Thứ tư tuần 32 thường niên.
"Không thấy ai trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này".
Lời Chúa: Lc 17, 11-19
Khi Chúa Giêsu đi lên Giêrusalem, Người đi qua biên giới Samaria và Galilêa. Khi Người vào một làng kia thì gặp mười người phong cùi đang đứng ở đàng xa, họ cất tiếng thưa rằng: "Lạy Thầy Giêsu, xin thương xót chúng tôi". Thấy họ, Người bảo họ rằng: "Các ngươi hãy đi trình diện với các tư tế". Trong lúc họ đi đường, họ được lành sạch.
Một người trong bọn họ thấy mình được lành sạch, liền quay trở lại, lớn tiếng ngợi khen Thiên Chúa, rồi đến sấp mình dưới chân Chúa Giêsu và tạ ơn Người: Mà người ấy lại là người xứ Samaria. Nhưng Chúa Giêsu phán rằng: "Chớ thì không phải cả mười người được lành sạch sao? Còn chín người kia đâu? Không thấy ai trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại này". Rồi Người bảo kẻ ấy rằng: "Ngươi hãy đứng dậy mà về: vì lòng tin của ngươi đã cứu chữa ngươi".
Suy Niệm 1: Sấp mình tạ ơn
Giáo dục cho trẻ em về lòng biết ơn là điều quan trọng.
Cha mẹ thường dạy con cám ơn người làm ơn cho mình.
Cám ơn là đi từ món quà đến người trao tặng.
Mỗi người chúng ta đã nhận biết bao quà tặng trong đời,
nên chẳng ai là người trọn vẹn nếu không có lòng biết ơn.
Bản thân tôi là một quà tặng do nhiều người cho :
cha mẹ, ông bà tổ tiên, các anh hùng dân tộc…
Chỉ cần để lòng biết ơn đi lên mãi, lên tới nguồn,
tôi sẽ gặp được Thiên Chúa như Người Tặng Quà viết hoa.
Đức Giêsu đã làm bao điều tốt đẹp cho người thời của Ngài.
Nhưng ít khi Tân Ước nói đến chuyện họ cám ơn,
mà Đức Giêsu cũng chẳng bao giờ đòi ai cám ơn mình sau phép lạ.
Bởi đó bài Tin Mừng hôm nay thật độc đáo.
Mười người phong ở với nhau trong một ngôi làng.
Họ biết tiếng của Đức Giêsu và biết cả tên của Ngài.
Họ vui mừng thấy Ngài vào làng, nhưng họ chỉ được phép đứng xa xa.
Tiếng kêu của họ vừa bi ai, vừa đầy hy vọng được chữa lành:
“Lạy Thầy Giêsu, xin thương xót chúng tôi!” (c. 13).
Đức Giêsu đã chẳng chữa lành cho họ ngay lập tức,
như từng làm với một người phong khác trước đây (Lc 5, 12-16).
Dù họ chưa được sạch, Ngài đã bảo họ đi trình diện với các tư tế
để cho thấy là mình đã khỏi rồi.
Họ đã tin tưởng, vâng phục, ra đi, và được khỏi bệnh.
Chỉ có một người, khi thấy mình được khỏi, liền quay lại.
Anh ấy lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa, và sấp mình tạ ơn Đức Giêsu.
Đó là một người Samaria, thời đó bị coi như người nước ngoài (c. 18).
Anh được ơn lành bệnh, và hơn nữa anh có lòng biết ơn.
Tôn vinh Thiên Chúa thì làm ở nơi nào cũng được.
Nhưng anh muốn trở lại để gặp người Thiên Chúa dùng để thi ân cho mình.
Cám ơn, biết ơn, tạ ơn, là mở ra một tương quan riêng tư mới mẻ.
Người phong xứ Samaria không chỉ được chữa lành.
Anh còn có kinh nghiệm gặp gỡ Thiên Chúa và người thi ân là Thầy Giêsu.
Ơn này còn lớn hơn ơn được khỏi bệnh.
Đức Giêsu có vẻ trách móc khi hỏi ba câu hỏi liên tiếp (cc. 17-18).
Ngài ngạc nhiên vì không thấy chín người Do thái kia trở lại cám ơn.
Đôi khi người Kitô hữu chúng ta cũng thiếu thái độ tạ ơn khi cầu nguyện.
Dường như chúng ta ít mãn nguyện với những ơn đã được tặng ban.
Chúng ta chỉ buồn Chúa về những ơn xin mãi mà không được.
Nhận ra ơn Chúa ban cho đời mình và biết tri ân: đó là một ơn lớn.
Người có lòng biết ơn bao giờ cũng vui.
Họ hạnh phúc với những gì Chúa ban mỗi ngày, vào giây phút hiện tại.
Biết ơn là con đường đơn sơ dẫn đến kinh nghiệm gặp gỡ Thiên Chúa.
Khi tôi biết đời tôi là một quà tặng nhận được,
thì tôi sẽ sống nó như một quà tặng để trao đi.
Cầu nguyện:
Con tạ ơn Cha vì những ơn Cha ban cho con,
những ơn con thấy được,
và những ơn con không nhận là ơn.
Con biết rằng
con đã nhận được nhiều ơn hơn con tưởng,
biết bao ơn mà con nghĩ là chuyện tự nhiên.
Con thường đau khổ vì những gì
Cha không ban cho con,
và quên rằng đời con được bao bọc bằng ân sủng.
Tạ ơn Cha vì những gì
Cha cương quyết không ban
bởi lẽ điều đó có hại cho con,
hay vì Cha muốn ban cho con một ơn lớn hơn.
Xin cho con vững tin vào tình yêu Cha
dù con không hiểu hết những gì
Cha làm cho đời con.
Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ
Suy Niệm 2: Thể Hiện Của Tự Do Thực Sự
Trong suốt nhiều thế kỷ, người Do thái đã phải còng lưng dưới sức nặng của lao động khổ sai bên Ai Cập. Dưới sự lãnh đạo của Môsê, Thiên Chúa đã giải phóng họ và đưa họ vào vùng đất tự do. Ðể đánh dấu cuộc giải phóng khỏi các thứ khổ sai đó, Thiên Chúa đã thiết lập một ngày trong tuần như ngày Hưu Lễ. Ðó là lý do tại sao người Do thái đã trân trọng tuân giữ ngày Hưu lễ. Nó chính là biểu trưng của tự do, bởi vì thời nô lệ, bẩy ngày trên bẩy ngày, người Do thái không thể có được một ngày nghỉ ngơi. Như vậy, nghỉ ngơi là dấu chỉ của tự do, và đó là ý nghĩa nguyên thủy của ngày Hưu lễ.
Thế nhưng, dần dà qua dòng thời gian các nhà thần học Do thái đã thay đổi ý nghĩa ấy của ngày Hưu lễ: thay vì là biểu tượng của tự do, họ đã biến ngày Hưu lễ thành một gánh nặng đầy đọa và trói buộc con người; họ đã kéo dài ngày Hưu lễ thành một bản kê khai tỉ mỉ những gì không được phép làm trong ngày Hưu lễ và như vậy dấu chỉ của tự do giờ đây chỉ còn là một hình thức nô lệ mới đối với người Do thái: thay vì là dấu chỉ của tự do đưa con người vào gặp gỡ với Thiên Chúa, ngày Hưu lễ đã trở thành một gánh nặng chồng chất trên vai con người, nhất là làm cho con người xa cách Thiên Chúa.
Ðó cũng là tình trạng của lề luật nói chung thời Chúa Giêsu. Luật lệ không còn là vì con người, nghĩa là giải phóng con người, mà trở thành gánh nặng đè bẹp con người và tách lìa con người khỏi Thiên Chúa; con người chú tâm thi hành lề luật hơn là yêu mến Thiên Chúa và yêu thương tha nhân. Thái độ của 9 người phong cùi người Do thái trong Tin Mừng hôm nay phản ánh tâm thức chung của người Do thái thời đó. Chúa Giêsu chữa lành 10 người phong cùi, trong đó chỉ có một người Samari không phải tuân hành luật Do thái. Theo đúng đòi hỏi của lề luật, Chúa Giêsu đã yêu cầu 9 người Do thái đến trình diện các tư tế để được xác nhận là đã khỏi bệnh, riêng người Samari không phải tuân giữ điều đó, nhưng đây lại là người duy nhất trở lại cám ơn Chúa Giêsu và ngợi khen Thiên Chúa.
Câu truyện trên cho chúng ta thấy luật lệ đã cản trở con người đến gặp gỡ Chúa Giêsu và cảm tạ Thiên Chúa. Người Samari vì không bị chi phối bởi lề luật, nên đã được tự do để nói lên tình cảm chân thật của mình, người này gần với tôn giáo đích thực bởi vì ông có tự do hơn. Thiên Chúa thi ân một cách nhưng không thì con người cũng phải đáp trả một cách tự do. Một tương quan như thế không thể có được trong một xã hội lề luật, trong đó con người chỉ biết tính toán theo thứ công bình hoán đổi. Người Do thái vốn quen thuộc với tâm thức ấy, họ tính toán chi ly về công đức của mình, họ lượng giá phần thưởng dựa trên công nghiệp của mình. Chúa Giêsu đã đánh đổ một quan niệm như thế về tương quan giữa con người và Thiên Chúa: ơn cứu rỗi mà Ngài loan báo và thực hiện là ơn cứu rỗi nhưng không, đến độ con người chỉ được cứu độ nhờ lòng tin vào lòng từ bi của Thiên Chúa, đến độ những kẻ tội lỗi là những người đầu tiên được vào Nước Chúa.
Ngày nay, có lẽ nhiều người chúng ta cũng giống như 9 người phong cùi Do thái trong Tin Mừng hôm nay. Họ đã bị lề luật giam hãm trong Ðền thờ để không còn có thể nói lên lời tạ ơn đối với Ðấng đã thi ân cho mình; họ xem lề luật trọng hơn điều thiết yếu của niềm tin là lòng biết ơn và niềm tín thác. Cũng như họ, có lẽ chúng ta đã tỏ ra trung thành một cách chi ly với luật Hội Thánh, nhưng nhiều lúc chúng ta vẫn còn tự hỏi: Tôi phải đọc bao nhiêu kinh? Tôi phải lần bao nhiêu chuỗi? Tôi phải ăn chay bao nhiêu lần? Tôi phải bố thí cho bao nhiêu người nghèo khó? Tính toán như thế là quên rằng Thiên Chúa như Chúa Giêsu mạc khải là Thiên Chúa Tình Yêu. Ngài ban ơn cho chúng ta hơn cả những gì chúng ta chờ đợi và tính toán. Một Thiên Chúa như thế, con người không thể có một tâm tình nào xứng hợp hơn là lòng tri ân, niềm tín thác. Ðó là sự thể hiện của một tâm hồn tự do đích thực, nhờ đó con người có thể vượt qua bốn bức tường nhà thờ để không ngừng gặp gỡ Chúa trong cuộc sống mỗi ngày.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Suy Niệm 3: Dâng Lời Tạ Ơn
Chờ đợi Chúa đến là một trong những chủ đề trọng tâm của Kinh Thánh. Vì không nắm bắt và sống sứ điệp này nên chúng ta thường thiếu kiên nhẫn và do đó hầu hết những khó khăn của cuộc sống đều là kết quả của thái độ vội vã của chúng ta. Chúng ta thường không chờ đợi cho cây trái được chín muồi nhưng lại vội vã hái lấy khi nó còn xanh.
Chúng ta không thể chờ đợi sự đáp trả của Chúa cho lời cầu nguyện của chúng ta, bởi vì chúng ta quên rằng Chúa muốn chúng ta phải mất nhiều ơn thánh để chuẩn bị đón nhận ơn Ngài. Chúng ta được mời gọi để tiến bước với Chúa nhưng Chúa thường đi những bước rất chậm rãi. Thật ra, không phải chúng ta chờ đợi Chúa mà chính Chúa đang chờ đợi chúng ta. Lắm khi chúng ta không muốn đón nhận ơn Chúa đã dọn sẵn bởi vì chúng ta không muốn đến với Ngài. Có những lúc chúng ta phải sẵn sàng tiến tới với những bước đi đầy tin tưởng. Tất cả những lời hứa của Chúa đều có điều kiện. Chúa chờ đợi sự đáp trả của chúng ta. Chúng ta chỉ cần nhìn lại cuộc đời của tổ phụ Abraham để thấy rõ điều đó. Chúa đã hứa ban cho Abraham rất nhiều điều cả thể nhưng chắc chắn không một lời hứa nào sẽ được thực hiện nếu tổ phụ vẫn ở lại xứ Canđê. Abraham phải lên đường, ông phải bỏ lại đàng sau nhà cửa, bạn bè, xứ sở và dấn bước vào cuộc hành trình mà ông không thể nào lường trước được những gì có thể xảy ra. Hành trang duy nhất của tổ phụ Abraham là lời hứa của Chúa và lòng tin tưởng của ông.
Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu cũng mời gọi chúng ta mặc lấy thái độ tin tưởng phó thác ấy của tổ phụ Abraham. Chúa Giêsu quả thật là người đã chữa trị cho mười người phong cùi, nhưng khác với những phép lạ khác, ở đây thay vì sờ vào những người phong cùi hoặc nói một lời, Chúa Giêsu sai họ đi trình diện với các tư tế theo như luật Môisen qui định. Thánh Luca ghi lại rõ ràng rằng trong khi họ đi, họ được lành sạch. Quả thật, nếu họ đứng yên tại chỗ để chờ đợi, họ sẽ chẳng bao giờ được lành bệnh. Chúa chờ đợi để chữa trị họ và chính lúc họ tin tưởng để ra đi, ơn Chúa mới đến. Chúa luôn chờ đợi lòng tin, sự kiên nhẫn và cả sự chờ đợi của chúng ta. Có khi ơn Ngài chỉ đến sau nhiều năm tháng chờ đợi và nhất là sau nhiều năm tháng chiến đấu hy sinh của chúng ta. Một sự thất bại, một nỗi mất mát lớn lao, một căn bệnh bất trị, bao nhiêu đau khổ là bấy nhiêu tiến tới và chờ đợi để ơn Chúa được chín muồi.
Thật ra, đối với những ai có lòng tin thì tất cả mọi sự đều là ân sủng của Chúa. Có điều gì thuộc về chúng ta mà không do Chúa ban tặng, có điều gì chúng ta làm được mà không là hồng ân của Chúa, và ngay cả những thất bại, rủi ro và đau khổ trong cuộc sống cũng đều là những cơ may của muôn ơn lành Chúa không ngừng tuôn đổ trên chúng ta. Con người vốn chỉ vô ơn bạc nghĩa. Trong mười người phong cùi được chữa lành chỉ có một người biết quay trở lại để cám ơn Chúa Giêsu. Biết ơn, xem ra không phải là điều tự nhiên của con người. Tâm tình ấy cần được dạy dỗ trau dồi ngay từ lúc con người vừa bập bẹ biết nói và nuôi dưỡng trong suốt cuộc sống. Tâm tình cảm mến tri ân cũng cần phải được trao dồi trong cuộc sống của người tín hữu Kitô. Trong một kinh Tiền Tụng, Giáo Hội dạy chúng ta cầu nguyện rằng: "Dâng lời tạ ơn Chúa cũng là một hồng ân Chúa ban tặng cho chúng ta". Cầu nguyện trong tin tưởng phó thác và không ngừng dâng lời tạ ơn, đó phải là tâm tình cơ bản và thường hằng của người tín hữu Kitô chúng ta.
Nguyện xin Chúa gìn giữ chúng ta luôn được sống trong tâm tình ấy.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Suy Niệm 4: Lòng tin chữa khỏi phong cùi
Lúc Người vào một làng kia, thì có mười người phong hủi đón gặp Người. Họ dừng lại đằng xa và kêu lớn tiếng: “Lạy Thầy Giêsu, xin dủ lòng thương chúng tôi!” (Lc. 17, 12-13)
Vẫn còn trên đường đi Giê-ru-sa-lem, Đức Giêsu đi qua làng biên giới Sa-ma-ri, Người gặp những kẻ bị loại ra khỏi xã hội vì mắc bệnh ngoài da, người ta gọi là phong cùi.
Một thứ bệnh mất hết vẻ đẹp.
Những người cùi hủi đứng đàng xa đón gặp Người. Họ kêu lớn tiếng: “Lạy Thầy Giêsu”. Như thế họ đã nhận biết Đức Giêsu là Đấng tỏ quyền phép và lòng thương xót của Thiên Chúa. Họ xin Người thương xót. Người không thể từ chối trước lời van xin này, vì Người đến để giải thoát những kẻ bị ngược đãi, áp bức bởi bệnh tật và xã hội.
Đức Giêsu nhìn họ với ánh mắt bốc lửa tình yêu và đầy thương cảm. Người bảo họ: “Hãy đi trình diện với các tư tế, để chứng nhận cho họ đã sạch như luật buộc. Trong khi đi thì họ được lành bệnh”.
Chín người là Do thái, rất thỏa thích vì họ đã lại được thuộc về dân tuyển chọn của Thiên Chúa. Họ cho mình là đáng được Thiên Chúa trả công. Sự lành bệnh của họ đã trả lại quyền cho họ.Nhưng chỉ có một người được hưởng niềm vui nhất trong tâm hồn.
Chỉ có người thứ mười là dân Sa-ma-ri thấy mình được khỏi, là kẻ tội lỗi đáng thương, bị Do thái khinh tởm, anh thấy mình được lành sạch nhất là trong tâm hồn mình, anh ý thức Thiên Chúa đang ngự trong con tim anh, vì anh đã nhận được sứ điệp tình yêu của Đức Giêsu. Anh trở lại và sấp mình xuống chân Người mà tạ ơn, vì Thiên Chúa đang hiện diện trước mặt anh. Gặp gỡ được Thiên Chúa, lòng anh xúc động khôn tả, ăn sâu vào tận căn tính của anh, tận bản chất hữu thể của anh, anh chỉ có thể tôn vinh Thiên Chúa bằng cất cao lời xin thương xót tha thứ tội lỗi của anh với hết lòng khiêm tốn. Đó là một bài ca giải phóng, một bài ca trong sáng phát ra từ đáy con tim. “Anh đứng dậy đi về! Lòng tin của anh đã cứu chữa anh”. Lòng tin nhờ lời Người gọi anh, nhờ ánh mắt Người nhìn anh làm bừng dậy đức tin này. Đức tin này đã cứu chữa anh cả thân xác lẫn tâm hồn anh.
RC
Suy Niệm 5: HÃY TẠ ƠN CHÚA (Lc 17, 11 - 19)
Xem lại CN 28 TN C.
Nghệ sĩ Lê Vũ Cầu trước khi được lành bệnh, ông là một người ngoại đạo. Lúc thập tử nhất sinh, ông đã được giới nghệ sĩ chuẩn bị tang lễ cho ông cách chu đáo. Tuy nhiên, khi có người Công Giáo đến thăm và gợi ý đưa ông đến đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp của Dòng Chúa Cứu Thế để cầu khấn Đức Mẹ, ông đã đồng ý. Khi đến nơi, kỳ lạ thay, ông không xin cho mình được khỏi bệnh, nhưng ông lại xin đức tin. Thật nhiệm mầu, không những ông được ơn đức tin, mà ông còn được lành luôn căn bệnh xơ gan cổ trướng của mình. Sau đó, ông đã được đón nhận Bí tích Thánh Tẩy và dành thời gian còn lại để tạ ơn Chúa bằng việc sống đạo thật tốt, làm nhiều việc từ thiện bác ái.
Trong cuộc sống của chúng ta hôm nay, hẳn ít có ai dán can đảm để xin ơn đức tin như Lê Vũ Cầu! Bởi vì khi xin ơn đức tin, chúng ta phải thay đổi đời sống, dám chấp nhận lội ngược dòng để làm chứng cho đức tin mà mình đã lãnh nhận.
Ngược lại, chúng ta thường chạy đến với Chúa, Mẹ và các thánh để xin cho mình những ơn như: giàu sang, chức vị, sức khỏe... Xin những điều đó là tốt, tuy nhiên, xét về cấp độ trong ân sủng thì ơn đức tin là cao trọng nhất, vì nếu có đức tin, chúng ta dễ dàng an vui và hạnh phúc trong hoàn cảnh hiện tại, miễn sao danh Chúa được cả sáng và thánh ý Chúa được thực hiện.
Thật vậy, khi có đức tin, chúng ta sẽ nhận ra tất cả là hồng ân, vì thế, cần phải tạ ơn Chúa và yêu thương anh chị em mình.
Lời Chúa hôm nay trình thuật cho chúng ta thấy mẫu gương đức tin của người phong cùi xứ Samaria. Chính nhờ lòng tin mà ông được chữa lành. Cũng nhờ lòng tin mà tâm tình đầu tiên của ông là tạ ơn Chúa. Thái độ này của người Samaria ngược lại hẳn với 9 người cùng bị phong cùi Dothái. Họ đã được lành bệnh, nhưng không một ai quay lại để cám ơn Chúa!
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta cần có thái độ yêu mến Thiên Chúa, tin tưởng vào Ngài. Mặt khác, Lời Chúa còn nhắc nhở mỗi người chúng ta rằng: nếu những người trong Tin Mừng hôm nay đã mắc phải những căn bệnh ghê sợ là bệnh cùi, thì hẳn mỗi người chúng ta cũng có những căn bệnh cùi tâm linh đáng sợ hơn rất nhiều, vì cùi tâm linh nó có thể hủy diệt cả tâm hồn chúng ta. Tuy nhiên, nhờ đức tin, chúng ta có hy vọng được lòng nhân từ của Thiên Chúa chữa lành và ban ơn cứu độ cho chúng ta.
Tuy nhiên, khi được Thiên Chúa yêu thương, chúng ta phải biết cám ơn Ngài và thay đổi đời sống nhờ hồng ân đức tin soi dẫn.
Thực ra, Thiên Chúa đâu cần con người phải cám ơn thì Ngài mới được vinh dự, nhưng việc chúng ta tạ ơn Ngài lại đem lại ơn cứu độ cho mình và mọi người nữa. Đồng thời, khi cám ơn Chúa, chúng ta đón nhận được lòng khiêm tốn và tôn nhận Thiên Chúa là Đấng quyền năng. Như vậy, khi ta biết tỏ lòng tri ân Thiên Chúa thì “ơn lại thêm ơn”. Còn khi không biết cám ơn Chúa, thì “ngay cả cái đang có cũng sẽ bị lấy đi” vì đã không biết sử dụng ơn Chúa cho hữu ích...
Lạy Chúa Giêsu, xin ban thêm đức tin cho chúng con. Xin cho chúng con ơn sám hối để đáng được Chúa chữa lành bệnh cùi tâm linh của chúng con. Amen.
Ngọc Biển SSP
SUY NIỆM
Trong bài Tin Mừng của Thánh Lễ hôm nay, Đức Giê-su ngạc nhiên về chín người được ơn chữa lành, nhưng không ưu tiên cho việc tôn vinh và cảm tạ Chúa.
Xin Chúa cho chúng ta biết nhận ra mọi ơn huệ Chúa ban cho chúng ta, cho dù cuộc đời và cuộc sống có như thế nào, và cho chúng ta biết ưu tiên cho việc tôn vinh và cảm tạ Chúa, bằng việc tham dự Thánh Lễ, bằng lời kinh, bằng các việc thiêng liêng, và nhất là bằng chính đời sống biết ơn của chúng ta.
Bởi vì, chính lòng biết ơn sẽ chuẩn bị cho chúng ta đón nhận ơn huệ lớn hơn, đó là ơn cứu độ, là sự sống đời đời ở bên Chúa, cùng với những người thân yêu của chúng ta, còn sống cũng như đã qua đời.
1. « Mười người phong hủi »
Thật là đáng sợ, nếu chúng ta hình dung ra cùng một lúc có mười người phong hủi đến đón gặp chúng ta ! Tuy nhiên, Lời Chúa trong bài Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta vượt qua sự sợ hãi để nhìn ngắm mười người phong hủi này, và lắng nghe điều Chúa muốn nói với chính chúng ta.
Chắc chắn trong chúng ta, đã có người nhìn thấy và hơn nữa đi thăm hỏi những người phong ; nếu không, chúng ta có lẽ đã có lần nhìn thấy người bệnh phong trong phim ảnh. Bệnh phong là một những thứ bệnh khủng khiếp nhất mà loài người chúng ta mắc phải : da thịt người mắc bệnh lở loét ; khi bị nặng, vết thương sẽ lõm vào da thịt ; tình trạng mất cảm giác sẽ xuất hiện ở một vài bộ phận trên cơ thể ; sau đó các bắp thịt tiêu đi ; nếu ở giai đoạn bị nặng, các ngón tay và ngón chân sẽ rụng dần.
Đó là sự đau đớn tột cùng trong thân xác ; nhưng người bệnh phong còn chịu một sự đau khổ còn lớn hơn nữa là bị cách ly khỏi môi trường sống bình thường, khỏi nhà của mình, khỏi những người thân yêu, và có khi còn bị bỏ rơi luôn, không được ai nhìn nhận nữa. Chính vì thế, bài Tin Mừng kể lại rằng, họ dừng lại đàng xa và kêu lớn tiếng xin Đức Giê-su thương xót :
Lúc Người vào một làng kia, thì có mười người phong hủi đón gặp Người. Họ dừng lại đằng xa13 và kêu lớn tiếng: “Lạy Thầy Giê-su, xin dủ lòng thương chúng tôi!” (c. 12-13)
Như thế, người bị bệnh vừa đau khổ trong thân xác và vừa đau khổ về tinh thần, vì thiếu tình thương và sự liên đới. Vẫn chưa hết, theo quan niệm của Do thái giáo, bệnh phong hủi là hình phạt tiêu biểu nhất của Thiên Chúa đối với người có tội : tội vô hình có trong tâm hồn, Chúa cho nó hiện hình ra bên ngoài và nó xấu xa ghê tởm như là bệnh cùi. Theo quan niệm này, chúng ta có thể giả sử rằng, nếu tất cả mọi tội chúng ta đã phạm trong thầm kín mà lộ ra bên ngoài khiến người ta nhìn thấy được, có lẽ chúng ta cũng không khác người phong cùi bao nhiêu, và có khi còn tệ hơn !
Đau khổ trong thân xác, đau khổ trong tình thần, đau khổ vì cảm thức bị Thiên Chúa trừng phạt, và nhiều khi vì những tội gì cũng chẳng rõ hay vì những những tội chẳng đáng bị phạt như thế. Và không chỉ một người, nhưng có đến mười người ! Thế mà, số mười là con số nói lên sự trọn vẹn. Vì thế, chúng ta có thể nói rằng, hình ảnh mười người đau khổ trong thân xác, đau khổ trong tình thần, và đau khổ vì cảm thức bị Thiên Chúa hay Ông Trời trừng phạt, nói lên cách trọn vẹn mọi người bệnh của loài người chúng ta, thuộc mọi thời và ở mọi nơi.
Chúng ta hãy nhớ lại những lúc chúng ta bị bệnh : khi chúng ta bị đau, chúng ta rất nhạy cảm với sự hiện diện chăm sóc và yêu thương của người thân, và vì người thân không thể lúc nào cũng ở bên cạnh và chăm sóc chúng ta, chúng ta thường có cảm thức bị bỏ rơi, bị quên lãng ; hơn nữa, chúng ta còn có thể tự hỏi : tại sao tôi lại ra nông nỗi này ? Đây có phải là một hình phạt không ? Tôi đã làm gì để bị như thế này ?
2. « Lạy Thầy Giê-su, xin dủ lòng thương chúng tôi »
Như thế, qua hình ảnh « Mười Người Phong Hủi », Lời Chúa nói với chúng ta thật nhiều điều. Người bệnh, dù là bệnh gì, bệnh nặng hay bệnh nhẹ, không chỉ cần tiền bạc để chạy thầy chạy thuốc, nhưng còn cần hơn nữa, nhất là khi bệnh nặng và bệnh nan y, sự hiện diện liên đới, cảm thông và yêu thương của những người thân yêu. Người Việt Nam chúng ta có một thói quen rất hay, vừa rất tình người và vừa rất phù hợp với đức tin : đó là đưa người sắp chết về nhà, để sống những ngày sau cùng trong bầu khí gia đình yêu thương và ở giữa những lời cầu nguyện và lời kinh kêu xin và phó thác. Chính bầu khi này sẽ giúp người bệnh tín tưởng hoàn toàn nơi tình yêu thương xót của Chúa, trong cơn thử thách sau cùng.
Và khi chính chúng ta bị đau bệnh, cho dù chúng ta cảm thấy lúc đó mình bị quên lãng hay bỏ rơi, thì chúng ta hãy luôn xác tín rằng Chúa không bao giờ quên lãng hay bỏ rơi chúng ta. Mười người bệnh trong bài Tin Mừng, chỉ cần lên tiếng kêu xin :
Lạy Thầy Giê-su,
xin dủ lòng thương chúng tôi. (c. 13)
Như thế là đủ để cho Chúa đáp lời. Chúa chữa lành thật nhưng không và vô điều kiện, chỉ cần kêu xin là Chúa đáp lời, bất chấp sự bất xứng hay tình trạng tội lỗi của người bệnh : cứ tín thác vào Lời Chúa, rồi lên đường ra đi, thế là những người bệnh được chữa lành.
Hơn nữa, Đức Giê-su còn trở nên người đau khổ tột cùng trong cuộc Thương Khó ; và trên Thập Giá, thân thể Ngài bị nát tan, không kém gì người bị bệnh phong, như lời ngôn sứ Isaia về Người Tôi Tớ đau khổ. Như thế, trong mọi thử thách của cuộc đời, trong đó có thử thách của bệnh tật, Chúa luôn ở bên cạnh chúng ta, đồng hành và cảm thông với chúng ta, để dẫn chúng ta đến sự sống mới, sự sống phục sinh, như hình ảnh Thập Giá và Phục Sinh trên cung thánh của Nhà Thờ chúng ta muốn diễn tả.
3. “Một người trong bọn… liền quay trở lại và lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa”
Chúng ta hãy trở lại bài Tin Mừng, vì Lời Chúa vẫn còn muốn nói với chúng ta một điều quan trọng nữa. Mười người phong, chính khi họ đang trên đường đi, đang thực hiện điều Đức Giê-su mời gọi, thì họ được lành bệnh. Nhưng có một người quyết định quay lại để lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa và để gặp Đức Giêsu nói lời tạ ơn.
Thực ra, chúng ta cũng cần thông cảm cho chín người kia, vì đi trình diện với các tư tế cũng rất quan trọng : đến với các thầy tư tế, chính là để được xác nhận mình được lành bệnh, để đón nhận các nghi thức thanh tẩy để được tái hội nhập vào xã hội, vào cộng đoàn và về với gia đình. Nhưng có một người nhận ra rằng, việc tôn vinh và tạ ơn Thiên Chúa là việc phải làm trước và làm ngay. Chính vì thế, anh nhận được ơn chữa lành thứ hai, vượt xa ơn chữa lành thứ nhất, vốn chỉ liên quan đến sức khỏe thể xác, vì Đức Giê-su nói với anh :
Đứng dậy về đi!
Lòng tin của anh đã cứu chữa anh.
« Cứu » ở đây là ơn cứu độ, là ơn hòa giải với Thiên Chúa để được đón nhận sự sống viên mãn và vĩnh cửu của Thiên Chúa. Sức khỏe của chúng ta sẽ không tồn tại mãi, nhưng ơn cứu độ mà Thiên Chúa ban cho chúng ta nhờ Đức Giê-su sẽ đưa chúng ta vào sự sống muôn đời của Thiên Chúa.
Đức Giê-su kinh ngạc về lựa chọn của chín người kia : « Thế thì chín người kia đâu ? Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa ? » Có lẽ Chúa cũng hay hay kinh ngạc về thái độ và lựa chọn của chúng ta, bởi vì, chúng ta nhận lãnh rất nhiều ơn, nhưng chúng ta đã không luôn ưu tiên cho việc tôn vinh và tạ ơn Chúa hơn tất cả những việc khác, và nhất là đã không sống ngày sống và đời mình như là lời tạ ơn và tôn vinh Chúa.
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
Wednesday (November 13): “He fell at Jesus’ feet giving thanks”
Scripture: Luke 17:11-19 11 On the way to Jerusalem he was passing along between Samaria and Galilee. 12 And as he entered a village, he was met by ten lepers, who stood at a distance 13 and lifted up their voices and said, “Jesus, Master, have mercy on us.” 14 When he saw them he said to them, “Go and show yourselves to the priests.” And as they went they were cleansed. 15 Then one of them, when he saw that he was healed, turned back, praising God with a loud voice; 16 and he fell on his face at Jesus’ feet, giving him thanks. Now he was a Samaritan. 17 Then said Jesus, “Were not ten cleansed? Where are the nine? 18 Was no one found to return and give praise to God except this foreigner?” 19 And he said to him, “Rise and go your way; your faith has made you well.” |
Thứ Tư 13-11 Anh sấp mình dưới chân Đức Giêsu và tạ ơn Người
Lc 17,11-19 11 Trên đường lên Giê-ru-sa-lem, Đức Giê-su đi qua biên giới giữa hai miền Sa-ma-ri và Ga-li-lê.12 Lúc Người vào một làng kia, thì có mười người phong hủi đón gặp Người. Họ dừng lại đằng xa13 và kêu lớn tiếng: “Lạy Thầy Giê-su, xin dủ lòng thương chúng tôi! “14 Thấy vậy, Đức Giê-su bảo họ: “Hãy đi trình diện với các tư tế.” Đang khi đi thì họ được sạch.15 Một người trong bọn, thấy mình được khỏi, liền quay trở lại và lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa.16 Anh ta sấp mình dưới chân Đức Giê-su mà tạ ơn. Anh ta lại là người Sa-ma-ri.17 Đức Giê-su mới nói: “Không phải cả mười người đều được sạch sao? Thế thì chín người kia đâu?18 Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này? “.19 Rồi Người nói với anh ta: “Đứng dậy về đi! Lòng tin của anh đã cứu chữa anh.”19 “Triều Đại Thiên Chúa đang ở giữa các ông” |
Meditation:
What can adversity teach us about the blessing of thanksgiving and the healing power of love and mercy? The Book of Proverbs states: A friend loves at all times; and a brother is born for adversity (Proverbs 17:17). When adversity strikes you find out who truly is your brother, sister, and friend. The Gospel records an unusual encounter between two peoples who had been divided for centuries. The Jews and Samaritans had no dealings with one another even though Samaria was located in the central part of Judaea. Both peoples were openly hostile whenever their paths crossed. In this Gospel narrative we see one rare exception – a Samaritan leper in company with nine Jewish lepers. Sometimes adversity forces people to drop their barriers or to forget their prejudices. When this band of Jewish and Samaritan lepers saw Jesus they made a bold request. They didn’t ask for healing, but instead asked for mercy. Mercy is heartfelt sorrow at another’s misfortune The word mercy literally means “sorrowful at heart”. But mercy is something more than compassion, or heartfelt sorrow at another’s misery and misfortune. Compassion empathizes with the sufferer. But mercy goes further – it removes suffering. A merciful person shares in another’s misfortune and suffering as if it were his or her own. And such a person will do everything in his or her power to dispel that misery. Mercy is also connected with justice. Thomas Aquinas (1225-1274), a great teacher and scripture scholar, said that mercy “does not destroy justice, but is a certain kind of fulfillment of justice. ..Mercy without justice is the mother of dissolution; (and) justice without mercy is cruelty.” Mercy..”moves us to do what we can do to help the other.” Mercy seeks to remedy the weakness of others, and where sin is involved to lead others to recognize their need for repentance and turning away from wrongdoing. Pardon without repentance negates justice.
God’s mercy brings healing of mind, heart, and body So what is the significance of these ten lepers asking Jesus to show them mercy? They know they are in need of healing, not just physical, but spiritual healing as well. They approach Jesus with faith and with sorrow for their sins because they believe that he can release the burden of their guilt and suffering and restore both soul and body. Their request for mercy is both a plea for pardon and release from suffering. Jesus gives mercy to all who ask with faith and contrition (true sorrow for sin).
Why did only one leper out of ten return to show gratitude? Gratefulness, a word which expresses gratitude of heart and a thankful disposition, is related to grace – which means the release of loveliness. Gratitude is the homage of the heart which responds with graciousness in expressing an act of thanksgiving. The Samaritan approached Jesus reverently and gave praise to God. Ingratitude leads to lack of love and kindness, and intolerance towards others If we do not recognize and appreciate the mercy and help shown to us, we will be ungrateful and unkind towards others. Ingratitude is forgetfulness or a poor return for kindness received. Ingratitude easily leads to lack of charity and intolerance towards others, as well as to other vices, such as complaining, grumbling, discontentment, pride, and presumption. How often have we been ungrateful to our parents, pastors, teachers, and neighbors? Do you express gratitude to God for his abundant help and mercy towards you and are you gracious, kind, and merciful towards your neighbor in their time of need and support? “Lord Jesus, may I never fail to recognize your loving kindness and mercy. Fill my heart with compassion and thanksgiving, and free me from ingratitude and discontentment. Help me to count my blessings with a grateful heart and to give thanks in all circumstances.” |
Suy niệm:
Nghịch cảnh có thể dạy cho chúng ta điều gì, về năng lực chữa lành của tình yêu và lòng thương xót? Sách châm ngôn nói rằng: Bạn bè thương nhau mọi thời mọi lúc; vào ngày hoạn nạn chỉ có anh em (Cn 17,17). Khi nghịch cảnh ập đến, bạn sẽ biết ai mới thật sự là anh em, chị em, và bạn bè của mình. Phúc âm ghi lại một cuộc gặp gỡ bất thường giữa những người đã được phân cách trong nhiều thế kỷ. Người Do Thái và Samaria không có tiếp xúc với nhau. Và họ công khai bày tỏ sự thù ghét khi gặp mặt nhau. Trong đoạn Phúc âm này, chúng ta thấy một ngoại lệ hiếm có – một người cùi xứ Samaria trong số chín người cùi người Do Thái. Đôi khi nghịch cảnh ép buộc chúng ta buông thả những chướng ngại của mình, hoặc để quên đi những thành kiến của mình. Khi những người cùi nhìn thấy Đức Giêsu, họ đã thực hiện một yêu cầu táo bạo. Họ không cầu xin cho được chữa bệnh, nhưng cầu xin lòng thương xót. Thương xót là đau đớn từ cõi lòng trước sự bất hạnh của người khác Hạn từ thương xót nghĩa đen là “phiền muộn trong lòng”. Nhưng lòng thương xót là cái gì còn hơn cả lòng trắc ẩn, hay phiền muộn chân thành về sự bất hạnh của người khác. Lòng trắc ẩn thương cảm với người đau khổ. Nhưng lòng thương xót đi xa hơn, nó sẽ cất đi sự đau khổ. Một người có lòng thương xót chia sẻ sự bất hạnh và đau khổ của người khác như thể nó là của riêng mình. Và họ sẽ làm mọi thứ trong khả năng của mình để xua đuổi sự đau khổ đó. Lòng thương xót cũng được nối kết với công lý. Thánh Thomas Aquinas (1225-1274), một giáo sư lỗi lạc và nhà nghiên cứu Kinh thánh cho rằng lòng thương xót “không tiêu diệt công lý, nhưng là sự thi hành công lý… Lòng thương xót mà không có công lý là mẹ của sự phân hủy; và công lý mà không có lòng thương xót là tàn ác”. Lòng thương xót “thúc đẩy chúng ta làm những gì chúng ta có thể làm để giúp người khác”. Lòng thương xót tìm hóa giải sự yếu đuối của người khác, và ở đâu có tội lỗi thì dẫn họ tới sự nhận ra sự cần thiết phải sám hối và từ bỏ những việc làm sai trái. Tha thứ mà không có hối hận là phủ nhận công lý. Lòng thương xót của Thiên Chúa đem lại sự chữa lành cho trí óc, tâm hồn, và thân xác Vì vậy, ý nghĩa của mười người phong cầu xin lòng thương xót là gì? Họ biết họ đang cần chữa bệnh, không chỉ về phần thể lý, nhưng còn về phần thiêng liêng nữa. Họ đến gần với Đức Giêsu lòng thống hối và đức tin, vì họ tin rằng Người có thể gỡ bỏ gánh nặng tội lỗi và đau khổ và phục hồi cho thân xác và tâm hồn. Yêu cầu của họ cho lòng thương xót vừa là sự cầu xin cho tha thứ, và giải thoát khỏi đau khổ. Đức Giêsu tỏ lòng thương xót cho tất cả những ai cầu xin với lòng tin và lòng thống hối (hối tiếc thật sự vì tội lỗi). Tại sao chỉ có một người cùi trong số mười người trở lại để bày tỏ lòng biết ơn? Sự biết ơn diễn tả tấm lòng tri ân và cảm tạ, được kết nối với ơn sủng – Có nghĩa là sự bày tỏ vẻ đẹp. Lòng biết ơn là sự kính trọng của tâm hồn mà đáp lại với lòng tốt, trong việc thể hiện một cử chỉ tạ ơn. Người Samaria đến gần Đức Giêsu một cách cung kính, và dâng lời ngợi khen Chúa. Sự vô ơn dẫn tới sự thiếu tình yêu, nhân hậu và bất dung đối với người khác Nếu chúng ta không nhận ra và tri ân lòng thương xót đã dành cho chúng ta, chúng ta trở thành người vô ơn. Sự vô ân là sự quên đi hoặc thái độ lạnh nhạt đối với lòng tốt đã nhận được. Sự vô ân dễ dàng dẫn đến sự thiếu lòng mến và không có sự khoan dung đối với những người khác, cũng như tội lỗi khác, như sự bất mãn, không hài lòng, than trách, càu nhàu, kiêu ngạo và ngạo mạn. Chúng ta có thường vô ơn với cha mẹ, cha xứ, các giáo viên, và hàng xóm của chúng ta không? Bạn có bày tỏ lòng biết ơn đối với Thiên Chúa về lòng thương xót của Người dành cho bạn, và bạn có tỏ lòng thương xót đối với tha nhân không? Lạy Chúa Giêsu, ước gì con không bao giờ lơ là để nhận ra lòng nhân hậu và thương xót yêu thương của Chúa. Xin lấp đầy trái tim con lòng trắc ẩn và biết ơn, và giải thoát con khỏi sự vô ân và bất mãn. Xin giúp con ghi nhớ những phúc lành của con với lòng biết ơn, và dâng lời cảm tạ Chúa trong mọi trường hợp. |
Tác giả: Don Schwager
(http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/)
Bro. Paul Thanh Vu – chuyển ngữ
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn