Thứ tư tuần 22 thường niên.

Thứ ba - 01/09/2020 08:14

Thứ tư tuần 22 thường niên.

"Ta còn phải rao giảng Tin Mừng cho các thành khác, bởi chính vì thế mà Ta đã được sai đến".

 

Lời Chúa: Lc 4, 38-44

Khi ấy, Chúa Giêsu chỗi dậy ra khỏi hội đường, Người đến nhà Simon. Nhạc mẫu ông Simon phải cơn sốt nặng, và người ta xin Người chữa bà ấy. Người đứng bên bà, truyền lệnh cho cơn sốt, và cơn sốt biến khỏi bà. Tức thì bà chỗi dậy, và dọn bữa hầu các ngài.

Khi mặt trời lặn, mọi người có bệnh nhân đau những chứng bệnh khác nhau, đều dẫn họ đến cùng Người. Người đặt tay trên từng bệnh nhân, và chữa họ lành. Các quỷ xuất khỏi nhiều người và kêu lên rằng: "Ông là Con Thiên Chúa". Nhưng Người quát bảo không cho chúng nói, vì chúng biết chính Người là Đức Kitô.

Đến sáng ngày (hôm sau), Người ra đi vào hoang địa, dân chúng liền đi tìm đến cùng Người, họ cố cầm giữ Người lại, kẻo Người rời bỏ họ. Người bảo họ rằng: "Ta còn phải rao giảng Tin Mừng nước Thiên Chúa cho những thành khác, bởi chính vì thế mà Ta đã được sai đến". Và Người giảng dạy trong các hội đường xứ Giuđêa.

 

Suy Niệm 1: Phải loan báo Tin Mừng

Suy niệm :

Sáng ngày sabát Đức Giêsu đã giảng dạy ở hội đường Caphácnaum.

Lời của Ngài đầy uy quyền và uy lực.

Lời ấy đã trục được quỷ khỏi một người đàn ông (Lc 4, 31-37).

Có lẽ đến trưa, Đức Giêsu rời khỏi hội đường để về nhà ông Simôn.

Tiếc thay bà mẹ vợ của ông lại bị sốt nặng, nằm một chỗ.

Người ta yêu cầu Ngài chữa cho người phụ nữ này.

Ngài đã lại gần và cúi xuống trên bà.

Ngài quát mắng cơn sốt như đã quát mắng thần ô uế (c. 39).

Lập tức cơn sốt phải rút lui.

Bà có thể đứng dậy được để phục vụ cơm nước cho Đức Giêsu và môn đệ.

Một lần nữa, chúng ta lại thấy sức mạnh của Lời Ngài.

Ngài chữa bệnh cho người phụ nữ chỉ bằng một lời ra lệnh.

Bệnh tật, dù nhẹ đi nữa, cũng làm phiền con người,

làm cản trở mọi sinh hoạt bình thường, và làm con người mất tự do.

Đức Giêsu đã nâng dậy một người đang nằm, mất sức làm việc.

Khi mặt trời lặn, lúc đã hết ngày sabát là ngày lễ nghỉ,

người ta mới đem cho Ngài những người bị đau đủ thứ bệnh.

Ngài chữa cho họ bằng cách đặt tay trên từng người (c. 40).

Đức Giêsu cúi xuống và chạm vào nỗi đau của từng thân xác.

Không rõ khi nào Ngài dừng tay để đi ngủ.

Chỉ biết khi trời hừng sáng, Ngài đã thức dậy ra đi, đến một nơi vắng vẻ.

Hẳn là Ngài cần chút thinh lặng, để xa đám đông, để gặp gỡ Cha,

Ngài cần dâng cho Cha một tuần mới đang đến.

Đức Giêsu không chỉ mê phục vụ cho đám đông,

Ngài còn mê ở một mình, mê cầu nguyện, mê chỗ vắng.

Nhưng các đám đông hối hả đi tìm Ngài, vì nhiều người cần chữa bệnh.

Khi bắt được Ngài, họ không cho Ngài lìa bỏ họ (c. 42).

Thành công và tiếng tăm, thiện cảm và sự thân quen gần gũi,

là những điều có thể giữ chân người tông đồ.

Trước sự chèo kéo của những người đau yếu đang thực sự cần Ngài,

Đức Giêsu vẫn muốn giữ cho mình sự tự do của người được Cha sai.

Ngài nhìn thấy cánh đồng mênh mông của thế giới.

Ngài hiểu là mình không được phép dừng chân ở một chỗ, để đặt trụ sở.

Ngài biết là mình được mời gọi lên đường mỗi ngày.

Đâu phải chỉ có thành Caphácnaum hay Nadarét hay vùng Galilê.

“Tôi còn phải loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa

cho các thành khác nữa, vì tôi được sai cốt để làm chuyện đó” (c. 43).

Chữ phải đến như một mệnh lệnh từ Cha, kéo Đức Giêsu đi không nghỉ.

Ngài vượt qua bao biên giới của gia đình, làng quê, tỉnh thành…

Rồi có ngày việc loan báo Tin Mừng sẽ trải dài đến tận cùng thế giới.

Khi chữa lành cho con người, Đức Giêsu cho thấy Nước Thiên Chúa đến.

Con người hôm nay cũng bị đau yếu về nhiều mặt.

Mong mỗi tông đồ hôm nay cũng có khả năng chữa lành như Thầy Giêsu.

 

Cầu nguyện :

Lạy Chúa Giêsu thương mến,

xin ban cho chúng con

tỏa lan hương thơm của Chúa

đến mọi nơi chúng con đi.

Xin Chúa hãy tràn ngập tâm hồn chúng con

bằng Thần Khí và sức sống của Chúa.

Xin Chúa hãy xâm chiếm toàn thân chúng con

để chúng con chiếu tỏa sức sống Chúa.

Xin Chúa hãy chiếu sáng qua chúng con,

để những người chúng con tiếp xúc

cảm nhận được Chúa đang hiện diện nơi chúng con.

Xin cho chúng con biết rao giảng về Chúa,

không phải bằng lời nói suông,

nhưng bằng cuộc sống chứng tá,

và bằng trái tim tràn đầy tình yêu của Chúa. (Mẹ Têrêxa Calcutta)

(Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.)

 

Suy Niệm 2: TẤM LÒNG BAO LA

(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Như mặt trời trên bầu trời tỏa sáng trên muôn loài, đem sức sống cho con người và súc vật, cho hoa nở, cho trái chín, cho giòng nước trong xanh. Như mưa từ trời rơi xuống cho khí hậu mát mẻ, cho lúa mọc, cho sa mạc có sức sống. Tình Chúa bao la ấp ủ muôn loài.

Hãy xem một ngày làm việc của Chúa Giêsu. Người làm việc không biết mỏi mệt. Có giảng dậy trong Hội đường. Có chiến đấu với ma quỉ. Có đám đông mênh mông đến với Người. Nhưng cũng có thời giờ gặp gỡ riêng tư với người thân. Và nhất là có thì giờ tâm sự với Chúa Cha ngay từ sáng sớm. Người đi đến đâu là mở rộng Nước Thiên Chúa đến đấy. Phá tan vương quốc sự dữ. Diệt tan đau khổ, bệnh tật, bất hạnh. Đem đến an ủi, niềm hi vọng. Đem đến sự sống và sự sống dồi dào.

Nhiều người nhìn thấy trong đó mối lợi riêng tư, nên muốn giữ chân Người. Nhưng tấm lòng bao la, Người phải lên đường đi đến với hết mọi người ở khắp mọi nơi. Bao lâu còn khổ đau bước chân Người còn dong duổi. Ở đâu còn bất hạnh trái tim Người còn thổn thức. Tin Mừng chưa đến tận cùng trái đất tâm hồn Người chưa biết đến nghỉ ngơi. Người phải đi khắp nơi vì Nước Trời không biên giới. “Tôi còn phải loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa cho các thành khác nữa”.

Nhưng có những môn đệ chưa hiểu điều đó, nên vẫn còn cục bộ phân chia. Kẻ theo A-pô-lô. Người theo Phao-lô. Đó là vì họ còn theo tính xác thịt chưa theo Thần Khí. Đó là vì họ còn muốn thiết lập nước trần gian chưa đi vào Nước Trời. Đó là vì họ còn ấu trĩ chưa đủ trưởng thành. “Vì anh em còn là những con người sống theo tính xác thịt. Bao lâu giữa anh em có sự ghen tương và cãi cọ, thì anh em chẳng phải là những con người sống theo tính xác thịt và theo thói người phàm sao? Khi người này nói: “Tôi, tôi thuộc về ông Phao-lô” …thì anh em chẳng là người phàm tục sao” (năm chẵn).

Người môn đệ phải có tấm lòng bao la như Chúa. Bao la để đón tiếp và cộng tác với mọi sứ giả của Chúa, dù đó là Phao-lô, Ti-mô-thê hay Ê-páp-ra. Bao la để không chỉ yêu mến người thân, cộng đoàn mà còn yêu mến cả thế giới. Bao la để cho Tin Mừng lớn lên không chỉ ở một địa phương nhưng là toàn cầu. Bao la để cho niềm tin và niềm trông cậy vươn tới Nước Trời: “Tin Mừng này đang sinh hoa trái và lớn lên trên toàn thế giới như thế nào, thì nơi anh em cũng vậy” (năm lẻ).

 

Suy Niệm 3: Mến Chúa Và Yêu Người

Năm 1990, trong chuyến viếng thăm Phi Châu, Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã đến Gia Mô Su Cô, thủ đô nước Qua Tê Ðô Bu A để kính viếng Vương Cung Thánh Ðường Ðức Mẹ Nữ Vương Hòa Bình do tổng thống nước này cho xây cất và dâng tặng cho Tòa Thánh.

Ðược mô phỏng từ Vương Cung Thánh Ðường ở Rôma, ngôi giáo đường vĩ đại này có thể chứa đến tám ngàn chỗ ngồi và mười ngàn chỗ đứng. Người ta không biết rõ kinh phí xây cất ngôi thánh đường này là bao nhiêu, nhưng tổng thống Kufues cho biết mọi chi phí đều do gia đình ông đài thọ. Vào giữa lúc dân chúng Qua Tê Ðô Bu A vẫn còn sống trong nghèo nàn lạc hậu, nhiều người đã có lý để chất vấn ông Kufues tại sao không dùng số tiền kếch sù ấy để xây cất trường học và đẩy mạnh công cuộc phát triển có lợi cho dân nghèo. Ðây cũng chính là điều kiện để Tòa Thánh đón nhận món quà của tổng thống nước này.

Ðức Thánh Cha đã đến thánh hiến Vương Cung Thánh Ðường Ðức Mẹ Nữ Vương Hòa Bình nhưng đồng thời cũng kêu gọi tổng thống Kufues quan tâm tới công tác giáo dục và xã hội cho dân nghèo. Do đó, tổng thống Kufues đã tặng cho Giáo Hội một khu đất gần nhà thờ để thiết lập một bệnh viện cho người nghèo.

Ðức Thánh Cha đã thánh hiến ngôi giáo đường nguy nga nhưng đồng thời cũng đặt viên đá đầu tiên để xây cất bệnh viện. Cử chỉ này mang một ý nghĩa tượng trưng cao độ, nó nói lên mối quan tâm của Giáo Hội đối với vấn đề phát triển toàn diện con người.

Rao giảng Tin Mừng không chỉ có nghĩa là công bố những chân lý liên quan đến phần rỗi linh hồn, sống đạo không chỉ có nghĩa là xây cất nhà thờ và chu toàn những việc đạo đức đóng khung trong bốn bức tường nhà thờ. Góp phần phát triển xã hội, tranh đấu cho công bình, nỗ lực mang lại no cơm ấm áo và xoa dịu bao vết thương đau của con người, đó cũng là thành phần thiết yếu của công cuộc rao giảng Tin Mừng.

Giáo Hội trong thế giới ngày nay như hiến chế Vui Mừng và Hy Vọng khẳng định không thể xa lạ hay làm ngơ trước những vui mừng và hy vọng, đau thương và sầu khổ của con người thời đại, và những vấn đề sống còn của con người. Giáo Hội hành động như thế là vì tính cách toàn diện của ơn cứu rỗi. Thiên Chúa không chỉ cứu rỗi phần linh hồn mà cả con người với hồn lẫn xác. Giáo Hội loan báo ơn cứu rỗi toàn diện như thế là bởi vì chính Chúa Giêsu đã loan báo và thực hiện một ơn cứu rỗi như thế. Ngài không chỉ rao giảng và hứa hẹn một Nước Trời hoàn toàn xa lạ với những thực tại trần thế. Nước Trời mà Ngài rao giảng đến ngay trong những thực tại trần thế và trong cuộc sống cụ thể của con người. Ngài không chỉ tha tội trừ quỉ, chữa phần linh hồn mà còn dâng bánh và cá cho nhiều người được ăn no nê, cũng như chữa lành mọi thứ tật bệnh của con người.

Cử chỉ của Chúa Giêsu đối với nhạc mẫu của thánh Phêrô và việc Ngài đặt tay chữa những người bệnh tật ốm đau được ghi lại trong Tin Mừng hôm nay là điển hình của một tình yêu được trải rộng đến mọi người, từng người, từng nhu cầu của con người mà Chúa Giêsu muốn Giáo Hội tiếp tục trong thế giới ngày nay. Cần có nhà thờ để qui tụ lại, tôn vinh Thiên Chúa và thỏa mãn nhu cầu thiêng liêng của con người, nhưng càng cần có nhà thương và trường học để phục vụ con người hơn. Gặp gỡ Thiên Chúa trong nhà thờ đã đành, nhưng gặp gỡ Ngài trong tha nhân và cuộc sống hàng ngày mới thiết thực hơn. Có những giây phút tĩnh lặng để cầu nguyện, nhưng cầu nguyện là để được tỉnh thức hơn hầu gặp gỡ, yêu thương và phục vụ người anh em trong cuộc sống hàng ngày. Con đường nào cũng phải dẫn tới nhà thờ nhưng nhà thờ nào cũng có lối thông với cuộc đời. Người tín hữu Kitô gặp gỡ Chúa để múc lấy sức sống và trở lại cuộc sống hàng ngày hầu gặp gỡ và yêu thương người anh em của mình nhiều hơn.

Nguyện xin Chúa cho chúng ta biết thống nhất hai giới răn mến Chúa và yêu người và ý thức rằng cốt lõi của Ðạo là Tình Yêu.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 4: Tin mừng cho toàn thế giới

Sáng ngày, Người đi ra một nơi hoang vắng. Đám đông tìm Người, đến tận nơi Người đã đến, và muốn giữ Người lại, kẻo Ngài bỏ họ mà đi. Nhưng Người nói với họ: “Tôi còn phải loan báo Tin Mừng cho thành khác nữa, vì tôi được sai đi cốt để làm, việc đó.” (Lc. 4, 42-43)

Đức Kitô đã nói:” Tôi còn phải loan báo Tin Mừng nước Thiên Chúa cho các nơi khác nữa, vì tôi được sai đi cốt để làm việc đó”. Người không chỉ đến một thành, là Ca-pha-na-um, hay những vùng lân cận đó, nhưng đến tận cùng thế giới.Chữa những bà mẹ vợ và còn bao nhiêu bà khác nữa!Chữa những người bị quỷ ám và còn phải đuổi bao nhiêu thần ôuế khác nữa!

Đừng nên bóp nghẹt Người vào một chỗ: đừng nên độc quyền nắm giữ sứ điệp nước trời cho riêng mình. Cần phải loan truyền Tin Mừng cho khắp mọi nơi như Người đã muốn, như chính Người đã làm. Chúng ta không thể là những người sở hữu độc nhất và đặc quyền khai thác Tin Mừng. Hiến chế về Giáo Hội của công đồng Va-ti-can II nói với chúng ta: “ Mỗi môn đệ của Chúa Kitô, tùy theo địa vị của mình, đều phải làm tròn trách nhiệm gieo hạt giống đức tin”. (số 17). Phép rửa tội làm cho chúng ta trở nên những nhà truyền giáo. Chúng ta không chỉ là Kitô hữu cho nơi của mình. Về phần chúng ta phải mang Tin Mừng đi khắp mọi nơi chúng ta đến.

Giáo Hội phát triển nhờ những cuộc bách hại thời sơ khai thúc đẩy các môn đệ Chúa Kitô đi lập cơ sở mới ra khỏi thế giới Do-thái. Những bất mãn hiện thời của nhiều nhóm công giáo lâu đời buộc chúng ta phải cởi mở ra thế giới khác chúng ta, họ khao khát Thiên Chúa, có sức thấm nhuần và thăng tiến lời Chúa mạnh mẽ. Xưa, Đức Giêsu đã truyền lệnh cho các tông đồ: “ Nếu họ từ chối các con, thì các con hãy đi sang làng khác”. Thiên Chúa không còn áp đặt. Con Chúa cũng vậy. Suốt dòng lich sử Giáo Hội, chúng ta đã quên điều đó. Công đồng Va-ti-can II đã nhắc nhở chúng ta trong một tuyên ngôn cách mạng về tự do tôn giáo.

Thật chính đáng khi nhận biết rằng: tất cả là ơn Chúa, tất cả là sự quan phòng của Chúa, tất cả qui hướng về vinh quang cao cả của Chúa. Những người bị bỏ rơi đã được Chúa chọn, khiến chúng ta phải hiểu ơn gọi của người Kitô chúng ta là: Hãy đi đến với mọi người không trừ ai, vì không có một người nào mà Chúa không ghé mắt đoái nhìn. Còn chúng ta, phải nói gì với họ.

GF

 

Suy Niệm 5: Chữa Trị Bệnh Tật

"Chúng ta hãy làm một cái gì tốt đẹp cho Thiên Chúa" đó là lời phát biểu của Mẹ Têrêsa Calcutta để gián tiếp chấp nhận lời yêu cầu của một số ký giả và những người làm phim muốn làm một cuốn phim tài liệu trình bày những công việc từ thiện do Mẹ và các Nữ tu Dòng Thừa sai bác ái thực hiện. Từ mấy chục năm nay, tinh thần và tình yêu của Mẹ Têrêsa đối với những người đau khổ bệnh tật đã được lan ra khắp nơi trên thế giới, như một tiếp tục công tác chính Chúa Giêsu đã thực hiện mà chúng ta có thể đọc thấy trong Tin Mừng hôm nay.

Thuật lại biến cố Chúa Giêsu chữa bệnh bà mẹ vợ ông Simon và nhiều người khác, thánh sử Luca ghi lại: "Lúc mặt trời lặn, tất cả những ai có người nhà đau yếu mắc đủ thứ bệnh hoạn, tật nguyền, đều đưa tới Ngài. Ngài đặt tay trên từng bệnh nhân và chữa lành họ". Những dòng kế tiếp cho thấy Chúa Giêsu có uy quyền trên sự dữ. Ở đây sự dữ xuất hiện dưới hai hình thức: bệnh tật và ma quỉ. Chúa Giêsu ra lệnh và quở mắng để chế ngự, nhưng Ngài không tiêu diệt chúng. Ngoài ra, trong nhiều cơ hội khác, Chúa Giêsu làm gương bằng sự ân cần của Ngài đối với các bệnh nhân, kể cả những người mang chứng bệnh khiếp sợ nhất lúc bấy giờ là bệnh phong cùi.

Trong giáo huấn của Ngài, Chúa Giêsu còn đi xa hơn: Ngài đồng hóa mình với những người bệnh tật, những người nghèo đói, những kẻ sa cơ lỡ bước, những người bị cầm tù. Ngài nói: "Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta". Qua cuộc khổ nạn và cái chết trên Thập giá, Chúa Giêsu đã đem lại cho đau khổ và bệnh tật ý nghĩa và giá trị cứu rỗi.

Xin cho công trình giải phóng và cứu rỗi của Chúa được nhiều người quảng đại dấn thân tiếp tục. Xin cho đôi mắt đức tin chúng ta sáng suốt để nhận ra Chúa nơi những người đang cần được giúp đỡ.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 6: CỨU ĐỘ BẰNG TÌNH THƯƠNG (Lc 4, 38 - 44)

“Ông là Con Thiên Chúa”. Đây là lời tuyên xưng của ma quỷ khi bị Đức Giêsu trục xuất khỏi những người mà chúng làm hại. Tuy nhiên, Đức Giêsu đã dùng quyền năng của Thiên Chúa mà truyền cho chúng phải câm miệng.

Tại sao vậy? Thưa! Bởi vì Đức Giêsu biết rất rõ trong tâm thức thực dụng của các môn đệ và những người Dothái thời bấy giờ là mong muốn và hy vọng về một Đấng Messia theo kiểu trần tục. Họ khát mong Đấng đó phải là người: giải phóng dân tộc Israel khỏi ách đô hộ của đế quốc Lamã, đem lại tự do, cơm no áo ấm và vinh quang cho đất nước...

Nhưng sứ mạng của Đức Giêsu không phải đến để giải phóng theo ý hướng của họ, mà là đến để giải thoát con người khỏi những ràng buộc của tội lỗi, chữa lành bệnh tật và đem lại cho họ niềm hạnh phúc thật sự là được ở với Chúa.

Vì thế, Đức Giêsu đã cấm ma quỷ nói về Ngài, vì bây giờ không phải là lúc thuận tiện để mọi người hiểu được cốt lõi sứ mạng nơi Đức Giêsu.

Thật vậy, con đường cứu độ của Đức Giêsu là con đường của vâng lời, hy sinh, phục vụ, tự hủy và chịu chết, chứ không phải là con đường nhung lụa, vũ trang, quyền lực, thống lãnh... theo kiểu nhà binh.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi người hãy sống và chu toàn sứ mạng mà Chúa trao phó trong vai trò và bổn phận của mình cách trung thành. Luôn đứng về phía người nghèo, thấp cổ bé họng, để bênh đỡ họ, vì chính Chúa đã đồng hóa Ngài với những người như thế. Đây phải là đối tượng số một của Tin Mừng và sứ mạng của người Kitô hữu. Mặt khác, đây cũng là thước đo lòng yêu mến Chúa của chúng ta.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con luôn biết sống tinh thần yêu thương như Chúa khi xưa, hầu nhiều người sẽ nhận ra chúng con là môn đệ của Chúa khi chúng con biết yêu thương nhau. Amen.

Ngọc Biển SSP



 

SUY NIỆM

1. Từ “Hội Đường” đến “nhà ông Phêrô”

“Đức Giê-su rời khỏi hội đường, đi vào nhà ông Simon”; ông Simon là người mà sau này Đức Giêsu đặt thêm một tên mới: Phêrô, nghĩa là đá, để nói lên sứ mạng của ông. Trong viễn tượng này, hành trình của Đức Giêsu từ hội đường đến nhà ông Simon Phêrô mang đầy ý nghĩa:

  • Từ Cựu Ước sang Tân Ước; từ Israel sang Dân Mới của Thiên Chúa, là Giáo Hội.
  • Từ nơi phượng tự sang ngôi nhà của đời sống bình thường.
  • Từ cầu nguyện đến ước ao sống ngày sống và cuộc đời mình như một lời cầu nguyện.

Cũng như mỗi khi chúng ta, sau Thánh Lễ, sau giờ chầu và giờ kinh, chúng ta rời khỏi Nhà Nguyện để đến nơi chúng ta sống và làm việc. Và chính ở nơi chúng ta sống và làm việc mà ở đó diễn ra mọi vấn đề của cuộc sống (vấn đề tương quan, vấn đề công việc, chuyện vui chuyện buồn, những lo lắng…) và mọi vấn đề của thân phận con người (sinh, lão, bệnh, tử).

Nhưng cũng chính tại nơi chúng ta sống và làm việc mà niềm tin của chúng ta nơi Chúa, kinh nghiệm ơn cứu độ và đời sống ơn gọi, Ki-tô hữu hay tu trì, được thử thách và qua đó trở nên đích thực.

Vì thế, chúng ta được mời gọi chiêm ngắm những gì diễn ra trong nhà ông Simon Phêrô, vì tuy những gì diễn ra ở đây thật đơn sơ, nhỏ bé và giới hạn, nhưng lại nói cho chúng ta cách thức để cho Chúa đi vào trong đời thường của chúng ta.

 2. Ơn chữa lành và phục vụ

Lúc ấy, trong nhà, bà mẹ vợ ông Simon đang bị sốt nặng; Tin Mừng theo thánh Mác-cô và thánh Mát-thêu thêm chi tiết này: bà nằm liệt trên giường. Họ xin Người chữa bà. Tin Mừng theo thánh Mác-cô kể tinh tế hơn: “lập tức họ nói cho Người biết tình trạng của bà” (Mc 1, 30).

Chúng ta có thể dừng lại ở đây để cảm nếm sự hiệp thông của nhiều người được dệt nên chung quanh người bệnh, nhờ sự hiện diện của Đức Giêsu: mọi người trong nhà và cả những người có mặt ở đó quan tâm đến người mẹ. Thánh Mác-cô xác định, đó là các môn đệ. Điều này có nghĩa là, người thân của một người trong nhóm, đã trở thành người thân của tất cả nhóm. Chúng ta đã có kinh nghiệm này trong đời sống đức tin và nhất là trong đời sống dâng hiến. Sự quan tâm dành cho nhau trong thực tế và trong lời nguyện, chính là nét thiết yếu làm nên Cộng Đoàn, và làm nên Dân Mới do Đức Giêsu qui tụ.

Đức Giêsu cúi xuống gần bà, ra lệnh cho cơn sốt, và cơn sốt biến mất. Thánh Mác-cô mô tả chi tiết hơn: “Người lại gần, cầm lấy tay bà mà đỡ dậy”. Như thế ơn chữa lành đến từ cuộc gặp gỡ trực tiếp giữa Đức Giêsu và người bệnh; một cuộc gặp gỡ thật gần gũi và trìu mến. Đức Giêsu cũng đón nhận người thân của các môn đệ như là người thân của chính mình. Và đây là mẹ vợ chứ không phải mẹ ruột!

Cơn sốt biến mất và bà mẹ bắt đầu phục vụ họ, nghĩa là Đức Giêsu và cả nhà. Bà khỏi bệnh và lấy lại sức sống, không chỉ là sức sống thể lý, nhưng là sức sống mới phát xuất từ lòng biết ơn, vì thế, hành động đầu tiên bà thực hiện đó là phục vụ. Cũng giống như chúng ta, chúng ta được Đức Giêsu chữa lành, phục hồi, giải thoát, tha thứ, chúng ta dâng hiến cuộc đời trong ơn gọi gia đình, và nhất là ơn gọi dâng hiến ngang qua đời sống cộng đoàn, ba lời khấn, sứ vụ để diễn tả lòng cảm mến và để phục vụ.

*  *  *

Trong cuộc sống, chúng ta cũng nhiều khi mang bệnh, không phải là bị sốt, vì bệnh sốt đã có nhiều loại thuốc tây paracetamol, aspirine… chữa rất hiệu quả. Nhưng đó là những bệnh nội tâm vô hình, những bệnh này cũng làm cho chúng ta “liệt giường”, “liệt giường” trong tương quan với Chúa, trong tương quan với anh em hay chị em trong cộng đoàn hay gia đình và những người thân yêu, và có thể nói, “liệt giường” cả trong xác tín về ơn gọi và sứ vụ.

Chúng ta được mời gọi quan tâm đến nhau và cầu nguyện cho nhau như các môn đệ xưa, để Đức Giêsu đến gần, đụng vào từng người chúng ta và ra lệnh cho “mọi bệnh hoạn tật nguyền” của chúng ta biến đi, để ai trong chúng ta cũng có kinh nghiệm được Đức Giê-su chữa lành, nhờ lòng tin và sự liên đới của nhiều người.

Và chỉ với kinh nghiệm chữa lành này, chúng ta mới có thể sống với nhau thực sự, phục vụ nhau và phục vụ người khác cách thực sự, ngang qua ơn gọi mà Chúa ban cho mỗi người chúng ta. “Một cách thực sự”, có nghĩa là chúng ta sống và phục vụ trong tâm tình biết ơn và lòng mến đối với Đấng ban ơn, là Đức Ki-tô.

3. Rao giảng và trừ quỉ

Chúng ta được mời gọi nhận ra sự tự do của Đức Giêsu đối với nhu cầu của chính mình và của con người: Đức Giê-su không muốn khơi ra nhu cầu và tìm cách đáp ứng (như nền kinh tế thị trường trong đó chúng ta đang sống); nhưng, Ngài chỉ khơi dậy lòng ước ao Thiên Chúa, có nơi sâu thẳm của con người.

Vì thế, trong thực tế, Ngài đã không làm hết việc, Ngài chỉ chữa nhiều người nhưng không chữa hết mọi người. Do đó, vẫn còn nhiều người nữa đang tìm Ngài, họ còn nhờ các môn đệ đi tìm dùm! Nhưng Đức Giê-su rời nơi đó để đi nơi khác, đến các làng mạc chung quanh, và khắp miền Galilê để rao giảng và trừ quỉ (lưu ý: hoạt động chữa bệnh không được nêu ra).

Ngài dường như chỉ muốn đi lướt qua lịch sử con người, và chỉ dừng lại ở một số thân phận. Bởi vì Ngài chỉ muốn vạch ra cho chúng ta con đường phải đi, con đường dẫn đến ơn chữa lành triệt để và đích thực, đó là ơn chữa lành bởi Thập Gia, như thư Do Thái mặc khải cho chúng ta:

Như vậy, nhờ cái chết của Người, Người đã tiêu diệt tên lãnh chúa gây ra sự chết, tức là ma quỷ, và đã giải thoát những ai vì sợ chết mà suốt đời sống trong tình trạng nô lệ. (Dt 2, 14-15)

Ơn này sẽ dành cho mọi người thuộc mọi thời và mọi nơi. Và Ngài vẫn cần chúng ta nói cho con người hôm nay về Ngài, và ơn chữa lành triệt để của Ngài, và cách nào đó, chúng ta cũng cần nói cho Ngài về con người hôm nay, như các môn đệ đã làm trong “Nhà ông Phêrô”.

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
 

Người đặt tay trên mọi người và chữa lành cho họ – SN song ngữ 2.9.2020

 

Wednesday (September 2): “He laid his hands on every one and healed them”

 

Scripture: Luke 4:38-44

38 And he arose and left the synagogue, and entered Simon’s house. Now Simon’s mother-in-law was ill with a high fever, and they asked him about her. 39 And he stood over her and rebuked the fever, and it left her; and immediately she rose and served them. 40 Now when the sun was setting, all those who had any that were sick with various diseases brought them to him; and he laid his hands on  every one of them and healed them. 41 And demons also came out of many, crying, “You are the Son of God!” But he rebuked them, and would not allow them to speak, because they knew  that he was the Christ. 42 And when it was day he departed and went into a lonely place. And the people sought him and came to him, and would have kept him from leaving  them; 43 but he said to them, “I must preach the good news of the kingdom of God to the other cities also; for I was sent for this purpose.” 44 And he was preaching in the synagogues of Judea.

Thứ Tư   2-9            Người đặt tay trên mọi người và chữa lành cho họ

 

Lc 4,38-44

38 Đức Giê-su rời khỏi hội đường, đi vào nhà ông Si-môn. Lúc ấy, bà mẹ vợ ông Si-môn đang bị sốt nặng. Họ xin Người chữa bà.39 Đức Giê-su cúi xuống gần bà, ra lệnh cho cơn sốt, và cơn sốt biến mất: tức khắc bà trỗi dậy phục vụ các ngài.40 Lúc mặt trời lặn, tất cả những ai có người đau yếu mắc đủ thứ bệnh hoạn, đều đưa tới Người. Người đặt tay trên từng bệnh nhân và chữa họ.41 Quỷ cũng xuất khỏi nhiều người, và la lên rằng: “Ông là Con Thiên Chúa! ” Người quát mắng, không cho phép chúng nói, vì chúng biết Người là Đấng Ki-tô.42 Sáng ngày, Người đi ra một nơi hoang vắng. Đám đông tìm Người, đến tận nơi Người đã đến, và muốn giữ Người lại, kẻo Người bỏ họ mà đi.43 Nhưng Người nói với họ: “Tôi còn phải loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa cho các thành khác nữa, vì tôi được sai đi cốt để làm việc đó.”44 Và Người rao giảng trong các hội đường miền Giu-đê.

Meditation: 

 

Who do you take your troubles to? Jesus’ disciples freely brought their troubles to him because they found him ready and able to deal with any difficulty, affliction, or sickness which they encountered. When Simon Peter brought Jesus to his home for the Sabbath meal (right after Jesus preached in the synagogue in Capernaum), his mother-in-law was instantly healed because Jesus heard Simon’s prayer. Jesus could not avoid drawing a crowd wherever he went.

Jesus wants to set us free today

No one who asked Jesus for help was left disappointed. Jesus’ numerous healings and exorcisms demonstrated the power and authority of his word, the “good news of the kingdom of God.” When he rebuked the fever, it immediately left. When he rebuked the demons, they left as well. Why did the demons shudder at Jesus’ presence? They recognized that he was the Christ, the Son of God and that he had power to destroy their kingdom by releasing those bound by it. Jesus came to set us free from bondage to sin and evil. Do you seek freedom in Christ and trust in his power to set you free?

When Jesus and the disciples sought a lonely place to regroup and rest, they found instead a crowd waiting for them! Did they resent this intrusion on their hard-earned need for privacy and refreshment? Jesus certainly didn’t but welcomed them with open-arms. Jesus put human need ahead of everything else. His compassion showed the depths of God’s love and concern for all who are truly needy. Jesus gave the people the word of God and he healed them physically as well as spiritually.

Jesus never tires of hearing and answering our pleas

We can never intrude upon God nor exhaust his generosity and kindness. He is ever ready to give to those who earnestly seek him out. Do you allow Jesus to be the Lord and Healer in your personal life, family, and community? Approach him with expectant faith. God’s healing power restores us not only to health but to active service and care of others. There is no trouble he does not want to help us with and there is no bondage he can’t set us free from. Do you take your troubles to him with expectant faith that he will help you?

 

“Lord Jesus Christ, you have all power to heal and to deliver. There is no trouble nor bondage you cannot overcome. Set me free to serve you joyfully and to love and serve others generously. May nothing hinder me from giving myself wholly to you and to your service.”

Suy niệm: 

 

Bạn thường bày tỏ các vấn đề với ai? Các môn đệ Đức Giêsu thoải mái bày tỏ các vấn đề của mình với Người, bởi vì họ thấy Người luôn sẵn sàng giải quyết với bất cứ khó khăn, đau khổ, bệnh tật mà họ gặp phải. Khi Simon Phêrô dẫn Đức Giêsu về nhà mình để dùng bữa ngày Sabát (ngay sau khi Đức Giêsu giảng dạy trong hội đường Caphanaum), mẹ vợ của ông ngay lập tức được chữa lành bởi vì Đức Giêsu đã nhận lời khẩn cầu của Simon. Đức Giêsu không thể trốn tránh khỏi đám đông những nơi Người đến.

 

 

Đức Giêsu muốn giải thoát chúng ta hôm nay

Vì không ai đến cầu xin Người giúp đỡ mà lại ra về thất vọng. Vô số lần chữa lành bệnh tật và trừ quỷ của Đức Giêsu đã chứng tỏ quyền năng của Lời Người, “Tin mừng của nước Chúa”. Khi Người quở trách cơn sốt, nó liền biến mất lập tức. Khi Người quở trách ma quỷ, chúng cũng phải tháo chạy. Tại sao ma quỷ run sợ trước sự hiện diện của Đức Giêsu? Thưa bởi vì chúng nhận ra Người là Đức Kitô, Con Thiên Chúa và Người có quyền năng tiêu diệt vương quốc của chúng qua việc tháo cởi xiềng xích của những người bị chúng ràng buộc. Đức Giêsu đến để giải thoát chúng ta khỏi sự nô lệ tội lỗi và sự dữ. Bạn có tìm kiếm tự do trong Đức Kitô và tin tưởng quyền năng của Người giải thoát bạn tự do không?

Khi Đức Giêsu và các môn đệ tìm kiếm một nơi vắng vẻ để tụ họp và nghỉ ngơi, ngay lập tức họ phát hiện có đám đông dân chúng đang chờ các ngài! Các ngài có bực tức về việc quấy rầy này trong lúc cần sự yên tĩnh và riêng tư không? Chắc hẳn Đức Giêsu đã không bực tức mà còn mở rộng đôi tay đón chào họ. Đức Giêsu đặt nhu cầu của con người lên hàng đầu hơn mọi thứ khác. Lòng trắc ẩn của Người bày tỏ tình yêu và sự quan tâm sâu thẳm của Thiên Chúa dành cho mọi người thật sự thiếu thốn và nghèo khổ. Đức Giêsu đem lại cho con người Lời Chúa, và Người chữa lành thân xác và tâm hồn của họ.

Đức Giêsu không bao giờ mệt mỏi lắng nghe và đáp lại lời cầu xin của chúng ta

Chúng ta không bao giờ có thể làm cho Người bực bội hay mệt mỏi về sự quảng đại và lòng nhân lành của Người. Người luôn sẵn sàng ban ơn cho những ai thành tâm tìm kiếm Người. Bạn có để cho Đức Giêsu làm Chúa và Đấng chữa lành trong cuộc đời bạn, gia đình bạn, và cộng đoàn bạn không? Hãy đến với Người với một đức tin kiên vững. Quyền năng chữa lành của Chúa phục hồi cho chúng ta không chỉ về sức khỏe mà còn phục hồi năng lực phục vụ và quan tâm đến tha nhân nữa. Không có vấn đề nào mà Người không muốn giúp chúng ta, và cũng không có sự bó buộc nào mà Người không thể giải thoát giúp chúng ta. Bạn có đem những vấn đề của mình đến cho Người với lòng tin kiên vững rằng Người sẽ giúp bạn không?

Lạy Chúa Giêsu Kitô, Chúa có mọi quyền năng để chữa lành và giải thoát. Không một vấn đề hay sự bó buộc nào mà Chúa không vượt thắng. Xin giải thoát con được tự do để con phụng sự Chúa trong hân hoan, và yêu thương và phục vụ tha nhân một cách quảng đại. Ước mong không có gì ngăn cản con hiến trọn cuộc đời mình cho Chúa và cho việc phụng sự Chúa.

Tác giả: Don Schwager
(http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/)
Bro. Paul Thanh Vu – chuyển ngữ

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây