tiền mang hình Xêda, nên chúng ta phải trả cho Xêda.

Còn chúng ta là người mang hình ảnh Thiên Chúa,

nên chúng ta phải dâng trả chính bản thân mình cho Thiên Chúa.

Tên của Giêsu đã được ghi khắc trong tim ta,

nên chúng ta không được quên mình đã thuộc trọn về Giêsu.

Còn bao điều trong đời ta thuộc về Thiên Chúa mà ta vẫn giữ cho mình!

 

Cầu nguyện :

Lạy Chúa,

xin nhận lấy trọn cả tự do, trí nhớ, trí hiểu,

và trọn cả ý muốn của con,

cùng hết thảy những gì con có,

và những gì thuộc về con.

Mọi sự ấy, Chúa đã ban cho con,

lạy Chúa, nay con xin dâng lại cho Chúa.

Tất cả là của Chúa,

xin Chúa sử dụng hoàn toàn theo ý Chúa.

Chỉ xin ban cho con lòng mến Chúa và ân sủng.

Được như thế, con hoàn toàn mãn nguyện. Amen. (Kinh dâng hiến của thánh I-Nhã)

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.     

 

Suy Niệm 2: Một qui luật sống

Tin Mừng hôm nay ghi lại một cuộc tranh luận khác giữa Chúa Giêsu và các vị lãnh đạo Do thái. Ở đây, chúng ta lại thấy hai nhóm liên kết lại, kể từ khi họ bắt hụt Chúa Giêsu khi Ngài rao giảng ở Capharnaum (3,6). Phái Hêrôđê ủng hộ Hêrôđê Antipa, thủ hiến xứ Galilê thì dựa vào thế lực của Rôma, còn nhóm Biệt phái cũng khá hòa hoãn với giới thống trị.

Thái độ sống giả hình là thái độ của những kẻ đóng kịch, cố gắng làm sao cho người khác thấy sự tốt nơi mình, mà thực ra mình không có. Những người Biệt phái và những người thuộc phái Hêrôđê là những kẻ giả hình, bởi vì họ làm ra vẻ muốn tìm biết sự thật, mà kỳ thực chỉ là để tìm dịp bắt bẻ Chúa. Họ đến với Chúa, khen Ngài là người chân thật, cứ theo sự thật mà giảng dạy đường lối của Thiên Chúa. Nhưng rất tiếc lời nói khéo léo của họ lại che đậy một thủ đoạn, một âm mưu trả thù. Ðó là đường lối của con người, nhất là của hạng người vụ lợi, ích kỷ, tham quyền.

Thật thế, sau khi giả vờ khen Chúa, họ liền chất vấn Ngài: "Có được phép nộp thuế cho César không?". Vấn đề xem ra đơn giản, nhưng thực ra là một cạm bẫy. Theo họ, Chúa Giêsu là nhà cách mạng thuộc dòng tộc Ðavít, chắc hẳn Ngài sẽ bảo họ không nộp thuế cho César, và thế là sa bẫy họ, lúc đó, họ sẽ có lý do để bắt bớ, giải nộp và giết Ngài. Nhưng đối với Chúa Giêsu, cái bẫy của họ không có gì là nan giải, vì khôn ngoan của loài người chỉ là dại khờ trước mặt Thiên Chúa. Mặc dù biết rõ ý đồ của họ, Chúa Giêsu vẫn tỏ ra hết sức chân thật; Ngài còn nhân cơ hội này để đưa ra một bài học: Ngài bảo họ cho xem đồng tiền và sau khi được biết hình và dấu trên đồng tiền là của César, Ngài nói tiếp: "Của César, trả về César; của Thiên Chúa trả về Thiên Chúa". Nói khác đi, một khi đã được hưởng nhờ ơn lộc của ai, thì phải đền ơn đúng nghĩa, họ đã nhờ bổng lộc của César, thì có bổn phận đền đáp cho César; nhưng Chúa cũng nhắc thêm bổn phận của con người đối với Thiên Chúa: con người đã nhận lãnh nhiều ơn huệ của Thiên Chúa, nên cũng phải đền đáp ơn Ngài. Chúa Giêsu nhìn nhận vai trò đúng đắn của của quyền bính trần thế: "Của César, trả về César", nhưng Ngài thêm: "Của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa". Chúa nhắc nhở rằng quyền bính trần thế không phải là quyền bính duy nhất trên con người, mà còn có quyền bính của Thiên Chúa nữa. Có những điều con người phải trả cho Thiên Chúa, vì con người đã được tạo dựng theo và giống hình ảnh Ngài; con người mắc nợ Thiên Chúa sự sống, nên con người buộc phải dâng hiến mạng sống cho Ngài và để Ngài chiếm chỗ ưu tiên trong cuộc sống của mình.

Xin Chúa soi sáng để chúng ta biết phân biệt điều gì thuộc César, điều gì thuộc Thiên Chúa, để chu toàn bổn phận đối với trần thế và đối với Thiên Chúa.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 3: Của Xê-da

Họ cử mấy người Pha-ri-sêu và mấy người thuộc phe Hê-rô-đê đến cùng Người để gài bẫy cho Người lỡ lời. Những người này đến và nói: “Thưa Thầy chúng tôi biết Thầy là người chân thật, Thầy chẳng vị nể ai, vì Thầy không cứ bề ngoài mà đánh giá người ta, nhưng theo sự thật mà dạy đường lối của Thiên Chúa. Vậy có được phép nộp thuế cho Xê-da không? chúng tôi phải nộp hay không phải nộp?” Nhưng Đức Giêsu biết họ giả hình, nên Người nói: “Tại sao các người lại thử Tôi? đem một quan tiền cho Tôi coi!” Đức Giêsu bảo họ: “Của Xê-da, trả về Xê-da; Của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa.” Và họ hết sức ngạc nhiên về Người. (Mc. 12, 13-15, 17)

Chúa không phán: “Của Xêda trả về Xêda miễn là nó phục tùng luật Chúa” nhưng “Của Xêda, trả về Xêda; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa” Chúng ta thường có khuynh hướng giảm thiểu vế đầu của câu và coi như chỉ mình Chúa là có quyền. Nghĩ Chúa xử sự như vậy là điều bất công. Ta phải chú ý, người ta không biểu dương những quyền lợi của Chúa bằng cách chối bỏ quyền lợi của con người. Những kẻ trong sạch của mọi thời đại không để cho mình hoen ố vì bàn tay lấy cớ rằng họ phụng sự Thiên Chúa thì cũng là những kẻ lừa dối như những kẻ nói quá trong chiều hướng kia vậy. Péguy đã có lý để mạ lị “những người nghĩ rằng mình yêu mến Chúa bởi vì họ không thương yêu ai cả.”

Dứt khoát mà nói, những quyền lợi của con người cũng quan trọng như những quyền lợi của Thiên Chúa và khẳng định như vậy không phải là phạm thượng. Trái lại, thừa nhận trong chốc lát rằng Người đòi hỏi ta phải dành cho Người một tình yêu khác biệt, thiết tưởng sẽ là khinh miệt Chúa. Người Kitô hữu không có một trái tim hai tầng. Những tội ác chống với nhân loại cũng ghê tởm như những tội chối đạo vậy. Có những lời Phúc âm bị quên đi tỉ như “Ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy” (1Ga. 4,20).

Lễ phong vương

Có một thời việc xức dầu cho các vua được coi như một bí tích. Những tranh cãi thần học nảy sinh từ một sự giải thích như vậy chẳng mấy quan trọng, có điều là đó là ý tưởng đẹp và nó bắt nguồn tư lòng ngưỡng mộ lớn lao đối với con người được tạo dựng để cai trị. Vả lại những quyền lón lao dành cho con người đều là những tiêu đề cao quý: quyền sống, quyền được đối xử công bình, quyền được yêu thương, bình đẳng…

Nếu Thiên Chúa đòi hỏi được yêu mến trên hết mọi sự, thì tuyệt nhiên không phải là con người được hưởng một nửa tình yêu đâu, mà vỏn vẹn chỉ có nghĩa là với tất cả khả năng yêu mến của ta dành cho Người. Những anh em ta, dù có tuyệt vời đến đâu, thì vẫn có giới hạn và tận cùng. Khi những người anh em ấy đã nhận được trọn tình yêu dành cho họ rồi, thì trái tim ta vẫn còn có khả năng vươn lên tới vô hạn.

Một trong những việc làm làm vẻ vang cho thời đại của ta là việc lập ra những hội nhân quyền. Ngày nào công việc của những hiệp hội hay liên minh này sẽ thành công, ngày ấy Nước Thiên Chúa sẽ ở giữa chúng ta.

 

Suy Niệm 4: GIAN DỐI KHÔNG CÓ TIẾNG NÓI CUỐI CÙNG (Mc 12, 13 – 17)

Ở đời người ta thường nói: “Thua keo này ta bày keo khác” để ám chỉ việc kiên trì trong suy tư hay hành động.

Hôm nay, những người Pharisêu đã không chịu thua Đức Giêsu, vì thế, họ đã tìm thêm dịp để hại Ngài. Không những vậy, họ còn kéo theo đồng minh là những người thuộc nhóm Hêrôđê nữa.

Câu chuyện được khởi đi từ một thái độ giả hình, nhằm che đậy sự gian xảo trong tâm hồn của những kẻ chuyên nghề nịnh hót. Họ không ngớt lời khen ngợi Đức Giêsu là người chân thật, công bằng trong cách giảng cũng như hành xử... Vì thế, nhân dịp này, họ đến để xin lời dạy khôn ngoan của Ngài về việc nộp thuế. Họ nói: “Có được phép nộp thuế cho César không?”. Đây lại là một trò chơi nguy hiểm mà họ giăng ra để gài bãy Đức Giêsu, và đây cũng là một thủ đoạn bỉ ổi nhằm trả thù Đức Giêsu vì những lần Ngài đã làm cho nhóm này bị lộ rõ chân tướng đê hèn của họ.

Đức Giêsu biết rõ đây là cái bẫy, nên Ngài rất bình thản hỏi ngược lại khi xin họ cho xem đồng tiền. Khi xem xong, Ngài hỏi: “Hình và danh hiệu này là của ai?”; họ đã nhanh nhảu trả lời: “Của César”

Họ đưa ra cái bẫy này để xem Đức Giêsu xử trí ra sao? Họ thừa biết Ngài là con cháu thuộc dòng dõi Vua Đavít, thì mối thù dân tộc là không thể chấp nhận ngoại bang, vì thế, nếu Ngài nói không phải nộp thuế thì chắc chắn Đế Quốc sẽ xử Ngài. Còn nếu Ngài nói là phải nộp, thì dân chúng sẽ đứng lên tố cáo Ngài là tay sai cho địch, phản quốc, hại dân, và như một lẽ tất yếu, người dân không còn nghe theo những lời dạy dỗ của kẻ phản bội nữa!

Tuy nhiên, sự khôn ngoan của loài người lại trở nên ngu dại trước Thiên Chúa! Giải pháp đầy khôn ngoan của Đức Giêsu đã làm cho họ chưng hửng khi nói: “Của César, trả về César, của Thiên Chúa trả về Thiên Chúa”.

Trong cuộc sống hôm nay vẫn còn đó những kẻ “đội trên, đạp dưới” để trục lợi hay che dấu những bỉ ổi, bất nhân ngầm sâu trong con người của họ. Những lời nói thật hay, những khen ngợi thật tuyệt vời, khiến cho đối phương bị thuyết phục và rồi thuận theo những chiêu thức ma ranh quỷ quyệt của họ mà làm nguy hại cho những người lương thiện.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy biết chu toàn trách vụ trần thế, nếu những điều đó là đúng với lương tâm Kitô giáo; luôn biết đền ơn những người làm ơn cho chúng ta, nhất là Thiên Chúa, Đấng luôn ban phát mọi ơn lành cho mình.

Không được sống hai mặt, giả tạo nhân đức để làm hại người khác, vì đây là đường lối của ma quỷ chứ không phải đến từ Thiên Chúa.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết khôn ngoan để lựa chọn những gì thuộc về Chúa và khước từ những gì thuộc về ma quỷ. Xin cho chúng con biết chu toàn bổn phận với Thiên Chúa và tha nhân. Amen.

Ngọc Biển SSP



 

SUY NIỆM

1. Hai nhóm Pha-ri-sêu và Hê-rô-đê

« Họ cử mấy người Pha-ri-sêu và mấy người thuộc phe Hê-rô-dê đến cùng Người để Người phải lỡ lời mà mắc bẫy ». Họ ở đây là các thượng tế, kinh sư và kỳ mục (Mc 11, 27). Như thế, đàng sau những người trực tiếp đến gặp Đức Giê-su để gài bẫy, còn có cả một nhóm người thuộc giới lãnh đạo. Những người sẽ lên án Đức Giê-su trong cuộc Thương Khó như đã có mặt hết ở đây rồi, hay nhìn một cách khác, âm mưu giết Đức Giê-su đã khởi động rồi (x. Mc 11, 18). Và cái bẫy họ giăng ra lần này rất đặc biệt, vì không phải là những vấn nạn liên quan đến Luật của Chúa ; chẳng hạn : điều răn nào trọng nhất, ai là người thân cận, có được phép rẫy vợ không ; cái bẫy họ giăng ra lần này liên quan đến vấn đề đóng thuế, nghĩa bổn phận dân sự. Trong cuộc Thương Khó, Đức Giê-su sẽ bị kết án trên cả hai bình diện, bình diện tôn giáo và bình diện dân sự. Và vì Đức Giê-su là Đấng Vô Tội tuyệt đối, cả hai bình diện đều để lộ ra bộ mặt gian dối của Sự Dữ.

Tuy nhiên, bộ mặt gian dối đã lộ diện ở đây rồi. Thật vậy, những người Pha-ri-sêu vốn không chấp nhận sự đô hộ của người Roma, nhưng lại đi hợp sức với những người phe Hê-rô-đê, là nhóm người cộng tác với người Roma, đi chất vấn Đức Giê-su. Hai nhóm, Pha-ri-sêu và Hê-rô-đê, không cùng lập trường, nhưng lại bí mật bắt tay nhau để gài bẫy Đức Giê-su. Đối diện với Đức Giê-su, sự dữ có trong lòng của họ phải lộ diện, dù có khi chính họ không ý thức. Như thế, họ sẽ mắc vào cái bẫy, mà chính họ giăng ra để hại người khác ; như lời Thánh Vịnh loan báo :

Cho bọn ác nhân mắc bẫy chính chúng gài,
còn con đây, thì được thoát khỏi.

(Tv 141, 10)

Và ở những mức độ và bình diện khác nhau, cả loài người chúng ta, từng người chúng ta cũng phải như thế, nghĩa là phải là mình trong sự thật, khi đến với Đức Giê-su. Bởi vì, lời của Ngài và ngôi vị của Ngài là ánh sáng, soi tỏ hết mọi sự sâu kín trong lòng và trong quá khứ của chúng ta ; nhưng không phải để lên án, nhưng để chữa lành. Ngài sẽ mặc khải Tội và chữa lành chúng ta khỏi Tội cách triệt để bằng Thập Giá.

2. Cái bẫy

Như chúng ta đều biết và có kinh nghiệm nữa, để gài bẫy thì phải có mồi nhử và nhất là phải che đậy với vẻ bề ngoài bình thường hay đẹp đẽ để thu hút đối tượng. Chính vì thế, bẫy của họ giăng ra cho Đức Giê-su bắt đầu bằng một câu khen ngợi :

Thưa Thầy, chúng tôi biết Thầy là người chân thật. Thầy chẳng vị nể ai, vì Thầy không cứ bề ngoài mà đánh giá người ta, nhưng theo sự thật mà dạy đường lối của Thiên Chúa. (c. 14)

Lời khen thật hay, nhưng hoàn toàn giả dối, vì lời này giống như là mồi nhử hay giống như lớp ngoài che đậy hiểm họa chết người bên trong. Như thế, cái bẫy có hai đặc điểm : dối trá và bạo lực, vốn là những đặc điểm của sự dữ ; và các Thánh Vịnh hay dùng hình ảnh « cái bẫy » như dụng cụ ưa thích của sự dữ (x. Tv 9, 17 ; 18, 6 ; 38, 14 ; 64, 6 ; 66, 11 ; 119, 110 ; 124, 7 ; 140, 6; 141,10).

Lạy Chúa, khi hồn con tiêu hao mòn mỏi,
thì chính Chúa đã am tường mọi nẻo con đi.
Trên quãng đường con đang tiến bước,
người ta đã gài bẫy rình chờ
.

(Tv 142, 4)

Đức Giê-su biết họ giả hình, nên, trước khi trả lời, Ngài đã lấy đi con mồi hay lột bỏ vẻ bề ngoài đẹp đẽ, khi nói : « Tại sao các người lại thử tôi ? » (c. 15) Quả thật, câu hỏi có vẻ đơn giản : « Có được phép nộp thuế cho Xê-da hay không ? », nhưng đó là cái bẫy rất nguy hiểm :

  • Nếu trả lời được phép, Đức Giê-su sẽ bị lên án là tay sai cho ngoại bang, là phản quốc !
  • Nếu trả lời không, Ngài sẽ bị lên án là chống lại người Roma !

3. Xê-da và Thiên Chúa

Như thế, cái bẫy này đã loan báo cuộc Thương Khó của Đức Giê-su rồi, vì Ngài sẽ bị cả hai lên án, người Do thái và người Roma, một cách vô cớ, nghĩa là với những lí do hoàn toàn gian dối. Đức Giê-su trả lời :

Của Xê-da, trả về Xê-da;
của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa. 
(c. 17)

Đây là một trong những câu nói của Đức Giê-su, được biết đến nhiều nhất, nhưng thường được hiểu theo nghĩa xã hội ; theo đó Đức Giê-su muốn nêu ra nguyên tắc : phân biệt giữa thần quyền và thế quyền. Hiện nay, tương quan giữa Giáo Hội và thế quyền được xây dựng dựa trên nguyên tắc này. Nhưng trong lịch sử, sự phân biệt này đã không được tôn trọng, hoặc về phía Giáo Hội (nghĩa là Giáo Hội ở trên thế quyền), hoặc về phía thế quyền (nghĩa là quyền dân sự can thiệp vào sinh hoạt của Giáo Hội).

Tuy nhiên, lời của Đức Giê-su không nhắm đến việc tổ chức quyền bính của Giáo Hội và xã hội ; mặc dù, người ta có thể áp dụng lời của Đức Giê-su vào trong lãnh vực này. Lời của Ngài thuộc bình diện thiêng liêng, đụng chạm đến chiều sâu của tâm hồn trong tương quan với Thiên Chúa và những gì không thuộc về Thiên Chúa.

Thật vậy, trên đồng bạc có khắc hình và danh hiệu của Xê-da, và ngày nay, trên các đồng tiền giấy hay tiền kim loại, cũng có những hình và chữ như thế. Đồng tiền nhỏ bé, nhưng lại nói lên ba điều : tiền của, quyền lực và danh vọng ; vốn rất dễ trở thành ngẫu tượng, trở thành tuyệt đối trong đời sống con người, cả trong xã hội lẫn trong Giáo Hội. Và đó sẽ là tai họa cho sự sống. Vậy thì, hãy trả lại cho Xê-da, những gì của Xê-da. Chúng ta cần nhận ra rằng, để có tiền của, quyền lực và danh vọng, hành động gian dối, tóm bắt và bạo lực, giống như những người gài bẫy Đức Giê-su, là không thể tránh khỏi.

Chúng ta đừng bỏ qua một chi tiết nhỏ, nhưng rất có ý nghĩa : Đức Giê-su không có đồng tiền trong túi, vì thế Ngài nói : « Đem một đồng bạc cho tôi xem » (c. 15). Điều này không chỉ cho thấy rằng Ngài rất nghèo, nhưng sâu xa hơn thế nữa, tiền của, quyền lực và danh vọng không thuộc về lẽ sống của Ngài. Còn những người chất vấn Đức Giê-su, hoặc chủ trương đóng thuế hay không đóng thuế, lại có sẵn đồng tiền trong túi !

« Những gì thuộc về Thiên Chúa » là những gì ? Đơn giản là những điều ngược lại với tiền của, quyền lực và danh vọng ; đó là chia sẻ, phục vụ và khiêm tốn. Và chúng ta nhận ra những điều này thật rạng ngời nơi khuôn mặt của Đức Giê-su.

Vì thế, cách thức tốt nhất để sống lời mời gọi của Đức Giê-su: « Của Xê-da, trả về Xê-da; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa », là đi theo Đức Ki-tô, là lắng nghe và sống lời của Ngài, là để Ngài trở thành sự sống của chúng ta, ngang qua bí tích Thánh Thể.

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
 

Hãy trả cho Thiên Chúa những gì thuộc về Thiên Chúa – SN song ngữ ngày 02.6.2020

 

Tuesday (June 2): “Give to God what belongs to God”

 

Scripture: Mark 12:13-17  

13 And they sent to him some of the Pharisees and some of the Herodians, to entrap him in his talk. 14 And they came and said to him, “Teacher, we know that you are true, and care for no man; for you do not regard the position of men, but truly teach the way of God. Is it lawful to pay taxes to Caesar, or not? 15 Should we pay them, or should we not?” But knowing their hypocrisy, he said to them, “Why put me to the test? Bring me a coin, and let me look at it.” 16 And they brought one. And he said to them, “Whose likeness and inscription is this?” They said to him, “Caesar’s.” 17 Jesus said to them, “Render to Caesar the things that are Caesar’s, and to God the things that are God’s.” And they were amazed at him.

Thứ Ba     2-6         Hãy trả cho TC những gì thuộc về TC

 

Mc 12,13-17

 13 Họ cử mấy người Pha-ri-sêu và mấy người thuộc phe Hê-rô-dê đến cùng Người để Người phải lỡ lời mà mắc bẫy.14 Những người này đến và nói: “Thưa Thầy, chúng tôi biết Thầy là người chân thật. Thầy chẳng vị nể ai, vì Thầy không cứ bề ngoài mà đánh giá người ta, nhưng theo sự thật mà dạy đường lối của Thiên Chúa. Vậy có được phép nộp thuế cho Xê-da hay không? Chúng tôi phải nộp hay không phải nộp? “15 Nhưng Đức Giê-su biết họ giả hình, nên Người nói: “Tại sao các người lại thử tôi? Đem một đồng bạc cho tôi xem! “16 Họ liền đưa cho Người. Người hỏi: “Hình và danh hiệu này là của ai đây? ” Họ đáp: “Của Xê-da.”17 Đức Giê-su bảo họ: “Của Xê-da, trả về Xê-da; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa.” Và họ hết sức ngạc nhiên về Người.

 

 

Meditation: 

 

What do we owe God and what’s our obligation towards others? Paul the Apostle tells us that we must give each what is their due (Romans 13:6-8). The Jewish authorities sought to trap Jesus in a religious-state dispute over the issue of taxes. The Jews resented their foreign rulers and despised paying taxes to Caesar. They posed a dilemma to test Jesus to see if he would make a statement they could use against him. If Jesus answered that it was lawful to pay taxes to a pagan ruler, then he would lose credibility with the Jewish populace who would regard him as a coward and a friend of Caesar. If he said it was not lawful, then the Pharisees would have grounds to report him to the Roman authorities as a political trouble-maker and have him arrested. 

Jesus avoided their trap by confronting them with the image of a coin. Coinage in the ancient world had significant political power. Rulers issued coins with their own image and inscription on them. In a certain sense, the coin was regarded as the personal property of the ruler. Where the coin was valid the ruler held political sway over the people. Since the Jews used the Roman currency, Jesus explained that what belonged to Caesar must be given to Caesar.

We belong to God and not to ourselves

This story has another deeper meaning as well. We, too, have been stamped with God’s image since we are created in his own likeness (Genesis 1:26-27). We rightfully belong, not to ourselves, but to God who created us and redeemed us in the precious blood of his Son, our Lord Jesus Christ (see 1 Corinthians 6:19-20). Paul the Apostle says that we are to present our bodies as a living sacrifice to God (Romans 12:1). Do you acknowledge that your life belongs to God and not to yourself? And do you give to God what rightfully belongs to Him?

“Lord, because you have made me, I owe you the whole of my love; because you have redeemed me, I owe you the whole of myself; because you have promised so much, I owe you all my being.  Moreover, I owe you as much more love than myself as you are greater than I, for whom you gave yourself and to whom you promised yourself. I pray you, Lord, make me taste by love what I taste by knowledge; let me know by love what I know by understanding. I owe you more than my whole self, but I have no more, and by myself, I cannot render the whole of it to you. Draw me to you, Lord, in the fullness of love. I am wholly yours by creation; make me all yours, too, in love.” (prayer of Anselm, 1033-1109)

Suy niệm:

 

Chúng ta mắc nợ TC những gì và nghĩa vụ của chúng ta đối với người khác là gì? Thánh Phaolô tông đồ nói với chúng ta rằng chúng ta phải trả lại cho nhau những gì thuộc về họ (Rm 13,6-8). Các nhà cầm quyền Do thái tìm cách gài bẫy Đức Giêsu trong một vấn đề liên quan tới tôn giáo về thuế. Người Do thái căm tức những nhà cầm quyền ngoại bang và rất ghét việc trả thuế cho Caesar. Họ đặt một câu hỏi song để thử Đức Giêsu, để xem Người có nói gì hầu họ có thể dùng để chống lại Người. Nếu Đức Giêsu trả lời rằng hợp pháp để trả thuế cho những người thống trị ngoại bang, thì Người sẽ mất uy tín với đám đông dân Do thái, họ sẽ xem Người là một kẻ hèn nhát và là bạn của Cesar. Nếu Người nói không hợp pháp, thì những người Pharisêu sẽ tố cáo Người với nhà cầm quyền Rôma như một tên phá rối trị an để họ bắt Người.

 

Đức Giêsu lẫn tránh cạm bẫy của họ bằng việc cho họ xem hình ảnh của đồng tiền. Tiền đúc trong thế giới cổ đại có dấu hiệu quyền lực chính trị. Các nhà cầm quyền phát hành những đồng tiền với hình ảnh và câu viết của chính họ trên đó. Theo một ý nghĩa nào đó, đồng tiền được coi là sở hữu riêng của chính họ. Nơi đâu đồng tiền có giá trị, thì người thống trị nắm giữ chính quyền trên dân chúng. Vì người Do thái sử dụng hệ thống tiền tệ của Rôma, Đức Giêsu giải thích rằng cái gì thuộc về Caesar thì phải trả về cho Caesar.

Chúng ta thuộc về TC không phải về mình

Câu chuyện này cũng có một ý nghĩa sâu xa khác. Chúng ta cũng được ghi dấu hình ảnh Thiên Chúa, vì chúng ta được dựng nên giống hình ảnh của chính Người (St 1,26-27). Chúng ta thật sự lệ thuộc, không phải vào chính chúng ta, nhưng vào Thiên Chúa, Đấng đã dựng nên chúng ta và cứu chuộc chúng ta trong máu châu báu của Con Người, Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. (1Cor 6,19-20). Thánh Phaolô tông đồ nói rằng chúng ta là những chi thể như của lễ sống động dâng cho Chúa (Rm12,1). Bạn có nhận thức rằng cuộc đời mình lệ thuộc vào Thiên Chúa và không lệ thuộc vào chính mình không? Và bạn có dâng cho Chúa những gì thật sự thuộc về Người không?

Lạy Chúa, bởi vì Chúa đã dựng nên con, con mắc nợ Chúa tất cả tình yêu của con; bởi vì Chúa đã cứu chuộc con, con mắc nợ Chúa toàn thân con; bởi vì Chúa đã hứa ban rất nhiều, con mắc nợ Chúa tất cả sự hiện hữu của con. Hơn thế nữa, con còn mắc nợ nhiều hơn tình yêu con yêu chính mình, giống như Chúa cao trọng hơn con. Vì con Chúa đã ban chính mình, và vì con Chúa đã hứa ban chính Chúa. Lạy Chúa, con cầu xin Chúa cho con được cảm nghiệm bằng tình yêu những gì con cảm nghiệm bằng sự nhận biết; xin cho con nhận biết bằng tình yêu những gì con nhận biết bằng trí hiểu. Con mắc nợ Chúa hơn cả toàn thân con, nhưng con chẳng có gì nữa, và chính con, con cũng không thể đáp trả nó trọn vẹn cho Chúa. Lạy Chúa, xin kéo con đến với Chúa trong tình yêu. (lời cầu nguyện của Anselm, 1033-1109).  

 

 

Tác giả: Don Schwager
(http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/)
Bro. Paul Thanh Vu– chuyển ngữ

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây