Thứ Ba tuần 22 thường niên.

Thứ hai - 31/08/2020 08:09

Thứ Ba tuần 22 thường niên.

"Tôi biết Ngài là ai rồi, là Đấng Thánh của Thiên Chúa".

 

Lời Chúa: Lc 4, 31-37

Khi ấy, Chúa Giêsu xuống thành Capharnaum, xứ Galilêa, và ở đó Người giảng dạy họ trong các ngày Sabbat. Người ta bỡ ngỡ về giáo lý của Người, vì lời giảng dạy của Người có uy quyền. Bấy giờ trong hội đường, có một người bị quỷ ô uế ám, thét to lên rằng: "Hỡi Giêsu Nadarét, giữa chúng tôi và Ngài có chuyện chi đâu? Ngài đến tiêu diệt chúng tôi sao? Tôi biết Ngài là ai rồi, là Đấng Thánh của Thiên Chúa". Nhưng Chúa Giêsu trách mắng nó rằng: "Hãy câm đi và ra khỏi người này". Và quỷ vật ngã người đó giữa hội đường và xuất khỏi nó, mà không làm hại gì nó.

Mọi người kinh hãi và bảo nhau rằng: "Lời gì mà lạ lùng vậy? Vì Người dùng quyền năng mà ra lệnh cho các thần ô uế, và chúng phải xuất ra". Danh tiếng Người đồn ra khắp nơi trong xứ.

 

 

Suy Niệm 1: Lời có uy quyền

Suy niệm :

Phép lạ đầu tiên được kể trong Tin Mừng Luca là một phép lạ trừ quỷ,

diễn ra tại hội đường Caphácnaum vào một ngày sabát (c. 31).

Đức Giêsu dạy dỗ dân chúng, và họ sửng sốt trước lời dạy của Ngài,

bởi lẽ lời của Ngài là lời đầy quyền uy (c. 32).

Quyền uy làm sửng sốt ấy đến từ con người Ngài,

vì Ngài chính là Ngôi Lời của Thiên Chúa.

Trong hội đường ngày hôm đó, có một người bị quỷ thần ô uế nhập.

Anh ta tự nhiên la to, vì thấy mình bị đe dọa: “Ông Giêsu Nadarét,

chuyện chúng tôi can gì đến ông ? Ông đến tiêu diệt chúng tôi sao?”

Sự hiện diện và lời dạy quyền uy của Đức Giêsu, làm quỷ xuất đầu lộ diện.

Nhưng nó sợ, muốn tránh Ngài trong cuộc chiến không cân sức.

Quỷ biết rõ đối thủ có sức tiêu diệt mình là ai.

Nó biết được điều mà dân chúng không biết về căn tính của Đức Giêsu.

Ngài không phải chỉ là ông Giêsu ở Nadarét,

mà còn là Đấng Thánh của Thiên Chúa (c. 34).

Có một sự đối lập gay gắt giữa thần ô uế và Đấng Thánh tinh tuyền.

Đức Giêsu trừ thần ô uế chỉ bằng một lời quát mắng (c. 35).

“Câm đi, hãy xuất ra khỏi người này !”

Ngài không cho quỷ nói lên danh tánh của Ngài,

vì Ngài không muốn sự thật được nói lên bởi miệng những kẻ dối trá.

Lời truyền lệnh của Ngài khiến thần ô uế phải xuất ra.

Nó không còn được ở lại hay có quyền gì trên người này nữa.

Quỷ vật anh ngã xuống, xuất ra, nhưng lại không làm hại được anh.

Người trong hội đường kinh ngạc, không vì chuyện Đức Giêsu trừ quỷ,

nhưng vì họ thấy uy quyền và uy lực nơi lời nói của Ngài (c. 36).

Lời nói ra như một mệnh lệnh, và quỷ phải vâng nghe.

Thế giới hôm nay dễ bị tấn công và thống trị bởi các thần ô uế.

Thần ô uế có mặt ở khắp nơi, và có sức hấp dẫn mê hoặc con người.

Ô uế nơi thân xác, nơi trí tưởng tượng, nơi những ám ảnh không ngơi.

Ô uế trở thành một thứ văn hóa, xâm nhập vào mọi ngõ ngách,

chi phối mọi lối nghĩ và lối hành xử của con người.

Chúng ta phải nhìn nhận sức mạnh của thần ô uế trong thế giới hôm nay.

Rất nhiều bạn trẻ đã phải thú nhận mình không đủ sức kháng cự lại.

Đức Giêsu cho chúng ta niềm tin vào sự chiến thắng.

Sự hiện diện của Ngài làm thần ô uế không thể giấu mặt.

Sự thánh thiện của Ngài làm nó phải run sợ cúi đầu.

Uy quyền và uy lực nơi Lời quát mắng của Ngài khiến nó phải tháo lui.

Hãy để cho Đức Giêsu thánh thiện có chỗ trong đời chúng ta.

Hãy tin vào sức mạnh giải phóng của Lời Ngài.

Hãy để Lời Ngài nâng chúng ta dậy và cho chúng ta được tự do.

Một người ở trong hội đường hay nhà thờ cũng có thể bị thần ô uế ám.

Chúng ta mong Chúa cho ta khả năng trục được sự ô uế ra khỏi đời ta.

 

Cầu nguyện :

Lạy Chúa Giêsu,

ai trong chúng con cũng thích tự do,

nhưng mặt khác chúng con thấy mình dễ bị nô lệ.

Có nhiều xiềng xích do chính chúng con tạo ra.

Xin giúp chúng con được tự do thực sự :

tự do trước những đòi hỏi của thân xác,

tự do trước đam mê của trái tim,

tự do trước những thành kiến của trí tuệ.

Xin giải phóng chúng con khỏi cái tôi ích kỷ,

để dễ nhận ra những đòi hỏi tế nhị của Chúa,

để nhạy cảm trước nhu cầu bé nhỏ của anh em.

Lạy Chúa Giêsu,

xin cho chúng con được tự do như Chúa.

Chúa tự do trước những ràng buộc hẹp hòi,

khi Chúa đồng bàn với người tội lỗi

và chữa bệnh ngày Sabát.

Chúa tự do trước những thế lực đang ngăm đe,

khi Chúa không ngần ngại nói sự thật.

Chúa tự do trước khổ đau, nhục nhã và cái chết,

vì Chúa yêu mến Cha và nhân loại đến cùng.

Xin cho chúng con đôi cánh của tình yêu hiến dâng,

để chúng con được tự do bay cao. Amen.

(Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.)

 

Suy Niệm 2: TIẾN HÀNH CUỘC CHIẾN ĐẤU

(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Ô nhiễm đang là một vấn đề lớn và nan giải. Từ ô nhiễm môi trường sống với nước thải, khói xăng, khí độc đến ô nhiễm thực phẩm với chất bảo quản, với phân bón và với cách chế biến thực phẩm. Nhưng tất cả đều bắt nguồn từ sự ô uế nơi tâm hồn con người. Đừng tưởng thần ô uế chỉ có thời Chúa Giêsu. Nó vẫn hiện diện thời chúng ta và đang tác oai tác quái. Con người bị ô uế từ trong tư tưởng với những ý đồ xấu xa trục lợi. Ô uế thấm vào cả trái tim với những ước muốn tội lỗi. Con người đang hít thở bầu khí ô uế, đươc nuôi dưỡng bằng những món ăn ô uế và còn dự tính mở rộng môi trường ô uế. Những nỗ lực ngăn chặn ô uế, thanh tẩy môi trường đạo đức hầu như vô hiệu. Con người bất lực. Chỉ còn trông chờ sức mạnh của Thiên Chúa.

Có hai điều đáng sợ do ma quỉ lừa gạt. Điều thứ nhất ma quỉ trấn an chúng ta: “Không can gì đâu”. Ô uế không sao đâu. Tội lỗi không sao đâu. Điều thứ hai nó thấm nhập và trở thành một phần không thể thiếu của đời ta. Khi Chúa trục xuất thần ô uế, người bị quỉ ám ngã vật xuống như chết đi. Có những sự xấu như tiền bạc, danh vọng, chức quyền, lạc thú trở thành nhu cầu. Ta tưởng sẽ chết nếu thiếu chúng.

Vì thế thánh Phao-lô khuyên các tín hữu Tét-xa-lô-ni-ca hãy vào cuộc chiến đấu. Thần ô uế là bóng tối. Con cái Chúa là ánh sáng. Đi theo thần ô uế là ngủ mê. Đi theo ánh sáng của Chúa phải tỉnh thức. Sống theo thần ô uế là chiều theo dục vọng. Sống theo ánh sáng của Chúa là tiết độ: “Thưa anh em, anh em không ở trong bóng tối, để ngày ấy như kẻ trộm bắt chợt anh em. Vì tất cả anh em là con cái ánh sáng, con cái của ban ngày. Chúng ta không thuộc về đêm, cũng không thuộc về bóng tối. Vậy chúng ta đừng ngủ mê như những người khác, nhưng hãy tỉnh thức và sống tiết độ” (năm lẻ).

Đó chính là cuộc chiến giữa xác thịt và Thần khí. Ai sống theo xác thịt thì có sự khôn ngoan của trần gian để chiếm đoạt danh, lợi, thú của trần gian. Ai sống theo Thần Khí thì trước mặt thế gian bị coi là điên rồ, nhưng thực ra họ có sự khôn ngoan của Nước Trời: “Con người sống theo tính tự nhiên thì không đón nhận những gì của Thần Khí Thiên Chúa, vì cho đó là sự điên rồ; họ không thể biết được, bởi vì phải nhờ Thần Khí mới có thể xét đoán” (năm chẵn).

Cuộc chiến rất khốc liệt. Để dứt lìa thần ô uế ta phải đau đớn như chết đi, giống như người bị quỉ ám ngã vật xuống. Chúng ta chỉ thắng được nhờ sức mạnh của Chúa Ki-tô. Nhưng chúng ta chỉ có Chúa khi sống trong ánh sáng, khi đi theo sự hướng dẫn của Thần Khí.

 

Suy Niệm 3: Bộ mặt đích thực của Giáo Hội

Khi Giáo Hội sống đúng ơn gọi và sứ mệnh của mình, Giáo Hội là một sức mạnh tinh thần khiến cho các chế độ chính trị phải trọng nể hay lo sợ. Sức mạnh ấy không tới từ thế giới hay những phương tiện Giáo Hội có trong tay.

Giáo Hội múc lấy sức mạnh từ chính uy quyền của Ðấng sáng lập là Chúa Kitô. Thật thế, Chúa Kitô đã hứa ngay cả cửa hỏa ngục cũng không thắng nổi Giáo Hội. Chúa Giêsu đã phú bẩm cho Giáo Hội uy quyền của chính Ngài. Tin Mừng hôm nay ghi lại phản ứng của dân chúng khi họ lắng nghe lời giảng dạy của Ngài và nhất là khi Ngài trừ quỉ. Họ thán phục vì Ngài giảng dạy như Ðấng có uy quyền.

Trong cách đánh giá thông thường, một người xem là có uy tín khi tài năng hay đức độ của người đó được nhìn nhận, lời nói của một người có uy tín có sức thuyết phục người khác, việc làm có uy tín của một người có thể tạo được niềm tin nơi người khác. Nói chung, nơi một người có uy tín, lời nói và việc làm thường đi đôi với nhau, hoặc việc làm và cuộc sống có giá trị thuyết phục và lôi kéo. Chúa Giêsu giảng dạy như Ðấng có uy quyền là bởi vì Ngài chỉ giảng dạy những gì Ngài đã sống và sống những gì Ngài rao giảng. Lời nói của Ngài lại được củng cố bởi cuộc sống và những việc làm của Ngài. Ðây chính là uy quyền mà Chúa Giêsu đã mặc cho Giáo Hội của Ngài. Giáo Hội chỉ thực sự thể hiện được uy quyền của Chúa Giêsu khi Giáo Hội sống và rao giảng những gì Ngài đã sống và rao giảng. Giáo Hội chỉ thực sự thể hiện được bộ mặt đích thực của mình khi sống phục vụ mà thôi. Càng thể hiện được bộ mặt thật ấy, Giáo Hội càng tỏ ra là một sức mạnh có sức đạp đổ mọi thứ khí giới và sự dữ và trở thành chỗ dựa cho mọi người.

Là thành phần của Giáo Hội, mỗi người tín hữu có nghĩa vụ phải bày tỏ bộ mặt đích thực của Giáo Hội. Sức mạnh và uy quyền của Giáo Hội được thể hiện không phải qua con số các tín hữu hay qua các biểu dương của số đông mà thiết yếu qua cuộc sống có tính thuyết phục của các tín hữu. Giữa một xã hội trống rỗng những giá trị đạo đức, các tín hữu Kitô phải thể hiện một niềm tin có sức mang lại ý nghĩa cho cuộc sống. Giữa một xã hội băng giá về ích kỷ, các tín hữu Kitô cần phải sống một tình mến có sức sưởi ấm tâm hồn con người. Giữa một xã hội chao đảo về thiếu định hướng, các tín hữu Kitô phải bày tỏ một niềm hy vọng có sức soi rọi vào tăm tối của cuộc sống mọi người.

Nguyện xin Chúa Giêsu, Ðấng giảng dạy với uy quyền, củng cố niềm tin, gia tăng đức mến và bảo toàn niềm trông cậy nơi chúng ta.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 4: Một người đầy uy quyền

Trong hội đường có một người bị quỷ thần ô uế nhập, la to lên rằng: “Ông Giêsu Na-gia-rét, chuyện chúng tôi can gì đến ông, mà ông đến tiêu diệt chúng tôi? Tôi biết ông là ai rồi: Ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa!” Nhưng Đức Giêsu quát mắng nó: “Câm đi, hãy xuất khỏi người này!”quỷ vật người ấy xuống giữa hội đường, rồi xuất khỏi anh ta, nhưng không làm hại gì anh. (Lc. 4, 33-35)

Ngay từ buổi đầu cuộc giảng đạo công khai, Đức Giêsu tỏ ra một người đầy uy lực. Lời và hành động của Người biểu lộ quyền bính phi thường.

Chỉ trong một thời gian ngắn, Đức Giêsu đã tỏ ra là bậc thầy dạy một giáo lý vững chắc có sức đáng động và gây ấn tượng mạnh ngay tại những người Do-thái chịu ảnh hưởng của nhiều trường luật sĩ giảng dạy rất đông đệ tử. Dân chúng say mê nghe lời Người. Không phải chỉ nhờ lời nói hay. Người còn liên kết sứ điệp của Người với quyền phép trừ quỷ bằng một sức mạnh làm những người chứng kiến kinh ngạc.

Từ hai ngàn năm, Đức Giêsu không bao giờ ngừng tạo thế lực vừa bằng đạo lý, vừa bằng hành động giải phóng nhân loại, không chỉ cứu thân xác bệnh hoạn mà nhất là cứu tâm trí con người được hạnh phúc. Ngày nay hơn bao giờ hết, Người lôi cuốn mọi người khám phá về Người. Không bao giờ người ta nói về Người nhiều như ngày nay, hoặc để thử loại bỏ Người, chối không có Người hoặc bảo vệ Người rất nhiệt tình. Báo chí, truyền thanh, truyền hình, sách vở, nghệ thuật âm nhạc, quảng cáo đã thấm nhập về Đức Kitô và tuyên truyền làm cho người ta hiểu biết về Đức Kitô một cách tiêu cực hay tích cực.

Dù người ta nói gì, Người vẫn là một bậc Thầy vĩ đại trong các bậc Thầy cho mọi người trên trái đất phải suy nghĩ. Đúng như câu kết thúc đoạn Tin Mừng hôm nay:

“Tiếng đồn về Người lan ra khắp mọi nơi”. Và như ông Si-mê-on đã nói tiên tri: “Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Ít-ra-en, vấp ngã hay được chỗi dậy. Cháu còn là dấu hiệu bị người đời chống báng. Còn chính bà,thì một mũi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà, ngõ hầu những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người phải lộ ra”. (Lc. 2, 34-35)

 

Suy Niệm 5: Lời nói và cuộc sống

Ðược bầu làm Bề trên cộng đoàn, một tu sĩ nọ đến hỏi một vị ẩn sĩ nổi tiếng khôn ngoan và thánh thiện: - Thưa cha, thế nào là một bài giảng hay?

Vị ẩn sĩ trả lời: - Một bài giảng hay phải là bài giảng có nhập đề và kết luận hay, nhất là phần nhập đề và kết luận càng gần nhau càng tốt.

Khi nói đến khoảng cách giữa nhập đề và kết luận trong một bài giảng, hẳn vị ẩn sĩ muốn nói đến sự trung thực của lời nói. Một lời nói được xem là trung thực khi giữa lời nói và thực tế không có khoảng cách, nhưng có sự thống nhất giữa lời nói và cuộc sống.

Lời nói vốn là phạm trù cơ bản nhất trong Kitô giáo. Ở khởi đầu Kinh Thánh, chúng ta thấy rằng hoạt động đầu tiên của Thiên Chúa là nói, nhưng khi Thiên Chúa nói thì liền có vạn vật. Không có khoảng cách giữa lời của Thiên Chúa và hành động của Ngài. Lời của Thiên Chúa là lời chân thật, nghĩa là luôn được thể hiện bằng hành động và có hiệu quả. Khởi đầu Tin Mừng của ngài, thánh Gioan cũng xác quyết: "Từ khởi thủy đã có Lời và Lời đã hóa thành nhục thể". Nơi Chúa Giêsu, lời là thực tế, nghĩa là không có khoảng cách giữa lời Ngài và cuộc sống của Ngài. Và đó có thể là ý tưởng mà Tin Mừng hôm nay gợi lên cho chúng ta.

Chúa Giêsu giảng dạy như Ðấng có uy quyền. Uy quyền ấy không phải là thứ uy quyền được áp đặt trên người khác. Uy quyền của Chúa Giêsu phát xuất từ chính sự thống nhất giữa lời nói và hành động của Ngài: Ngài chỉ cần nói với tên quỉ câm: "Câm đi, hãy ra khỏi người này", thì phép lạ liền xẩy ra. Những người chứng kiến phép lạ đã thấy được sự khác biệt giữa lời giảng dạy của Chúa Giêsu và của các Luật sĩ đương thời.

Phép lạ của Chúa Giêsu cũng là một lời giảng dạy. Thật thế, sứ điệp trọng tâm trong lời rao giảng của Chúa Giêsu chính là sự giải phóng. Ngài không chỉ nói về sự giải phóng, mà còn chứng thực cho những người nghe Ngài biết được thế nào là giải phóng. Phép lạ người câm được giải thoát mang một ý nghĩa đặc biệt đối với Chúa Giêsu: giải phóng trước tiên là giải phóng con người khỏi xiềng xích của dối trá. Chúa Giêsu đã có lần nói với người Do thái: "Sự thật sẽ giải phóng các ngươi".

Lời Chúa là lời chân thật. Ước gì lời ấy giải thoát chúng ta khỏi mọi thứ xiềng xích của dối trá, để lời tuyên xưng và cuộc sống của chúng ta luôn được thống nhất. Trong một xã hội đầy trói buộc và dối trá thì chứng tá cuộc sống là lời nói có giá trị nhất.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 6: SỰ THẬT SẼ GIẢI PHÓNG CHÚNG TA (Lc 4, 31-37)

Trong xã hội hôm nay, nạn nói dối đã trở thành “đại dịch” và không ít người đang trong tình trạng “nan y”. Trước diễn biến đó, nhiều người đã phải gióng lên những hồi chuông cảnh tỉnh tới mọi thành phần trong xã hội... Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, chúng ta đã “bó tay”, bởi vì nạn thành tích, hối lộ, gian tham đã trở thành “ung thư” đang dần gặm nhấm làm sói mòn lương tâm con người.

Vì thế, không lạ gì khi người ta chẳng còn tin tưởng lẫn nhau, bởi những món ăn người ta thiết đãi nhau lại toàn là: “Bánh vẽ" lẫn "thịt lừa”. Vì thế, như một hệ lụy, bây giờ tìm được một người tử tế thật thì quả là: “Mò kim đáy biển”!

Hôm nay, Đức Giêsu đã làm cho mọi người bỡ ngỡ về giáo lý của Ngài, vì lời giảng dạy của Ngài có uy quyền. Tại sao vậy? Thưa! Bởi vì Ngài giảng dạy không giống các Kinh Sư và Pharisêu. Mọi lời Ngài phát ra đều chân thật. Sự thật trong lời nói và hành động của Ngài đã trở thành một thể thống nhất, vì thế, đã làm cho người tiếp nhận phải suy nghĩ và tự cật vấn lương tâm.

Thật vậy, chỉ có sự thật mới giúp chúng ta trở thành người tự do đích thực. Chỉ có sự thật mới làm cho chúng ta đối xử với nhau chân tình và mới giải phóng chúng ta cách trọn vẹn. Và, cũng chỉ có sự thật mới làm cho chúng ta thành con Chúa đúng nghĩa.

Hôm nay, Đức Giêsu đã dùng quyền năng của Thiên Chúa để chỉ cho ma quỷ thấy sự thật của nó là kẻ chuyên gây nên gian dối, đau khổ và chết chóc cho con người. Vì thế, chỉ một lời nói: “Câm đi, hãy ra khỏi người này”, thì phép lạ liền xảy ra. Đây là sự khác biệt giữa Đức Giêsu và những nhà lãnh đạo tôn giáo thời bấy giờ!

Thật vậy, nhờ sự thật trong quyền năng, Đức Giêsu đã giải phóng con người thông qua hình ảnh của những người bị quỷ câm ám. Qua phép lạ này, Đức Giêsu cho thấy, con người luôn bị sự gian dối cầm buộc. Cần phải giải thoát bằng sự thật, nếu không, con người vẫn mãi bị cầm tù trong những chuyện gian tham xảo quyệt.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay cho chúng ta thấy: chúng ta thuộc về Thiên Chúa thì phải “ly dị” sự dối trá trong tư tưởng, hành động, lời nói và việc làm. Không được sống tráo trở, dối trá, hai mặt... Nếu cứ an nhiên tự tại để sống trong sự dối trá, thì đương nhiên, chúng ta thuộc về thế giới của những kẻ gian dối, mà thủ lãnh của trong thế giới này là ma quỷ.

Điều mà chúng ta cần nhận ra hệ lụy nhãn tiền cho những ai ưa trò cầu thân nịnh bợ và sống giả tạo là: họ không có uy quyền và sức cảm hóa trong lời nói và việc làm. Đôi khi những việc đạo đức, lời nói thánh thiện của họ phát ra lại trở thành gương mù gương xấu và phản tác dụng, chẳng khác gì: “Gậy ông đập xuống lại dần lưng ông”; hay như: “ngửa mặt... và nhổ nước miếng, đương nhiên nước miếng rơi chúng mặt mình???”. Mặt khác, lại là cớ cho người khác khinh bỉ, bởi vì họ đang ngu ngơ diễn xuất màn kịch vụng về đến nỗi trở nên lố bịch trên một “sân khấu ảo”.

Mỗi khi chúng ta sống như thế, hẳn chúng ta trở nên vô nghĩa với Thiên Chúa và vô dụng với tha nhân, bởi lẽ đây là hệ quả của con cái ma quỷ.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con hiểu rằng: chỉ có sự thật mới đem lại cho chúng con hạnh phúc, bình an và có giá trị thực sự, bởi vì sự thật thuộc về Thiên Chúa. Gian dối thuộc về ma quỷ. Xin cho chúng con biết khôn ngoan để lựa chọn. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

Lời của Người đầy uy quyền và mạnh mẽ – SN song ngữ 01.9.2020

Tuesday (September 1): “His word was with authority and power”

 

Scripture: Luke 4:31-37

31 And he went down to Capernaum, a city of Galilee. And he was teaching them on the Sabbath; 32 and they were astonished at his teaching, for his word was with authority. 33 And in the synagogue there was a man who had the spirit of an unclean demon; and he cried out with a loud voice, 34 “Ah! What have you to do with us, Jesus of Nazareth? Have you come to destroy us? I know who you are, the Holy One of God.” 35 But Jesus rebuked him, saying, “Be silent, and come out of him!” And when the demon had thrown him down in the midst, he came out of him, having done him no harm. 36 And they were all amazed and said to one another, “What is this word? For with authority and power he commands the unclean spirits, and they come out.” 37 And reports of him went out into every place in the surrounding region.

Thứ Ba   1-9           Lời của Người đầy uy quyền và mạnh mẽ

 

Lc 4,31-37

31 Người xuống Ca-phác-na-um, một thành miền Ga-li-lê, và ngày sa-bát, Người giảng dạy dân chúng.32 Họ sửng sốt về cách Người giảng dạy, vì lời của Người có uy quyền.33 Trong hội đường, có một người bị quỷ thần ô uế nhập, la to lên rằng:34 “Ông Giê-su Na-da-rét, chuyện chúng tôi can gì đến ông, mà ông đến tiêu diệt chúng tôi? Tôi biết ông là ai rồi: ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa! “35 Nhưng Đức Giê-su quát mắng nó: “Câm đi, hãy xuất khỏi người này! ” Quỷ vật người ấy ngã xuống giữa hội đường, rồi xuất khỏi anh ta, nhưng không làm hại gì anh.36 Mọi người rất đỗi kinh ngạc và nói với nhau: “Lời ấy là thế nào? Ông ấy lấy uy quyền và thế lực mà ra lệnh cho các thần ô uế, và chúng phải xuất! “37 Và tiếng đồn về Người lan ra khắp nơi trong vùng.

Meditation: 

 

When you listen to the word of God in Scripture how do you respond to it? Do you hear it with indifference, selective submission, or with the full assent of faith and obedience? When Jesus taught he spoke with authority. He spoke the word of God as no one had spoken it before. When the Rabbis taught they supported their statements with quotes from other authorities. The prophets spoke with delegated authority – Thus says the Lord. When Jesus spoke he needed no authorities to back his statements. He was authority incarnate – the Word of God made flesh. When he spoke, God spoke. When he commanded even the demons obeyed.

God’s Word is alive and active

Cyril of Alexandria (376-444 AD), in his commentary on this passage from the Gospel of Luke, tells us that Jesus had all power and authority to heal every sickness and expel every demonic power because he was the living and active Word of God the Father (John 1:14 and Hebrews 4:12):

The bystanders, witnesses of such great deeds, were astonished at the power of his word. He performed his miracles, without offering up a prayer, asking no one else at all for the power to accomplish them. Since he is the living and active Word of God the Father, by whom all things exist, and in whom all things are, in his own person he crushed Satan and closed the profane mouth of impure demons. [Commentary on Luke, Homily 12].

God’s Word has power to set us free
God’s living and abiding Word is truth and life and it has power to set us free from every sin and oppression and bring us healing of body, mind, and spirit. If the demons, the fallen angels, were able to recognize the power and authority of Jesus, the Son of God, how much more should we recognize and believe in the power and authority of the Gospel – the good news of Jesus Christ, and entrust our lives to the Lord Jesus?

God’s Word produces life and freedom for us
The Lord Jesus speaks his life-giving Word to us each and every day so that we may walk in the freedom of his love and truth. If we approach the Word of God with meekness and humility, and with an eagerness to do everything the Lord desires, we are in a much better position to learn what God wants to teach us through his word. Are you ready to follow the Lord Jesus and to conform your life according to his word?

“Lord Jesus, you have the words of everlasting life. May I never doubt your saving love and mercy, and the power of your word to bring healing, restoration, and freedom from every sin and oppression.”

Suy niệm: 

 

Bạn phản ứng thế nào khi nghe hay đọc lời Chúa? Bạn có nghe lời Chúa với sự vâng phục lãnh đạm và ép buộc, hay với sự ưng thuận của đức tin và vâng phục? Khi Đức Giêsu giảng dạy, Người nói với uy quyền. Chưa từng có ai nói lời Chúa như Người. Khi các thầy Rabbis giảng dạy, họ củng cố cho lời nói của mình với những câu trích dẫn từ những người có uy quyền. Các ngôn sứ nói với quyền được ủy thác – Đức Chúa phán như vậy. Khi Đức Giêsu nói, Người không cần bất cứ uy quyền nào củng cố cho lời nói của mình. Vì Người chính là Ngôi lời đầy uy quyền – Ngôi Lời của Thiên Chúa mặc lấy xác phàm. Khi Người nói tức là Thiên Chúa nói. Khi Người ra lệnh, thì cả ma quỷ cũng phải vâng nghe.

 

Lời Chúa hằng sống và năng động

Giáo phụ Cyril thành Alexandria (376-444 AD), trong bài chú giải về đoạn văn Tin mừng của thánh Luca này, nói với chúng ta rằng Đức Giêsu có mọi quyền lực và uy quyền để chữa lành mọi bệnh tật và xua đuổi mọi quyền lực ma quỷ bởi vì Người là Ngôi Lời hằng sống và năng động của Chúa Cha (Ga 1,14 và Hr 4,12):

Những người ngoài cuộc, những chứng nhân của những việc lạ lùng như thế, đã kinh ngạc về quyền lực của Lời Người. Người đã làm các dấu lạ mà không cần cầu nguyện, không cầu khẩn tí nào với một ai khác cho quyền lực để thực hiện chúng. Vì Người chính là Ngôi Lời hằng sống và năng động của Chúa Cha, bởi Người mà mọi vật hiện hữu, và trong Người mọi vật tồn tại, tự nơi mình Người đã đè bẹp Satan và khóa miệng xúc phạm của các thần ô uế (Chú giải TM Luca, bài giảng 12).

Lời Chúa có sức mạnh giải thoát chúng ta

Lời hằng sống và ở cùng Thiên Chúa chính là chân lý và sự sống, nó có quyền lực để giải thoát chúng ta khỏi mọi tội lỗi và áp bức và đem lại cho chúng ta sự chữa lành của thân xác, tâm trí, và linh hồn. Nếu ma quỷ, các thiên thần sa ngã, mà còn nhận ra quyền lực và uy thế của Đức Giêsu, Con Thiên Chúa, thì chúng ta còn phải nhận ra và tin vào quyền lực và uy thế của Tin mừng – Tin mừng của Đức Giêsu Kitô, và phó thác cuộc sống của mình cho Chúa Giêsu biết bao nhiêu nữa?

Lời Chúa phát sinh sự sống và tự do cho chúng ta

Chúa Giêsu nói lời ban sự sống của Người cho chúng ta mỗi ngày và mọi ngày để chúng ta có thể bước đi trong sự tự do của tình yêu và chân lý của Người. Nếu chúng ta đến với lời Chúa một cách tùng phục, với lòng nhiệt thành để thi hành mọi điều Chúa mong muốn, thì chúng ta đang ở trong một vị trí tốt nhất để học biết những gì Thiên Chúa muốn dạy cho chúng ta qua lời của Người. Bạn có sẵn sàng bước theo Chúa Giêsu và thích ứng cuộc đời mình theo lời của Người không?

Lạy Chúa Giêsu, Chúa có những lời ban sự sống đời đời. Ước gì con không bao giờ nghi ngờ tình yêu cứu độ và lòng thương xót của Chúa và sức mạnh của lời Chúa để mang lại sự chữa lành, sự hồi phục, và giải thoát khỏi mọi tội lỗi và áp bức.

Tác giả: Don Schwager
(http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/)
Bro. Paul Thanh Vu – chuyển ngữ

 

SUY NIỆM

1. Lời của Người có uy quyền

Bài Tin Mừng mở đầu và kết thúc với kinh nghiệm «sửng sốt» và «kinh ngạc», khi nghe lời của Đức Giê-su và chứng kiến sức mạnh xuất phát từ lời của Người :

Họ sửng sốt về cách Người giảng dạy, vì lời của Người có uy quyền (c. 31)

Mọi người rất đỗi kinh ngạc và nói với nhau: « Lời ấy là thế nào? Ông ấy lấy uy quyền và thế lực mà ra lệnh cho các thần ô uế, và chúng phải xuất! » (c. 36)

Đức Giê-su vẫn tiếp tục giảng dạy trong Giáo Hội, trong bầu khí cầu nguyện của những kì tĩnh tâm với Lời Chúa, và nhất là trong Thánh Lễ. Xin cho chúng ta cũng có cùng một kinh nghiệm: « Lời của Người có uy quyền! » đối với nội tâm và cuộc đời của chúng ta.

 2. Sự Dữ mạnh hơn con người

Chúng ta hãy hình dung ra người bị quỉ thần ô uế nhập trong hội đường. Ngày nay, hiện tượng này hầu như không còn nữa ; nhưng không vì thế mà các quỉ thần ô uế không có mặt và hoạt động mạnh mẽ. Bằng chứng là đời sống của chúng ta hiện nay bị chi phối nặng nề bởi những năng động xấu, đến từ ma quỉ : ghen tị, ghen ghét, nghi ngờ, nóng giận, gian dối, lừa đảo, không tôn trọng người khác, bạo lực, ham muốn vô độ, sợ chân lí, mưu đồ, bạo lực, phi nhân, thú tính… Trong những năng động xấu này, một đàng con người có trách nhiệm tạo ra và nuôi dưỡng ; nhưng đàng khác, những năng động chết chóc này lại mạnh hơn con người. như thánh Phao-lô nói: « vậy, tôi làm gì tôi cũng chẳng hiểu: vì điều tôi muốn, thì tôi không làm, nhưng điều tôi ghét, thì tôi lại cứ làm… Nếu tôi cứ làm điều tôi không muốn, thì không còn phải là chính tôi làm điều đó, nhưng là Tội vẫn ở trong tôi » (Rm 7, 15.20)

Theo cách này, ma quỉ đã biến người ta thành tay sai của chúng để gây ra bầu khí chết chóc và đi làm hại người khác. Cách ma quỉ ám người ta như thế còn nghiêm trọng hơn là dằn vặt thân xác ở bên ngoài, như trường hợp người bị quỉ thần ô uế nhập được kể lại trong bài Tin Mừng và như chúng ta thỉnh thoảng vẫn nghe nói có người này người kia bị quỉ ám.

Như thế, luôn luôn có Tội cư ngụ ở trong chúng ta và ám chúng ta. Đó không phải là những tội chúng ta đã phạm, nhưng là Tội (viết hoa), mà thánh Phao-lô mô tả như là một nhân vật, như là Ma Quỉ hay Sự Dữ. Và ai trong chúng ta cũng có sứ mạng « trừ quỉ » ở bình diện này, sau khi đã được chính sức mạnh của Lời Chúa giải thoát.

3. Lời của Đức Giê-su mạnh hơn Sự Dữ

Tội hay Sự Dữ và tất cả những gì thuộc về Sự Dữ thì mạnh hơn chúng ta (x. St 3, 1-7) ; và chính bản thân mỗi người chúng ta có kinh nghiệm này. Chính vì thế, trong bài Tin Mừng, chính ma quỷ lên tiếng chứ không phải người bị quỉ ám; người này không làm chủ được mình nữa. Chưa hết, dường như nó còn muốn thỏa hiệp với Đức Giê-su: « Ông Giê-su Nazareth, chuyện chúng tôi can gì ông, mà ông đến tiêu diệt chúng tôi? » Nói cách khác, ma quỉ muốn sống theo nguyên tắc: nước giếng không phạm nước sông; đôi bên thỏa hiệp, không cần giao chiến với nhau làm gì cho đôi bên đều bị tổn thất!

Nhưng Đức Giê-su là Sự Thiện, là Ánh Sáng, là Chân Lý, là Sự Sống tuyệt đối, vì thế Sự Dữ, Bóng Tối, Gian Dối và Sự Chết tất yếu phải bị tiêu tan. Bạo lực của Sự Dữ tất yếu bị tiêu tan không phải vì một bạo lực khác lớn hơn, như cách hành động của con người : để trấn áp một hỏa lực (nghĩa là bạo lực), con người phải dùng một hỏa lực lớn hơn. Bởi lẽ Thiên Chúa không thể là bạo lực, cho dù là bạo lực để bảo vệ sự thiện. Nói cách khác, Thiên Chúa không thể dùng phương tiện của Sự Dữ để chống lại Sự Dữ. Nhưng Sự Dữ bị tiêu tan là do bản chất. Hình ảnh ánh sáng đẩy lùi một cách tự nhiên bóng tối minh họa rất đúng cách Thiên Chúa chiến thắng Sự Dữ, Thiên Chúa chiến thắng Sự Dữ không phải bằng bạo lực, nhưng bằng sự hiền lành, được tỏ hiện cách tuyệt đối nơi mầu nhiệm Thập Giá của Đức Ki-tô.

Sự Dữ mạnh hơn con người, nhưng lời của Đức Giê-su, Đấng Thánh của Thiên Chúa, mạnh hơn Sự Dữ. Sức mạnh của Lời Chúa không phải là sức mạnh của bạo lực, nhưng là sức mạnh của ánh sáng. Thực vậy, trong bài Đức Giê-su, Đức Giê-su quát mắng nó: «Câm đi hãy xuất ra khỏi người này ». Lời của Đức Giê-su vẫn được ban cho chúng ta mỗi ngày, để giải thoát chúng ta khỏi quỉ thần ô uế, khỏi Sự Dữ, để làm cho chúng ta trở nên tự do, hiền lành, an vui và tin tưởng. Chúng ta hãy học đón nhận lời của Đức Giê-su vào trong lòng của chúng ta, vào trong gia đình, trong nhóm, trong cộng đoàn, trong xã hội của chúng ta, để cùng với các chứng nhân khác của Giáo Hội, chúng ta công bố :

Lời ấy là thế nào ? Ngài lấy uy quyền và thế lực mà ra lệnh cho các thần ô uế, và chúng phải xuất !

Nhìn lại đời mình, chúng ta thấy mình không nghe và không sống Lời Chúa được bao nhiêu ; chính khi đó, tất yếu chúng ta sẽ bị cho Sự dữ và những năng động của Sự Dữ ám chúng ta, nhập vào người chúng ta và thúc đẩy chúng ta hành động. Nhưng Lời Chúa hôm nay giúp chúng ta bình an và tin tưởng, bởi vì, nếu chúng ta yếu đuối và bất lực, thì Lời Chúa có sức mạnh đẩy lùi sự dữ ra khỏi nội tâm và cuộc sống của chúng ta và làm cho chúng ta được tái sinh trong tương quan mới với Chúa và với nhau.

Tương tự như trong mầu nhiệm Sáng Tạo, nhờ Lời Chúa mà cõi hỗn mang đã trở thành môi trường sống hài hòa, trật tự và đẹp đẽ, từ đó phát sinh sự sống và nơi đó sự sống được duy trì (x. St 1, 1-2, 4a). Sự sống của loài người và của từng người chúng ta sẽ tất yếu trở thành hỗn mang, nếu không được nuôi dưỡng bởi Lời Chúa. Như Đức Giê-su nói trong Bài Giảng Trên Núi :

Ai nghe những lời Thầy nói đây, mà chẳng đem ra thực hành, thì ví được như người ngu dại xây nhà trên cát. Gặp mưa sa, nước cuốn hay bão táp ập vào, nhà ấy sẽ sụp đổ, sụp đổ tan tành. (Mt 7, 26-27)

*  *  *

Dưới ánh sáng của Lời Chúa trong Thánh Lễ này, chúng ta được mời gọi đọc lại đời mình, và nhận ra những thiếu sót trong việc nghe và sống Lời Chúa. Đó chính là nguyên nhân sâu xa gây ra nhiều khó khăn, bất ổn và xung khắc trong đời sống chung của chúng ta. Xin Chúa thương xót tha thứ cho chúng ta và giải thoát chúng ta khỏi những năng động xấu, những quỉ thần ô uế bằng Lời của Ngài.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây