Thứ Sáu đầu tháng, tuần 22 thường niên.
“Khi tân lang phải đem đi khỏi họ, bấy giờ họ ăn chay”.
Lời Chúa: Lc 5, 33-39
Khi ấy, những người biệt phái và luật sĩ nói với Chúa Giêsu rằng: “Tại sao môn đồ của Gioan năng ăn chay và cầu nguyện, cả môn đồ của những người biệt phái cũng vậy, còn môn đệ của Thầy lại cứ ăn uống?” Người đáp lại rằng: “Các ông có thể bắt các bạn hữu đến dự tiệc cưới, ăn chay, đang khi tân lang còn ở với họ chăng? Nhưng sẽ đến những ngày mà tân lang phải đem đi khỏi họ, bấy giờ họ sẽ ăn chay trong những ngày ấy”.
Người còn nói với họ thí dụ này rằng: “Không ai xé miếng vải áo mới mà vá vào áo cũ; chẳng vậy, áo mới đã bị xé, mà mảnh vải áo mới lại không ăn hợp với áo cũ. Cũng chẳng ai đổ rượu mới vào bầu da cũ; chẳng vậy, rượu mới sẽ làm vỡ bầu da, rượu chảy ra và bầu da hư mất. Nhưng rượu mới phải đổ vào bầu da mới, thì giữ được cả hai. Và không ai đang uống rượu cũ mà lại thèm rượu mới, vì người ta nói: 'Rượu cũ thì ngon hơn'”.
Suy Niệm 1: Chàng rể ở với họ
Suy niệm :
Sau khi Lêvi, người thu thuế, được Thầy Giêsu mời gọi đi theo,
ông đã tổ chức bữa đại tiệc khoản đãi Thầy và các môn đệ.
Ông còn mời các bạn đồng nghiệp đến dùng bữa để từ giã.
Ăn uống vui vẻ, hòa đồng cả với những người bị xã hội tránh xa,
đó là một nét đặc biệt của nhóm Thầy Giêsu.
Đừng quên chính Thầy cũng bị mang tiếng là tay ăn nhậu (Lc 7, 34).
Như thế nhóm của Thầy không có nét khắc khổ,
như các nhóm môn đệ của Gioan hay của người Pharisêu.
Các nhóm này thường hay ăn chay và cầu nguyện.
“Còn môn đệ Thầy thì ăn với uống !” (c. 33).
Các nhà lãnh đạo Do Thái giáo hỏi Thầy về lý do có sự khác biệt đó.
Thầy trả lời: vì bầu khí của nhóm Giêsu là bầu khí vui của tiệc cưới.
Chú rể chính là Thầy, còn các môn đệ là những khách dự tiệc.
Chẳng ai dự tiệc cưới mà lại ăn chay.
Chẳng ai buồn khi chàng rể còn đang ở bên cạnh (c. 34).
Bởi đó thật là dễ hiểu nếu các môn đệ không ăn chay một tuần hai lần,
nếu họ có nét mặt tươi tắn và sẵn sàng chung vui với người khác.
Chuyện Thầy Giêsu ăn uống hồn nhiên với những tội nhân
cho thấy Thiên Chúa không khinh, nhưng quý họ và mời họ trở về.
Thầy cho thấy mình đang rao giảng Tin Mừng, loan báo Tin Vui.
Đến với Thầy là gặp được niềm vui cứu độ.
Thầy Giêsu và các môn đệ đều mời gọi người ta hoán cải (Mc 1,15; 6,12)
Nhưng hoán cải ở đây không phải là chuyện buồn, mà là chuyện vui,
bởi lẽ hoán cải là thay đổi tận căn cái nhìn về Thiên Chúa và người khác.
Chẳng ai vui bằng người thoát ra khỏi được cảnh nô lệ tội lỗi.
Cả thiên đàng cũng mừng vui khi một người hoán cải (Lc 15, 7. 10).
Thầy Giêsu đã trao cho các môn đệ niềm vui của chính mình.
Ba lần Ngài nói đến niềm vui trọn vẹn (Ga 15,11; 16,24; 17,13).
Kitô giáo bắt nguồn từ niềm vui phục sinh và sống mãi nhờ niềm vui ấy.
Các tông đồ bị đánh đòn mà lại vui, bởi họ chịu vì Đức Giêsu (Cv 5,41).
Niềm vui là đặc nét của người Kitô hữu qua mọi thách đố.
Niềm vui là quà tặng lớn của chúng ta cho một thế giới muộn phiền.
Chàng rể Giêsu đang ở với chúng ta cho đến tận thế và mãi mãi,
nên “anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa” (Pl 4, 4).
Chúng ta chỉ có thể là sứ giả của Tin Mừng nếu ta có niềm vui nội tâm.
Niềm vui này phải tỏa ra như hương thơm làm mọi người ngây ngất.
Ông Nietzsche một triết gia vô thần người Đức viết cho các Kitô hữu:
“Nếu niềm tin của các anh làm các anh hạnh phúc,
thì hãy cho tôi thấy hạnh phúc ấy trên khuôn mặt của các anh…
Nếu Tin Mừng của Sách Thánh được viết trên khuôn mặt của các anh rồi,
thì các anh chẳng cần phải cố nhấn mạnh đến giá trị của Sách ấy nữa.”
Nietzsche không tin một Kitô hữu buồn, mà bảo mình tin vào sự phục sinh.
Chúng ta có bao giờ để ý soi khuôn mặt Kitô hữu của mình không?
Cầu nguyện :
Lạy Chúa Giêsu,
có những ngày con cảm thấy
đời sống thật nặng nề;
có những lúc con muốn buông trôi,
để mặc cho dòng đời đưa đẩy;
có những khoảng thời gian dài,
con như mảnh đất khô khan cằn cỗi.
Xin cho con ánh sáng của Chúa
để con biết lối mà đi.
Xin cho con tấm bánh của Chúa
để con có sức mà dấn bước.
Xin cho con Lời của Chúa
để con vững một niềm tin.
Xin cho con sự sống của Chúa
để con lấy lại niềm hăng say và sự tươi tắn,
niềm vui và sáng tạo.
Lạy Chúa Giêsu,
con thấy mình cần Chúa
trong mỗi giây phút của cuộc đời.
Ước gì ai gặp con
cũng gặp được sự hiện diện của Chúa.
(Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.)
Suy Niệm 2: ĐẠO CỦA NIỀM VUI
(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)
Chúa Giêsu đến mang luồng gió mới cho tương quan Thiên Chúa – con người. Trong đạo cũ, dù biết bao lần Thiên Chúa bày tỏ tình yêu thương, sự gần gũi, nhưng con người vẫn cảm thấy Thiên Chúa không những xa cách mà còn hà khắc và hay trừng phạt. Vì thế đạo cũ mang nặng mầu sắc sợ sệt, buồn bã. Chúa Giêsu giáng trần làm cho con người được gần gũi Thiên Chúa. Hơn nữa Người còn mặc khải cho ta biết đạo mới là đạo tình thương. Thiên Chúa yêu thương gần gũi con người. Thiên Chúa cưới lấy con người. Chúa Giê-su chính là chàng rể đem đến hạnh phúc làm cho đời sống vui tươi. “Chẳng lẽ các ông lại có thể bắt khách dự tiệc cưới ăn chay, khi chàng rể còn ở với họ”? Thiên Chúa ở với con người. Thiên Chúa nên một với con người. Quả là một hạnh phúc mà con người từng mơ ước từ ngàn đời. Thiên Chúa biến đổi thân phận con người. Đó là một đạo mới. Đó là thứ rượu mới. Rượu đem lại vui tươi phấn khởi cho người mới. Rượu mới phải chứa trong bầu da mới. Đạo mới phải có con người mới. Có cung cách mới.
Nếu đạo cũ cần nhiều luật lệ thì đạo mới chỉ cần Chúa Ki-tô. Chỉ cần ở trong Chúa Ki-tô là đủ. Chúa Ki-tô là tất cả. Người là nguồn mạch mọi hiện hữu, “là hình ảnh Thiên Chúa vô hình, là trưởng tử sinh ra trước mọi loài thụ tạo, vì trong Người, muôn vật được tạo thành”. Người là nguyên lý tồn tại của mọi loài: “Người có trước muôn loài môn vật, tất cả đều tồn tại trong Người”. Và tuyệt vời hơn nữa nay Người qui tụ chúng ta thành một thân thể mà Người là Đầu: “Người cũng là đầu của thân thể, nghĩa là đầu của Hội Thánh”. Là đầu để đưa các chi thể đến vinh quang. Đầu tiến đến đâu thì chi thể cũng tiến đến đấy. Người đã sống lại nên chúng ta cũng sẽ được sống lại: “là trưởng tử trong số những người từ cõi chết sống lại”. Người đã đạt tới tầm vóc viên mãn để chúng ta cũng được viên mãn với Người: “vì Thiên Chúa đã muốn làm cho tất cả sự viên mãn hiện diện ở nơi Người” (năm lẻ).
Người nên một với ta. Người trở thành vận mệnh của ta. Vận mệnh đó tuỳ thuộc ta có kết hợp chặt chẽ với Người hay không. Có trung thành với Người hay không.. Thánh Phao-lô ao ước được trở nên “người đầy tớ của Đức Ki-tô”. Nghĩa là hoàn toàn tuỳ thuộc vào Chúa. Sống cho Chúa. Chết cho Chúa. Sự trung thành từ đáy thâm tâm sẽ được tỏ lộ vào ngày sau cùng: “chính Người sẽ đưa ra ánh sáng những gì ẩn khuất trong bóng tối, và phơi bày những ý định trong thâm tâm con người. Bấy giờ, mỗi người sẽ được Thiên Chúa khen thưởng đích đáng”. Lúc đó niềm vui của những kẻ trung tín trong một kết hợp trọn vẹn với Chúa Ki-tô sẽ nên hoàn hảo (năm chẵn).
Suy Niệm 3: Kim chỉ nam của cuộc sống
Theo sách Giảng Viên: "Ở dưới bầu trời này, mọi sự đều có lúc, mọi việc đều có thời, một thời để chào đời, một thời để lìa thế, một thời để khóc lóc, một thời để vui cười, một thời để than van, một thời để múa nhảy". Trong Tin Mừng hôm nay khi giải thích về lý do tại sao Ngài và các môn đệ của Ngài không ăn chay, có lẽ Chúa Giêsu cũng muốn lặp lại lời dạy của sách Giảng Viên: "Mọi sự đều có lúc, mọi việc đều có thời. Có một thời không ăn chay và một thời để ăn chay". Thời gian của Giáo Hội là thời gian vừa ăn chay vừa không ăn chay. Ðúng hơn, thời gian của Giáo Hội là thời gian của cử hành.
Khi chúng ta nói về cử hành, chúng ta thường dễ nghĩ đến lễ lạc, trong đó chúng ta có thể quên đi những khó khăn của cuộc sống và hòa mình vào đàn ca múa nhảy, ăn uống, cười vui. Thật ra, trong ý nghĩa Kitô giáo, cử hành hoàn toàn xa lạ với bầu khí ấy. Trong Kitô giáo, cử hành chỉ có thể có được khi chúng ta ý thức một cách sâu xa rằng sự sống và cái chết là hai thực tại không bao giờ tách lìa nhau. Cử hành chỉ thực sự đến khi nào tình yêu và nỗi lo sợ, niềm vui và nỗi buồn, nước mắt và nụ cười, có thể hiện hữu chung với nhau. Cử hành chỉ có thể đến khi nào chúng ta ý thức được rằng sự sống là điều quí giá vô cùng. Và sự sống quí giá không những vì nó có thể được thấy, được sờ, được cảm nghiệm, mà còn ngay cả khi nó mất. Khi chúng ta cử hành một đám cưới, chúng ta cử hành sự kết hợp và chia tay cùng một lúc; khi chúng ta cử hành cái chết, chúng ta cử hành một tình bạn đã mất nhưng đồng thời cũng cử hành một sự tự do và có được. Có thể có nước mắt sau đám cưới và những nụ cười đám tang. Thật thế, chúng ta có thể làm cho những nỗi buồn cũng như niềm vui của chúng ta trở thành một phần của cuộc cử hành cuộc sống với ý thức sâu xa rằng sống và chết không phải là hai điều đối nghịch nhau mà là bạn hữu thân tình với nhau trong mỗi một phút giây của cuộc sống chúng ta. Khi chúng ta chào đời, chúng ta được tự do để hít thở khí trời, nhưng chúng ta lại đánh mất sự an toàn trong lòng mẹ. Khi chúng ta đi học, chúng ta được tự do để đi vào một xã hội rộng lớn hơn nhưng lại đánh mất một chỗ đặc biệt trong gia đình chúng ta. Khi chúng ta lập gia đình, chúng ta tìm được một người bạn đường nhưng lại đánh mất mối liên kết đặc biệt với cha mẹ chúng ta. Khi chúng ta tìm được công ăn việc làm, chúng ta có được sự độc lập để làm ra tiền, nhưng lại đánh mất khung cảnh vô tư của trường học. Khi chúng ta có con cái, chúng ta khám phá ra một thế giới mới, nhưng lại đánh mất đi một phần tự do đi lại. Khi chúng ta được thăng cấp trong công việc, chúng ta trở nên quan trọng hơn trước mắt người khác nhưng lại đánh mất những cơ may khác. Khi chúng ta về hưu, cuối cùng chúng ta có cơ may làm điều chúng ta muốn nhưng lại đánh mất niềm vui trong công việc. Khi chúng ta có thể cử hành sự sống trong mọi giây phút quyết liệt, trong đó cái được và cái mất quyện lấy vào nhau, lúc ấy chúng ta có thể cử hành ngay cả cái chết của chúng ta, bởi vì chúng ta đã học được từ cuộc sống rằng ai mất sẽ tìm thấy.
Trong mọi sự, lời của thánh Phaolô trong thư gởi cho giáo đoàn Philipphê 4,4 đáng được chúng ta lấy làm kim chỉ nam cho cuộc sống: "Anh em hãy vui lên trong Chúa, tôi nhắc lại một lần nữa, anh em hãy vui lên vì Chúa ở gần chúng ta".
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Suy Niệm 4: Mỗi thời mỗi khác
Họ nói với Người: “Môn đệ ông Gio-an năng ăn chay cầu nguyện, môn đệ người Pha-ri sêu cũng thế, còn môn đệ ông thì ăn với uống!” Đức Giêsu trả lời: “Chẳng lẽ các ông lại có thể bắt khách dự tiệc cưới ăn chay, khi chàng rể còn ở với họ? Sẽ có ngày chàng rể bị đem đi; ngày đó họ mới ăn chay.” (Lc. 5, 33-35)
Mỗi thời mỗi khác!
Câu nói đó xưa như trái đất. Những luật sĩ và biệt phái hình như quên đi khi họ trách các môn đệ của Đức Kitô không ăn chay như môn đệ của Gio-an và không cầu nguyện như họ.
Mỗi thời mỗi khác, có thời để vui, có thời để hy sinh. Có thời để làm việc, có thời để nghỉ ngơi. Người ta đến đám cưới không phải để khóc! Đức Giêsu nói: lúc này là tiệc cưới của tôi. Vậy phải vui mừng. Buồn sẽ đến lúc tôi ra đi các ông sẽ không bao giờ tìm thấy tôi.
Mỗi thời mỗi khác. Có thời cho quần áo mới. Nhưng quần áo mới không luôn mới. Chúng đẹp khi mới dùng. Dùng lâu, chúng sẽ thành đồ phế thải. Chúng rách khó vá, nên không ai lấy vải mới vá vào áo rách.
Bình cũ không còn có thể chứa được rượu mới, rượu mới sẽ làm bể bình cũ. Đừng quên rằng rượu mới không bao giờ ngon như rượu cũ.
Sự so sánh đó có thể rút ra bài học rất tế nhị. Đức Kitô không muốn xúc phạm đến họ, nhưng Người không ưa những thứ quá khích. Đối với kẻ thù khích bác và cố chấp, họ không thể hiểu được sự khẩn thiết về những đổi mới. Người thử giải thích bằng hình ảnh hôn nhân để thấy sự không thể thích nghi của con người cựu ước với thời tân ước của Ngài. Ngài không chối bỏ họ, nhưng họ có thời của họ. Ngài thiết lập thời tân ước như Thiên Chúa đã tuyển chọn một dân tộc xưa và nay cho mọi người.
Không phải chỉ có luật sĩ và biệt phái xưa, cả những Kitô hữu ngày nay cũng không biết nhận ra sự cần thiết phải tái sinh lòng mộ đạo theo Thánh Thần Thiên Chúa và công đồng Va-ti-can II hướng dẫn. Không phải tái sinh là chấp vá, nhưng là công việc lâu dài, kiên nhẫn đôi khi phải chịu đau khổ để thêu dệt nên một tấm áo mới không có đường may. Một hy vọng sống lại chan hòa vui mừng.
GF
Suy Niệm 5: Dứt khoát tận căn
Kỷ luật hay cách sống của Chúa Giêsu đề ra cho các môn đệ Ngài khiến nhiều người khó chịu. Ngài và các môn đệ sống theo một lề lối hoàn toàn khác với những tuân giữ của những người Biệt phái và ngay cả với Gioan Tẩy giả: trong khi Gioan Tẩy giả và các người Biệt phái tuân giữ một số ngày chay tịnh trong tuần, thì các môn đệ Chúa Giêsu xem chừng không biết thế nào là chay tịnh.
Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu dùng hai dụ ngôn để biện minh cho thái độ ấy. Trước hết, Ngài nói đến sự hiện diện của Tân Lang: bao lâu Tân Lang còn đó, thì việc chay tịnh được miễn chuẩn. Trong Cựu Ước, việc giữ chay gắn liền với việc mong đợi Ðấng Cứu Thế. Chay tịnh là thể hiện của lòng mong đợi. Gioan Tẩy giả đã lấy chay tịnh làm qui luật cơ bản cho cuộc sống của ông và của các môn đệ. Như vậy khi miễn chước cho các môn đệ của Ngài khỏi chay tịnh, Chúa Giêsu muốn cho mọi người thấy rằng Ngài chính là Ðấng Cứu Thế, họ không còn phải mong đợi gì nữa; thời cứu thế đã đến, con người không còn phải chay tịnh, trái lại, họ phải vui mừng hoan hỉ.
Dụ ngôn thứ hai Chúa Giêsu đưa ra để giải thích tại sao các môn đệ Ngài không phải giữ chay, đó là hình ảnh chiếc áo mới và rượu mới: Không nên lấy áo cũ mà vá vào áo mới, không nên đổ rượu mới vào bầu da cũ. Dĩ nhiên, ở đây Chúa Giêsu không có ý bảo rằng cái mới thì đương nhiên tốt hơn cái cũ; Ngài không có ý so sánh cho bằng đưa ra một sự bất tương hợp. Bài học thật rõ ràng: không nên có thái độ nước đôi hoặc thỏa hiệp, mà phải dứt khoát tận căn. Bài học này được Chúa Giêsu lặp lại nhiều lần khi nêu ra những điều kiện để vào Nước Trời: "Hãy bán tất cả, bố thí cho người nghèo, rồi đến theo Ta", "Ai cầm cày mà còn ngó lại sau, thì không xứng với Nước Thiên Chúa", "Ai yêu cha mẹ hơn Ta thì không xứng đáng làm môn đệ Ta". Tựu trung, vì Ngài, con người phải chấp nhận hy sinh tất cả, ngay cả mạng sống mình.
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta duyệt xét lại niềm tin cơ bản trong cuộc sống hàng ngày. Thỏa hiệp vốn là cơn cám dỗ triền miên trong cuộc sống đạo của chúng ta: Muốn làm môn đệ Chúa Kitô, nhưng lại đeo đuổi những gì nghịch với Tin Mừng; đi theo Chúa Kitô, nhưng lại không muốn sống theo giáo huấn của Ngài; muốn là thành phần của Giáo Hội, nhưng lại chống báng Giáo Hội. Thỏa hiệp để được cả đạo lẫn đời như thế cũng chỉ là đánh mất bản thân mà thôi. Lời sách Khải huyền đáng được chúng ta suy nghĩ: Thà ngươi nguội lạnh hay nóng hẳn đi; nhưng vì ngươi hâm hâm chẳng nóng chẳng lạnh, nên Ta mửa ngươi ra khỏi miệng.
Xin Chúa nâng đỡ đức tin chúng ta để chúng ta tiến bước theo Chúa, làm môn đệ Chúa với một đức tin tinh tuyền và làm chứng cho mọi người xung quanh.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Suy Niệm 6: TINH THẦN MỚI TRONG LỀ LUẬT MỚI (Lc 5, 33-39)
Trong truyền thống của người Dothái, việc ăn chay luôn mang ý nghĩa là chờ mong Đấng Cứu Thế. Vì vậy, ta thấy các người Pharisêu và Luật Sĩ lên tiếng thắc mắc khi thấy môn đệ của Đức Giêsu không ăn chay.
Khi được hỏi, Đức Giêsu đã nói: "Các ông có thể bắt các bạn hữu đến dự tiệc cưới, ăn chay, đang khi tân lang còn ở với họ chăng?”.
Tại sao Đức Giêsu lại nói như vậy? Thưa! Vì Đức Giêsu chính là Tân Lang, Ngài là Đấng Cứu Thế đã đến và hiện diện với các môn đệ rồi, nên không cần phải ăn chay nữa.
Vì thế, tinh thần của người đi dự tiệc cưới là không được rầu rĩ, thiểu não, mà thay vào đó là thái độ hân hoan vui mừng, để cùng hòa vào với những tiếng đàn ca nhẩy múa trong những ngày diễn ra tiệc cưới.
Như vậy, tiệc cưới là một trong biến cố làm thay đổi đời sống thường ngày của người Dothái và người môn đệ. Tiệc cưới cũng làm cho việc ăn chay phải tạm ngưng. Đây là một lựa chọn hợp lý và khôn ngoan. Sự khôn ngoan này lại được cụ thể hóa qua hai ví dụ: vải mới, áo cũ; rượu mới, bầu da cũ.
Ở đời, không bao giờ người ta lại đi lấy vải mới để vá vào áo cũ cả. Cũng không nên rót rượu mới vào bầu da cũ.
Qua những thí dụ này, Đức Giêsu muốn nói đến đặc tính mới của Nước Trời và của Giáo Hội.
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy mặc lấy tâm tình mới là sự hoán cải tận căn chứ không chỉ những thứ bề ngoài. Sẵn sàng biến đổi nhờ ơn Chúa Thánh Thần. Dẹp bỏ những cái cũ rích không thể hợp với cái mới trong tinh thần của Thiên Chúa. Đồng thời cần phải có một tinh thần mới, lối sống đạo thực tâm chứ không phải hình thức bề ngoài.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết can đảm để bỏ qua những thứ không phù hợp với Tin Mừng. Xin cũng cho chúng con biết thể hiện tinh thần mới là bác ái, yêu thương trong khi thi hành sứ vụ. Amen.
Ngọc Biển SSP
Friday (September 4): The unity of the new and the old
Scripture: Luke 5:33-39 33 And they said to him, “The disciples of John fast often and offer prayers, and so do the disciples of the Pharisees, but yours eat and drink.” 34 And Jesus said to them, “Can you make wedding guests fast while the bridegroom is with them? 35 The days will come, when the bridegroom is taken away from them, and then they will fast in those days.” 36 He told them a parable also: “No one tears a piece from a new garment and puts it upon an old garment; if he does, he will tear the new, and the piece from the new will not match the old. 37 And no one puts new wine into old wineskins; if he does, the new wine will burst the skins and it will be spilled, and the skins will be destroyed. 38 But new wine must be put into fresh wineskins. 39 And no one after drinking old wine desires new; for he says, `The old is good.'” |
Thứ Sáu 4-9 Sự đơn nhất giữa mới và cũ
Lc 5,33-39 33 Họ nói với Người: “Môn đệ ông Gio-an năng ăn chay cầu nguyện, môn đệ người Pha-ri-sêu cũng thế, còn môn đệ ông thì ăn với uống! “34 Đức Giê-su trả lời: “Chẳng lẽ các ông lại có thể bắt khách dự tiệc cưới ăn chay, khi chàng rể còn ở với họ?35 Sẽ có ngày chàng rể bị đem đi; ngày đó, họ mới ăn chay.”36 Đức Giê-su còn kể cho họ nghe dụ ngôn này: “Chẳng ai xé áo mới lấy vải vá áo cũ, vì như vậy, không những họ xé áo mới, mà miếng vải áo mới cũng không ăn với áo cũ.37 “Không ai đổ rượu mới vào bầu da cũ, vì như vậy, rượu mới sẽ làm nứt bầu, sẽ chảy ra và bầu cũng hư.38 Nhưng rượu mới thì phải đổ vào bầu mới.39 Cũng không ai uống rượu cũ mà còn thèm rượu mới. Vì người ta nói: “Rượu cũ ngon hơn.” |
Meditation:
Which comes first, fasting or feasting? The disciples of John the Baptist were upset with Jesus’ disciples because they did not fast. Fasting was one of the three most important religious duties, along with prayer and almsgiving. Jesus gave a simple explanation. There’s a time for fasting and a time for feasting (or celebrating). A time to weep and fast – a time to rejoice and celebrate To walk as a disciple with Jesus is to experience a whole new joy of relationship akin to the joy of the wedding party in celebrating with the groom and bride their wedding bliss. But there also comes a time when the Lord’s disciples must bear the cross of affliction and purification. For the disciple there is both a time for rejoicing in the Lord’s presence and celebrating his goodness and a time for seeking the Lord with humility and fasting and for mourning over sin. Do you take joy in the Lord’s presence with you and do you express sorrow and contrition for your sins? A mind closed to God’s wisdom Jesus goes on to warn his disciples about the problem of the “closed mind” that refuses to learn new things. Jesus used an image familiar to his audience – new and old wine skins. In Jesus’ times, wine was stored in wine skins, not bottles. New wine poured into skins was still fermenting. The gases exerted gave pressure. New wine skins were elastic enough to take the pressure, but old wine skins easily burst because they became hard as they aged. What did Jesus mean by this comparison? The Old Testament points to the New – the New Testament fulfills the Old Are we to reject the old in place of the new? Just as there is a right place and a right time for fasting and for feasting, so there is a right place for the old as well as the new. Jesus says the kingdom of heaven is like a householder who brings out of his treasure what is new and what is old (Matthew 13:52). A very common expression, dating back to the early beginnings of the Christian church, states that the New Testament lies hidden in the Old and the Old Testament is unveiled in the New – the two shed light on each other. The New Testament does not replace the Old – rather it unveils and brings into full light the hidden meaning and signs which foreshadow and point to God’s plan of redemption which he would accomplish through his Son, Jesus Christ. How impoverished we would be if we only had the Old Testament or the New Testament, rather than both. New “wine” of the Holy Spirit The Lord Jesus gives us wisdom so we can make the best use of both the old and the new. He doesn’t want us to hold rigidly to the past and to be resistant to the new action of his Holy Spirit in our lives. He wants our minds and hearts to be like the new wine skins – open and ready to receive the new wine of the Holy Spirit. Are you eager to grow in the knowledge and understanding of God’s word and plan for your life?
“Lord Jesus, fill me with your Holy Spirit, that I may grow in the knowledge of your great love and truth. Help me to seek you earnestly in prayer and fasting that I may turn away from sin and wilfulness and conform my life more fully to your will. May I always find joy in knowing, loving, and serving you.” |
Suy niệm:
Điều gì ưu tiên hơn, ăn chay hay ăn tiệc? Các môn đệ của Gioan Tẩy giả bực bội với các môn đệ của Đức Giêsu bởi vì họ chẳng chịu ăn chay. Ăn chay là một trong ba nghĩa vụ tôn giáo quan trọng nhất, cùng với việc cầu nguyện và bố thí. Đức Giêsu đã đưa ra lời giải thích đơn giản. Có thời gian để ăn chay, và cũng có thời gian để mừng lễ. Có lúc để khóc và ăn chay, có lúc để hân hoan và mừng lễ Người môn đệ bước theo Đức Giêsu phải cảm nghiệm được niềm vui mới trọn vẹn của mối quan hệ thân thiết, niềm vui của bữa tiệc cưới trong sự chia sẻ niềm hạnh phúc với cô dâu chú rể. Nhưng cũng có lúc khi các môn đệ của Chúa phải mang lấy thánh giá của đau khổ và thanh tẩy. Vì người môn đệ có cả thời gian cho việc vui mừng trong sự hiện diện của Chúa và tưởng nhớ lòng nhân từ của Người, và thời gian cho việc tìm kiếm Chúa với sự khiêm hạ và chay tịnh để khóc than cho tội lỗi mình. Bạn có niềm vui trong sự hiện diện của Chúa, và bày tỏ nỗi đau buồn và thống hối về tội lỗi mình không? Đóng lòng trước sự khôn ngoan của TC Đức Giêsu tiếp tục cảnh báo các môn đệ về vấn đề “đóng lòng” từ chối học hỏi những điều mới. Đức Giêsu dùng một hình ảnh quen thuộc đối với các thính giả của Ngài, bầu da đựng rượu cũ và mới. Vào thời Đức Giêsu, rượu được giữ trong bầu da, chứ không phải trong chai. Rượu mới cho vào bầu da để giữ chất men. Khí ga tạo ra sức ép. Bầu da mới có sức đàn hồi để giữ sức ép của ga, nhưng bầu da cũ rất dễ bị nổ bởi vì chúng quá cứng. Đức Giêsu muốn nói gì qua sự so sánh này? Cựu ước nhắm tới Tân ước – Tân ước hoàn thành Cựu ước Chúng ta có loại bỏ điều cũ để thay thế cho điều mới không? Giống như có lúc có thời để ăn chay và mừng lễ, cũng có lúc có thời cho cái cũ và cái mới. Đức Giêsu nói nước Trời giống như người chủ nhà kia lấy từ trong kho tàng của nhà mình cả cái cũ lẫn cái mới (Mt 13,52). Một câu nói rất phổ biến từ lúc Giáo hội sơ khai nói rằng Tân ước ẩn tàng trong Cựu ước và Cựu ước được mặc khải trong Tân ước – cả hai soi sáng cho nhau. Tân ước không thay thế cho Cựu ước – nhưng bộc lộ nó và mang tới ánh sáng đầy đủ cho ý nghĩa và các dấu chỉ ẩn giấu báo trước và cho thấy kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa mà Người muốn hoàn thành qua Con của mình, là Đức Giêsu Kitô. Chúng ta sẽ nghèo nàn biết bao nếu như chúng ta chỉ có Cựu ước hay chỉ có Tân ước. Tốt nhất là có cả hai.
“Rượu” mới của Chúa Thánh Thần Chúa Giêsu ban cho chúng ta sự khôn ngoan để chúng ta có thể sử dụng cái cũ và cái mới sao cho hiệu quả nhất. Người không muốn chúng ta cứ khăng khăng giữ cái cũ và chống lại công việc mới của Thần Khí Chúa trong cuộc đời của chúng ta. Người muốn tâm trí chúng ta giống như bầu da mới, mở ra và sẵn sàng tiếp nhận rượu mới của Chúa Thánh Thần. Bạn có thiết tha để lớn lên trong sự hiểu biết lời Chúa và dự định của Người trong cuộc đời bạn không? Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho con Thánh Thần của Chúa để con có thể lớn lên trong sự hiểu biết về tình yêu và chân lý cao cả của Chúa. Xin giúp con tìm kiếm Chúa một cách tha thiết trong cầu nguyện và chay tịnh để con có thể từ bỏ tội lỗi và sự phóng túng, và thay đổi đời sống con để phù hợp với thánh ý Chúa. Ước gì con luôn luôn tìm thấy được niềm vui trong sự hiểu biết, yêu mến, và phụng sự Chúa. |
Tác giả: Don Schwager
(http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/)
Bro. Paul Thanh Vu – chuyển ngữ
SUY NIỆM
Người ta chất vấn Đức Giêsu về việc ăn chay, vì ăn chay là một trong ba việc đạo đức căn bản (cùng với cầu nguyện và bố thí, được nêu trong bài Tin Mừng của Lễ Tro, Mt 6, 1-6.16-18), không chỉ trong Do thái giáo nhưng trong mọi tôn giáo, trong đó có Kitô giáo của chúng ta.
Chính vì thế, những người Pharisêu và các kinh sư họ năng ăn chay; và họ không chỉ giữ chay, nhưng còn quan tâm đến người khác có giữ chay không; họ quan tâm đến việc giữ chay của các các môn đệ Đức Giê-su, và qua đó việc giữ chay của chính Đức Giê-su. Vì thế, họ đến trách cứ Đức Giê-su:
Môn đệ ông Gio-an năng ăn chay cầu nguyện,
môn đệ người Pha-ri-sêu cũng thế,
còn môn đệ ông thì ăn với uống! (c. 33)
1. Đức Ki-tô “Chàng Rể”
Vậy ăn chay có mục đích gì? Người ta ăn chay để đạt tới hay hướng tới điều gì? Trong thực tế, việc ăn chay có thể có nhiều định hướng khác nhau. Chẳng hạn, ăn chay là một cách khổ chế, một đàng vì sự “no đầy” thể xác dễ bị chi phối bởi những năng động lệch lạc, đàng khác, có những thứ lương thực có năng lực kích thích những tư tưởng, cảm xúc và hành vi xấu, nếu sử dụng không điều độ. Trong Do thái giáo, người ta ăn chay để ăn năn và xin ơn tha thứ, hay để xin một ơn đặc biệt nào đó (x. 2Sm 13, 16.22; Ge 2, 12-17). Người ta ăn chay còn để chuẩn bị thi hành một sứ mạng (x. Tl 20, 26; Cv 14, 23). Ngoài ra, trong sách ngôn sứ Isaia (x. Is 58, 1-9a), Đức Chúa mời gọi dân của Ngài phải sống hài hòa giữa việc ăn chay và cách sống của họ với tha nhân và nhất là với những người nghèo đói, những người đau khổ. Ngày nay, người ta ăn chay còn để tiết kiệm tiền, dành cho việc bác ái. Ngoài ra, người ta ăn chay còn để chữa bệnh, gìn giữ sức khỏe hay bảo vệ môi trường!
Như thế, việc ăn chay hoặc có định hướng qui về mình hay qui về người khác, hoặc là một việc đạo đức chỉ có dáng vẻ bề ngoài, như quan niệm của những người đến chất vấn Đức Giê-su: “Môn đệ ông Gio-an năng ăn chay cầu nguyện, môn đệ người Pha-ri-sêu cũng thế, còn môn đệ ông thì ăn với uống!”; và như chính Đức Giê-su đã cảnh báo: “Còn khi ăn chay, anh em chớ làm bộ rầu rĩ như bọn đạo đức giả: chúng làm cho ra vẻ thiểu não, để thiên hạ thấy là chúng ăn chay” (Mt 6, 16).
Tuy nhiên, ăn chay chỉ là một việc đạo đức đích thực, hay sâu xa hơn, chỉ mang chiều kích thiêng liêng, trong mức độ việc thực hành này hướng trực tiếp hay gián tiếp đến chính Thiên Chúa. Theo đó, người ta ăn chay để chuẩn bị mình để gặp gỡ Thiên Chúa (Xh 34, 28; Đn 9, 3), hoặc để diễn tả tương quan thuộc về Thiên Chúa (Lv 16, 29-31). Chính vì thế, Đức Giê-su không hủy bỏ việc ăn chay (x. Mt 6, 17-18), nhưng Ngài “hoàn tất” ý nghĩa việc ăn chay, bằng cách hướng việc ăn chay đến chính ngôi vị của Ngài, bởi vì Ngài là hiện thân của chính Thiên Chúa. Như thế, Đức Giê-su đã mang lại cho việc ăn chay một ý nghĩa hoàn toàn mới:
Chẳng lẽ các ông lại có thể bắt khách dự tiệc cưới ăn chay, khi chàng rể còn ở với họ?
Sẽ có ngày chàng rể bị đem đi; ngày đó, họ mới ăn chay. (c. 34-35)
Ăn chay, đối với Đức Giêsu, không phải là một việc bổn phận đạo đức, có tính ép buộc và thường hay qui về mình (hãm mình, đền tội, xin ơn…), nhưng là một hành vi hướng về “Một Người”, tưởng niệm “Một Người”, Người đó là “Chàng Rể bị đem đi”, là Đức Kitô chịu thương khó. Chúng ta ăn chay là để tưởng nhớ Đức Kitô chịu đóng đinh vì lòng mến và hướng tới lòng mến Đức Ki-tô. Có thể nói, vì “Thương Một Người”[1] mà chúng ta ăn chay. Như thế, vì lòng mến Đức Ki-tô, chúng ta được mời gọi không chỉ ăn chay theo luật định, nhưng còn có thể ăn chay bất cứ lúc nào, nhất là trong Mùa Chay, hay trong tuần tĩnh tâm. Tuy nhiên, Ngài đã Phục Sinh và hiện diện giữa chúng ta mọi ngày. Vì thế, chúng ta cũng ăn uống bình thường và đôi khi ăn tiệc nữa!
2. Đức Ki-tô là “Áo Mới” và “Rượu Mới”
Với một câu hỏi thật ngắn về việc ăn chay, Đức Giê-su trả lời khá dài, với ba dụ ngôn liên tiếp: dụ ngôn tiệc cưới, trực tiếp liên quan đến câu hỏi, và hai dụ ngôn nữa, được biết đến nhiều hơn, mở rộng vấn đề ăn chay: dụ ngôn “vải và áo” và dụ ngôn “rượu và bình rượu”.
Hai dụ ngôn này mời gọi chúng ta hiểu ra rằng, Đức Ki-tô là “Áo Mới”, là “Rượu Mới”; từ nay, với Đức Ki-tô, không chỉ tương quan của chúng ta với lương thực, được diễn tả qua việc ăn chay, nhưng tương quan của chúng ta với mọi sự, phải xuất phát từ Đức Ki-tô, đặt nền trên Đức Ki-tô và hướng về Đức Ki-tô. Thực vậy, Với hai dụ ngôn, dụ ngôn “vải và áo” và dụ ngôn “rượu và bình rượu”, Đức Giê-su mời gọi chúng ta hướng việc ăn uống, và ngang qua việc ăn uống là “mọi sự khác”, trong đó có chính sự sống của chúng ta, cuộc đời của chúng ta, tới ngôi vị của Ngài, tới tình yêu Ngài dành cho chúng ta và chúng ta dành cho Ngài. Bởi vì, lương thực còn là biểu tượng của sự sống. Vì thế, chúng ta có thể hiểu, đời sống dâng hiến của chúng ta là một việc “Ăn Chay” lớn nhất, ngang qua nỗ lực sống ba lời khấn, khó nghèo, khiết tịnh và vâng phục, và chúng ta ăn chay kiểu “lạ đời” này, vì lòng mến Đức Kitô và để sống và làm chứng cho Tin Mừng của Ngài và cho Nước của Thiên Chúa.Ngoài ra, Đức Giê-su vẫn còn dùng một dụ ngôn nữa, dụ ngôn “rượu cũ và rượu mới”:
Cũng không ai uống rượu cũ mà còn thèm rượu mới.
Vì người ta nói: “Rượu cũ ngon hơn”. (c. 39)
Đó là kinh nghiệm thực tế về các loại rượu. Nhưng trên bình diện mầu nhiệm Thiên Chúa và lịch sử cứu độ, Đức Ki-tô là Rượu Mới, nhưng lại “ngon” hơn mọi thứ rượu cũ. Bởi vì, như chính chúng ta có kinh nghiệm, khi chúng ta thưởng thức “Rượu Mới Đức Ki-tô” rồi, chúng ta không còn thèm bất cứ thứ rượu nào trên đời nữa. Khi đó, chúng ta có thể nói như thánh Phao-lô: “Tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Ki-tô Giê-su, Chúa của tôi. Vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác, để được Đức Ki-tô và được kết hợp với Người.” (Phil 3, 8-9). Tuy Ngài là Rượu Mới, nhưng vẫn ngon hơn mọi loại rượu cũ, bởi vì, Ngài là Ngôi Lời Thiên Chúa, và “Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành” (Ga 1, 3). Ngài là Omega, nghĩa là tương lai, mới mẻ, cùng đích; nhưng đồng thời cũng là Alpha. Ngài không chỉ có trước, nghĩa là “xa xưa”, nhưng còn là Khởi Đầu của mọi sự (Kh 22, 13).
3. “Người ban bánh cho tất cả chúng sinh”
Như thế, việc ăn chay của chúng ta chỉ trở nên đích thật trong mức độ, đó là cách chúng ta diễn tả tương quan tình yêu của chúng ta đối với chính Chúa. Nhưng nếu Chúa hiện diện ngay trong “bánh” chúng ta dùng hằng ngày, thì việc ăn chay của chúng ta sẽ ra sao? Bởi vì lương thực là ơn huệ Thiên Chúa ban (x. St 1-2; Đnl 8, 3): Chúa hiện diện nơi ơn huệ của Người, và khi hưởng dùng ơn huệ, chúng ta được mời gọi nhận ra và đi vào tương quan biết ơn với Đấng ban ơn huệ:
Người ban bánh[2] cho tất cả chúng sinh.
Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương. (Tv 136, 25)
Và bánh ăn hằng ngày, vốn là ơn huệ của Thiên Chúa loan báo cho chúng ta Bánh Trường Sinh, Bánh ban sự sống đời đời là chính Đức Ki-tô, vốn là Ơn Huệ của mọi ơn huệ (Ga 4, 10 và Ga 6). Vậy, ăn chay đích thật không chỉ là không ăn hay ăn ít đi một số lần hay một số ngày vì lòng mến Chúa; nhưng còn là mọi ngày, chúng ta được mời đón nhận lương thực như ơn huệ Thiên Chúa ban và chúng ta để cho ơn huệ lương thực hằng ngày hướng chúng ta đến Ơn Huệ Lương Thực hằng sống là chính Đức Ki-tô[3].
* * *
Chúng ta cầu nguyện với Chúa mỗi ngày, và nhất là trước bữa ăn: “xin ban cho chúng ta lương thực hằng ngày”; và quả thực, ơn huệ lương thực đã có đó ngay trên bàn trước mắt chúng ta. Vì thế, sự sống của chúng ta, ở mức độ căn bản nhất là đến từ Chúa và là của Chúa. Và điều Chúa chờ đợi nơi chúng ta, là một lời nguyện phát xuất từ con tim biết ơn và dâng hiến: “Chúa đã ban cho con tất cả, con xin dâng lại Chúa tất cả”, trong tâm tình ca tụng, tôn kính và phụng sự Thiên Chúa”, theo khuôn mẫu của Đức Ki-tô Thánh Thể.
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
[1] “Thương một người”, bài hát, của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
[2] Bản dịch Việt ngữ: “Người ban lương thực…”. Trong tiếng Do thái, “Người ban bánh…”.
[3] Một Cha Giáo nói với các tập sinh: “Các anh cứ tưởng là khi ăn chay, các anh sẽ thánh thiện hơn. Nhưng thực ra, các anh chỉ gầy đi hơn thôi”.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn