Thứ Sáu tuần 31 thường niên.

Thứ năm - 07/11/2019 08:38

Thứ Sáu tuần 31 thường niên.

"Con cái đời này khi đối xử với đồng loại thì khôn khéo hơn con cái sự sáng".

 

Lời Chúa: Lc 16, 1-8

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Một người phú hộ kia có một người quản lý; và người này bị tố cáo đã phung phí của chủ. Ông chủ gọi người quản lý đến và bảo rằng: "Tôi nghe nói anh sao đó. Anh hãy tính sổ công việc quản lý của anh, vì từ nay anh không thể làm quản lý nữa". Người quản lý thầm nghĩ rằng: "Tôi phải làm thế nào, vì chủ tôi cất chức quản lý của tôi? Cuốc đất thì không nổi, ăn mày thì hổ ngươi. Tôi biết phải liệu thế nào để khi mất chức quản lý thì sẽ có người đón tiếp tôi về nhà họ".

"Vậy anh gọi từng con nợ của chủ đến và hỏi người thứ nhất rằng: "Anh mắc nợ chủ tôi bao nhiêu?" Người ấy đáp: "Một trăm thùng dầu". Anh bảo người ấy rằng: "Anh hãy lấy văn tự, ngồi xuống mau mà viết lại năm mươi". Rồi anh hỏi người khác rằng: "Còn anh, anh mắc nợ bao nhiêu?" Người ấy đáp: "Một trăm giạ lúa miến". Anh bảo người ấy rằng: "Anh hãy lấy văn tự mà viết lại: tám mươi".

"Và chủ khen người quản lý bất lương đó đã hành động cách khôn khéo: vì con cái đời này, khi đối xử với đồng loại, thì khôn khéo hơn con cái sự sáng".

 

 

 

Suy Niệm 1: Hành động khôn khéo

Suy niệm

Bài Tin Mừng hôm nay gợi cho ta câu chuyện về Mạnh Thường Quân.

Ông là tướng quân của nước Tề vào thời Chiến Quốc.

Khi ông sai Phùng Huyên sang đất Tiết đòi nợ về cho mình,

Phùng Huyên lại đốt giấy nợ của nhiều người và tha luôn nợ cho họ.

Mạnh Thường Quân không hiểu hết được ý nghĩa việc làm này.

Một năm sau, khi không được vua Tề tin dùng nữa,

Mạnh Thường Quân phải lui về đất Tiết để cư ngụ.

Dân chúng đổ xô ra đón ông như một vị ân nhân đáng kính.

Bấy giờ ông mới hiểu việc làm khôn ngoan trước đây của Phùng Huyên.

Bài Tin Mừng hôm nay có thể làm chúng ta bối rối.

Người quản gia bị mang tiếng là phung phí tài sản của chủ.

Anh phải nghỉ việc, dù không rõ tiếng tiếng đồn ấy có đúng không.

Anh không được bào chữa gì cho chính mình.

Bây giờ anh chỉ lo chuyện tương lai, sau khi thất nghiệp.

Anh suy nghĩ như một độc thoại: “Mình sẽ làm gì đây?”

Và anh nhận ra những hạn chế của mình về thân xác và tâm lý.

“Cuốc đất thì không nổi, ăn mày thì hổ ngươi” (c. 3).

Dường như một ý nghĩ đã lóe lên trong anh.

“Mình biết phải làm gì rồi, để sau khi mất chức quản gia,

sẽ có người đón rước mình về nhà họ !” (c. 4).

 Anh quản gia chỉ có một thời gian ngắn để thu xếp trước khi ra đi.

Anh đã gọi các con nợ của chủ đến,

và trong tư cách là người còn có quyền, anh cho họ tự tay viết lại giấy nợ.

Họ đều là người nợ ông chủ những số nợ lớn.

Số nợ này được giảm đáng kể, dưới sự gợi ý của anh quản gia.

Một trăm thùng dầu ôliu, nay chỉ còn nợ năm mươi thôi.

Một ngàn giạ lúa, bây giờ chỉ còn nợ năm trăm.

Dĩ nhiên đối với anh,  tất cả đều phải theo nguyên tắc có qua có lại.

Anh đã cho họ được hưởng lợi vào lúc này,

thì hẳn họ sẽ phải nhớ đến anh lúc anh sa cơ lỡ vận (c. 4).

Ông chủ chắc đã biết trò gian xảo của anh.

Những lời đồn đãi trước đây quả không hoàn toàn vô căn cứ (c.1).

Đúng anh là một tên quản gia bất lương.

Vậy mà ông chủ đã khen anh, điều này làm chúng ta bị sốc.

Nhưng chủ không hề khen sự bất lương của anh.

Ông chỉ khen anh về cách hành động khôn khéo (c. 8).

Anh khôn khéo vì anh biết nghĩ ra cách để tìm được bảo đảm cho mình,

dù đó chỉ là thứ bảo đảm vật chất ở đời này có tính tạm bợ.

Đức Giêsu lấy làm tiếc vì con cái ánh sáng là chúng ta

lại không có được sự khôn ngoan như con cái đời này.

Người ngoài đời có nhiều bí quyết để làm giàu, để thành đạt.

Họ có đủ khôn khéo để công việc kinh doanh được trôi chảy.

Họ dám có sáng kiến và dám liều để đem ra thực hiện.

Ước gì chúng ta có sự khôn ngoan đích thực và ngay thẳng,

nghĩa là biết khéo tận dụng mọi sự mình có,

để được gặp Chúa ở đời này và được hạnh phúc ở đời sau.

 

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu,

Giàu sang, danh vọng, khoái lạc.

Là những điều hấp dẫn chúng con.

Chúng trói buộc chúng con

Và không cho chúng con tự do ngước lên cao

Để sống cho những giá trị tốt đẹp hơn.

Xin giải phóng chúng con

Khỏi sự mê hoặc của kho tàng dưới đất,

Nhờ cảm nghiệm được phần nào

Sự phong phú của kho tàng trên trời.

Ước gì chúng con mau mắn và vui tươi

Bán tất cả những gì chúng con có,

Để mua được viên ngọc quí là Nước Trời.

Và ước gì chúng con không bao giờ quay lưng

Trước những lời mời gọi của Chúa,

Không bao giờ ngoảnh mặt

Để tránh cái nhìn yêu thương

Chúa dành cho từng người trong chúng con. Amen

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

 

Suy Niệm 2: Hành xử khôn khéo

Một đạo sĩ đi ngang qua cây dừa, một chú khỉ hái dừa ném xuống đầu ông. Ðạo sĩ lẳng lặng bổ ra lấy nước uống rồi ăn luôn cùi dừa, còn lại vỏ dừa, ông làm thành chén ăn cơm. Nét điềm tĩnh của đạo sĩ là nắm lấy mọi cơ hội trong cuộc sống để mưu ích cho mình. Ông quên đi niềm đau trên đầu của mình cũng như sự tinh nghịch của chú khỉ, để sử dụng tối đa ích lợi của trái dừa.

Khôn ngoan để luôn luôn tích cực xây dựng Nước Trời, đó là lời Chúa Giêsu nhắn nhủ qua dụ ngôn người quản lý trong Tin Mừng hôm nay. Dụ ngôn có lẽ dựa trên một cuộc biển lận xẩy ra trong bất cứ xã hội nào. Chúa Giêsu không có ý tán thành hành vi biển lận của người quản lý; Ngài chỉ khen cung cách giải quyết vấn đề của ông: ông biết nhìn xa thấy rộng để tìm phương thế cho hoạn nạn sắp phủ xuống trên ông. Bài học có thể rút ra từ dụ ngôn chính là tận dụng thời gian, biết tất cả thành cơ may để gặp gỡ Chúa và xây dựng Nước Trời.

Thái độ của con người thường là nổi loạn, than trách, buông xuôi, bỏ cuộc. Chúa Giêsu khuyên chúng ta khôn ngoan điềm tĩnh để biến đau khổ thành cơ may đưa đến một ơn ích cao đẹp hơn. Ðạo sĩ trong câu truyện trên đây không dừng lại để rủa xả con khỉ, nhưng điềm nhiên sử dụng trọn vẹn trái dừa. Người điềm tĩnh khôn ngoan là người biết nhìn một cách lạc quan những thất bại, mất mát trong cuộc sống. Thánh Phaolô đã có cái nhìn lạc quan ấy, khi nói: "Ðối với những ai yêu mến Chúa, thì mọi sự đều dẫn về điều thiện".

Dưới cái nhìn của con người, loài người được xếp theo những hơn thua về tài năng, may mắn, thành công, thông minh, nhưng trong cái nhìn yêu thương của Chúa, tất cả đều là ân sủng. Chúng ta hãy tín thác cho Chúa, đón nhận mọi biến cố như lời mời gọi yêu thương, tin tưởng. Bên kia những gì chúng ta có thể ước đoán, tưởng tượng, Thiên Chúa vẫn yêu thương chúng ta. Hãy xử thế như người quản lý trong dụ ngôn: biến tất cả thành cơ may để nhận ra tình yêu Chúa, để loan báo, chia sẻ tình yêu ấy với mọi người.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 3: Kẻ bất lương

Ðể nói về mầu nhiệm của nước Trời, Chúa Giêsu không những dùng những hình ảnh, những câu chuyện, những nhân vật tốt mà Chúa còn dùng cả những câu chuyện nói được là không tốt gì cho lắm. Và khi dùng đến những câu chuyện, những hình ảnh, những nhân vật không tốt, Chúa Giêsu không cố ý cho các đồ đệ bắt chước sống theo thái độ xấu nhưng để làm nổi bật một đặc tính nào đó và khuyên các đồ đệ hãy làm điều tốt với cùng một đặc tính như vậy. Chẳng hạn nơi Mt 10,16 Chúa Giêsu đã dùng đến hình ảnh con rắn để khuyên các đồ đệ hãy khôn ngoan như con rắn; và trong Phúc Âm thánh Mátthêu chương 24, Chúa Giêsu so sánh mình với hình ảnh kẻ trộm đến ban đêm vào giờ chủ nhà không ngờ. Chúa không đề cao nếp sống của con rắn hay của tên ăn trộm, mà chỉ muốn nói đến đặc tính lanh lợi của con rắn để tránh những cạm bẫy và nhắc đến sự việc Chúa đến một cách bất ngờ như kẻ trộm, để kêu gọi các đồ đệ hãy tỉnh thức sẵn sàng luôn luôn.

Ðể hiểu thêm về dụ ngôn người quản lý gian ngoan này, chúng ta hãy nhớ rằng vào thời Chúa Giêsu, tại vùng đất Palestina, những người sống về nghề quản lý tài sản cho người giầu là những kẻ có toàn quyền sắp đặt việc kinh doanh tài sản của ông chủ, miễn sao được lợi cho ông chủ. Và người quản lý được chia phần trong khoản lời kiếm được. Do đó, trong dụ ngôn Chúa Giêsu kể trên đây, sau khi biết rõ là ông chủ sẽ sa thải mình do những lỗi lầm đã phạm, người quản lý dùng quyền của mình mà bớt xuống số nợ và dĩ nhiên, khi làm như thế anh sẽ chịu thiệt thòi, vì tiền lời không còn nhiều và sẽ được chia lời với ông chủ ít đi. Nhưng anh chấp nhận chịu thiệt thòi như vậy trong hiện tại để có lợi khác là tình bằng hữu của những người mắc nợ ông chủ. Họ sẽ giúp lại anh sau đó khi anh mất việc. Ðó là thái độ khôn ngoan của người đầy tớ bất trung. Và câu cuối cùng của dụ ngôn: "Con cái tối tăm khôn ngoan hơn con cái sự sáng" nhấn mạnh đến ý nghĩa chính của dụ ngôn. Chúa Giêsu không nhắm đề cao người quản lý gian ngoan sắp bị ông chủ cho nghỉ việc, nhưng chỉ nhắm nhấn mạnh đến những cố gắng toan tính của người quản lý sao cho có lợi cho cuộc sống vật chất của mình.

Áp dụng cho các đồ đệ của Chúa Giêsu, những con cái của sự sáng, Chúa Giêsu muốn sao cho các đồ đệ của Ngài cố gắng vận dụng hết khả năng trí khôn của mình để làm cho những nén bạc tài năng Chúa ban cho được trổ sinh những hoa trái tốt đẹp. Những kẻ xấu, những người ác mà còn biết ra sức vận dụng hết khả năng trí khôn của họ để làm chuyện xấu, nghịch luật Chúa, hại anh em. Trong khi đó, tại sao những người đồ đệ đích thực của Chúa Giêsu, những con cái sự sáng lại không dấn thân hết sức mình, không sử dụng hết khả năng trí tuệ của mình để làm điều tốt, bổ ích cho chính mình cũng như cho anh chị em chung quanh.

Người đồ đệ đích thực của Chúa không thể nào có một thái độ ỷ lại, lười biếng trong việc tốt và phải dấn thân tích cực hết sức lực mình. Con hãy yêu mến Thiên Chúa hết lòng, nhưng cũng phải hết sức lực, với hết khả năng trí khôn Chúa ban cho.

Lạy Chúa

Xin thức tỉnh mỗi người chúng con khỏi sự ù lì, lười biếng tinh thần. Nước Chúa dành cho những kẻ mạnh, cho những ai dấn thân hết mình cho điều tốt. Xin thương ban cho chúng con nghị lực kiên trì trong việc tốt, đẹp lòng Chúa, bổ ích cho anh chị em chung quanh. Xin cho chúng con biết hăng say làm việc tốt mà không cần phần thưởng nào khác hơn là biết chúng con đang làm tròn ý Chúa.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 4: Quản lý bất trung

Mình biết phải làm gì rồi! để sau khi mất chức quản gia, sẽ có người đón rước mình về nhà họ! Anh ta cho gọi từng con nợ của chủ đến, và hỏi người thứ nhất: Bác nợ chủ tôi bao nhiêu vậy?” Người ấy đáp: Một trăm thùng dầu ô-liu. Anh ta bảo: Bác cầm lấy biên lai này của bác đây ngồi xuống mau, viết năm chục thôi. Rồi anh ta hỏi người khác: Còn bác, bác nợ bao nhiêu vậy? Người ấy đáp: Một ngàn thùng lúa. Anh ta bảo: Bác cần lấy biên lai của bác đây, viết lại tám trăm thôi.

Và ông chủ khen tên quản gia bất lương đó đã hành động khôn khéo. Quả thế! Con cái đời này khôn khéo hơn con cái ánh sáng khi xử sự với người đồng loại. (Lc. 16, 4-8)

Trên đường đi Giê-ru-sa-lem, Đức Giêsu khi thì nói với biệt phái, lúc nói với dân chúng hay các môn đệ, Người muốn giáo huấn họ đặc biệt về trách nhiệm của họ như người quản lý của Thiên Chúa.

Người xảo quyệt của thế giới đen

Người quản lý bất lương thấy thế giới của hắn bỗng chốc sụp đổ. Ngày phán xét đến cũng bỗng chốc thế. Hắn mất địa vị và danh tiếng. Đời sống hiện tại vật chất cũng lâm nguy, nhưng chủ còn để hắn một ít lâu để tính sổ. Hắn tự nhủ và nhận thấy phải hành động mau chóng và liều lĩnh để bảo đảm nuôi thân sau này. Hắn tha cho những con nợ của chủ một số nợ bằng năm trăm ngày công. Như thế, hắn có thể bảo đảm đời sống sau khi mất chức quản lý. Đức Giêsu khen tên quản lý trộm cắp này vì đã hành động khôn khéo biết lo cho đời sống.

Sự khôn khéo đó đáng làm gương cho con cái ánh sáng

Đức Giêsu không ca ngợi tên quản lý quỷ quyệt hỗn láo đó. Nhưng sự khôn khéo của hắn đúng là dấu chỉ của thời đại. Hắn đã hết thời vào ngày chủ đòi hắn tính sổ. Điều Đức Giêsu muốn rút ra bài học là sự táo bạo của hắn, khiến hắn khai thác tối đa một ít thời giờ còn lại, đã giúp bảo đảm tương lai của hắn.

Cũng thế, môn đệ không biết khôn khéo khi Chúa đến và đòi tính sổ, các ông phải biết tha thứ tất cả những ai mắc nợ với mình để Chúa cũng tha nợ cho các ông. Các ông còn phải chăm sóc mọi gia nhân trong nhà chủ đã trao phó cho các ông. “Phúc cho đầy tớ ấy, khi chủ về thấy nó đang làm việc chu đáo”.

Đối với những công việc ở thế giới này, những người muốn bảo đảm được tương lai vật chất, phải tỏ ra rất khôn khéo. Họ đã khôn khéo xử đối với đồng loại mình, nhưng lại không khôn khéo với những công việc nước trời. Trái lại con cái ánh sáng, những người tin vào Đức Giêsu, Đấng là ánh sáng, lại không biết khôn ngoan để bảo đảm được ơn cứu độ. Họ phải cố gắng thực hiện được sự táo bạo và khôn khéo, và hành động khi còn thời giờ, như con cái của xã hội đen.

RC

 

Suy Niệm 5: HÃY KHÔN NGOAN THEO TIN MỪNG (Lc 16, 1-8)

Xem thêm CN 25 TN C

Khi nói đến Đức Giêsu, chúng ta biết Ngài là Đấng Chân Thật, vì thế, Ngài luôn bênh vực sự thật và tố cáo bất công, gian tham... Ấy vậy mà bài Tin Mừng hôm nay lại một lần nữa cho chúng ta ngỡ ngàng khi Đức Giêsu đề cao thái độ gian lận, giả dối của tên quản lý bất trung!

Tin Mừng kể lại: khi hắn biết chắc mình không còn được trọng dụng nữa vì những thất thoát mà hắn gây nên. Người quản gia này đã sử dụng mánh khóe theo kiểu: “Dùng phương tiện xấu để đạt được mục đích tốt”. Vì thế, anh ta đã gọi từng con nợ của chủ đến hỏi về số nợ, rồi lấy văn tự ra, viết giảm số nợ đi. Đây là một hình thức biển lận của chủ mà tên quản lý bất lương gỡ gạc vào những giờ phút chót trước khi bị xa thải.

Sau khi kể dụ ngôn này, nhiều người chưng hửng khi thấy ông chủ đã khen người quản lý bất lương đó khôn ngoan, nhanh nhạy khi hành động cách khôn khéo!

Tuy nhiên, Đức Giêsu không hề có thái độ tôn vinh hay chấp nhận hành vi bất chính của người quản gia này, nhưng ngang qua hành vi đó, Đức Giêsu muốn dạy các môn đệ và cho mỗi chúng ta rằng: phải khôn ngoan, biết nhìn xa trông rộng, biết tận dụng mọi cơ hội và biến cố để loan báo Tin Mừng, biết chuẩn bị cho tương lai, biến chúng thành những cơ may để gặp gỡ Chúa, ngõ hầu đạt được Nước Trời làm gia nghiệp.

Nếu người quản gia kia đã khôn khéo và mánh khóe thì mỗi chúng ta hôm nay cũng phải có sự khôn ngoan. Sự khôn ngoan ấy trước hết phải được thể hiện qua chính mục đích chúng ta đang theo đuổi trong cuộc sống.

Vậy đâu là mục đích và lẽ sống của chúng ta? Hẳn không phải là tiền của, quyền bính, danh vọng, lạc thú... Những thứ đó không phải là mục đích, điểm đến của người Kitô hữu. Nhưng mục đích tối hậu của chúng ta chính là Nước Trời. Vì thế, ngay giây phút này, mỗi chúng ta hãy biết tìm kiếm và xây dựng những giá trị vĩnh cửu mai ngày trên Thiên Quốc.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết chọn Chúa làm gia nghiệp của đời chúng con. Amen.

Ngọc Biển SSP



 

Suy niệm: 

A- Phân tích (Hạt giống...)

1. Phong tục Do Thái: đối với dân Do Thái, quản gia không phải chỉ là một trong những người làm mướn ăn lương của chủ, mà là một nhân vật rất có thế lực. Quản gia là người thay mặt chủ để lo những chuyện tài sản trong nhà. Do đó có quyền thu xếp tài sản của chủ cách nào tùy ý miễn sao có lợi cho chủ thôi. Quản gia không có lương, nên thường tìm thu nhập thêm bằng cách kê thêm số của cho vay. Thí dụ cho vay 100 kê thành 120.

2. Chúa Giêsu nói người quản gia trong dụ ngôn này là “bất lương”. Các nhà nghiên cứu Thánh Kinh còn bàn cãi nhau về sự “bất lương” này (ăn gian tiền của chủ ? cho vay ăn lời cắt cổ ? hay là sửa đổi giấy nợ ?...).

3. Nhưng điều Chúa Giêsu muốn ta noi gương nơi người quản gia này là cách xử dụng tiền của: Người quản gia này là “con cái thế gian”, thế mà còn biết sử dụng của cải một cách khôn khéo bằng cách cho đi của cải hiện tại để đổi lấy sự bảo đảm cho tương lai. “Con cái của sự sáng” phải noi gương đó, phải biết dùng của cải thế gian mà mua sắm của cải trên trời.

B- Suy gẫm (...nẩy mầm)

1. Mặc dù người quản lý trong dụ ngôn này không tốt cho lắm, nhưng Chúa Giêsu đã rất khéo khi lấy hình ảnh người quản lý làm dụ ngôn. Chúa muốn nhắc rằng đối với tiền bạc của cải mà chúng ta đang nắm trong tay, chúng ta chỉ là người quản lý thôi, chính Thiên Chúa mới là chủ. Đã là quản lý thì phải xử dụng của cải của chủ theo đúng ý chủ chứ không phải theo ý riêng mình. Rất nhiều người tưởng lầm, mình là chủ của những tiền bạc trong túi mình.

2. Một người kia suốt đời chỉ lo thu gom tiền bạc, cho nên rất giàu. Khi chết, ông còn ôm túi vàng theo mình đi sang cuộc sống bên kia. Đi một hồi ông thấy đói. Bỗng ông thấy một quán ăn bên đường, liền ghé vào. Vì hà tiện, ông hỏi người chủ quán:

- Tô cơm nhỏ này giá bao nhiêu ?

- Chỉ một đồng thôi.

- Còn tô lớn kia ?

- Cũng chỉ một đồng thôi.

Thấy rẻ, ông gọi luôn hai tô lớn. Nhưng người chủ quán bảo:

- Ở đây chỉ xài loại tiền-cho-đi thôi. Ông có không ?

Người hà tiện chỉ vào túi vàng của mình. Nhưng chủ quán nói:

- Đó chỉ là thứ tiền-lấy-vào. Ở đây không xài được.

- Thế tiền-cho-đi là tiền gì ?

- Khi còn sống, mỗi lần ông cho ai bao nhiêu đồng thì ông được ban lại bấy nhiêu đồng loại tiền-cho-đi.

Ông nhà giàu lục lọi khắp nơi trong mình nhưng chẳng có đồng nào thuộc loại tiền-cho-đi cả. Thế là ông phải nhịn đói.

Bao nhiêu đồng tiền cho đi là bấy nhiêu đồng tiền để dành cho đời sau vậy.

3. ”Con cái đời này khôn ngoan hơn con cái ánh sáng khi xử sự với đồng loại”. (Lc 16, 8b)

Ở đời, “biết mình biết người trăm trận trăm thắng”. Người quản gia bất lương trong dụ ngôn xưa, hơn ai hết, ông ta biết rõ thực trạng tội lỗi của mình, và biết chắc nguy cơ bị sa thải là không tránh khỏi. Điều hơn người là y dám nhìn thẳng vào sự thật và dùng hết khả năng còn lại của mình để đổi lấy tình thân hữu, dự phòng cho tương lai. Y đã thành công do biết nhìn xa trông rộng.

Ở đây Thiên Chúa không có ý định ủng hộ những hành động mưu lợi bản thân, mà qua đó Ngài muốn nhắc nhở chúng ta về một chân lý: dự phòng cho tương lai.

Lạy Chúa, xin cho con biết dùng cuộc sống đời này để mua lấy cuộc sống đích thực nơi quê trời. (Hosanna)

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây